Tình Dục Thuở Hồng Hoang
Chương 3
ĐI SÂU HƠN VÀO MÔ TẢ CHUẨN MỰC VỀ TIẾN HÓA TÌNH DỤC Ở NGƯỜI
Chúng ta có tin tốt và tin xấu. Tin tốt là cái nhìn ảm đạm về hoạt động tính dục loài người phản ánh trong mô tả chuẩn mực rất sai lầm. Đàn ông không tiến hóa thành lũ đểu cáng lừa lọc và hàng triệu năm cũng không biến phụ nữ thành những cô ả đào mỏ, dối trá và tráo trở. Nhưng tin xấu là các cơ chế tiến hóa nằm ngoài phạm vi luân lý đã tạo ra một giống loài với một bí mật không thể giữ kín. Homo sapiens đã tiến hóa để trở nên ham muốn một cách vô liêm sỉ, không thể phủ nhận và không trốn tránh được. Đó là những kẻ phóng đãng dâm dục, trác táng, đểu cáng và dâm đãng. Mèo đực và lũ mèo cái động đực. Chó đực và lũ chó cái động đực.
Thật vậy, một số người vượt lên khía cạnh này trong bản chất của loài người (hoặc lún sâu hơn nữa). Nhưng những thôi thúc vô thức này duy trì ranh giới sinh học của chúng ta, điểm tham chiếu của chúng ta, số không trong hệ thống chữ số cá nhân của riêng chúng ta. Các khuynh hướng tiến hóa của chúng ta được cơ thể mà mỗi chúng ta chiếm giữ cho là “bình thường”. Được gia cố bằng rất nhiều tội lỗi, sợ hãi, hổ thẹn và sự sứt mẻ trong cả cơ thể lẫn tâm hồn, ý chí có đôi chút kiểm soát đối với loại đòi hỏi, thôi thúc này. Đôi khi. Thỉnh thoảng. Dăm thì mười họa. Nhưng ngay cả khi bị kiểm soát thì chúng vẫn không chịu chìm khuất. Như triết gia Schopenhauer nói: “Mensch kann tun was er will; er kann aber nicht wollen was er will” (tạm dịch: Người ta có thể chọn làm cái gì, nhưng không thể chọn muốn cái gì.)
Có được thừa nhận hay không thì khuynh hướng tiến hóa này vẫn tồn tại dai dẳng và gào thét đòi chúng ta phải để ý.
Việc phủ nhận bản chất tính dục tiến hóa của loài người có cái giá của nó, cái giá mà các cá nhân, cặp đôi, gia đình và xã hội phải trả từng ngày từng đêm. Cái giá này được trả bằng thứ mà E. O. Wilson gọi là “loại tiền tệ ít hữu hình hơn của hạnh phúc mà loài người phải chi ra để hạn chế khuynh hướng tự nhiên của chúng ta”. Khoản đầu tư của xã hội chúng ta trong việc tiết chế tình dục là được hay mất lại là câu hỏi khác. Bây giờ, chúng tôi chỉ đề xuất rằng cố gắng vượt lên tự nhiên luôn là một nỗ lực mạo hiểm khiến chúng ta kiệt sức và thường dẫn đến thất bại thảm hại.
Bất cứ nỗ lực nào nhằm tìm hiểu xem chúng ta là ai, làm thế nào mà chúng ta lại trở thành như hiện nay và cần phải làm gì với điều đó đều phải bắt đầu bằng việc đối diện với các khuynh hướng tình dục của loài người tiến hóa. Tại sao lại có quá nhiều áp lực hòng cưỡng lại khả năng thỏa mãn liên tục của chúng ta? Tại sao hôn nhân theo đúng chuẩn mực lại đáng ghét đến thế? Làm thế nào chiến dịch gay gắt, liên miên của khoa học xã hội nhằm đòi hỏi tính tự nhiên của chế độ một vợ một chồng về mặt tính dục kết hợp với vài nghìn của mưa diêm sinh và lửa từ trời* lại thất bại trong việc giải thoát ngay cả các thầy tu, nhà thuyết pháp, chính trị gia và giáo sư khỏi các khuynh hướng bị cấm đoán của họ? Để nhìn chính mình như chúng ta vốn là thế, hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng trong số tất cả mọi sinh vật trên trái đất, không loài nào ham muốn một cách gấp gáp, sáng tạo và liên tục như Homo sapiens.
Chúng tôi không tuyên bố rằng nam giới và nữ giới trải nghiệm tính đa dâm của mình giống hệt nhau, nhưng như Tiresias nói, khoái cảm giữa hai giới là so sánh được. Chắc chắn rằng, nam giới có xu hướng quan tâm đến bề ngoài của phụ nữ hơn, trong khi hầu hết phụ nữ lại thấy tính cách của nam giới lôi cuốn hơn nhiều so với ngoại hình (tất nhiên, trong giới hạn nào đó). Và sự thật là sinh lý phụ nữ khiến họ có nhiều điều phải cân nhắc trước khi quan hệ tình dục. Tác giả Naomi Wolf chỉ ra bối cảnh văn hóa quan trọng thế nào đối với các cô gái đến tuổi cập kê: “Tình dục… không hẳn là chúng ta được dạy phải làm gì với nó, mà là chúng ta được dạy phải suy nghĩ về nó như thế nào. Khuôn khổ có sẵn cho chúng ta quyết định, trong một cử chỉ hay hành động tình dục cụ thể nào đó, là chúng ta sẽ cảm thấy yếu hay mạnh, thấp hèn hay cao quý, tự quyết hay do người khác cho phép.” Nhà soạn kịch Jerry Seinfeld tóm tắt các khía cạnh nam/nữ theo ngôn ngữ của ngọn lửa và lính cứu hỏa: “Nói về xung đột gay gắt cơ bản giữa nam giới và nữ giới trên phương diện tình dục thì nam giới giống như lính cứu hỏa vậy. Đối với nam giới, tình dục là một ca cứu hỏa, và bất kể đang làm gì thì cũng phải sẵn sàng trong thời gian hai phút. Ngược lại, phụ nữ giống như ngọn lửa. Họ rất hào hứng, nhưng mọi điều kiện phải cực kỳ thích hợp thì mới bùng cháy được.”
Có thể với nhiều phụ nữ, cơn khát tình dục giống như cơn thèm ăn. Không như đa phần nam giới, không phải cô ấy chỉ khao khát được ăn, mà thích chờ đợi để được thỏa mãn một số điều cụ thể theo những cách nhất định. Khi đại đa số nam giới có thể và thật sự ham muốn phụ nữ một cách tượng trưng thì phụ nữ lại cho biết họ muốn câu chuyện, nhân vật, một lý do cụ thể để làm tình*. Nói cách khác, chúng tôi đồng ý với nhiều quan sát quan trọng của tâm lý học tiến hóa – chính những giải thích méo mó, đầy mâu thuẫn nội tại dành cho các quan sát này mới có vấn đề.
Mặc dù vậy, có những cách giải thích đơn giản, hợp lý, nhất quán đối với hầu hết các quan sát tiêu chuẩn về hoạt động tính dục của con người – những cách giải thích đó mang lại một câu chuyện khác về tiến hóa tình dục ở người theo một cách vừa chi tiết vừa súc tích; một hình mẫu xét lại không đòi hỏi bất cứ chiến lược tổng hợp phức tạp và quá trình Flintstones hóa nào để câu chuyện dễ được chấp nhận.
Mô tả chuẩn mực vẽ nên một hình ảnh đen tối về giống loài chúng ta trên nền sự thật tươi sáng hơn nhiều – mặc dù có đôi chút tai tiếng. Trước khi giới thiệu hình mẫu này, hãy nhìn kỹ hơn mô tả chuẩn mực, tập trung vào bốn lĩnh vực nghiên cứu chủ chốt hợp nhất những giả định được chấp nhận rộng rãi nhất:
Ham muốn khá yếu của nữ giới,
Khoản đầu tư làm cha của nam giới,
Ghen tuông tình dục và sự đảm bảo vai trò làm cha,
Khả năng giao cấu liên tục và quá trình rụng trứng giấu kín (hay bí mật).
DARWIN XÚC PHẠM MẸ BẠN RA SAO?
(KINH TẾ CHÍNH TRỊ VỀ KINH TẾ HỌC TÌNH DỤC)
Gã theo đuổi thắng cuộc sẽ nhận được gì từ việc làm dáng và thể hiện? Tình dục. Nhưng không phải chỉ là tình dục mà còn được độc quyền tiếp cận đối với người phụ nữ. Mô tả chuẩn mực thừa nhận rằng độc quyền tình dục là cốt yếu bởi trong các thời kỳ tiến hóa thì đó là cách duy nhất để đàn ông đảm bảo vai trò làm cha có lẽ cực kỳ quan trọng của mình. Theo tâm lý học tiến hóa, đây là thỏa ước bất đắc dĩ ở ngay cốt lõi của gia đình của loài người. Đàn ông mang tài sản và các dịch vụ (trong môi trường tiền sử, chủ yếu là thịt, chỗ ở, sự bảo vệ và địa vị) để đổi lấy độc quyền tiếp cận tình dục tương đối liên tục. Helen Fisher gọi đây là Hợp đồng Tình dục.
Kinh tế học, thường được gọi là kinh tế chính trị, chưa bao giờ tăm tối hơn khi áp dụng để giải thích hoạt động tính dục của con người. Hợp đồng tình dục thường được giải thích bằng lý thuyết trò chơi kinh tế, trong đó ai có nhiều con cháu sống sót để sinh sản sẽ chiến thắng – bởi vì “lợi tức đầu tư” của người đó cao nhất. Như vậy, nếu một phụ nữ mang thai với kẻ không có ý định giúp đỡ mình trong suốt thai kỳ hay không hướng dẫn đứa trẻ vượt qua những năm đầu đời nhiều rủi ro, chắc chắn cô ta sẽ lãng phí thời gian, năng lượng và chấp nhận quá nhiều nguy cơ khi mang thai. Theo lý thuyết này, không có sự giúp đỡ của người cha, rất có khả năng đứa trẻ sẽ chết trước khi trưởng thành về mặt tính dục – chưa nói đến nguy cơ thai nhi chết ngay trong giai đoạn còn ở trong bụng mẹ hoặc đứa trẻ không vượt qua được giai đoạn sơ sinh. Nhà ngôn ngữ học kiêm tâm lý học tiến hóa xuất sắc Steven Pinker gọi cách nhìn này đối với hoạt động sinh sản của loài người là kinh tế học di truyền tình dục. “Khoản đầu tư tối thiểu của nam giới và nữ giới… không bằng nhau”, Pinker viết: “Bởi vì đứa trẻ có thể có mẹ đơn thân do bố bỏ chạy chứ không thể có bố đơn thân do mẹ bỏ chạy được. Nhưng khoản đầu tư của đàn ông lớn hơn không có nghĩa là phụ nữ sẽ cạnh tranh trên thị trường hôn nhân như người ta có thể dự đoán, mặc dù họ nên cạnh tranh với những anh chàng nào có nhiều khả năng đầu tư nhất…”
Ngược lại, nếu anh chàng nào đầu tư hết thời gian, công sức và nguồn lực vào một phụ nữ chơi xấu sau lưng mình, chắc chắn kết cục của anh ta sẽ là nuôi con kẻ khác – lỗ chỏng gọng nếu như mục đích duy nhất trong đời của anh ta là truyền lại vốn gene của mình cho thế hệ tương lai. Và đừng mắc sai lầm: vì theo logic lạnh lùng của thuyết tiến hóa tiêu chuẩn, để lại di sản gene là mục đích sống duy nhất của chúng ta. Vì thế hai nhà tâm lý học tiến hóa Margo Wilson và Martin Daly lập luận rằng đàn ông kiên quyết giữ cái nhìn độc quyền đối với hoạt động tình dục của phụ nữ: “Đàn ông tuyên bố quyền sở hữu cá nhân đối với phụ nữ giống như các loài chim hót tuyên bố sở hữu lãnh địa, như sư tử tuyên bố sở hữu con thú giết được, hoặc như cả nam giới và nữ giới đều tuyên bố sở hữu những món đồ quý”, họ viết. “Khi đã xác định được một gói tài nguyên có thể nhận biết rõ ràng và có khả năng bảo vệ được, sinh vật sở hữu bắt đầu quảng bá và thực hiện sự bảo vệ tài nguyên đó trước các đối thủ.”*
“Cưng à, anh yêu em như sư tử yêu mồi.” Chắc chắn là một mô tả kém lãng mạn về hôn nhân chưa bao giờ được viết ra.
Có thể các độc giả tinh ý đã nhận ra, mô tả chuẩn mực về sự tương tác khác giới rút lại thành mại dâm: phụ nữ trao đổi sự phục vụ độc quyền về tình dục với quyền sử dụng tài nguyên. Có thể cộng hưởng thần bí sẽ giải thích phần nào về sức hấp dẫn khổng lồ của một bộ phim như Người đàn bà đẹp, trong đó nhân vật của Richard Gere trao đổi quyền sử dụng tài sản với thứ mà nhân vật của Julia Robert phải đưa ra (cô đóng vai một gái điếm có tấm lòng vàng, nếu như bạn chưa xem). Xin hãy lưu ý rằng thứ mà cô phải bỏ ra rất ít, ngoại trừ nụ cười rộng như bang Texas, cặp chân dài đáng yêu, cùng lời hứa long trọng là từ nay trở đi chúng sẽ chỉ dạng ra cho một mình chàng mà thôi. Cái tài của Người đàn bà đẹp nằm ở chỗ làm rõ những gì vẫn ẩn giấu trong hàng trăm bộ phim và cuốn sách. Theo thuyết này, phụ nữ đã tiến hóa đến chỗ vô tư và vô liêm sỉ đổi lạc thú tình dục lấy quyền sử dụng tài sản, sự bảo vệ, địa vị và nhiều thứ quý giá khác của đàn ông nhằm phục vụ bản thân và con cái. Đơn giản thế thôi.
Darwin nói rằng mẹ bạn là con điếm.
Đừng cho là chúng tôi khiếm nhã, chúng tôi đảm bảo với bạn rằng sự đánh đổi khả năng sinh sản và lòng chung thủy của phụ nữ lấy tài sản và dịch vụ là một trong những tiền đề của tâm lý học tiến hóa. Trong The Adapted Mind (tạm dịch: Trí tuệ thích nghi, cuốn sách được nhiều người xem là kinh thánh trong lĩnh vực này, chúng tôi thấy khái niệm hợp đồng tình dục được nêu rõ:
Sức hấp dẫn tình dục của đàn ông đối với phụ nữ sẽ thực hiện chức năng của những đặc điểm liên quan đến giá trị kết đôi cao trong môi trường tự nhiên… Vấn đề cốt yếu là đặc điểm nào liên quan đến giá trị kết đôi cao? Ba câu trả lời khả dĩ là:
Sự sẵn lòng và khả năng chu cấp của người đàn ông đối với phụ nữ và con cái cô ấy…
Sự sẵn lòng và khả năng bảo vệ của người đàn ông đối với phụ nữ và con cái cô ấy…
Sự sẵn lòng và khả năng của người đàn ông khi trực tiếp tham gia vào các hoạt động làm cha mẹ.
Giờ thì hãy điểm lại một số nghiên cứu xuất sắc nhất được thực hiện dựa trên những giả định về đàn ông, phụ nữ, cấu trúc gia đình và đời sống tiền sử.
HAM MUỐN YẾU ỚT NỔI TIẾNG Ở NỮ GIỚI
Phụ nữ… gần như không có ngoại lệ, kém hào hứng hơn đàn ông…
• CHARLES DARWIN
Phụ nữ không quan tâm lắm đến tình dục, đúng không nào? Cho đến tận ngày nay, đó vẫn là ý kiến gần như phổ biến trong văn hóa đại chúng, y khoa và tâm lý học tiến hóa phương Tây. Trong những năm gần đây, văn hóa đại chúng đã bắt đầu nghi ngờ việc phụ nữ tương đối ít quan tâm đến tình dục, nhưng theo như mô tả chuẩn mực, không có nhiều thay đổi kể từ khi bác sĩ William Acton công bố những suy nghĩ nổi tiếng của mình về vấn đề này năm 1875 khi khẳng định với độc giả rằng: “Những người mẹ, người vợ và người làm nội trợ tốt nhất đều biết rất ít hoặc không biết gì về đam mê tình dục… Theo quy luật chung, một phụ nữ khiêm nhường hiếm khi khao khát bất cứ sự ban thưởng tình dục nào cho chính mình. Cô ta phục tùng chồng mình, nhưng chỉ nhằm làm anh ta hài lòng.”
Gần đây hơn, trong tác phẩm mà nay đã trở thành kinh điển, The Evolution of Human Sexuality (tạm dịch: Tiến hóa tính dục loài người), nhà tâm lý học Donald Symons tự tin tuyên bố rằng: “Trong tất cả các dân tộc, giao hợp được hiểu là một sự phục vụ hoặc đặc ân mà nữ giới dâng tặng nam giới.” Trong tài liệu đã trở thành kinh điển xuất bản năm 1948, nhà di truyền học A. J. Bateman không do dự khi kết luận về những phát hiện của mình liên quan đến hành vi của ruồi giấm đối với con người, và nói rằng chọn lọc tự nhiên cổ vũ cho “một sự háo hức bừa bãi ở nam giới và một sự thụ động sáng suốt ở nữ giới”.
Toàn bộ số bằng chứng hợp lại để thuyết phục chúng ta rằng phụ nữ không phải là những sinh vật có ham muốn mạnh. Hàng trăm, nếu không muốn nói là đến hàng nghìn cuộc nghiên cứu đã tuyên bố và khẳng định sự yếu ớt trong ham muốn tình dục của phụ nữ. Một trong những nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trong toàn lĩnh vực tâm lý học tiến hóa, công bố năm 1989, rất điển hình cho thể loại này. Một sinh viên tình nguyện hấp dẫn sắp tốt nghiệp bước tới trước một sinh viên khác giới không hề quen biết (đang độc thân) trong khuôn viên Đại học bang Florida và nói: “Xin chào, gần đây em rất hay thấy anh và anh thật hấp dẫn. Anh có muốn đêm nay lên giường cùng em không?” Khoảng 75% nam thanh niên nói có. Nhiều người thì từ chối nhưng lại đề nghị thực hiện việc đó “vào một lúc khác”. Nhưng không một ai trong số những người phụ nữ được tiếp cận bởi những anh chàng xa lạ hấp dẫn chấp nhận lời đề nghị. Hết việc.
Nghiêm túc mà nói đây là một trong số những nghiên cứu được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực tâm lý học tiến hóa. Giới nghiên cứu tham khảo nó để chứng minh rằng phụ nữ không quan tâm đến tình dục ngẫu nhiên, điều này rất quan trọng nếu giả thuyết của bạn cho rằng theo bản năng phụ nữ sẽ đổi tình dục lấy các thứ từ đàn ông. Dù sao đi nữa, nếu họ thấy vui vẻ với tình cho không biếu không thì thị trường sẽ sụp đổ, và mọi phụ nữ khác sẽ gặp khó khăn khi trao đổi tình dục lấy một thứ gì đó có giá trị*.
KHOẢN ĐẦU TƯ LÀM CHA (MPI)
Như đã nói ở trên, dưới mỗi giả thuyết này, cũng như thuyết tiến hóa nói chung, là quan điểm cho rằng có thể giải thích cuộc sống bằng thuật ngữ của kinh tế và lý thuyết trò chơi. Mục tiêu của trò chơi là gửi mã di truyền của bạn vào tương lai bằng cách sản xuất số lượng hậu duệ sống sót càng nhiều càng tốt. Việc gieo giống này có dẫn tới hạnh phúc hay không thì lại chẳng liên quan gì cả. Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình về đề tài tâm lý học tiến hóa, The Moral Animal (tạm dịch: Con thú đạo đức), Robert Wright nói ngắn gọn: “Chúng ta được hoàn thiện để trở thành những con thú hiệu quả, chứ không phải hạnh phúc. (Tất nhiên, chúng ta được thiết kế để theo đuổi hạnh phúc; và việc đạt được các mục tiêu của thuyết Darwin – tình dục, địa vị,… – thường mang lại hạnh phúc, ít ra là trong chốc lát). Mặc dù vậy, thường xuyên thiếu hạnh phúc lại giúp chúng ta tiếp tục theo đuổi nó, vì vậy khiến chúng ta trở nên năng suất.”
Khái niệm năng suất rất gây tò mò – và lập tức công khai gây xung đột, nhưng lại được thể hiện một cách rất ngây thơ, cứ như chỉ có một nghĩa khả dĩ của từ “năng suất” vậy. Góc nhìn cuộc sống này chấp nhận đạo đức làm việc của Đạo Tin Lành (rằng “năng suất” là điều làm cho một con thú trở nên “hiệu quả”) và gợi lại khái niệm của kinh Cựu ước cho rằng cuộc sống là chịu đựng chứ không phải hưởng thụ. Các giả định này được ghi lại trong rất nhiều các tác phẩm của tâm lý học tiến hóa. Nhà nghiên cứu hành vi/linh trưởng học Frans de Waal gọi đây là sinh học xã hội kiểu Calvin.
Việc phụ nữ quan tâm đến chất lượng hơn số lượng được cho là quan trọng trên hai khía cạnh. Trước hết, rõ ràng là cô ta sẽ quan tâm đến việc có con với một người mạnh khỏe để tối đa hóa cơ hội đứa bé có thể sống sót và lớn lên mạnh khỏe. “Tài nguyên sinh sản của phụ nữ rất quý giá và hữu hạn, vì vậy bà cố tổ không lãng phí chúng cho bất cứ một tay lang thang ngẫu nhiên nào”, nhà tâm lý học tiến hóa David Buss viết. “Rõ ràng, phụ nữ không tỉnh táo đến mức nghĩ rằng tinh trùng rẻ còn trứng mới đắt”, Buss viết tiếp, “Những phụ nữ nào ngày xưa không nhạy bén trước khi chấp thuận làm tình sẽ bị bỏ lại trong đám bụi tiến hóa; bà cố tổ của chúng ta đã sử dụng sự thông thái của cảm xúc để loại bỏ những kẻ thất bại.” Buss không giải thích tại sao lại có quá nhiều “kẻ thất bại” trong bể gene ngày nay nếu như tổ tiên của họ đã được sàng lọc một cách kỹ càng đến thế qua hàng nghìn thế hệ.
Mặc dù xét trên phương diện sinh học, một lượng đầu tư đáng kể cho việc làm mẹ là bắt buộc đối với giống loài chúng ta, các nhà lý thuyết tiến hóa vẫn tin rằng trong các loài linh trưởng, Homo sapiens có tỉ lệ đầu tư làm cha (MPI) rất cao. Họ lập luận rằng MPI cao đã tạo nền tảng cho sự phổ biến của hôn nhân. Theo lời Wright: “Ở mọi nền văn hóa của loài người được ghi nhận trong tài liệu nhân học, hôn nhân là chuẩn mực, còn gia đình là hạt nhân của tổ chức xã hội. Các ông bố ở khắp nơi đều cảm nhận được tình cảm dành cho con cái… Tình yêu này thúc đẩy các ông bố góp phần nuôi nấng, bảo vệ con mình và dạy chúng sử dụng các đồ vật hữu ích.”
Nhà sinh học Tim Birkhead bày tỏ sự đồng tình khi viết: “Vấn đề làm bố nằm ở trung tâm phần lớn hành vi của nam giới – và vì những nguyên nhân tiến hóa tốt đẹp.” Ông nói tiếp: “Trong thời nguyên thủy, nhìn chung đàn ông nào đầu tư cho đứa con không phải của mình sẽ để lại ít hậu duệ hơn những anh chàng chỉ nuôi nấng lứa sau mang di truyền của chính mình. Hệ quả là đàn ông đã, và tiếp tục sẽ, luôn bận tâm với việc làm bố…”*
Còn bây giờ, chúng ta sẽ ghi lại vắn tắt một số giả định không chắc chắn nằm dưới cuộc tranh luận này:
• Mỗi nền văn hóa đều được tổ chức xung quanh hôn nhân và gia đình hạt nhân;
• Ở loài người, ông bố nào chỉ cung cấp cho con của chính mình sẽ để lại nhiều hậu duệ hơn hẳn so với người nào kém chọn lọc hơn và hào phóng về mặt vật chất;
+ Lưu ý cách mà điều này giả định một cơ sở di truyền trừu tượng cho một điều mông lung như “lo làm bố”.
• Trong môi trường ngày xưa, đàn ông có thể biết đứa trẻ nào là con ruột của mình, nghĩa là:
+ Anh ta hiểu rằng một hành vi tình dục có thể tạo ra một đứa trẻ, và
+ Anh ta chắc chắn 100% về độ trung thành của bạn tình.
• Một tay thợ săn vậy là có thể từ chối chia sẻ phần mình săn được với những thành viên đói khát khác trong cùng một nhóm hái lượm sống khăng khít với nhau (bao gồm cháu và con của bạn bè nối khố) mà không cảm thấy xấu hổ, không bị xa lánh, hay bị xua đuổi ra khỏi cộng đồng.
Như vậy, theo mô tả chuẩn mực, khi MPI trở thành lợi thế cho con của người đàn ông đó (có thêm đồ ăn, bảo vệ, giáo dục), phụ nữ sẽ tiến tới chọn những bạn đời có nhiều quyền sử dụng các tài nguyên này hơn cũng như những anh chàng có hành vi thể hiện rằng họ sẽ chia sẻ các tài nguyên này với cô ta và con cái (những dấu hiệu về sự hào phóng, lòng trung thành và sự thành thật).
Nhưng theo đó, hai mục tiêu này của phụ nữ (gene tốt và quyền sử dụng tài nguyên của nam giới) tạo ra những tình huống mâu thuẫn cho nam giới và nữ giới – cả trong mối quan hệ chung lẫn các quan hệ với những đối thủ cùng giới tính. Wright tóm tắt cách lý giải tình huống này như sau: “Đầu tư làm cha cao sẽ khiến việc lựa chọn tình dục phát triển theo hai hướng đồng thời. Không chỉ nam giới tiến tới cạnh tranh để giành với nhau nguồn trứng khan hiếm ở nữ; mà phụ nữ cũng tiến tới cạnh tranh để giành khoản đầu tư hiếm hoi ở nam giới.”
“CHIẾN LƯỢC TỔNG HỢP” TRONG CHIẾN TRANH GIỮA CÁC GIỚI
Không phải tình cờ mà anh chàng nào xuất sắc quan sát thấy quyền lực là loại thuốc kích dục mạnh nhất lại chẳng hề đẹp trai tẹo nào*. Nhưng thông thường, (theo cái mà chúng tôi gọi là hiệu ứng Kissinger) anh chàng nào có nhiều quyền sử dụng tài nguyên và địa vị nhất lại không mấy dồi dào về vốn gene, thông qua dấu hiệu của sức hấp dẫn về mặt hình thể. Các cô nàng biết làm sao bây giờ?
Lý thuyết thông thường khuyên cô ta nên lấy một anh chồng bảnh bao, giàu có, dễ đoán và chân thành, sẵn sàng trả tiền thế chấp, thay bỉm cho con và đi đổ rác – nhưng sau đó lại tằng tịu với những gã trai hoang dã, quyến rũ, nguy hiểm, đặc biệt là xung quanh thời điểm rụng trứng, như vậy cô ta sẽ có nhiều cơ hội có con với tình nhân. Được biết đến với tên gọi chiến lược tổng hợp trong các nghiên cứu khoa học, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều được khuyên sử dụng chiến lược đen tối của mình để phù hợp với các mục tiêu đối nghịch trong kết đôi (phụ nữ tối đa hóa chất lượng bạn tình còn nam giới tối đa hóa số lượng cơ hội kết đôi). Cuộc sống thật chẳng dễ dàng gì.
Những nghiên cứu nổi tiếng nhất nhằm giải thích bản chất của hai chiến lược khác nhau này đã được David Buss và cộng sự thực hiện. Giả thuyết của họ là nếu nam giới và nữ giới có những vấn đề đối lập nhau liên quan đến hành vi kết đôi thì sẽ có nhiều điểm khác biệt giữa cách họ trải nghiệm cơn ghen tình dục. Nhóm nghiên cứu thấy rằng phụ nữ lúc nào cũng thấy khó chịu hơn với ý nghĩ về sự phản bội cảm xúc của bạn tình, trong khi nam giới lại tỏ ra lo lắng hơn về sự phản bội tình dục, như giả thuyết này tiên đoán.
Các kết quả này thường được trích dẫn như sự khẳng định về mô hình đầu tư làm cha. Có vẻ như chúng phản ánh các mối quan tâm khác nhau mà mô hình này dự đoán. Theo đó, phụ nữ sẽ cảm thấy khó chịu hơn khi bạn tình của mình dan díu với một phụ nữ khác vì điều đó đe dọa đến lợi ích sống còn của cô ta nhiều hơn. Theo mô tả chuẩn mực, kịch bản cho trường hợp tồi tệ nhất đối với một người phụ nữ tiền sử trong trò chơi tiến hóa này sẽ là mất quyền sử dụng tài nguyên và hỗ trợ của bạn đời. Nếu anh chàng tự giới hạn bản thân ở một vụ lăng nhăng tình ái vô nghĩa với một phụ nữ khác (theo ngôn ngữ hiện đại, tốt nhất là một ả thuộc tầng lớp thấp hoặc gái điếm – để bớt khả năng anh ta lấy làm vợ), điều này sẽ giảm đi nhiều nguy cơ đến tiêu chuẩn sống của cô ta và đàn con. Tuy nhiên, nếu anh chàng đem lòng yêu một cô khác và ra đi, triển vọng của cô ta (và của đàn con) sẽ tụt hẳn xuống.
Xét trên góc nhìn của đàn ông, như đã nói ở trên, kịch bản tồi tệ nhất sẽ là dành thời gian và nguồn lực để nuôi con cho kẻ khác (và đẩy gene của kẻ khác vào tương lai thay cho gene của mình). Nếu cô bạn tình có liên hệ tình cảm với một anh chàng khác, nhưng không quan hệ tình dục, thảm họa di truyền này không thể xảy ra. Nhưng nếu cô nàng quan hệ tình dục với một anh chàng khác, ngay cả khi không có chút tình cảm luyến ái nào, anh ta vẫn có thể thấy mình đang vô tình mất đi “khoản đầu tư” tiến hóa của mình. Vì vậy, mô tả chuẩn mực dự đoán – và có vẻ như nghiên cứu đã xác nhận – rằng do đó cơn ghen của anh ta phải tiến tới mức kiểm soát hành vi tình dục của cô ta (nhờ thế đảm bảo vai trò làm cha đối với đứa trẻ), trong khi cơn ghen của cô ta nên hướng tới kiểm soát cảm xúc của anh ta (nhờ đó bảo vệ độc quyền sử dụng tài nguyên của anh ta)*.
Như bạn có thể đoán ra, chiến lược tổng hợp trên sẽ đi theo các tuyến giống nhau. Chiến lược tổng hợp của nam giới sẽ là có một bạn tình lâu dài và anh ta có thể kiểm soát được hành vi tình dục – giữ cho cô nàng đi chân đất và có bầu nếu nghèo, bó chân và có bầu nếu ở Trung Quốc, hoặc đi cao gót và có bầu nếu giàu có. Trong khi đó, anh ta sẽ tiếp tục quan hệ tình dục lăng nhăng với càng nhiều phụ nữ khác càng tốt để tăng cơ hội làm bố của nhiều đứa trẻ. Đây là cách lý thuyết tiến hóa chuẩn cho rằng, về bản chất thì đàn ông là những tên khốn nạn bẩn thỉu, dối trá. Theo mô tả chuẩn mực, chiến lược hành vi tiến hóa của người đàn ông là lừa dối cô vợ đang mang thai của mình trong khi vẫn cục súc, thậm chí điên cuồng ghen tuông với cô ta.
QUYẾN RŨ
Mặc dù cơ hội sống sót cho bất cứ đứa trẻ nào được tạo ra từ những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên của anh ta thấp hơn so với những đứa trẻ mà anh ta góp phần nuôi dưỡng, thì với anh ta “khoản đầu tư” này vẫn sẽ là khôn ngoan vì chi phí là rất thấp (chỉ vài ly rượu và một căn phòng tại khu nghỉ trọ Shady Grove Motor – với tiền thuê theo giờ). Chiến lược tổng hợp của người phụ nữ sẽ là “lấy” anh chàng nào mang lại cho cô ta cơ hội tốt nhất được tiếp cận với tài nguyên, địa vị và sự bảo vệ, trong khi vẫn tìm kiếm một vụ qua lại bất chợt nào đó với một anh chàng vạm vỡ có lợi thế về mặt di truyền mà anh chồng đáng yêu, nhưng bị thuần hóa, còn thiếu. Thật khó mà xác định được ai mới là người thất bại thê thảm.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ có nhiều khả năng phản bội chồng hơn (giao phối ngoài vợ chồng, EPC – extra-pair copulation) khi họ rụng trứng và ít dùng biện pháp tránh thai hơn lúc bình thường khi không dễ thụ thai. Hơn nữa, “những cô ả hư hỏng rẻ tiền” có nhiều khả năng sẽ sử dụng nước hoa và nữ trang lúc rụng trứng hơn là ở những thời điểm khác trong vòng kinh, và sẽ dễ bị những anh chàng trông có vẻ nam tính hơn hấp dẫn (mang những dấu hiệu trên cơ thể cho thấy có nhiều gene mạnh). Những mâu thuẫn nội tại này và cuộc đấu tranh bất tận mà chúng khích động – cuộc chiến giữa hai giới – là tâm điểm của hình ảnh ảm đạm về đời sống tình dục loài người được mô tả trong các nghiên cứu khoa học và trị liệu tâm lý ngày nay.
Như Wright tóm tắt: “Ngay cả khi có MPI cao, và chính nhờ có nó, theo một vài cách nào đó, động lực cơ bản giữa nam giới và nữ giới là lợi dụng lẫn nhau. Đôi khi, có vẻ như họ được sinh ra để làm khổ nhau.” (Chúng tôi nhấn mạnh). Symons nêu rõ sự cam chịu này trong những dòng đầu tiên của cuốn Sự tiến hóa của hoạt động tính dục của loài người:
Xét trên phương diện hoạt động tính dục, một trong những chủ đề trọng tâm của cuốn sách này là, bản chất nữ của con người và bản chất nam của con người, và các bản chất này cực kỳ khác nhau, mặc dù các khác biệt đó ít nhiều được che đậy bởi những hợp đồng mà quan hệ tình dục khác giới thừa hưởng và bởi những cấm đoán về mặt đạo đức. Nam giới và nữ giới khác nhau về bản chất tình dục bởi vì trong suốt giai đoạn săn bắt và hái lượm cực dài của lịch sử tiến hóa loài người, các khao khát và khuynh hướng tình dục mang tính thích nghi của cả hai giới đều nhằm giành được những tấm vé khác đi tới lãng quên sinh sản.
Ảm đạm nhỉ? Lý thuyết tiến hóa thông thường đảm bảo với chúng ta rằng toàn bộ phụ nữ đều mưu mô, đào mỏ và đều tiến tới lừa gạt một anh chàng cả tin nhưng nhàm chán cưới mình, chỉ để rồi xịt nước hoa nồng nặc lên người, chạy xuống câu lạc bộ độc thân trong vùng và cố gắng mang bầu với một tay cộc cằn thô lỗ mặc đồ da nào đó ngay khi ông chồng vừa ngủ gật trên ghế bành. Sao làm thế được? Nhưng trước khi các độc giả nam của chúng ta bắt đầu cảm thấy mình ở thế thượng phong, hãy nhớ rằng theo đúng mô tả chuẩn mực đó, bạn đã tiến tới tán tỉnh và cưới một cô nàng xinh đẹp, trẻ trung, ngây thơ bằng những lời hứa rỗng tuếch về một tình yêu bất diệt, đồng hồ Rolex rởm trên cổ tay, làm cho cô ta mang bầu càng sớm càng tốt, rồi bắt đầu “làm việc khuya” với thật nhiều thư ký càng tốt. Chả có gì đáng tự hào cả, thưa ngài.
KÉO DÀI KHẢ NĂNG ĐÓN NHẬN TÌNH DỤC VÀ GIẤU KÍN THỜI KỲ RỤNG TRỨNG
Dù tốt hay xấu thì người phụ nữ tiêu chuẩn cũng không được trang bị những bộ phận thân thể có thể phồng lên gấp đôi kích thước bình thường và chuyển màu đỏ khi chuẩn bị rụng trứng. Trên thực tế, một trong những tiền đề cơ bản của mô tả chuẩn mực là đàn ông không tài nào biết được lúc nào thì phụ nữ có thể thụ thai. Vì chúng ta được xem là sinh vật thông minh nhất thế giới, thật thú vị khi con người được cho là loài gần như duy nhất mù mờ về việc này. Đại đa số các con cái thuộc loài có vú khác đều bộc lộ thời điểm chúng dễ thụ thai và kiên quyết không quan tâm đến tình dục ở những thời điểm khác. Che giấu việc rụng trứng được cho là ngoại lệ quan trọng ở loài người. Trong các loài khỉ lớn, việc con cái có khả năng và sẵn sàng quan hệ tình dục vào bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu là đặc trưng chỉ có ở tinh tinh lùn và người. Cái gọi là “khả năng đón nhận nhiều” này chỉ là một trong những lý giải khoa học nói rằng phụ nữ có thể hoạt động tình dục trong suốt chu kỳ kinh nguyệt của mình, trong khi hầu hết các loài có vú chỉ giao cấu khi “quan trọng” – nghĩa là, khi có thể thụ thai. Nhưng loài người và tinh tinh lùn thì có thể làm chuyện đó bất kỳ lúc nào và thực tế đúng như vậy.
Nếu chúng ta chấp nhận giả định rằng phụ nữ không thật sự quan tâm đến tình dục lắm, nếu có thì cũng chỉ như một phương thức để thao túng đàn ông, vậy thì tại sao phụ nữ lại có khả năng tình dục phong phú đến bất thường như vậy? Tại sao họ lại không để dành tình dục cho mấy ngày trong chu kỳ khi có nhiều khả năng thụ thai nhất, như các loài có vú khác?
Hai giả thuyết quan trọng đã được đưa ra để giải thích cho hiện tượng này và cũng chẳng khác gì hơn. Nhà nhân học Helen Fisher nêu lên “lời giải thích kinh điển” như sau: cả việc giấu giếm thời điểm rụng trứng lẫn khả năng đón nhận tình dục nhiều (hoặc, nói chính xác hơn, liên tục) đã tiến hóa trong các cá thể cái của loài người thời sơ khai như một cách nhằm phát triển và củng cố mối liên hệ đôi lứa bằng cách thu hút sự chú ý của bạn tình giống đực vốn lúc nào cũng đầy ham muốn. Khả năng này được cho là phát huy tác dụng theo hai cách. Trước hết, do nàng luôn sẵn sàng giao phối, ngay cả khi không rụng trứng, nên chàng chẳng có lý do nào để tìm các cô ả khác nhằm thỏa mãn lạc thú tình dục. Thứ hai, do khả năng thụ thai của nàng bị giấu kín, chàng sẽ thấy hào hứng khi liên tục lượn lờ bên cạnh nhằm gia tăng khả năng làm nàng có thai và đảm bảo rằng không một gã đực nào khác có thời gian giao phối với nàng – không chỉ trong giai đoạn động đực ngắn ngủi. Fisher viết: “Việc âm thầm rụng trứng sẽ giữ cho một đối tượng đặc biệt liên tục ở gần, bảo vệ và cung cấp thức ăn mà nàng cần.” Giới khoa học gọi đó là “hành vi bảo vệ bạn đời”, phụ nữ đương đại có thể gọi đây là “kẻ phiền phức không mang lại một nền tảng vững chắc nào và không bao giờ để cho mình yên”.
Nhà nhân học Sarah Blaffer Hrdy đưa ra một cách giải thích khác cho năng lực tình dục khác thường của phụ nữ. Bà cho rằng việc giấu thời điểm rụng trứng và khả năng giao cấu liên tục ở loài người thuở sơ khai có thể đã tiến hóa không phải để trấn an nam giới, mà để khiến họ lúng túng. Nhận thấy bọn khỉ đột đực đầu đàn mới lên nắm quyền thường có xu hướng giết hết con của kẻ tiền nhiệm, Hrdy đưa ra giả thuyết rằng khía cạnh này của hoạt động tình dục ở nữ có thể đã phát triển thành một cách để làm rối loạn vai trò làm cha giữa các cá thể nam với nhau. Người nữ có thể quan hệ với vài người đàn ông để không một ai chắc chắn về vai trò là cha, do vậy giảm bớt khả năng con đực đầu đàn tiếp theo sẽ giết chết đứa con biết đâu lại là con của chính kẻ đó.
Vậy là chúng ta đã nắm được “lý thuyết kinh điển” của Fisher cho rằng phụ nữ đã phát triển sự quyến rũ đặc biệt của mình thành một cách để duy trì sự quan tâm của đàn ông, còn Hrdy thì nói rằng tất cả chỉ nhằm làm cho một số anh chàng cứ đoán mãi không thôi. “Lý thuyết kinh điển” của Fisher phù hợp hơn với mô tả chuẩn mực, theo đó phụ nữ đánh đổi tình dục lấy thức ăn, sự bảo vệ và nhiều thứ khác nữa. Nhưng cách giải thích này chỉ đúng khi chúng ta tin rằng đàn ông – bao gồm cả tổ tiên “nguyên thủy” của chúng ta – lúc nào cũng chỉ quan tâm đến tình dục với một phụ nữ duy nhất. Điều này mâu thuẫn với lý thuyết chiến lược tổng hợp, trong đó đàn ông quyết tâm gieo hạt giống của mình thật xa và rộng, trong khi vẫn đồng thời bảo vệ khoản đầu tư của mình vào bạn tình/gia đình đầu tiên.
Thuyết “hạt giống hoang mang” của Hrdy cho rằng lợi ích chính của việc giấu thời điểm rụng trứng và liên tục giao cấu chỉ đạt được khi một cá thể nữ có nhiều bạn tình – để ngăn bọn họ khỏi giết con mình và thuyết phục họ bảo vệ hoặc nếu không thì cũng hỗ trợ con mình. Cái nhìn này về tiến hóa loài người trái ngược với quan niệm cho rằng nam giới xem phụ nữ là hấp dẫn, mắn đẻ, như lời Daly và Wilson, là “những gói tài nguyên có thể bảo vệ được và dễ nhận biết”.
Như phản ánh trong mô tả chuẩn mực, đặc trưng tiền sử tình dục loài người là lừa gạt, thất vọng và tuyệt vọng. Cả nam lẫn nữ đều tiến tới theo đuổi chiến lược tổng hợp, kết quả là tạo ra một loài với những đặc trưng như dối trá, đĩ điếm và lừa gạt bậc thầy. Ở những cấp độ cơ bản nhất của loài người, các nhà khoa học nói với chúng ta rằng, đàn ông và phụ nữ đều tiến hóa đến chỗ lừa gạt lẫn nhau trong khi theo đuổi những hướng di truyền đối lập, và cùng thua – mặc dù để lừa gạt lẫn nhau như thế cần phải có điều kiện là người mà chúng ta cho rằng chân thành nhất với chúng ta lại là kẻ phản bội lại chúng ta.
Quả thực là một tội lỗi tổ tông.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!