Tớ Đã Học Tiếng Anh Như Thế Nào
Tớ Vào Lớp Một
Các ấy ơi, không phải cứ bố mẹ chọn trường nào cho mình là mình sẽ học trường đó đâu. Còn phải thi xem có được vào trường đó không nữa chứ. Từ hồi nảo hồi nào, tớ cũng vài ba lần thi rồi. Thi bé khỏe bé đẹp này, thi để tuyển cộng tác viên cho truyền hình này. Những cuộc thi cũng gay go ra phết. Vậy nên, khi lần này mẹ nói phải ôn tập để chuẩn bị thi vào trường, tớ cũng khá căng thẳng. Trường đẹp thế, chắc hẳn phải có nhiều bạn muốn vào. Khu nhà vệ sinh của trường khá ổn, chắc không đến nỗi phải nhịn đi tè. Nếu không cố gắng sẽ phải vào học ở một trường mà trong nhà vệ sinh có rất nhiều chuột cống, to bằng bắp đùi ngồi mở mắt thao láo nhìn mọi người qua lại – mẹ tớ bảo thế.
Mẹ tớ bắt đầu chiến dịch ôn thi cho tớ và tớ nghiêm chỉnh chấp hành. Nghe đâu có bạn còn tập trung trong các lớp để luyện thi nữa. Buồn cười thế, không biết những lớp đó gọi là gì nhỉ, có gọi là “lớp luyện thi cấp tốc vào lớp Một” không hay gọi là “lò luyện thi” như những lớp ở cạnh nhà tớ vẫn hay có. Ôn thi cho tớ, mẹ tớ chủ yếu luyện tớ ở điểm nói năng cho trôi chảy, mạch lạc. Cái chính là không thấy “run” khi vào phòng thi. Điều này thì tớ tự cho mình điểm cộng. Tớ thấy người lớn ai cũng yêu trẻ con cả. Cho nên, mình không cần phải sợ.
Tuy nhiên, nếu người lớn để trẻ con tự giải quyết theo kiểu trẻ con thì có lẽ trẻ con sẽ đỡ sợ hơn, tớ nghĩ thế. Tớ nhớ trong truyện Tottochan – Cô bé bên cửa sổ mà tớ nói ở trên, có lần bạn nhỏ đánh rơi một cái ví xuống hố phân, bạn ấy tiếc đứt cả ruột lên ấy chứ. Thế là bạn ấy kiên nhẫn múc từng gáo phân lên để tìm. Khi thầy hiệu trưởng thấy, thầy vô cùng kinh ngạc nhìn Tottochan bên cạnh một đống phân to đùng, mồ hôi nhễ nhại. Thế nhưng khi hỏi lí do xong, thầy bảo Tottochan cứ tiếp tục tìm cái ví nhưng với điều kiện là sau đó phải múc toàn bộ chỗ phân về chỗ cũ. Tớ rất kinh ngạc về chi tiết này. Nếu là mẹ tớ hay một ai khác, chắc chắn sẽ phải hét ầm lên về việc làm dại dột và bẩn thỉu. Mẹ tớ rất không thích khi chân tay tớ lấm lem. Cho nên tớ nghĩ giá mà thay bằng việc phải thi, chúng mình được vào phòng thi, bạn nào thấy mình giỏi về cái gì nhất thì tự nói ra. Có bạn sẽ chọn môn vẽ, bạn chọn hát hoặc cũng có bạn giỏi việc chạy bộ cũng không sao. Nhưng mẹ tớ bảo, nếu làm vậy thì sẽ không còn là phòng thi nữa. Thay vì việc coi thi, các cô giáo sẽ phải chạy từ nơi này đến nơi kia để xem năng khiếu của các bạn. Nếu chợt có bạn nào đó nói “con giỏi trèo cây ạ” các cô sẽ phải căng mắt ra nhìn lên cây. Nhỡ bạn ấy trèo lên cây rồi thấy hay quá, không muốn xuống để thi tiếp nữa thì làm sao, các cô giáo không thể trèo lên để bắt bạn ấy xuống được vì các cô đều mặc áo dài… Lí lẽ mẹ tớ đưa ra rất thuyết phục cho nên tớ hiểu rằng, dù sao thì mình cũng phải thi theo như quy định chung thôi.
Chờ đợi mãi rồi ngày thi cũng đến. Hình như đó là dịp tháng Tám thì phải. Hôm ấy, nắng gay gắt. Mẹ tớ diện cho tớ một chiếc áo rất đẹp, cho áo vào trong quần và còn thắt một chiếc nơ nữa. Mẹ nhìn tớ có vẻ rất hài lòng. Tớ cũng thấy mình bảnh bao hơn nhưng nói thật là rất nóng! Trên đường đi, mẹ còn tranh thủ dặn tớ, nào là phải bình tĩnh, phải ngoan, phải cẩn thận… rất nhiều thứ “phải” mà tớ đã được nghe cũng khá nhiều lần rồi. Tớ cũng không tập trung lắm vì còn mải nhìn đường. Từ hôm đến thăm trường buổi đầu, hôm nay mới là buổi thứ hai tớ quay lại. Tớ cứ nghĩ miên man, nếu giả sử mẹ quên không đến đón thì sao nhỉ, liệu mình có tìm được đường về nhà không? Tớ lại tiếc là sáng nay đi không cầm theo mấy hạt đỗ để rắc trên đường, giống như trong truyện về các anh em tí hon khi bị bố mẹ bỏ rơi ý, để vẫn tìm được đường về. Nhưng mẹ chắc chẳng quên mình đâu. Nghĩ thế nên tớ yên tâm với việc nghe mẹ dặn dò.
Trường thi đông nghịt người. Cũng toàn các bạn nhỏ như tớ. Bạn nào cũng có vẻ rất diện. Chắc là để lấy lòng cô giáo chấm thi. Vì nếu không cô sẽ nghĩ: Trời ơi, mũi anh này bẩn thể, không biết nhận vào học xong cu cậu có bôi ra áo mình không? Thành ra, tớ thấy nhiều bạn nữ mặc những bộ váy rất diêm dúa, tóc thắt nơ xinh lắm. Chưa vào lớp Một mà trông chúng tớ có vẻ khác hẳn rồi đấy. Vì nhiều “thí sinh” quá nên kì thi phải chia ra làm hai ca. Các phụ huynh thi nhau chen lấn để xem con mình thi ở phòng số mấy. Tớ thi ca hai, phòng thi số 9. Tớ phải ngồi chờ cho các bạn thi ca một xong xuôi mới được vào. Trong lúc ngồi chờ, nhìn xung quanh thấy một số bạn cũng đang được mẹ dặn dò (chắc cũng một loạt những cái “phải” như mẹ tớ). Một số bạn khác thì có vẻ rất tự tin chạy đuổi nhau trong sân trường. Phòng thi nằm ở tầng hai, phía cầu thang được ngăn không cho phụ huynh đi lên. Ca một bắt đầu vào thi. Từng phòng thi sẽ xếp hàng đợi cô giáo từ trên tầng xuống dắt lên. Kể từ phút này, không được nắm tay mẹ nữa. Lúc xếp trong hàng nhiều bạn rất hùng dũng nhưng khi mẹ vừa buông tay ra đã khóc ầm ĩ.
Ca một vào, sân trường yên ắng hơn. Các bạn cùng thi ca hai với tớ cũng ngồi yên, chắc ai cũng đang nghĩ xem lúc mình lên tầng hai thì sẽ như thế nào. Một số bạn bên cạnh tớ còn lấy quyển sách Tiếng Việt lớp Một ra đọc vèo vèo mới khiếp chứ. Chắc biết tớ lo lắng nên mẹ quay sang rỉ tai: “Sách ấy khi nào con vào học, các cô giáo sẽ dạy, không cần thiết phải học trước đâu.” Tớ cười một cách yếu ớt. Tớ đang nghĩ đến những cô giáo mà tớ vừa nhìn thấy loáng thoáng. Cô nào cũng mặc áo dài xinh lắm nhưng có vẻ gì đấy nghiêm trang chứ không như cô giáo hồi mẫu giáo. Dưới sân trường, những phụ huynh có con đang thi có vẻ rất sốt ruột, cố gắng nghển cổ lên tầng hai để nghe ngóng. Nhất là khi có tiếng khóc của một bạn nào đó ré lên, tất cả đều hướng ánh mắt vào đó, rồi thở phào khi đó không phải con mình. Có nhà đi theo rất đông, cả ông, bà, bố mẹ còn cầm theo máy quay nữa. Chắc cả nhà muốn ghi lại hình ảnh rất trọng đại rồi chú thích ở dưới “Thí sinh lớp Một”. Trong lúc đang rối bời thì mẹ tớ đọc cho tớ nghe bài thơ Nghé đi thi, đại thể là về một chú nghé ọ lần đầu tiên đi thi nghé xem con nào gầy, con nào béo. Nghé tung tăng đi nhưng đến cuối cùng nghé quên mất nhiệm vụ, lại chạy ù lên đồi cao. Buồn cười thế, mẹ tớ làm tớ quên cả hồi hộp. Nhất định mình không thể như chú nghé ngây thơ, ngốc nghếch kia được. Mẹ tớ luôn thế, luôn làm tớ cảm thấy yên tâm mà. Chờ đợi mãi rồi ca một cũng xong. Các bạn ca một được dắt ra ngồi ở phòng chờ, đợi bố mẹ ra đón. Ai cũng hớn hở chứ không như lúc ban đầu. Nhìn thèm ơi là thèm!
Bây giờ mới đến lượt chúng tớ đây. Mẹ không dắt tớ vào hàng mà chỉ chỗ để tớ tự đứng xếp hàng, mẹ ngồi xa xa mỉm cười. Tớ đứng ngay đầu tiên. Một chiếc biển phòng thi được đặt vào tay tớ. Hóa ra một cô giáo nhờ tớ cầm hộ. Ôi, tớ thích lắm! Cứ như là diễu hành đến nơi! Tớ say sưa với cái biển đến nỗi suýt nữa thì quên nhiệm vụ phải đi theo cô. Lên đến nơi, có bạn khóc ghê lắm, cô giáo trong phòng ra sức dỗ dành mà bạn ấy không nín. Tớ cũng trổ tài dỗ cùng, hồi đi học mẫu giáo, tớ đã mấy lần được cô sai xuống trông các em ở lớp chồi. Rồi bạn ấy cũng nín, ngồi cạnh tớ, lem nhem nước mắt. Cô giáo gọi từng bạn, chỉ một vài chữ cái xem mình có biết không, rồi hỏi cách phát âm tiếng Anh. Đến lượt tớ, cô hỏi tớ có thuộc bài thơ nào không, tớ đọc luôn bài thơ bố tớ viết tặng: “Thằng Nam của bố ơi/ Đôi mắt đen lay láy/ Miệng bi bô tập nói/ Làm gà ò, ó, o”… Bài thơ rất dài và rất cảm động vì nói lên tình cảm của bố tớ với tớ mà. Cô có vẻ hài lòng, còn xoa đầu tớ nữa chứ. Cũng nhiều bạn không đọc thơ mà hát. Buồn cười có bạn hát đến giữa chừng thì quên, đứng giữa lớp mặt đỏ nhừ nhưng cô chẳng trách mắng mà còn cười khiến chúng tớ cũng cười theo. Nói chung là thi vui cực, chẳng như mẹ tớ đã miêu tả. Nhoáng một cái đã thi xong. Chúng tớ bước ra khỏi phòng thi mà còn nhìn cô giáo coi thi lưu luyến. Cô có vẻ rất quý tớ, bằng chứng là cô còn nhớ được cả tên của tớ: “Nam đưa các bạn xuống phòng đợi bố mẹ nhé!” Lúc ấy, tớ ước gì khi vào học, tớ sẽ học cô, để cô luôn cho tớ cầm biển lớp. Mẹ đã đợi sẵn cùng với mẹ các bạn khác. Mẹ tớ không hỏi tớ thi có tốt không mà chỉ ôm tớ rất chặt. Chắc vừa xa tớ một tí mà mẹ tớ đã nhớ rồi. Mẹ tớ tuy thế mà mít ướt lắm, có hôm ra đón tớ ở lớp mẫu giáo, không thấy tớ vì tớ còn bận trông các em nhỏ lớp dưới thế mà mẹ tớ đã khóc. Mẹ tớ nói, dù sao mẹ tớ cũng là phụ nữ thôi, sau này tớ phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ tớ.
Tất cả ngồi đợi để xem luôn kết quả thi. Trong danh sách thi sẽ ghi chữ Đ nếu bạn nào đó thi đạt. Mẹ tớ dò tìm tên tớ với một chữ Đ to đùng. Ngay lập tức, mẹ gọi cho bố tớ báo kết quả. Coi như từ đây tớ sẽ chính thức là học sinh của trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn!
Từ khi thi đỗ đến lúc chính thức khai giảng còn phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Mẹ mua cho tớ một bộ sách giáo khoa mới tinh và rất nhiều vở nữa. Nhưng hình như nếu các ấy không mua trước thì đến khi vào trường các cô giáo cũng mua hộ. Vở mua của trường lại còn có cả ảnh trường ở trang bìa nữa, có cả ba lô in biểu tượng của trường. Nhưng mà tớ không thích, hay bị nhầm lẫn giữa bạn nọ với bạn kia. Thế nhưng mẹ tớ bảo nếu mình mang chiếc ba lô đó, mình sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn danh tiếng của trường, nếu mình làm việc gì xấu, mọi người sẽ nói: “Học sinh của trường Lê Quý Đôn đấy!”, thế là không hay rồi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!