Tình Yêu Phù Thủy (Biệt Thự Bạch Mã) - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
132


Tình Yêu Phù Thủy (Biệt Thự Bạch Mã)


Chương 2


Bà Gérahty mở cửa nhà cha xứ một cách giận dữ quen thuộc. Bà có ý định trả lời tiếng chuông gọi bằng một việc làm có kết quả là “Lần này ta sẽ bắt được mày ngay tại đây”.

– Thế nào, cậu muốn gì? – Bà cau có hỏi.

Một chú bé đứng trên thềm, một đứa trẻ không đáng chú ý. Chú bé khịt mũi vì bị chứng cảm mạo.

– Có đúng là nhà của ông Cha cố ở đây không?

– Có phải là cậu muốn hỏi Cha Gorman không?

– Người ta yêu cầu Cha.

– Ai, ở đâu và để làm gì?

– Ở nhà số hai mươi ba, phố Benthall. Có một người đàn bà nói rằng bà ta sắp chết. Bà Coppins sai tôi tới đây. Có đúng đây là nhà của Cha không? Bà sắp chết nói rằng không mời ông mục sư đạo Tin Lành làm việc này.

Bà Gérahty yên tâm về chú bé vì cái chi tiết cốt yếu này, bảo chú đứng đợi và chạy biến vào trong nhà xứ. Khoảng ba phút sau, một ông Cha cao lớn, đứng tuổi, tay xách một chiếc vali nhỏ hiện ra.

– Ta là Cha Gorman đây – ông nói – ở phố Benthall à? Có phải phố này ở phía dưới nhà kho của đường sắt không?

– Đúng là như vậy. Cách nhau vài bước chân thôi.

Họ ra đi, kề bên nhau, ông Cha bước những bước dài.

– Bà Coppins à… Có phải cháu đã nói thế?

– Bà ấy là chủ nhà. Bà cho thuê phòng. Đó là một trong những người thuê nhà mời Cha. Bà ấy là Davis, cháu nghĩ thế.

– Davis? Ta tự hỏi có phải là… Ta không nhớ nữa…

– Ồ, đó là một trong những con chiên của Cha. Một người theo đạo Thiên Chúa, cháu muốn nói như vậy. Bà ấy không muốn mời ông mục sư.

Ông cha cố hất đầu. Họ nhanh chóng đến phố Benthall. Chú bé chỉ một ngôi nhà cao, màu xỉn trong số những ngôi nhà cũng giống như thế.

– Đây!

– Cháu không vào à?

– Cháu ở đằng kia. Bà Coppins đã cho cháu một xu rồi.

– À! Tốt. Cháu tên là gì?

– Mike Potter.

– Cảm ơn Mike.

– Không có gì – Chú bé trả lời, vừa chạy vừa huýt sáo, hình như ít xúc động trước việc cái chết tới gần một trong những đồng loại của chú.

Bà Coppins đón khách tới thăm với vẻ hoan hỉ:

– Xin mời Cha vào! Xin mời Cha vào! Bà ta rất yếu. Đáng lý bà ta phải nằm trong nhà thương chứ không phải nằm ở đây. Con đã gọi dây nói tới đó, nhưng có trời mới biết là khi nào họ mới quyết định đến. Đã sáu tiếng đồng hồ liền người chồng của cô em gái con đứng đợi họ với một cái chân què. Thật là đáng xấu hổ, con xin nói với Cha như thế.

Vừa nói bà vừa đưa Cha lên một thang gác hẹp.

– Bà ta bị bệnh gì?

– Bà ta bị cúm. Sau đó bà ta đã đỡ. Nhưng bà ta đi ra ngoài quá sớm.

Chiều hôm sau, khi đi làm về, mặt bà ta như mặt người dưới đất đào lên. Con đã đặt bà ta lên giường.

Bà ta không muốn ăn gì và từ chối mời thầy thuốc. Sáng hôm nay con thấy bà ta vẫn sốt cao. Bà ta chết đến ngực rồi.

– Bị viêm phổi à?

Bà Coppins thở gấp, bà thở rít lên như để tỏ vẻ tán thành. Bà mở mạnh một cái cửa và đứng nép mình để Cha đi qua và nói bằng một giọng vui vẻ:

– Đây ông linh mục của bà đây. Bây giờ bà có thể yên tâm.

Căn phòng sạch sẽ, gọn gàng. Một người đàn bà nằm trên giường cố gắng quay đầu ra. Trông thấy rõ là bà ta đã rất yếu.

– Cha đã tới… Không còn nhiều thời gian nữa… Cầu xin con không thể chết như thế này được… Con muốn xưng tội… Thật là nghiêm trọng… Rất nghiêm trọng – Bà ta thì thào hổn hển – Một tôi ác như thế…

Cặp mắt bà lờ đờ. Những lời nói không ngừng thốt ra trên đôi môi bà.

Cha Gorman đến bên giường và nói như Cha vẫn thường nói với một giọng đầy quyền lực để làm bà vững lòng. Cha biết tìm những lời hợp với giáo chức và với đức tin của mình. Sự bình yên bước vào căn phòng. Sự đau đớn rời khỏi cặp mắt đang bị hành hạ…

– Phải ngăn chặn… cần phải ngăn chặn cái đó lại… Cha sẽ làm việc đó chứ – Người đàn bà nói trong khi được các vị Thánh tới rước đi.

– Bà hãy tin. Tôi sẽ làm những công việc cần thiết – Cha Gorman nói một cách chắc chắn.

Một bác sĩ và một chiếc xe lưu động tới ngay sau đó.

– Chậm quá rồi, bao giờ cũng vậy – bà Coppins nói bằng một giọng thê thảm, không giấu vẻ đắc thắng – Bà ta đã chết…

Cha Gorman trở về nhà trong đêm tối. Sương mù xuống. Đi được một lúc, Cha dừng lại, cau mày. “Thật là một câu chuyện kỳ lạ… Bà ấy đã mê sảng như vậy trong bao lâu? Ở bà ấy có một phần sự thật, chắc chắn là như vậy, nhưng sự thật nào? Bây giờ cần ghi lại một vài cái tên trong khi ta còn nhớ một cách chính xác..”. Bất chợt Cha bước vào một quán giải khát nhỏ, gọi một tách cà phê, ngồi xuống và đưa tay vào túi áo choàng. A cái nhà bà Gerahty! Lại một lần nữa, bà ta quên khâu lại lỗ thủng trong túi áo. Cuốn lịch túi, mẩu bút chì và tiền nong đều rơi qua chỗ thủng, nằm vào lần trong vải lót lất cả. Tìm mãi Cha chỉ thấy mẩu bút chì và vài đồng tiền lẻ, còn cuốn lịch túi thì không thấy d9âu nữa. Chủ quán mang cà phê tới và Cha hỏi xin anh ta một mẩu giấy.

– Mảnh này được không, thưa Cha?

Mảnh giấy được xé từ một cái túi đựng hàng ra. Cha Gorman nhận mẩu giấy và bắt đầu viết. Trước hết là những tên người. Đó là việc đầu tiên.

Cửa quán cà phê bật mở. Ba người trẻ tuổi bước vào và ngồi xuống một cách ồn ào.

Ông cha cố đã viết xong bản danh sách và gấp mẩu giấy lại, khi cha định cho vào túi thì chợt nhớ ra cái lỗ thủng trong túi và Cha nghĩ tới cái cách đôi lần đã áp dụng. Cha nhét mẩu giấy vào một chiếc giày của mình.

Một người vào quán một cách kín đáo, ngồi vào một góc. Cha Gorman uống một ngụm nước xanh nhạt trong tách, trả tiền và đi ra.

Người khách vừa đến tỏ ra thay đổi ý kiến. Người ấy nhìn đồng hồ quả quít và cũng vội vàng đi ra khỏi quán.

Sương mù xuống rất nhanh. Cha Gorman đi vội vàng. Cha biết rõ phố này. Có lẽ Cha cảm thấy có tiếng chân đi theo sau, nhưng Cha không chú ý. Tại sao người ấy lại làm như vậy?

Một nhát gậy làm Cha hoàn toàn ngạc nhiên. Cha lảo đảo và ngã gục.

* **

Bác sĩ Corrigan vui vẻ thổi sáo miệng khi bước vào phòng làm việc của thanh tra Lejeune.

– Tôi đã khám xong cho vị linh mục của anh – Bác sĩ nói thong thả.

– Thế nào?

– Bị đánh bằng dùi cui. Cha bị chết ngay sau cú đầu tiên, nhưng kẻ kia thì không đòi hỏi gì hơn. Một việc làm bẩn thỉu.

– Phải – Lejeune nói.

Vóc người chắc nịch, viên thanh tra có mớ tóc nâu và cặp mắt xám. Những cử chỉ của anh nhanh nhẹn, dứt khoát, dưới một vẻ bình thản dễ đánh lừa, khác hẳn với cái nguồn gốc người Pháp của anh.

– … Quá bẩn thỉu hơn là cần thiết đối với việc ăn cướp – Anh nói thêm, nghĩ ngợi.

– Đây có phải là lý do không?

– Tát cả đều có thể tin là như vậy. Cái túi áo bị lộn ra, lần lót của áo choàng bị xé rách.

– Người ta không thể chờ đợi để tìm thấy cái gì lớn lao hơn trên người Cha. Thường thường các Cha cố đều nghèo rớt mùng tơi.

– Người ta đã đập vỡ sọ Cha. Tại sao?

– Tôi thấy có thể có hai câu trả lời. Cha bị một kẻ bất lương truỵ lực nào đó đánh. Việc giết người chỉ vì sự thích thú giết người. Cái đó không thiếu. Than ôi!

– Hay là sao nữa?

Người thầy thuốc nhún vai:

– Một kẻ nào đó muốn Cha Gorman phải chết.

Lejeune lắc đầu.

– Thực tế thì không thể tưởng tượng được. Cha rất bình dân, được cả xứ đạo yêu mến. Người ta thấy Cha không có một kẻ thù nào. Còn về ăn cướp thì lại càng khó tin, ít nhất là…

– Ít nhất là sao? – Corrigan hỏi – Anh đã có dấu vết? Đúng không?

– Đúng là Cha có cái gì đó trong người… trong giày.

Corrigan huýt một tiếng sáo miệng.

– Người ta nói đây là một truyện trinh thám?

Lejeune cười:

– Còn đơn giản hơn là như thế. Túi của Cha có lỗ thủng. Trung sĩ Dine đã hỏi bà phục vụ. Bà ta có phần nào đãng trí và đã không khâu vá quần áo cho Cha như bổn phận của bà. Bà ta đã dặn Cha Gorman, lúc này lúc khác, nhét một mảnh giấy hay một bức thư vào giày của Cha để chúng khỏi rơi vào lần vải lót của áo choàng.

– Và kẻ giết người không biết điều đó?

– Chắc chắn là hắn không nghĩ tới. Cứ cho là hắn muốn chiếm đoạt mảnh giấy này hơn là một vài đồng tiền nhỏ khốn khổ.

– Trên mẩu giấy đó có cái gì?

Lejeune lục trong ngăn kéo và lấy ra một mảnh giấy nhàu nát.

– Một bản kê tên người?

Corrigan nhìn với vẻ ngạc nhiên:

– Ormerod- Standford.

– Parkinson.

– Hesketh – Dubois.

– Shaw.

– Harmondsworth.

– Tuckerton.

– Corrigan?

– Delafontaine?

– Này, tên tôi có trong bản danh sách – Người thầy thuốc kêu lên.

– Một trong những cái tên đó có nói lên với anh điều gì không?

– Không một điều gì.

– Và anh chưa bao giờ trông thấy Cha Gorman?

– Chưa bao giờ.

– Như vậy đối với chúng tôi anh không phải là cái có ích lớn lao.

– Anh có ý kiến gì về ý nghĩa của bản danh sách này… nếu nó có một ý nghĩa?

Lejeune không trả lời trực tiếp.

– Vào lúc bảy giờ tối, một cậu bé đến tìm Cha Gorman. Một người đàn bà đang hấp hối muốn được gặp Cha, cậu bé nói thế. Toà nhà thuộc về một bà Coppins nào đó. Người ốm tên là Davis. Cha tới vào lúc bảy giờ mười lăm phút. Cha ở lại đó chừng nửa tiếng đồng hồ. Bà Davis chết đúng vào lúc xe cấp cứu lưu động chạy tới nơi để mang bà đi bệnh viện. Chúng tôi đã tìm được dấu vết của Cha Gorman trong một quán cà phê nhỏ hạng ba. Chủ quán là người rất thật thà. Cha Gorman gọi một tách cà phê. Sau đó, hình như Cha đã loay hoay lục tìm trong túi nhưng không thấy cái mà Cha định tìm. Cha đã hỏi xin Tony, tên người chủ quán, một mảnh giấy. Anh này…

– Sao nữa?

– Tony đã thấy Cha viết lên mẩu giấy. Cha đã ra đi sau khi không kịp uống hết tách cà phê. Cái đó làm cho tôi không có điều gì chê trách Cha.

– Không có ai nữa trong quán?

– Có ba thanh niên và một người đàn ông đứng tuổi, người này đi ra ngay mà không dùng gì cả.

– Hắn đã theo dõi vị linh mục?

– Cái đó thì có thể. Tony không trông thấy người đó đi ra. Anh ta cũng không nhìn kỹ xem người đó giống ai. Chiều cao trung bình, anh ta cho là như thế, mặc một áo khoác xanh hoặc nâu. Tóc không nâu mà cũng không hung. Không có một cái gì khiến anh ta phải chú ý trong việc này. Anh ta chưa phát biểu gì. Chúng tôi cũng yêu cầu mọi người đã trông thấy linh mục quãng từ tám giờ kém mười lăm đến tám giờ mười lăm liên hệ với chúng tôi. Chỉ có một người đàn bà và một ông dược sĩ có một cửa hàng dược phẩm ở gần đó tới trình diện. Lát nữa tôi sẽ gặp họ. Xác chết được hai cậu bé phát hiện ra lúc tám giờ mười lăm phút ở phố West. Anh biết chứ? Một phố nhỏ, một bên là đường sắt.

Corrigan gõ gõ lên mảnh giấy.

– Cảm tưởng của anh về cái này?

– Tôi cho rằng đây là một vật quan trọng – Lejeune trả lời.

– Người đàn bà hấp hối đã xưng tội, và cha đã ghi những cái tên đó để đề phòng khi quên mất chúng. Cha sẽ làm gì nếu Cha nắm được sự bí mật của những lời tiết lộ?

– Chẳng có gì chứng tỏ là Cha nắm được sự bí mật. Chúng ta giả định những người có tên mà Cha ghi đã đi sâu vào… chúng ta hãy nói là một vụ tống tiền. Đó là một giả thiết đơn giản. Cũng có thể những người đó là những nạn nhân của một vụ tống tiền. Còn người chết, chính bà ta, là kẻ đi tống tiền hoặc là bà ta biết rõ việc tống tiền. Hối hận, thú tội, ý muốn được sửa chữa trong chừng mực có thể và Cha Gorman đã đảm đương trách nhiệm về việc này.

– Và sau đó?

– Tất cả những cái còn lại đều là giả thiết. Đây phải là một công việc có nhiều lợi ích và kẻ nào đó muốn rằng công việc phải được tiếp tục thực hiện. Kẻ đó đã biết bà Davis muốn gặp Cha khi sắp chết. Cái còn lại tự nó đặt ra.

– Tôi tự hỏi – Corrigan nhấn mạnh trong khi nghiên cứu mẩu giấy – Tại sao lại có dấu chấm hỏi đối với hai cái tên cuối cùng?

– Có thể là Cha Gorman không tin vào trí nhớ của mình.

– Cái đó có thể hoặc là Mulligan hoặc là Corrigan – Người thày thuốc nhăn nhó nói – Delafontaine đó là cái tên mà người ta còn dùng… Parkinson thì có hàng đống… Standford, không phải là cái tên thường thấy. Hesketh-Dubois, đọc hết hơi về cái tên này, nó không thể có nhiều.

Theo một sự thôi thúc tự nhiên, anh cầm lấy cuốn danh bạ điện thoại trên bàn giấy.

– Xem nào, Hesketh. Bà… John và Công ty đặt ống dẫn nước… Ngài Isidore. À! Tôi thấy rồi! Hesketh – Dubois phu nhân, số nhà chín, phố Ellesmere. SW 1. Nếu chúng ta gọi điện cho bà ấy thì sao?

– Để nói với bà ấy về cái gì?

– Ý kiến sẽ tới sau – Người thầy thuốc trả lời nhẹ nhàng.

Lejeune nhấc máy.

– Cho tôi nói ra bên ngoài, xin cô – Anh nhìn Corrigan – Số mấy?

– Grosvenor sáu bốn năm bảy tám (64578).

Lejeune nhắc lại số máy đó và đưa ống nói cho người thầy thuốc.

– Xin mời anh hãy vui đùa.

Một thoáng bối rối, Corrigan cầm máy và chờ. Chuông reo nhiều lần trước khi có một người đàn bà thở hổn hển trả lời:

– Grosvenor sáu bốn năm bảy tám đây!

– Đấy có phải là nhà phu nhân Hensketh-Dubois không?

– Ô, vâng, nhưng…

– Tôi có thể nói chuyện với phu nhân được không? Xin cô giúp cho.

– À, không, cái đó không thể được! Phu nhân Hensketh-Dubois đã qua đời vào tháng Tư vừa rồi.

– Ồ!

Không trả lời người đàn bà khi người này hỏi tên mình, Corrigan nhẹ nhàng đặt máy vào giá.

– Vì như vậy mà anh thu xếp để tôi nói chuyện? – Người thầy thuốc hỏi với giọng lạnh lùng.

Lejeune cười tinh quái:

– Chúng tôi không quên cái gì cả. Xin anh lưu ý cho.

– Tháng Tư vừa qua – Corrigan mơ màng nói – Đã năm tháng rồi. Năm tháng trong đó việc tống tiền, nếu đúng là như vậy, đã thôi không làm khổ bà ấy. Có phải bà ấy đã tự tử không?

– Không, bà ta chết vì có khối u ở trong óc.

– Chúng ta phải làm lại từ đầu.

Lejeune thở dài.

– Và chúng ta cũng không rõ là bản danh sách này có giá trị gì không. Có thể không chỉ có việc đánh bằng dùi cui trong lúc sương mù mà không có một sự may mắn lớn nào đó thì ít hy vọng tìm ra thủ phạm.

– Anh thấy có trở ngại gì nếu tôi tiếp tục nghiên cứu bản danh sách này không? – Người thầy thuốc hỏi.

– Anh lấy đi. Chúc anh may mắn trong phạm vi có thể.

– Thật là lạ lùng nếu tôi tìm ra một cái gì đó trong khi anh thất bại. Tôi sẽ tập trung nghiên cứu cái tên Corrigan này, là ông, là bà hay là cô với một dấu hỏi lớn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN