Tỉnh mộng - Chương 5
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
171


Tỉnh mộng


Chương 5


Lối nửa chiều, mặt trời ngả bóng xiên xiên gió xô nhành lúc lắc. Khúc đường dựa theo mé sông cái, ngang châu thành Mỹ Tho, từ nhà giấy xe lửa sắp lên, thiên hạ lại qua dập dìu. Trước khách sạn có một gánh mì gõ lắc cắc, dưới gốc cây chị chè đậu rao hò hơ, học trò dắt nhau đi chơi, cười giỡn om sòm, xe kéo không có ai kêu, ngồi khoanh tay riết.

Ngoài sông thì tàu dắt ghe chạy ngang thổi xúp lê vang rân, trong mé thì sống vập vào bực thạch phun bọt bèo trắng nõn. Trên cầu tàu Lục tỉnh là chỗ chiều mát thiên hạ hay ra đó đứng mà hứng gió, có một người trai trạc chừng 25 26 tuổi, đương đứng chống hai cánh chỏ trên lan can cầu ngó lên mỏm Cù lao Rồng. Người trai nầy đội một cái nón trắng, song lâu ngày không đánh phấn nên màu coi luốc luốc; mình mặc một bộ đồ tây xám, song lâu ngày không giặt ủi nên ống quần không có lằn còn tay áo thì đen thui; dưới chơn đi một đôi giầy da đen mũi trầy trụa, còn gót thì mòn hết nửa. Tuy là y phục không được tinh khiết, cửa tay áo xười, nón ru băng rách, nhưng mà mặt mày sáng rỡ, da trắng, má bầu, cặp mắt tỏ như gương, hàm răng trắng như ngọc. Anh ta chống tay mà ngó mông, thấy trên đầu cồn thuyền buôn chạy vác củi sóng trương buồm, rồi lại nghe phía sau lưng xe lửa súp lê rầm rầm rút chạy. Người đi chơi hễ gặp xe lửa chạy thì thường hay đứng lại mà coi, duy có một mình anh ta đã đứng trên cầu gần đường xe lửa, mà lại đã nghe xe lửa súp lê vang rân, song cứ đứng ngó mông qua sông không thèm day mặt lại.

Trời mát lần lần, hàng gáo trồng dựa theo mé sông áng bóng mặt trời nên trên cầu lần lần hết nắng. Cách một hồi có năm sáu học sanh dắt nhau xuống cầu đứng mà chơi, nói chuyện rồi cãi lẫy om sòm, mà người trai ấy cũng không nhúc nhích, dường như xác ở dương trần còn hồn nương mây bạc. Cách một hồi nữa, lại có (thiếu vài chữ)

Tế Thế men men xuống cầu, bước nhẹ nhẹ, còn mắt nhìn ngang dọc. Chừng Tế Thế ra nhìn người ấy kỹ lưỡng rồi, miệng cười, chơn bước lại, vỗ vai mà hỏi rằng: “Làm giống gì mà đứng đây?”

Người ấy giựt mình day lại thấy Tế Thế ăn mặc đoan trang, giầy vàng, áo xám, mắt đeo kiếng che bụi, túi giắt khăn bìa ren, thì đứng nhìn trân trân, làm bộ như không quen biết. Tế Thế vói nắm tay mà dặc dặc và nói rằng: “Anh em bạn học với nhau, mà lại mới gặp hôm tháng trước, nay anh quên tôi rồi hay sao?” Người ấy cười mà đáp rằng: “Làm sao mà đến nỗi quên được. Song tôi thấy anh em bạn cũ có nhiều người hay quên tôi, gặp tôi họ hay ngó lơ, nên thà là để anh đưa tay trước rồi tôi mới dám nắm chớ.”

Tế Thế cười rồi xỏ tay vào cánh tay người ấy, cặp dắt đi và nói rằng: “Hôm trước gặp anh mà mắc xe lửa gần chạy, nên không nói chuyện gì được hết. Nay tôi qua bên anh tính ở chơi đến sáng mai mới về, vậy thôi hai anh em mình đi lên nhà hàng uống rượu chơi. Anh em lâu gặp nhau, nay gặp được tôi mừng quá. Đi, đi anh”. Tế Thế kéo riết người ấy đi. Mấy học sinh thấy một người y phục sang trọng mà niềm nở với một người y phục lôi thôi thì lấy làm lạ, nên đứng ngó trân hai người rồi cùng nhau mà cười ngất.

…………………

Kỳ Tâm, vốn là anh em bạn học của Tế Thế, người gốc Rạch Giá, nay làm việc Trạng sư tại Mỹ Tho. Hôm qua Tế Thế hứa với Trường Xuân sẽ qua Mỹ Tho kiếm người gỡ rối dùm, ấy là ý muốn cậy người nầy.

Hai người dắt nhau đi ngang qua nhà giấy xe lửa. Tế Thế mới nói với Kỳ Tâm rằng: “Để mình kiếm nhà hàng khách trú mình uống rượu nói chuyện chơi mới thong thả”. Hai người đi thẳng xuống vàm, rồi quẹo vô phía cầu quây. Gặp nhà hàng khách trú, Tế Thế mời Kỳ Tâm vào ngồi rồi hỏi rằng:

– Ý anh muốn dùng rượu chi?

– Mấy năm nay tôi không uống rượu gì hết. Vậy anh muốn dùng thứ nào tùy thích, tôi ngồi không nói chuyện chơi cho anh vui cũng được mà.

– Được đâu nà! Anh phải uống chơi với tôi chớ. Uống đồ mạnh quá sợ say, thôi để mình uống bi công nhé. Bồi lấy 2 li bi công. Trời nực quá, bỏ nước đá cho nhiều nhiều nhé.

Bồi đem rượu ra rót hai người hai li. Tế Thế mời Kỳ Tâm uống; Tế Thế nói nói cười cười, có ý muốn chọc cho Kỳ Tâm nói chuyện, mà Kỳ Tâm thì ngồi chiêm nghiểm, cứ day mặt ra ngoài mé sông, bộ coi dường như lo tính việc gì đó vậy. Tế Thế nói rằng:

– Anh em học một lớp với mình hồi đó gần 40 người. Từ khi ra trường đến nay tản lạc hết, mỗi người đều đi kiếm việc làm ăn, ít khi gặp nhau như vầy.

– Bây giờ anh làm việc ở đâu?

– Tôi thì xin làm thầy giáo liền; 4 năm nay ở Tân An hoài, chớ không đi đâu hết, anh quên hay sao? … Ờ, phải! Anh thôi trước nên không có thi. Cha chả! Năm đó anh em thi đậu nhiều quá, chớ chi anh ở học ráng vài tháng nữa thì chắc anh cũng đậu. Anh thôi uổng quá! Nầy, mà hồi đó lúc gần thi sao anh lại thôi học như vậy anh?

– Tôi mắc việc nhà không thể học nữa được, nên tôi phải thôi.

– Uổng quá! Anh mắc việc gì ngặt lắm hay sao mà đến nỗi bỏ học như đi vậy?

Kỳ Tâm nghe hỏi ngồi thở ra không muốn trả lời, Tế Thế liếc mắt thì thấy bộ anh ta buồn bực lắm. Kỳ Tâm ngó ra ngoài đường thấy đờn bà mang guốc dắt con đi chơi, xe kéo kiếm khách kéo xe đi nghễu nghến. Cách một hồi mới day vô mà hỏi Tế Thế rằng:

– Mấy năm nay anh làm thầy giáo khá hay không?

– Anh cũng biết làm thầy giáo mà khá nỗi gì. Tại tôi chưa có vợ nên nhà cửa còn lôi thôi hoài.

– Té ra anh chưa có vợ hay sao?

– Chưa.

– May cho anh lắm a!

– Không có vợ mà may nỗi gì anh?

– Nếu anh cưới vợ, hễ cưới chỗ nghèo thì nó báo anh, còn cưới chỗ giàu thì nó khi anh, bởi vậy không có vợ khỏi ai theo báo đời, mà cũng khỏi ai khinh dễ, há không phải là may hay sao?

– Anh nói nghe kỳ cục quá!

– Thiệt chớ! Đời nầy thiên hạ họ xấu lắm. Anh chưa được giàu sang, mà anh cũng chưa gặp hoạn nạn, bởi vậy anh chưa hiểu thế thái nhơn tình, chớ tôi đã thấy đủ kiểu, đã nếm đủ mùi, nên bây giờ tôi ghét thiên hạ lắm.

– Anh nói vậy sao phải! Ở đời có kẻ xấu người tốt, chớ mỗi người đều bậy hết hay sao mà anh oán chung hết thiên hạ. Trong mấy nhà nghèo cũng hiếm người hiền đức, mà trong mấy nhà giàu cũng hiếm gái khôn ngoan, nếu mình cưới vợ thì mình chọn con nhà biết điều không cần gì giàu nghèo, thì có lẽ mình cũng vui lòng được chớ.

– Hữ! Anh nói chuyện đời xưa hay sao chớ? Đời nầy ai là người biết điều đâu anh chỉ thử coi?

– Bây giờ biết ai đâu mà chỉ. Mà điều thiếu gì người tử tế, chớ phải hết thảy thiên hạ đều bậy hết hay sao?

– Đó! Coi có quả như vậy hay không, hử? Anh nói thiếu gì người biết điều, thiếu gì người tử tế, mà biểu chỉ thử coi, anh lính quýnh không biết đâu mà chỉ. Có, có nhiều lắm chớ. Theo con mắt của tôi coi thì không có, mà theo con mắt của thiên hạ, thì thiếu gì người tử tế biết điều. Anh không biết đâu mà chỉ, vậy thôi anh để tôi chỉ dùm cho. Anh chịu khó anh đi khắp mấy tỉnh từ trong Nam Kỳ ra cho tới Bắc Kỳ anh coi thử coi có phải thiên hạ hễ thấy ai nhà cửa kinh dinh, y phục đàng hoàng tước trọng quyền cao, ruộng nhiều vườn rộng, thì họ cho là tử tế biết điều, còn thấy ai quần áo lang thang, cửa nhà xệch xạc, ăn không no bụng, ngủ không yên thân, thì họ cho là khốn nạn gian giảo. Ý của thiên hạ như vậy đó. Anh nói thiếu gì người tử tế, phải tử tế là theo như lời thiên hạ họ cho đó hay không?

– Không. Người tử tế, thì tử tế, chớ nào phải giàu sang mới tử tế, còn nghèo hèn thì bậy bạ hết thảy đâu.

– Anh nói chuyện đời xưa, hay là anh rút chuyện trong sách anh nói nữa? Anh nói người tử tế dầu giàu nghèo gì họ cũng cho là tử tế phải không? Đâu anh thấy ông nào giàu sang mà họ dám kêu là quân ăn cướp, đồ khốn nạn đâu, anh chỉ thử coi, mà vị tất hết thảy những tay giàu sang đều là bực hiền nhơn quân tử hết. Tôi thường thấy, mà có lẽ anh cũng dư biết, thiếu gì người làm những điều hung ác, dùng những chước nhuốc nhơ mới trở nên giàu sang, mà hễ giàu sang rồi thì thiên hạ đã quên tội hung ác hoặc thói nhuốc nhơ của họ hết, mà lại còn theo lạy dạ bợ đỡ họ nữa. Đời nầy khốn nạn lắm! Tôi đã ghét, tôi không muốn nói đến, tại anh hỏi dần lân làm cho tôi nhớ tới tôi càng thêm giận.

– Tại sao mà anh nói nghe hơi chán đời dữ vậy anh?

– Phải, tôi chán đời lắm.

Kỳ Tâm nói mấy lời rồi lại day mặt ra ngoài đường. Tế Thế ngó thấy anh ta có sắc giận nên chúm chím cười mà hỏi rằng:

– Thế khi anh cực khổ lắm hay sao mà anh giận đời như vậy?

– Không. Tôi bây giờ thong thả lắm chớ. Tôi làm việc Trạng sư ăn lương mỗi tháng 30 đồng. Tôi ở đậu ăn cơm quán nhà người ta trên Cầu cống mỗi tháng hết 15 đồng, còn 15 đồng tôi xài chơi, có thiếu thốn chi đâu.

– Vậy mà sao anh còn giận đời?

– Anh muốn biết việc của tôi, vậy để tôi tỏ thiệt cho anh nghe chơi. Hồi nhỏ tôi sung sướng ít có đứa nào dám bì kịp. Cha mẹ giàu có: nhà ngói có 3 tòa, ruộng có hơn một muôn công. Cha mẹ tôi sanh có một mình tôi, mà huê lợi mỗi năm góp đến 50 ngàn giạ lúa, bởi vậy tôi muốn tiền bạc bao nhiêu cũng được hết. Lúc tôi đi học trên Sài Gòn trong rương tôi thường có năm bảy chục hoặc một trăm đồng bạc luôn luôn.

– Phải, tôi nhớ: bọn học trò hồi đó có một mình anh xài phí rộng rãi hơn hết. Anh mặc quần hàng áo lụa luôn luôn. Mà anh đi giầy cũng mắc tiền hơn hết nữa.

– Hồi đó tôi sung sướng lắm, bởi vậy tôi đi học không lo chi hết, chỉ lo học cho giỏi đặng khỏi thua chúng bạn mà thôi. Mà tôi học cũng không phải cầu thầy bà gì, chỉ muốn học đặng mở rộng trí khôn hầu ngày sau cai quản sự nghiệp của cha, cho khỏi mang tiếng nhà giàu u mê. Tôi đi học đã sung sướng mà bãi trường về nhà lại còn vui vẻ hơn nữa. Anh nghĩ thử coi, mình là là con ông Cả giàu lớn hơn hết trong tổng, ai mà không kiêng mình. Tôi đi chơi tới đâu, họ niềm nỡ tới đó, tá điền già trẻ gì hễ tôi kêu thì dạ hết thảy. Không phải tôi có ý khoe với anh, chớ thiệt tôi không phải như họ, ỷ thế mà hiếp đáp người ta; tôi gặp người già cả thì tôi kỉnh họ luôn luôn, tôi thấy ai nghèo nàn thì tôi cho tiền bạc, bởi vậy trong làng họ kiêng tôi mà lại yêu tôi lắm. Lúc tôi được 16, 17 tuổi thì nhà giàu ai có con gái cũng đều muốn gả cho tôi. Ông thân tôi có một người anh em bạn tên là Thái sanh Tài, làm Phó tổng cựu, nhà giàu góp mỗi năm lối 20 ngàn giạ. Ổng muốn làm sui với ông thân tôi, mà tôi không chịu, tôi xin để tôi học xong rồi tôi sẽ cưới vợ. Bữa nọ bãi trường tôi về, đi dưới tàu tôi gặp bà Phó tổng Tài với con gái bà là cô sáu Nhiễu đi Sài Gòn về. Ông thân tôi muốn đi nói cô nọ cho tôi, mà tình cờ tôi gặp cô như vầy thì tôi có ý mừng thầm, bởi vì có dịp mà tôi mới dọ tánh nết cô được. Tôi bước lại chào bà Phó tổng thì bà mừng rỡ hỏi thăm lăng xăng còn cô sáu Nhiễu thấy tôi coi bộ cũng vui nên không bợ ngợ chi hết. Đến 11 giờ trưa, tàu ở Mỹ Tho lên tới Cái Bè, cô Nhiễu dọn bánh thịt ra rồi bà Phó tổng mời tôi ăn. Bà ép quá nên tôi phải ngồi lại mà ăn với bà và cô sáu Nhiễu.

Kỳ Tâm nói tới đó thì đèn khí bực cháy sáng lòa. Anh ta hớp một hớp rượu thắm giọng rồi nói tiếp rằng: “Chẳng giấu chi anh, cô sáu Nhiễu thiệt là đẹp. Cô văn nói nhỏ nhoi, đi đứng đằm thắm, da trắng tóc dài, môi son, mầy liễu, tay chơn dịu nhiễu, hình vóc thanh tao, bởi vậy tôi đã không chịu cưới vợ gấp, mà thấy cô tôi động tình, nên tôi ngồi dưới tàu cứ suy nghĩ hoài, tính về chuyến đó thưa với cha mẹ đi nói cô, rồi đợi hễ ra trường thì cưới liền. Tháng đó nhằm tháng nước đổ, mà rủi lại gặp chiếc tàu chạy dở, nên mới tới kinh Lấp Vò thì trời đã tối mò. Tôi biểu dưới tàu nấu cơm dọn cho tôi với bà Phó tổng và cô sáu Nhiễu ăn. Tàu qua khỏi Long Xuyên thì đã gần 10 giờ tối rồi. Bà Phó tổng đi đường bị nắng gió bà mệt nên bà nằm ngủ khò. Tôi thừa dịp ấy mới nói chuyện với cô nọ, ban đầu còn nói chuyện dông dài, lần lần tôi mới tỏ thiệt tình ý của tôi, rồi tôi hỏi cô rằng cha mẹ hai bên đã tính làm sui với nhau như vậy, mà cô có vừa lòng hay chăng. Cô mắc cỡ nên day mặt khuất bóng đèn, song cô trả lời nhỏ nhỏ rằng: “Nếu anh không chê em là đứa quê hèn, anh quyết giao duyên kết tóc với em, thì em đâu dám phụ lòng anh, ví dầu may rủi thế nào em cũng nguyện đồng sanh đồng tử”. Tôi nghe mấy lời ấy tôi cảm xúc trong lòng vô cùng, đến bây giờ nhắc lại mà cái giọng của cô cũng còn như nghe văng vẳng bên tai.”

Kỳ Tâm chau mày thở ra rồi nói rằng: “Lòng đàn bà đổi dời, không biết sao mà dò được. Tôi nghe lời cô hữu tình như vậy tôi cảm lắm, nên kỳ bãi trường ấy tôi mới nói với ông thân tôi đi lễ hỏi, rồi đợi chừng nào học xong rồi sẽ cưới. Lúc ấy tôi còn phải học tới 2 năm nữa mới thi lấy bằng tốt nghiệp. Hễ bãi trường tôi về qua thăm thì ông gia bà gia tôi niềm nở, rồi lúc tựu trường thì cho mỗi lần một trăm đồng bạc; cô sáu Nhiễu lại thêu khăn, may áo, biểu em đem qua cho tôi nữa. Tôi thấy bên vợ tôi ở với tôi có tình như vậy, thì trong bụng tôi mừng lắm, chắc là ngày sau trong gia đình lấy làm hạnh phúc lắm. Năm tôi học rút đặng mà thi, thì tôi coi ý cha mẹ tôi không được vui như xưa. Tuy tôi mắc đi học song tôi có nghe rằng mấy năm trước hoặc bị nước lụt, hoặc bị chuột phá, hoặc bị lúa háp, nên ông thân tôi thất mùa luôn luôn. Mà nghe thì nghe như vậy chớ trong bụng tôi chẳng có chút chi lo sợ. Chẳng dè còn vài tháng nữa tới hội thi, tôi tiếp được một bức thơ của ông thân tôi nói rằng mấy năm thất mùa không góp được huê lợi, mà bạc lúa dùm cho tá điền ăn cũng không thâu được, nợ mỗi năm chồng lời thêm hoài, bây giờ không thể trả nổi, nên chà xả trí (1) đã kiện mà phát mại nhà cửa ruộng vườn hết rồi, và dạy tôi phải về cho mau mà tính việc nhà. Tôi được thơ chẳng khác nào như sét đánh bên tai, rộn trí đau lòng, không thế nào học nữa được; chẳng phải là tôi nghe hết của mà ngã lòng, tôi lo là lo cho cha mẹ tôi thất chí buồn rầu rồi sanh bịnh hoạn mà thôi. Thiệt tôi lo chẳng sai; tôi xin phép về thì nhà cửa đã bị chủ nợ tịch hết rồi, cha mẹ tôi đi ở đậu với một người tá điền cũ là Bảy Cự, mà cha tôi lại có bịnh nằm mê man, hễ tỉnh dậy thì khóc. Cha tôi thấy tôi thì khóc tấm tức tấm tưởi không nói chi được hết, rồi trong đêm ấy bịnh trở mệt quá nên tắt hơi”.

Kỳ Tâm thuật tới đó thì nhớ cha nên động lòng, hai hàng nước mắt rưng rưng chảy. Tế Thế làm mặt buồn mà nói rằng: “Nếu vậy thì việc nhà của anh gian nan quá; hèn chi gần thi mà anh thôi học. Vậy mà từ hồi đó cho đến bây giờ tôi có hay đâu”. Kỳ Tâm lau nước mắt rồi mới nói tiếp rằng: “Hoạn nạn của tôi còn nhiều nữa, chớ phải bao nhiêu đó mà thôi đâu anh. Ông thân tôi mất bà thân tôi không còn một đồng. Tôi phải đi đến mấy nhà người thân thiết với ông thân tôi mà năn nỉ lạy lục họ đặng mượn bạc vay tiền mà chôn cất. Ông Phó tổng Tài có qua điếu tang, song ông cúng 10 đồng bạc hương khói rồi về liền, đến bữa táng ông không qua mà đưa. Tống táng ông thân tôi xong rồi thì bà thân tôi buồn rầu nên sanh bịnh nữa. Vợ chồng Bảy Cự thuở nay nhờ làm ruộng của cha mẹ tôi mới cất được nhà rường nhà cập, mà nay nó thấy tôi suy sụp, coi ý vợ chồng nó không biết thương. Tôi thấy nhơn tình như vậy tôi buồn nên đem bà thân tôi lên nhà thương Rạch Giá mà nằm, không thèm ở trong nhà nó nữa. Bà thân tôi đau gần 8 tháng, tôi quơ đầu nầy tạm đầu kia mà nuôi, nên mắc nợ cùng hết. Đến chừng bà thân tôi từ trần, tôi chôn cất xong rồi, thì trong lưng còn có năm sáu đồng bạc, mà số nợ tôi mắc người ta kể đến tám chín trăm. Tôi bơ vơ không có nơi nương dựa, mới tìm ông gia tôi đặng dọ thử coi ý ông tính cho tôi làm sao. Chẳng dè tôi đến nhà thì hai ông bà lạt lẽo lắm, ông chẳng nói chi đến việc hôn nhơn nữa, mà ông lại nói rằng tại ông thân tôi vụng tính nên mới tan cửa nát nhà, ông thân tôi có mượn của ông hai ngàn đồng bạc, vậy chớ tôi tính làm sao mà trả lại cho ông. Tôi chẳng biết nói sao được, túng thế phải hứa rằng để tôi kiếm phương làm ăn, chừng nào có tiền thì tôi sẽ đem về mà trả. Tôi trở ra chợ xin làm ký lục phụ trong sở Thương chánh mà nuôi miệng. Tuy ông gia bà gia tôi không nói tới việc hôn nhơn nữa, nhưng mà tôi nhớ lời cô sáu Nhiễu nói với tôi dưới tàu rằng: “ví dầu may rủi thế nào cô cũng nguyện đồng sanh tử” nên tôi không thối chí, chắc rằng cô không nỡ quên lời. Chẳng dè cách mấy tháng tôi nghe thầy Phó tổng đã gả cô cho con một ông nhà giàu bên Cần Thơ. Tuy nghe như vậy, song tôi tưởng ông gả ép, chớ không phải tại cô phụ tôi. Tôi mới gởi cho cô một bức thơ dọ thử ý cô thể nào. Tôi chờ hoài không thấy cô trả lời; cách ít tháng tôi thấy cô đi chợ, tôi có ý muốn giáp mặt đặng coi cô nói làm sao, té ra cô thấy mặt tôi cô ngó rồi làm lơ, dường như thuở nay không quen biết chi hết vậy. Nhơn tình! Nhơn tình khốn nạn lắm, anh thấy chưa hử? Đời nầy những người như vậy đó thiên hạ họ tôn trọng, họ khen là tử tế, là biết điều, còn kẻ suy sụp như tôi đây đều là quân bá láp hết. Khốn nạn lắm! Mà chẳng phải bên vợ tôi họ phụ tôi mà thôi, mấy người quen biết theo bợ đỡ tôi hồi trước, chừng họ thấy tôi nghèo họ cũng khinh khi bỉ bạc tôi nữa. Ối! Còn nói chi tới mấy người tôi thiếu nợ! Họ tưởng ông thân tôi bị khánh tận, mà thế nào bà thân tôi cũng chắt mót giấu tiền bạc được nhiều. Đã vậy mà họ đương tử tế đó không lẽ họ trở mặt liền cho được, nên họ mới cho tôi vay bạc. Chừng bà thân tôi mất rồi họ theo đòi tôi ngày một; tôi không có tiền mà trả, năn nỉ hết sức họ cũng không nghe. Có một chủ kiện rồi bắt giam thân tôi hết mấy tháng, té ra tôi cũng không có mà trả. Họ làm hết sức mà đòi không được, túng thế họ mắng nhiếc mà trừ. Hễ thấy mặt tôi người thì mắng tôi là đồ ăn cướp, kẻ thì kêu tôi là quân giựt đồ, tôi ăn cướp ai, tôi giựt đồ ai? Tôi mắc nợ họ tôi không chối, tại tôi không có tiền nên tôi không trả được; đợi chừng nào có rồi tôi sẽ trả chớ. Sao những người có tiền nhiều mà họ lại đem tiền bạc tới quì lạy đặng dưng thêm nữa, còn tôi nghèo không tiền mà trả cho họ, họ làm bức tôi chi dữ vậy? Thiên hạ ở như vậy, tôi ghét không phải hay sao? Anh đừng có binh. Đời nầy thiên hạ xấu lắm. Người nào anh khen tử tế đó, thì họ càng bậy bạ nhiều hơn người khác nữa, nói dùm cho anh biết”.

Tế Thế mỉm cười, dòm thấy đồng hồ đã chỉ 7 giờ rưởi, mới đứng dậy mời Kỳ Tâm đi ăn cơm. Kỳ Tâm dục dặc không muốn đi. Tế Thế nắm tay kéo riết đi trở ra vàm rồi vào nhà hàng lớn mà ăn cơm với nhau.

Chú thích:

(1) (tiếng Pháp) chetty

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN