Tình Chị Duyên Em - Phần 18
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
2932


Tình Chị Duyên Em


Phần 18


Thời gian thấm thoắt trôi đi. Từ ngày bà hai bị giam vào nhà hoang rồi phát điên nhà tôi cũng yên bình hẳn, tôi cũng không mơ mộng linh tinh gì nữa. Ở dinh bà ba thì đóng cửa suốt, đến độ sát Tết tôi cũng vẫn chưa nhìn thấy bà ra ngoài. Tôi nghe cái Yến nói hình như bà ba sức khoẻ yếu, trước kia bà đã xanh xao nay lại càng thêm tiều tuỵ. Thế rồi đến ngày Ba mươi Tết bà ba mới chịu mở cửa lên nhà để ăn bữa cơm tất niên. Quả đúng như cái Yến nói, bà gầy đi rất nhiều, gương mặt xanh như tàu lá chuối. Lúc lên nhà, nhìn thấy bà cả bà ba chỉ cúi gằm mặt xuống. Thực tình nhìn bà lúc này tôi lại thấy vừa thương thương, lại vừa thấy đáng trách.

Khi ăn cơm tất niên xong bà ba cũng vội cáo lui về, tôi với cái Hương cùng bà cả dọn dẹp trên dinh lớn, cậu Thành, cậu Bảo cùng ông Lý thì mang cành đào vào sau đó lau bàn thờ gia tiên. Lúc tôi đang bê mâm bát ra giếng cho cái Mít rửa thì nghe tiếng cái Hương quát:

– Chi về dinh dọn dẹp đi. Không phải ngồi đấy mà chơi đâu nhé.

Con Chi đang ngồi ở hiên chơi nghe vậy hậm hực đáp:

– Dọn dẹp gì, chị đi mà dọn.

– Bu không ở đây thì phải nghe lời chị, đừng có cái kiểu cãi lại như vậy. Mười ba tuổi đến nơi rồi mà lười biếng. Cả chị Yến nữa chị quét sân xong, chị dẫn cái Chi về dọn dẹp dinh nhà mình đi. Mấy hôm nay em với cậu Thành làm gần hết việc rồi, giờ về quét tước cho sạch sẽ một chút.

Con Chi nghe vậy đùng đùng đứng dậy gào lên:

– Không dọn không dọn, không thích dọn. Chị có quyền gì mà bắt em dọn? Dạo này chị cứ làm như chị là tướng không bằng, chị là cái gì mà sai bảo cơ chứ?

Cái Hương thấy vậy buông mâm bát xuống hùng hục đi vào sân kèo con Chi dậy rồi nói:

– Đi mau! Nếu không chị sẽ nói với thầy mấy hôm trước em trốn ra ngoài chơi. Và chị cũng nói luôn, chị đã xin thầy được phép có quyền dạy dỗ em, nếu em không nghe, chị sẽ làm theo gia quy. Vậy nên ngoan ngoãn đi về dọn dẹp đi. Chị Yến đi cùng nó luôn đi.

Con Chi nghe xong nghiến răng nhìn mà không dám cãi. Cái Yến đang quét sân có vẻ cũng hơi khó chịu nhưng vẫn hót rác đổ đi rồi cùng cái Chi về dinh dưới. Tôi ngồi kéo mâm bát ra giếng, trước kia tôi ít có dịp tiếp xúc với cái Hương không biết tính cách nó ra sao, giờ tự dưng lại thấy cảm giác nó hơi hơi giống bu chồng tôi. Lúc nó ra ngoài giếng tôi khẽ hỏi:

– Cô quát thế không sợ cái Chi giận sao?

– Giận? Giận tôi sao?

– Ừ dù gì nó cũng là em chồng cô, tính nó tiểu thư đành hanh như vậy mà.

– Tôi chẳng quan tâm, nhưng tôi thấy con bé Chi quá lười biếng, nếu tôi không dạy dỗ cẩn thận thì có mà loạn. Giận thì giận, tính tôi thẳng thắn có gì nói nấy nên thà mất lòng trước được lòng sau còn hơn. Trước tôi mới về còn có bu chồng, giờ bà ấy bị đày vào nhà hoang, tôi thân là dâu thì phải có trách nhiệm bảo ban nó. Nói thật chứ hồi có bu chồng tôi, con Chi chuyên bắt nạt tôi, giờ tôi không dạy cho ra tấm ra miếng sau này đi lấy chồng chỉ thiệt thân nó thôi.

– Cô không thân với nó à?

– Ở đây tôi chẳng thân với ai cả, kể cả cái Chi hay chị Yến, cái Chi tính tiểu thư, ghê gớm đanh đá suy nghĩ nông nổi bốc đồng, chị Yến thì có vẻ cũng công dung ngôn hạnh, có vẻ hiền lành, tốt bụng đấy, nhưng tôi không hợp, cũng không muốn thân. Chỉ có điều ở cùng nhà, tôi không thể cứ coi như người dưng được, cái gì đúng nói đúng, cái gì sai nói sai.

Nói đến đâu cái Hương thoăn thoắt nhặt bát đưa cho cái Mít đến đấy. Cái Hương đột nhiên nhìn tôi rồi nói:

– Dung! Cô đến trước tôi vài tháng nhưng suy cho cùng tôi và cô vẫn là những người còn lạ lẫm trong ngôi nhà này. Nói thật, từ khi đến đây tới giờ, tôi không thể hiện gì chỉ lặng lẽ quan sát để biết ai tốt ai xấu. Tôi cũng giống cô bị ép cưới một người mà mình không yêu, tôi không biết cô như thế nào nhưng bản thân tôi đã có người thương trong lòng. Đáng tiếc tôi với người ta có duyên không phận. Tôi chấp nhận đến đây làm vợ cậu Thành, ngay từ khi đặt chân đến đã biết mình phải đối diện với rất nhiều điều. Ngoài một cuộc hôn nhân không tình yêu còn có những khó khăn khác phải đối diện. Vậy nên cả tôi và cô đều phải có bản lĩnh vượt qua, tôi khâm phục cô ở sự thông minh nhanh nhẹn, tôi thì không làm được như vậy, nhưng ít nhất tôi cũng sẽ để người ta thấy tôi không dễ bắt nạt.

Những lời cái Hương nói rất thẳng thắn, nó dám thừa nhận chuyện hôn nhân này không có tình yêu, dám thừa nhận trong lòng nó đã có người khác quả thực là quá can đảm. Chính bản thân tôi khi đến đây cũng chưa từng dám nói ra những lời như nó mặc dù cũng có suy nghĩ như vậy. Tôi thấy trong đáy mắt cái Hương lộ rõ sự cô đơn. Thực ra trước kia bà cả ghét bỏ tôi, cậu Bảo cũng chẳng yêu thương gì thì giờ cái Hương cũng vậy. Nó có một đứa em chồng không hiền lành, cuộc hôn nhân ép buộc đúng là cũng chẳng hạnh phúc hơn tôi trước kia bao nhiêu. Tôi từng ngưỡng mộ nó khi được bà hai dắt tay vào dinh, được đối xử tử tế nhưng xem ra đến giây phút này tôi còn thấy mình có cuộc sống dễ thở hơn một chút. Cái Hương không nói gì nữa, dọn xong đứng dậy quét qua lại phần sân vườn rồi mới về dinh. Lúc đi qua tôi nghe tiếng nó với con Chi cãi nhau om củ tỏi đến mức ông Lý phải xuống. Con Chi từ ngày bà hai bị nhốt nó càng ngày càng ngang bướng hống hách, tuy nó không công khai công kích tôi, nhưng đối với tất cả mọi người nó đều xử sự một cách ngông cuồng không sợ gì. Chỉ khi ông Lý xuống nói nó mới im miệng làm việc cái Hương giao. Tôi xong việc thì đi lên buồng, ngẫm nghĩ lại lời cái Hương nói. Là do cái Hương tự tạo khoảng cách hay vốn dĩ cái Yến có vấn đề gì nên cái Hương không muốn thân? Tôi nằm nghĩ vẩn vơ mãi, rốt cuộc trong nhà này có thứ tình cảm thuần khiết mang tên tình bạn hay không?

Đến gần nửa đêm hôm ấy khi tôi đang ngủ thì nghe tiếng gõ cửa vừa ngó đầu ra ngoài thấy nguyên cái mặt cậu Bảo chình ình, còn chưa đợi tôi lên tiếng cậu đã nói:

– Này, cô chỉ biết ngủ thôi à? Dậy đi một chút nữa xem bắn pháo hoa.

Pháo hoa thì năm nào chẳng có, hồi ở nhà với thầy bu đêm giao thừa đều thức đến canh ba. Năm nay đi làm dâu nhà ông Lý rồi chẳng còn được như trước kia nữa. Thế nhưng tôi không thể mới năm đầu đến mà giao thừa đã ngủ như một con lợn liền mặc cái áo khoác rồi bước ra ngoài. Bà cả với ông Lý ngồi bên đống lửa bập bùng trước sân, trên mâm lễ đã được chuẩn bị sẵn thủ lợn, trầu cau, vôi, gạo, rượu chỉ chờ đến thời khắc giao thoa giữa năm này sang năm khác thì ông Lý sẽ thắp hương khấn vái. Tôi với cậu Bảo đứng trên hiên nhìn ra chợt tôi thấy hình như có ai nhìn mình chằm chằm liền liếc mắt sang trái. Đột nhiên tôi hơi lùi lại khi ánh mắt khẽ chạm vào ánh mắt của cậu Thành. Cậu đứng ở trước dinh bà hai, thấy tôi nhìn sang cũng khẽ quay mặt nhìn đi hướng khác. Ánh mắt ban nãy của cậu Thành vừa ảm đạm, vừa u sầu lại xen chút xót xa. Tôi không biết tại sao cậu ta lại nhìn tôi như vậy, chỉ có điều nó khiến tôi hơi bất ngờ. Ở ngay bên cạnh, cái Hương cũng đang nhìn lên bầu trời, ánh mắt hoàn toàn lãnh đạm với người đàn ông bên cạnh. Cậu Bảo hơi cúi xuống phả hơi thở ấm áp lên tôi hỏi nhỏ:

– Lạnh à? Sao run lên thế?

– À… ừ tôi… hơi lạnh.

Cậu thấy vậy liền vào buồng lấy áo bông thêu hoa văn bước ra. Tôi nhìn cậu, ban nãy còn thấy cô đơn vì nhớ thầy bu, nhớ chị Hạnh, nhớ thằng Tý thì lúc này cũng đã tan biến đi mất. Tôi không biết cậu đối với tôi thế nào, nhưng hành động này của cậu khiến tôi được an ủi phần nào, cảm giác cô đơn cũng vơi bớt đi. Khi tôi định cất lời đột nhiên cậu tự khoác áo lên người cậu rồi nói:

– Tôi cũng lạnh lắm, mấy ngày trước trời còn hơi nắng đến hôm nay đã lạnh buốt thế này. Nếu cô lạnh vào lấy thêm áo mà mặc đi.

Tôi suýt nữa chết nghẹn, cũng may chưa thốt ra mấy lời cảm ơn. Trần đời tôi chưa gặp gã đàn ông nào khiến mình mùa đông cũng như mùa hè, xuân cũng như thu, quanh năm suốt tháng đều trồng dưa bở cho tôi mắc nghẹn như cậu ta. Ban nãy còn tưởng cậu ta mang áo ra khoác cho tôi hoá ra là tự mang ra mặc. Mặt tôi đỏ au vì xấu hổ chạy một mạch về buồng lấy chiếc áo bông khác rồi mới bước ra. Có điều lúc này tôi chả còn thấy lạnh nữa, chỉ thấy ấm ức khôn nguôi.

Khi còn đang liếc mắt lườm cậu thì đã có tiếng ầm một phát, sau đó là những tràng pháo bông lấp lánh đủ sắc màu được bắn lên bầu trời. Tôi không kìm được chạy hẳn ra sân, cậu Bảo cũng bám theo sau. Dưới sân ông Lý đang đốt nhang khấn ván. Tôi đứng dưới gốc cây nhìn theo đừng đợt pháo sáng mãi không dứt, mãi rất rất lâu sau tiếng pháo mới lặng im, trả lại cho bầu trời màn đêm yên tĩnh. Lúc này tôi mới nhận ra tay tôi rất ấm, nhìn xuống chợt thấy cậu Bảo đang nắm chặt tay mình. Hình như cậu cũng nhận ra điều đó liền buông nhẹ rồi nói:

– Ơ, tôi nhầm, tưởng tay cô là cành na khô này cơ.

Tôi chưa kịp đáp đã có tiếng bà cả gọi:

– Dung, Bảo, lại đâu bu mừng tuổi cho.

Tôi thấy vậy dẫm mạnh một phát lên chân cậu Bảo rồi chạy vào, cậu ta bị đau kêu lên nhưng tôi đã cười lớn để át đi tiếng kêu ấy. Bà cả rút trong túi ra một tập lì xì mỉm cười nói:

– Đây, cái này cho Dung, cái này Bảo. Bu chúc hai đứa con luôn mạnh khoẻ, vui vẻ nhé.

Bà cả nói xong, sống mũi tôi cũng cay xè cả đi. Mới ngày nào về còn bị bà ghét, dù rằng sau này bà bắt đầu đối với tôi bớt cay nghiệt nhưng đây là lần đầu bà xưng bu, gọi tôi là con. Tôi nhận xong lì xì cũng rút trong túi chiếc vào bình an tự làm đưa cho bà một cái, ông Lý một cái nói nhỏ:

– Bu, đây là vòng cầu an con thêu. Tuy còn hơi vụng về nhưng con đảm bảo tâm huyết của con dồn cả vào đấy, con chúc thầy bu sống lâu trăm tuổi, sức khoẻ dồi dào, vạn sự an khang.

Bà cả nhìn tôi bật cười nhận lấy chiếc vòng đeo vào tay. Đột nhiên tôi thấy ở hiên trước bà hai bốn cặp mắt đang hướng về phía giữa sân. Thành với Hương đứng một góc, cái Chi, cái Yến đứng một góc. Bà cả thấy vậy liền vẫy vẫy tay gọi:

– Mấy đứa ra đây bu phong bao lì xì lấy may.

Không hiểu sao tôi lại thấy xót xa quá chừng, trẻ con không có mẹ vẫn là điều thiệt thòi nhất. Cái Chi bám tay lên gấu áo của cái Yến xoắn xoắn lại vẻ mặt đầy thèm thuồng. Bà cả lại lần nữa nói:

– Nhanh lên, đứa nào ra nhanh thì được mừng tuổi nhiều nhất.

Lúc này cái Chi liền hớn hở kéo tay cái Yến ra, cái Hương với cậu Thành cũng đi phía sau. Bà cả phát từng bao lì xì cho từng đứa rồi nói:

– Bu biết các con ai cũng có tâm sự trong lòng. Thế nhưng năm mới rồi, những gì không hay năm cũ bỏ qua, bu chỉ mong mấy đứa hoà thuận sống với nhau. Có chịu không nào?

Cái Chi hơi liếc mắt nhìn tôi lưỡng lự một hồi mới đáp:

– Dạ vâng.

Cái Yến nghe cái Chi nói xong cũng cười tươi đáp lại:

– Vâng ạ.

Tôi nhìn cái Hương khẽ gật đầu, nó cũng đáp lại ánh mắt của tôi như vậy. Quả thực tôi cũng chẳng mong gì, người độc ác nhất ở nhà đã bị đưa đi, chỉ mong những ngày tháng sau này tôi ở đây sẽ được hoà thuận ấm êm.

Sáng hôm sau tôi với cậu Bảo được bà cả cho về nhà thầy bu tôi. Bà đặc biệt sai hai gia nô đưa chúng tôi sang tận làng Liễu. Khi vừa về đến hiên đã thấy thằng Tý lao ra ôm chầm lấy tôi cười lớn nói:

– Chị Dung, anh Bảo về rồi, lì xì cho em đi.

Ừ đấy, nhắc tôi mới nhớ, tôi mang mỗi cái thân xác khô này về, còn chưa kịp nghĩ nói với nó ra sao cậu Bảo đã rút trong túi áo ra mấy bao lì xì đỏ chói nói;

– Đây nhé, mừng tuổi cho Tý, năm nay cố gắng học hành đỗ kỳ thi Hương.

Nói rồi cậu vào nhà mừng tuổi cho thầy bu tôi. Tôi nhìn ngó nghiêng một hồi không thấy chị Hạnh đâu liền hỏi:

– Chị Hạnh đâu rồi hả bu?

– Chị Hạnh biết hôm nay hai đứa đến nên đang ở sau nhà vặt rau kìa. À đây rồi, Hạnh vào đây đi, hai vợ chồng cái Dung đến rồi này.

Tôi nhìn chị Hạnh lao ra ôm một cái rõ chặt rồi kéo chị vào ghế. Cậu Bảo khẽ cất chiếc phong bao lì xì vào túi áo mà không đưa cho chị Hạnh rồi ngồi lặng im ở bên ghế. Mỗi lần cậu nhìn chị Hạnh, tôi lại thấy mình như mất mát thứ gì đó mà không lý giải nổi, chỉ là… một chút chua xót cảm nhận rất rõ ở nơi tim. Khi chị Hạnh bưng mâm cơm lên bu tôi liền nói:

– Ra giêng nhà cậu Phúc sang rước dâu chị Hạnh về rồi, hai đứa con gái đi lấy chồng, thằng Tý lên huyện học, thầy bu ở nhà còn có hai thân già này thôi.

Không hiểu sao nghe đến đây tôi lại liếc nhìn cậu Bảo, ánh mắt cậu đột nhiên trầm xuống, nụ cười trên môi gần như tắt lịm. Thích một người không thích mình là điều rất xót xa, tôi biết cậu Bảo đang buồn. Tôi thì chẳng thích cậu, nhưng tại sao lòng tôi cũng nặng trĩu thế này. Chị Hạnh được lấy cậu Phúc nên cười vui lắm, vẻ mặt chị còn thẹn thùng ửng hồng cả lên.

Ăn cơm xong tôi với mọi người đi thăm họ hàng một chút sau đó tôi và cậu Bảo lại trở về nhà ông Lý. Trên đường từ làng Liễu sang làng Vân phải men qua mấy cánh đồng, khi gần đến đầu làng tôi đánh bạo hỏi:

– Cậu thích chị Hạnh nhà tôi lắm đúng không?

Hỏi xong nhưng tôi lại không dám nhìn cậu, câu trả lời cũng chẳng muốn nghe. Cậu Bảo không đáp mà hỏi lại:

– Sao cô hỏi như vậy?

– Tôi biết người hồi nhỏ cậu gặp là chị Hạnh, cũng biết cậu thích chị ấy từ ấy tới giờ. Nhưng mà…

– Nhưng mà sao?

– Nhưng chị ấy có người khác trong lòng rồi, cậu cũng có tôi rồi mà.

Tôi không hiểu sao mình đủ can đảm nói ra câu cuối cùng ấy. Chỉ biết nói xong mắt cũng nhoè đi. Cậu Bảo lặng yên một lúc rất lâu, cuối cùng rảo bước trước rồi nói nhỏ:

– Ừ, mình về nhà thôi.

Tôi bước sau cậu, không phải tôi khóc, không phải tôi đau lòng, là do tôi hơi tủi thân một tí tị thôi. Ha ha, tôi có thích cậu đâu cơ chứ, phải rồi, tôi không thích cậu, tất cả chúng tôi đều bị ép buộc vào mối lương duyên này.

Ra Giêng chị Hạnh theo cậu Phúc về nhà. Đám cưới chị sơ sài lắm, nhà cậu Phúc nghèo nên chị bảo không muốn làm rình rang quá. Lúc tôi với bu tiễn chị ra đến cổng nhà chị không khóc nhưng đôi mắt cũng đỏ hoe cả lại. Đám cưới chị Hạnh xong tôi với cậu Bảo cũng về nhà, hôm nay tôi mệt phờ người nên cũng chẳng để tâm cậu Bảo vui buồn thế nào. Lúc về đến sân nhà đột nhiên tôi thấy cả nhà nhốn nháo loạn xạ hết lên. Đám gia nô chạy ngang chạy dọc, con Lê ở đợ thay thế con Na ở dinh bà ba đôi mắt đỏ hoe bật khóc nức nở. Tôi nhìn nó bàng hoàng hỏi:

– Lê, sao mày khóc? Có chuyện gì vậy?

– Mợ Dung… bà ba…

– Bà ba làm sao?

– Bà ba chết rồi.

Chết rồi?

***

Lời tác giả: hôm nay mùng 1 đầu tháng mọi người chúc mọi người một tháng mới an lành nha. Mọi người cmt xôm xôm lên cho tớ vui nhá

Yêu thích: 5 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN