Tình Dục Thuở Hồng Hoang
Chương 11
NGƯỜI NGHÈO VẪN LUÔN Ở CÙNG CHÚNG TA?
Vấn đề là, thưa, quý bà và quý ông, lòng tham, do không có từ nào hay hơn, là điều tốt. Tham là đúng, tham có tác dụng. Lòng tham làm sáng tỏ và nắm giữ bản chất của tinh thần tiến hóa. Lòng tham, trong tất cả các hình dạng của nó đã đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của loài người.
• “GORDON GEKKO”, trong bộ phim Wall Street (1987)
Điều gì tạo nên sự lạm dụng của vũ trụ? Câu hỏi này có thể trả lời bằng một từ: lòng tham. Lòng tham tạo nên cái sai đáng buồn nhất.
• TÔN GIÁO CHÂU PHI: Truyền thống đạo đức của đời sống thừa thãi, Laurenti Magesa
Kinh tế học, “khoa học ảm đạm”, đã ảm đạm ngay từ khởi đầu.
Một chiều cuối thu năm 1838, tia chớp có lẽ là sáng chói nhất từng có đã lóe lên ngay trên đầu Charles Darwin, khiến ông sững sờ trước cái mà Richard Dawkins gọi là “ý tưởng mạnh mẽ nhất từng nảy ra với một con người”. Chính tại thời điểm kỳ diệu của sự thấu suốt về chọn lọc tự nhiên, Darwin đang đọc cuốn An Essay on the Principle of Population (tạm dịch: Tiểu luận về nguyên tắc dân số) của Thomas Malthus.*
Nếu thước đo giá trị của ý tưởng là độ bền của nó qua thời gian thì Thomas Malthus xứng đáng với vị trí 80 trong danh sách Những người có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử của Wikipedia. Hơn hai thế kỷ sau, khó mà tìm thấy một sinh viên kinh tế nào không biết đến lập luận đơn giản này của vị giáo sư kinh tế đầu tiên trên thế giới. Malthus lập luận rằng mỗi thế hệ tăng theo cấp số nhân (2, 4, 8, 16, 32…), nhưng nông dân chỉ có thể tăng nguồn cung thực phẩm theo một mức nhất định, bởi vì ruộng đồng mới được khai khẩn và năng suất được bổ sung theo cấp số cộng (1, 2, 3, 4, 5, 6…). Lập luận thuần túy này lại đưa đến kết luận tàn bạo của Malthus: nạn nhân mãn (overpopulation) thâm căn cố đế, sự tuyệt vọng và nạn đói tràn lan là bản chất trong sự tồn tại của con người. Vô phương cứu chữa. Giúp đỡ người nghèo cũng giống như cho chim bồ câu London ăn; đằng nào thì họ cũng sẽ nhanh chóng sinh con đẻ cái và trở lại với bờ vực chết đói, ích lợi gì đâu? “Nghèo đói và khổ sở tràn lan khắp các tầng lớp hạ lưu của xã hội”, Malthus quả quyết, “là điều hoàn toàn không thể khắc phục được”.
Nền tảng của các đánh giá của Malthus về tỉ lệ sinh sản loài người là dựa trên những ghi chép về đợt gia tăng dân số (châu Âu) ở Bắc Mỹ trong 150 năm trước (1650-1800). Ông kết luận rằng cứ khoảng 25 năm thì dân số định cư lại tăng lên gấp đôi, từ đó đưa ra một đánh giá hợp lý về tỉ lệ gia tăng dân số loài người thời tiền sử.
Trong tự truyện của mình, Darwin nhớ lại, khi ông áp dụng các phép tính khủng khiếp này của Malthus cho thế giới tự nhiên, “tôi lập tức kinh ngạc khi thấy rằng trong những trường hợp này, các biến thể có lợi có xu hướng được bảo tồn còn bất lợi sẽ bị tiêu diệt. Điều này dẫn tới việc hình thành những giống loài mới. Đến đây thì rốt cuộc tôi đã có được một lý thuyết hợp lý” Cây bút khoa học Matt Ridley tin tưởng: “Malthus dạy cho Darwin bài học ảm đạm là việc sinh sản quá mức phải kết thúc trong dịch bệnh, nạn đói hay bạo lực – và từ đó giúp ông hiểu rằng trong cuộc đấu tranh sinh tồn, kẻ sống sót thì sẽ được lựa chọn.”
Như vậy, sự chói sáng của Darwin lại lóe lên từ sự ảm đạm tăm tối nhất của Malthus*. Alfred Russel Wallace*, người khám phá ra cơ chế nền tảng của chọn lọc tự nhiên độc lập với Darwin, đã có khoảnh khắc lóe sáng của riêng mình khi đọc đúng bài viết đó ở bán cầu bên kia, giữa những cơn sốt trong một túp lều bên bờ sông ở Malaysia đầy bệnh sốt rét. Nhà viết kịch người Ireland, George Bernard Shaw ngửi thấy mùi khiếm khuyết của Malthus về chọn lọc tự nhiên, than rằng: “Khi bắt đầu hiểu được toàn bộ ý nghĩa của điều này, trái tim bạn chìm vào hố cát bên trong bạn.” Shaw khóc thương cho “thuyết định mệnh ghê tởm” của chọn lọc tự nhiên và oán trách “sự suy giảm đáng nguyền rủa của vẻ đẹp và trí tuệ, sức mạnh và mục đích, danh dự và khát vọng” của nó.
Nhưng mặc dù Darwin và Wallace xuất sắc vận dụng những con số kinh khủng của Malthus, những con số ấy vẫn có vấn đề. Chúng không có nghĩa.
Các bộ tộc săn bắt, giống như những con thú săn mồi về cách sống, ý muốn và cũng phân bố thưa thớt trên bề mặt trái đất như chúng. Giống như những con thú săn mồi, họ phải xua đuổi hoặc trốn thoát từng kẻ địch, và phải tham gia vào những cuộc đua không ngừng nghỉ với nhau… Các quốc gia láng giềng vĩnh viễn sống trong tình trạng thù địch với nhau. Mỗi sự gia tăng [dân số] ở bộ tộc này là sự gây hấn với các bộ tộc láng giềng, bởi vì để chu cấp cho con số tăng lên cần phải có một lãnh thổ rộng lớn hơn… Sự sống của kẻ chiến thắng phụ thuộc vào cái chết của kẻ thù.
• MALTHUS, Tiểu luận về nguyên tắc dân số
Nếu đánh giá của ông về tăng trưởng dân số có gần đúng đi chăng nữa, Malthus (và theo đó là Darwin) hẳn đã đúng khi cho rằng các cộng đồng loài người từ lâu đã “nhất thiết bị giới hạn theo không gian”, dẫn tới “tình trạng thù địch vĩnh viễn” với nhau. Trong cuốn Descent of Man (tạm dịch: Dòng dõi con người), Darwin điểm lại các tính toán của Malthus khi viết: “Các quần thể văn minh từng được biết đến trong điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như ở Mỹ, cứ 25 năm dân số lại tăng gấp đôi … (Với) tỉ lệ (này), dân số hiện tại của nước Mỹ (30 triệu) sau 657 năm sẽ bao phủ toàn bộ mặt đất dày đặc tới mức bốn người phải đứng trên 1 m2.”*
Nếu Malthus nói đúng về chuyện cứ 25 năm thì dân số con người tiền sử lại tăng gấp đôi thì thực ra những giả định này lại hợp lý. Nhưng ông không đúng, nên giả định này cũng không có lý. Bây giờ chúng ta đã biết rằng trước khi nông nghiệp xuất hiện, toàn bộ dân số của tổ tiên chúng ta đã tăng gấp đôi không phải là cứ 25 năm một lần, mà là 250.000 năm một lần. Malthus (và theo đó, Darwin) bị lệch mất 10.000 lần*.
Một lần nữa là đến thời kỳ Flintstone hóa.
Malthus cho rằng những đau khổ ông nhìn thấy quanh mình phản ánh điều kiện vĩnh viễn và không thể thoát ra được của đời sống con người và động vật. Ông không hiểu rằng đường phố đông đúc kinh khủng của London vào khoảng năm 1800 không bao giờ có thể là hình ảnh phản chiếu của điều kiện thời tiền sử. Một thế kỷ rưỡi sau đó, Thomas Hobbes phạm phải sai lầm tương tự khi ngoại suy từ kinh nghiệm cá nhân và dựng lên hình ảnh sai lầm về đời sống người tiền sử.
Từ lúc sinh ra, Thomas Hobbes đã phải hứng chịu những nỗi khiếp sợ. Mẹ ông sinh non khi nghe nói hạm đội Tây Ban Nha chuẩn bị tấn công nước Anh. “Mẹ tôi”, nhiều năm sau Hobbes viết: “đã sinh đôi: tôi và nỗi sợ hãi”. Leviathan (tạm dịch: Thủy quái), cuốn sách nổi tiếng nhất của ông (trong đó ông nổi tiếng với tuyên bố rằng đời sống tiền sử “cô độc, nghèo nàn, bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi”), được viết ở Paris, nơi ông trốn tránh những kẻ căm thù ông do ông ủng hộ Hoàng gia trong Nội chiến nước Anh. Cuốn sách suýt bị vứt bỏ khi ông mắc một chứng bệnh gần chết người khiến ông phải vật lộn giành sự sống trong suốt sáu tháng. Khi xuất bản Leviathan ở Pháp, mạng sống của Hobbes lại bị những người đồng hương lưu vong đe dọa vì bị cuốn sách xúc phạm. Ông băng kênh đào chạy trốn trở lại nước Anh, cầu xin lòng nhân từ của những người mà ông từng chạy trốn khỏi họ từ 11 năm trước. Mặc dù đồng ý cho ông ở lại, nhà vua cấm cuốn sách không được xuất bản bằng tiếng Anh. Nhà thờ cấm đoán, còn Đại học Oxford thì vừa cấm vừa đốt sách. Viết về thế giới của Hobbes, nhà sử học văn hóa Mark Lilia miêu tả, “Những người Cơ đốc rối trí trước giấc mơ khải huyền (đã) săn đuổi và giết hại những người Cơ đốc khác với nỗi giận dữ điên cuồng trước đây họ từng dành cho người Hồi giáo, Do Thái giáo và dị giáo. Thật là điên loạn.”*
Hobbes đón nhận sự điên loạn này, coi đây là điều “bình thường”, rồi phản chiếu nó trở lại các kỷ nguyên tiền sử mà ông hiểu biết rất ít. Điều Hobbes gọi là “bản chất con người” chỉ là hình ảnh của châu Âu thế kỷ XVII, khi đời sống của hầu hết mọi người còn rất vất vả, nói giảm nhẹ đi là như vậy. Mặc dù vẫn dai dẳng tồn tại qua nhiều thế kỷ, nhưng cái nhìn của Hobbes về đời sống người tiền sử chỉ có giá trị như những kết luận tổng quát về loài sói Siberia khi chỉ dựa trên quan sát về loài chó hoang ở Baltimore: “Thế đấy”, người ta có thể kết luận, “những con chó ghẻ lở này chắc chắn không có vẻ gì là mạnh khỏe cho lắm và vì chó sói (giống như chó hoang ở Baltimore) không có chủ nhân để cho ăn và chăm sóc nên đời sống của chúng chắc hẳn là cô độc, nghèo nàn, bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi, thậm chí còn tệ hơn so với lũ chó lai hoang dã.”
Công bằng mà nói, Malthus, Hobbes và Darwin có những hạn chế do thiếu dữ liệu thực tế. Với uy tín lẫy lừng của mình, Darwin thừa nhận nhược điểm này và cố gắng khắc phục nó – ông dành trọn cuộc đời để thu thập mẫu vật, ghi chép rất nhiều và trao đổi với bất cứ ai có thể cung cấp cho ông những thông tin bổ ích. Nhưng thế vẫn không đủ. Vẫn không phát hiện được những bằng chứng cần thiết trong nhiều thập kỷ.
Nhưng giờ thì chúng ta đã có chúng. Các nhà khoa học đã biết cách giải mã xương và răng cổ đại, ghi niên đại carbon cho tro tàn của những bếp lửa thời Pleistocene, truy nguyên trầm tích ADN ty thể (mitochondrial AND) của tổ tiên chúng ta. Và thông tin mà họ tìm ra đã bác bỏ một cách thuyết phục cái nhìn về tiền sử mà Hobbes và Malthus dựng lên và Darwin nuốt lấy toàn bộ.
THẰNG TÔI NGHÈO KHÓ VÀ ĐÁNG THƯƠNG
Chúng ta giàu có không phải bởi những gì chúng ta sở hữu, mà bởi những gì chúng ta làm được khi không có chúng.
• IMMANUEL KANT
Nếu Orwell đúng khi cho rằng: “Ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát cả tương lai”, vậy điều gì bị kiểm soát bởi những người dựng nên một hình ảnh phổ biến nhưng hết sức sai lầm về đời sống người tiền sử?
Không ai nghi ngờ rằng trước khi dân số gia tăng cùng với nền nông nghiệp, phần lớn thế giới là một nơi mênh mông, vắng người. Nhưng mặc dù vậy, sự đông đúc đến tuyệt vọng mà Hobbes, Malthus và Darwin hình dung ra vẫn nằm sâu trong thuyết tiến hóa và được lặp đi lặp lại như một câu thần chú, bất chấp thực tế. Chẳng hạn, trong bài luận gần đây có tiêu đề “Tại sao chiến tranh?”, triết gia David Livingstone Smith nhắc lại hình ảnh của Malthus với tất cả sự tuyệt vọng sai lầm của nó: “Cạnh tranh để giành các nguồn tài nguyên giới hạn là động lực của biến đổi tiến hóa”, ông viết. “Bất cứ nền dân số nào sinh sản mà không bị kiểm soát rốt cuộc sẽ vượt quá nguồn tài nguyên mà nó phụ thuộc vào, và khi con số phình ra thì các cá nhân sẽ không còn cách nào khác ngoài việc cạnh tranh càng lúc càng quyết liệt nhằm giành lấy nguồn tài nguyên đang giảm đi. Ai đảm bảo được cho mình sẽ phát triển, sẽ không chết.”*
Bạn hiểu rồi đấy: “không còn cách nào khác ngoài việc cạnh tranh càng lúc càng quyết liệt…” Nhưng Smith quên mất rằng tổ tiên chúng ta nguyên là những người đàn ông (và phụ nữ) lang thang – dân du mục hiếm khi nào dừng bước quá vài ngày liền. Bỏ đi là điều họ giỏi nhất. Vậy thì tại sao lại cho rằng họ phải ở lại để đấu tranh “quyết liệt” trong một khu vực đông đúc với nguồn tài nguyên xơ xác khi họ chỉ việc bước đi xa hơn về bãi biển, như họ vẫn làm trong bao nhiêu thế hệ?
Bên cạnh đó, người tiền sử không hề sinh sản giống như lũ chuột. Còn lâu. Trên thực tế, tăng trưởng dân số thế giới tiền sử ước tính thấp hơn nhiều so với mức 0,001% mỗi năm trong suốt thời kỳ tiền sử. Khó mà có được quả bom dân số như Malthus nghĩ.
Đặc điểm sinh sản cơ bản của con người trong bối cảnh hái lượm khó làm cho dân số tăng trưởng nhanh, nếu không muốn nói là không thể. Phụ nữ hiếm khi thụ thai trong khi đang cho con bú, và do không có sữa từ gia súc nên phụ nữ thời kỳ săn bắt-hái lượm thường cho mỗi đứa con bú trong năm đến sáu năm. Hơn nữa, yêu cầu của đời sống săn bắt-hái lượm di động khiến cho việc mang theo nhiều hơn một đứa trẻ tại một thời điểm trở nên khó khăn đối với người mẹ – ngay cả khi người mẹ đó nhận được rất nhiều trợ giúp từ người khác. Cuối cùng, mức mỡ thấp trong cơ thể khiến phụ nữ thời kỳ săn bắt-hái lượm có kinh nguyệt chậm hơn nhiều so với các chị em thời hậu nông nghiệp. Hầu hết cư dân hái lượm đều bắt đầu rụng trứng cuối tuổi niên thiếu, dẫn tới đời sống sinh sản thấp hơn*.
Bản thân Hobbes, Malthus và Darwin đều chịu những ảnh hưởng kinh khủng của tình trạng bão hòa dân số (bệnh lây nhiễm tràn lan, chiến tranh liên miên giữa các cộng đồng, các cuộc đấu tranh của những người ủng hộ Machiavelli để tranh giành quyền lực nội bộ). Tuy nhiên, dân số thế giới tiền sử lại phân bố rải rác – ở những nơi có người ở. Ngoài những khu vực biệt lập bao quanh bởi sa mạc hay đảo như Papua New Guinea, thế giới tiền sử hầu như không có biên giới. Hầu hết các học giả đều tin rằng tổ tiên chúng ta chỉ mới bước ra khỏi châu Phi cách đây khoảng 50.000 năm, sau đó 5.000 đến 10.000 năm mới vào châu Âu*. Dấu chân đầu tiên của con người để lại trên đất Bắc Mỹ mới chỉ cách đây khoảng 12.000 năm*. Trong suốt nhiều thiên niên kỷ trước thời kỳ nông nghiệp, toàn bộ dân số Homo sapiens trên hành tinh này có lẽ không bao giờ vượt quá dân số hiện tại của thành phố Dallas, Texas (khoảng bốn đến năm triệu người).
Hay nói cách khác, chúng ta là một giống loài rất trẻ. Hầu hết tổ tiên chúng ta đều không phải đối mặt với những áp lực chọn lọc tạo ra tình trạng khan hiếm liên tục mà Hobbes, Malthus và Darwin tưởng tượng. Cuộc hành trình của con người cổ đại nhìn chung không diễn ra trong một thế giới đã bão hòa giống loài chúng ta. Nói đúng hơn, con đường của cha ông chúng ta đi qua một chuỗi dài những hệ sinh thái không có cái gì tương tự với những điều chúng ta đã từng biết. Hãy nghĩ đến loài trăn Myanmar gần đây được đưa đến khu đầm lầy Everglades, lũ cóc mía tự do phân tán trên khắp nước Úc, hay lũ sói được đưa trở lại với Yellowstone. Khi Hobbes viết rằng: “Con người đối với nhau chẳng khác gì loài sói”, ông không biết trong những tình huống nhất định, sói hợp tác và giao tiếp với nhau như thế nào. Các cá thể trong loài phân tán vào các hệ sinh thái dồi dào mới không bị nhốt trong một cuộc đấu tranh sinh tử với nhau. Khi môi trường sống vẫn chưa bão hòa, xung đột nội bộ giống loài vừa có hại vừa không cần thiết*.
Trên đây, chúng tôi đã chứng minh rằng, ngay cả trong một thế giới trống vắng rộng lớn, đời sống xã hội của người hái lượm cũng hoàn toàn không hề cô độc. Nhưng Hobbes tuyên bố rằng đời sống tiền sử nghèo nàn, và Malthus tin rằng nghèo đói là điều vĩnh cửu và không thể thoát ra được. Tuy nhiên, hầu hết người hái lượm đều không nghĩ rằng mình lại nghèo đói và mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc sống nói chung không đến mức là cuộc đấu tranh như vậy, bởi vì tổ tiên của chúng ta có trí thông minh cao, biết sử dụng lửa và gắn kết với nhau theo từng nhóm hợp tác. Chắc chắn là lúc bấy giờ thỉnh thoảng xảy ra những thảm họa mang tính hủy diệt như hạn hán, biến đổi khí hậu và núi lửa phun trào. Nhưng hầu hết tổ tiên của chúng ta đều sống trong một thế giới dân cư thưa thớt, đầy ứ nguồn thực phẩm. Suốt hàng trăm ngàn thế hệ, tình trạng khó xử của tổ tiên chúng ta với tư cách là một loài ăn tạp nằm ở việc chọn xem nên ăn cái gì: cây cỏ “ăn” đất đai; hươu nai ăn cây cỏ; hổ báo ăn hươu nai. Nhưng con người có thể và thực tế ăn hầu như mọi thứ – kể cả báo, hươu nai, cây cỏ, và vâng, thậm chí cả đất đai*.
NỖI THẤT VỌNG CỦA CÁC TRIỆU PHÚ
Nghèo khổ là sáng chế của văn minh.
• MARSHALL SAHLINS
Gần đây, một bài báo trên tờ New York Times – với tiêu đề, “Ở thung lũng Silicon, triệu phú không cảm thấy giàu” mở đầu như sau: “Theo hầu hết mọi định nghĩa – ngoại trừ định nghĩa của chính Hal Steger và có lẽ cả của hàng xóm anh ta ở thung lũng Silicon này – Hal Steger là người giàu có”. Bài báo viết rằng mặc dù Steger và vợ có giá trị tài sản khoảng 3,5 triệu đô-la, về cơ bản anh ta vẫn làm việc 12 giờ mỗi ngày và thêm 10 giờ nữa vào cuối tuần. “Một triệu”, Steger giải thích, “chẳng là gì so với trước đây.” Gary Kremen (giá trị tài sản ước tính: 10 triệu đô-la), người sáng lập dịch vụ hẹn hò trực tuyến Match.com, giải thích: “Mọi người quanh đây đều nhìn lên những người thu nhập cao hơn mình.” Anh ta tiếp tục làm việc 60-80 giờ mỗi tuần bởi vì, anh nói: “Ở đây, 10 triệu chả là cái gì cả.” Một nhà quản trị khác nói thẳng vào vấn đề: “Ở đây, nhóm 1 % cao nhất đuổi theo nhóm một phần mười của 1%, và nhóm 1/10 của 1% đuổi theo nhóm một phần trăm của 1%.”*
Kiểu suy nghĩ này không chỉ giới hạn ở thung lũng Silicon. Một bản báo cáo của BBC từ hồi tháng 09/2003 cho biết: “Lớp người nghèo mới chính là những người khá giả.” Tiến sĩ Clive Hamilton, một giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Cambridge bắt đầu nghiên cứu “người giàu đau khổ” và thấy cứ 10 người có thu nhập trên 50.000 bảng (khoảng 80.000 đô-la vào thời điểm đó) thì có bốn người cảm thấy “túng quẫn”. Hamilton kết luận: “Mối lo thật sự của người nghèo hôm qua đã trở thành mối lo tưởng tượng của người giàu hôm nay.” Một cuộc khảo sát khác gần đây ở Mỹ cho thấy 45% người có giá trị tài sản (không tính nhà) trên 1 triệu đô-la lo hết tiền trước khi chết. Hơn 1/3 những người sở hữu trên 5 triệu đô-la cũng có chung mối lo lắng này.*
“Bệnh giàu có” (hay còn gọi là Sốt xa xỉ) không phải là nỗi khổ vĩnh cửu của con người động vật như một số người muốn chúng ta phải tin. Đây là một trong những tác động của sự chênh lệch giàu nghèo xuất hiện cùng với sự ra đời của sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, ngay cả trong xã hội hiện đại, đôi khi chúng ta vẫn tìm thấy dấu vết của chủ nghĩa bình quân của tổ tiên chúng ta.
Đầu những năm 1960, nhà vật lý Stewart Wolf nghe nói đến một thành phố toàn dân nhập cư Ý và hậu duệ của họ ở đông bắc Pennsylvania, những người ở đây không hề biết bệnh tim là gì. Wolf quyết định quan sát kỹ hơn thành phố có tên Roseto này. Ông thấy rằng gần như không ai dưới tuổi 55 có triệu chứng về bệnh tim. Khoảng một nửa số vấn đề về tim mà người Mỹ trung bình có khả năng mắc phải thì ở đây tập trung vào đàn ông trên 65 tuổi. Tỉ lệ tử vong chung ở Roseto thấp hơn mức bình quân cả nước khoảng một phần ba.
Sau khi tiến hành nghiên cứu và thận trọng loại bỏ những yếu tố như tập luyện, chế độ ăn uống và những yếu tố vùng miền như mức độ ô nhiễm, Wolf và nhà xã hội học John Bruhn kết luận rằng nhân tố chính giúp cho người dân Roseto mạnh khỏe lâu hơn là chính bản chất của cộng đồng này. Họ nhận thấy hầu hết các gia đình đều có ba thế hệ, người già phải được kính trọng hết mực; cả cộng đồng coi thường bất cứ biểu hiện khoe của nào, điều đó cho thấy “nỗi sợ phô trương nảy sinh từ niềm tin cổ xưa của dân làng Ý liên quan đến maloccio (con mắt quỷ)”. Wolf viết: “Trẻ em được dạy rằng khoe của hay trịch thượng đối với hàng xóm chỉ mang lại vận rủi mà thôi.”
Nhận thấy các mối quan hệ xã hội mang tính chất của chủ nghĩa bình quân của Roseto đã bắt đầu tan vỡ vào giữa những năm 1960, Wolf và Bruhn dự báo rằng trong vòng một thế hệ, tỉ lệ tử vong của người dân thành phố này sẽ bắt đầu tăng cao. Trong những cuộc nghiên cứu tiếp theo mà họ tiến hành 25 năm sau, họ cho biết: “Biến đổi xã hội đáng kinh ngạc nhất là khắp nơi phản đối sự cấm kỵ lâu đời đối với việc phô trương”, và “Chia sẻ, từng là nét rất đặc thù ở Roseto, đã nhường chỗ cho cạnh tranh”. Trong một thế hệ, tỉ lệ cả bệnh tim lẫn đột quỵ đã tăng gấp đôi.*
Trong cộng đồng người hái lượm, do tài sản được chia sẻ nên nghèo đói không phải là vấn đề. Trong cuốn sách kinh điển của mình có tên Stone Age Economics (Kinh tế học Thời đồ đá), nhà nhân học Marshall Sahlins giải thích rằng: “những người cổ xưa nhất thế giới có rất ít tài sản, nhưng họ không nghèo. Nghèo không phải là chuyện chỉ có một lượng hàng hóa nhỏ, cũng không phải chỉ là mối liên hệ giữa phương tiện và mục đích; hơn hết thảy, nó là mối liên hệ giữa con người với nhau. Nghèo là một trạng thái xã hội. Theo đó, nó là sáng chế của văn minh.” Socrates cũng có cùng quan điểm cách đây 2.400 năm: “Người giàu nhất là người bằng lòng với cái tối thiểu, bởi vì bằng lòng là sự giàu có của tự nhiên.”
Nhưng giàu có của văn minh cũng là giàu. Sau khi đọc từng chữ trong Kinh Cựu ước, nhà báo David Plotz thấy ngạc nhiên trước giọng văn đầy sắc thái vụ lợi trong đó. “Chủ đề bao trùm Kinh Thánh”, ông viết, “đặc biệt là cuốn Sáng thế ký, là bất động sản. Chúa liên tục buôn bán đất (rồi sau đó làm lại, theo những điều khoản khác)… Kinh Thánh không chỉ bị ám ảnh bởi đất đai mà còn bởi cả những tài sản mang theo được: vàng, bạc, gia súc”.*
Cả Malthus và Darwin đều biết về chủ nghĩa bình quân đặc trưng của người hái lượm. Malthus viết: “Trong hầu hết các bộ tộc ở châu Mỹ… mức độ bình đẳng lớn tới mức toàn bộ thành viên của mỗi cộng đồng như vậy sẽ chia sẻ gần như bằng nhau những khó khăn chung của cuộc sống hoang đã và những áp lực của nạn đói thỉnh thoảng vẫn xảy ra.” Về phần mình, Darwin thừa nhận mâu thuẫn cố hữu giữa nền văn minh tư bản mà ông biết với điều ông coi là tính hào phóng thất sách của người bản xứ, ông viết: “Thói quen du cư, dù là trên những thảo nguyên rộng lớn, hay qua rừng rậm nhiệt đới, hay dọc bờ biển, đều rất bất lợi… Sự bình đẳng tuyệt đối của toàn bộ cư dân”, ông viết, “sẽ ngăn cản văn minh của họ trong nhiều năm nữa.”
TÌM KIẾM SỰ HÀI LÒNG “Ở DƯỚI ĐÁY LOÀI NGƯỜI”
Khi tìm kiếm ví dụ về “những kẻ hoang dã” bị chà đạp, khốn khổ, nghèo xơ xác nhất thế giới, Malthus viện dẫn “những công dân khốn khổ ở Tierra del Fuego” bị các du khách châu Âu đánh giá là “ở dưới đáy loài người”. Chỉ 30 năm sau, Charles Darwin đã đến Tierra del Fuego, quan sát chính những người này. Ông đồng ý với Malthus về vấn đề người Fuego, và viết trong nhật ký của mình: “Tôi tin rằng nếu lục tung thế giới lên, người ta sẽ chẳng tìm thấy giống người nào hạ đẳng hơn.”
Tình cờ, thuyền trưởng FitzRoy của tàu Beagle – con tàu chở Darwin – đã đón ba thanh niên Fuego trong một chuyến hành trình trước đó và mang họ về nước Anh để giới thiệu với họ những huy hoàng của đời sống nơi đây và nền giáo dục Thiên Chúa giáo tương ứng. Giờ đây, sau khi họ đã trực tiếp trải nghiệm sự ưu việt của cuộc sống văn minh, FitzRoy mang họ trở về với dân tộc mình để truyền giáo. Kế hoạch của họ là cho người Fuego thấy sự điên rồ trong đường lối sai lầm của mình và giúp họ gia nhập thế giới văn minh.
Nhưng chỉ một năm sau khi Jemmy, York và Fuegia quay trở lại với đồng bào mình ở vùng Woollya, gần chân ngọn núi giờ đây mang tên Darwin, con tàu Beagle và thủy thủ đoàn trở lại thì thấy các túp lều cũng như vườn tược của họ đã bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Cuối cùng, Jemmy xuất hiện và giải thích rằng anh cũng như những người Fuego theo Thiên Chúa giáo đã trở lại với cách sống cũ. Lòng đầy buồn bã, Darwin viết trong nhật ký rằng ông chưa bao giờ chứng kiến “một thay đổi triệt để và trầm trọng như vậy” và “thật đau lòng khi nhìn cậu ta”. Họ mang Jemmy lên tàu, mặc đồ và để anh ta ăn tối tại bàn của thuyền trưởng, họ rất nhẹ nhõm khi thấy ít nhất anh ta vẫn còn nhớ rõ cách dùng dao nĩa.
FitzRoy đề nghị được đưa anh ta trở lại nước Anh, nhưng Jemmy từ chối, nói rằng anh ta “không hề muốn trở lại nước Anh tẹo nào” vì thấy “hạnh phúc và hài lòng” với “rất nhiều hoa quả”, “rất nhiều cá tôm”, và “rất nhiều chim chóc”.
Hãy nhớ đến Yucatán. Những gì trông giống như nghèo đói trong mắt chúng ta – ngay cả “dưới đáy loài người” – cũng có thể là một dạng giàu có mà chúng ta không nhận ra. Hãy nhớ đến những người thổ dân châu Úc “chết đói” vui vẻ nướng những con chuột ít mỡ và ngấu nghiến lũ ấu trùng mọng nước khi người Anh đang nhìn họ với vẻ ghê tởm, chắc mẩm là đang chứng kiến những cơn điên cuối cùng vì đói. Khi chúng ta bắt đầu phi bộ tộc hóa – bóc tách điều kiện văn hóa làm méo mó cái nhìn của mình – “giàu có” và “nghèo đói” có thể bắt đầu trở nên rất khác biệt.*
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!