Tỉnh mộng - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
190


Tỉnh mộng


Chương 2


Con gái đến 18, 19 tuổi, tuy mắc cỡ không nói ra chớ ai cũng lo thầm tính lén việc tóc tơ trăm năm. Cô hai Tuyết là con nhà quan, sắc đã đẹp mà học cũng nhiều, lại thông hiểu việc đời, thấy xa nghe rộng, bởi vậy nhiều đêm cô nằm trong phòng, canh khuya vắng vẻ, rồi hoặc trời mưa rỉ rả, hoặc gió thổi lao xao, nhìn bóng, ngó đèn, có lúc cô cũng suy nghĩ đến duyên nợ. Tuy vậy mà cô suy nghĩ thì có suy nghĩ, song trong trí cô thường lộn xộn, cô chẳng hề có tưởng tượng hình vóc của người chồng là thế nào. Hôm nay cô nằm nghe cô ba Hương trạng cảnh gia đình của nhà chồng, lại tỏ tánh nết của chú trai sẽ làm người chồng của cô nữa, thì cô lấy làm mắc cỡ, cô tính bít lỗ tai không thèm nghe, mà chẳng hiểu vì cớ nào cô lại cứ lóng tai nghe hoài, bởi vậy hai bà nói chuyện với nhau cô nghe chẳng sót lời nào hết.

Đêm ấy Yến Tuyết đi ngủ sớm, mà vào phòng cô nằm lăn qua trở lại hoài, nhắm hai con mắt mà không ngủ được. Đồng hồ gõ 10 giờ, bà Phủ và tôi tớ trong nhà đều ngủ hết. Cô ta nằm im lìm một lát nghe dưới sông có tiếng ghe chèo sạt sạt. Cô ta mới nhớ tới chuyện cô ba Hương nói hồi sớm mơi. Trong trí cô trạnh cái nhà của thầy Cai tổng bên Bến Tre, rồi cô tưởng tượng luôn hình dạng của con thầy Cai nữa. Cô thấy một cái nhà ngói lớn mà cũ, cất thấp thấp, trong nhà tối hù, trên ván đóng bụi, dưới gạch sơn bùn, ở nhà sau treo nia treo thúng cùng vách, ngoài hè rác rến dơ dáy, vườn lớn mà cỏ mọc đầy, sân rộng mà bông hoa còi cọc hết.

Cô lại thấy con trai thầy Cai tóc cúp ma ní, mặc áo lục soạn trắng quần lãnh đen, chân mang guốc, ngồi nói chuyện với Hương chức làng rồi ra nhà sau đứng ăn chuối. Cô trạnh cảnh, trạnh người rồi rồi thì trong lòng cô lạnh ngắt, chẳng có ý muốn vào ở cái nhà đó chút nào. Cô mới ước thầm chớ chi cô có một người chồng chẳng cần giàu cũng chẳng cần học siêu quần xuất chúng làm gì, miễn là có bằng cấp đủ làm việc nhà nước, quần áo đoan trang, đứng đi gọn ghẽ, nói năng bặt thiệp, nhà cửa sạch sẽ, chồng đi làm việc mình ở nhà thêu khăn hoặc đọc truyện mà chờ, chừng chồng về mình nói chuyện vui vẻ cho chồng nghe, được như vậy thì mình mới vừa lòng đẹp ý. Cô tính tới nghĩ lui rồi nằm mòn mỏi nên ngủ quên hồi nào không hay.

Qua tuần sau bà Phủ thấy Tết đã gần tới nên dắt con đi Sài Gòn đặng mua đồ chút đỉnh về mà ăn Tết. Nhơn dịp ấy mẹ con dắt nhau ghé thăm cô ba Hương. Cô ba Hương tiếp rước rất hậu, rồi nói với bà Phủ rằng: “Tôi thấy cháu tôi thương quá, nên hổm nay tôi về tôi thường tính lựa chỗ xứng đáng mà làm mai. Hôm qua có Đốc công Dưỡng lại nhà chơi với con tôi; tôi nghe nói ông chưa có vợ, mà tôi nhắm bộ cũng khá, nên tôi tính làm mai dùm cho ông. Té ra tôi mới mở hơi thì ông hỏi vậy chớ nhà chị giàu mà gia tài được chừng bao nhiêu? Tôi nói chị đủ ăn, chớ không giàu. Ông nghe như vậy ông trề môi nói ông chưa muốn cưới vợ. Chị nghĩ coi, đời nay họ ham của quá, miễn là tiền bạc nhiều thì thôi, họ không cần đức hạnh gì hết”. Bà Phủ cười rồi từ mà về cho kịp xe.

Bà Phủ với cô hai Tuyết về đến nhà thì thấy thầy Hội đồng Lê trường Xuân nằm ở nhà mà chờ. Lê trường Xuân là cháu kêu bà Phủ bằng dì ruột, rể của Cai tổng bên Bến Tranh. Bởi anh ta mồ côi sớm nhờ có quan Phủ nuôi cho đi học rồi sau lại đứng cưới vợ cho nữa, nên từ ngày quan Phủ hồi hưu về ở Tân An thì anh ta qua lại thăm viếng thường, mà từ ngày quan Phủ khuất rồi, anh ta thấy dì ở có một mình quạnh quẽ anh ta lại qua thăm thường hơn nữa. Bà Phủ bước vô nhà ngó thấy liền hỏi rằng:

– Ủa! Cháu qua hồi nào mà nằm đó?

– Thưa, tôi qua hồi trưa.

– Cháu đi xe hơi hay là xe ngựa?

– Thưa, tôi đi xe lửa.

Cô hai Tuyết nghe nói đi xe lửa thì cười mà hỏi rằng:

– Xe hơi anh hư rồi hay sao? Hay là tại chị ba không cho phép nên không dám đi xe hơi?

– Em kêu ngạo hoài! Tại anh muốn qua ở chơi vài bữa nên anh đi xe lửa chớ.

– Á! Tại vậy hay sao.

Cô hai Tuyết cười rồi hối thằng Quới ra ngoài xe lấy đồ mới mua trên Sài Gòn đó mà ôm vô nhà. Cô rửa mặt thay áo rồi mới lấy chục khăn hỉ mũi cô đã làm rồi mà đưa cho Trường Xuân. Trường Xuân tuy miệng khen may khéo và cám ơn, song mắt không muốn ngó mấy cái khăn cho lắm. Anh ta ngồi cứ ngó ra ngoài sân hoài, bà Phủ có hỏi việc chi thì trả lời vắn tắt phứt cho rồi, coi bộ buồn không muốn nói chuyện, chớ không phải bải buôi như xưa nay vậy.

Tối lại ăn cơm rồi bà Phủ ngồi bộ ván bên nây ăn trầu, cô hai Tuyết ngồi ghế giữa mà chơi; còn Trường Xuân thì nằm bộ ván bên kia mà hút thuốc. Trường Xuân cứ nằm gát tay qua trán lặng thinh hoài, hút vừa hết điếu thuốc nầy rồi thì quẹt hộp quẹt mà đốt qua điếu khác. Bà Phủ xem ý cháu buồn nên kiếm chuyện mà hỏi rằng:

– Cháu qua thăm dì hay là có chuyện chi?

– Dạ, qua thăm chớ có chuyện chi đâu.

– Hôm trước cháu nói thầy Cai muốn tính xin hưu trí đặng để chức lại cho cháu, vậy mà đã vô đơn rồi hay chưa?

– Thưa, vô đơn rồi.

– Thế thì trong ít ngày nữa cháu làm Tổng rồi.

– Thưa, bây giờ tôi hết muốn.

– Ủa, sao vậy?

Trường Xuân nằm lặng thinh không trả lời. Bà Phủ ăn trầu đương xỉa thuốc, liền dừng tay lại mà ngó Trường Xuân, có ý trông coi anh ta nói tại cớ nào mà anh ta hết muốn làm Tổng. Yến Tuyết ngồi, tay rờ cái đèn mà nghe chuyện, thấy vậy cũng day mặt ngó Trường Xuân. Cách một hồi Trường Xuân ngồi dậy, đi lại ghế giữa ngồi ngang mặt Yến Tuyết, lấy thuốc ra đốt hút nữa, rồi thủng thẳng mới nói rằng: “Chẳng giấu dì mà làm chi; thiệt gia đạo của tôi hễ tôi nghĩ tới thì tôi buồn hết sức. Phận tôi mẹ cha khuất sớm, tôi nhờ có dì dượng bao bọc nên tôi học mới được thành thân. Tôi ra làm Thông ngôn đã được vinh vang mà lại no ấm. Khi ông gia tôi muốn gả con cho tôi, tôi thấy ông giàu lớn mà lại có một dứa con gái mà thôi, nên thiệt trong bụng tôi mừng lắm. Ngặt có một điều là vợ tôi nó hèn quá, nên tôi dục dặc không nhất định. Dì với dượng hay việc ấy thì khuyên tôi biểu ưng phứt cho rồi.

Tôi muốn làm cho vui lòng dì với dượng, mà tôi nghĩ thầm trong trí rằng tôi làm Thông ngôn mỗi tháng lãnh lương có mấy chục đồng bạc, mà phải sắm ăn sắm mặc, phải trả tiền phố tiền bồi, ví dầu tôi có tặn tiện cho lắm đi nữa thì chừng tôi già yếu hồi hưu tôi cũng có dư năm ba ngàn đồng bạc là nhiều. Vả đời nay thiên hạ ai cũng tranh danh trục lợi, nếu tôi khư khư trông lãnh lương hoài thì mãn đời rồi mà sợ cũng chưa giàu bằng ai được. Mà nếu tôi tính chặt đầu lột da người ta mà lấy của, thì có lẽ tôi giàu được, song làm những điều ấy không phải dễ gì, may họ bình an thì êm, còn rủi họ kiện thưa thì mình mang khổ. Nay có người giàu có, sự nghiệp kể đến năm mười muôn, họ muốn gả con cho mình, hễ muốn vô đó thì giàu liền, mà sau mình còn có thế làm Hội đồng, làm Cai tổng, làm Huyện hàm nữa, thân đã sung sướng mà danh lại rỡ ràng, dại gì mà không chịu. Bởi tôi nghĩ như vậy nên tôi mới chịu cưới. Khi tôi mới cưới đem về ở ngoài phố của tôi bên Mỹ Tho, thì chúng bạn trước mặt họ khen tôi có phước gặp được vợ giàu, còn sau lưng thì họ xầm xì với nhau nói rằng vợ tôi xấu xa, tôi ham của không cần lựa chọn. Tôi nghe thiệt tôi buồn thầm một chút, song tôi nghĩ không lẽ họ ăn cơm nhà theo cười tôi hoài, mà ở đời vợ có đức quí hơn là có sắc, bởi vậy họ nói xa nói gần mặc họ, tôi không thèm kể đến. Mấy tháng ở ngoài chợ thì vợ chồng hòa thuận, tuy vợ tôi quê mùa, song không làm điều chi cực lòng tôi. Đến chừng tôi xin thôi làm việc, về ở theo quê vợ, thì vợ tôi một ngày nó một đổi ý, coi bộ không kiêng nể tôi; mà có nhiều khi nó lại hỗn hào hết sức. Mới hồi hôm nầy nó la rầy tôi như giặc, mắng chửi tôi xấu hổ không biết chừng nào, tôi giận thưa với ông gia tôi, rồi tôi bỏ tôi đi qua bên nây đặng coi còn ai cho nó mắng nữa”.

Trường Xuân nói tới đó thì nước mắt chảy rưng rưng, trong cổ nghẹn ngùng, nên ngừng lại rồi lấy thuốc đốt mà hút. Yến Tuyết ngồi nghe Trường Xuân thuật chuyện nhà, thì cặp mắt nhìn trân trân, chừng nghe nói tới sự vợ hỗn ẩu thì cô ta buồn mà lại phiền trong lòng, coi bộ cô cũng thương hại dùm thân anh lắm. Bà Phủ nghe nói cũng đau lòng, song không lẽ lặng thinh nên bà hỏi Trường Xuân rằng:

– Việc nhà của cháu như vậy mà sao mấy năm nay cháu không nói cho dì hay, mà cũng không nói cho ai biết hết.

– Ấy là vì cháu nghĩ việc vợ chồng là việc riêng của cháu, dầu nói cho dì nghe thì dì buồn chớ không ích gì.

– Dì thấy vợ chồng họ già khú mà họ cũng còn xích mích với nhau thay, huống chi vợ chồng cháu còn nhỏ, tự nhiên có lúc phải trâu đen trâu trắng, sao cho khỏi được. Cháu chẳng nên buồn làm chi. Cháu muốn ở chơi thì vài bữa rồi về. Dì biết vợ chồng hễ giận thì rầy với nhau như vậy, chớ sao lại không thương. Hễ cháu đi ít bữa rồi cháu về đây có nó mừng húm đa.

– Thưa dì, tôi giận quá, muốn để phứt nó cho rảnh.

– Để đâu? Để trong buồng! Cháu đừng có nói lếu như vậy. Cưới được một con vợ dễ dúng gì hay sao? Vợ chồng ăn ở với nhau gần 10 năm rồi còn để bỏ nỗi gì? Tuy nó có hỗn chút đỉnh, song thầy Cai thẩy tử tế quá, cháu đừng nói lếu thẩy hay được thẩy buồn.

– Dì cũng biết, có phải tôi thấy giàu mà tôi mê nó đâu, nó giàu thây kệ nó. Hễ có rầy với nhau thì nó cứ nói tôi ăn chực cơm của nó hoài. Cha chả! Tôi như vầy làm không đủ cơm mà ăn hay sao nên theo ăn chực của nó.

– Ối! Đàn bà hễ giận cùng thì nói bậy nói bạ hơi nào cháu phiền.

– Thiệt ông gia tôi ông hiền- từ nhân đức lắm tôi thương ổng quá. Đã vậy mà ổng tính hễ ông hưu trí được rồi thì ổng lo cho tôi lên thế chức Cai tổng cho ông, bởi vậy cho nên tôi dùn dằng, không nỡ bỏ mà đi … Hồi hôm tôi giận quá tôi muốn đi cho xa, hoặc lên Nam Vang, hoặc ra Hà Nội kiếm việc tôi làm đặng coi con vợ tôi nó làm sao.

Bà Phủ nghe nói thì cười ngất rồi khuyên rằng:

– Cháu mồ côi mồ cút, tuy là bây giờ cháu chưa có của riêng, song thầy Cai thầy đã già rồi, trong năm ba năm nữa thầy chết, chớ không lẽ thầy lột da mà sống hoài. Hễ thầy nhắm mắt rồi thì bạc tiền ruộng đất về tay cháu hưởng trọn hết. Đã vậy mà chức Cai tổng cháu gần nắm trong tay rồi. Cháu phải nhịn nhục một chút mà hưởng phú quí vinh hoa, chớ đừng có giận cùng rồi làm bậy không nên đâu. Cháu phải nghe lời dì. Có muốn chơi thì ở chơi ít bữa rồi về. Để bữa nào dì khỏe trong mình, dì sẽ qua mà dứt bẩn con.

Trường Xuân đứng dậy đi lại ván mà nằm, không nói chi nữa hết. Bà Phủ thấy vậy mới kêu thằng Quới biểu coi đóng cửa, rồi biểu Yến Tuyết lấy truyện “Tái sanh duyên” đọc cho bà nghe. Đến 10 giờ rưỡi bà Phủ nằm ngủ quên mà Trường Xuân cũng ngủ khò, Yến Tuyết thấy vậy mới vặn đèn lu lu rồi vào phòng mà nghỉ.

Theo thế thường hễ con một thì cha mẹ tưng tiu, muốn đòi vật chi cũng được, muốn làm việc chi cũng cho, tập quen tánh nết sai khiến người ta, rồi lần lần sanh thêm ý tứ cao ngạo, hoặc hỗn hào, làm cho những kẻ đồng bực không ai yêu được, mà những kẻ dưới cũng không ai chịu nổi. Yến Tuyết sanh trong nhà quan, từ nhỏ cho đến lớn ở trong nhà thì tôi tớ đều thưa dạ, đi ra đường thì thiên hạ đều kiêng vì. Đã vậy mà vợ chồng ông Phủ có một mình cô mà thôi, bởi vậy cưng cô như cưng trứng mỏng, khi cô còn thơ ấu, hễ nghe cô khóc thì vợ chồng chạy lăng xăng, đến chừng cô lớn khôn, hễ thấy cô buồn thì vợ chồng lo chộn rộn, chẳng có việc chi cô muốn mà không làm, chẳng có vật nào cô đòi mà không sắm. Cô được tưng trọng như vậy, nhưng mà cô không nhân cái tình cảnh ấy mà sanh lòng cao ngạo, hoặc tập thói hỗn hào. Những tôi trai tớ gái trong nhà đứa nào nhỏ hơn thì cô kêu bằng em nghe ngọt- ngào, còn người nào lớn tuổi hơn cô thì cô kêu bằng anh bằng chị, chớ chẳng hề cô chịu làm mặt chủ nhà mà xưng mầy xưng tao. Có đứa nào làm quấy mà cô rầy, nghe cũng vui lòng; có việc chi bất bình mà cô giận, coi càng đẹp đẽ. Gà bươi giàn hành hay là chó ăn vụng bột, cô ngó thấy thì cô biểu đuổi nó đi mà thôi, chớ cô không cho đánh đập. Tánh cô hòa huỡn mà lại mềm mỏng như vậy, nên tôi tớ trong nhà thương cô mà lại sợ cô, còn chòm xóm từ già chí trẻ chẳng ai mà chẳng kính trọng.

Yến Tuyết ở với người dưng thì được lòng mọi người, còn ở với cha mẹ lại trọn đạo làm con nữa. Khi quan Phủ còn sanh tiền, cô thấy cha mẹ tưng tiu chừng nào cô càng kính trọng thương yêu chừng nấy, cô chẳng hề nói một tiếng nào, hay là làm một việc chi cho cha mẹ buồn lòng cực trí. Từ ngày quan Phủ qua đời rồi, trong vài năm đầu hễ có đi học về ngó lên bàn thờ thì giọt châu lã chã, tấc dạ ngậm ngùi; lần lần một ngày một nguôi ngoai, nên cô không khóc nữa, song hễ đêm nào cô nằm mà nhớ cha, thì bâng khuâng trong lòng cô ngủ không được. Tình thương cha mẹ của cô bây giờ dời hết về cho bà Phủ, bởi vậy cô mới thôi học để về mà phụng dưỡng săn sóc mẹ già. Ngoại trừ bà Phủ thì cô còn biết thương ai nữa. Đã biết trong lúc cô học tại nhà trắng, cô thấy có ít trò tánh hiền nết tốt, nên có kết làm chị em, mà từ ngày cô thôi học cho đến nay đã ba năm rồi, cô ít hay gặp mặt, nên tình muốn lợt lạt, nghĩa gần phai, bởi vậy cô không để ý cho lắm. Anh cô là Lê trường Xuân tuy gần gũi cô hơn mười năm nay, song từ ngày cô có trí khôn, cô thấy người háo danh háo lợi, miễn là ngồi trên đứng trước, miễn là áo tốt bạc nhiều thì thôi, ai chê cười mặc ai, thì cô đem dạ khinh thầm, bởi vậy tình anh em thì cô thương, nhưng mà lòng thương ấy lại có pha lộn ý ghét.

Yến Tuyết nghe Trường Xuân thuật việc nhà với bà Phủ, ban đầu cô ta ngồi tự nhiên không động lòng chút nào hết; lần lần cô nghe Trường Xuân nói tới vợ hỗn hào mắng chởi thì cô ta có giận thầm, giận chị sao không biết nói thanh tao, rồi lại giận anh sao không ra oai trừng trị. Đến chừng cô thấy Trường Xuân nghẹn ngùng lụy ứa, phiền vợ than thân, chừng ấy cô nghĩ Trường Xuân ở trong gia đình chắc là khổ não lắm, bởi vậy cô mới buồn xo tôi nghiệp dùm cho phận người có đủ sức mà thong thả với đời, song vì chữ lợi danh nên phải chịu ngậm cay nuốt đắng.

Yến Tuyết đêm ấy nằm trăn trở hoài ngủ không được, trong trí cứ tưởng tượng cái cảnh gia đình của Trường Xuân, thấy cô hai Hảo là vợ Trường Xuân da đen, miệng rộng, đầu tóc chềm bệp, ngón tay chù vù, từ sớm mai cho tới tối cứ trợn mắt chau mầy, nói với chồng thì câu mâu, nói với tôi tớ thì quạu cọ, rồi lại thấy Trường Xuân ra vào than thở, đứng ngồi buồn xo, mặc áo tốt mà không được vui, ngồi xe hơi mà không biết khỏe. Cô là người hay lạt lòng, thuở nay hễ thấy ai bị hoạn nạn thì cô thương xót, bởi vậy cô suy nghĩ một hồi thì cô thương thân anh Trường Xuân vô cùng, mà rồi cô ghét hai Hảo, có chồng sao không biết trọng chồng, tiền bạc quí báu gì, sao lại ỷ tiền bạc mà khinh bỉ chồng, làm cho chồng mang sầu đeo thảm.

Qua bữa sau bà Phủ thấy Trường Xuân cũng còn buồn, nên ăn cơm rồi bà biểu ở nhà mà chơi, để bà qua Bến Tranh đặng nói phải trái với thầy Cai Tường và dứt bẩn cháu dâu đặng cho vợ chồng đừng xích mích nữa. Bà Phủ đi rồi, Yến Tuyết đem đồ ra để trên ván ngồi thêu, rồi kiếm chuyện nói cho Trường Xuân giải buồn. Ban đầu hai người nói chuyện dông dài, lần lần Yến Tuyết mới hỏi phăng đến việc gia đạo, Trường Xuân nằm trên ván bên kia mà nói với, chừng nghe hỏi tới việc nhà mới lại ghế ngồi gần Yến Tuyết, rồi to nhỏ thuật hết tánh tình của vợ cho Yến Tuyết nghe. Anh ta nói gần trót giờ, Yến Tuyết bỏ thêu ngồi chăm chỉ mà nghe. Anh ta kể hết các sự quấy của vợ rồi mới nói rằng: “Bây giờ anh nghĩ lại anh ăn năn vô cùng”.

“Vì anh ham giàu sang nên gần mười năm nay anh chẳng vui sướng chút nào hết. Em không rõ, chớ chị ba em nó còn một cái quấy lớn lắm. Qua cưới nó về ở được 3 năm rồi qua mới hay nết nó không được tốt, khi trước nó có tư tình với thằng biện của ông gia anh. Tại có như vậy nên ông sợ xấu, mới cậy mối mà gả cho anh đó”.

Yến Tuyết nghe nói tới chuyện đó thì chưng hửng, không biết nói sao cho được; cô ta liền cắm kim vừa thêu vừa hỏi rằng: “Sao hồi anh hay anh không để bỏ phứt cho rồi?”.

Trường Xuân ngồi lặng thinh một hồi rồi thở ra mà đáp rằng: “Thiệt ban đầu anh cũng có tính đi xin để, song cách vài ngày sau anh suy đi nghĩ lại việc đã lỡ rồi bây giờ để bỏ thì càng mang tiếng. Đã vậy mà nó giàu có lớn, mình bỏ nó thì cũng uổng, nên anh mới tính đánh liều miễn mình hưởng gia tài nó được thì thôi. Anh tưởng nó là đứa có tì tích, chắc sao nó cũng kiêng nể mình, nào dè nó đã hư mà lại còn lên giọng lấn thế … thiệt nếu mà anh biết trước như vầy, thì hồi nhỏ anh không thèm ham giàu đâu, để anh lựa một cô nào mảnh mai, thanh nhã, khôn khéo như em đây vậy anh cưới, rồi chồng làm việc, vợ coi nhà, hủ hỉ với nhau cho vui, miễn là đủ ăn, đủ mặc thì thôi không cần gì giàu có.”

Trường Xuân nói tới đó thì liếc mắt thấy Yến Tuyết chúm chím cười. Anh ta bắt mùi nên nói thêm rằng: “Anh chắc người nào mà kết nghĩa với em thì thiệt là có phước lắm. Được một người vợ nước da trắng trong, chơn tay dịu nhiễu, cặp mắt như thu thủy, chân mày tợ xuân sơn, môi đỏ như son, má nún trái quít, ngồi coi đã đẹp, mà đứng coi cũng xinh, nói có duyên, cười có nết, được vợ như vậy không phải là có phước lắm hay sao?” Yến Tuyết nghe nói thì ngó Trường Xuân vừa cười vừa nói rằng: “Anh quỉ nà! Nói nhiều chuyện hông!”

Từ đó tới chiều Trường Xuân cứ theo diễu cợt Yến Tuyết hoài, kiếm lời chọc cho cô ta tức cười, rồi lại kiếm chuyện nói cho cô ta động lòng nữa. Đến chiều xe lửa Mỹ tho qua rồi mà không thấy bà Phủ về. Yến Tuyết nghi chắc thầy Cai cầm ở lại ăn cơm rồi tối cho xe hơi đưa về; chẳng dè chờ đến tám giờ tối mà cũng chưa thấy về, Yến Tuyết sợ Trường Xuân đói bụng mới biểu dọn cơm ăn. Cơm dọn lên bàn, Yến Tuyết mời Trường Xuân ăn trước, ngoài miệng thì nói rằng mình không đói, nhưng mà trong bụng nghĩ thầm mình là phận gái ngồi ăn chung một mâm như vậy coi không được, nên tính để Trường Xuân ăn rồi mình sẽ ăn sau, Trường Xuân cứ theo nài Yến Tuyết phải ăn thì anh ta mới chịu ăn, cực chẳng đã Yến Tuyết phải vâng lời.

Ngồi ăn cơm Trường Xuân nói nói cười cười, bộ vui vẻ lắm, cứ theo ngó Yến Tuyết rồi khen tay cầm đũa coi đẹp, khen miệng mỉm cười có duyên, làm cho Yến Tuyết mắc cỡ nên ăn không được. Ăn cơm rồi chừng ăn đồ tráng miệng, Trường Xuân đợi Yến Tuyết thò tay bẻ một trái chuối, anh ta mới kề tay vô mà bẻ đặng đụng tay Yến Tuyết. Yến Tuyết mắc cỡ quá, nên bẻ riết cho được một trái rồi đứng dậy đi qua ván ngồi mà ăn, chớ không nói chi hết.

Trường Xuân nói chuyện nầy rồi bắt qua chuyện khác không dứt. Trời khuya lần lần, tôi tớ trong nhà đóng cửa ngủ hết, trước sông vắng vẻ ngoài vườn im lìm; Yến Tuyết đứng dựa cửa sổ mà dòm ra thì chỉ nghe gió giông thổi cây lá lào xào và thấy bóng trăng rọi cỏ hoa rực rỡ. Đồng hồ đã gõ 10 giờ. Yến Tuyết day mặt ngó đồng hồ rồi nói rằng: “Đã 10 giờ rồi, chắc là má ở bển chơi sáng mai mới về. Anh ba buồn ngủ hay chưa? Thôi, để tôi đi ngủ đặng cho anh ngủ”.

Trường Xuân men men đi lại cửa sổ là chỗ Yến Tuyết đứng đó, vừa đi vừa nói nho nhỏ rằng: “Em thức nói chuyện chơi mà. Anh buồn quá ngủ không đặng. Nói chuyện với em mấy đêm qua cũng không biết buồn ngủ”. Yến Tuyết thấy Trường Xuân lại gần thì tính trở lại ván mà ngồi, nhường cửa sổ cho Trường Xuân đứng. Trường Xuân đã có ý muốn lại đứng gần Yến Tuyết, nên thấy Yến Tuyết bỏ đi thì thất vọng, mới dòm ra ngoài sân mà nói rằng: “Ý! Ai đi vô cửa kia kìa! Ai đó?”

Yến Tuyết nghe nói tưởng là bà Phủ về nên lật đật chạy lại vừa ngó vừa hỏi: “Ai đi đâu?” Trường Xuân đứng khít một bên, làm bộ dòm ra ngoài rồi nói: “Ối! Cái tàu dừa gió thổi đưa qua đưa lại anh tưởng là người ta đi vô cửa chớ! Nầy em coi trăng tỏ trời thanh, ngó ra ngoài thấy cảnh đẹp đẽ quá há? Cảnh xem thú vị, nếu đứng xem một hồi lâu ai cũng phải động tình. Từ nhỏ cho tới bây giờ có khi nào em xem trăng trong gió mát, hoặc em nằm đêm vắng canh khuya, rồi em bâng khuâng trong dạ, khoan khoái trong lòng, dường như thương như nhớ ai vậy hay không em?” Yến Tuyết đứng lặng thinh không trả lời. Trường Xuân chúm chím cười rồi dùng những lời ngọt dịu, kiếm những chuyện nguyệt hoa mà khêu tình Yến Tuyết.

Yến Tuyết là gái mới lớn, tuy thuở nay đọc truyện Tàu thấy những tích Bá Ngọc Sương ở có tình với La Côn, Phụng Kiều ở có nghĩa với Lý Đáng, Mạnh Lệ Quân trọn đạo cùng Hoàng phủ Thiếu Hoa, thì muốn làm như Bá ngọc Sương, như Phụng Kiều, như Mạnh Lệ Quân, song cô ta chưa gặp ai là La Côn, ai là Lý Đáng, ai là Hoàng phủ Thiếu hoa, bởi vậy khối ái tình còn phong kín trong lòng, chưa có dịp mà phát hiện ra ngoài được. Trọn một ngày nay cô ở một mình trong nhà với Trường Xuân, tuy là anh của cô, song cũng là một người trai, hình vóc dong dảy, tướng mạo đoan trang, lại có học nên văn nói lanh lợi, đối đáp bặt thiệp; mà từ hồi chiều cho đến bây giờ lại nói với cô những lời dịu ngọt, những chuyện nguyệt hoa nữa, bởi vậy cho nên cô lững đững lờ đờ, trong lòng bâng khuâng, trong trí bối rối, dường như nửa say nửa tỉnh. Cô đứng dựa cửa sổ mà nghe Trường Xuân nói, ngoài sân vắng vẻ gió mát trăng trong, bên tai rập rình tiếng kèn giọng quyển, bởi vậy cô đã tính đi ngủ mà không đi, đã tính lánh xa Trường Xuân mà không lánh khỏi, cứ đứng đó trân trân đến đỗi Trường Xuân vịn vai cô, cô cũng không hay, Trường Xuân nắm tay cô, cô cũng xuôi xị.

Trường Xuân tuy cư xử trong chốn gia đình thì coi bộ không thông cho lắm, nhưng mà sang qua cái đường ong bướm thì thiệt là lanh, dòm thấy Yến Tuyết như vậy thì không kể chi là nghĩa anh em, quyết lập thế làm cho phỉ tình sắc dục. Than ôi! Từ xưa đến nay bọn nam nhi hoặc thừa cơ hội may mắn, hoặc dùng ngôn ngữ lanh lợi mà làm điều nhơ danh phạm nghĩa, kể biết bao nhiêu. Mà đoàn phụ nữ hoặc chưa thông thế thái nhơn tình, hoặc không biết giữ lòng son tiết trắng để cho hư thân mất giá, kể số cũng chẳng ít! Người không học sa vào đó, mà người có học cũng sa vào đó, người nghèo hèn không tránh khỏi, mà người giàu sang cũng không tránh khỏi, nghĩ coi có đáng buồn cho xã hôi phong tục, có đáng tiếc cho gia đình danh dự hay chăng?

Trường Xuân tuy là người có học, song bấy lâu nay anh ta đành đem cái danh dự của nam nhi mà đổi lấy chút sang giàu, người phẩm giá như thế thì tự nhiên tánh tình như thế, nghĩ chẳng lạ gì. Thương thay cô Yến Tuyết phận gái đào thơ liễu yếu, bấy lâu nay tiết trắng như giá, lòng trong như gương, chưa biết thói nguyệt hoa, chưa quen lời ong bướm, thình lình gặp cái cảnh say mê thuở nay chưa từng nghe, bởi vậy cho nên cô dã dượi bồi hồi, rồi quên hết những câu giáo dục gia đình, để cho kẻ thất phu nó làm nhơ nhuốc nữ lưu danh tiết, nghĩ thiệt đáng buồn lắm!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN