Tình Dục Thuở Hồng Hoang - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
351


Tình Dục Thuở Hồng Hoang


Chương 13


CUỘC CHIẾN KHÔNG HỒI KẾT TRONG CHIẾN TRANH TIỀN SỬ (TÀN BẠO)

Những người ủng hộ thuyết tiến hóa nói rằng trong những ngày cuối đời, một con thú dữ, không rõ tên tuổi và bản chất, đã gieo hạt giống giết chóc; và rằng sự thôi thúc bắt nguồn từ hạt giống đó đập mãi trong huyết quản con cháu của con thú đó…

• WILLIAM JENNINGS BRYAN*

Vì những người theo trào lưu Hobbes cho rằng hôn nhân một vợ một chồng gắn với số phận con người vĩnh viễn, họ kiên định rằng chiến tranh, cùng với nghèo đói, đóng vai trò căn bản đối với bản chất của chúng ta. Chẳng hạn, tác giả Nicolas Wade tuyên bố rằng “chiến tranh giữa các xã hội tiền nhà nước diễn ra liên miên, tàn khốc và với mục đích chung, thường đạt được, là hủy diệt đối thủ”.* Theo quan điểm này, thiên hướng của chúng ta đối với xung đột có tổ chức mang gốc rễ sâu xa từ quá khứ sinh học của chính mình, từ thời tổ tiên linh trưởng xa xưa theo cách của các cụ tổ hái lượm. Đó luôn luôn là gây chiến, chứ không phải là làm tình.

Nhưng đối với tổ tiên hái lượm của chúng ta, hợp tác là một nguyên tắc thúc đẩy quan trọng hơn nhiều so với chiến tranh đẫm máu, tổng bằng không… chính xác là để đạt được cái gì? Mặc dù không chắc chắn là đời sống người hái lượm có bị quấy rầy bởi “chiến tranh liên miên” hay không, Wade vẫn thừa nhận rằng “người xưa sống trong những xã hội bình quân nhỏ, không có tài sản, không có lãnh đạo hay sự khác biệt về cấp bậc. Vậy mà chúng ta lại hiểu rằng các nhóm quân bình, không phân cấp bậc, sống du mục không có tài sản liên tục gặp chiến tranh? Xã hội săn bắt-hái lượm, sở hữu quá ít nên cũng có ít thứ để mất (ngoài tính mạng của bản thân), sống trên một hành tinh rộng mở không giống chút nào với việc sống trong một xã hội ổn định, dân cư đông đúc luôn đấu tranh để khỏi bị teo nhỏ hoặc tranh tài nguyên tích lũy trong các thời điểm lịch sử*. Việc gì phải thế?

Chúng tôi không có chỗ để đưa ra câu trả lời chung cho khía cạnh này trong mô tả chuẩn mực của Hobbes, nhưng chúng tôi đã chọn ra ba đại diện nổi tiếng nhất để có được cái nhìn gần hơn về các lập luận và dữ liệu của họ: nhà tâm lý học tiến hóa Steven Pinker, nhà linh trưởng học đáng kính Jane Goodall và nhà nhân học hiện vẫn còn sống nổi tiếng nhất thế giới Napoleon Chagnon.*

TIẾN SĨ PINKER THAM CHIẾN
Hãy tưởng tượng một chuyên gia trứ danh đứng trước đám đông khán giả và lập luận rằng người châu Á lái xe rất kém. Để ủng hộ cho lập luận của mình, ông đưa ra thống kê tai nạn từ bảy nước: Argentina, Ba Lan, Ireland, Nigeria, Canada, Ý và Nga. “Chờ chút”, có thể bạn sẽ nói, “mấy nước đấy đâu phải châu Á – có lẽ trừ nước Nga”. Ông ấy sẽ cười lăn ra sân khấu mất.

Năm 2007, Steven Pinker, giáo sư Harvard nổi tiếng thế giới và là tác giả sách bán chạy đã có một bài thuyết trình như vậy tại hội nghị uy tín TED (Technology – Công nghệ, Entertainment – Giải trí, Design – Thiết kế) ở Long Beach, California.* Bài thuyết trình của Pinker vừa đưa ra một tuyên bố chính xác quan điểm theo chủ nghĩa Hobbes mới đối với nguồn gốc chiến tranh đồng thời đem đến một cái nhìn sáng tỏ cho các chiến thuật mơ hồ thường được sử dụng để quảng bá cảnh tượng vấy máu này. Bài nói chuyện hai mươi phút này sẵn có tại website của TED*. Chúng tôi khuyến khích các bạn hãy xem ít nhất năm phút đầu tiên (về thời tiền sử) trước khi đọc phần thảo luận tiếp theo. Xem đi. Chúng tôi sẽ chờ ở đây.

Mặc dù Pinker bỏ ra không đầy 10% thời gian để thảo luận về người săn bắt-hái lượm (bạn sẽ nhớ lại rằng đây là một hình thái xã hội chiếm hơn 95% thời gian của chúng ta trên hành tinh này), ông vẫn thành công trong việc làm cho mọi thứ trở nên rối tinh rối mù.

Ba phút rưỡi trong bài nói chuyện của mình, Pinker giới thiệu một biểu đồ dựa trên cuốn War Before Civilization: The Myth of the Peaceful Savage (tạm dịch: Chiến tranh trước văn minh: Bí ẩn của người man rợ hòa bình) của Lawrence Keely. Biểu đồ thể hiện “tỉ lệ tử vong của nam giới do chiến tranh trong một số xã hội hái lượm hoặc săn bắt và hái lượm”. Ông tuyên bố biểu đồ này cho thấy nam giới săn bắt-hái lượm ít khả năng chết trong chiến tranh hơn nam giới ngày nay.

Nhưng từ từ đã. Hãy nhìn kỹ hơn biểu đồ này. Nó liệt kê bảy nền văn hóa “săn bắt-hái lượm” tiêu biểu để thể hiện tỉ lệ chết của nam giới thời tiền sử liên quan đến chiến tranh. Bảy nền văn hóa liệt kê ở đây bao gồm Jivaro, hai nhánh Yanomami, Mae Enga, DugumDani, Murngin, Hull và Gebusi. Người Jivaro và cả hai nhóm Yanomami đều ở khu vực Amazon; người Murngin đến từ vùng duyên hải phía bắc Úc, còn bốn nền văn hóa khác đều ở các cao nguyên đông dân, nhiều xung đột đến mức bất thường ở Papua New Guinea. Liệu các nhóm này có đại diện cho tổ tiên săn bắt-hái lượm của chúng ta được không?

Không hề*.

Trong số bảy cộng đồng mà Pinker nêu ra, chỉ có một (người Murngin) là gần với xã hội săn bắt-hái lượm làm-bao-nhiêu-ăn-bấy-nhiêu (đại loại giống như Nga thuộc châu Á, nếu bạn phớt lờ những thành phố lớn nhất của nước này và bẻ cong các định nghĩa). Đến thời điểm các dữ liệu Pinker nêu ra được thu thập vào năm 1975 – không phải là những điều kiện tiền sử chính xác, người Murngin từng sống chung với những nhà truyền giáo, súng ống và xuồng máy bằng nhôm hàng thập kỷ rồi.

Trong số các cộng đồng khác mà Pinker nêu ra, không một cộng đồng nào thật sự săn bắt-hái lượm. Họ canh tác khoai, chuối, hoặc mía trong vườn làng, đồng thời nuôi lợn, lạc đà không bướu, hoặc gà. Ngoài việc các cộng đồng này không phải là đại diện xa xôi cho tổ tiên tiền sử săn bắt-hái lượm du mục kiếm gì ăn nấy của chúng ta, các dữ liệu Pinker trích dẫn còn có nhiều vấn đề khác. Trong cộng đồng người Yanomami, mức độ chiến tranh thực thụ là để tài tranh cãi say sưa của các nhà nhân học, và chúng ta sẽ thảo luận ngay sau đây. Ngay cả người Murngin cũng không điển hình cho các nền văn hóa bản địa châu Úc, cho thấy một ngoại lệ khát máu đối với mô hình thổ dân châu Úc điển hình có rất ít hoặc không có xung đột giữa các nhóm với nhau. Pinker cũng không hiểu đúng về người Gebusi. Bruce Knauft, nhà nhân học có dữ liệu được trích dẫn trong biểu đồ đáng xấu hổ của Pinker, nói rằng tỉ lệ tử vong cao của người Gebusi chẳng liên quan gì đến chiến tranh cả. Trên thực tế, Knauft cho biết chiến tranh “hiếm” khi xảy ra với người Gebusi, viết, “Tranh chấp lãnh thổ hoặc tài nguyên xảy ra cực kỳ ít và có xu hướng rất dễ giải quyết.”*

Bất chấp tất cả những điều này, Pinker vẫn đứng trước khán giả và nói, với vẻ mặt nghiêm túc, rằng biểu đồ của ông mô tả một đánh giá đúng về tỉ lệ tử vong điển hình của người săn bắt-hái lượm trong chiến tranh tiền sử, điều thật sự khá khó tin.*

Nhưng Pinker không đơn độc trong việc sử dụng trò nhanh-tay-nhanh-mắt vào việc bảo vệ quan điểm bi quan của Hobbes về thời tiền sử của loài người. Trên thực tế, việc sử dụng có chọn lọc những dữ liệu mơ hồ này là phổ biến trong các tác phẩm viết về sự khát máu của con người.

Trong cuốn Demonic Males (tạm dịch: Đàn ông bị quỷ ám), Richard Wrangham và Dale Peterson thừa nhận rằng chiến tranh là điều bất thường về bản chất, “một ngoại lệ đáng kinh ngạc đối với quy luật thông thường của động vật”. Họ lập luận, vì bạo lực giữa các nhóm đã được ghi nhận ở cả con người lẫn tinh tinh nên xu hướng chiến tranh có thể là một đặc tính con người cổ đại, tính từ thời tổ tiên chung cuối cùng của chúng ta. Họ tuyên bố, chúng ta là “những kẻ sống sót đang choáng váng từ thói quen hiếu chiến chết người kéo dài liên tục năm triệu năm”. Ái chà. Thế còn tinh tinh lùn ở đâu? Trong một cuốn sách hơn 250 trang, từ “tinh tinh lùn” chỉ xuất hiện mười một lần, và loài này bị gạt bỏ vì ít liên quan đến tổ tiên chung của chúng ta hơn tinh tinh thông thường – mặc dù nhiều nhà linh trưởng học nghĩ ngược lại*. Nhưng ít ra thì họ còn nhắc đến tinh tinh lùn. Năm 2007, David Livingston Smith, tác giả cuốn The Most Dangerous Animal: Human Nature and the Origins of War (tạm dịch: Loài vật nguy hiểm nhất: Bản chất con người và nguồn gốc chiến tranh), đã công bố bài luận khảo sát về cuộc tranh luận quanh vấn đề tiến hóa cho rằng chiến tranh bắt nguồn từ quá khứ linh trưởng của chúng ta. Trong báo cáo rùng rợn của ông về việc tinh tinh đánh nhau và ăn tươi nuốt sống nhau, Smith liên tục gọi chúng là “những người bà con không phải con người gần gũi nhất của chúng ta”. Đọc bài luận của ông, bạn sẽ không bao giờ biết được rằng chúng ta còn có một người bà con không phải con người khác cũng gần gũi không kém. Tinh tinh lùn và những bài học thiết yếu mà loài này mang đến bị bỏ quên và không hề được tiếp thu*.

Trong khi dũng cảm đối mặt với những ngụ ý ảm đạm về độ bạo lực của tinh tinh, lẽ nào loài tinh tinh lùn không-đánh-nhau, không-kém-liên-quan lại không được nhắc tới? Tại sao lại chỉ toàn kêu gào về dương (yang) mà không một lời thì thầm nào về âm (yin)? Toàn bóng tối chứ không có chút ánh sáng nào có thể khiến độc giả hào hứng, nhưng không thể khai sáng họ được. Kỹ thuật ối-quên-không-nhắc-đến-tinh-tinh-lùn rất phổ biến trong các tác phẩm viết về nguồn gốc cổ đại của chiến tranh.

Nhưng sự vắng mặt dễ nhận thấy của tinh tinh lùn không chỉ đáng chú ý trong những tranh luận về chiến tranh. Hãy tìm sự vắng mặt của chúng ở bất cứ nơi nào có người tuyên bố về nguồn gốc cổ xưa cho sự bạo lực của nam giới loài người ở bất cứ dạng nào. Hãy xem bạn có thể tìm thấy tinh tinh lùn không trong vấn đề nguồn gốc của cưỡng hiếp, trong cuốn The Dark Side of Man (tạm dịch: Mặt tối con người): “Nam giới không ‘phát minh’ ra cưỡng hiếp. Thay vào đó, rất có khả năng họ đã thừa hưởng hành vi cưỡng hiếp từ dòng dõi tổ tiên loài khỉ của mình. Cưỡng hiếp là chiến lược sinh sản chuẩn của nam giới và chắc là đã tồn tại trong hàng triệu năm. Nam giới, tinh tinh đực và đười ươi đực thường xuyên cưỡng hiếp con cái. Khỉ đột hoang dã dùng vũ lực bắt cóc con cái để giao phối. Khỉ đột nuôi nhốt cũng cưỡng hiếp con cái.”*

Hãy gạt sang một bên những rắc rối của việc định nghĩa thế nào là cưỡng hiếp ở các loài không phải con người không có khả năng truyền lại kinh nghiệm và động lực, cưỡng hiếp – cùng với hành động giết trẻ con, chiến tranh và giết người – chưa bao giờ được phát hiện ở tinh tinh lùn sau vài thập kỷ quan sát ở cả môi trường hoang dã lẫn nuôi nhốt. Chưa bao giờ.

Thậm chí điều đó chẳng đáng được một dòng chú thích ở cuối trang ư?

SỰ BIẾN MẤT BÍ ẨN CỦA MARGARET POWER
Tuy nhiên, bên cạnh những hoài nghi mà tinh tinh lùn gây ra, vẫn có những câu hỏi nghiêm túc đáng đặt ra về “chiến tranh” của tinh tinh. Năm 1970, Richard Wrangham đang là sinh viên năm cuối nghiên cứu về mối liên hệ giữa nguồn cung cấp thức ăn với hành vi của tinh tinh tại trung tâm nghiên cứu của Jane Goodall ở Gombe, Tanzania. Năm 1991, năm năm trước khi cuốn Đàn ông bị quỷ ám của Wrangham và Peterson ra mắt, Margaret Power xuất bản một cuốn sách được nghiên cứu cẩn thận The Egalitarians: Human and Chimpanzee (tạm dịch: Những người theo chủ nghĩa bình quân: Con người và tinh tinh) đặt ra những câu hỏi quan trọng liên quan tới một số nghiên cứu của Goodall về tinh tinh (phải nói rằng không thể hiện bất cứ điều gì ngoài ngưỡng mộ sự chính trực khoa học và chuyên tâm của Goodall). Nhưng tên của Power và những hoài nghi của bà không hề xuất hiện trong Đàn ông bị quỷ ám.

Power nhận thấy rằng dữ liệu mà Goodall thu thập được trong những năm đầu tiên ở Gombe (từ 1961 đến 1965) đã vẽ nên một bức tranh khác về tương tác xã hội so với thứ chiến tranh mà bà và đồng nghiệp công bố trước sự hoan nghênh của toàn thế giới sau đó ít năm. Quan sát từ bốn năm đầu tiên đó ở Gombe đã khiến Goodall có ấn tượng là tinh tinh “hòa bình hơn nhiều so với con người”. Bà không thấy bằng chứng “chiến tranh” nào giữa các nhóm và chỉ thỉnh thoảng mới có bùng phát bạo lực giữa các cá nhân với nhau.

Những ấn tượng ban đầu này về nền hòa bình chung của linh trưởng khớp với kết quả nghiên cứu được công bố sau đó bốn thập kỷ, năm 2002, bởi hai nhà linh trưởng học Robert Sussman và Paul Garber, sau khi rà soát tổng quát các tài liệu khoa học về hành vi giao tiếp ở linh trưởng. Sau khi đánh giá hơn 80 nghiên cứu về cách các loài linh trưởng sử dụng thời gian lúc thức, họ thấy rằng “ở hầu hết các loài, từ vượn cáo – loài linh trưởng nguyên thủy nhất – đến các loài khỉ… chúng thường sử dụng không quá 5% thời gian trong ngày cho bất cứ hành vi giao tiếp tích cực nào”. Sussman và Garber thấy rằng “thường là chưa đầy 1% thời gian trong ngày được dùng cho việc đánh nhau hoặc tranh đua, và thấp hơn 1% đến mức bất thường”. Họ nhận thấy các hành vi hợp tác, liên kết như vui đùa và chải lông phổ biến gấp 10 đến 20 lần so với hành vi mang tính xung đột ở tất cả các loài linh trưởng.*

Nhưng ấn tượng của Goodall về sự hòa thuận tương đối sẽ phải thay đổi – theo lập luận của Power là không phải tình cờ – đúng lúc bà và các sinh viên bắt đầu mang đến cho lũ tinh tinh hàng trăm quả chuối mỗi ngày nhằm dụ chúng đến quanh trại để quan sát dễ hơn.

Trong môi trường hoang dã, tinh tinh tản ra để tìm thức ăn theo từng cá nhân riêng lẻ hoặc theo nhóm nhỏ. Bởi thức ăn rải rác khắp rừng nên cạnh tranh là điều bất thường. Nhưng, như Frans de Waal giải thích, “ngay khi con người bắt đầu cung cấp thức ăn, thì kể cả đang ở trong rừng, sự bình yên cũng nhanh chóng bị phá vỡ”.*

Không có gì ngạc nhiên khi hàng đống hoa quả thơm ngon để trong những thùng đựng khóa lại chắc chắn chỉ mở đều đặn vào những thời điểm cho ăn cố định đã thay đổi đáng kể hành vi của lũ tinh tinh. Trợ lý của Goodall đã phải liên tục dựng lại những chiếc thùng vì lũ khỉ cáu giận đã tìm đủ mọi cách để táy máy hoặc đập cho chúng mở ra. Trái cây chín không ăn được ngay là một trải nghiệm mới dành cho chúng – làm cho chúng trở nên bối rối và cáu giận. Hãy tưởng tượng cảnh ta đang ở trong một căn phòng đầy những đứa trẻ ba tuổi bướng bỉnh vào buổi sáng Giáng sinh (mỗi đứa có sức mạnh bằng bốn người đàn ông trưởng thành) và nói với chúng rằng chúng phải chờ một khoảng thời gian không xác định để mở hàng chồng quà tặng mà chúng có thể thấy ngay kia, dưới gốc cây.

Mấy năm sau nhớ lại thời kỳ này, Goodall viết: “Việc cho ăn liên tục đang tạo ra một hiệu ứng rõ ràng đối với hành vi của lũ tinh tinh. Chúng bắt đầu chuyển động theo từng nhóm lớn thường xuyên hơn so với trước đây. Chúng ngủ gần trại và buổi sáng đến thành từng đàn ồn ào. Tệ nhất là những con đực trưởng thành bắt đầu trở nên mỗi lúc một hung hăng hơn… Không chỉ đánh nhau nhiều hơn hẳn trước đây, hằng ngày nhiều con còn lượn lờ quanh trại hết giờ này sang giờ khác*. (Nhấn mạnh của chúng tôi).

Những hoài nghi mà Margaret Power nêu ra liên quan đến việc Goodall cho tinh tinh ăn đã bị hầu hết các nhà linh trưởng học phớt lờ chứ không phải chỉ một mình Wrangham.* Chẳng hạn, Michael Ghiglieri đến khu rừng Kibale ở gần Uganda để nghiên cứu tinh tinh, đặc biệt nhằm đáp lại quan điểm cho rằng xung đột giữa các nhóm mà đội của Goodall được chứng kiến là hệ quả của những tác động bóp méo do mấy thùng chuối gây ra. Ghiglieri viết: “Nhiệm vụ của tôi [là] tìm hiểu xem những vụ giết chóc như chiến tranh này có bình thường hay không, hay là kết quả của việc các nhà nghiên cứu cung cấp thức ăn cho lũ tinh tinh để quan sát chúng.” Nhưng cái tên Margaret Power thậm chí còn không xuất hiện trong phần phụ lục cuốn sách của Ghiglieri, xuất bản sau cuốn sách của bà tám năm.

Trong cuốn sách này, do giới hạn về trang sách, chúng tôi không thể khảo sát một cách đầy đủ những vấn đề mà Power nêu lên, hoặc để xử lý những báo cáo sau đó về xung đột nhóm giữa một số (nhưng không phải tất cả) tinh tinh không được cho ăn ở các khu vực nghiên cứu khác.* Mặc dù có những hoài nghi về động lực của Pinker và Chagnon (xem dưới đây), chúng tôi không nghi ngờ gì về ý định hoặc tính chính trực về mặt khoa học của Jane Goodall – cũng như Margaret Power. Mặc dù những câu hỏi phiền phức của bà nhìn chung đều bị gạt bỏ, nếu không hoàn toàn bị lờ đi, công trình của Power xứng đáng được cân nhắc bởi bất cứ ai nghiêm túc quan tâm đến cuộc tranh luận về nguồn gốc chiến tranh có thể có ở linh trưởng.

CHIẾN LỢI PHẨM
Những câu hỏi của Margaret Power hướng vào đúng trọng tâm vấn đề: tại sao lại phải đánh nhau khi chẳng có gì để mà đánh nhau? Trước khi các nhà khoa học bắt đầu chu cấp cho lũ khỉ, thức ăn xuất hiện khắp rừng, vì vậy bọn tinh tinh mới tản ra để tìm cái ăn hằng ngày. Tinh tinh thường gọi đồng bọn đến khi tìm thấy cây có trái chín; hỗ trợ lẫn nhau khiến mọi người đều được giúp đỡ và cung cấp thức ăn trong rừng không phải là một nỗ lực tổng-bằng-không. Nhưng ngay khi hiểu rằng mỗi ngày chỉ có một lượng hạn chế thức ăn dễ kiếm, càng lúc càng có nhiều tinh tinh bắt đầu “lượn lờ” và đến thành “từng đàn ầm ĩ”, hung hăng. Không lâu sau, Goodall và các sinh viên bắt đầu chứng kiến “cuộc chiến” giữa các đàn tinh tinh, lúc này đã trở nên lan rộng.

Giờ thì bọn tinh tinh đã có thứ để mà đánh nhau rồi: một nguồn thức ăn tập trung, chắc chắn, nhưng có giới hạn. Bỗng nhiên chúng phải sống trong một thế giới tổng-bằng-không.

Áp dụng cách lý giải này cho các cộng đồng loài người, chúng ta bị bỏ lại với thắc mắc không hiểu tại sao người săn bắt-hái lượm kiếm-gì-ăn-nấy lại phải mạo hiểm tính mạng để đánh nhau. Chính xác là vì cái gì? Thức ăn ư? Đầy rẫy ngoài môi trường kia kìa. Những cộng đồng bản địa ở các vùng có thức ăn tập trung theo điều kiện tự nhiên, chẳng hạn như dòng cá hồi định kỳ ở tây bắc Thái Bình Dương thuộc Mỹ và Canada, không có xu hướng trở thành người săn bắt-hái lượm kiếm-gì-ăn-nấy. Ở những điểm như vậy, chúng ta có nhiều khả năng tìm thấy những cộng đồng phức tạp, phân cấp rõ ràng như người Kwakiutl (được thảo luận sau đây). Tài sản ư? Người hái lượm có ít tài sản mang giá trị phi-cảm xúc. Đất đai ư? Tổ tiên chúng ta tiến hóa trên một hành tinh gần như vắng bóng người trong đại đa số thời gian tồn tại với tư cách một giống loài. Phụ nữ ư? Có thể, nhưng tuyên bố này hàm chứa ý niệm cho rằng tăng trưởng dân số là điều quan trọng đối với người hái lượm, rằng phụ nữ là hàng hóa để tranh giành và trao đổi với nhau như gia súc đối với người chăn nuôi. Có lẽ với người hái lượm, giữ cho dân số ổn định quan trọng hơn là tăng trưởng. Như chúng ta đã thấy, khi một nhóm đạt tới một lượng người nhất định, nó có xu hướng tách thành các nhóm nhỏ hơn, và không có ưu thế cố hữu nào trong việc có nhiều miệng ăn hơn trong những cộng đồng ở cấp độ nhóm. Chúng ta cũng thấy rằng phụ nữ và nam giới được tự do đi lại trong các nhóm khác nhau thuộc hệ thống xã hội chia tách vốn điển hình của người săn bắt-hái lượm, tinh tinh và tinh tinh lùn.

Những phản ứng nhân quả giữa các cấu trúc xã hội (hái lượm, làm vườn, trồng trọt, công nghiệp), mật độ dân số và khả năng xảy ra chiến tranh nhận được sự ủng hộ từ những cuộc nghiên cứu của nhà xã hội học Patrick Nolan, thấy rằng “chiến tranh có nhiều khả năng xảy ra ở các cộng đồng làm vườn và trồng trọt hơn là ở các cộng đồng săn bắt-hái lượm và làm vườn đơn giản”. Khi giới hạn bản phân tích của mình ở các xã hội săn bắt-hái lượm và trồng trọt, Nolan thấy rằng mật độ dân số trên mức trung bình là công cụ dự báo tốt nhất của chiến tranh.*

Phát hiện này có vấn đề do lập luận cho rằng chiến tranh loài người là một “thói quen năm triệu năm”, bởi mật độ dân số của tổ tiên chúng ta vẫn thấp cho đến khi bùng nổ dân số thời kỳ hậu nông nghiệp chỉ mới xảy ra cách đây vài nghìn năm. Nghiên cứu gần đây xem xét những thay đổi trong ADN ty thể khẳng định rằng dân số loài người toàn cầu thời tiền sử vốn đã thấp nay sụt xuống gần tới mức tuyệt chủng ở một vài thời điểm (do thảm họa khí hậu có thể bắt nguồn từ núi lửa phun trào, thiên thạch tấn công và dòng đại dương đột ngột biến đổi). Dân số Homo sapiens toàn thế giới có thể đã sụt xuống chỉ còn vài nghìn cá thể cách đây 74.000 năm, khi vụ phun trào khổng lồ ở Toba phá vỡ khí hậu thế giới nghiêm trọng. Nhưng như đã nói ở trên, ngay cả khi phần lớn Bắc bán cầu bị băng giá bao phủ, thế giới của tổ tiên xa xưa chúng ta vẫn không hề đông đúc.*

Kết quả thống kê đã làm rõ thêm mối quan hệ giữa dân số và chiến tranh ở những thời điểm lịch sử gần đây. Nhà sinh thái học Peter Turchin và nhà nhân học Andrey Korotayev khảo sát dữ liệu lịch sử Anh, Trung Quốc và La Mã, tìm thấy nhiều tương quan mạnh về mặt thống kê giữa tăng mật độ dân số và chiến tranh. Nghiên cứu của họ cho thấy rằng tăng trưởng dân số đóng góp tới 90% nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi giữa các thời kỳ chiến tranh và hòa bình trong lịch sử.*

Các kho ngũ cốc thu hoạch được và những đàn gia súc gia cầm đóng vai trò giống như mấy thùng chuối trong rừng. Giờ thì đã có thứ đáng để người ta đánh nhau: có thêm. Có thêm đất để canh tác. Có thêm phụ nữ để gia tăng dân số làm đất, xây dựng quân đội để bảo vệ đất đai và hỗ trợ mùa màng. Có thêm nô lệ để làm những công việc nặng nhọc như trồng trọt, thu hoạch và đánh nhau. Mùa màng thất bát ở một khu vực nào đó sẽ khiến những người nông dân tuyệt vọng tấn công hàng xóm, và những người này sẽ trả đũa, cứ thế hết lần này đến lần khác.* Tự do (không có chiến tranh) chẳng qua là một từ khác để mô tả cảnh không có gì để mất – hoặc được.

Nhưng những người ủng hộ học thuyết Hobbes mới phớt lờ bản phân tích khá thẳng thắn này cũng như những dữ liệu ủng hộ nó, quả quyết rằng chiến tranh chắc chắn là một động lực vĩnh cửu của con người, thường là dựa vào những chiến thuật hết sức hoa mỹ như biểu đồ sai lầm của Pinker nhằm bảo vệ quan điểm của mình.

Chẳng hạn, trong Chương 4 của cuốn Sick Societies: Challenging the Myth of Primitive Harmony (tạm dịch: Xã hội bệnh hoạn: Thách thức Huyền thoại về sự hòa thuận thời nguyên thủy), Robert Edgerton viết: “Sự phân tầng xã hội phát triển ở một số cộng đồng nhỏ không chỉ thiếu quan chức và giới thầy tu mà còn thiếu cả canh tác nữa.” Được thôi, nhưng để hỗ trợ cho lời quả quyết này về “cộng đồng nhỏ”, ông đưa ra mười lăm trang mô tả sống động, theo thứ tự sau đây (và không bỏ sót điều gì), về: người da đỏ Kwakiutl ở đảo Vancouver (một cộng đồng có thứ bậc, phức tạp, có lễ tặng quà cho khách, có tích lũy tài sản, định cư và chiếm hữu nô lệ), đế quốc Aztec (với dân số lên tới hàng triệu người, có cấu trúc tôn giáo phức tạp, có hệ thống thầy tu và vô số mẫu đất do nô lệ canh tác xung quanh thủ đô rộng hơn bất cứ thành phố nào ở châu Âu tại thời điểm tiếp xúc đầu tiên, có hệ thống nước thải và đèn đường chiếu sáng ban đêm), đế quốc Zulu (cũng có số dân lên đến hàng triệu, chiếm hữu nô lệ, thâm canh nông nghiệp, thuần hóa động vật và mạng lưới giao thương xuyên lục địa), và cuối cùng, đế quốc Asante ở Ghana ngày nay mà theo lời Edgerton là, “có sức mạnh quân sự không ai sánh bằng ở Tây Phi”.

Những đặc tính của “cộng đồng nhỏ thiếu quan chức, giới thầy tu và canh tác” trong bất cứ cộng đồng nào kể trên đều không có gì giống với một cộng đồng hái lượm. Ông cũng không nhắc đến một cộng đồng hái lượm nào trong phần còn lại của chương đó. Điều này giống như tuyên bố rằng mèo là giống khó huấn luyện và đưa ra những ví dụ như chó chăn cừu Đức, chó săn, chó tha mồi.

Trong cuốn Beyond war (tạm dịch: Bên kia chiến tranh), nhà nhân học Doug Fry bác bỏ quan điểm Hobbes mới xem chiến tranh là phổ biến. “Niềm tin cho rằng ‘trước giờ vẫn luôn có chiến tranh’”, Fry viết, “không đúng với thực tế khảo cổ học của vấn đề này”. Nhà nhân học Leslie Sponsel đồng ý: “Thiếu vắng bằng chứng khảo cổ học về chiến tranh, điều này cho thấy rằng chiến tranh rất hiếm khi xảy ra hoặc vắng bóng trong hầu hết thời tiền sử loài người.” Sau khi dẫn dắt một bài phê bình tổng quan về bằng chứng xương tiền sử, nhà nhân học Brian Ferguson thấy rằng ngoài một địa điểm cụ thể ở Sudan ngày nay, “Chỉ có khoảng trên một chục bộ xương Homo sapiens có niên đại 10.000 năm hoặc lâu hơn, trong số hàng trăm di tích cổ tương tự đến nay đã được khảo sát, cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về bạo lực giữa các cá nhân với nhau.” Ferguson tiếp tục, “Nếu chiến tranh phổ biến ở thời tiền sử, vô số tài liệu trong hồ sơ khảo cổ học sẽ đầy những bằng chứng về chiến tranh. Nhưng không có dấu hiệu nào cả.”*

Những chiếc máy dò chết tiệt của chúng tôi tắt đi khi các học giả chỉ ra sự bạo lực có tổ chức của tinh tinh và một ít cộng đồng người làm vườn chu đáo bị gọi nhầm là người hái lượm, tuyên bố đây là bằng chứng cho xu hướng chiến tranh của thời xưa. Thậm chí đáng lo ngại hơn, những học giả này thường giữ im lặng đối với những hiệu ứng méo do tác động lên tinh tinh bằng việc cung cấp thức ăn, tạo ra những môi trường sống thu nhỏ chưa từng thấy khi từng đoàn lính tráng hoặc thợ săn trộm đói khát vây hãm, không gian sống và thức ăn bị giảm sút. Điều khó chịu không kém là họ lờ đi trước những nhân tố quan trọng tác động đến kết quả thống kê dân số, tình trạng nông nghiệp và khả năng xảy ra xung đột giữa con người với nhau.

CUỘC XÂM LƯỢC CỦA NAPOLEON (VỤ TRANH CÃI YANOMAMI)
Khi mùa hè của yêu đương chùng xuống và những báo cáo đầu tiên của Jane Goodall về chiến tranh tinh tinh bùng nổ thành nhận thức chung, Napoleon Chagnon bỗng trở thành nhà nhân học đang sống nổi tiếng nhất thế giới khi công bố cuố Yanomamö: The Fierce People (tạm dịch: Yanomamö: Dân tộc dữ tợn)n. 1968 là một năm tốt lành để cho ra đời câu chuyện phiêu lưu bịa đặt của ngành nhân học cho rằng chiến tranh là một phần cổ xưa và không thể thiếu của bản chất con người.

Năm đó bắt đầu bằng “cuộc cách mạng nhung” ở Prague và sự kiện Tết Mậu Thân ở Việt Nam. Giấc mơ tồi tệ nhất của Martin Luther King trở thành hiện thực ở Memphis, Robert Kennedy ngã trên sân khấu ở Los Angeles, rồi máu và hỗn loạn nhanh chóng tràn ngập các đường phố Chicago. Nixon lẻn vào Nhà Trắng, Charles Manson và các môn đồ lạc lối của mình âm mưu gây loạn trên những ngọn đồi khô cằn ở Malibu trong khi ban nhạc The Beatles hoàn tất The White Album (tạm dịch: Album Trắng). Năm đó kết thúc khi ba nhà du hành vũ trụ Mỹ, lần đầu tiên từ trước tới giờ, nhìn hành tinh xanh mong manh này trôi dạt trong sự im lặng vĩnh cửu và tuyệt vọng cầu nguyện hòa bình cho nhân loại.*

Với tất cả những điều đó, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi vụ Chagnon nói về “chiến tranh mãn tính” của người Yanomami “bẩm sinh bạo lực” lại chạm vào nỗi lo của công chúng. Khao khát tìm hiểu về thói giết người của con người, công chúng tin tắp lự những mô tả của ông về sự tàn bạo thường ngày của những người được ông gọi là “tổ tiên đương đại” của chúng ta. Hiện tại ở lần xuất bản thứ năm, Yanomamö: Dân tộc dữ tợn vẫn là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại về nhân học với hàng triệu bản đã được bán cho riêng sinh viên đại học. Sách và phim của Chagnon xuất hiện nổi bật trong nền giáo dục mấy thế hệ nhân học, trong đó hầu hết đều chấp nhận tuyên bố của ông là đã chứng minh được tính hung dữ cố hữu của giống loài chúng ta.

Nhưng cần phải tiếp cận nghiên cứu của Chagnon một cách thận trọng, bởi ông sử dụng rất nhiều kỹ thuật mơ hồ. Chẳng hạn, ông dùng chiến thuật ngôn từ, đánh đồng giết người thông thường với chiến tranh. Nhưng quan trọng hơn, Chagnon đã không tính đến nhân tố gây nhiễu là chính sự xuất hiện của ông, khá giống Hemingway không hiểu tác động của mình tới những người mà ông nghiên cứu. Theo Patrick Tierney, tác giả cuốn Darkness in El Dorado (tạm dịch: Bóng tối ở El Dorado): “Những cuộc chiến tranh khiến Chagnon và người Yanomami nổi tiếng – được ông viết với vẻ hào hứng trong cuốn Dân tộc dữ tợn bắt đầu từ ngày 14/11/1964, cũng là ngày mà nhà nhân học đến cùng với súng săn, xe gắn máy và một chiếc ca nô đầy những mặt hàng bằng thép để phân phát.” Tierney trích dẫn luận án tiến sĩ của chính Chagnon, chứng minh rằng 13 năm trước khi ông đến, không một người Namowei nào (một nhánh lớn của người Yanomami) bị giết trong chiến tranh cả. Nhưng trong suốt 13 tháng ông ở với họ, 10 người Yanomami đã chết trong một cuộc xung đột giữa người Namowei và người Patanowa-teri (một nhánh khác).

Kenneth Good, một nhà nhân học ban đầu đến ở cùng với người Yanomami với tư cách là sinh viên năm cuối của Chagnon và sống ở đó mười hai năm, đã mô tả Chagnon là “một nhà nhân học chộp giật đi vào các làng với một ôm mã tấu để mua lấy sự hợp tác cho nghiên cứu của mình. “Thật không may”, Good viết, “ông ấy đã tạo ra xung đột và chia rẽ ở bất cứ nơi nào ông tới.”* Rõ ràng, một phần hành vi quấy rối của Chagnon đến từ quan niệm tự thân dữ dội, nam tử hán của ông, nhưng có lẽ nguồn gốc rắc rối lớn hơn chính là mục tiêu nghiên cứu. Ông muốn thu thập thông tin phả hệ từ người Yanomami. Nói một cách nhẹ nhàng thì đây là một trò tiểu xảo, vì người Yanomami coi việc đọc to tên là điều bất kính. Đọc tên người chết đòi hỏi phải phá vỡ một trong những điều cấm kỵ nhất trong văn hóa của họ. Juan Finkers, người từng sống với họ suốt 25 năm, nói: “Đối với người Yanomami, nêu tên người chết là điều xúc phạm nghiêm trọng, là động cơ chia rẽ, xung đột và chiến tranh.”* Nhà nhân học Marshall Sahlins mô tả nghiên cứu của Chagnon là “một dự án nhân học theo chủ nghĩa hoài nghi”, cố gắng xử lý các dòng dõi trên cơ sở tổ tiên “của những người mà do cấm kỵ nên không thể biết, không thể truy nguyên và không thể đọc tên tổ tiên hoặc bên cạnh đó, không thể chịu được khi nghe tên của chính mình”.*

Chagnon xử lý điều cấm kỵ của chủ nhà bằng cách đem làng này ra “chơi” làng khác. Trong trường hợp của mình, ông bắt đầu lợi dụng tranh cãi và thù hận địa phương để lựa chọn các nguồn tin của mình, đi tới các làng khác để kiểm tra phả hệ, chọn những làng có quan hệ căng thẳng với những người mà tôi muốn có thông tin. Sau đó tôi quay trở về khu trại của mình và kiểm tra độ chính xác của thông tin mới với nguồn tin địa phương. Nếu nguồn tin nổi giận khi tôi đề cập những cái tên mới mà tôi lấy được từ nhóm không thân thiện, tôi gần như chắc chắn là thông tin đó chính xác… Thỉnh thoảng tôi nói đến một cái tên khiến nguồn tin nổi đóa, chẳng hạn như tên của người anh hoặc chị mà những nguồn tin khác chưa báo cáo.

Nói tóm lại:

Người hùng của chúng ta đã phét lác về các vùng đất của người Yanomami, mang mã tấu, rìu và súng săn tặng cho một số nhóm chọn lọc, từ đó tạo ra sự bất cân xứng về sức mạnh mang tính phá hoại giữa các nhóm.

Ông ta phát hiện và phóng đại những căng thẳng tồn tại từ trước giữa các cộng đồng bằng cách kích động họ coi thường tổ tiên được trọng vọng cũng như những người thân yêu đã chết của nhau.

Để kích động thêm tình hình, Chagnon báo cáo về những trường hợp xúc phạm mà ông ta kích động, sử dụng cơn giận dữ sau đó để khẳng định về sự chắc chắn của dữ liệu phả hệ của mình.

Sau khi gây ra và xát muối vào vết thương của người Yanomami, Chagnon xông ra dụ dỗ công chúng Mỹ với những câu chuyện táo bạo về những kẻ man rợ bạo lực và dữ tợn.

Từ anthro đã đi vào từ vựng của người Yanomami. Nó có nghĩa là “một sinh vật mạnh mẽ không phải con người có xu hướng quấy phá sâu sắc và kỳ cục một cách hoang dại”.*

Từ năm 1995, Chagnon đã chính thức không được chào đón ở các vùng đất của người Yanomami, về mặt pháp lý là bị cấm quay trở lại.

Nhà nhân học Leslie Sponsel sống cùng với người Yanomami giữa thập niên 1970. Ông không hề thấy chiến tranh đâu cả, chỉ có một cuộc đánh lộn và vài vụ cãi cọ ồn ào trong gia đình. Sponsel viết: “Tôi ngạc nhiên khi thấy những người ở trong ngôi làng đó và ba ngôi làng láng giềng chẳng hề giống ‘dân tộc dữ tợn’ mà Chagnon mô tả”. Sponsel có mang theo một cuốn sách của Chagnon, trong đó có hình ảnh các chiến binh Yanomami đang đánh nhau, như một cách giải thích cho loại hình công việc mình đang làm. “Mặc dù một số nam giới mải mê ngắm nhìn các hình ảnh, họ vẫn yêu cầu tôi không được cho trẻ em xem vì chúng mang tới ví dụ về những hành vi không mong muốn. Những người Yanomami này”, Sponsel kết luận, “không đánh giá sự dữ tợn theo bất kỳ hướng tích cực nào.”*

Về phần mình, qua hơn một thập kỷ sống chung với họ, Good có chứng kiến sự bùng nổ một cuộc chiến tranh. Về sau ông cắt đứt quan hệ với Chagnon, sau khi kết luận sự nhấn mạnh thái độ bạo lực của người Yanomami là “giả tạo và bị bóp méo”. Sau đó Good viết rằng cuốn sách của Chagnon đã “thổi phồng đề tài này theo một tỉ lệ điên rồ”, lập luận rằng “điều ông ta khẳng định cũng giống như cho rằng người dân New York toàn là trấn lột và giết người.”

TUYỆT VỌNG TÌM KIẾM THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ LẬP DỊ VÀ SỰ TÀN BẠO CỦA TINH TINH LÙN
Đối với một loại nhà báo (hoặc tâm lý học tiến hóa) nhất định, không có gì thỏa mãn hơn là phơi bày thói đạo đức giả lập dị. Một bài báo gần đây trên Reuters mang tiêu đề, Theo nghiên cứu, khỉ lập dị gây chiến và yêu đương. Bài báo tuyên bố rằng “Mặc dù nổi tiếng là những kẻ yêu đương chứ không phải chiến binh trong thế giới linh trưởng, tinh tinh lùn thực ra vẫn săn bắt và giết hại loài khỉ…” Một bài khác quả quyết với chúng ta rằng Bất chấp danh tiếng ‘hòa bình’, tinh tinh lùn vẫn săn bắt và ăn thịt các loài linh trưởng khác. Bài thứ ba, dưới tiêu đề Khi điên tình say mê với trò giết chóc, mở đầu với nụ cười nhạo báng thành lời: “Giống như bọn lập dị có Altamont (nơi các thành viên của Hell’s Angels đã giết chết một người đi xem hòa nhạc)*, tinh tinh lùn cũng có Công viên quốc gia Salonga, nơi các khoa học chứng kiến lũ linh trưởng được cho là yêu hòa bình săn bắt và ăn thịt khỉ con.” “Điên tình” ư? “Được cho là yêu hòa bình” ư? “Ăn thịt khỉ con” ư? Khỉ có “trẻ em” cơ à?

Nếu cả tinh tinh và tinh tinh lùn đều gây chiến thì có lẽ chúng ta là “những kẻ sống sót bị mê muội” của một “thói quen xâm lược chết người năm triệu năm”. Nhưng nhìn kỹ hơn mới thấy rằng chính các nhà báo mới là kẻ bị mê muội. Các nhà nghiên cứu đã chứng kiến 10 nỗ lực săn khỉ sau năm năm quan sát những con tinh tinh lùn bị nghi vấn. Lũ tinh tinh lùn thành công ba lần, chia sẻ thịt khỉ cho những con đi săn – một nhóm tổng hợp cả đực lẫn cái.

Điểm qua thực tế của nhà khoa học:

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã biết và báo cáo rằng tinh tinh lùn nhìn chung thường săn bắt và ăn thịt lũ linh dương nhỏ rừng rậm – cũng như sóc, côn trùng và ấu trùng.

Dòng tiến hóa thành người, tinh tinh và tinh tinh lùn tách khỏi dòng tiến hóa thành khỉ cách đây khoảng 30 triệu năm. Nói cách khác, quan hệ của tinh tinh và tinh tinh lùn với loài khỉ cũng gần gũi như chúng ta vậy.

Khỉ con không phải là “trẻ em”.

Thịt khỉ (và đáng buồn thay, óc khỉ sống) có trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng ở Trung Quốc và tiệc nướng trong rừng ở nhiều nơi trên thế giới.

Hàng chục nghìn con khỉ, trẻ lẫn già, đang hi sinh trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu trên khắp thế giới mỗi năm.

Vậy phải chăng con người cũng đang “có chiến tranh” với loài khỉ?

Không có gì khiến báo chí bán chạy như những dòng tiêu đề về CHIẾN TRANH! và rõ ràng là những cụm từ như CHIẾN TRANH, ĐIÊN CUỒNG, LẬP DỊ, ĂN THỊT NGƯỜI! còn bán chạy hơn, nhưng một loài săn bắt và ăn thịt loài khác lại khó mà thành “chiến tranh” được. Với những con mắt chưa qua rèn luyện thì việc tinh tinh lùn và khỉ có ngoại hình khá giống nhau chẳng liên quan gì cả. Khi một đàn sói hoặc sói đồng tấn công chó hoang, phải chăng đấy là “chiến tranh?” Chúng ta đã thấy diều hâu quắp bồ câu trên bầu trời. Phải chẳng đấy là “chiến tranh?”

Hỏi xem giống loài của chúng ta bản chất là hòa bình hay thích chiến tranh, hào phóng hay chiếm hữu, tự do yêu đương hay ghen tuông, cũng giống như hỏi xem H20 bản chất là rắn, lỏng, hay khí. Câu trả lời duy nhất có ý nghĩa cho câu hỏi như vậy là: Còn tùy. Trên một hành tinh gần như trống trơn, thức ăn và chỗ ở phân bố rộng khắp, tránh xung đột là một lựa chọn dễ dàng, hấp dẫn. Với điều kiện điển hình của môi trường xa xưa, hẳn con người có nhiều thứ để mất hơn là được nếu như gây chiến với nhau. Bằng chứng – cả về mặt vật chất lẫn tình huống – đều dẫn về thời tiền sử loài người, khi tổ tiên chúng ta yêu đương nhiều hơn là gây chiến.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN