Tiếu Ngạo Trung Hoa - Chương 12: Giao Long, Hắc Vũ nan phân thực - Đại Lý, An Nam soán Đại Minh
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
111


Tiếu Ngạo Trung Hoa


Chương 12: Giao Long, Hắc Vũ nan phân thực - Đại Lý, An Nam soán Đại Minh



Sau nửa tháng vượt suối trèo non, đoàn sứ thần An Nam đưa được cống phẩm đến Bắc Kinh.

Nam Cung Giao và anh em họ Trịnh đã đồng hành cùng họ để đề phòng bất trắc.

Trong thời gian này, Đạm Thủy luôn quấn quít bên chàng.

Chuyện trò thân mật, nàng đã nguyện dạy Nam Cung Giao nói tiếng An Nam và vô cùng thán phục khi thấy học trò của mình tiếp thu rất nhanh.

Ngược lại, Đạm Thủy bắt chàng phải dạy tiếng Bắc Kinh cho mình.

May thay, tuy không được đến trường học hành tử tế, song nhờ có người mẹ văn võ toàn tài nên Nam Cung Giao chẳng phải là kẻ dốt nát.

Trinh Tâm thông minh mẫn tiệp, được Đặng Tất hết lòng yêu mến, đi đâu cũng cho theo trong việc giao thiệp với quan lại nhà Minh, suốt thời gian ông trá hàng, đều qua sự phiên dịch của ái nữ. Chính vì thế mà Trinh Tâm không như những thiếu nữ Giao Châu khác!

Là con quan, nàng được học hành chu đáo, văn hay chữ tốt, thông thạo cả tiếng Quảng Đông lẫn Bắc Kinh!

Trung Hoa đất rộng người đông, mỗi địa phương đều có ngôn ngữ riêng, vậy thì trong triều đình bá quan nói năng với nhau thế nào?

Bá quan là tập hợp những nhân tài trong cả nước, xuất thân khác nhau, nếu không có một ngôn ngữ chung thì nguy to, chẳng ai hiểu ai nói gì!

Thời Chiến Quốc, người nước Yên không hiểu tiếng Sở, người nước Triệu không biết tiếng nước Việt (Lưỡng Quảng), chữ viết cũng có chỗ khác nhau.

Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng sai Tể tướng Lý Tư thống nhất ngôn ngữ và văn tự.

Về chữ viết, họ Lý đặt ra lối chữ Tiểu Triện giản dị và thông dụng.

Nhưng về ngôn ngữ thì không sử gia nào ghi chép lại rằng nhà Tần chọn loại tiếng nói của vùng nào để làm ngôn ngữ chung cho cả nước, ít nhất là để sử dụng trong việc học hành hay cai trị!

Ngay cả những triều đại sau này như Hán, Tùy, Đường cũng vậy.

Hậu thế không biết ngày xưa Lý Bạch đã ngâm thơ ca tụng nhan sắc Dương Quý phi bằng tiếng Quảng hay tiếng Tiều!

Người đời sau chỉ có thể phỏng đoán, dựa theo vị trí của kinh đô mỗi triều đại, rằng vua quan các nhà ấy dùng tiếng Trường An (Thiểm Tây).

Nhưng tiếng Bắc Kinh thì có căn cứ rõ ràng hơn, vì Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn quê ở vùng phía Nam Bắc Kinh. Vua nói tiếng gì thì chắc các quan cũng phải học thứ tiếng ấy để khỏi bị rơi đầu!

Sau này, người Mông Cổ chiếm được Trung Hoa cũng đặt kinh sư ở Bắc Kinh, đặt tên là Đại Đô. Tất nhiên họ phải sử dụng ngôn ngữ của địa phương sở tại!

Rồi đến khi Minh Thành Tổ dời đô từ Kim Lăng ra Bắc Kinh, học trò cả nước bắt buộc phải biết tiếng Bắc Kinh thì mới mong thi cử, làm quan.

Ngay đám hào kiệt giang hồ, nếu muốn tung hoành tứ hải, dọc ngang thiên hạ thì cũng phải học nói thứ tiếng phổ thông này, để đỡ phải mỏi tay!

Nam Cung Giao nuôi chí tang bồng hồ thỉ nên không thể không biết! Và thầy của chàng chính là mẫu thân!

Trinh Tâm giao thiệp với quan lại nhà Minh nên vốn liếng tiếng Bắc Kinh của bà văn hoa, quan cách chứ chẳng phải dân dã, quê mùa!

Cũng như Trinh Tâm, Cầm Đạm Thủy không nhuộm răng, vì bộ tộc của nàng không có tập quán này! Trong khi Lê Khả và Nguyễn Đào đều có nụ cười đen bóng!

Tình cảm giữa nàng và Nam Cung Giao ngày càng sâu đậm, nhưng kẻ Nam người Bắc xem ra khó mà thành tựu!

Họ chia tay nhau trong cảm giác bùi ngùi, lưu luyến.

Nam Cung Giao dặn dò :

– Tam vị cứ về dịch xá nghỉ ngơi, chờ triệu kiến! Có gì khó khăn cứ đến Trịnh gia trang ở cạnh Thần Nông Đàn tìm tại hạ!

Trịnh gia trang chính là nhà cũ của anh em họ Trịnh.

Đạm Thủy vui vẻ đáp :

– Tiểu muội còn ở đây cả tháng để làm đẹp cho Hoàng Thái hậu, dù không có việc cần, tiểu muội cũng sẽ đến thăm công tử!

Song phương cáo từ, mỗi phe mỗi ngả. Dịch xá ở trong Hoàng Thành, còn Trịnh gia trang nằm tại ngoại thành!

Trịnh mẫu thấy mặt hai đứa con bất hiếu, lêu lổng, mừng đến ứa nước mắt, song vẫn mắng chưởi :

– Hai ngươi phá tan cơ nghiệp rồi bỏ lão thân mà đi biền biệt, chắc không kiếm đủ ăn nên lại mò về chứ gì? Thật tủi hổ cho tông môn họ Trịnh!

Trịnh Tháo xấu hổ với Nam Cung Giao, lén nháy mắt ra hiệu rồi cười giả lả :

– Mẫu thân đã trách oan bọn hài nhi rồi. Mấy năm qua, anh em hài nhi làm công sai cho phủ Thượng thư ở Nam Kinh. Do việc quan đa đoan nên không thể về vấn an từ mẫu. Nay hiền tế của Mã thượng thư đi công cán Bắc Kinh, bọn hài nhi cũng được cử theo, sẵn dịp thăm nhà.

Làm mẹ, ai cũng mong con cái công thành danh toại, Trịnh mẫu nghe nói hai con phục vụ cho phủ Thượng thư, liền hoan hỉ, vái chào Nam Cung Giao, mời chàng ngồi!

Nam Cung Giao nhìn quanh, thấy nhà cửa xềnh xoàng, biết Trịnh gia trang đang rất thiếu khốn. Mái tóc bạc phơ và thân hình ốm yếu của Trịnh mẫu đã khiến chàng cảm thương.

Rõ ràng là hai gã bất hiếu tử kia đã không hề chu cấp cho từ mẫu. Phải chăng vì cái danh hiệp đạo mà các môn nhân Thế Thiên hội đều nghèo mạt rệp?

Chàng muốn bà lão kia được an nhàn, sung túc trong quãng đời còn lại nên cung kính nói :

– Bẩm lão thái! Nhị vị đây dầy công hạng mã với Bộ Hình suốt mấy năm quạ Do vậy, gia nhạc phụ là Mã thượng thư đã quyết định ban thưởng năm trăm lượng vàng, nhờ tiểu điệt trao tận tay lão thái gọi là tuyên dương công lao của Trịnh Gia, đã sản sinh, giáo huấn nên hai bầy tôi mẫn cán cho triều đình!

Trịnh mẫu sững sờ kinh ngạc, không hiểu mình mơ hay tỉnh. Hai thằng con trời đánh thánh vật kia mà lại có thể làm rạng rỡ tông môn được sao?

Cả Trịnh Tháo và Trịnh Mãng cũng bất ngờ, lòng tràn ngập cảm giác biết ơn, chàng đã khéo léo làm vui lòng người mẹ già tội nghiệp của họ!

Trịnh mẫu run rẩy nhận lấy tờ ngân phiếu, luôn miệng cảm tạ ơn đức của Mã thượng thư!

Số vàng này đủ để bà sửa chữa trang viện và sống an nhàn đến cuối đời, với niềm tự hào về hai đứa con anh hùng!

Nếu bà biết sự thực về nghề nghiệp ăn cướp của Trịnh Tháo và Trịnh Mãng thì sẽ đứt gân máu chết ngay.

Sau bốn ngày dạo chơi, thăm thú thắng cảnh Bắc Kinh, nhân tiện tìm Mộc Kính Thanh và điều nghiên địa thế phủ Bình Phiên Công.

Nam Cung Giao quyết định ra tay!

Trương Phụ được phong tước Công, nên dù đã trí sĩ, vẫn được ở trong tòa phủ đệ vua ban. Mười năm nay, họ Trương không tham chính nhưng vẫn được tôn trọng như người lão tướng tài ba nhất của hai đời vua Thành Tổ và Tuyên Tôn.

Nghe đồn rằng, từ ngày cáo lão qui điền, ở tuổi sáu mươi lăm, Trương Phụ dốc chí tu hành, ngày ngày kinh kệ, giữ giới cư sĩ. Có lẽ lão sám hối cho những tội lỗi đã gây ra trong hai lần chinh phạt An Nam!

Kẻ tu hành thì nếp sống giản dị, gia nhân không nhiều.

Nam Cung Giao và anh em họ Trịnh dễ dàng xâm nhập vào đến tận khu hậu viện, dù trời mới giữa canh hai.

Nam Cung Giao nấp ngoài cửa sổ nhìn lão già râu tóc bạc phơ, mặc tăng phục xanh xám kia, mà lòng phân vân vô hạn.

Giờ đây, gương mặt quắc thước của Trương Phụ toát ra vẻ từ bi hiền hòa. Lão đang ngồi xếp bằng trước tượng Phật Như Lai, mắt nhắm hờ, miệng tụng niệm kinh A Di Đà, tay gõ chuông mõ!

Hết khóa lễ, Trương Phụ đứng lên khấn vái :

– Đệ tử kiếp này gây nhiều sát nghiệp, về già lòng vô cùng hối hận, xin thành tâm trai giới tu hành, cầu siêu giải oan cho hàng vạn nạn nhân năm xưa!

Lão thở dài, rời Phật Đường, đi vào thư phòng ở gần đấy.

Lúc này mà Nam Cung Giao xuất thủ thì Trương Phụ chẳng thể thoát chết, nhưng chàng vẫn do dự bất quyết!

Trịnh Mãng thì thầm :

– Nếu không tha được thì phải giết ngay! E rằng sau này chẳng có cơ hội tốt nữa?

Nam Cung Giao gật đầu, cùng anh em họ Trịnh lao về phía thư phòng.

Viên Tổng quản già của phủ cầm đèn lồng đến tìm chủ nhân :

– Bẩm đại nhân! Có quan Thái Bảo Liễu Di Phu đến cầu kiến, đang chờ ở khách sảnh.

Liễu Di Phu là bào đệ của Minh Lỗ Phó tướng quân An Viễn Hầu Liễu Thăng, người bị quân của Lê Sát chém chết ở núi đảo Mã Pha (phía Nam ải Chi Lăng) vào ngày hai mươi tháng chín năm Đinh Mùi, nhằm năm Tuyên Đức thứ hai, đời vua Minh Tuyên Tông!

Liễu Di Phu được Tập Tước Hầu của anh trai, đường hoạn lộ rất hạnh thông, hiện là đương kim Thái Bảo Triều Minh. Uy quyền của Di Phu chỉ dưới có mình lão Thái sư Triển Tài.

Trương Phụ chào khách rồi điềm đạm hỏi :

– Chẳng hay Liễu Hầu gia giá lâm tệ phủ vì việc gì?

Liễu Di Phu nghiêm giọng :

– Nay vua An Nam là Lê Thái Tông còn nhỏ tuổi, quyền hành tập trung cả vào tay gã ngu phu Lê Sát.

Đây chính là cơ hội tốt nhất để chúng ta khởi binh chinh phạt An Nam! Tiểu đệ được sự ủng hộ của các đại thần, định sẽ khải tấu lên Thánh thượng, xin người hạ chỉ xuất chinh! Trương túc hạ là người hai lần đại thắng An Nam, xin chỉ giáo cho tiểu đệ vài yếu quyết về chiến lược!

Trương Phụ rót trà mời khách, trầm ngâm một lúc rồi đáp :

– Lão phu biết Hầu gia chưa quên được mối thù giết anh, quyết lấy đầu Lê Sát! Tuy nhiên, theo thiển ý của lão phu thì việc chinh phục An Nam là hoàn toàn không nên làm!

Thứ nhất là vì xứ An Nam nhỏ bé chưa bao giờ là hiểm họa của Trung Hoa. Họ chỉ mong được yên thân, cầu hòa chứ chẳng dám nghĩ đến việc xâm phạm cương thổ Minh Triều!

Họ Trương nhấp hớp trà rồi nói tiếp :

– Thứ hai, đất An Nam hiểm trở, thủy thổ không thích hợp với quân ta, có đánh được cũng phải chịu thương vong rất lớn!

Thứ ba, giống dân Giao Chỉ kia tuy nhút nhát, cầu an, song khi ra trận mạc thì rất can đảm và có kỷ luật, chẳng hề chịu khuất phục. Tóm lại, dẫu có chiếm được đất cũng chẳng thể giữ được lâu!

Trong khi rợ Mông cổ đang dòm ngó biên cương phía Bắc thì việc đánh An Nam là bất trí vậy!

Liễu Di Phu sa sầm nét mặt :

– Không ngờ Trương túc hạ lại là kẻ khiếp nhược như thế! Phu này chẳng cần kinh nghiệm của túc hạ cũng có thể chiếm được An Nam một cách dễ dàng!

Lão phất tay áo giận dữ bỏ về, chẳng thèm chào hỏi chủ nhà.

Trương Phụ nhìn theo, buột miệng than :

– Nếu Thánh thượng nghe lời lão côn đồ kia thì máu xương lại chất chồng lên đất An Nam. Sáng mai, ta phải vào triều cảnh tỉnh Thiên tử mới được.

Nam Cung Giao ở ngoài nghe thấy hết, quyết định tha thứ cho Trương Phụ! Người chàng phải giết sẽ là những vị đại phần đang chủ trương xâm chiếm An Nam!

Ba người trở về Trịnh gia trang.

Trịnh Mẫu hớn hở nói :

– Lão thân biết công tử đi chơi khuya về tất sẽ đói bụng, nên đã nấu sẵn nồi cháo gà.

Trịnh Mãng cười hì hì :

– Mẫu thân quả là tinh ý và chu đáo. Hài nhi cũng đang thèm rượu!

Bà lão trợn mắt :

– Ngươi cứ mở miệng ra là rượu chè! Nay đã là người của quan nha, phải biết giữ tư cách chứ!

Anh em họ Trịnh nhìn nhau vui vẻ.

Trịnh Tháo tủm tỉm đỡ lời em :

– Mẫu thân yên tâm! Chỉ khi về nhà bọn hài nhi mới uống thôi, còn lúc thi hành công vụ, dẫu một giọt cũng chẳng dám! Tóm lại, anh em hài nhi học theo công tử đây, mỗi ngày tối đa là ba chén.

Trịnh Mẫu hài lòng :

– Thế thì tốt!

Bà quay xuống bếp, lát sau cùng một phụ nhân tuổi ngũ thập dọn cháo lên.

Người đàn bà này là cháu họ của Trịnh mẫu, do góa bụa côi cút nên đến ở với Biểu Di.

Thấy Nam Cung Giao trầm tư nâng chén uống mãi, Trịnh Tháo nghiêm giọng :

– Công tử! Anh em thuộc hạ biết phận hèn mọn chẳng dám hỏi đến tâm sự của bậc quí nhân, song, nếu phải vào cung hành thích Hoàng Đế thì cũng chẳng từ nan! Xin công tử cứ dạy bảo!

Trịnh Mãng tiếp lời :

– Chim khôn lựa cành mà đậu. Anh em thuộc hạ đã nguyện suốt đời theo phò công tử dẫu chết cũng chẳng màng!

Nam Cung Giao nhìn hai gương mặt rắn rỏi, chân thành của họ, gật gù đáp :

– Nhị vị đã có lòng như vậy thì ta cũng chẳng giấu! Gia mẫu là người Giao Chỉ!

Trước khi rời Bắc Kinh, đến Trường An gia nhập Thế Thiên hội, Trịnh Tháo và Trịnh Mãng chỉ là đại ca của bọn côn quang Đế đô. Giờ đây, hai gã tìm đến bọn thủ hạ cũ, điều động chúng thực hiện một kế hoạch tinh vi!

Lão Đại Bắc Kinh hiện nay vốn là đệ tử ruột của Trịnh Tháo, tên gọi Lương Nhẫn biệt hiệu Thiên Gia Thử, đao pháp cũng khéo và xảo quyệt như chồn!

Nay sư phụ trở về, thưởng ngay cho trăm lượng vàng, khiến họ Lương khoan khoái, hết lòng phục vụ!

Chỉ đến chiều ngày rằm, Thiên Gia Thử đã tìm ra tung tích của Mộc Kính Thanh.

Bẩy ngày trước, họ Mộc đã từ Kế Thành đại lữ điếm đến Cầu Lô Câu, đứng tựa thành cầu ngắm nước chảy rất lâu. Sau đó, không thấy đâu cả, hành lý vẫn còn trong quán trọ.

Lô Câu kiều năm ở phía Tây Nam Bắc Kinh, được xây dựng năm Kỷ Dậu (1189), nhằm năm Trùng Hưng thứ mười sáu đời Nam Tống.

Lúc này, miền Bắc Trung Hoa đã thuộc về rợ Kim, và tương ứng với năm Đại Định thứ hai mươi chín, đời vua Kim Thế Tông Hoàn Diên Ung!

Vậy, cầu Lô Câu, tên ban đầu là Quảng Lợi, do rợ Kim xây dựng, nhưng tất nhiên cả thầy thợ đều là người Hán.

Rợ Kim là một bộ lạc đông đúc ở miền thượng du Hắc Long Giang, tên gọi Nữ Chân (vùng bộ tộc với Mãn Châu).

Người Kim lạc hậu dốt nát, tính tình hung hãn, chỉ được cái đánh nhau là giỏi! Thế nên, họ chẳng thể nào đủ đầu óc và khéo léo để xây một chiếc cầu nguy nga, hùng vĩ như Lô Câu Kiều được.

Cầu Lô Câu là cây cầu đá dài nhất, cổ nhất ở Hoa Bắc. Cầu được ghép bằng đá, dài hơn tám chục trượng, rộng gần ba trượng, trên thân khắc nổi bốn trăm tám mươi lăm con sư tử đá! Trên cầu còn có bốn hoa Biển và bốn bia đá rất lớn.

Cây cầu kỳ vĩ này nằm trong một phong cảnh tuyệt đẹp, nên đã trở thành đề tài ngâm vịnh cho các tao nhân mặc khách.

Nam Cung Giao không đến đây để làm thơ! Chàng đứng trên cầu đăm chiêu suy nghĩ, cố đoán xem từ đây Mộc Kính Thanh đã đi đâu mà lại không trở về quán trọ? Và vì sao gã lại không đến giết Trương Phụ như đã định?

Chàng dõi mắt nhìn quanh, chợt phát hiện trong cánh rừng xa xa kia thấp thoáng có mái ngói của một tòa nhà cao nào đấy, liền hỏi Thiên Gia Thử :

– Này Lương túc hạ? Chẳng hay những cơ ngơi trong khu rừng kia thuộc về ai vậy?

Lương Nhẫn cung kính đáp :

– Bẩm công tử! Chủ nhân nơi ấy là một lão già tuổi quá bẩy mươi, họ Lâm. Ba năm trước, lão từ Giang Nam về đây mua nguyên cánh rừng ba chục mẫu ấy và xây dựng nhà cửa! Tiểu nhân có thử mò vào thăm, nhưng không sao qua nổi trận pháp trong vườn. Tiểu nhân đoán lão ta là một bậc kỳ nhân võ nghệ cao cường chứ chẳng chơi!

Gã là học trò của Trịnh Tháo nên không dám xưng là thuộc hạ.

Nam Cung Giao hiếu kỳ hỏi :

– Sao túc hạ lại kết luận như thế?

Lương Nhẫn đắc ý đáp :

– Tiểu nhân đâu dám nói càn. Số là, có một hôm, tiểu nhân đang ngồi nhậu trong một tửu quán ở phố Thiên Kiều thì thấy lão họ Lâm kia đi dạo.

Lúc ấy, trên vỉa hè có ba gã da đen nhẻm, tướng mạo hung ác, chắc là hải tặc biển Đông. Họ vừa chạm mặt Lâm lão là quì ngay xuống, lạy như tế sao.

Tiểu nhân loáng thoáng nghe ba gã gọi Lâm lão đầu là Đảo chủ! Họ Lâm chỉ gật gù, xua tay, thế là ba hán tử kia rảo bước chuồn thẳng.

Nam Cung Giao bâng khuâng suy nghĩ, miệng lẩm bẩm :

– Chữ Mộc chẳng phải là một nửa của chữ Lâm hay sao?

Chàng chợt linh cảm rằng Mộc Kính Thanh có liên quan đến Lâm gia trang. Dù không dám chắc lắm nhưng chàng vẫn phải bám víu lấy manh mối duy nhất này.

Chàng hỏi lại :

– Có cách nào để vào Lâm gia trang một cách đường chính hay không?

Lương Nhẫn gãi đầu tính toán, rồi mỉm cười :

-Bẩm có, Lâm trang chủ rất khoái nuôi chim cảnh! Chúng ta chỉ cần tìm cho ra một con chim thật đẹp, thật khôn, mang đến bán cho lão là cửa trang rộng mở ngay!

Trịnh Mãng gật gù :

– Thế thì đêm nay chúng ta sẽ bắt trộm con Bạch Anh Vũ của lão Lưu Tài Thần ở phố Tô Châu nhuộm lông đem đến đấy gạ bán!

Trịnh Tháo cười nhạt :

– Ngươi đúng là ngu như heo. Con chim ấy nói tiếng người rất sõi, coi chừng chính nó sẽ khai ra lai lịch đấy!

Lương Nhẫn lắc đầu :

– Sư phụ yên tâm! Con chim quỷ ấy đã nghẽo hồi năm ngoái, còn con hiện nay chưa biết nói! Cứ nhuộm đen là xong!

Nam Cung Giao phì cười :

– Nói bậy! Trên đời này làm gì có chim vẹt màu đen?

Lương Nhẫn ngoan cố cãi lại :

– Chúng ta cứ nói phức là loài Hắc Anh Vũ hiếm có này được đưa từ Miến Điện hay Xiêm La sang, thì bố lão ta cũng không bắt bẻ được! Bạch Anh Vũ thì đâu chẳng có, phải là của lạ lão ta mới chịu tiếp.

Nam Cung Giao chỉ cần gặp mặt lão họ Lâm là đủ, nên để mặc Lương Nhẫn làm theo ý của gã!

Sáng mười bẩy, Nam Cung Giao cùng Lương Nhẫn có mặt trước cửa Lâm gia trang, gõ vào cánh cửa dày kiên cố và đồ sộ, được sơn đen bóng.

Trong tay Nam Cung Giao là một chiếc lồng chim nan đồi mồi khảm bạc giá mười lượng vàng. Đây là chiếc lồng đắt nhất Bắc Kinh! Còn con chim Vẹt đen thui ấy lại là thứ hiếm có nhất trên đời!

Trịnh Tháo đã dùng loại thuốc hóa trang đặc biệt của Thế Thiên hội để nhuộm lông con vật, chỉ chừa lại chiếc mỏ, đôi chân và mào!

Lát sau, cánh cửa hé mở, và một nữ lang áo xanh kiều diễm xuất hiện.

Nàng chớp mắt tủm tỉm hỏi :

– Chư vị là ai, đến đây vì việc gì?

Nam Cung Giao cười đáp :

– Bọn tại hạ từ phương Nam lên Bắc Kinh du ngoạn, chẳng may cạn túi thiếu lệ phí về quê. Nghe Lương huynh đây bảo rằng quí Trang chủ có thú chơi chim nên tại hạ đánh liều đem con Hắc Anh Vũ này đến bán.

Nữ lang che miệng cười khúc khích, ánh mắt đầy vẻ tinh ranh :

– Ối chà! Công tử quả khéo đùa, trên đời này làm gì có chim vẹt màu đen?

Nam Cung Giao thản nhiên đáp :

– Trời đất bao la, chuyện lạ chẳng thiếu! Trước khi bọn Tây Dương đến Trung Hoa buôn bán, chẳng ai tin rằng trên đời này lại có những cặp mắt xanh biếc như mắt mèo!

Nữ lang phì cười :

– Công tử quả là khéo biện luận, nhưng gia phụ không hiền như tiểu muội đâu!

Nam Cung Giao giật mình vòng tay :

– Thất lễ! Thất lễ! Té ra là Lâm tiểu thư! Tại hạ là Nam Cung Giao hân hạnh bái kiến!

Nữ lang nghiêng mình đáp lễ :

– Tiểu muội là Lâm Bảo Thoa! Còn vị anh hùng đây danh tính thế nào?

Nam Cung Giao liền giới thiệu Lương Nhẫn với nàng!

Bảo Thoa mở rộng cửa, mời khách nhập trang.

Lương Nhẫn cáo thoái để một mình Nam Cung Giao vào thôi. Gã ở lại cũng chỉ vướng chân chàng khi cần đào tẩu!

Vào đến khách sảnh, nàng để khách ngồi ở bàn bát tiên mà chạy vào gọi cha!

Nam Cung Giao tranh thủ quan sát khách sảnh, cố tình ra chút dữ kiện để bám víu. Chàng chỉ vào đây tìm Mộc Kính Thanh một cách vô căn cứ nên lòng rất băn khoăn, hồi hộp.

Trên tường Đông có treo một bức họa chân dung, vẽ một lão nhân đang đứng trên lưng Giao long, tay cầm trường tiên, phong thái cực kỳ oai vũ.

Nam Cung Giao hoan hỉ thở phào, thầm đoán Kính Thanh là con trai hay học trò của Lâm trang chủ, vì gã cũng sử dụng roi mềm.

Đã có được chứng cớ quan trọng, chàng bình thản trở về bàn ngồi.

Lâm trang chủ đã ra đến, dung mạo giống hệt như lão nhân trong tranh.

Lão không cao lớn, ngũ quan đoan chính, mắt sáng như sao, thần thái uy nghiêm khiếp người.

Khách đứng lên thi lễ với chủ nhân.

Lâm lão nhìn Nam Cung Giao chăm chú, nhãn quang sắc như dao.

Chàng nổi da gà, tự nhủ :

– Lão già này xem ra rất khó chơi, ta phải cẩn thận mới được!

Và chàng lên tiếng :

– Bẩm Trang chủ! Vãn bối là Nam Cung Giao, người miền Nam, vì thiếu lệ phí về quê nên đem chim quí đến đây nhờ pháp nhãn của Trang chủ thưởng lãm!

Lâm trang chủ nhìn con chim Anh Vũ đen tuyền, trong chiếc lồng đặt trên bàn, lạnh lùng nói :

– Lão phu đâu phải trẻ con để người hí lộng? Nếu không giải thích rõ ràng thì đừng hòng sống mà rời khỏi chốn này!

– Bẩm Trang chủ! Vãn bối mua còn Hắc Anh Vũ này của một lão Đạo Sĩ đất An Dương. Lúc đầu vãn bối cũng nghi ngờ, nhưng lão ta đã nói: Này tiểu thí chủ! Đạo trời đất biến hóa vi diệu khôn lường, hà tất phải để tâm đến việc có hay không có? Hàng ngàn năm nay, chẳng ai tận mắt thấy rồng, thế mà tranh, tượng của rồng đầy dẫy Trung Hoa! Chắc gì rồng là có thực, và chắc gì con vẹt lông đen này không có thực. Vãn bối nghe hữu lý nên đã mua chim của lão.

Lâm trang chủ cười nhạt :

– Đừng ngụy biện! Cả rồng lẫn chim Anh Vũ đen đều không có thực!

Nam Cung Giao cười hề hề :

– Trang chủ đã từng cỡi rồng vượt biển, sao lại bảo rằng rồng không có thực!

Lâm trang chủ giật mình ngơ ngác, và nhớ ra bức họa trên tường.

Lão cứng họng chịu thua, gật gù khen :

– Tiểu tử ngươi quả là khéo biện luận, gài được cả lão phụ Ta có nghe đồ đệ Mộc Kính Thanh kể về tài trí của ngươi, lòng không mấy tin tưởng, nay gặp mặt mới biết chẳng sai!

Nam Cung Giao vui mừng khôn xiết quì xuống thi đại lễ :

– Vãn bối nóng lòng vì sự thất tung bí ẩn của Mộc nghĩa đệ nên mạo muội làm càn, mong Lâm sư phụ lượng thứ.

Lâm trang chủ gật gù :

– Té ra ngươi đã nhuộm lông con chim này!

Nam Cung Giao chợt nhận ra tia mắt cổ quái của lão, sinh lòng cảnh giác, đứng lên đáp khéo :

– Vãn bối xin thề là lúc nhìn thấy lần đầu tiên thì lông nó đã là màu đen.

Chàng rất thành thực vì đúng là anh em họ Trịnh đã nhuộm lông con vẹt ở nhà Lương Nhẫn, chàng chẳng hề thấy!

Nam Cùng Giao không để ý rằng ánh mắt của Bảo Thoa đầy vẻ hài lòng.

Lâm trang chủ cười nhạt :

– Ngươi đề phòng cả lão phu, chứng tỏ bản tính đa nghi, cơ cảnh, vậy vì sao lại đem cả bí mật trọng đại ra thố lộ với Kính Thanh?

Nam Cung Giao gượng cười :

– Vãn bối yêu mến Mộc hiền đệ như bản thân mình, giấu diếm làm gì! Xin Lâm sư phụ cho vãn bối được gặp y!

Lâm trang chủ ngửa cổ cười dài, làm rung rinh mái ngói đại sảnh.

Giọng cười của ông đầy vẻ phẫn nộ và thê thiết :

– Kính Thanh gây đại họa, làm lão phu mất mặt, chẳng dám lưu lại biển Đông, phải về đây ẩn cư! Năm ngoái, y lại trốn đi, sống lang thang như kẻ lạc phách. Khiến lão phu càng tủi hổ! Nay lão phu đã giam cầm y trong trang không cho ra ngoài nữa. Ngươi hãy về đi!

Nam Cung Giao chết điếng người, suy nghĩ một lúc rồi nghiêm giọng :

– Vãn bối chỉ xin được gặp một lần, biết y còn sống là sẽ rời đây ngay!

Lâm trang chủ quắc mắt :

– Chẳng lẽ ngươi cho rằng lão phu đã giết chết Kính Thanh?

Nam Cung Giao bình tĩnh đáp :

– Vãn bối chẳng dám có ý ấy, nhưng không thấy mặt y thì chẳng thể yên lòng!

Lâm trang chủ hững hờ bảo :

– Ngươi đừng sinh cường trước mặt lão phu, Lâm Thu Bái ta chính là Chu Sơn đảo chủ, ba mươi năm trước từng đại náo võ lâm Trung Nguyên, chưa hề gặp đối thủ! Lão phu đã ra tay thì cực kỳ tàn nhẫn, nếu ngươi không sợ chết thì cứ thử trăm chiêu!

Nam Cung Giao chụp ngay cơ hội!

– Cảm tạ sư phụ đã mở cho lối thoát, nếu vãn bối vượt qua được trăm chiêu, mong sư phụ tha cho Kính Thanh!

Lâm Thu Bái nhíu mày :

– Y tàn phế, xấu xí như vậy, đâu đáng để người phải thí mạng?

Nam Cung Giao mỉm cười :

– Vãn bối cũng sợ chết lắm. Hay là sư phụ thương tình tha quách cho Kính Thanh! Xét ra, y có hơi bướng bỉnh, phá phách, song cũng chưa bằng việc đại náo võ lâm!

Nghe chàng nói kháy mình, Lâm Thu Bái bực bội :

– Đừng xảo ngôn vô ích. Muốn cứu Kính Thanh thì hãy rút gươm ra! Thoa nhi lấy roi cho ta!

Bảo Thoa mau mắn chạy vào, trở ra với một sợi nhuyễn tiên đen tuyền, thân lớn độ ngón chân cái, dài nửa trượng không biết làm bằng vật liệu gì.

Lâm lão cầm vòng roi, lạnh lùng nói :

– Lão phu sẽ biểu diễn chút nghề mọn để ngươi tự lượng sức mà rút lui?

Ông ta vừa nói xong thì cây nhuyễn tiên đột ngột vươn dài, thẳng băng như cây trường côn. Chu Sơn đảo chủ đặt mũi roi vào cột gỗ tròn bằng gỗ trắc cứng rắn và chậm rãi đẩy.

Khủng khiếp thay, mũi roi cắm ngập vào gỗ cả lóng tay, cứ như cắm vào đậu hũ.

Lâm Thu Bái rút roi lại, nhìn Nam Cung Giao với vẻ đe dọa :

– Liệu thân thể ngươi có cứng rắn bằng gỗ trắc hay không? Thức thời thì hãy rời trang ngay!

Chàng tủm tỉm cười :

– Cột gỗ tuy cứng rắn nhưng không biết tránh né, vãn bối thì ngược lại.

Lâm trang chủ ngao ngán lắc đầu :

– Không ngờ ngươi lại ngu xuẩn đến mức không biết sống chết là gì!

Lão phu cũng thương tình nên cho phép bãi chiến nữa chừng, khi không còn cầm cự nổi ngươi cứ lên tiếng đầu hàng!

Nam Cung Giao cười mát :

– Cảm tạ Trang chủ! Có điều trong trận này vãn bối bắt buộc phải đánh đến chiêu cuối cùng!

Chàng rút kiếm, vòng tay chào rồi đứng theo tư thế Phiên Dực Tung Phi!

Lâm Thu Bá gật gù tán thưởng, quay lại nói với ái nữ :

– Thoa nhi hãy làm trọng tài, đếm theo số chiêu mà ta đánh ra!

Bảo Thoa gật đầu, ngượng ngùng thỏ thẻ :

– Mong phụ thân nhẹ tay cho!

Lâm lão nháy mắt trấn an nhưng ngay chiêu đầu đã xuất tuyệt kỷ.

Ngọn nhuyễn tiên của họ Lâm như con rồng đen lồng lộn trong mây, chụp lấy đối phương.

Nam Cung Giao nhận ra trong, màn hắc quang mù mịt kìa có hàng trăm chiếc đầu độc xà đang ung dung uy hiếp toàn thân, tiên kình rít lên như xé lụa, chứng tỏ công lực Lâm Thu Bái cực kỳ thâm hậu.

Chàng cắn răng thi triển chiêu “Vạn Diệp Tế Hoa” (vạn lá che hoa) chỉ thủ chứ không công. Tay chàng chớm động vì lực đạo mạnh mẽ của cây roi, đường kiếm hơi lệch đi, lộ sơ hở, và ngay lập tức bị mũi roi mổ vào bả vai trái. Máu từ vết thương bắn ra, vương vãi không gian khi Lâm lão rút roi về!

Lão không đánh tiếp mà nhảy lùi lại ngạo nghễ hỏi :

– Sao? Ngươi còn dám lớn họng nữa không?

Nam Cung Giao đưa tay điểm huyệt chỉ huyết, bình thản đáp :

– Cảm tạ Lâm sư phụ đã nương tay nên vết thương không sâu lắm! Vãn bối xin được lĩnh giáo thêm!

Chàng cúi đầu để tỏ vẻ biết ơn, song lại thuận thế lao đến tấn công để chiếm tiên cơ.

Roi của họ Lâm dài gấp rưỡi Lạc Điểu kiếm nên chàng chỉ có cách nhập nội mới mong chiếm được ưu thế!

Quả nhiên, Lâm Thu Bái vướng Bảo Thoa sau lưng không thể lùi lại, đành để mất tiên cơ.

Lão thu ngắn nhuyễn tiên, cẩn trọng giải phá những chiêu kiếm liên miên bất tuyệt của tiểu tử xảo trá, lì lợm kia, vì giờ đây mũi kiếm của Nam Cung Giao có thể chạm vào người lão.

Chẳng trách năm xưa Lâm Thu Bái không tìm ra địch thủ, phép đánh roi của lão trên đời có một không hai.

Màn tiên cũng thu hẹp lại càng dầy đặc kín đáo và mãnh liệt chứ không hề giảm sút uy lực.

Tuy nhiên, Lạc Điểu kiếm pháp lại có lộ số khác hẳn kiếm thuật Trung Nguyên, chiêu thức nhanh như thiểm điện, chủ yếu là những thức đâm, ngay lúc chém cũng dùng mũi kiếm. Do đặc tính này, nhiều lần roi của Lâm lão đã quấn được kiếm của đối phương thì bị tuột ra ngay. Mà đây lại là điểm lợi hại nhất trong phép đánh nhuyễn tiên.

Lâm Bảo Thoa thánh thót đếm nhanh đến líu cả lưỡi cho kịp tốc độ của trận đấu.

Nam Cung Giao đánh một hơi ba mươi sáu chiêu mới bị đẩy bật ra.

Bị chàng dồn ép, lòng tự tôn của Lâm Thu Bái bị tổn thương, lão gầm lên, dồn toàn lực vào ngọn roi tấn công như vũ bão.

Nam Cung Giao liên tiếp thoái hậu, tận dụng bộ pháp để tránh né, thỉnh thoảng mới phản kích được một đòn.

Đến chiêu thứ tám mươi hai thì ngực chàng đã lảnh ba đường, tuy vết thương không nặng nhưng do chẳng rảnh tay chỉ huyết nên máu chảy đầm đìa, nhuộm hồng vạt trước của bộ võ phục màu thanh thiên.

Bảo Thoa vẫn không dám ngừng đếm mà nước mắt chảy ròng ròng, tội nghiệp cho chàng trai cương cường trọng nghĩa kia!

Có lẽ Lâm Thu Bái cũng luyến tài, dừng tay lên tiếng :

– Lão phu khuyên ngươi nên bỏ cuộc, nếu không thì đừng hòng sống sót!

Nam Cung Giao nhân cơ hội này chăm sóc vết thương, giả đò tần ngần cân nhắc, nhưng thực ra ngấm ngầm điều khí lấy lại chút sức lực.

Bảo Thoa buồn bã nói :

– Công tử đừng cố nữa. Gia phụ xưa nay chưa từng để ai sống sót qua khỏi chiêu thứ một trăm!

Nam Cung Giao nheo mắt đáp :

– Cảm tạ tiểu thư đã quan hoài! Nãy giờ tại hạ vì kính lão nên không dám xuất kỳ chiêu đấy thôi! Thực ra tại hạ chỉ cần một chiêu cũng đủ thủ thắng! Gia mẫu từng bảo rằng chiêu kiếm này tuyệt đối không ai giải phá nổi!

Lâm Thu Bái cười rộ :

– Thật là khoác lác, ngươi cứ thi thố thử xem thế nào!

Nam Cung Giao vái dài :

– Cảm tạ Lâm sư phụ đã bớt cho mười bảy chiêu, xin người cẩn trọng, chiêu kiếm này ảo diệu vô song, hiểm ác khôn lường.

Dứt lời, chàng dựng đứng trường kiếm trước mặt, tay tả xoè ra, đỡ lấy chuôi kiếm, mắt nhắm hờ, thần thái trầm ổn, sát khí dàn dụa.

Lâm đảo chủ không dám khinh thường, vội dồn nội lực vào thân roi chờ đợi.

Nam Cung Giao chợt mở to mắt, thân kiếm vung lên, hóa thành ngàn kiếm ảnh mờ mờ, che kín toàn thân, chẳng còn thấy đâu cả. Và trái cầu thép ấy lao thẳng vào Lâm trang chủ.

Thu Bái thấy kiếm ảnh liền lạc như da trời, chẳng hề có một sơ hở nào, lòng vô cùng hoang mang dồn toàn lực vào nhuyễn tiên, quất những roi mãnh liệt, chủ yếu để chặn đứng đối phương chứ không nghĩ đến chuyện giết chóc. Các cao thủ lão thành thường cẩn trọng, khi không nắm chắc thì chẳng bao giờ liều lĩnh.

Tuy không cao lớn và có thần lực bẩm sinh như Quỷ Côn, nhưng nhờ lúc trẻ ăn được kỳ trân biển Đông, nên Thu Bái sở hữu đến bảy mươi năm chân khí, hơn cả Đường Cổ Ngư!

Tất nhiên, Nam Cung Giao không thể nào chịu nổi, văng ngược về phía sau.

Dẫu không trúng đòn nhưng sự va chạm với luồng kình lực nặng như núi kia đã khiến khí huyết chàng nhộn nhạo máu rỉ ra khóe miệng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN