Tiếng Cười Trong Bóng Tối - Chương 16
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
106


Tiếng Cười Trong Bóng Tối


Chương 16



Mọi chuyện diễn ra đúng như dự định. Trên chiếc khay sơn mài đặt trong sảnh là những tấm thẻ được khéo léo làm sẵn, có ghi tên các vị khách mời xếp thành cặp, để mọi người đều biết ngay mình sẽ ngồi cạnh ai trong bữa tối: bác sĩ Lampert và Sonia Hirsch; Axel Rex và Margot Peters; Boris von Ivannoff và Olga Waldheim, vân vân. Một người hầu (vừa mới được tuyển) đầy ấn tượng với khuôn mặt của một bậc thượng lưu người Anh (hay ít ra Margot nghĩ vậy, và cặp mắt cô thường nấn ná nhìn hắn không hề ác cảm) trịnh trọng mời khách vào. Cứ vài phút chuông cửa lại reo. Trong phòng khách đã có năm người, ngoài Margot. Bước vào tiếp là Ivanoff – von Ivanoff, cái tên ông ta coi là xứng đáng để người khác gọi ông, người gầy, mặt giống loài chồn, hàm răng gớm guốc và đeo kính một mắt. Sau đó là Baum, nhà văn, một kẻ nhặng xị, mập lùn, mặt đỏ, có khuynh hướng cộng sản rõ rệt và thu nhập dư dả, đi cùng vợ, một phụ nữ đứng tuổi, thân hình còn rất mỹ miều, trong những năm tháng tuổi trẻ ngông cuồng từng bơi trong bể kính giữa những chú hải cẩu làm xiếc.

Chuyện trò đã khá rôm rả. Olga Waldheim, nữ ca sĩ có hai cánh tay trắng muốt, bộ ngực tròn căng, mái tóc uốn sóng màu mứt cam, và âm điệu báu ngọc trong mỗi lần nàng uốn giọng, như thường lệ đang kể những mẩu chuyện đáng yêu về sáu chú mèo Ba Tư của mình. Albius đứng cười và vừa chăm chú nhìn Margot qua bờm tóc trắng của ông bạn Lampert (một chuyên gia tài năng về họng và biết chơi vĩ cầm với trình độ xoàng xoàng) vừa nghĩ trong đầu rằng chiếc váy đăng ten màu đen cùng bông thược dược bằng nhung gài ở ngực mới hợp với cô làm sao, chà thật là đáng yêu. Trên đôi môi đỏ rực thoáng nụ cười phòng thủ, như thể cô không dám chắc người ta có đang giễu cợt cô hay không, và mắt cô biểu lộ vẻ nai tơ đặc biệt, ông biết thế có nghĩa là cô đang phải nghe những thứ cô chẳng hiểu gì: trong trường hợp này là những ý tưởng của Lampert về âm nhạc của Hindemith.

Bỗng nhiên ông nhận thấy cô mặt đỏ bừng bừng và nhổm dậy. “Thật ngốc nghếch, tại sao cô ấy lại đứng dậy như thế nhỉ?” ông thầm nghĩ trong khi vài người khách mới đến bước vào: Dorianna Karenina, Axel Rex và hai nhà thơ trẻ hạng tép riu.

Doriana ôm hôn Margot làm mắt Margot sáng long lanh như vừa mới khóc. “Đúng là ngốc thì mới uốn gối trước cái cô diễn viên hạng hai đó,” Albinus lại nghĩ. Dorianna nổi tiếng vì có đôi vai thanh tú, nụ cười Mona Lisa và chất giọng khàn khàn của lính ném lựu đạn.

Albinus bước lại gần Rex đang còn chưa biết ai là chủ nhà và đang xoa xoa hai tay như xát xà phòng.

“Tôi rất vui vì cuối cùng cũng được gặp anh,” Albinus nói. “Anh có biết là tôi đã hình dung về anh rất khác – lùn, béo, đeo kính gọng sừng, cho dù tên anh luôn làm tôi nghĩ đến một cây rìu. Thưa quý ông quý bà, đây là người gây cười cho cả hai lục địa. Chúng ta hãy hy vọng lần quay lại Đức này anh ấy sẽ ở lại hẳn.”

Với cặp mắt lấp lóe, Rex khẽ cúi chào nhiều lần trong khi vẫn liên tục xoa tay. Hắn diện một bộ vét kiểu công sở đẹp mê hồn giữa một thế giới smoking Đức cắt may xấu xí.

“Xin mời mọi người vào bàn,” Albinus nói.

“Tôi đã gặp em gái ông rồi thì phải?” Dorianna hỏi bằng giọng trầm đáng yêu của mình.

“Em gái tôi đang ở trên Thiên đường,” Rex trang nghiêm đáp.

“Ồ, tôi xin lỗi,” Dorianna nói.

“Chưa từng ra đời,” hắn nói thêm và ngồi xuống chiếc ghế cạnh Margot.

Vừa cười khoan khoái, Albinus vừa thả ánh mắt mình đi lạc về phía Margot. Cô đang nghiêng người về phía khách ngồi kế bên, Sonia Hirsch, họa sĩ lập thể dáng vẻ từ mẫu, với khuôn mặt tẻ nhạt. Trong dáng dấp giống trẻ con đến lạ, đôi vai Margot hơi nhô lên và cô nói nhanh bất thường, đôi mắt cô ươn ướt và hàng mi chớp chớp. Ông nhìn xuống chiếc tai nhỏ xinh ửng đỏ của cô, đường ven ở cổ cô, mảng tối mềm mại giữa hai bờ ngực cô. Một tay ép lên gò má cháy bỏng, cô nôn nóng say sưa tuôn ra hàng tràng câu vô nghĩa.

“Người hầu là đàn ông thì ít ăn cắp hơn,” cô liến thoắng, “cho dù dĩ nhiên là không ai lại đi ăn trộm một bức tranh thật to, và có thời tôi rất mê những bức tranh to có đàn ông cưỡi ngựa, nhưng sau khi xem quá nhiều tranh…”

“Cô Peters,” Albinus nói bằng giọng xoa dịu, “đây là người làm cả hai lục địa…”

Margot giật mình bật quay lại.

“Ồ, thật vậy sao, hân hạnh được biết ông.”

Rex nghiêng người chào, rồi trong khi quay sang Albinus hắn từ tốn bình luận:

“Trên tàu tôi tình cờ đọc được cuốn tiểu sử Sebastiano dl Piombo xuất chúng do ông viết[1]. Thật tiếc là ông đã không trích dẫn thơ xon-nê của ông ta.”

[1. Sebastiano Luciani del Piombo (1485- 1547): họa sĩ Ý. Nabokov có viết một truyện tựa đề La Venezia về bức tranh Chân dung một người đàn bà La Mã trẻ của del Piombo.]

“Ồ, nhưng mà thơ của ông này rất dở,” Albinus đáp.

“Đúng vậy,” Rex nói. “Chính đó mới là điều quyến rũ đến vậy.”

Margot bật dậy và bằng những bước đi nhanh gần như nhảy cô lao về phía người khách cuối cùng – một phụ nữ khô héo chân dài giống như con đại bàng bị nhổ trụi lông. Margot từng theo học lớp diễn thuyết của bà ta.

Sonia Hirsch dịch đến chỗ Margot và quay sang Rex:

“Anh nghĩ gì về các tác phẩm của Cumming?” cô ta hỏi. “Ý tôi nói đến loạt tác phẩm gần đây nhất của ông ta – mấy cái Giá treo cổ và Nhà máy ấy, anh biết chứ?”

“Dở ẹc,” Rex đáp.

Cửa phòng ăn mở ra. Các quý ông nhìn quanh tìm quý bà của mình. Rex đứng tách biệt. Ông chủ nhà đang chìa tay đỡ Dorianna, chăm chăm nhìn quanh tìm Margot. Ông thấy cô ngay ở phía trước, chen giữa dòng những cặp đôi đang chảy vào phòng ăn.

“Tối nay cô ấy không được khỏe,” ông lo lắng nghĩ, và bàn giao quý bà của mình cho Rex.

Khi mọi người đang thanh toán món tôm hùm, ở đầu bàn ăn, nơi (chuỗi tên sau đây tốt nhất nên được sắp xếp theo một đường cong) Dorianna, Rex, Margot, Albinus, Sonia Hirsch và Baum đang ngồi, cuộc nói chuyện đang lúc sôi nổi nhất cho dù khá rời rạc. Margot đã một hơi nốc cạn ly rượu thứ ba và lúc này đang ngồi người thẳng cứng, đôi mắt rực sáng nhìn thẳng về phía trước. Rex không để ý đến cả cô lẫn Dorianna, cái tên cô này làm hắn khó chịu, mà đang tranh cãi ngang qua bàn với nhà văn Baum về vấn đề phương tiện biểu đạt nghệ thuật.

“Một nhà văn chẳng hạn,” hắn nhận xét, “nói về Ấn Độ nơi tôi chưa bao giờ đến thăm, và tuôn ra hàng tràng về vũ nữ, săn hổ, thầy tu khổ hạnh, hạt trầu, rắn rết: Vẻ đẹp quyến rũ của phương Đông bí ẩn vân vân. Nhưng điều đó rốt cuộc là gì nào? Chẳng là gì hết. Thay vì hình dung ra Ấn Độ, tôi chỉ có được một cơn đau răng nhức nhối vì những hương vị ngọt ngào phương Đông đó. Bây giờ, có cách khác, như một vị đồng nghiệp từng viết: “Trước khi đi ngủ, tôi bỏ đôi bốt ướt ra để phơi khô và sáng hôm sau tôi thấy một rừng cây xanh lam rậm rạp mọc trên đó (‘Nấm mốc, thưa bà,’ hắn giải thích cho Dorianna lúc này đang nhướng mày) thế là ngay lập tức Ấn Độ trở nên sống động trong tôi. Phần còn lại sẽ tự đến.”

“Các yogi ấy làm được những điều kỳ diệu,” Dorianna nói. “Hình như họ có thể thở sao cho…”

“Nhưng xin lỗi cậu, anh bạn thân mến,” Baum phấn khích kêu lên – vì ông này vừa viết một tiểu thuyết dài năm trăm trang về chuyện diễn ra tại Tích Lan[2], ông ta vừa ở đó hai tuần, suốt ngày đội mũ cối chống nắng. “Cần phải làm bức tranh hoàn toàn bừng sáng, để mỗi bạn đọc có thể hiểu được. Điều quan trọng không phải là cuốn sách ta viết ra, mà là vấn đề nó đặt ra và giải pháp. Để mô tả vùng nhiệt đới, tôi buộc phải tiếp cận chủ đề từ góc quan trọng nhất, tức là – sự bóc lột, sự tàn ác của thực dân da trắng. Nếu cậu nghĩ về hàng triệu hàng triệu…”

[2. Tích Lan (Ceylon): tên trước đây của Sri Lanka.]

“Tôi chẳng nghĩ gì sất,” Rex nói.

Margot đang đăm đăm nhìn về phía trước, bất chợt cười khúc khích – và điều này, không rõ vì sao, chẳng liên quan gì đến cuộc nói chuyện. Albinus đang thảo luận giữa chừng về cuộc triển lãm nghệ thuật mới nhất với nhà họa sĩ lập thể dáng vẻ từ mẫu, liền liếc sang cô tình nhân trẻ của mình. Ờ, cô ấy uống quá nhiều. Giữa khi ông đang nhìn, cô lại uống một ngụm từ ly của ông. “Thật là trẻ con!” ông nghĩ trong khi sờ vào đầu gối của cô dưới bàn. Margot lại cười khúc khích và ném một bông cẩm chướng qua bàn đến ông già Lampert.

“Thưa các ngài, tôi không biết các ngài nghĩ gì về Udo Conrad,” Albinus xen vào cuộc xung đột. “Với tôi dường như anh ta thuộc loại tác giả có tầm nhìn tinh tế và phong cách siêu phàm có thể làm anh thích, thưa anh Rex, và nếu anh ta không phải là một nhà văn lớn thì đó là vì – vì về chuyện này, ngài Baum, tôi đồng tình với ngài – anh ta khinh thường các vấn đề xã hội, mà làm như thế trong thời đại của các biến động xã hội này là điều đáng trách và, cho phép tôi nói thêm, là tội lỗi. Thời cùng là sinh viên ở Heidelberg tôi biết anh ta rất rõ và sau đó chúng tôi thi thoảng gặp nhau. Tôi coi cuốn sách hay nhất của anh ta là Thủ thuật biến mất, thực tế là chương đầu cuốn đó anh ta từng đọc ở đây, tại bàn này, ý tôi là, tại một cái bàn tương tự, và…”

Sau bữa tối họ ngả ngớn, hút thuốc và uống rượu mùi. Margot nhẹ vút từ chỗ này đi sang chỗ khác và một trong hai nhà thơ tép riu cứ lẽo đẽo theo cô như con chó xù. Cô đề xuất thử dùng điếu thuốc của mình đốt một lỗ trên lòng bàn tay cậu ra và bắt đầu làm thế thật, và, dẫu mồ hôi chảy ròng ròng, cậu vấn giữ nụ cười như một vị anh hùng trẻ tuổi. Lúc trước ở một góc thư viện, Rex đã kéo dài rất lâu thái độ xúc phạm không thể tưởng tượng nổi với Baum, và giờ thì hắn chuyển sang nói chuyện với Albinus và bắt đầu mô tả cho ông một vài khía cạnh của Berlin như thể đó là một thành phố đẹp xa xôi; hắn tả hay đến độ Albinus hứa sẽ cùng hắn đi xem con đường đó, cây cầu đó, bức tường màu sắc kỳ dị đó…

“Tôi vô cùng xin lỗi,” ông nói, “rằng chúng ta không thể cộng tác làm bộ phim dựa trên ý tưởng của tôi được. Tôi chắc rằng nếu anh làm hẳn sẽ tạo nên điều kỳ diệu, nhưng thẳng thắn mà nói tôi không thể làm được – lúc này thì không, dù thế nào đi chăng nữa.”

Cuối cùng các vị khách bị cuốn vào làn sóng, bắt đầu bằng những tiếng rì rầm nho nhỏ, lớn dần cho đến khi nó cuốn họ ra khỏi nhà trong một cơn xoáy những lời tạm biệt sủi bọt.

Albinus còn lại một mình. Không gian màu xanh và nặng khói xì gà. Ai đó đánh đổ thứ gì lên chiếc bàn Thổ Nhĩ Kỳ – chỗ nào cũng dính nhớp nháp. Người hầu trịnh trọng, mặc dù hơi loạng choạng (“Nếu gã còn uống say lần nữa mình sẽ đuổi việc gã”), mở cửa sổ ra, và màn đêm đen trong trẻo sương giá ùa vào.

“Không hẳn là một buổi tiệc rất thành công, có vẻ vậy,” Albinus nghĩ và vừa ngáp vừa cởi áo smoking ra.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN