Tình Ma - Tháp Nhĩ Tự Trung Phùng Bát Chỉ-kiếm Sơn Sơn Thượng Ngộ Can Gia
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
175


Tình Ma


Tháp Nhĩ Tự Trung Phùng Bát Chỉ-kiếm Sơn Sơn Thượng Ngộ Can Gia



Mờ sáng hôm sau, vợ chồng Thiên Vũ từ giã Hà trang chủ và Mạnh Khôi, lên đường về Cối Kệ Để tránh tai mắt của Tử Vi môn, hai người lột bỏ mặt nạ, hóa trang sơ sài rồi thúc ngựa phi nước đại.

Sau năm ngày đêm kiêm trình, họ đã về đến Tổng đàn Kiếm Minh. Chàng xuống ngựa, nói với các kiếm sĩ gác cổng :

– Phu thê tại hạ ngưỡng mộ hiệp danh của Kiếm Minh nên đến đây gia nhập. Xin cho vào gặp Hội chủ.

Cánh cửa Tổng đàn mở ra, hai người bước vào. Tuấn mã được một kiếm sĩ đưa đến chuồng.

Điểm Thương Nhất Kiếm Trương Hoành được báo trước, ra tận cửa khách sảnh đón chào, mời vào trong dùng trà và đàm đạo.

Thiên Vũ không ngồi mà vòng tay sang sảng nói :

– Tại hạ là Triệu Bá Câu xin đến đây qui hàng, mong quí Hội chủ tha cho tội chết.

Trương Hoàng giật bắn người, ngơ ngác không hiểu gì cả. Thấy vẻ mặt ngơ ngác của lão, Thiên Vũ không nén được, bật cười ha hả.

Nghe giọng cười quen thuộc, Trương lão mừng rỡ, nhảy đến ôm chặt lấy chàng, bảo :

– Tên tiểu quỉ Thiên Vũ này đã lớn mà vẫn còn tinh nghịch.

Thiên Vũ đưa tay xóa lớp hóa trang nói :

– Nhị thúc buông Vũ nhi ra để còn đưa Ngũ phu nhân vào ra mắt mẫu thân và các trưởng bối.

Huệ Chi nghe nhắc đến mình, vội sụp xuống thi lễ :

– Tiểu nữ là Dương Huệ Chi, xin khấu kiến nhị thúc.

Trương Hoàng mừng rỡ đỡ nàng dậy rồi nói :

– Té ra nàng chính là Ngân Xuyên Mỹ Nhân đã hết lòng giúp đỡ Vũ nhi trong những ngày ở Tử Vi môn đấy ư? Hai ngươi mau vào trong để mọi người được một phen phấn khởi.

Nói xong, lão bước đi trước, đôi tình lữ theo sau. Quanh chiếc bàn dài nơi hậu sảnh, có đủ mặt những người thân thiết của Thiên Vũ. Phu thê họ Lục ngồi cạnh Long Nữ Tiêu Phi Phượng.

Chàng xúc động, chạy đến quỳ xuống, nghẹn ngào nói :

– Vũ nhi xin bái kiến ba vị nhân gia.

Mọi người mừng rỡ, hỏi han tíu tít. Tiêu Phi Phượng võ công tuy chỉ còn lại nửa phần nhưng nhãn quang sắc bén, đầu óc tinh minh. Thấy sau lưng ái tử còn có một nữ nhân nhan sắc phi phàm, lập tức đoán ra nàng là ai nên đưa tay ra hiệu cho mọi người và nói :

– Chư vị hãy để ta và Lục huynh, Lục tẩu nhận con dâu mới đã chứ.

Thiên Vũ quay lại dắt Huệ Chi đến trước mặt ba vị phụ mẫu. Nàng quỳ xuống kính cẩn thưa :

– Tiểu nữ Dương Huệ Chi, khấu kiến tam vị lão nhân gia và các trưởng bối.

Long Nữ Thấy con dâu thứ năm còn xinh đẹp hơn bốn nàng kia nên mừng rỡ bước đến nâng nàng dậy, vỗ về :

– Từ lâu, mọi người trong Kiếm Minh đều xem con là dâu của họ Thương, chớ nên sợ hãi như vậy.

Thì ra mạng lưới nội gián báo về rằng Ngân Xuyên Mỹ Nhân đã gởi thân cho Thiên Vũ và hết lòng giúp đỡ, che chở cho chàng đối phó với Triệu Bá Câu. Mọi người đang ngày đêm lo lắng cho an nguy cho Thiên Vũ trong hổ huyệt nên rất biết ơn Huệ Chi và hoan hỉ chấp nhận mối duyên tình của hai người.

Long Nữ dắt nàng đến ngồi giữa bà và Lục phu nhân. Lục mẫu vốn coi Thiên Vũ là con hơn là rể nên vui mừng vuốt ve tấm lưng ong của Huệ Chi, khen ngợi :

– Con dâu của ta thật là xinh đẹp và ngoan hiền.

Lục gia vuốt râu cười sảng khoái :

– Vũ nhi là Ngũ vương gia nên có đến năm vị phu nhân cũng chẳng phải là điều lạ.

Thấy mọi người đều yêu thương mình, Huệ Chi cảm động đến sa lệ.

Long Nữ bỗng nhớ đến việc quan trọng, bật cười bảo :

– Ta quên mất. Vũ nhi mau đưa Huệ Chi Theo ta vào thăm ái tử và bốn nàng kia.

Họ đang ở phòng Yến Vân vui đùa với Sơn nhi.

Thiên Vũ nghe nói vợ mình đã sanh nam tử, lòng mừng khôn xiết, đứng lên vái tạ các trưởng bối rồi đi theo mẫu thân. Cừa phòng Yến Vân không đóng nên ba người bước vào mà bốn nàng vẫn không hay vì đang nằm vuốt ve hài nhi trên chiếc giường bát bửu rộng thênh thang.

Bạch Lan vô tình quay lại, thấy bóng dáng cao lớn của Thiên Vũ, nàng thất thanh gọi :

– Tướng công.

Bốn nàng dâu thấy có mặt mẹ chồng liền bước xuống giường, nghiêng mình thi lễ :

– A nương.

Long Nữ mỉm cười hiền hoà, kéo Huệ Chi đến đứng bên cạnh rồi bảo :

– Các ngươi nhìn xem đây là ai?

Lãnh Sương Tiên Tử Mộ Dung Uyển từng đến Tổng đàn Tử Vi môn và đã gặp qua Ngân Xuyên Mỹ Nhân nên nhận ra, nàng vui mừng gọi :

– Dương tỷ tỷ.

Bốn nàng xúm lại ngắm nghía, hỏi han rôm rả. Long Nữ hài lòng cùng Thiên Vũ đến bên giường hài tử. Bà đặt nên ái tôn là Thương Thiên Sơn để tưởng nhớ đến tông phái của tiên phu Thương Thiên Long.

Thiên Vũ Thấy hài nhi đỏ hỏn, da đầy lông tơ, nhỏ bé và yếu ớt nên không dám đụng vào vì chàng sợ làm con mình đau, chỉ đứng nhìn âu yếm.

Long Nữ muốn để ái tử và các nàng dâu được tự nhiên nên bước ra, trở lại bàn ăn nơi hậu sảnh.

Thiên Vũ thấy mẫu thân đi khỏi mới dám thân thiết với các ái thệ Chàng bước đến, xiết chặt Yến Vân trong đôi cánh tay mạnh mẽ, hôn nhẹ lên trán thì thầm :

– Ta rất tiếc không thể có mặt hôm nàng khai hoa nở nhụy.

Yến Vân thẹn thùng không nói gì. Chàng lần lượt ôm hôn Mộ Dung Uyển, Sở Phi Hương và Trần Bạch Lan. Huệ Chi lúc này đã đến bên giường vuốt ve hài nhị Thiên Sơn đã tỉnh giấc, giương đôi mắt ngái ngủ nhìn nàng rồi nhoẻn miệng cười.

Thiên Vũ thì thầm với bốn vị phu nhân :

– Bá Câu quả là lão hồ ly gian hoạt, từ đầu đã đem lòng nghi ngờ tạ Nếu không có Huệ Chi che chở và giúp đỡ thì chắc mạng ta khó vẹn toàn. Mong các nương tử hiểu cho và yêu thương Huệ Chi như chị em.

Phi Hương thỏ thẻ :

– Bọn thiếp ngày đêm lo lắng cho tướng công, chỉ hận không ở bên để hầu hạ và giúp chàng một taỵ Nay Dương tỷ đã thay bọn thiếp làm việc ấy, phải gọi là ân nhân mới đúng.

Mộ Dung Uyển thấy tóc chàng còn vướng bụi đường, cười bảo :

– Tướng công và Dương tỷ tỷ vào trong tắm gội rồi ra với các bậc trưởng bối.

Nãy giờ không thấy nhạc phụ là Chung Nam sơn chủ. Thiên Vũ hỏi Bạch Lan thì nàng trả lời rằng ông đã hóa trang trở về Chung Nam sơn để huấn luyện môn đồ, chờ ngày phối hợp tiêu diệt Tử Vi môn.

Sau ba ngày xum họp với người thân, Thiên Vũ quyết định trở lại Tổng đàn Tử Vi môn. Nhị thúc của chàng là Điểm Thương Nhất Kiếm Trương Hoành gieo quẻ. Thấy tượng quẻ rất xấu, liền báo với Long Nữ :

– Vũ nhi nghệ cao lớn mật, tính khí kiên quyết, đã nghĩ gì thì cố làm cho bằng được. Chỉ có đại tẩu là ngăn cản được.

Tiêu Phi Phượng hơn hai mươi năm mới gặp được ái tử, lại chẳng mấy khi được ở gần. Nay nghe họ Trương cảnh báo nguy hiểm đang chờ con mình nên bà liền gọi Thiên Vũ đến, dạy rằng :

– Trương thúc đã nhận ra tai họa đang chờ con ở Thái Hoàng sơn. Vì vậy, ta không thể để con và Huệ Chi lên đường. Hơn nữa, trong sào huyệt của Triệu Bá Câu đã có Thanh Hải thần tăng ám trợ, con không cần phải có mặt ở nơi ấy Chàng là người hiếu thận nên đành ở lại. Bảy ngày sau, Nhật Phi Hồ và đôi Thần nhu về đến, xác nhận ý kiến của Trương Hoành là đúng.

Triệu Bá Câu sau trận đại bại ở Thiếu Lâm tự trở về, nhận được thư của Hồng Trạch bà bà báo cáo việc Ngân Xuyên Mỹ Nhân đến thăm và Cửu Vĩ Giải biến mất.

Bà ta đã xem xét vết đứt của các song sắt chuồng và so sánh với vết cắt chấn song thạch lao. Cuối cùng kết luận rằng cả hai đều bị cùng một loại thần binh chém đứt.

Như vậy, người trộm linh vật cũng là Lục Thiên Vũ.

Tử Vi môn chủ là người có tâm cơ thâm trầm nên lập tức suy ra rằng Trần sơn chủ chính là hóa thân của Lục Thiên Vũ và tên Dương Tế cao lớn đã chém rách áo lão ở Tung Sơn cũng chẳng phải là ai khác.

Triệu Bá Câu vô cùng căm giận, giăng bẫy chờ sẵn. May mà Thanh Hải thần tăng có mặt trong cuộc bàn bạc nên đã thông tri cho lực lượng nội gián của Kiếm Minh.

Mọi người nghe Lăng Thu kể xong đều thở phào, mừng cho Thiên Vũ thoát nạn.

Lục lão gia nghiêm giọng :

– Vũ nhi từ nay phải cẩn trọng và suy nghĩ thấu đáo hơn trước. Khi hành động, chỉ cần một sơ suất nhỏ là ngươi sẽ làm cho biết bao người phải thương tâm.

Thiên Vũ xấu hổ cúi đầu nhận lỗi :

– Hài nhi biết tội, xin ba vị nhân gia lượng thứ.

Lục mẫu hiền hòa nói :

– Vũ nhi có đến năm vị nương tử mà cứ bỏ đi biền biệt. Nhân lúc rảnh rỗi này hãy an ủi họ, may ra chúng ta lại có thêm vài đứa cháu nữa.

Cả bàn bật cười vui vẻ. Năm nàng thẹn thùng tủm tỉm cười.

Ba ngày đầu tiên lúc mới trở về, Huệ Chi xin được ngủ chung với Long Nữ để Thiên Vũ dành thì giờ cho bốn vị nương tử. Tiêu Phi Phượng hài lòng, vui vẻ hỏi han, chuyện trò với con dâu mới. Bà nhận ra nàng rất thuần khiết, nhân hậu, khác hẳn với lời đồn đại của giang hồ.

Thiên Vũ biết mình chưa đủ sức giết Bá Câu và nếu lão liên thủ cùng Dương Hùng thì chàng khó mà toàn mạng. Vì vậy, ngoài những lúc vui với thê tử, chàng dồn hết tâm trí vào chiêu cuối cùng của pho “Bát Nhã tâm kiếm”. Nhưng dù đã khổ công, chiêu Tâm Kiếm Tề Phi vẫn chẳng luyện thành.

Một hôm, uất khí công tâm, Thiên Vũ hộc ra một búng máu rồi ngã vật xuống giữa hoa viên trước mặt năm vị phu nhân. Họ hốt hoảng đưa chàng vào trong. Lát sau, chàng tỉnh lại, nhìn những gương mặt lo âu của mọi người, cười nói :

– Vũ nhi vì nóng lòng muốn luyện thành tuyệt chiêu để báo phụ cừu nên mới bị hiện tượng ấy, xin chư vị yên tâm.

Vô Nhẫn Kiếm Lý Đường nghiêm giọng bảo :

– Chiêu thứ năm của pho Tâm Kiếm, trăm năm trước cũng chưa ai được nhìn thấy.

Nay ngươi muốn một sớm một chiều mà học được thì hóa ra coi thường tuyệt học của Kim Tỏa lão nhân hay sao?

Lãnh Sương Tiên Tử nhớ lại lần đầu hội ngộ Ở Quân Sơn, liền dịu dàng nói :

– Tướng công không nhớ đã luyện chiêu thứ bảy như thế nào sao? Hay là chàng lại đi tìm chỗ tĩnh lặng mà nghiên cứu kiếm chiêu, biết đâu sẽ thành công.

Long Nữ gật đầu tán thành :

– Bá Câu sau lần thất bại trước cửa chùa Thiếu Lâm, trong tâm chắc hẳn sẽ e sợ ngươi nên chưa thể có âm mưu gì. Ngày mai, ngươi hãy hóa trang rồi đi tìm chỗ thích hợp mà rèn luyện.

Chàng vâng lời, ngồi dậy hành công vận khí. Đến chiều thì hoàn toàn bình phục.

Sáng hôm sau, cùng mọi người ăn điểm tâm xong, Thiên Vũ về phòng bắt tay cải sửa dung mạo. Phi Hồ đứng bên chỉ điểm thêm. Chừng hai khắc sau, chàng đã biến thành đại hán râu rậm bó cằm, cặp lông mày xếch ngược lên trông rất dữ tợn. Hồng nhi cũng được điểm thêm một vệt trắng trước trán và bốn vó để có thể liên lạc được khi cần thiết. Trương Hoành dặn dò chàng một số ám ký của phe Kiếm Minh.

Thiên Vũ dự định đi vào đất Thiểm Tây vì nơi đây núi đồi trùng điệp, hiểm trở, đường đi gập ghềnh nhưng phong cảnh cực kỳ xinh đẹp.

Hỏa Diện Trường Thủ Lý Long Miên là người lịch duyệt nên đề nghị với chàng :

– Theo ta thì Vũ nhi nên đến vùng núi Thái Bạch và Nga Mi sơn. Nơi ấy rất tĩnh lặng.

Thiên Vũ tán thành. Nhật Phi Hồ cười bảo :

– Vũ đệ luyện công thì ắt không thể phân tâm vào chuyện nấu nướng, ta sẽ đi theo giúp ngươi một tay.

Long Nữ biết họ Lăng là tay lão luyện giang hồ, cơ trí tinh minh nên mừng rỡ :

– Có Nhật Phi Hồ bên cạnh Vũ nhi thì chúng ta mới yên tâm.

Chàng không dám cãi lời mẫu thân nên đồng ý. Lăng Thu lập tức hóa trang thành lão già rồi theo Thiên Vũ lên đường. Năm nữ nhân đều muốn đi theo nhưng đêm qua đã bị chàng từ chối :

– Các nàng đều xinh đẹp như tiên nga, nếu đi theo ta thì ta còn lòng dạ nào mà luyện võ. Cùng lắm là có thêm một tiểu hài nhi mà thôi.

Vì vậy, sáng hôm nay họ chỉ âm thầm nhìn theo bóng chàng đứng trên thuyền lúc vượt sông Hán Thủy.

Nga Mi sơn và Thái Bạch sơn nằm ở phía tây đất Thiểm, gần biên giới Tứ Xuyên.

Hai người thong dong cho ngựa phi nước kiệu. Trưa ngày thứ ba đã đến Cao Lăng, ghé vào một tiểu quán trong thành dùng bữa. Thiên Vũ đưa mắt quan sát, thấy thực khách đa số là khách thương hồ, chỉ có mười mấy người ngồi quanh bàn lớn ở giữa mang đao kiếm nhưng sắc mặt của họ xanh xao, mệt mỏi.

Phi Hồ kéo chàng ngồi xuống bàn trống rồi bảo nhỏ :

– Lão giá áo xám có râu bạc bên bàn ấy chính là Thương Tâm Kiếm Vũ Đạo Toàn, Chưởng môn phái Côn Lôn. Còn bọn người kia chắc là đệ tử, không hiểu họ vượt mấy ngàn dặm đến Cao Lăng để làm gì?

Chàng gật đầu không nói, bảo tiểu nhị đem rượu thịt. Chưa ăn xong, đã nghe tiếng vó ngựa dồn dập. Trước cửa tiểu quán xuất hiện một toán Lạt ma mặc áo hồng, mặt mũi không giống người trung thổ.

Bọn chúng có đến ba chục người, lập tức ùa vào trong quán. Một tên Lạt ma to béo, tay cầm Thiền trượng chỉ mặt Vũ Đạo Toàn cười khanh khách :

– Bọn tiểu cẩu Côn Lôn chúng bay tưởng rằng chạy đến đây là đã an toàn rồi sao?

Mau mau chịu trói để bọn Phật Gia đỡ phải bẩn tay.

Chưởng môn phái Côn Lôn và mười bốn đệ tử đã đứng phắt dậy từ lâu. Họ Vũ căm giận nói :

– Hồng giáo các ngươi mơ mộng thống trị võ lâm Trung Nguyên, cấu kết với quan quân Thanh Hải, nửa đêm tập kích núi Côn Lôn, đốt phá Thuần Dương đạo quán, chém giết môn đồ, lại còn vu khống cho bổn phái là cường đạo. Nay ta cùng các đệ tử về kinh tâu cùng Thánh thượng, rửa oan cho Côn Lôn, chứ chẳng phải vì sợ hãi mà không dám sống chết với bọn ngươi.

Tên Lạt ma gằn giọng bảo :

– Nếu để ngươi về được Nam Kinh thì Ba Lỗ Nhi ta lấy gì mà phúc đáp với Hoạt Phật?

Các thực khách và tiểu nhị sợ hãi, len lén chuồn cả bằng đường cửa sổ.

Thiên Vũ lạnh lùng nhắc nhở :

– Chư vị muốn giao đấu thì xin ra ngoài sân để khỏi làm phiền người khác.

Vũ Đạo Toàn không hổ là bậc tôn sư, bảo Ba Lỗ Nhi :

– Vị tiểu đệ này nói không sai. Chúng ta hãy ra ngoài một mất một còn.

Họ Ba thấy trong quán chật chội, không tiện đánh đấm nên quay người bước ra.

Vũ chưởng môn cùng các đệ tử theo sau.

Bàn của Thiên Vũ nằm gần cửa sổ nên có thể quan sát được đấu trường. Chàng bình thản cùng Phi Hồ nhâm nhi chén rượu, chờ xem biểu diễn.

Bọn Lạt ma dường như muốn tận sát nên lập tức tấn công. Ba Lỗ Nhi đấu với Thương Tâm Kiếm. Phái Côn Lôn bôn ba ngàn dặm, sức lực kiệt quệ nên rơi vào thế hạ phong. Vũ Đạo Toàn ra sức vũ lộng trường kiếm, sử dụng pho Côn Lôn kiếm pháp để chống lại thiền trượng của lão họ Ba.

Nhưng đối thủ của ông công lực thâm hậu và trượng pháp vô cùng linh diệu.

Thanh thiền trượng dài và nặng áp đảo trường kiếm mong manh. Vũ Đạo Toàn phải lùi liên tiếp mười mấy bước, đến trước cửa quán.

Ba Lỗ Nhi cười đắc chí, vận toàn lực dở sát chiêu. Trượng ảnh mang mang chụp xuống đầu địch thủ. Họ Vũ cố gắng gượng, chống đỡ nhưng thanh kiếm không chịu nổi sức mạnh ngàn cân nên gẫy đoạn. Ông thở dài, nhắm mắt chờ chết.

Nhưng từ sau lưng ông, một đạo chưởng phong uy mãnh đã tống thẳng vào Ba Lỗ Nhi, đẩy lão lùi lại ba bước. Lão Lạt ma thấy kẻ vừa ra tay chính là đại hán cao lớn lúc nãy, liền nổi giận quát :

– Ngươi dám xen vào chuyện của Phật Gia thì ắt là đã chán sống. Ta sẽ ra tay siêu độ giùm ngươi.

Lão là cao thủ nhất nhì của Tây Tạng, bốn mươi năm khổ luyện Mật Tông Đại Thủ Ần. Nay thấy đối thủ dùng chưởng đánh mình, liền cắm thiền trượng xuống đất rồi múa song chưởng xông tới.

Thiên Vũ quát vang như sấm, xuất chiêu Lôi Vũ Trùng Lai của phái Thiên Sơn.

Chưởng phong ầm ầm xô bạt vào chưởng ảnh màu tím đỏ.

Vũ Đạo Toàn nhân cơ hội này đến hỗ trợ cho các đệ tử. Ba Lỗ Nhi nghe tay mình chấn động, biết đối phương công lực rất thâm hậu. Lão dồn thêm hai thành chân khí, đôi bàn tay mở lớn, vỗ liền tám đạo chưởng phong. Thiên Vũ ra chiêu Hải Lãng Trùng Trùng, từng lớp chưởng kình ập đến chặn dứng chiêu thức của đối thủ, phát ra tiếng nổ vang rền.

Lão Lạt ma kinh hãi, dồn hết mười hai thành công lực, song thủ to như chiếc quạt bồ, chưởng ảnh tỏa sắc tím lịm, chập chờn quanh thân đối phương. Thiên Vũ thấy chiêu thức này cực kỳ ảo diệu, chưởng kình nặng nề như núi. Chàng nghiến răng xuất chiêu Thần Long Vân Hiện trong Giáng Long Tam Chưởng. Một tiếng nổ vang rền phát ra, Ba Lỗ Nhi bắn ngược về phía sau, máu miệng tuôn ra ồng ộc, mắt ốc trợn tròn nhìn chàng với vẻ kinh hãi.

Bỗng tiếng vó ngựa khua vang, mấy trăm quân lính triều đình gươm giáo sáng lòa ập đến bao vây đấu trường. Vũ Đạo Toàn thét đệ tử ngưng chiến, lui lại đứng bên Thiên Vũ.

Ba Lỗ Nhi lộ vẻ vui mừng, gượng đau nói với hai vị võ tướng :

– Bẩm hai vị đại nhân, chúng chính là bọn phản tặc Côn Lôn.

Vũ chưởng môn căm hận chỉ mặt tên võ tướng cao gầy, không râu mắng rằng :

– Trần Hồng Thụ, ngươi là mệnh quan của triều đình mà cấu kết với Tây Tạng tiêu diệt bổn phái. Ta thề không đội trời chung với ngươi.

Thiên Vũ chăm chú quan sát, thấy Trần Hồng Thụ dung mạo gian xảo nhưng người đứng bên lại có vẻ rất đường chính. Chàng mỉm cười vòng tay hỏi :

– Chẳng hay nhị vị đại nhân đây danh tính và chức vụ thế nào, xin cho thảo dân biết để tiện việc xưng hô.

Thấy chàng tướng mạo uy vũ, hiên ngang lại đánh bại cả Ba Lỗ Nhi nên hai vị tướng quân không dám khinh thường.

Họ Trần cười giả lả đáp :

– Bổn tướng là Tổng đốc Thanh Hải, còn đây là Tổng trấn Quân Vụ Thiểm Tây Tề Hân, đến đây để truy bắt phản tặc. Nếu tráng sĩ không có quan hệ gì với phái Côn Lôn thì mau tránh ra để khỏi liên lụy.

Thiên Vũ nghiêm mặt nói :

– Thảo dân quả thật không quen biết với họ nhưng phái Côn Lôn đã nổi tiếng nghĩa hiệp hàng mấy trăm năm nay, sai lại gọi là phản tặc? Còn sự hiện diện của đám Lạt ma Tây Tạng này thì phải giải thích như thế nào?

Tề Hân quay sang nhìn họ Trần với vẻ dò hỏi. Tổng đốc Thanh Hải biến sắc quát lớn :

– Tên kiêu dân kia, ngươi có quyền gì mà hạch sách bổn quan. Phái Côn Lôn đột nhập chùa Tháp Nhĩ lấy đi Ngọc Xá Lợi. Quan quân đến tra xét thì chống cự lại, không phải là phản tặc hay sao?

Vũ chưởng môn tức tối chỉ lên trời mà nói :

– Ta thề có hoàng thiên chứng giám, bổn phái không hề lấy Ngọc Xá Lợi làm gì vì Côn Lôn tu đạo Tam Thanh chứ có phải Phật môn đâu.

Chàng biết ông nói thật, liền bảo Tề Hân :

– Tổng trấn là bề tôi lương đống của triều đình, lẽ nào không có đầu óc phân biệt thị phi mà lại tiếp tay với tên cẩu quan họ Trần này?

Họ Tề bối rối đáp :

– Bổn tướng cũng cảm thấy có điều uẩn khuất nhưng đã có lệnh của Tuần phủ Thanh Hải nên phải đem quân hỗ trợ.

Thiên Vũ trầm giọng bảo :

– Ngươi vì một chút công danh mà coi thường nỗi oan của lương dân, gieo tiếng xấu cho triều đình và Thánh thượng, liệu có đáng là bề tôi của Đại Minh hay không?

Hai viên đại thần chấn động trước khẩu khí của chàng, nhớ đến một người bèn sinh lòng sợ hãi, không dám ra oai phát tác.

Tề Hân cao giọng nói :

– Bổn tướng không biết các hạ là ai nhưng lời nói rất hợp lý. Ta sẽ bảo vệ phái Côn Lôn và gởi tấu biểu về kinh xin Thánh ý.

Thiên Vũ bật cười khanh khách :

– Họ Tề ngươi khá lắm, chỉ một câu nói đó đã cứu được chiếc đầu trên cổ. Bổn Vương gia xin mừng cho ngươi.

Chàng vừa dứt lời đã đưa cao kim bài và bảo kiếm, nói tiếp :

– Thấy Thượng Phương bảo kiếm như thấy mặt Thánh hoàng, bọn ngươi còn chưa chịu quỳ xuống hay sao?

Hai viên võ tướng nghe như sét đánh bên tai, vội nhảy xuống ngựa dập đầu tung hô :

– Thánh thượng vạn tuế. Vương gia vạn an.

Năm trăm quân lính cũng vội quỳ xuống theo. Bọn đạt ma không ngờ đối phương lại là Ngũ vương gia của triều đình nên bối rối chẳng biết phải làm sao.

Thiên Vũ cười nhạt hỏi Trần Hồng Thụ :

– Ngươi đã biết tiếng Ngũ vương gia thiết diện vô tình, dẫu hoàng thân quốc thích cũng không tha, vậy hãy mau nói rõ việc cấu kết với Hồng giáo cho ta nghe.

Trần Hồng Thụ xanh mặt thưa :

– Khải tấu Vương gia, Hoạt Phật đã đem mười mỹ nữ và ba vạn lượng vàng hiến cho Tuần Phủ đại nhân để được phép dùng Thanh Hải làm căn cứ bành trướng Hồng giáo vào Trung Thổ. Tiểu tướng chỉ là thuộc hạ nên không thể kháng lệnh, xin Vương gia khai ân.

Chàng lạnh lùng hỏi tiếp :

– Ta không tin rằng ngươi chẳng nhận được chút gì mà lại tận tuỵ đích thân truy sát phái Côn Lôn. Nếu không thành thật thì chớ trách ta tàn nhẫn.

Họ Trần sợ khiếp vía khai ra :

– Khải tấu Vương gia, Tuần phủ đại nhân có cho người đến tặng tiểu tướng năm ngàn lượng. Tiểu tướng xin nộp lại cho công quỹ, mong Vương gia tha chết.

Chàng hài lòng phán :

– Tề tổng trấn, ngươi mau bắt giam họ Trần và đám Lạt ma, tuyệt đối giữ kín việc này. Chờ ta giải quyết xong Tuần phủ Thanh Hải rồi sẽ xin ý của Hoàng thượng.

Bọn Lạt ma định đào tẩu nhưng đã bị cung tên chĩa vào người nên đành chịu trói.

Tề Hân vái chào Thiên Vũ rồi áp giải phạm nhân về đại lao. Vũ Đạo Toàn cùng các đệ tử sụp xuống lạy tạ :

– Ơn cứu tử và rửa oan này, phái Côn Lôn xin tạc dạ ghi lòng.

Chàng đỡ Vũ chưởng môn dậy rồi bảo :

– Tại hạ cũng là người võ lâm, lẽ nào lại để quý phái bị hủy điệt, làm tổn thương đến chính khí giang hồ. Xin vào trong quán đàm đạo.

Chưởng quỹ và bọn tiểu nhị nãy giờ núp trong quán, nghe được câu chuyện, biết tiệm mình hôm nay vinh dự được Ngũ vương gia giá lâm nên mừng rỡ kéo nhau quỳ xuống đón tiếp :

– Kính thỉnh Vương gia.

Chàng xua tay, cười bảo :

– Các ngươi đừng quá đa lễ khiến ta uống rượu mất ngon. Cứ coi như thực khách bình thường là được.

Chúng dạ vâng rồi lăng xăng chuẩn bị một bàn tiệc. Lão chủ quán thầm nghĩ :

“Sau này ta sẽ mướn người viết lên dòng chữ: Ngày mười sáu tháng ba năm Ất mão, Ngũ vương gia đã ngự giá nơi này.”

Lão tin rằng sẽ có nhiều người muốn được ngồi vào cái bàn mà Vương gia đã ngự tọa.

Thiên Vũ nâng chén mời họ Vũ và các đệ tử. Được vài chung, chàng ái ngại bảo :

– Chẳng lẽ đệ tử Côn Lôn chỉ còn có bấy nhiêu sao?

Vũ Đạo Toàn cung kính đáp :

– Thưa không. Còn gần trăm môn đồ nữa tản mác trong dãy Côn Lôn chờ ngày khôi phục. Lão phu chỉ dắt theo mười mấy người vì đường về kinh xa xôi, chi phí rất cao.

Chàng suy nghĩ một lúc rồi bảo :

– Dã tâm của Hồng giáo rất lớn, các chùa ở Thanh Hải đều theo phái Mật Tông, không thể dùng quan quân mà đàn áp được. Chưởng môn nên cho người về gọi các môn đồ đến Cao Lăng này chờ đợi. Trước sau gì Hồng giáo cũng bành trướng đến đây. Chư vị sẽ liên thủ với Kiếm Minh để tiêu diệt chúng.

Chàng quay sang nói nhỏ với Phi Hồ. Gã chạy ra cửa quán, lấy than vẻ ám ký lên vách. Nửa khắc sau, một hán tử bước vào, đưa tay vuốt mũi ba cái. Phi Hồ vẫy gã rồi bảo :

– Ngươi ngứa tai mà sao lại vuốt mũi?

Gã cười, vòng tay thưa :

– Đệ tử thuộc Huyền Tước đường xin chờ lệnh.

Thiên Vũ hỏi :

– Cơ sở của chúng ta trong thành Cao Lăng có đủ chỗ để chứa thêm một trăm người nữa hay không?

Gã nghe giọng, nhận ra Thiên Vũ, kính cẩn đáp :

– Bẩm Thiếu Chủ, tòa trang viện này rất lờn, có thêm hai trăm nhân thủ nữa cũng chẳng sao.

– Tốt lắm, ngươi ngồi xuống đây ăn uống. Lát nữa tan tiệc, hướng dẫn Vũ chưởng môn và các môn đồ về gia trang. Sáng mai cử người về Tổng đàn báo cho Hội chủ biết.

Vũ Đạo Toàn nghe gã đệ tử Kiếm Minh gọi chàng bằng Thiếu chủ, lão xúc động hỏi :

– Chẳng lẽ Vương gia là hậu duệ của Thần Kiếm Thương Thiên Long hay sao?

Chàng gật đầu nói nhỏ :

– Tại hạ là Thương Thiên Vũ nhưng hôm nay không tiện lộ mặt thật, mong Chưởng môn lượng thứ.

Đến giữa giờ Dần, Vũ chưởng môn đứng dậy cáo từ, đi theo gã môn đồ Kiếm Minh về nơi cư ngụ mới. Thiên Vũ bảo chưởng quỹ tính tiền. Lão khúm núm cúi mình thưa :

– Bọn thảo dân muôn phần vinh hạnh được Ngũ vương gia ngự giá. Xin đức ngài coi đây là tấm lòng thành của tệ điếm.

Chàng mỉm cười bảo :

– Ngươi có lòng thành thì ta nhận và sẽ ban cho một vật làm kỷ niệm. Chàng bảo Phi Hồ đưa cho mình một nén bạc mười lượng, bước đến bên cột chính của tiểu quán, vận công ấn cho nén bạc lún sâu vào gỗ.

Lão chưởng quỹ trợn mắt sụp xuống lạy tạ, lòng thầm tính toán sẽ viết gì bên dưới nén bạc ấy.

Thiên Vũ và Phi Hồ rời tửu quán, tìm đến khách điếm phía tây thành để qua đêm.

Chàng là người coi trọng việc chung của võ lâm hơn việc của chính mình nên trong lòng nặng trĩu mối ưu tư về hiểm họa Hồng giáo. Tự biết nếu có đến Nga Mi sơn cũng không thể tĩnh tâm luyện kiếm nên chàng quyết định đi ngay đến Thanh Hải để xem thực lực của Tây Vực như thế nào đồng thời trừng trị quan Tuần phủ.

Phi Hồ cũng hiểu tâm trạng của chàng nên không hề phản đối. Tám ngày sau đã đến biên giới Thanh Hải – Tứ Xuyên.

Thanh Hải nằm ở phía Đông Bắc cao nguyên Thanh Tạng, nơi bắt nguồn hai con sông lớn nhất Trung Quốc là Hoàng Hà và Trường Giang. Đia. hình chủ yếu là núi và cao nguyên, độ cao trung bình từ một ngàn đến hai ngàn trượng. Nơi thấp nhất cũng cao đến tám trăm trượng. Do đó càng vào sâu càng thấy lạnh dù đã cuối tháng ba.

Đường đi gập ghềnh, hiểm trở nên cước trình chậm lại. Năm ngày nữa, hai người mới vượt Hoàng Hà đến thủ phủ của đất Thanh. Kiến trúc ở đây mang dấu ấn của các dân tộc Hán, Hồi, Tạng, Thổ… Người qua lại trên đường cũng mặt đủ loại y phục khác nhau.

Nhật Phi Hồ dẫn chàng đến một khách điếm của người Hán có tên Tư Hương đại lữ điếm. Chắc chủ nhân có lòng hoài vọng cố hương nên đặt tên như vậy để bày tỏ tâm tình.

Cũng như hàng ngàn khách điếm khác, lữ điếm này có ba tầng và tầng dưới cùng chính là một tửu quán. Nhìn hình dáng bên ngoài, có vẻ tương tự Quan Tước lâu ở Sơn Tây.

Dù nằm ở nội thành nhưng lữ điếm này rất rộng rãi, nằm trong một khu đất ước chừng vài mẫu, cây cối xanh tươi, muôn hoa khoe sắc, nói chung phong cảnh rất hữu tình.

Dọc đường, Thiên Vũ và Phi Hồ đã hóa trang lại. Giờ đây họ đến Thanh Hải trong dung mạo của vương tôn công tử và tiểu đồng.

Vì cho rằng ở đất Tây Vực này ít ai nhận ra chàng nên dung mạo mới căn bản không khác mặt thật bao nhiêu và vẫn giữ được vẻ tôn quý, anh tuấn phi phàm.

Chưởng quỹ, cũng là chủ nhân lữ điếm, thấy khách là một thanh niên Hán tộc xinh đẹp nên mừng rỡ bước ra đón tiếp. Lão cúi mình nói lớn :

– Bổn điếm vô cùng vinh dự được công tử hạ giá. Chẳng hay công tử ghé qua tửu quán hay còn ở lại đêm nay?

Chàng cười bảo :

– Xin chưởng quỹ thu xếp cho ta một phòng thượng hạng và một bàn tiệc hai người. Nếu có rượu Phần Sơn Tây thì càng tốt.

Lão hớn hở cười đáp :

– Công tử đã chọn đúng nơi. Tiểu lão vốn quê ở Sơn Tây nên lúc nào cũng có sẵn rượu ngon của cố hương.

Lão bảo tiểu nhị đưa khách lên phòng rồi thúc giục nhà bếp làm thức ăn.

Tắm gội xong, hai người xuống lầu dùng bữa. Lão chưởng quỹ đích thân đến tận chân cầu thang, đưa chàng đến bàn tiệc. Những món ăn ở đây không thể so với Trung Thổ nhưng sau gần nửa tháng bôn hành, ăn uống thất thường, Thiên Vũ cũng cảm thấy ngon miệng. Ắn xong, chàng bảo Phi Hồ mời chưởng quỹ lại bàn. Chờ lão an tọa xong, chàng liền tươi cười hỏi :

– Chẳng hay phương danh quý tính của chủ nhân là gì?

Lão kính cẩn đáp :

– Tiểu lão là Đào Xuyên, xin hỏi tính danh của công tử?

– Tại hạ là Sở Phi, con của một thương gia đất Thiểm. Nay muốn mở rộng buôn bán sang Tây Vực nên đến Thanh Hải thăm dò xem sao. Đào lão là người cư trú lâu năm ở đất này, xin chỉ giáo đôi điều thiệt hơn. Tại hạ rất biết ơn.

Đào Xuyên cau mày suy nghĩ rồi hạ thấp giọng bảo :

– Công tử đã tìm lầm đất rồi. Tuần phủ Chu Kim là tiểu điệt của Thánh thượng nhưng vô cùng tham lam và hà khắc, đánh thuế buôn bán rất nặng. Hơn nữa, gần đây các Lạt ma từ Tây Tạng sang đất Thanh tung hoành, chẳng coi vương pháp ra gì. Tình hình rối ren như vậy làm sao mà buôn bán được?

Chàng gật đầu tỏ vẻ hiểu ý rồi hỏi thêm :

– Vậy xin hỏi ở đất Tây Ninh này có còn bậc mệnh quan nào đáng là bậc trung thần, liêm chính hay không?

Họ Đào bùi ngùi nói :

– Bốn năm trước, Thanh Hải bị một trận hạn hán nặng nề, sâu bệnh phá hoại mùa màng đưa bách tính vào cảnh lầm than đói khổ. Tuần phủ thời ấy là Vương Thúc Dật, vì thương yêu lê thứ nên cho mở kho lúa dự trữ chiến tranh ra phát chẩn. Mấy chục vạn người nhờ vậy mà thoát chết. Nhưng Vương tuần phủ vì thế mà mất chức, về cày ruộng ở ngoại thành Tây Ninh. Chỉ có người đó mới đáng mặt làm quan phụ mẫu vùng này.

– Tại hạ nghe nói quan Phó tổng đốc là người trung liệt, không hiểu thực hư thế nào?

– Công tử nhận xét chẳng sai. Phó tổng đốc Quân Vụ Lý Chính là một nghĩa sĩ có tài lương đống nhưng chẳng hề có thực quyền. Mới đây, vì Tổng đốc bận đi công cán ở Thiểm Tây nên mới tạm giao binh quyền cho y nắm.

Thiên Vũ cảm thấy đã đủ, liền rút ra tấm ngân phiếu hai trăm lượng, đưa cho Đào Xuyên :

– Tại hạ sẽ lưu lại đây ba bốn ngày để thưởng ngoạn phong cảnh. Số bạc này nếu không đủ cứ nói. Nếu dư thì xin gởi lại chủ nhân, hẹn lần tái ngộ.

Đào Xuyên bối rối nói :

– Công tử chớ đùa. Với hai trăm lạng này, ngài có thể ở cả tháng cũng chưa hết.

Tiểu lão xin hết lòng cảm tạ.

Chàng hỏi thêm vài câu rồi cùng Phi Hồ đi dạo một vòng. Họ Lăng đã từng đến đây nên biết chùa Tháp Nhĩ nằm ở phía Bắc thành. Hai người giả vờ chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có của chùa, ghi nhớ địa hình để đêm nay sẽ vào thám thính.

Tháp Nhĩ tự có ba tầng, tổng cộng một trăm linh tám cây cột gỗ. Trong chùa còn có chiếc đại hồng chung nặng đến năm ngàn cân. Mỗi buổi sáng, gióng lên một trăm linh tám tiếng chuông ngân xa hàng trăm dặm.

Chung quanh là những tòa tăng xá dành cho sư sãi trong chùa. Thiên Vũ bảo Phi Hồ cúng cho chùa trăm lượng rồi xin phép được vào chiêm ngưỡng Kim Thân Phật Tổ.

Hơi bạc đã làm Lạt ma Tri Khách Tăng sáng mắt, khai tâm. Lão vui vẻ hướng dẫn vị công tử giàu có rộng rãi kia đi khắp nơi, chỉ trừ tầng thứ ba.

Cuối giờ thân, chàng thưởng riêng cho lão mười lượng bạc rồi cáo từ.

Đêm đến, hai người mặc áo dạ hành trở lại chùa Tháp Nhĩ như hai cánh dơi tung mình lên mái ngói tầng một, tầng hai và nhẹ nhàng trèo qua lan can cửa sổ của một phòng sáng đèn.

Phi Hồ đưa tay ra thấm nước bọt, đâm thủng lớp giấy che cửa rồi nhìn vào. Gã kinh hãi quay lại ra dấu cho Thiên Vũ. Chàng ghé mắt xem thử, thấy kẻ thù là Bá Câu đang ngồi đối diện với một Lạt ma tuổi trạc lục tuần, dung mạp phương phi, tốt lành.

Khoảng cách quá xa nên chàng phải vận công mới nghe rõ lời đối thoại.

Bá Câu tươi cười vòng tay bảo :

– Nếu Hoạt Phật chịu đem Hồng giáo liên thủ với bổn môn thì chỉ trong vòng một năm, chúng ta sẽ thống trị võ lâm Trung Nguyên.

Đại Lai Hoạt Phật nghiêm mặt nói :

– Môn chủ quả là người khôn ngoan. Bổn giáo nắm trong tay một quân cờ quan trọng là Bát Chỉ Thần Cái, Bang chủ Cái bang. Chỉ cần thu phục được lão này thì hai mươi vạn bang chúng sẽ quy thuận Hồng giáo. Không cần đổ máu cũng chiếm được một nửa võ lâm rồi.

Bá Câu mỉm cười gian xảo :

– Nhưng theo lão phu được biết thì cho đến nay, lão hóa tử ấy vẫn chưa chịu hợp tác và cũng chẳng khai ra nơi cất giấu Lục Ngọc Trúc Trượng. Như vậy phỏng có ích gì?

Hoạt Phật bối rối bảo :

– Môn chủ nói chẳng sai nhưng ta sẽ cố thử dùng Di Tâm đại pháp một lần nữa xem sao. Ba ngày nữa, Môn chủ hãy trở lại đây, sẽ có lời phúc đáp.

Bá Câu đồng ý, cáo từ Hoạt Phật.

Thiên Vũ ra hiệu cho Phi Hồ bám Theo lão họ Triệu, xem lão trú chân ở đâu. Còn chàng tiếp tục theo dõi Hoạt Phật để tìm cho ra chỗ giam giữ Bát Chỉ Thần Cái.

Thấy Hoạt Phật ấn vào một nút bí mật dưới bàn, bức họa tượng Di Đà lớn bằng người thật trên vách chậm chạp dời sang một bên và một chiếc giường gỗ, chân gắn bánh xe chạy ra. Trên đó là một lão già râu tóc bạc trằng, rối bù. Chân tay bị còng thép khóa chặt vào giường.

Chàng định xông vào bất ngờ điểm huyệt Hoạt Phật rồi giải cứu cho lão hóa tử nhưng bỗng Đại Lai vỗ tay ba cái, mười tên Lạt ma từ những cánh cửa ngầm trong vách bước ra. Người nào cũng thần quang lấp lánh, thái dương gồ hẳn lên chứng tỏ công lực cực kỳ thâm hậu.

Thiên Vũ than thầm trong bụng, bế khí theo dõi sự việc. Hoạt Phật bảo bọn Lạt ma :

– Các ngươi đứng canh gác cẩn thận để ta dùng thần công lay chuyển ý chí của lão già này.

Đại Lai bắt đầu vận khí, nhãn quang lấp lánh tỏa màu xanh biếc trông rất tà quái.

Lão nhìn thẳng vào đôi mắt tù nhân, miệng lẩm bẩm như đọc thần chú.

Chừng một khắc sau, lão thất vọng đưa tay áo lau mồ hôi trên trán nói :

– Lạ thật, lão quỷ này không hiểu sao lại kháng cự được Di Tâm đại pháp của ta, dù đã kiệt sức vì mười ngày không ăn. Có lẽ ta phải hợp tác với Tử Vi môn mới được.

Nhưng họ Triệu tướng mạo gian hùng, khó mà tin tưởng được.

Lão bực dọc bấm nút cho giường chạy vào chỗ cũ. Mười tên Lạt ma cũng ẩn thân để bảo vệ giấc ngủ của Hoạt Phật.

Thiên Vũ biết mình vô kế khả thi nên băng mình vào bóng đêm, trở về lữ điếm.

Nhật Phi Hồ đã có mặt trong phòng, gã cười bảo :

– Bá Câu cũng ở gần đây, tại một khách điếm có tên là Tây Ninh đại lữ điếm.

Ngoài lão ra còn có Thiên Trì Tẩu và Tý Ngọ động chủ Hàn Cán. Vũ đệ có thu hoạch được gì không?

Chàng bèn kể lại sự tình. Hai người bàn bạc rất lâu rồi mới đi ngủ.

Sáng ra, Thiên Vũ hỏi thăm tiểu nhị rồi tìm đến tư dinh quan Phó tổng đốc Thanh Hải ở phía Tây thành. Gia trang của Lý Chính xây dựng đơn sơ, giản dị, chung quang trồng nhiều trúc và mai.

Chàng đưa bái thiếp cho tên quân canh cổng rồi chắp tay sau lưng đứng đợi. Lát sau, họ Lý ra đến mời chàng vào.

Khách sảnh rộng rãi nhưng trống trải, chỉ có một chiếc bàn Bát tiên cũ kỹ và vài chiếc ghế. Có lẽ nhà không có a hoàn nên Lý phu nhân tự tay pha trà đem ra.

Lý Chính mời khách dùng trà rồi nói :

– Chẳng hay công tử từ đâu đến và tính danh là gì? Sao trong bái thiếp chỉ ghi độc một chữ Ngũ?

Chàng không đáp mà chỉ tủm tỉm cười, chăm chú quan sát tướng mạo họ Lý.

Thấy gã độ tứ tuần, khí cốt anh hùng, mày kiếm mắt sao, đáng mặt trượng phụ Chàng hài lòng gật gù :

– Túc hạ là người tinh minh, chẳng lẽ không đoán ra được ta là ai sao?

Chàng rút kim bài đặt trước mặt gã. Lý Chính cầm lên xem xét cẩn thận rồi chậm rãi vén áo quỳ xuống tung hô :

– Phó tổng đốc Thanh Hải là Lý Chính bái kiến Vương gia.

Sắc mặt y vẫn ung dung, không chút run sợ. Thiên Vũ bảo gã an toa. rồi hỏi :

– Ta muốn đưa Vương Thúc Dật lên làm Tuần phủ thay cho Chu Kim, túc hạ thấy sao?

Lý Chính vui mừng đáp :

– Khải tấu Vương gia, đó là tâm nguyện của bách tính Thanh Hải này.

Chàng bèn kể sơ chuyện Chu tuần phủ và Tổng đốc Trần Hồng Thụ nhận vàng của Tây Tạng để cho Hồng giáo xâm nhập Trung Nguyên. Luôn cả việc Hoạt Phật đang có mặt trong Tháp Nhĩ tự và giam giữ Bang chủ Cái bang. Song phương thương lượng xong thì Thiên Vũ trở lại khách điếm.

Chiều đến, vừa đúng cuối giờ thân, xe kiệu của mấy chục quan viên dừng trước cổng dinh Tuần phủ. Họ Chu nghe báo, kinh ngạc ra đón tiếp :

– Chư vị nhân huynh vì cớ gì lại đến thăm bổn phủ vào giờ này?

Lý Chính cười tươi, vòng tay đáp :

– Bọn tiểu đệ nghe tin Chu tuần phủ sắp thăng quan phát tài nên đến chúc mừng.

Dù hoang mang nhưng lão vẫn phải mời mọi người vào. Lão chú ý thấy trong đám khách có mặt cựu Tuần phủ Vương Thúc Dật và một chàng công tử anh tuấn mặc bạch bào.

Khi vào đến nơi, mọi người an tọa xong, chàng công tử cười bảo :

– Chu tuần phủ được hoạch tài ba vạn lượng vàng sao chẳng nhắc gì đến quan viên Thanh Hải?

Lão giật mình, vỗ bàn quát lớn :

– Ngươi là ai mà dám bôi lọ thanh danh bổn phủ?

Thiên Vũ vẫn thản nhiên nói :

– Tổng đốc Trần Hồng Thụ bị bắt ở Thiểm Tây đã viết tờ cung khai rõ như vậy. Tuần Phủ đại nhân còn dấu làm gì? Hơn nữa, hoàng kim của Tây Tạng có đóng dấu riêng, rất dễ phân biệt. Nếu biết điều thì mau đem ra đây chia cho mỗi người một ít. Bằng không sự việc đến tai Hoàng thượng chỉ e ngài không giữ nổi thủ cấp.

Chu Kim tưởng bọn quan lại dưới quyền thực lòng muốn chia chác liền cười ngạo nghễ :

– Các ngươi thật là lớn mật, dám o ép cả tạ Chu Kim này là cháu của Hoàng thượng, lẽ nào lại sợ bọn ngươi mà phải chia chác. Phụ thân ta đứng đầu Tông Nhân Phủ, xử sao mà không được.

Thiên Vũ bật cười khanh khách :

– Chu Kim giỏi lắm, trước mặt ta mà dám nói lời ngông cuồng.

Chàng quay sang bảo chư quan :

– Các khanh đã nghe rõ rồi chứ?

Chu tuần phủ nghe cách xưng hô, nhớ đến một người, tay chân bủn rủn quỳ mọp xuống :

– Tiểu điệt không biết Ngũ hoàng thúc giá lâm, xin thứ tội.

Chàng lắc đầu, nghiêm sắc mặt nói :

– Ngươi nào có đắc tội với ta mà chỉ đắc tội với bá tánh Thanh Hải và Thánh thượng mà thôi. Nay ta thay mặt Thánh thượng cách chức Tuần phủ của ngươi, giam vào đại lao chờ quy án. Vương Thúc Dật được bổ nhiệm làm Tuần phủ Thanh Hải và Lý Chính nắm quyền Tổng đốc Quân Vụ.

Vương tuần phủ tiến hành kiểm kê tài sản họ Chu rồi làm tấu chương gởi về kinh.

Chu Kim đã nghe tiếng Ngũ vương gia mặt sắt lòng son, không dám phản kháng lấy nửa lời. Xong việc, chàng trở về chỗ trọ, chờ trời tối mới tiến hành kế hoạch cứu Bát Chỉ Thần Cái.

Cuối giờ tuất, Thiên Vũ và Phi Hồ nương theo bóng đêm đến Tháp Nhĩ tự núp sẵn trên nóc chùa. Lát sau, một toán quan quân độ mười người, dừng ngựa trước chùa, trao cho Tri Khách Tăng một phong thự Lão Lạt ma lật đật đem thẳng lên tầng ba cho Hoạt Phật. Hoạt Phật mở ra xem rồi lẩm bẩm :

– Không ngờ Lục Ngọc Trúc Trượng lại rơi vào tay Tuần phủ Chu Kim. Cũng may là y không biết đó là vật gì nên nhờ ta đến giám định. Đúng là Phật tổ phù hộ cho Hồng giáo.

Lão vỗ tay ba tiếng, mười Lạt ma hộ giá xuất hiện. Cả bọn xuống lầu để đến dinh Tuần phủ.

Thiên Vũ mau chóng tung người xuống lan can rồi dùng tiểu đao cắt then cửa sổ mà vào. Chàng ấn nút cơ quan mở cửa nơi giam giữ Bang chủ Cái bang, chặt đứt các vòng thép.

Bát Chỉ Thần Cái nhịn đói đã lâu, cơ thể chỉ còn da bọc xương nên rất nhẹ. Thiên Vũ cột chặt ông trên lưng rồi vận tuyệt đỉnh khinh công nhảy qua từng mái ngói, vượt qua tường vây mà thoát ra ngoài.

Đi được nửa dặm, nghe tiếng vó ngựa khua lóc cóc, chàng và Phi Hồ ẩn vào bụi cây ven đường, lắng tai nghe ngóng. Thì ra đó là đoàn người của Hoạt Phật đang quay về chùa. Theo kế hoạch của Thiên Vũ thì toán quan quân kia sẽ cầm đuốc dẫn đường nhưng đến giao lộ thì bất thần tắt đuốc đi rồi đào tẩu. Bọn Lạt ma lo bảo vệ Hoạt Phật nên không dám truy đuổi.

Ba khắc sau, hai người đã về đến bản doanh của Tổng đốc Quân Vụ Lý Chính.

Họ Lý đang bồn chồn chờ đợi trước cổng bản doanh, thấy Ngũ vương gia đã đắc thủ, mừng rỡ đưa vào trong.

Thiên Vũ đặt Bát Chỉ Thần Cái lên giường, vận công xoa bóp các huyệt đạo. Lát sau, lão hóa tử tỉnh dậy, ngỡ ngàng nhìn ba người :

– Chẳng hay chư vị là ai, sao lại đem lão phu đến đây?

Thiên Vũ xúc động bảo :

– Lương bá phụ, tiểu điệt là Thương Thiên Vũ, con của Thần Kiếm Thương Thiên Long đây.

Lão mừng đến sa lệ, nắm lấy tay chàng xiết chặt :

– Ta đã nghe nói đến tiểu điệt nhưng chưa được gặp. Sao ngươi biết ta bị giam ở Tháp Nhĩ tự mà đến chứ?

Thiên Vũ cười đáp :

– Chuyện rất dài dòng, để tiểu điệt giúp bá phụ lấy Lục Ngọc Trúc Trượng ra trước đã.

Lão giật mình kinh hãi :

– Sao ngươi biết lệnh phù Cái bang ở trong người ta?

– Tiểu điệt nghe nói bá phụ nhịn ăn đã mười ngày, lại không bị tác động bởi Di Tâm đại pháp nên đoán ra rằng người đã nuốt lệnh phù vào bụng.

Lão lắc đầu chịu thua, ngửa cổ há miệng.

Thiên Vũ đưa tay vận công vuốt ngược từ bụng lên cổ. Quả nhiên thanh Lục Ngọc Trúc Trượng bằng ngọc xanh dài nửa thước từ từ ló ra.

Chàng lấy rượu trên bàn rửa sạch, cung kính trao lại cho lão cái. Sâm thang được bưng lên. Chàng đổ từng miếng vào miệng lão rồi dựng lão ngồi dậy, truyền công lực vào người.

Lương bang chủ được luồng chân nguyên hùng hậu của Thiên Vũ hỗ trợ. Chỉ sau một canh giờ đã đả thông kinh mạch, có thể tự mình hành công.

Đến giữa giờ Tý, lão xả công, bưng chén sâm thứ hai uống cạn, cười ha hả bảo :

– Ta thèm rượu muốn chết đi được. Vũ nhi có thể bồi tiếp ta được vài chung không?

Lý phu nhân cũng có mặt tại đây. Bà tự tay bưng lên một liễn kê trang thơm phức và vài món nhắm.

Hôm sau Thiên Vũ và Phi Hồ trở lại Thiểm Tây. Bát Chỉ Thần Cái tĩnh dưỡng vài ngày rồi sẽ về Lạc Dương điều động đệ tử phối hợp với Kiếm Minh chống lại Hồng giáo và Tử Vi môn.

Qua khỏi địa phận Thanh Hải, đi vào đất phù lăng của Tứ Xuyên đã là trưa ngày mùng ba tháng tự Thấy bên phải quan lộ có một ngọn núi cao chừng ba ngàn trượng, đỉnh nhọn hoắt như muốn đâm thủng mây trời.

Thiên Vũ hỏi Nhật Phi Hồ :

– Lăng ca, núi này tên gọi là gì?

Phi Hồ cười bảo :

– Đây chính là ngọn Kiếm Sơn, nổi tiếng võ lâm trăm năm về trước nhờ một đại cao thủ có tên là Kiếm lão nhân. Vị tiền bối này si mê kiếm thuật, đã từng giao đấu với Kim Tỏa lão nhân nhưng không rõ thắng bại Thế nào. Sau khi người tọa hoá, danh tiếng Kiếm Sơn mới bị lãng quên.

Thiên Vũ ngơ ngẩn ngắm nhìn những đám mây trắng đang lượn lờ quanh đỉnh núi rồi nói :

– Giá như Kiếm lão nhân còn sống, tiểu đệ sẽ nhờ người chỉ giáo đôi điều về chiêu Tâm Kiếm Tề Phi.

Phi Hồ nhắc nhở chàng :

– Bất kể lão còn sống hay không thì đây cũng là nơi luyện kiếm rất phù hợp. Vũ đệ thấy sao?

Chàng bật cười thích thú :

– Lăng ca rất có lý. Chúng ta sẽ lên núi xem sao.

Cũng may, hôm qua Phi Hồ đã ghé vào một tiểu trấn mua lương thực và rượu ngon nên không còn phải lo nữa. Trên Kiếm Sơn rừng cây xanh tốt rậm rạp, chắc chắn có nhiều dã thú, chẳng thể chết đói được. Hai người lần theo lối mòn, đi sâu vào hơn dặm mới đến chân núi. Đường càng lúc càng cao và khó đi, họ đành xuống ngựa kéo chúng theo.

Lên được khoảng ba trăm trượng, Thiên Vũ ngạc nhiên thấy một tòa cổ miếu nằm dưới chân vách đá, cạnh một giòng suối nhỏ. Mảnh đất trước trước cửa miếu rộng rãi, cỏ non mọc đầy. Tiếng suối chảy róc rách hòa với tiếng chim muông tạo nên một khung cảnh êm đềm, tĩnh lặng.

Chàng thả ngựa, bước về phía tòa miếu cũ, thấy bên trong khung cửa mục nát là hai chữ đắp nổi : Kiếm Từ.

Bước vào trong, nhìn cảnh hoang tàn bụi bặm mà không khỏi não lòng. Chàng dùng vỏ kiếm gạt bớt mạng nhện, tiến thêm vài trượng. Trên bệ thờ là một thanh kiếm bằng đá dài gấp rưỡi kiếm thường, cắm trong một bát hương sành rất lớn.

Dù mái ngói đã dột nát nhưng bốn bức tường còn nguyên vạn. Hơn nửa tháng này không hề có mưa. Vì vậy chàng quyết định dừng chân ở đây. Cả hai quét dọn đến chiều mới xong. Phi Hồ gom củi nhóm lửa, bày rượu và lương khô ngay trên nền miếu.

Nước suối rất mát nên họ cảm thấy khoan khoái, cùng nhau đối ẩm.

Họ Lăng biết chàng thích rượu nên đã mua ba chục cân Trúc Diệp Thanh lâu năm đổ vào hai túi dạ Gã cũng chuẩn bị nồi niêu chén dĩa và gạo trắng nhưng vì bận quét dọn nên tối nay đành phải ăn thịt sống.

Sáng hôm sau, Phi Hồ xách tiểu đao vào rừng tìm thịt tươi còn Thiên Vũ ra trước sân luyện kiếm.

Nhưng khẩu quyết của chiêu thứ tám trong pho “Bát Nhã tâm kiếm” rất khó hiểu và phức tạp. Nếu theo đúng nguyên bản thì dường như chân khí từ hai mạch Nhâm Đốc sẽ dồn hết về huyệt Tâm Du nơi tâm thất. Như vậy thì còn đâu nội lực mà quán chú vào thân kiếm.

Sau ba ngày phí công vô ích, Thiên Vũ bi phẫn ngửa cổ hú vang trời như muốn trút bỏ nỗi tuyệt vọng. Chàng mệt mỏi ngồi bó gối lơ đãng nhìn đỉnh Kiếm Sơn cao vút.

Phi Hồ nghe tiếng hú dài thê lương, vội chạy như bay về, trên tay còn xách ba chú thỏ rừng mập mạp.

Thiên Vũ gượng cười bảo :

– Chắc tiểu đệ làm Lăng ca lo lắng phải không? Chiêu kiếm này quả là quái dị, khác hẳn bảy chiêu trước.

Lăng Thu an ủi chàng :

– Cổ nhân có câu “dục tốc bất đạt”. Vũ đệ đừng nên nóng vội. Với thiên bẩm của ngươi thì trước sau gì cũng sẽ thành công.

Thiên Vũ cười xòa, không luyện kiếm nữa mà cùng Phi Hồ ra suối làm thịt thỏ.

Phi Hồ quen cảnh phiêu bạt đó đây, thường phải tự lo cho mình nên nghề nấu nướng cũng thuộc hàng thánh thủ. Lần này gã mua đầy đủ gia vị nên món thỏ nướng vô cùng thơm ngon. Ướp xong, ba con thỏ được xiên vào cành cây, hơ trên đống than hồng.

Những giọt mỡ rơi xuống cháy xèo xèo, tỏa mùi thơm ngát kích thích tỳ vị của Thiên Vũ.

Chàng bưng nồi cơm đến và bày chén đũa ra. Hai con đã chín, con thứ ba còn nằm trên lửa. Thiên Vũ định mời Phi Hồ ăn, bỗng giật mình nhận ra trước cửa miếu có một bóng người.

Công lực chàng giờ đây đã hơn một giáp tý. Lá rơi trong vòng ba trượng còn nghe được, vậy mà người này xuất hiện lúc nào chàng cũng chẳng haỵ Thiên Vũ định thần quan sát, thấy người ấy chỉ là một thư sinh tuổi độ ngũ tuần, dung mạo đoan chính, râu tóc đen nhánh, chưa hề có một sợi bạc.

Thư sinh áo vàng ung dung bước vào, mỉm cười hỏi :

– Nhị vị có thể cho lão phu cùng chung vui được không?

Thiên Vũ đứng dậy, kính cẩn nói :

– Xin mời tiên sinh an toạ.

Phi Hồ mau mắn đem thêm chén đũa rồi vòng tay nói :

– Tại hạ là Lăng Thu và tiểu đệ Thiên Vũ, xin tiên sinh cho biết tính danh.

Thư sinh áo vàng đáp :

– Lão phu là Cung Kính Đình, xin mời cạn chung.

Con thỏ thứ ba đã chín vàng, Phi Hồ đưa cho khách. Lão cắn thử một miếng, nhai rất chậm như muốn thưởng thức hết hương vị. Mỗi miếng một chung. Lão ăn xong nửa con thì túi rượu chỉ còn hai mươi cân. Phi Hồ cáo say bước ra ngoài, chỉ còn lại Cung Kính Đình và Thiên Vũ. Hai người không nói năng gì, chỉ lặng lẽ ăn uống.

Hết thức ăn thì túi rượu cũng đã cạn. Họ Cung đứng dậy cười khanh khách :

– Không ngờ tửu lượng của công tử chẳng thua gì lão phụ Ở tuổi ngươi, ta chỉ uống được đúng mười cân.

Thiên Vũ cũng đứng lên cung kính nói :

– Bọn tại hạ đến đây quấy nhiễu nơi thanh tu của tiên sinh thật là đắc tội. Ngày mai xin lập tức xuống núi.

Lão cười mát bảo :

– Núi rừng nào phải của riêng ai. Hai vị cứ ở lại, quý hồ ngày nào cũng rượu thơm thức ăn ngon đãi ta là đủ.

– Tại hạ rất sẵn sàng nhưng nếu ngày nào cũng uống rượu thì e rằng không thể luyện kiếm được.

Cung Kính Đình phá lên cười :

– Ngươi cứ yên tâm ở lại vui với ta vài ngày. Việc luyện kiếm đã có ta hỗ trợ.

Thiên Vũ thản nhiên nói :

– Rất tiếc là chiêu kiếm này vô cùng kỳ bí, e rằng tiên sinh không giúp được đâu.

Họ Cung ngạo nghễ đáp :

– Nếu không giúp được ngươi luyện thành thì ta sẽ truyền cho một chiêu đắc ý nhất đời. Ngược lại thì ngươi phải ở lại đây một tháng.

Thiên Vũ mỉm cười bí ẩn :

– Quân tử nhất ngôn, tại hạ nhận lời.

Cung Kính Đình đình tò mò hỏi chàng :

– Vậy chiêu kiếm đó có tên là gì?

Chàng chậm rãi đáp :

– Đó là chiêu Tâm Kiếm Tề Phi trong pho “Bát Nhã tâm kiếm”.

Họ Cung sửng sốt :

– Chẳng lẽ ngươi lại là đệ tử của Kim Tỏa lão nhân hay sao?

Chàng sụp xuống lạy :

– Tiểu bối Thương Thiên Vũ, truyền nhân của Không Tâm thần tăng, xin bái kiến Kiếm lão nhân tiền bối.

Lão bật cười ha hả :

– Té ra ngươi đã nhận được ta từ đầu. Quả là tên tiểu quỷ tinh ranh.

Kiếm lão nhân phất tay áo đỡ chàng dậy rồi bước ra ngoài. Thiên Vũ hiểu ý đi theo. Lão dừng lại giữa sân, nghiêm nghị nói :

– Coi như ngươi thắng cuộc vì chính bản thân Kim Tỏa lão nhân còn chưa luyện được chiêu này. Bảy mươi năm trước, ta và lão tỷ thí kiếm thuật nơi này. Sau hơn ngàn chiêu, lão thua ta nửa thức kiếm, liền thở dài tỏ ý hối tiếc rằng chưa luyện được chiêu thứ tám trong pho “Bát Nhã tâm kiếm”. Không Tâm đem khẩu quyết ra tham khảo cùng ta nhưng cũng chẳng có manh mối gì. Ngươi là bậc kỳ tài, luyện được đến chiêu thứ bảy đã là hiếm có. Nay ta y ước dạy cho ngươi chiêu Thiên Kiếm Luân Hồi. Chính nhờ chiêu này mà ta đã thắng được Không Tâm.

Chàng mừng rỡ chạy vào miếu lấy trường kiếm dâng lên. Kiếm lão nhân chậm rãi múa từng thế thức và giảng giải. Đến chiều, chàng đã thuộc làu khẩu quyết và đường kiếm nhưng vẫn chưa phát huy được uy lực của kiếm chiêu.

Họ Cung gật đầu khen ngợi :

– Ngoài Không Tâm, ngươi là người thứ hai mà ta khâm phục. Nhưng phải cố rèn luyện thêm.

Đêm đó, Kiếm lão nhân được thưởng thức món thịt chồn và rượu Thiệu Hưng.

Nhật Phi Hồ đã phải bôn ba gần trăm dặm mới mua được vài chục cân rượu ngon.

Trong mười bảy ngày đêm gần gũi, Kiếm lão nhân càng hiểu và thương mến Thiên Vũ hơn. Ngoài việc chỉ điểm kiếm pháp, lão còn dạy cho chàng tuyệt kỹ ném ám khí vô cùng linh diệu.

Trước lúc chia tay, lão mỉm cười bảo :

– Dù không luyện được chiêu Tâm Kiếm Tề Phi nhưng bản lãnh ngươi giờ đây trên giang hồ khó có ai là đối thủ. Ngay sư phụ ngươi cũng không kiêm thông nhiều tuyệt nghệ bằng. Hãy yên tâm mà báo phụ thù và phù trì chính nghĩa.

Dù chỉ hơn nửa tháng cận kề nhưng lòng Thiên Vũ đặc biệt kính yêu bậc kỳ nhân ngoài bách tuế này. Một phần vì tính cách của hai người tương hợp, phần vì do lão dung mạo trẻ trung, tính tình sảng khoái, khoáng đạt.

Thấy lão nhìn mình với ánh mắt thân thiết, Thiên Vũ xúc động linh cơ, sụp xuống nói :

– Vũ nhi muốn được gọi người bằng hai tiếng Can gia.

Lão vui mừng ngửa cổ cười khanh khách. Tiếng cười hân hoan cao vút như làm xao động cả đám mây đang bồng bềnh trên đỉnh Kiếm Sơn :

– Hài tử đã đoán được ý tạ Chẳng phải là đã có duyên tiền định đấy sao?

Thiên Vũ dập đầu lạy chín lạy rồi hô lớn :

– Nghĩa phụ. Hài nhi xin khấu kiến.

Cung Kính Đình xiết chặt nghĩa tử vào lòng, đôi mắt long lanh. Lão cười bảo :

– Hài tử cứ lên đường trở lại Cối Kê kẻo người thân mong đợi. Hậu hội hữu kỳ. Ngươi báo xong phụ cừu hãy trở lại thăm ta.

Thiên Vũ nói với vẻ bí ẩn :

– Hài nhi sẽ có món quà diện kiến, xin Can Gia đừng từ chối.

Cung Kính Đình không hiểu nhưng cũng gật đầu. Chàng cùng Phi Hồ cáo biệt xuống núi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN