Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng - Chương 5: 5: Máy Ảnh
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
42


Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng


Chương 5: 5: Máy Ảnh


Phương Mục Dương mang theo một chiếc máy ảnh kiểu cũ của Đức anh mua tại một cửa hàng ủy thác(1) trên đường đến nhà Phí Nghê.

Mua đồ cũ ở cửa hàng ủy thác không chỉ rẻ mà còn không cần dùng phiếu.

Lần này anh tới, định chụp cho Phí Nghê mấy tấm hình.
(1) Cửa hàng ủy thác: Cửa hàng nhận bán hộ đồ cũ khách gửi, bán được thì sẽ ăn tiền hoa hồng.
Ngoài máy ảnh ra, Phương Mục Dương còn mang cho Phí Nghê sữa mạch nha(2), sô cô la, sữa bột của Mỹ và năm quả táo.

Táo là hồi trước anh để dành được, sữa mạch nha là anh nhờ y tá mua hộ, còn sô cô la và sữa bột là bạn mẹ anh mang đến khi đi thăm anh.
(2) Sữa mạch nha: Một loại đồ uống pha sẵn làm từ sữa bột, sữa đặc, bột cacao, chiết xuất mạch nha và một số nguyên liệu khác như kem, trứng, đường… Trước năm 1980, sữa mạch nha được coi là thứ đồ uống xa xỉ ở Trung Quốc, thường chỉ có trẻ em mới được uống.
Người bạn này quen biết nhiều người ở nước ngoài và có không ít phiếu kiều hối trong tay, có thể mua được một số mặt hàng người trong nước không mua được.
Một túi sô cô la lớn, Phương Mục Dương chỉ ăn một viên.

Hai viên to nhất anh giấu đi, còn lại đều chia cho bệnh nhân và các y tá cùng tầng.
Ngày thứ ba kể từ khi Phí Nghê đi, Phương Mục Dương bắt đầu vẽ tranh.

Tảng sáng hôm ấy, anh đã nằm mơ, mơ thấy vô số khuôn mặt khác nhau lần lượt lần lượt hiện ra, song anh chẳng hề nhận ra ai cả.

Thế giới rộng lớn đến vậy, anh lại chẳng biết được bao nhiêu người.

Người mà anh gần gũi nhất chính là Phí Nghê, nhưng cô không xuất hiện nữa.

Bốn giờ sáng, anh bừng tỉnh giữa cơn mơ, sau đó lập tức bật đèn lên đọc từ điển.

Phí Nghê đã nói học xong cuốn từ điển này, cô sẽ lại đến gặp anh.

Đọc được nửa trang, anh lại bắt đầu dùng bút phác họa từng đường nét của Phí Nghê lên từ điển.

Đôi mắt này, cái mũi này, bờ môi này, tất cả đều thuộc về Phí Nghê, Phí Nghê vừa mới đến thăm anh ba ngày trước.
Anh đã quên chuyện mình bắt đầu cầm bút vẽ từ năm bốn tuổi, cũng quên mất hồi tiểu học anh từng giành được giải thưởng lớn trong một cuộc thi vẽ tranh quốc tế dành cho thiếu nhi.

Thế nhưng cơ bắp vẫn có ký ức.

Phí Nghê không tới thăm anh, anh bèn vẽ lại Phí Nghê trên trang giấy.

Phương Mục Dương dựa vào trí nhớ của mình mà vẽ hơn chục bức kí họa Phí Nghê.

Trong trí nhớ của anh, Phí Nghê vô cùng sinh động.

Cô xách đồ bước vào cửa phòng bệnh, trên môi nở một nụ cười, sau khi đặt đồ xuống liền bắt đầu khảo hạch anh, nếu câu trả lời của anh khiến cho cô không hài lòng thì cô sẽ nghiêm mặt lại.

Động tác giặt giũ của cô rất liền mạch, nhất là những khi cô vò cổ áo sơmi của anh trong nước xà phòng.

Lúc này, nếu như trông thấy mồ hôi lấm tấm trên sống mũi cô, anh sẽ đưa tay lau giúp.

Cô sẽ tránh khỏi tay anh thật nhanh, nếu lỡ như không tránh được, cô sẽ trừng mắt nhìn anh một cái.

Anh cần phải dừng cô lại ở trong trí nhớ của mình, đóng băng từng khoảnh khắc nhỏ rồi mới bắt tay vào vẽ, mà chuyện này hiển nhiên chẳng hề dễ dàng chút nào.

Càng vẽ nhiều, Phương Mục Dương lại càng phát hiện ra ngôn ngữ cơ thể của Phí Nghê rất độc đáo, chúng có khi còn thú vị hơn cả những lời cô vẫn nói ra miệng nữa.
Trong quá trình làm sống dậy chuỗi hồi ức về Phí Nghê, Phương Mục Dương lại làm quen với cô thêm một lần nữa, lần này càng tỉ mỉ hơn, càng kỹ lưỡng hơn.

Khi cô vẫn còn tới đây, anh sao có để ý được cúc áo trên cùng của cô nằm ở chỗ nào cơ chứ.
Vẽ tranh dần trở thành cách Phương Mục Dương tìm hiểu về thế giới này.

Anh nhờ y tá đi mua giấy bút hộ mình.

Vẽ xong Phí Nghê, anh lại bắt đầu vẽ cây cỏ ngoài cửa sổ.

Vẽ xong cây cỏ ngoài cửa sổ, anh bắt đầu vẽ các cô y tá bên cửa sổ.

Những bức ký họa người thật của anh còn được lòng người hơn tranh phong cảnh rất nhiều.

Lần đầu tiên anh vẽ một nữ y tá họ Hồ, nhận được bức họa thì cả tuần sau cô nàng vẫn đỏ mặt khi nhìn thấy Phương Mục Dương.

Bức tranh ấy chỉ là một bức phác họa sơ sơ, nhưng lại phác ra được cụ thể từng đường cong của cô ấy.
Phương Mục Dương có một đôi mắt nhìn người rất hiểm, mà kỹ năng vẽ của anh lại càng hiểm hơn.

Anh nắm rất rõ đặc điểm của từng y tá, rõ đến mức khiến cho người ta không thể không ngoài nghi động cơ của anh khi vẽ.

Đương nhiên, những cô nàng y tá trẻ không hề quan tâm gì tới động cơ của anh, họ chỉ muốn biết dáng vẻ của mình dưới cây cọ mà anh cầm trông đẹp hay là không đẹp.

Phương Mục Dương giờ đây đã trở thành một chiếc máy ảnh hình người, những cô y tá trong viện cứ hễ trông thấy mặt anh là lại vô thức điều chỉnh tư thái của mình, chủ động ưỡn ngực thẳng lưng, thậm chí còn cố tình đi chậm lại để anh kịp hình dung trước bức họa ở trong trí óc.

Người vẽ tranh thường xuyên phải dùng đôi mắt của mình để nắm bắt được đặc điểm của đối tượng.

Một người đàn ông cứ nhìn chằm chằm phụ nữ thì không khỏi khiến người khác cảm thấy đáng khinh, nhưng đôi mắt của Phương Mục Dương lại giúp anh tránh được kiểu nhận định này.

Hàng mi của anh rất dài.

Lúc quan sát đối phương, đầu mày anh thường nhíu lại, đến khi người kia chú ý tới ánh mắt anh thì anh sẽ khẽ cong môi, cũng chẳng nói thêm điều gì.

Sự kiệm lời do thiếu vốn từ vựng làm cho người ta đinh ninh anh là một người đứng đắn, kết quả chính người bị nhìn lại bỗng dưng thấy ngượng ngùng, luôn chậm rãi quay mặt đi chỗ khác.
Phương Mục Dương vốn đã có một phần tiền trợ cấp cho thanh niên trí thức hàng tháng, đến nay anh vẫn nhận đều, mà bây giờ hội thanh niên trí thức còn coi anh như bệnh nhân nên anh lại được hưởng thêm một khoản trợ cấp khác nữa.

Trước kia Phí Nghê ở đây, số tiền này đều tiêu vào những món ngon.

Giờ Phí Nghê đi rồi, Phương Mục Dương không quá chú trọng việc ăn uống nữa, chỉ cần bốn hào cũng đủ để anh no bụng cả ngày.

Chỗ tiền tiết kiệm được, anh đưa cho mấy cô y tá quen thân, nhờ họ mua hộ một ít hoa quả, hạt dưa và mứt trái cây đến viện.

Chỗ đồ này phần lớn lại vào miệng các y tá, nhưng thỉnh thoảng anh cũng sẽ mang sang chia với mấy phòng bệnh cùng tầng, đồng thời còn vẽ chân dung cho bọn họ.
Một người đàn ông ngoài ăn ngủ ra lúc nào cũng nhìn phụ nữ, lại còn liên tục vẽ họ, chuyện này chẳng mấy chốc đã truyền đến tai của lãnh đạo trong bệnh viện.

Suy xét đến hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, bọn họ tức khắc ra chỉ thị cấm các y tá tiếp xúc gần gũi với Phương Mục Dương, tất nhiên ngoại trừ công việc chăm sóc thông thường.
Thế nhưng những cô y tá trẻ tuổi này không hề cho rằng Phương Mục Dương đang giở trò đồi bại với họ.

Bọn họ ăn sô cô la, đậu phộng, mứt trái cây và kem đá đậu đỏ Phương Mục Dương mua ngoài cổng, cũng rất nghĩa khí báo đáp bằng cách đi mua giấy bút giùm anh.

Có đồ ăn ngon họ cũng sẽ chia cho anh, thậm chí có y tá tốt bụng còn chủ động đề nghị mang quần áo của anh về nhà giặt hộ.

Song Phương Mục Dương lại nói tự anh có thể giặt được.

Hiện tại đang là mùa hè nên ngày nào anh cũng giặt đồ, nhưng anh vẫn giữ thói quen chỉ giũ vài cái rồi phơi, đến xà phòng cũng lười dùng.

Mỗi khi giặt quần áo mình, anh lại nhớ tới Phí Nghê, cô quả thật rất giỏi trong mấy cái khoản này.
Lãnh đạo bệnh viện tìm Phương Mục Dương nói chuyện, hứa sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề tình cảm cũng như hôn nhân đại sự của anh, tuy nhiên bảo anh không nên nóng vội, vẫn cần chú ý chừng mực.
Phương Mục Dương cũng không phủ nhận.

Bởi vì anh cam đoan sẽ không vẽ tranh mấy cô gái trẻ trung nữa, bệnh viện còn tặng anh một bộ giá vẽ, cho anh tùy ý ra ngoài để họa cảnh thực.
Những người đến viện thăm Phương Mục Dương không nhiều lắm, trong số đó có một cậu bạn học tên là Lâm Cách.

Lâm Cách còn từng đi cắm đội tại cùng một điểm thanh niên trí thức với Phương Mục Dương, trong thời gian lao động cũng không ít lần được anh chiếu cố.

Vậy nên lần này nghỉ phép về thăm người thân, cậu ta cố ý bớt chút thời gian mang táo đến viện thăm anh.
Năm đầu tiên cắm đội, bọn họ ở nhờ trong một căn nhà của dân làng.

Dân làng cho đám thanh niên trí thức một ít gỗ để tự dựng nhà riêng ở.

Những cô cậu thanh niên trí thức này lớn nhất cũng chưa đến hai mươi tuổi, còn phần đa chỉ tầm mười lăm mười sáu như Phương Mục Dương, giờ không chỉ phải rời xa cha mẹ mà đến nhà cũng phải tự mình dựng lấy.

Vốn dĩ mọi người đều chẳng hào hứng với công cuộc này, thế nhưng sau đó Phương Mục Dương vẽ cho bọn họ một bản thiết kế, nhìn qua thì có vẻ hoành tráng hơn gian nhà thô họ đang ở nhờ rất nhiều, thế là cả hội lại có động lực để làm.

Phương Mục Dương vốn mù tịt chuyện xây nhà, nhưng dựng xong căn nhà ấy, anh đã trở thành thợ xây kiêm luôn thợ mộc bán chuyên.

Nhà của bọn họ hoàn thiện xong xuôi, ngay lập tức trở thành căn nhà to đẹp nhất ở khắp làng trên xóm dưới.
Phương Mục Dương cũng không ghét bỏ cuộc sống thôn quê như những thanh niên trí thức khác.

Anh sống ở ngôi làng này chẳng khác nào cá gặp nước, nhà ai hư dột hay cần sửa chữa đồ đạc anh đều hỗ trợ hết mình.

Các bà cụ trong làng rất thích anh, bởi vì anh vẽ thần giữ cửa, thần bếp rất sống động.

Thần bếp của anh là tranh sơn dầu chứ không phải kiểu truyền thống, nhưng mà chẳng ai quan tâm, miễn đẹp là được.

Mỗi bức họa như thế có thể đổi được hai quả trứng gà cùng một chiếc bánh nướng áp chảo.

Bánh nướng kia là loại có trộn men nở, rất dày, cũng rất nhiều mỡ.
Bí thư chi bộ của thôn bảo anh đến trường tiểu học trong thôn dạy học.

Anh dạy bọn trẻ cách tính nhẩm và vẽ tranh, còn dùng lá liễu làm sáo, dạy chúng thổi vài khúc nhạc Liên Xô ngắn.

Thế nhưng không lâu sau đấy, anh lại để một thanh niên trí thức thể lực kém đến trường dạy học thay mình, còn bản thân thì đi làm ruộng lấy điểm công.
Thôn bọn họ rất dân chủ, đề cử thanh niên trí thức vào đại học cũng là toàn thôn bỏ phiếu.

Phương Mục Dương tuy rằng xuất thân không tốt nhưng cả thôn đều nhất trí bỏ phiếu cho anh, kết quả anh lại nhường suất học cho Lăng Y với lý do là trình độ văn hóa của cô ấy cao hơn mình.

Trước đó, đời sống tình cảm của Phương Mục Dương vẫn chưa có gì rõ ràng, anh quan hệ tốt với cả nam lẫn nữ thanh niên trí thức, ai gặp khó khăn gì đều giúp cả, nhờ người ta vá quần áo khâu vỏ chăn cũng chẳng ngại ngùng bao giờ.

Thế nhưng sau sự việc ấy, mọi người đều cho rằng Phương Mục Dương đang yêu đương với Lăng Y.

Nếu như không phải bạn trai bạn gái, họa có điên mới có thể nhường suất vào đại học cho người khác.
Lâm Cách hỏi Phương Mục Dương xem Lăng Y có thường đến thăm anh hay không.
“Lăng Y là ai?”
“Lúc trước cậu không nên nhường suất học cho cô ta.” Lâm Cách cảm thấy uất ức thay Phương Mục Dương, ngay cả suất vào đại học cũng nhường lại, kết quả khi xảy ra chuyện, Lăng Y thậm chí còn chẳng buồn đến thăm nữa.
Phương Mục Dương không tiếp lời, chỉ hỏi: “Cậu có biết nhà Phí Nghê ở đâu không?”
Sau khi cậu bạn học cũ ngày xưa của anh và Phí Nghê rời đi, Phương Mục Dương liền thu thập đồ đạc trong ngăn tủ, bỏ vào một chiếc túi rồi cầm tờ giấy ra khỏi phòng.

Anh thường xuyên ra ngoài bệnh viện vẽ tranh cho nên y tá cũng không ai hỏi xem anh đi đâu cả.
Vì hôm nay con gái có khách tới chơi nên cha Phí đã lấy trà Bích Loa Xuân Phí Nghê mua biếu ra pha.

Thường ngày ông chỉ uống mỗi chút trà cám mà thôi.

Từ sau khi về hưu, cha Phí không còn dư dả như trước nữa, làm gì cũng rất tiết kiệm.
Cha Phí khách sáo nói chẳng phải là trà ngon gì, thôi thì cứ uống tạm vậy.
Phương Mục Dương giờ đã có thể tự mình sinh hoạt và trò chuyện cùng người khác, nhưng mà mấy lời đãi bôi thì anh vẫn chưa nói được.

Anh hỏi đây có phải trà cũ hay không.

Nhiều năm rồi không uống trà, nhưng lưỡi của anh vẫn nhạy cảm với lá trà.
Trà này quả thực không phải trà mới, đã để khoảng hai năm rồi.

Cha Phí nghe thế thì trong lòng rất không vui.

Có trà uống là may rồi, hiện giờ ai ai cũng là giai cấp vô sản như nhau, tôi lấy trà ngon bình thường không dám uống ra đãi cậu, vậy mà cậu còn kén cá chọn canh như thế.
Cha Phí không phải là người hiếu khách, cũng chẳng biết nói chuyện gì, chỉ đành quanh quẩn chủ đề Phí Nghê.

Phương Mục Dương hỏi Phí Nghê làm nghề gì, mấy giờ làm mấy giờ tan, một tuần được nghỉ mấy ngày.

Sau khi hiểu được đại khái, anh lại hỏi gần đây Phí Nghê bận gì mà không tới viện thăm anh.
Cha Phí cũng không giấu giếm, nói thẳng là Phí Nghê giờ có đối tượng qua lại, hôm nay còn đi xem phim với người ta nữa.
Phương Mục Dương không tiếp tục hỏi, chỉ lấy một viên sô cô la từ túi ra, bóc vỏ đưa cho cha Phí.
Cha Phí cắn một miếng sô cô la, lại khách khí nói: “Thằng nhóc này, đến thì cứ đến đi, lại còn bày vẽ thế nữa, lần sau tới tuyệt đối đừng mang gì nhé.”
Phương Mục Dương gật đầu: “Vâng, lần sau tới không mang gì nữa.”
Cha Phí sợ Phương Mục Dương lại tiếp tục tới nữa thật, lập tức nói: “Bọn chú hay đi vắng lắm, lần này là trùng hợp đúng dịp ở nhà cả đấy, nếu không cháu đến lại chẳng gặp ai.”
“Thế mọi người thường hay ở nhà lúc nào?”
“Chuyện đấy…” Cha Phí nâng chén trà, lại hớp thêm một ngụm nữa.
Phí Nghê dẫn Diệp Phong tới cửa nhà trước, sau đó mới đặt thịt ngâm nước sốt và dạ dày rim mới mua lên chiếc bàn nhỏ trên lối đi vào gian bếp.
Mẹ Phí thì thầm bên tai cô: “Cái cậu Tiểu Phương ở bệnh viện kia vừa đến.”
“Ai cơ ạ?”
“Thì là cậu Phương Mục Dương kia đó.”
“Thật ạ?”
Sự phấn khích trong giọng nói của Phí Nghê không thể qua mắt mẹ Phí, bà nghe xong liền nhíu mày: “Con rốt cuộc nghĩ thế nào? Bây giờ con vẫn còn đang theo Diệp Phong đấy, đừng có bắt cá hai tay rồi lại vạch áo cho người xem lưng.”
“Không như mẹ nghĩ đâu ạ.” Phí Nghê chắc mẩm Phương Mục Dương đã khôi phục trí nhớ rồi, nếu không sao bệnh viện có thể để cậu ta ra ngoài dễ dàng như vậy? Cậu ta khỏe lại, có lẽ cô vẫn sẽ được bình bầu tiên tiến.

Nhưng cả tháng nay cô không đến bệnh viện rồi, chưa biết chừng đã bị nhận định là phần tử đầu cơ thất bại.

Song dù là trường hợp nào, Phương Mục Dương khôi phục trí nhớ vẫn không phải chuyện gì xấu.
“Con đi đâu đấy?”
“Con ra ngoài mua dưa hấu.”
“Đừng mua, hôm nay mẹ đã nấu mì thịt kho rồi, con lại mua nhiều đồ ăn như vậy, sao còn bụng mà ăn dưa hấu nữa?” Mẹ Phí hạ giọng gọi với theo cô.

“Con mau mau vào trong đi, chẳng may Tiểu Phương kia nhỡ mồm nói ra gì đó làm hỏng mất chuyện của con thì phải làm sao bây giờ?”
Phí Nghê bỏ ngoài tai lời mẹ nói, vẫn cứ xuống tầng đạp xe ra hàng hoa quả mua dưa hấu.

Cô đã quen với một Phương Mục Dương đến móng tay mình cũng chẳng biết cách tự bấm, hiện giờ nếu như cậu ta thực sự nhớ lại hết rồi, cô quả thực không biết phải đối mặt với cậu ta như thế nào.
Phương Mục Dương cũng không làm hỏng chuyện của Phí Nghê.

Anh giới thiệu với Diệp Phong mình là bạn học cũ của Phí Nghê, vì muốn cảm ơn cô đã chăm sóc mấy ngày qua nên mới tới nhà thăm hỏi.

Biết chuyện Phí Nghê đi mua dưa hấu, anh giao lại cái túi mình mang đến cho cha Phí.

Cha Phí khách sáo đã quen, tức thì giữ anh ở lại ăn cơm, song Phương Mục Dương từ chối, bảo mình còn phải tranh thủ thời gian để quay trở về bệnh viện..

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN