Tôi chán nản trở về đài ngắm sao, kéo tóc nghĩ lại chuyện đã qua, những cách báo ân của mình có sai chút nào đâu. Tôi cẩn thận nhớ lại những tiểu thuyết truyền kì, yêu tinh, tiên nữ đều là lấy thân báo ân, nhanh chóng tỉnh ra, nhưng mặt đỏ tim đập từ chối quyết liệt. Những chuyện này từ hương diễm động lòng người những không có kết cục tốt, tôi trăm triệu lần không thể dẫm lên vết xe đổ. Vẫn là nên tìm cách khác thôi, tôi nghĩ nửa ngày, nhớ đến chuyện Tử Thần ngày mai sẽ lên đường tham gia thi Hương, hay là tôi đi trước, đến trường thi xem có cần giúp đỡ chuyện gì chăng. Chao ôi, tôi thật đúng là dốt, chuyện đơn giản như thế lại trở thành gánh nặng, phí bao công sức suy nghĩ hồi lâu cũng không có cách nào.
Tôi ngựa quen đường cũ mò tới Thấm Tâm trà trang.
Bây giờ đã là giờ Tý, trăng sáng, chẳng có bất kì tiếng động nào, phòng Tử Thần tối thui, chắc muốn ngày mai dậy sớm lên đường nên hôm nay đã ngủ sớm rồi. Tôi đi vào trong núi giả định tối nay nghỉ ngơi ở đây, đột nhiên từ trong phòng phát ra vài tiếng hắt hơi của Tử Thần, dù là một cái cây thì tôi cũng là một nữ thụ tinh, gan rất nhỏ, đột nhiên vang lên mấy tiếng thật lớn khiến tim đập thật mạnh. Chẳng lẽ Tử Thần bị cảm lạnh? Tôi hơi kinh ngạc, bước tới phòng, không ngờ vừa vào cửa lại càng nhảy dựng, cậu ta, người ngờ toàn thân trần truồng, lại ngồi trong một cái thùng gỗ, chỉ thấy nửa người trên. Giờ này là giờ nào, vị thiếu gia này còn có nhã hứng tắm rửa sao?
Trời ạ, trăng soi sáng, thật rõ ràng, tôi vỗ vỗ ngực cho đỡ sợ, trong lòng lại nổi loại ‘kinh’ khác, là kinh diễm. Mặc dù tôi chỉ nghĩ đơn giản là cậu ta tắm rửa giờ này thật là lập dị, nhưng trong lòng cũng thừa nhận rằng chuyện nửa đêm dưới trắng ngắm mỹ nhân là một chuyện rất thi thú, huống chi người đẹp lại không mặt quần áo. Mặt tôi đỏ ửng, nhưng con mắt tiếc rẻ không dời đi. Cũng may cho tôi đã từng này tuổi, nhìn cậu ta cũng không có gì quá đáng, hơn nữa khi cậu ta còn bé thì tôi đã xem hết rồi, còn gì mà xấu hổ nữa đâu. Tôi tự ngụy biện cho bản thân một hồi, mặt cũng từ từ bớt nóng, quang minh chính đại đứng nhìn một bên, xem cậu ta định tắm đến khi nào. Tên nhóc này sao không vội gì cả thế, đã hơn nửa canh giờ rồi (một tiếng đồng hồ), mà vẫn còn ngâm người bên trong, e rằng nước đã lạnh từ sớm. Lại thêm vài tiếng hắt hơi tiếp sau, tôi hơi sốt ruột, tuy giờ đã là cuối hạ đầu thu, thời tiết không lạnh nhưng ngâm nước như thế muốn không sinh bệnh cũng khó.
Tôi rất muốn bốc thẳng cậu ta ra rồi ném lên giường, tiếc là không thể. Tử thần đang ngâm người ngon lành bỗng nhiên chẳng hiểu tại sao bị ném lên giường, tôi sợ cậu ta sẽ hô lên thất thanh: “Có quỷ!” mất thôi. Trong lòng tôi nóng như lửa đốt, nhưng không thể làm gì. Cuối cùng cậu ta cũng từ từ từ trong nước bước ra, tôi vội vàng nhắm mắt, thời khắc mấu chốt vẫn còn nhớ rõ ‘mất lịch sự, chớ nhìn’, âm thầm bội phục chính mình. Ngừng một hồi, mở mắt ra nhìn, cậu thiếu gia đã lên giường đi nằm, đắp chăn xong. Tôi thở phào, ngồi trên ghế dựa trong thư phòng, kiên nhẫn chờ đến khi cậu ta ngủ say. Cũng được lắm, Hướng thiếu gia trên giường trông hiền lành thế, khi không lại tự giày vò bản thân như thế, đúng là kẻ lập dị. Cuối cùng tôi cũng có thể thở phào, chịu kinh hãi hồi lâu, thật đúng là có chút mệt mỏi.
Sáng hôm sau, bị một tiếng gõ cửa làm bừng tỉnh, lúc này mới giật mình nhận ra cả đêm mình ngủ trong thư phòng này, may mà đã ẩn thân rồi. Hồi lâu không thấy Tử Thần đứng dậy mở cửa, tôi cảm thấy có chút khó hiểu. Vị quản gia kia đã vội đến không chờ được, vội vã vào trong, nhắc nhở luôn miệng: “Thiếu gia, thiếu gia! Phu nhân đã thúc dục nửa ngày rồi, muốn chúng ta mau đi ăn bữa sáng rồi lập tức xuất phát.” Ông ta đi vào trong thư phòng, Tử Thần vẫn là chưa hề cử động, vị quản gia có phần chờ quá lâu, tiến lên khẽ xốc màn, đẩy nhẹ Tử Thần, gọi: “Thiếu gia, thiếu gia, mau dậy đi thôi!” Tử Thần khẽ hừ nhẹ, cau mày, thấp giọng không nghe được. Quản gia hơi ngạc nhiên, đưa tay áp lên trán Tử Thần, lập tức nhảy dựng, chạy ra ngoài. Tôi tiến tới nhìn, sắc mặt Tử Thần đỏ hừng hực, hơi thở nặng nề, ánh mặt khép chặt, tôi muốn đưa tay sờ trán cậu, nhưng nhận ra mình đang ẩn thân, không thể tiếp xúc được. Bây giờ cậu ta đang thần chí mơ hồ, lại không có người ở đây, tôi liều mạng hiện thân, ngón tay nhẹ nhàng khẽ chạm vào trán cậu, nóng đến dọa người! Tim tôi đập mạnh, sốt rất cao, thảo nào quản gia chạy vội ra ngoài.
Đang sốt ruột, trăm triệu lần lại không nghĩ tới đột nhiên Tử Thần lặng lẽ hé mắt, rồi vô lực khép lại, tôi lập tức ẩn thân, tim đập thình thịch thêm một trận. Chỉ nghe thấy cậu thấp giọng rên rỉ: “Lại là giấc mộng ấy.” Sau đó ngủ thật say, bây giờ tôi chỉ hận mình không phải là đệ tử của Hoa Đà, đành chờ quản già mời người tới.
Không lâu sau, Hướng mẫu và Tống mụ vội vàng chạy tới, Hướng mẫu bổ nhào đến trước giường bắt lấy tay cậu, nước mắt dâng trào, nghẹn ngào không nói nên lời. Lúc này, lần đầu tiên tôi mới cảm nhận bà thật sự đúng là mẹ ruột của Tử Thần, cuối cùng cũng biểu lộ vài phần tình cảm. Lại rất lâu sau mới thấy Lưu quản gia đưa một người đại phu tới, bắt mạch kê đơn, bàn bạc với Hướng mẫu: “Thiếu gia đang bị phong hàn rất nặng, trong vòng bảy ngày chớ nên ra ngoài, ít nhất phải tĩnh dưỡng nửa tháng, nếu không thì lưu lại mầm bệnh, tới đông sợ rằng sẽ không ngừng ho khan.”
Hướng mẫu vừa nghe, sắc mặt biến xanh, cuối cùng ngất đi, vị đại phu kia đành chỉ huy Tống mụ bận bịu một hồi, Hướng mẫu tỉnh dậy, kêu khóc thất thanh, khiến tôi giật cả mình, không ngờ một người phụ nữ điềm đạm nhu nhược như thế mà cũng có sức lực đến vậy. Thầy thuốc vội an ủi bà: “Phu nhân đừng nên gấp áp, bệnh của thiếu gia chẳng qua chỉ là phong hàn, không phải không có cách trị.”
Nhãn thần Hướng mẫu héo khô, cũng không lau nước mắt nước mũi trên mặt, lẩm bẩm trong nước mắt: “Thi hương thì biết làm sao đây…” Bấy giờ tôi mới hiểu nguyên nhân tại sao Hướng mẫu lại bi thương đến thế. Ái chà, như vậy thì xem ra, đêm qua Tử Thần cố ý hủy hoại sức khỏe chính mình là để cự tuyệt thi cử.
Tôi xoay người rời đi, không muốn liếc mắt nhìn Hướng mẫu lần nào nữa, cũng chẳng biết nỗi đau khổ kia có bao nhiêu phần vì con trai, bao nhiêu phần vì đường công danh.
Trở về đài ngắm sao, cả ngày trời tôi chẳng vui được tẹo nào, có phần phiền muộn. Đêm đến, tôi cướp lấy bầu rượu của lão thổ địa uống tù tì vài ngụm. Lão thấy tôi đang hậm hực, hỏi tôi đang có chuyện gì phiền lòng, tôi đương nhiên mong có người hỏi thăm, liền đem hai chuyện mình chứng kiến được kể cho lão nghe. Nói xong rồi, tâm trạng cũng thoải mái hơn. Lão quả thật là một người nghe tốt, không nói lời nào, chỉ dùng biểu cảm để phối hợp, sau rốt tổng kết bằng một câu: “Chuyện gì cũng có cái duyên của nó, cô có gấp cũng không tác dụng, cứ kiên nhẫn, kiên nhẫn đi.”