Tiếu Ngạo Trung Hoa - Chương 15: Thiếu Thất giả cuồng đương Ngọc Diện - Trịnh Sơn nguyệt dạ khấp thê nhi
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
144


Tiếu Ngạo Trung Hoa


Chương 15: Thiếu Thất giả cuồng đương Ngọc Diện - Trịnh Sơn nguyệt dạ khấp thê nhi



Gã gật đầu hứa :

– Ân sư yên tâm! Đồ nhi cần phải lành lặn để sau này phụng dưỡng người!

Đại Lực cầm côn đi đến trước mặt Trương Sĩ Hạo, xuống tấn thủ rồi nói :

– Thí chủ là khách, xin mời xuất thủ trước!

Sĩ Hạo chỉ khẽ gật đầu, chậm rãi rút kiếm. Thân kiếm bóng loáng như gương, phản chiếu ánh dương quang, rọi vào gương mặt đẹp của Sĩ Hạo. Gã đưa hai ngón tay vuốt dọc lưỡi kiếm, ánh mắt đầy vẻ đắm say.

Bạch Vân thiền sư và các cao tăng chấn động và hiểu rằng họ Trương đã tiến rất xa trong kiếm đạo. Kẻ mới qua cửa chẳng thể nào đạt đến trình độ say mê một thanh thép vô tri!

Nam Cung Giao cũng biết điều ấy, tự nhủ rằng sau ba năm xa cách, trình độ kiếm thuật của Sĩ Hạo đã vượt xa sự ước lượng của Kính Thanh.

Chàng đánh giá họ Trương còn cao hơn cả Khương Thư Hàn.

Lúc này, Ngọc Diện Thần Kiếm đã xuất thủ. Thân hình gã chỉ còn là một bóng trắng lượn lờ giữa lưới côn vũ bão của Đại Lực.

Trường côn thường có chiều dài bằng độ cao từ đất đến chân mày, vì nếu dài hơn, đầu côn sẽ vướng mặt đất trong những đòn đảo luân. Lúc ấy, tay người võ sĩ đặt ở điểm trường côn và khi ấn nó quay tít như bánh xe. Thủ pháp này dùng để chống đỡ ám khí, tên nỏ rất hữu hiệu!

Nhà sư Đại Lực vóc người vạm vỡ, khí lực dồi dào, lại khổ luyện pho Thiếu Lâm Trường côn đã hơn hai chục năm nên bản lãnh cao cường nhất trong đám đệ tử đời thứ hai.

Lần này, được giao phó trọng trách, Đại Lực đem hết sở học ra thi thố, quyết dành vinh dự về cho môn phái. Lòng nhà sự chất phác này vẫn không tin rằng mình có thể thua được.

Lúc nãy đánh với Vô Dụng, Đại Lực chưa dồn hết sức, giờ mới thực sự là quyết đấu. Thanh Trượng trong tay gã biến hóa phi thường, sống động như Thần Long chứ chẳng phải là khúc gỗ chết.

Đòn Hoành Tảo thì mãnh liệt như sóng dữ, đòn Điểm Nhãn hiểm ác hơn Độ Xà, đòn Áp Đỉnh nặng tựa núi đổ.

Thế nhưng, Ngọc Diện Thần Kiếm Trương Sĩ Hạo vẫn ung dung chống đỡ, rồi phản công ngay chứ chẳng hề nhượng bộ.

Tiếng thép chạm gỗ vang lên không dứt, và xem ra cây côn dài, nặng kia chẳng hề chiếm ưu thế trước thanh kiếm mỏng manh.

Đường kiếm của họ Trương nhanh như chớp giật, kiếm ảnh sáng bạc bay lượn quanh thân gã, chận đứng những đường côn ngời sáng, và xuyên qua màn côn ảnh dầy đặc mà uy hiếp thân trước đối thủ.

Lạc Ca kiếm pháp của Phổ Đà tự quả danh phù kỳ thực! Lúc thủ thì như búp sen kín đáo, lúc công kiếm ảnh vươn dài tựa những hoa sen xòe nở, trông cực kỳ diễm lệ!

Mỗi lần Sĩ Hạo tiến lên thì Đại Lực phải thoái bộ, giữ khoảng cách để phát huy uy lực của Trường côn. Nếu để đối phương nhập nội thì gã sẽ bị hạ phong ngay!

Nam Cung Giao, trong vai Sa Di Vô Dụng, chăm chú quan sát đường kiếm tuyệt luân của Trương Sĩ Hạo, ánh mắt đắy vẻ say mê, hứng khởi.

Kiếm pháp kia cũng toàn bích, mỹ miều như bản thân họ Trương vậy!

Đã hơn trăm chiêu trôi qua, mà vẫn chưa phân thắng bại, song mồ hôi đã ướt đầm trán và lưng áo Đại Lực.

Gã đã phải dốc toàn lực mới cầm cự nổi đến giờ này. Trong lúc ấy gương mặt đẹp tuyệt thế của Sĩ Hạo vẫn an nhiên, tươi tắn, cứ như nãy giờ gã chẳng hề dùng đến sức lực.

Cho rằng biểu diễn như thế đã đủ, Trương Sĩ Hạo mỉm cười lạnh lẽo, đảo bộ lao vút vào lưới côn.

Thanh bảo kiếm của gã đâm chém liền hàng trăm thế, kiếm ảnh trùng trùng điệp điệp,

khóa chặt trường côn và ập vào người Đại Lực!

Chiêu kiếm kỳ tuyệt vô song này đã khiến Bạch Vân thiền sư rụng rời tay chân, quát vang :

– Đại Lực lui mau!

Tiếng gọi của ông quá muộn màng vì mũi kiếm đã chạm vào người Đại Lực.

Vai và bụng của gã trúng bốn kiếm sâu hoắm, và ngực trái dường như là mục tiêu cuối.

Quần tăng chết điếng người, miệng há hốc chẳng kịp kêu la, chứ đừng nói đến can thiệp. Song xem ra mạng của Đại Lực còn dài nên trước đó đã có bóng người bay vút vào, nắm áo gã giật ngược lại, và vung kiếm điểm liền chín nhát vào mặt và ngực Sĩ Hạo.

Họ Trương đành phải bỏ lỡ cơ hội giết Đại Lực, xoay kiếm bảo vê bản thân, rồi thoái hậu.

Quần tăng hoan hỉ reo hò như sấm dậy vì thấy Sa Di Vô Dụng đã kịp cứu mạng Đại Lực. Có năm sáu người đã nhanh chân chạy đến đỡ kẻ bị thương khiêng vào chăm sóc.

Bạch Vân thiền sư vốn thương yêu Đại Lực như con mình nên đích thân xem xét thương thế.

Ông mừng đến ứa nước mắt vì biết bốn vết thương kia không thể giết được đồ đệ mình.

Đạ Lực buồn rầu nói :

– Sư phụ! Đồ nhi đã tận lực nhưng không địch lại đối phương!

Thiền sư vỗ về :

– Ngươi còn sống là tốt lắm rồi!

Trong lúc ấy, Sa Di Vô Dụng đang cười nói huyên thuyên.

Gã vòng tay xá thật lâu, vui vẻ nói :

– Mong thí chủ lượng thứ cho hành động của bần tăng! Nếu để gã Đại Lực kia chết đi thì chẳng còn ai cùng bần tăng lén xuống núi uống rượu nữa. Vả lại, trước cửa Phật mà sát sinh thì tội lỗi vô cùng!

Trương Sĩ Hạo mỉm cười gật đầu, tra kiếm vào vỏ, đi về phía nột gốc cây, ngồi xuống vận công điều tức.

Sau lần chạm kiếm với Vô Dụng, Trương Sĩ Háo đã phát hiện gã sư điên khùng kia tuy râu ria bờm xờm nhưng tuổi chưa quá tam thập, mà lại sở hữu không dưới ba mươi năm công lực! Đồng thời, chín nhát kiếm lúc nãy ảo diệu tuyệt luân, chẳng thể xem thường!

Sĩ Hạo lờ mờ hiểu rằng Vô Dụng mới là đối thủ chính của mình. Vì thế, gã quyết định điều tức thật lâu, phục hồi trọn vẹn công lực mà đối phó với nhà sư điên.

Người đời không thể biết rằng Ngọc Diện Thần Kiếm cũng có khuyết điểm, đó là sự hiếu thắng và tự tôn, dù bề ngoài gã rất khiêm cung, rộng lượng!

Sĩ Hạo không bao giờ chấp nhận thất bại hoặc thua kém ai, trừ những cao thủ thành danh như Đông Hải thần tăng, Chu Sơn đảo chủ, Long Giác Thần Quân.

Họ Trương còn có vài tật xấu khác nữa là say máu, và say mê chính bản thân mình!

Sĩ Hạo đã xuất thủ là muốn được nhận thấy máu của đối thủ nhuộm đỏ kiếm của mình và nhỏ từng giọt tươi thắm xuống mặt đất.

Gã tự tôn nên chăm chút bản thân thành một người toàn mỹ, và tin rằng vượt lên trên đồng loại!

Sĩ Hạo thầm tiếc rằng mình chỉ có bốn mươi năm chân khí, nếu được tròn hoa giáp, gã sẽ khiêu chiến với gã Long Giác Thần Quân, Chu Sơn đảo chủ, đả bại họ mà trở thành Đệ nhất cao thủ!

Ngoài ra, Sĩ Hạo còn nuôi một mơ ước nho nhỏ nữa, đó là trở thành Hoàng Đế Trung Hoa! Ngai vàng mới là chiếc ghế vừa vặn với con người siêu việt như gã!

Ba khắc sau, Sĩ Hạo mở mắt đứng lên, bước ra sân chờ đợi.

Vô Dụng đang huyên thuyên với đám sư sải trẻ, đủng đỉnh vác kiếm đi tới.

Gã khom lưng chào và nói :

– Bần tăng tuổi nhỏ hơn thí chủ, xin được phép ra tay trước!

Sĩ Hạo gật đầu, hai tay nắm chặt chuôi, dựng đứng trường kiếm trước mặt và lệch về bên hữu mà chờ đợi.

Đây là tư thế khởi đầu đặc trưng của kiếm thuật Phù Tang!

Họ Trương đứng im bất động như tượng đá, trầm ổn vững vàng tựa Thái Sơn, đối phương chưa động thì gã không động!

Nam Cung Giao, tức Vô Dụng phát hiện thức kiếm kia tuy thông thường, đơn giản nhưng cực kỳ kín đáo và dàn dụa sát cơ. Trường kiếm của họ Trương đánh bằng hai tay sẽ mạnh như chẻ núi chứ chẳng chơi…

Chàng định chọc ghẹo khiến đối phương phân tâm, song lại thôi.

Trong tư cách kiếm sĩ họ Trương là người đáng kính phục. Chàng sẽ giao đấu với gã bằng bản lãnh chân chính của mình!

Nam Cung Giao cong tay, chĩa lưỡi kiếm về phía trước, thẳng băng như mũi tên nằm trên dây cung, hai ngón trỏ và giữa của tay tả đặt xéo trước ngực.

Trong tư thế ấy, thân hình chàng lướt đi bằng hai đầu bàn chân, vươn trôi về phía đối phương.

Bên kia, Sĩ Hạo cũng đã động thân, lao đến đón đầu, nhãn quang lập lòe sát khí.

Diễn tả thì lâu nhưng sự việc xảy ra chỉ trong thời gian vài cái chớp mắt.

Trường kiếm của Nam Cung Giao vươn hết tầm tay điểm liền ba mươi sáu thức khống chế vùng mặt, ngực, bụng họ Trương.

Sĩ Hạo chặt xéo một kiếm sấm sét vào màn kiếm ảnh của kẻ địch, rồi nối tiếp hằng mười bảy thế nữa. Mười tám thế thức này nhanh như thiểm điện và ảo diệu phi thường.

Với công lực thâm hậu hơn, Sĩ Hạo đã đánh bật được trường kiếm của Nam Cung Giao, và kết liễu bằng cách thọc kiếm vào ngực chàng.

Song, khi mũi kiếm của gã vừa chạm vào lớp vải áo thì Nam Cung Giao đã biến mất bằng một bộ pháp thần kỳ.

Trong chớp mắt, chàng đã rời xa tầm kiếm của Sĩ Hạo, và từ vị trí mới ập vào tấn công.

Sĩ Hạo thấy đối thủ thoát được chiêu kiếm tuyệt diệu của mình lòng rất khâm phục và cao hứng. Bản lãnh nạn nhân càng cao siêu thì chiến thắng của gã càng vinh quang!

Ngọc Diện Thần Kiếm buông tay tả khỏi chuôi, vung kiếm phải phá giải chiếu kiếm của Nam Cung Giao.

Tiếng thép chạm nhau gay gắt, song phương quấn quít như tình nhân, liên tiếp tung ra những đường kiếm ác liệt.

Kiếm quang lấp loáng, kiếm ảnh trùng điệp, khiến người xem phải hoa mắt.

Sau khi luyện Hư Ảnh Thần Bộ, Nam Cung Giao đã phải thay đổi tư thế, trong yếu quyết Phiên Dực Tung Phi.

Giờ đây, thân hình chàng mềm mại, uyển chuyển hơn trước để phối hợp với những bước hoán vị thần tốc. Song, khi đối diện chiết chiêu, người chàng vẫn xoay dọc như cũ.

Sĩ Hạo có tu vi cao hơn hai bậc, khiến Nam Cung Giao sẽ thiệt thòi bởi những đòn ngự kiếm như chiêu đầu chẳng hạn. Do vậy chàng bám riết lấy, buộc y phải chấp nhận cuộc giáp chiến dai dẳng.

Sĩ Hạo cũng hiểu ý đồ của gã sư quái dị kia nhưng vẫn thản nhiên chấp nhận. Gã luôn tự tin rằng mình là tay khoái kiếm số một võ lâm!

Hơn nữa, pho kiếm pháp mà đối phương sử dụng có lộ số và kiếm ý rất khác thường. Có thể không phải là của Thiếu Lâm tự! Họ Trương say mê kiếm thuật một cách điên cuồng nên không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu.

Đã hơn hai trăm chiêu trôi qua mà chưa có chiếc áo nào bị rách, song trên trán và sóng mũi của Nam Cung Giao đã lấm tấm mồ hôi.

Tu vi của chàng kém hơn, tất nhiên phải sớm mệ mỏi. Song nãy giờ, chàng cũng mang tâm trạng giống như đối thủ. Nam Cung Giao cũng muốn nghiên cứ pho Lạc Ca kiếm pháp lừng danh của Phổ Đài Sơn.

Chàng còn phải vào hổ huyệt để cứu Tử Phượng nên không thể để bản thân thọ thương được! Chàng sẽ hạ thủ Sĩ Hạo mà vẫn an toàn vì một vết thương sẽ cản trở việc quan trọng sắp tới.

Đến chiêu thứ ba trăm lẻ, Nam Cung Giao bất ngờ xuất chiêu Cô Điểu Nhập Vân, nương theo đám mây thép ập vào!

Trương Sĩ Hạo đã từng gặp chiêu này lúc nãy nên không hề sợ hãi, vung kiếm giải phá. Chẳng những thế, gã còn định kết liễu đời đối thủ ngay trong lần chạm kiếm này!

Với căn cơ thông minh tuyệt đỉnh, và khí chất của một kiếm thủ bẩm sinh, Sĩ Hạo mau chóng tìm ra sơ hở của một chiêu kiếm, khi kẻ địch thi thố đến lần thứ hai thì hoàn toàn mất tác dụng và trúng mạng!

Chiêu Cô Điểu Nhập Vân của Nam Cung Giao lại chỉ có một thế là thực, ai không biết thì sợ, chứ biết rồi thì vô dụng!

Trương Sĩ Hạo lạnh lùng công phá vào đám mây mù lấm tấm những vệt đen mờ kia, và thọc nhanh mũi kiếm vào ngực kẻ địch.

Lúc này Nam Cung Giao mới thi triển bước chót của Hư ảnh Thần Bộ.

Thân hình chàng dời sang mé tả nhanh đến nỗi trong mắt của họ Trương thì bóng ảnh chàng vẫn còn ở chỗ cũ.

Tất nhiên, mũi kiếm của sĩ Hạo đâm vào khoảng không. Gã kinh hoàng đảo bộ, rút kiếm về thủ thân, song đã quá muộn!

Gã tuyệt vọng vung tay tả, cố đánh bạt lưỡi kiếm đang uy hiếp lồng ngực.

Phản ứng thần tốc này đã bảo vệ được mạng sống, song bốn ngón tay của Sĩ Hạo đứt lìa, rơi xuống mặt sân.

Khiếp đảm trước thân pháp quỷ dị như u linh của đối phương, Sĩ Hạo tung mình rời đấu trường.

Tiếng hoan hô của hàng ngàn tăng lữ Thiếu Lâm làm chấn động cả rừng cây tĩnh mịch trên sườn núi Thiếu Thất!

Sĩ Hạo cố nén lòng căm thù, điểm huyệt chỉ huyết.

Bạch Vân thiền sư thấy y bị tàn phế một tay, bất nhẫn bước đến nói :

– Trương Sư điệt hãy vào trong để lão nạp băng bó cho.

Sĩ Hạo quắc mắt mắng :

– Lão trọc già đừng giả nhân giả nghĩa! Mối thù này bổn nhân sẽ đòi lại gấp mười!

Bạch Vân ngượng ngùng đình bộ, Sĩ Hạo cười nhạt hỏi Nam Cung Giao :

– Ngươi giả ngây giả dại cũng khéo đấy! Nếu còn biết nhục thì hãy nói thực cho ta biết lai lịch hai pho kiếm pháp và thân pháp kia!

Nam Cung Giao chẳng thể làm mất mặt chùa Thiếu Lâm, đành phải tiếp tục đóng kịch. Chàng cưòi nhăn nhở :

– Thí chủ đâm thủng bốn lỗ trên người Đại Lực, giờ mất bốn ngón tay xem như huề sao lại tức giận nói càng, còn gì danh dự của Ngọc Diện Thần Kiếm? Công phu mà bần tăng thi triển chính là tuyệt học phái Thiếu Lâm, có tên là Giáng Ma Tứ Hải kiếm pháp! Còn pho thân pháp thì được gọi là Bồ Tát Qúi Hải Thần Bộ!

Sĩ Hạo chột dạ trước hai cái tên công phu có ám chỉ đến Tứ Hải hội, chẳng lòng dạ nào ở lại, lặng lẽ phi thân xuống núi! Gã đã thầm thề rằng sẽ đốt sạch cơ ngơi của chùa Thiếu

Lâm và bằm thây Vô Dụng ra ngàn mảnh.

Bạch Vân thiền sư thở dài :

– Không ngờ tám chữ Hộ Quốc Vĩnh Thọ Thiếu Lâm thiền tự lại gây ra môi thù sâu giữa bổn tự và chùa Phổ Đà!

Nam Cung Giao nghiêm trang nói :

– Nếu Đông Hải thần tăng nổi giận khiêu chiến với chùa Thiếu Lâm, thì xin Phương trượng cứ gởi thư đến phủ Mã thượng thư ở Nam Kinh. Đệ tử sẽ đứng ra đối phó với ông ta!

Bạch Vân hổ thẹn, chắp tay lên ngực vái :

– Ơn tương trợ lần này, bổn tự còn chưa biết đền đáp cách nào, đâu dám phiền đến ngọc giá của thí chủ nữa! Lão nạp tự tin sẽ đối phó được.

Nam Cung Giao vòng tay cáo từ, được quần tăng đáp lễ rất kính cẩn.

Họ yêu mến chàng vì ơn, và cũng vì bản tính vui vẻ, dễ thân cận!

Song chàng chưa kịp rời núi thì có tiếng quát trầm trầm :

– Mong tiểu thí chủ lưu bước!

Chàng ngỡ ngàng nhìn về góc Đình Đạt Ma, nhận ra một lão hòa thượng gầy gò, râu dài quá rốn, bạc trắng như tuyết.

Quần tăng nhất tề phục xuống gọi :

– Sư Thúc tổ! Cao sư tổ! Cao Tăng Bá Tổ…!

Họ xưng hô loạn xạ như thế và quần tăng gồm đến mấy đời đệ tử.

Bạch Vân phương trượng và sáu sư đệ không quì, chỉ vái sâu, Bạch Vân hỏi :

– Sư thúc xuất quan từ lúc nào?

Lão hoà thượng cười hòa ái, để lộ hàm răng đã rụng vài chiếc :

– Lão nạp đang tọa thiền, chợt thấy lòng xao xuyến, biết bổn tự gặp nạn nên đã xuất quan. Nãy giờ, bổn tọa ngồi trên nóc đình quan sát, may mắn được thưởng lãm hết từ đầu đến

cuối.

Nói xong, lão đưa tay vẫy Nam Cung Giao :

– Tiểu thí chủ hãy lại đây!

Biết lão ta là sư thúc của Phương trượng chùa Thiếu Lâm, chàng vội.bước đến, quỳ xuống cung kính đãnh lễ :

– Đệ tử Nam Cung Giao khấu kiến lão Thần tăng!

Lão hòa thượng cười bảo :

– Tiểu thí chủ đừng đa lễ, lão nạp đã thành Phật đâu.

Bạch Vân Phượng trượng lên tiếng :

– Nam Cung thí chủ! Đây là sư thúc của bần tăng, tuổi đã ngoài trăm, pháp danh là Thiền Sơn.

Lão Hòa thượng nghiêm giọng :

– Phiền tiểu thí chủ gỡ bỏ râu giả để lão nạp được thấy chân diện mục.

Nam Cung Giao vội tháo râu cằm, râu mép và lông mày giả, dùng ống tăng bào lau sạch những vết nhọ trên mặt.

Thiền Sơn ngắm nghía một lúc, gật gù nhận xét :

– Tiểu thí chủ là kẻ ranh mãnh, háo sắc, phóng đãng và liều lĩnh. Song bản chất nhân hậu, trượng nghĩa. Nay, trước mặt người của Phổ Đà tự, tiểu thí chủ đã nhận mình là đệ tử Thiếu Lâm, chẳng hay giờ đây có đồng ý gọi lão nạp là sư phụ hay không?

Quần tăng ồ lên kinh ngạc và mừng cho Nam Cung Giao.

Thiền Sơn là trưởng lão cao niên nhất chùa, luyện võ đã hơn chín mươi năm, bản lãnh chẳng còn có thể đo lường được nữa!

Kính Thanh đã tiết lộ với Bạch Vân phương trượng việc Nam Cung Giao không có sư phụ, nên giờ đây, chàng đâu dám mượn cớ đó mà chối từ.

Thực lòng, chàng cũng hiểu rằng đây là cơ hội ngàn năm có một, song, sợ phải ở lại đây học võ, không đi cứu Tử Phượng được nên rất phân vân!

Chàng ấp úng đáp :

– Bẫm lão Thần tăng! Đệ tử rất vinh dự được thụ giáo song chẳng thể xuất gia, và chỉ lưu lại được vài hôm thôi.

Thiền Sơn đại hòa thượng phì cười :

– Thí chủ mà xuất gia được thì thiên hạ thái bình! Còn về thời gian, với bản lãnh sẵn có, thí chủ chỉ cần học nghề của lão nạp vài ngày là đủ!

Quần tăng yêu mến chàng nên lên tiếng đốc thúc, sợ chàng bỏ lỡ dịp may hiếm có.

Nam Cung Giao quì xuống, dập đầu lạy chín lạy :

– Đồ nhi xin khấu kiến ân sư!

Hơn ngàn tăng lữ mừng rỡ reo hò, chúc mừng cho chàng trai tốt số!

Nam Cung Giao đứng lên thi lễ với Phương trượng và sáu cao tăng hàng chữ Bạch, gọi họ là sư huynh!

Tri huyện Phương Khiên cũng hồ hởi chúc tụng, và xin phép cáo từ!

Nam Cung Giao nghiêm giọng :

– Sự việc hôm nay mong Phương túc hạ phải tuyệt đối giữ kín cho.

Phương Khiên vội thề rằng dẫu chết cũng chẳng hé môi.

Nam Cung Giao theo Thiền Sơn trưởng lão về nơi cư ngụ của lão ở hậu sơn, trong khu rừng trúc xanh um.

Sau bữa cơm trưa, Thiền Sơn hỏi han, và chàng thực thà kể lại lai lịch và hành vi của mình. Chàng cũng không giấu việc mình sắp phải vào sào huyệt của Hồ bang để cứu Đinh Tử Phượng và đứa con trong bụng.

Thiền Sơn thích thú lắng nghe, cười vui vẻ và không trách học trò quá lăng nhăng tình ái! Ông lại hỏi kỹ về cục diện võ lâm hiện tại.

Cuộc chuyện trò kéo dài đến tận bữa cơm chiều mới dứt.

Thiền Sơn tủm tỉm bảo :

– Thực ra, lão nạp nhận ngươi làm đệ tử cũng là xuất phát từ lòng ích kỷ! Chu kỳ kiếp nạn của Thiếu Lâm đã đến, chỉ có ngươi mới cứu vãn nỗi! Lão nạp đã đứng ngoài luân hồi,chẳng thể nhúng tay vào chuyện hồng trần mà gây nghiệp quả, đành phải phó thác cho ngươi. Để đền bù, lão nạp sẽ truyền hết tuyệt học thượng thừa của Phật môn, là pho Bồ Đề tâm kiếm và nội công Liên Hoa tâm pháp.

Do ngươi còn nhiều việc cấp bách phải làm ngay, nên lão nạp sẽ dạy trước cho một chiêu kiếm để phòng thân. Sau này có cơ hội sẽ học thêm!

Nam Cung Giao cười đáp :

– Đồ nhi đã quyết định nhân lúc Hồ bang cúng cô hồn mà cứu Đinh Tử Phượng thoát nạn ngay đêm rằm. Vậy là đồ nhi còn rãnh cả chục ngày, xin sư phụ dạy thêm vài chiêu nữa!

Thiền Sơn trưởng lão cười mát :

– Bồ Đề Tâm Kiếm tuy chỉ có bốn chiêu, song mối chiêu đều uyên thâm, hoằng đại phi thường! Lão nạp phải mất năm chục năm nghiên cứu kinh văn mới luyện thành! Nay lão nạp thâu tóm tinh túy, tận tay chỉ dẫn từng thức để ngươi dễ dàng lĩnh hội, nhưng chưa chắc trong vòng mười ngày ngươi đã luyện xong chiêu đầu!

Nam Cung Giao lắc đầu, le lưỡi :

– Khó đến thế ư? Thôi thì hài nhi sẽ cố để không phụ lòng ân sư!

Sáng hôm sau, Thiền Sơn trưởng lão bắt đầu dạy chiêu Vô Thủy Vô Minh cho học trò.

Trước tiên, ông thi triển để Nam Cung Giao thưởng lãm.

Lão hòa thượng cầm kiếm gỗ, bảo Nam Cung Giao thử giải phá khi ông xuất thủ.

Chàng kinh hãi nhận ra chung quanh là màn sương u ám mù mịt, lạnh giá căm căm, và những luồng kiếm kình vô hình rít lên như xé lụa, ập đến uy hiếp toàn thân.

Chàng vội dồn toàn lực vào chiêu Vạn Diệp Tế Hoa, dệt màn thép kín đáo quanh người. Song mũi kiếm vô thanh vô ảnh kia đã chạm vào sáu vị trí trên ngực và bụng chàng!

Màn kiếm ảnh tối tăm chợt biến mất và ánh dương quang lại hiện ra!

Nam Cung Giao không ngờ trên đời lại có một chiêu kiếm mầu nhiệm đến mức này, và mình sắp được học.

Chàng hân hoan quì xuống đãnh lễ :

– Kiếm pháp Phật môn nhiệm mầu vô lượng. Chắc kiếp trước đồ nhi đã dày công tu hành, gõ thủng mấy trăm cái mõ nên kiếp này mới được làm đồ đệ của ân sư! Đồ nhi cho rằng ân sư xứng đáng với danh hiệu Cổ Kim Chi Đệ Nhất Kiếm Vương.

Tuy tu hành, thiền định gần trăm năm, song Thiền Sơn chưa đạt đến bản thể chân như tuyệt đối, nên lòng vẫn thoáng vui khi nghe học trò tán tụng! Công lao luyện kiếm năm mươi năm, nay mới có người tán thưởng, tuy hơi ngoa nhưng ánh mắt và vẻ mặt Nam Cung Giao đầy vẻ thành kính!

Thiền Sơn trưởng lão thầm nghĩ :

– Phật kiếm cũng thâm huyền như Phật pháp, lẽ nào lại không đứng trên tất cả. Gã tiểu tử này cũng có lý!

Ông hắng giọng giảng giải :

– Bồ Đề là tiếng Phạn, có nghĩa là giác ngộ, pho kiếm này là tuyệt học do Đạt Ma Tổ Sư sáng tạo ra. Vì nóquá huyền diệu, thâm sâu nên trong suốt mấy trăm năm chỉ có vài người luyện thành. Hiện nay, lão nạp cũng là người duy nhất hiểu được. Với chiêu Vô Thủy Vô Minh này, ngươi có thể yên tâm đối phó với những cao thủ có dưới hoa giáp tu vi. Nếu ngươi thường xuyên khổ luyện, uy lực của kiếm chiếu ngày càng tăng tiến.

Từ đấy, Nam Cung Giao dốc sức rèn luyện dưới sự chỉ bảo tận tình của Thiền Sơn.

Tình cảm cũng phát sinh giữa hai thầy trò, trò chuyện rất tương đắc, và đầy ắp tiếng cười.

Trong lúc hàn huyên, Nam Cung Giao buột miệng nói :

– Ân sư tuổi đã ngoài trăm, lại chay tịnh kham khổ, e rằng chẳng thọ được mấy năm nữa! Lúc người lìa xác nhập niết bàn, đồ nhi sẽ cho xây một bảo tháp dát toàn vàng để lưu giữ xá lợi của ân sư.

Thiền Sơn cảm động nhưng lại nói :

– Lúc ấy lão nạp đã chết toi rồi, còn cần tháp vàng hay bạc làm gì nữa! Ngươi có dư vàng thì cúng dường để tu bổ chùa chiền, tượng Phật có hay hơn không?

Nam Cung Giao hớn hở đáp :

– Đồ nhi xin tuân mệnh! Hoàng Đế Minh Anh Tông đã ban thưởng cho đồ nhi vạn lượng vàng để đền ơn đồ nhi đã cho ông ta thưởng thức món chó mực con hầm bát bửu. Nay đồ nhi xin tặng cả cho chùa nhà!

Số vàng quá lớn, và tính hào phóng của đồ đệ đã khiến Thiền Sơn hài lòng. Mấy chục năm nay, ông chỉ lo tu luyện, chẳng giúp ích gì cho chùa Thiếu Lâm. Nay học trò ông hành động như thế vô tình đã giúp ông trả món nợ áo cơm cho môn phái!

Thiền Sơn khen phải, dẫn Nam Cung Giao lên gặp Bạch Vân thiền sư.

Phương trượng đang cùng các sư đệ uống trà và nghe Quản sự tăng của chùa là Bạch Giác báo cáo chi thu.

Thấy sư thúc giá lâm, bảy vị cao tăng vai vế chữ Bạch vội đứng lên thi lễ, và mời ngồi.

Thiền sư xua tay hóm hỉnh nói :

– Phải chăng Phương trượng vàcác sư điệt tính toán xem thầy trò lão nạp ăn mỗi ngày hết bao nhiêu cân gạo chứ gì? Lão nạp xui xẻo nên thu nhằm gã đồ đệ chết đói, mỗi bữa ăn đến hơn đấu gạo!

Quả thực là phạn lượng của Nam Cung Giao đã khiến mọi người phải khiếp sợ. Món chay lại thiếu năng lượng nên chàng phải ăn rất nhiều cơm mới đủ sức luyện kiếm và khinh công.

Đúng là lúc nãy Quản sự tăng Bạch Giác đã có ý phàn nàn về việc chi phí trong mấy ngày đầu tháng này đã cao hơn thường lệ!

Bạch Vân phương trượng ngượng ngùng đáp :

– Sư thúc quả khéo đùa, bọn tiểu điệt nào có ý ấy?

Thiền Sơn cười khà khà :

– Lão nạp suốt đời báo hại Thiếu Lâm tự, chỉ biết ăn chứ không biết làm, cày cuốc chưa hề sờ đến. May thay, lúc sắp chết lại có đồ đệ trả nợ giùm! Giao nhi định cúng dường vạn lượng hoàng kim cho bổn tự, mong các sư điệt vui lòng nhận giùm cho!

Bảy vị Thiền sư ngơ ngác, tưởng lão sư thúc dở chết kia diễu cợt họ.

Song Nam Cung Giao đã kính cẩn đặt xuống bàn một xấp ngân phiếu dầy cộm, và tủm tỉm nói :

– Gia sư đã dạy tiểu đệ dâng số vàng nhỏ mọn này để Phương trượng sư huynh mua vài cân sơn tô tượng và ít ngói để dặm vá những chỗ dột nát.

Cách nói khiêm tốn, khôi hài của chàng khiến chư tăng hoài nghi. Biết đâu xấp ngân phiếu kia chỉ toàn những tờ mười lạng bạc?

Với thân phận cao quí của Chưởng môn, Bạch Vân thiền sư chẳng bao giờ tự tay nhận tiền, và đấy là nhiệm vụ của Bạch Giác.

Vị Thiền sư này chẳng bao giờ tọa thiền được quá nửa canh giờ song lại nhớ vanh vách từng khoản chi thu trong tháng, thậm chí trong năm mà không cần phải dở sổ sách ra xem lại. Với tài năng ấy, ông ta mới có thể quản lý được hoạt động tài chính của ngôi chùa vĩ đại, đệ tử đông đảo này!

Bạch Giác thò tay nhặt xấp ngân phiếu, mở ra xem.

Lão bàng hoàng nhìn giòng chữ Hoàng kim Nhất Thiên lượng, nơi phát hành là quốc khố ở Bắc Kinh, có mười tờ như thế, tổng cộng đúng vạn lượng.

Bạch Giác run giọng :

– Bẩm Phương trượng sư huynh! Quả thực là Nam Cung Giao sư đệ đã cúng dường vạn lượng vàng!

Bạch Vân chấn động vì bất ngờ và hoan hỉ, liền tán dương :

– Thiện tai! Thiện tai! Công đức vô lượng! phật tổ sẽ chứng giám cho tấm lòng thành của sư đệ!

Nam Cung Giao cười đáp :

– Tiểu đệ lỡ gây nhiều nghiệp chướng nên phải cố mà tạo quả phúc. Vàng này do Thiên tử ban cho, tiểu đệ mượn hoa hiến Phật đấy thôi!

Chàng quay sang Bạch Giác thiền sư lễ phép nói :

– Mong sư huynh thương tình, mua cho tiểu đệ vài vò rượu, tiểu đệ sắp chết thèm rồi!

Bạch Giác hồ hởi đáp :

– Tất nhiên là sẽ có! Song chẳng hay sư đệ thích loại rượu nào. Thiệu Hưng hay Sơn Tây Phồn Tửu?

Thiền Sơn phì cười, kéo tay Nam Cung Giao :

– Đi thôi đồ đệ! Ngươi ở lại một lúc nữa, không chừng Bạch Giác sẽ hỏi ngươi muốn ăn thịt chó hay thịt dê!

Nóng lòng đến Trịnh Sơn cứu Tử Phượng, Nam Cung Giao đã cố học xong đường lối căn bản của chiêu Vô Thủy Vô Minh trong vòng chín ngày.

Sáng mười ba tháng bẩy, chàng xin phép sư phụ được rời núi.

Chín ngày qua dù ngắn ngủi, song cũng đã gắn bó hai thầy trò với nhau.

Tuy Nam Cung Giao không phải người của Thiền môn, nhưng bản tính chàng phóng dật không cố chấp, lòng chàng trong sáng, còn giữ được chút thiện chân của trẻ thơ, chẳng vương vấn tà niệm hay dục vọng. Tính cách này rất gần với cảnh giới Thiền, khiến Thiền Sơn rất mến.

Ông từng nói rằng :

– Phật tánh trong ngươi rất sáng, dù chẳng thiền định ngày nào mà xem ra còn giác ngộ hơn nhiều cao tăng trong chùa!

Lúc chia tay, ông hiền hòa dặn dò :

– Có, không, sinh, tử, không khác nhau! Con hãy cố giữ tấm lòng vô dục, vô chấp, tận lực giáng ma vệ đạo nhưng không hiếu sát. Kẻ tạo phúc cho chúng sinh tất sẽ hưởng quả lành!

Nam Cung Giao không hiểu hết ý sư phụ nhưng cũng gật đầu lia lịa.

Thiền Sơn trưởng lão dặn dò thêm :

– Con chỉ mới nắm được vỏ ngoài của chiêu tuyệt kiếm, và chưa đủ công lực nên không được thi triển bừa bãi mà mang hại! Nếu vào Trịnh Sơn đụng phải Hồ Ly song tiên thì nên bỏ chạy!

Nam Cung Giao cười đáp :

– Đồ nhi chỉ mong cứu người, đâu dám nghĩ đến chuyện sinh cường.

Trưa mười bốn chàng có mặt ở trấn Vũ Lộ, cách chân núi Trịnh Sơn đến mười mấy dặm để tránh tai mắt của Hồ bang!

Vũ Lộ là một tiểu trấn nghèo nàn vùng sơn cước, dân cư sống bằng nghề nương rẫy. Cả trấn chỉ có một quán cơm, một nhà trọ.

Chính vì chẳng thu được chút lợi lộc nào ở đây nên Hồ bang không cử đệ tử đến làm gì!

Chẳng ai buông câu khi biết ao không cá!

Nam Cung Giao vào nhà trọ, tắm gội xong, gọi một mâm cơm rượu mời cả chủ quán nhâm nhi để hỏi chuyện.

May cho chàng, lão già họ Quảng này thường đến trấn An Hội, dưới chân núi Trịnh Sơn, thăm em gái nên rất thông tỏ địa thế Tổng đàn Hồ bang.

Lão ngà ngà say, đắc ý kể :

– Bẩm công tử! Núi Trịnh Sơn gồm có hai đỉnh Bắc, Nam, giữa hai đỉnh ấy là một khe lớn. Khe này được dân địa phương gọi là Ngọc Lan cốc, rộng độ gần trăm mẫu, mọc đầy những cây Bạch Ngọc Lan cao vút và thơm ngát. Trước đây, trong trấn An Hội vẫn thường đến đấy hái hoa Ngọc Lan về chế luyện thành dầu thơm, hoặc tẩm thịt, hồ bột mì, rán lên ăn rất thơm ngon.

Lão dừng lại, uống cạn chung rượu mà Nam Cung Giao mới rót cho, rồi khà khà kể tiếp :

– Đầu năm ngoái, cơ ngơi của Hồ bang mọc lên, quay về hướng Tây. Từ đó, chẳng người dân nào được vào Ngọc Lan cốc nữa, vì mặt Đông Sơn Cốc này tận cùng bằng một vùng trũng sâu. Muốn từ thung lũng này trèo lên cốc phải vượt đoạn sườn núi dốc đứng, cao đến mười trượng.

Lão hậm hực chửi bới :

– Mả cha bọn Hồ bang! Lúc trước, mỗi lần đến An Hội thăm gia muội, mỗi ngày lão phu đều lên Ngọc Lan cốc hai lần, buổi sáng thì đứng ở cuối cốc đón bình minh. Còn buổi chiều ngồi ở đầu cốc đón hoàng hôn, ngân nga vài câu thơ cổ, nhâm nhi chén rượu thơm, đưa cay bằng món bánh hoa tẩm mật rắn. Thú vui tao nhã ấy nay còn đâu nữa?

Nam Cung Giao ngắm gương mặt xương xương có vầng trán cao nhăn nheo, tự nhủ rằng Quảng lão cũng có tướng nhà thơ.

Chàng vui vẻ nói :

– Quảng đại thúc! Lần này tiểu điệt đến Trịnh Sơn là để cứu vợ con, song sẽ tiện tay phóng hỏa Tổng đàn Hồ bang, đuổi họ đi! Nếu tiểu điệt thành công thì chỉ vài ngày nữa là đại thúc có thể lên đây mà ngâm thơ, uống rượu!

Quãng lão khoan khoái đáp :

– Nếu được thế thì lão phu đại diện bách tính An Hội cảm tạ thiếu hiệp! Lão phu đã già, song thiếu hiệp cần sai bảo gì xin cứ nói!

Nam Cung Giao hài lòng, hỏi kỹ địa hình phía Đông của Ngọc Lan cốc, suy nghĩ một lúc rồi nói :

– Phiền đại thúc tìm mua giùm tiểu điệt một cỗ xe độc mã, mui kín, mười hai trượng dây chão lớn, một chiếc võng đay thật bền chắc! Sau đó, đại thúc bảo lò rèn làm cho tiểu điệt sáu chục cây đinh thép nhọn, thân to độ ngón tay cái và dài chừng hai gang.

Chàng đặt trước mặt lão ba tờ ngân phiếu trăm lượng vàng, nghiêm giọng bảo :

– Sau khi tiểu điệt cứu được ái thê chắc chắn Hồ bang sẽ mở cuộc điều trạ Số vàng này là để đại thúc rời bỏ trấn Vũ Lộ này, tìm nơi khác mà làm ăn! Bằng như, tiểu điệt thất bại, không sống sót trở về, đại thúc tìm đến Tế An đường ở Cảnh Đức Trấn báo tin!

Quảng lão mừng đến tỉnh cả rượu, cảm tạ rối rít và hứa sẽ làm đúng như lời chàng dặn.

Nam Cung Giao mỉm cười :

– Của thiên trả địa! Đại thúc bất tất phải nghĩ ngợi làm gì!

Tuy xuất thân từ nhà cần kiệm, song chàng vẫn ngượng ngùng vì số của cải phi nghĩa, đã cướp được của Quách thượng thư và Mạc Tri Phủ, nên phóng tay phân phát cho đỡ áy náy lương tâm!

Xế chiều hôm sau, Nam Cung Giao thắng ngựa vào cỗ xe cũ kỹ mà Quảng lão đã mua giùm.

Sau khi chất vật dụng và hành lý vào thùng xe phủ bạt, chàng cáo từ chủ quán, đi về hướng Bắc.

Khi hoàng hôn buông xuống, Nam Cung Giao còn cách Trấn An Hội hai dặm, và đang ở chân đỉnh Nam của núi Trịnh Sơn.

Chàng rời đường tiểu lộ nối Vũ Lộ với An Hội, rẽ phải đi vào cánh rừng thưa!

Con đường mòn này chỉ dài độ gần dặm là xe không còn đi được nữa.

Nam Cung Giao dừng cương, vỗ về tuấn mã rồi vác dụng cụ đi vòng ra mặt Đường Ngọc Lan cốc!

Chàng dùng kiếm chặt cành và bụi rậm, mở đường mà đi, vài khắc sau đã đến thung lũng dưới chân sơn cốc.

Bìa rừng ôm lấy mặt sau sơn cốc theo hình cánh cung và cách xa độ ba chục trượng. Địa hình thung lũng khá bằng phẳng, chỉ toàn bụi rậm và những cây nhỏ cao độ đầu người.

Nam Cung Giao ngước lên quan sát nhìn thấy một tiểu đình bát giác lợp ngói đỏ, nằm chính giữa khẩu độ bốn chục trượng cửa sau khe núi Ngọc Lan.

Trăng chưa lên, song bốn chiếc đèn lồng phất bằng giấy trắng đã được châm lửa. Chàng nhận ra bóng người lố nhố trong tiểu đình.

Có lẽ bọn này phụ trách việc canh gác, nhân đêm rằm tụ tập lại uống rượu, chờ ngắm trăng.

Không gian nhá nhem, mù mịt sương chiều, song lát nữa cảnh vật thung lũng sẽ hiện lõ dưới ánh trăng rực rỡ. Do vậy, Nam Cung Giao phải tranh thủ lúc này để áp sát chân vách.

Chàng nương theo bụi rậm, tàn cây, luồn lách đến góc bắn của Cốc khẩu.

Trừ phi đối phương nằm dài trên nền Sơn cốc mà nhìn xuống mới thấy được người ở dưới chân vách.

Nam Cung Giao biết thế, nên yên tâm hành động. Võng đay, dây chão sau lưng, còn túi gai dầy đựng bọc cọc sắt nằm trước ngực.

Chàng rút một cây vươn tay cắm vào vách, may mà mũi đầu không phạm đá tảng.

Nam Cung Giao dùng chính lòng bàn tay mình làm búa, vỗ cho đoạn thép nhọn hoắt kia lún sâu hơn gang, đủ sức chịu đựng sức nặng của mình.

Và rồi, chàng đưa tay hữu nắm chặt lấy đoạn cọc thừa mà đu lên. Tay tả lại thò vào túi lấy cộc, vươn dài cắm vào vách, nghĩa là lúc nào cơ thể kháng cũng đong đưa, mũi giầy đặt tạm bợ vào những chỗ lỗi lõm trên vách.

Công việc này vô cùng nguy hiểm và khó khăn, song nhờ công lực thâm hậu, lòng kiên nhẫn và một chút may mắn, Nam Cung Giao đã thành công.

Gọi là may vì vách núi không phải toàn đá tảng, cũng chẳng phải đất mềm xốp, mà là đất đá xen lẫn.

Kết cấu địa chất này đã giữ chặt được những cây đinh thép, và chàng cũng không phải quá tốn sức để cắm chúng!

Nam Cung Giao tay cột chặt một đầu dây chão vào ba cây cọc thép cắm trên nền sơn cốc, rồi giấu cả vào bụi cây. Ánh trăng chẳng thể làm lộ chúng.

Đằng Đông trăng đã mọc, song Nam Cung Giao đã kịp men theo vách cốc luồn sâu vào trong.

Mấy trăm cây Bạch Ngọc Lan cổ thụ đã được giữ lại phần lớn. Hồ bang chỉ đốn những cây nằm đúng vị trí xây dựng.

Tàn cây rậm rạp đã cản ánh trăng, che chở cho bước chân khách dạ hành.

Nam Cung Giao khoan khoái hít lấy mùi hương thơm thoang thoảng, hăng hái tiến lên.

Tuy loài Bạch Ngọc Lan thường nở rộ khi xuân về, nhưng những tháng còn lại trên cành vẫn lác đác vài bông trắng nuốt chứ không biến mất hẳn.

Do vậy, đã tháng bẩy rồi mà nơi đây vẫn có hương thơm.

Bạch Ngọc Lan là loài thân gỗ lớn, rụng lá. Họ Mộc Lan cao độ hai trượng rưỡi, song trồng lâu năm có cây cao đến sáu bẩy trượng.

Loài cây quí này ra cành thưa thớt mà mập mạp. Mỗi nhành nhỏ mọc một hoa ở đầu mút, giữa Đông ra nụ, xuân về thì nở thành những bông hoa chín cánh trắng trong như ngọc, tựa hàng ngàn ly rượu đặt ở đầu cành, tỏa mùi thơm dìu dịu như hoa lan.

Bạch Ngọc lan nổi danh nhờ cây lớn, hoa nhiều, đứng một mình thì quí phái kiêu sa, trồng thành vườn trông như đảo ngọc.

Bạch Ngọc Lan là sứ giả báo tin xuân, có đặc tính rất kỳ diệu. Vùng nào xuân đến sớm thì hoa nở sớm, lần lượt đón xuân từ cực Nam lên phía Bắc Trung Hoa.

Hiện tượng này xuất phát từ khả năng mẫn cảm với nhiệt độ!

Lan man thế là đủ, chúng ta quay lại xem Nam Cung Giao đang làm gì?

Cơ ngơi chính của Tổng đàn Hồ bang là tòa đại sảnh rất lớn, có hình dáng cửa chùa miếu vì các góc ngói cong vút, có hành lang gỗ sơn đỏ, nối những cây cột tròn đen bóng với nhau. Tường chung quanh xây tô cẩn thận, ba bên trổ cửa rất rộng, để khi hội họp, các bang chúng đứng trên mảnh sân lớn bên ngoài vẫn có thể nhìn và nghe thấy lời giáo huấn.

Giờ đây, tòa đại sảnh một tầng đồ sộ kia sáng choang đèn đuốc, người ra vào tấp nập, bưng bê rượu thịt, hoa quả chuẩn bị cúng cô hồn.

Nam Cung Giao đã lăn lê, bò toài lần mò đến được tận đây. Chàng muốn biết chắc khi nào Hồ bang tập trung cúng kiến mới ra tay.

Suốt một canh giờ qua, chàng đã kiên nhẫn do thám hết các công trình phía sau để tìm Đinh Tử Phượng.

Chàng thầm cảm ơn Trời Phật vì trong cốc không hề có một con cầy nào. Có lẽ vì chó là kẻ thù của chồn cáo nên Hồ Ly song tiên không muốn thấy mặt chúng?

Lực lượng tuần tra khá đông, qua lại nườm nượp, song tinh thần cảnh giác không cao!

Vì sao như vậy?

Thưa rằng Đinh Tử Phượng bị tống vào ngục vì tội cắm sừng Cung chủ là một bí mật mà ngay cả trong Bang cũng ít người được biết. Thế thì người ngoài làm sao biết được?

Đinh Tử Phượng cũng chẳng có anh chị em hay thân quyến nào khác để cầu cứu.

Tóm lại, khi thư đòi tiền chuộc chưa gởi Nam Cung Giao thì chắc chẳng có ma nào dại gì mò vào chốn long đàm hổ huyệt này!

Song trời cao có mắt, đã run rủi cho Nam Cung Giao ngồi gần gã Đường chủ lắm mồm họ Tô, nên chàng sớm có mặt ở đây!

Bang hội nào cũng có nhà tù, trước là để giam giữ tù binh, sau là trừng phạt những đệ tử vi phạm kỷ cương, luật lệ. Các nhà lao đều có điểm giống nhau ở chỗ là rất kiên cố, tối tăm, ẩm thấp, dơ dáy.

Nam Cung Giao đã tìm ra ngụcthất khá dễ dàng.

Hồ bang đã vui vẻ chỉ dẫn cho chàng bằng tấm bảng gỗ sơn trắng toát, viết bốn chữ Trừng Giới thạch lao, trên bên trên một cánh cửa gỗ dầy, nằm ở chân vách núi phía Nam.

Như vậy, nhà lao được trổ sâu vào vách núi, vừa chắc chắn, vừa đỡ mất thẩm mỹ cảnh quan chung!

Trên đường xâm nhập, Nam Cung Giao đã nhìn thấy rất nhiều những tấm bảng gỗ nằm rải rác trên các cổng thành kiến trúc, giới thiệu rõ chức năng của từng nơi, kể cả nhà tắm và hố.

Tất cả những tấm bảng, những mảnh giấy ấy đều mang nét chữ giống nhau, viết theo lối khải thư rất đẹp.

Nam Cung Giao cười thầm :

– Chắc là trong Hồ bang có một cao thủ về thư pháp! Lão này sợ không ai biết mình có tài nên đã viết loạn xạ, đem chưng khắp cốc, kể cả những nơi hôi thối! Song cũng nhờ lão mà ta đỡ mệt xác!

Song chàng chưa thể xông vào giải cứu tình nương vì trước cửa lao có đến bốn gã áo trắng mang đao đứng tán gẫu.

Qua lời đối thoại, chàng biết rằng lát nữa đây Hồ Ly song tiên sẽ đích thân chủ tế lễ cúng vong. Không phải chỉ cúng cô hồn người mà là cả vong linh của loài chồn cáo!

Toàn bang sẽ tập trung quanh đại sảnh để tưởng niệm, rồi nghe bài thuyết giáo của Thái Thượng bang chủ Hồ Tiên Cổ Huyền Minh! Sau đó, bang chúng sẽ được một bữa nhậu ra trò.

Nam Cung Giao yên chí, ra phía trước xem xét thử. Toàn thân chàng được phủ kín một mầu đen, rất khó bị phát hiện khi ẩn trên tàn cây Bạch Ngọc Lan um tùm!

Giữa canh hai, những nhân vật chủ chốt của Hồ bang xuất hiện. Hai lão nhân mặc đạo bào xanh, tóc bạc trắng kia chắc là Hồ Tiên Cổ Huyền Minh và Ly Tiên Bàng Thu Liên. Tuổi họ đã gần tám mươi, song da dẻ vẫn hồng hào và có rất ít nếp nhăn.

Thiền Sơn trưởng lão đã từng nhận xét: Hồ Ly song tiên xảo trá, thâm độc còn hơn cả Long Giác Thần Quân, bản lãnh cũng không kém. Do họ nuôi ảo mộng thành tiên, chuyên tâm luyện đan nên giang hồ thời bình được mấy chục năm. Nay Song tiên đã đầu Hồ bang là có ý xưng hùng, khiến lão nạp lo cho chính khí võ lâm!

Người đi sau Song tiên là một hán tứ tuổi độ ba mươi mốt ba mươi hai, khá anh tuấn với hàng râu mép tỉa gọn, song thần thái gã cao ngạo và lạnh lẽo, nhìn bộ trường bào đỏ có đai lưng đính bảo ngọc lấp lánh, Nam Cung Giao đoán gã là Sài Tuấn..

Kế đến là anh em Hàn Đan song kiếm và bốn lão già lạ mặt nữa.

Cả sáu người đều mặc áo choàng, biểu hiện vai vế Hộ pháp! Như vậy là còn thiếu Quỷ Côn Đường Cổ Ngư, Phó bang chủ Hồ bang.

Bọn bang chúng lũ lượt kéo đến, đứng chật cả mãnh sân gạch rộng bao quanh đại sảnh.

Khi tiếng chuông mõ, tiếng tụng niệm ê a của Song tiên vang lên, Nam Cung Giao len lén quay lại chỗ Thạch lao.

Chàng mừng rỡ nhận ra chẳng còn ai canh gác, và cũng không có đèn đóm gì cả!

Sau khi cẩn thận liếc quanh, chàng lao về phía cửa ngục, rút cây cọc sắt dài hơn hai gang, xỏ vào ống khóa bẩy mạnh, lực đạo của cánh tay có thể nâng được ba trăm cân nên khóa sắt bị nhổ rời khỏi lớp gỗ dầy.

Nam Cung Giao nhanh nhẹn lách vào, bật hỏa tập soi đường, tay phải thủ sẵn trường kiếm.

Mùi hôi hám trong hang xộc vào mũi khiến chàng càng thương xót cho Tử Phượng. Liệu một nữ nhân bụng mang dạ chửa sẽ chịu đựng được bao lâu trong chốn địa ngục này?

Bề ngang thạch động rộng độ ba mươi trượng, trần cao hơn trượng, dọc hai vách là hàng loạt cửa phòng giam ngầm, đục sâu vào lòng núi. Tất cả đều mở toang hoác vì không có tù nhân.

Nam Cung Giao soi rọi tất cả những phòng ấy, không dám bỏ qua, song chỉ hoài công.

Lúc gần đến cuối hang chàng phát hiện một chiếc lồng lớn, gồm toàn thanh sắt tròn.

Nam Cung Giao hồi hộp lướt đến, và ánh sáng hiu hắt của hỏa tập đã giúp chàng trông thấy một thân hình treo lủng lẳng. Mặt nữ nhân áo đen này bị tóc xõa xuống che phủ nên rất khó xác định lai lịch, song cái bụng nhô cao kiađã tố cáo nàng là Đinh Tử Phượng.

Nàng đã treo cổ tự sát đúng lúc có người đến cứu!

Nam Cung Giao rụng rời, buông rơi hỏa tập xuống nền hang, may mà nó không tắt. Chàng chẳng còn tâm trí đâu mà tìm kiếm ổ khoá, xuống tấn chụp lấy hai song sắt, nghiến răng kéo chúng banh rộng ra.

Chàng lách ngay vào, tay tả khiêng xác Tử Phượng, tay hữu vung kiếm cắt giải thắt lưng oan nghiệt đang nối cổ nàng với song của trần lồng!

Nam Cung Giao nghẹn ngào đặt Tử Phượng nằm xuống sàn, thăm mạch cổ và áp sát tay nghe nhịp tim. Tuy da thịt còn ấm nhưng mạch đã tắt, hơi thở đã tuyệt!

Nam Cung Giao bật khóc nức nở, chẳng cần biết tiếng khóc bi thương của chàng có lọt ra ngoài hay không!

– Phượng muội! Nàng đã báo mộng bảo ta chờ đúng đêm rằm hãy đến sao lại lỡ bỏ đi trước thế này?

Chàng lột phăng bao vải trên đầu điên cuồng thổi những luồng dưỡng khí vào chiếc miệng có đôi môi lạnh giá và nhợt nhạt.

Chàng còn luồn tay hữu xuống dưới lưng, áp vào huyệt mệnh môn, cố dồn chân khí vào kinh mạch của người yêu!

Hỡi ôi! Mọi nỗ lực của chàng chỉ là công cốc, cơ thể Tử Phượng vẫn không một dấu hiệu hồi sinh!

Nam Cung Giao ôm xác nàng mà than khóc. Lát sau, chàng chợt nhớ đến đứa con năm tháng tuổi trong bụng Tử Phượng, đau đớn vuốt ve, rồi úp mặtvào đấy.

Chàng chợt nghe như có tiếng nước sôi ùng ục, ngỡ ngàng tự hỏi :

– Lạ thực! Chẳng lẽ sau khi chết rồi thì bộ máy tiêu hóa vẫn còn hoạt động? Hay là hiện tượng này do đứa bé trong bụng tạo ra!

Chàng chẳng hề có chút kinh nghiệm nào về việc chết chóc và thai nghén nên nghi hoặc mãi!

Nhưng việc cần là trước mắt là phải đưa xác vợ con ra khỏi chốn này!

Chàng liền bồng Tử Phượng thoát ra. Khi đã đến chỗ giấu dây chão và võng đan, chàng đặt thi thể Tử Phượng vào võng, cột dây thả xuống.

Trong tòa tiểu đình bát giác kia vẫn có ba gã đang canh gác, song chúng đang nóng lòng chờ đợi đồng bọn mang rượu thịt về nên chẳng thèm đi tuần như quy định.

Nam Cung Giao thả võng đan chạm đất rồi bám lấy dây chão tuột xuống. Chàng bồng Tử Phượng chạy về phía cánh rừng, đến được chỗ để xe ngựa!

Sau khi đặt thi thể Tử Phượng gọn gàng trong thùng xe, Nam Cung Giao nghiến răng khấn vái :

– Phượng muội! Ngày ấy ta đã khẩn cầu nàng ly khai Hồ bang để cùng nhau chung sống. Nàng không nghe ta nên mới có cảnh tử biệt này!

Chàng đau lòng đến nỗi không nói được nữa! Và chợt nghe cơn giận nổi bùng! Cái chết thảm khốc của Tử Phượng đã khiến chàng không còn suy nghĩ thiệt hơn, chỉ nghĩ đến chuyện báo thù!

Nam Cung Giao lẩm bẩm :

– Mẹ kiếp. Dù không đánh lại thầy trò bọn ngươi, song ta cũng quyết gỡ gạc chút đỉnh!

Chàng lập tức quay lại chân vách, bám dây chão trèo lên.

Có lẽ vì quá chú tâm đến yến tiệc nên đến giờ này mà bọn canh gác thạch lao chưa phát hiện ra việc khóa ngục bị bẻ. Cho nên, Ngọc Lan cốc vẫn vang vang tiếng xai quyền hành lệnh của đám bang chúng!

Nam Cung Giao còn phải đưa thi thể Tử Phượng thoát đi an toàn nên chẳng dại gì đánh động đối phương.

Chàng quay lại đây cũng là rất mạo hiểm!

Chàng tìm đến hai tòa tiểu viện xinh đẹp ở giữa vườn hoa, cái treo bảng Thái Thượng Ngọc Xá, cái kia là Bang chủ Kim Xá!

Đây chính thị nơi cư trú của Hồ Ly song tiên và Sài Tuấn.

Biết chắc chủ nhà đang ăn uống ngoài đại sảnh, Nam Cung Giao ung dung thọc kiếm cắt then cửa sổ sau Thái Thượng Ngọc Xá!

Gần mực thì đen, chàng có nhiều ngày đồng hành với Mộc Kính Thanh và anh em họ Trịnh nên học được nhiều thủ đoạn của giới đạo chích, mau chóng khám phá ra những chỗ giấu bảo vật.

Sau khi lục soát phòng ngủ mà không thấy gì, Nam Cung Giao đi sang phòng bên cạnh, nơi tụng niệm của Hồ Ly song tiên!

Trên bàn thờ kia không hề có tượng Phật hay tượng Tam Thanh, mà là hai con thú nhồi bông, một chồn, một cáo. Chúng đứng đấy, dương mắt nhìn Nam Cung Giao với vẻ tò mò!

Trong tủ ngầm của bệ thờ, Nam Cung Giao tìm thấy lọ sành đựng thuốc và túi châu báu. Chàng cắt một mảnh rèm làm bàn thờ màu đỏ, gom chiến lợi phẩm lại.

Song chưa hả giận, Nam Cung Giao lôi cổ hai thần tượng của Song tiên xuống mà hành hạ để chọc tức họ!

Song, khi mổ bụng hai con thú nhồi bông, chàng lại thu được hai ống đồng dài độ gang tay, thân lớn cỡ quả chanh. Chẳng cần biết trong chứa gì,chàng bỏ cả vào vuông vải, rồi đi sang Bang chủ Kim Xá ngay cạnh đấy,

Ở đây, chàng tìm ra hốc giấu của phía sau một bức tranh lớn, trong chứa châu báu và ngân phiếu!

Nam Cung Giao hài lòng vì đã vét gần sạch tài sản Hồ bang, mỉm cười lẩm bẩm :

– Đồng tiền liền với ruột. Song tiên và Sài Tuấn sẽ phải điên lên vì tiếc của!

Nam Cung Giao thoát ra hậu cốc dễ dàng bởi phần lớn bọn bang chúng đã mờ mắt vì say rượu!

Chàng tháo dây, xuống bằng những cọc sắt, lần lượt nhổ sạch để phi tang, hy vọng đối phương không biết mình đi hướng nào!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN