Trăm Năm Cô Đơn - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
118


Trăm Năm Cô Đơn


Chương 8


Ngồi trên chiếc ghế xích đu làm bằng gỗ liễu giỏ, với đồ thêu thùa để trong lòng, Amaranta ngắm Aurêlianô Hôsê lần đẩu tiên trong đời cạo râu. Cậu đang lia lưỡi dao cạo trên cái cằm đầy bọt xà phòng. Lưỡi dao cạo làm chảy máu những mụn nhân, làm đứt môi trên do cậu cố ý tỉa bộ ria mép màu hung hung, nhưng dù cậu cố sức nó vẫn cứ y nguyên như trước. Cái công việc cạo râu quá tỉ mẩn của cậu khiến Amaranta có cảm giác trong lúc ấy cậu đã bắt đầu già.

– Nom cháu giống Aurêlianô như đúc khi anh ấy vào tuổi cháu – cô nói. – Cháu đã là người lớn rồi đấy.

Cậu đã là người lớn từ lâu rồi, từ cái ngày Amaranta tưởng rằng cậu hãy còn ranh con nên vẫn cứ khỏa thân trong nhà tắm ngay trước mặt cậu như lâu nay cô vẫn thường làm kể từ ngày Pila Tecnêra đem cậu trả cho gia đình, rũ bỏ trách nhiệm nuôi nấng của thị. Lần đẩu nhìn thấy cô tắm, cậu bé chỉ chú ý đến cái rãnh sâu giữa hai núm vú trên ngực cô mình. Lúc ấy cậu còn ngây thơ lắm đến mức phải hỏi cô bị làm sao ở ngực thế thì Amaranta giả vờ lấy ngón tay gãi ngực rồi trả lời cháu mình: “Cô bị người ta róc, róc thịt đấy”. Sau đó, khi đã bình phục sau trận ốm vì Piêtrô Crêspi tự tử, cô lại cùng tắm chung với Aurêlianô Hôsê trong nhà tắm. Cậu không để ý đến cái rãnh sâu mà trái lại run bắn người vì thích thú lạ lùng trước hai bầu vú hồng hồng căng mọng. Cậu vẫn dõi nhìn cô và nhờ vậy hiểu kỹ hơn cái kỳ lạ của tình thân mật giữa hai cô cháu, và cậu vẫn cảm thấy da mình nổi gai trong lúc ngắm nhìn cô, giống như da cô mình cũng nổi gai khi dội nước. Ngay từ lúc còn rất nhỏ tuổi, cậu đã có thói quen bỏ chiếc võng trống cả đêm để bừng tỉnh dậy trên giường Amaranta, chả là vì nằm bên cạnh cô, cậu đỡ sợ bóng tối hơn. Nhưng kể từ hôm có ý thức thích thú tấm thân ngà ngọc của cô mình, thì động lực thúc đẩy cậu bỏ võng để chui vào mùng của cô không phải là nỗi sợ bóng tối mà là sự thèm khát được cảm nhận hơi thở nồng ấm của Amaranta vào lúc trời hửng sáng. Trong thời kỳ cô cự tuyệt đại tá Hêrinênđô Mackêt, có một buổi đêm về sáng nọ, với cảm giác nghẹt thở Aurêlianô Hôsê thức dậy. Cậu cảm thấy những ngón tay của Amaranta, giống như những con tằm, nóng ran và khao khát, đang lần tìm bụng mình. Giả vờ đang còn ngủ, cậu cựa mình đổi tư thế để chúng khỏi gặp trở ngại trên con đường mò tìm, và lúc ấy cậu nhận ra năm ngón tay thuộc bàn tay không băng dải băng đen, như những con sên mù, đang lần mò giữa hai bẹn mình. Dù hai người giả vờ không biết điều cả hai cùng biết và điều mỗi người biết rõ rằng người kia đã biết, kể từ đêm đó họ gắn bó với nhau trong một sự ăn ý tuyệt vời. Aurêlianô Hôsê không thể ngủ được khi cậu chưa nghe thấy tiếng nhạc van phát ra từ chiếc đồng hồ nơi phòng khách, và cô gái đứng tuổi, mà làn da cô bắt đầu cảm thấy tê tái buồn, sẽ không một phút yên lòng nếu cô chưa cảm thấy kẻ mộng du trườn mình trong mùng. Đó là người cô đã nuôi nấng mà không nghĩ rằng người ấy sẽ là một nới bám víu tạm thời cho nỗi cô đơn của mình. Vậy là bọn họ không chỉ ngủ chung một giường, cùng khỏa thân, cùng thèm khát mân mê nhau mà còn lẵng nhẵng theo nhau khắp các xó xỉnh trong nhà, cùng ở trong buồng đóng kín cửa vào bất kỳ giờ nào, lúc nào cũng hào hứng không biết chán. Có lần bọn họ suýt bị Ucsula bắt quả tang. Vào một buổi chiều nọ, cụ vào kho bột ngô, khi hai người sắp hôn nhau. “Cháu yêu cô lắm phải không?”, cụ hỏi Aurêlianô Hôsê vẻ hết sức ngây thơ. Cậu vâng để trả lời bà mình. “Cháu ngoan lắm”, Ucsula kết thúc, đong bột mì để làm bánh rồi trở về nhà bếp. Sự kiện này đã lôi Amaranta ra khỏi cơn cuồng si. Cô hiểu rằng mình đã vượt quá xa giới hạn, rằng mình không còn hôn hít nó như hôn hít một đứa trẻ nhỏ chơi đùa, trái lại cô đang bì bõm lội trong một cơn đam mê bệnh hoạn vừa nguy hiểm vừa không có lối thoát, rồi cô kiên quyết dập tắt cơn đam mê này. Cũng lúc ấy, Aurêlianô Hôsê vừa kết thúc việc học quân sự, nhận ra sự thực và bỏ nhà để vào doanh trại ngủ. Mỗi thứ bảy đến, cậu đều cùng với đám lính đến tiệm bác Catarinô. Cậu giải buồn với những người đàn bà son phấn mà cứ da diết tưởng tượng họ là Amaranta.

Sau đó ít lâu, những tin tức chiến sự trái ngược nhau bắt đầu được tung ra. Trong khi chính phủ thừa nhận những bước tiến mới của quân khởi nghĩa thì các sĩ quan ở Macônđô nhận được những thông báo tin cậy về một cuộc đình chiến do hai bên thương lượng tất yếu sẽ xảy ra. Vào đầu tháng tư, có một sứ giả tin cậy đến ra mắt đại tá Hêrinênđô Mackêt. Vị này khẳng định với đại tá rằng các lãnh tụ đảng đã bắt liên lạc với các tư lệnh quân khởi nghĩa ở nội địa, và đã sẵn sàng ký một hiệp định đình chiến với điều kiện chính phủ che phái Tự do ba ghế bộ trưởng, một số đại biểu tối thiểu trong nghị viện, và sẽ khoan hồng chung cho những nghĩa quân đã hạ súng. Vị sứ giả mang theo một mệnh lệnh hết sức bí mật của đại tá Aurêlianô Buênđya, người không tán thành các điều khoản của hiệp định.

Đại tá Hêrinênđô Mackêt cần phải chọn năm người tốt nhất và chuẩn bị để trốn ra nước ngoài. Mệnh lệnh này đã được thực hiện trong thời hạn ngắn nhất. Một tuần trước khi bản thỏa ước được loan báo, và trong lòng khí hỗn độn những tin đồn khác nhau, đại tá Aurêlianô Buênđya và mười sĩ quan tin cậy nhất của chàng, trong đó có đại tá Rôkê Cacnixêrô, lặng lẽ trở về Macônđô vào lúc quá nửa đêm, giải tán quân đội, chôn giấu vũ khí, đất bỏ các tài liệu. Vào lúc trời hửng sáng, cùng với đại tá Hêrinênđô Mackêt và năm người dưới quyền chàng, bọn họ đã rời khỏi làng. Đó là một chiến dịch được thực hiện rất nhanh chóng và bí mật đến mức Ucsula không hay biết gì cho đến giờ chót khi có người gõ nhẹ lên cửa sổ phòng ngủ của cụ và thầm thì nói: “Nếu cụ muốn nhìn thấy đại tá Aurêlianô Buênđya thì xin mời cụ ra ngay cửa ạ”. Ucsula vùng dậy, mặc nguyên quần áo ngủ, bước ra cửa, và hầu như cụ mới chỉ kịp nhận ra tiếng vó ngựa của đoàn người đang lặng lẽ phi ra khói làng cuốn theo đám bụi mù mịt. Chỉ đến ngày hôm sau cụ mới được biết Aurêlianô Hôsê đã đi cùng cha mình.

Mười ngày sau kể từ khi một thông cáo chung giữa chính phủ và phái đối lập được công bố báo tin đình chiến, đã có những tin tức về cuộc vũ trang nổi dậy đẩu tiên của đại tá Aurêlianô Buênđya ở biên giới phía đông. Các lực lượng của chàng, không những ít quân lại còn trang bị kém, đã bị đánh tan tác chỉ trong thời gian không đầy một tuần. Nhưng trong suốt cả năm ấy, trong lúc phái Tự do và phái Bảo hoàng cố gắng làm cho đất nước sống trong sự hoà giải thì chàng mưu tính bảy cuộc nổi dậy. Một đêm nọ, từ một chiếc tàu chàng nã pháo vào thành phố Riôacha, và đội tuần tra đã phải dậy giữa đêm, bắn trả thù mười bốn nhà Tự do nổi tiếng bị giam giữ ở thành phố này. Chàng chiếm một sở hải quan ở biên giới trong hơn mười lăm ngày và từ đây chàng gửi đến quốc dân đồng bào lời hiệu triệu tổng khởi nghĩa. Một trong số những đạo quân của chàng đã lạc trong rừng liền ba tháng, vì đơn vị này có nhiệm vụ vượt qua hơn một nghìn năm trăm kilômét đường rừng để nhen nhóm các cuộc chiến đấu xung quanh thủ đô. Đôi lúc chàng chỉ ở cách Macônđô chừng vài chục cây số nhưng chàng đã bị các đội quân tuần tra của chính phủ buộc phải đi sâu vào núi cách không xa địa điểm thú vị nơi nhiều năm trước đây cha chàng đã gặp được xác một chiếc tàu Tây Ban Nha.

Cũng trong thời gian này Visitaxiôn qua đời. Sau khi từ bỏ ngai vàng vì sợ dịch mất ngủ, bà muốn được chết già và nguyện vọng cuối cùng của bà là người ta sẽ đào số lương tích cóp trong vài chục năm chôn ở dưới gầm giường rồi gửi nó cho đại tá Aurêlianô Buênđya để chàng tiếp tục chiến đấu. Nhưng Ucsula không cho đào số tiền, bởi vì ngày ấy người ta đồn rằng đại tá Aurêlianô Buênđya đã chết trong một vụ đổ bộ vào vùng ven tỉnh lỵ. Thông cáo chính thức, cái thông cáo thứ tư trong không đầy hai năm đã cho thấy điều đó là hiển nhiên vì gần như sáu tháng nay người ta không được biết gì về chàng. Bỗng nhiên, khi Ucsula và Amaranta đang để tang mới cho các vị tiền bối, thì có một tin lạ được chuyển đến. Đại tá Aurêlianô vẫn còn sống, nhưng rõ ràng chàng không theo chính phủ nước mình, do đó đã gia nhập các lực lượng liên bang đang thắng thế ở một số nước khác thuộc Caribê. Chàng đến với những đất nước có những tên khác nhau ngày một xa lạ với tên quê hương mình.

Sau đó người ta được biết rằng tư tưởng lúc ấy cổ vũ chàng là tư tưởng về sự thống nhất các lực lượng liên bang vùng Trung Mỹ để quét sạch các chế độ Bảo hoàng từ Alasca đến Patagônia.

Sau vài năm chàng ra đi, bức thư đầu tiên mà Ucsula nhận từ chàng là một bức thư đã nhàu nát lại nhòe nhoẹt được chuyển tay từ thành phố Xantiagô đê Cuba.

– Chúng ta đã vĩnh viễn mất nó rồi, – Ucsula thốt lên khi đọc lá thư bởi vì Lễ Noen trong ngày tận thế sẽ xuất hiện trên con đường ấy(1).

Người được cụ nói điều đó, người đầu tiên cụ chìa cho xem bức thư là tướng Hôsê Raken Môncađa, một người thuộc phái Bảo hoàng. “Rất tiếc là – tướng Môncađa bình luận – Aurêlianô này lại không phải là một người Bảo hoàng”. Ngài thật bụng khâm phục chàng. Cũng như rất nhiều quan chức dân sự Bảo hoàng, Hôsê Raken Môncađa đã tiến hành cuộc chiến để bảo vệ đảng mình và trong chiến đấu đã leo lên quân hàm cấp tướng, mặc dù ngài không có tài thao lược. Trái lại, cũng như rất nhiều người trong đảng mình, ngài là người phản đối chế độ quân phiệt. Ngài coi giới võ biền là đám người lười biếng không có kỷ cương, thích mạo hiểm và tham lam, có kinh nghiệm chống đối các quan chức dân sự để làm giàu trong tình cảnh hỗn độn. Là người thông minh, nhã nhặn, da dẻ hồng hào, người thích ăn ngon và ham các cuộc chọi gà, thế mà đã có lúc ngài là kẻ thù đáng gờm nhất của đại tá Aurêlianô Buênđya. Ngài đã thiết lập được quyền chỉ huy của mình với các nhà quân sự nhà nghề trong cả vùng duyên hải rộng lớn này. Có lần, theo những thỏa thuận chiến lược, ngài buộc phải rút quân khỏi một thị trấn để trao lại cho lực lượng của đại tá Aurêlianô Buênđya, ngài đã để lại hai bức thư cho chàng. Trong một bức thư dài gửi cho đại tá, ngài mời chàng tham gia chiến dịch chung nhằm làm cho cuộc chiến đỡ khốc liệt hơn. Bức thư khác ngài nhờ đại tá chuyển đến cho vợ mình sống trong vùng kiểm soát của các lực lượng vũ trang thuộc phái Tự do. Từ dạo ấy, kể cả trong những lúc chiến sự xảy ra ác liệt nhất, hai vị tư lệnh này đã thỏa thuận ngừng bắn để trao đổi tù binh. Đó là những lúc hưu chiến với không khí vui vẻ đến mức tướng Môncađa đã lợi dụng thời gian ấy để dạy đại tá Aurêlianô Buênđya chơi cờ đam. Đã có những lúc cả hai người nghĩ đến khả năng phối hợp những yếu tố nhân dân có trong cả hai đảng để loại trừ ảnh hưởng của các nhà quân sự và các nhà chính trị nhà nghề, và thiết lập một thể chế nhân đạo nhờ khai thác triệt để những mặt ưu việt của từng học thuyết. Khi chiến tranh kết thức, trong lúc đại tá Aurêlianô Buênđya thường xuyên thất bại, phải chạy trốn theo những hẻm núi thì tướng Môncađa được phong làm Quan thanh tra ở làng Macônđô. Ngài ăn mặc dân sự, dùng cảnh sát không vũ trang thay cho đám dân lệ, ngài buộc mọi người phải tôn trọng mọi quy định của luật ân xá và giúp đỡ một số gia đình là thân nhân của những người Tự do tử trận. Ngài tìm mọi cách để Macônđô được chọn là thị trấn huyện và do đó ngài được bổ nhiệm là thị trưởng và đã vun trồng được một bầu không khí tin cậy lẫn nhau trong dân chúng khiến cho họ nghĩ về chiến tranh như nghĩ về một nỗi cực khổ vô nghĩa lý của thời quá khứ. Cha Nicanô, bị những cơn sốt đau gan hành hạ đã gày nhom và do đó đã bị cha Côrônen – từng được mệnh danh En Cachôrô, một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh của những người thuộc phái liên bang tiến hành đến thay thế. Brunô Crêspi đã kết hôn với Amparô Môscôtê. Nhờ cửa hàng đồ chơi và nhạc cụ của anh không ngừng phát tài, anh đã xây dựng một nhà hát từng được các gánh hát Tây Ban Nha liệt vào các lịch trình biểu diễn lưu động của họ. Đó là một phòng xa lông rộng ở ngoài trời với những chiếc ghế gỗ dài, một tấm phông nỉ có gắn các mặt nạ Hy Lạp và ba phòng bán vé hình đầu sư tử mà qua cái miệng há ra của nó người ta bán vé vào cửa cho khách.

Cũng trong thời kỳ này nhà trường được xây dựng. Đông Mênchô Escalôna, một thày giáo già được phái từ miền đầm lầy tới trông coi trường học. Được sự đồng ý của các phụ huynh, ngài bắt các cậu học trò ương bướng phải quỳ gối đi trên nền sân lởm chởm đá sỏi và bắt những đứa trẻ lắm mồm phải ăn ớt cay. Aurêlianô Sêgunđô và Hôsê Accađiô Sêgunđô, những đứa con sinh đôi của Santa Sôphia đê la Piêđat, là những học trò đầu tiên ngồi trong phòng học với bảng đen, phấn viết, ca nhôm có khắc tên mình. Rêmêđiôt thừa kế được sắc đẹp đích thực của bà mẹ và bắt đầu được làm quen với cái tên Rêmêđiôt – Người đẹp. Mặc dù tuổi cao, mặc dù phải phịu nhiều tang tóc và những hoạn nạn chồng chất, Ucsula vẫn trẻ khoẻ như thường. Được Santa Sôphia đê la Piêđat giúp đỡ, cụ lại kinh doanh nghề kẹo bánh và trong thời gian ngắn, cụ đã không chỉ thu lại tài sản bị con trai tiêu nhẵn trong chiến tranh, mà còn nhồi vàng ròng vào đầy các quả bí khô đem chôn trong phòng ngủ.

“Thượng đế còn cho ta sống, – cụ thường nói, – thì trong ngôi nhà những kẻ điên khùng này sẽ không bao giờ thiếu tiền bạc”.

Mọi chuyện đang diễn ra êm đẹp như thế, bỗng thình lình Aurêlianô Hôsê rời bỏ hàng ngũ quân đội liên bang Nicaragoa, trốn lên một chiếc tàu Đức, rồi xuất hiện ngay tại bếp ăn nhà mình. Cậu trở về người khỏe mạnh như một con ngựa, da sạm nắng và tóc rậm như người Anhđiêng với ý nghĩ thầm kín định cưới Amaranta làm vợ.

Khi Amaranta nhìn thấy cậu bước vào, dù cậu chưa hề nói gì cả cô biết ngay vì sao cậu trở về. Cùng ngồi một bàn mà hai người không dám nhìn vào mặt nhau. Nhưng sau hai tuần trở về, dù Ucsula có mặt, cậu vẫn cứ nhìn thẳng vào mắt cô và nói: “Lúc nào cháu cũng nghĩ tới cô thân yêu”. Amaranta chạy trốn cậu. Cô dò đoán để tránh phải gặp cậu ở những nơi, những lúc bất thình lình. Cô cứ bám lấy Rêmêđiôt – Người đẹp, không rời nửa bước. Cô xấu hổ đỏ bừng hai má trong cái ngày thằng cháu hỏi mình còn mang dải băng đen trên tay đến bao giờ, bởi vì cô hiểu câu hỏi đó như là một lời ám chỉ sự trinh tiết của mình. Khi cậu trở về nhà, cô liền cài chặt cửa buồng mình ngủ. Nhưng trong nhiều đêm nghe rõ tiếng ngáy đều đều hiền hậu của cậu ở phòng bên, cô yên lòng đến mức không đề phòng nữa. Sau gần hai tháng Aurêlianô Hôsê trở về, có một buổi đêm về sáng, cô cảm thấy cậu vào phòng mình ngủ. Thế là, đáng lẽ phải chạy trốn, phải gào toáng lên như cô đã dự định trước, thì cô lại buông thả mình trong cảm giác nhẹ nhàng được nghỉ ngơi, được thỏa mãn. Cô cảm thấy cậu đang trườn trong mùng, như đã trườn từ lúc còn nhỏ, như xưa nay nó vẫn trườn thế, rồi cô không tài nào ghìm được mồ hôi lạnh túa ra và hàm răng run lập cập khi nhận thấy cậu đã hoàn toàn khỏa thân. “Cút đi!”, cô thì thầm đuổi mà cảm thấy như mình đang chết ngạt vì tính tò mò. “Cút đi không tao sẽ kêu lên bây giờ”. Nhưng Aurêlianô Hôsê lúc ấy biết rõ điều mình cần phải làm, bởi vì cậu đâu còn là thằng nhóc sợ bóng đêm mà trái lại đã là một thằng lính chiến. Kể từ đêm ấy, bọn họ lại tiếp tục các cuộc vật lộn thầm lặng với nhau cho đến lúc trời hừng sáng. “Ta là cô mày”, Amaranta thì thào nói vẻ mệt mỏi. “Ta gần như là mẹ mày, không chỉ vì tuổi tác mà còn vì ta đã nuôi dạy mày đủ điều chỉ còn thiếu cho mày bú thôi”. Vào lúc trời hừng đông, Aurêlianô lỉnh đi và đến buổi đêm về sáng ngày hôm sau lại trở lại phòng ngủ cô mình, ngày một thích chí hơn bởi thấy rằng cửa phòng cô mình vẫn không cài then. Không lúc nào cậu không yêu da diết cô mình. Cậu thường gặp hình ảnh cô mình trong những phòng tối nơi các làng bị chiếm đóng, nhất là những phòng tồi tàn nhất, và nhận ra nàng một cách vật chất qua mùi máu khô đọng trên những dải băng của người bị thương, trong nỗi sợ hãi chợt đến trước tử thần. Ở đâu và lúc nào cậu cũng thấy cô mình.

Cậu đã chạy trốn cô mình bằng cách cố tình xoá nhòa ký ức của mình không chỉ nhờ ở sự xa cách muôn trùng mà nhờ ở cả những trận đánh đẫm máu rùng rợn từng được các bạn đồng ngũ liệt vào hạng đáng sợ nhất, nhưng trong lúc cậu càng cố xóa nhòa hình ảnh cô mình ở nơi khủng khiếp của chiến tranh thì chiến tranh lại càng giống Amaranta hơn. Vì thế mà cậu đau lòng phải sống lưu vong, cố tìm cách giết cô mình bằng chính cái chết của mình cho đến khi cậu nghe một người lính kể câu chuyện cổ tích về một người đàn ông lấy người cô ruột đồng thời lại là cháu gái mình và người con trai của ông ta lại chính là ông trẻ của nó.

– Người ta không thể lấy cô ruột mình sao? – cậu hỏi vẻ hoảng hốt.

– Không những có thể lấy được, – một người lính trả lời cậu, – mà còn hơn thế nữa. Chúng ta làm cuộc chiến tranh chống lại các thày tu này cốt để người ta có thể lấy ngay chính mẹ đẻ của mình.

Mười lăm ngày sau, cậu đào ngũ. Cậu thấy Amaranta của đời thực mặn mà hơn Amaranta trong ký ức, thấy cô buồn và thanh tao hơn nhiều và mặc dù trên thực tế cô đã ở vào thời kỳ sắc đẹp tàn phai nhưng hơn bao giờ hết cô lại nồng nàn trong bóng tối nơi phòng ngủ, hơn bao giờ hết cô buông thả mình trong sự điên cuồng cự tuyệt. “Cháu là một thằng đê tiện”, Amaranta bảo cậu khi bị cháu truy đuổi. “Cái việc cháu đang làm với người cô đáng thương của mình này là không đứng đắn đâu dù cho đức Giáo hoàng có đặc ân tha thứ đi nữa”. Aurêlianô Hôsê hứa sẽ đi đến thành Rôm, hứa quỳ gối lê khắp châu Âu hôn dép đức Giáo hoàng chỉ để xin cô mình “tha cầu thành” cho mình vào.

– Không chỉ vì thế đâu, – Amaranta cố chống cự, – mà còn vì sẽ đẻ ra những đứa con có đuôi lợn.

Aurêlianô Hôsê cố tình làm ngơ trước mọi lý lẽ.

– Dù có đẻ ra những con tê tê đi nữa cũng cam lòng, – cậu van xin.

Một buổi đêm về sáng nọ, cậu đến tiệm bác Catarinô sau khi không chịu nổi cơn đau vì nhục dục bị ức chế quá mức. Ở đây cậu bắt tình với một người đàn bà có bộ vú chảy, niềm nở dễ tính, là người đã làm nhuần cái bụng cậu trong một lúc. Cậu định sẽ đối xử tệ mạt với Amaranta. Cậu thấy cô ngồi ở hành lang, đang đạp máy khâu, – một nghề cô học rất nhanh, – và cậu không chào hỏi cô mình. Amaranta cảm thấy mình trút bỏ được gánh nặng và chính cô cũng không hiểu nổi vì sao lúc này mình lại nghĩ đến đại tá Hêrinênđô Mackêt, vì sao mình lại da diết nhớ những buổi chiều chơi cờ đam, vì sao mình lại muốn chàng làm chồng mình. Aurêlianô Hôsê vẫn chưa biết mình đã mất chỗ đứng trong trái tim cô mình, cho nên một đêm nọ do không thể tự kiềm chế nổi dục vọng, cậu lại mò vào phòng ngủ của Amaranta. Lần này cô đã cự tuyệt một cách dứt khoát và kiên quyết. Từ đó đêm nào cô cũng cài chặt cửa phòng mình lại.

Ít tháng sau ngày Aurêlianô Hôsê trở về, một người đàn bà vẻ cởi mở, vương mùi hoa nhài, bồng đứa bé năm tuổi đến nhà. Chị ta nói rằng đứa bé là con của đại tá Aurêlianô Buênđya và rằng chị ta mang nó đến để Ucsula đặt tên. Không một ai nghi ngờ gốc gác của đứa bé chưa có tên ấy: nó giống đại tá như đúc thời chàng được cha dẫn đi xem nước đá. Người đàn bà kể rằng cậu bé chào đời với đôi mắt mở thao láo nhìn những người xung quanh với vẻ dò xét của một người lớn, và rằng chính chị ta phải giật mình trước cái nhìn chăm chú không chớp mắt của nó.

“Đích thị rồi”, Ucsula nói. “Chỉ thiếu điều nó không làm cho ghế phải tự xoay quanh khi nó nhìn”. Cụ đặt tên cho nó với tên của Aurêlianô và họ của mẹ nó, bởi vì luật pháp không cho phép đứa trẻ mang họ cha một khi người cha chưa thừa nhận. Tướng Môncađa nhận làm cha đỡ đầu. Mặc dù Amaranta yêu cầu bên nhà gái để cậu bé ở lại nhà nhưng người mẹ không đồng ý.

Lúc ấy Ucsula vẫn chưa biết tập quán của các bậc cha mẹ cho các cô trinh nữ vào phòng ngủ của các chiến binh như thể họ vẫn thường thả gà mái vào chuồng những con gà trống đẹp mã. Nhưng qua một năm ròng cụ đã biết: chín đứa con trai nữa của đại tá Aurêlianô Buênđya được mang đến nhà để xin cụ đặt tên. Đứa lớn nhất, da nâu với đôi mắt xanh hoàn toàn không giống với bên nội, đã lên mười tuổi. Họ mang đến nhà những đứa trẻ ở mọi tuổi, với đủ màu da, nhưng tất cả đều là con trai, và tất cả đều có vẻ cô đơn – đặc điểm buộc người ta phải thừa nhận nguồn gốc của chúng. Có một đứa lớn trước tuổi rất nhiều đã đập vỡ vài bình hoa và một số cốc tách, vì hình như tay nó hậu đậu đụng đến cái gì là làm vỡ cái đó. Đứa khác tóc hung, có đôi mắt ốc nhồi, y hệt mắt mẹ nó, để tóc dài búi lại thành từng mớ giống y hệt tóc phụ nữ. Cậu bé này rất tự nhiên bước vào nhà cứ như thể cậu từng được nuôi nấng ở đấy, rồi cậu đi thẳng đến chiếc tủ cũ kê trong phòng Ucsula mà đòi: “Cho cháu cô vũ nữ có dây cót đi”. Ucsula giật mình. Cụ mở tủ. Sau khi bắt gặp cô vũ nữ ấy được cuốn trong đôi tất. Đó là tặng vật của Piêtrô Crêspi và không một ai nhớ đến nó. Trong không đầy mười hai năm, mười bảy đứa trẻ vốn là con của đại tá gieo rắc trên khắp các miền chàng đi qua trong chiến tranh đã được đặt tên Aurêlianô kèm với họ mẹ chúng. Lúc đầu, Ucsula nhét đầy tiền vào túi chúng và Amaranta muốn giữ chúng lại để nuôi dạy. Nhưng cả hai đều đi đến kết luận là chỉ nên tặng cho mỗi đứa trẻ một gói quà kí niệm và nhận làm mẹ đỡ đầu của chúng. “Chúng ta đặt tên cho chúng thôi”, Ucsula nói trong lúc cụ ghi lại tên và địa chỉ của các bà mẹ, nơi và ngày sinh của bọn trẻ vào một cuốn vở. “Chắc là Aurêlianô đã trù liệu, vậy thì hắn sẽ là người quyết định tất cả khi nào trở về”. Trong lúc ăn trưa, qua việc bình luận với tướng Môncađa về cái “sự sinh sôi nẩy nở ấy”, cụ bày tỏ ý muốn đại tá Aurêlianô Buênđya sẽ có dịp trở về để sum họp với các con ở ngay nhà mình.

– Xin cụ đừng lo, – tướng Môncađa nói vẻ bí hiểm, – đại tá sẽ trở về nhanh hơn cụ tưởng đấy.

Điều tướng Môncađa biết rõ và không muốn để lộ trong bữa cơm trưa là đại tá Aurêlianô Buênđya đang chuẩn bị đi tới một cuộc khởi nghĩa trường kỳ, triệt để, đẫm máu nhất so với những cuộc khởi nghĩa từng được chàng mưu tính cho đến lúc này.

Không khí chính trị lại trở nên căng thẳng y hệt không khí chính trị của mấy tháng trước khi nổ ra cuộc chiến tranh đầu tiên. Các cuộc chọi gà từng được ngài thị trưởng khích lệ đã bị bãi bỏ. Đại uý Akilêt Ricacđô chỉ huy trưởng đội quân đóng ở Macônđô lên nắm quyền, điều hành mọi việc ở thị trấn. Những người thuộc phái Tự do tố cáo y là kẻ khiêu khích. “Sẽ xảy ra sự kiện khủng khiếp đấy”, Ucsula nói với Aurêlianô Hôsê. “Cháu chớ có ra đường sau sáu giờ chiều đấy, nghe chưa”. Những lời dặn dò ấy của cụ đều trở nên vô ích. Aurêlianô Hôsê, giống hệt như Accađiô trong thời kỳ trước, không chịu nghe lời bà mình.

Hình như điều đó là kết quả của sự trở về nhà của cậu, là kết quả của lối sống thờ ơ trước những công việc thôi thúc hàng ngày. Chính những thứ này đã đánh thức trong cậu cái tài chơi gái và lười biếng của ông bác Hôsê Accađiô. Cơn sóng lòng đối với Amaranta của cậu đã tắt lịm không để lại một vết thương tổn nào. Cậu chơi bời có phần phóng đãng, lúc chơi bia, lúc giải phiền với những người đàn bà ngẫu nhiên bắt gặp, lúc biển lận tiền bạc của Ucsula bỏ quên trong ngăn kéo bàn. Cậu chỉ trở về nhà để thay quần áo, “Con cái nhà đến lạ, tất cả đều giống nhau như hệt”, Ucsula thở than. “Lúc đầu, được nuôi dưỡng rất chu đáo, do đó tất cả đều ngoan ngoãn, nết na, hiền lành dường như đến con ruồi cũng không đủ can đảm để giết. Ấy thế mà râu vừa lún phún đã lại hư thân mất nết rồi”. Trái với Accađiô, người không bao giờ biết gốc gác của mình, cậu được biết riêng mình là con của Pila Tecnêra, người đã mắc võng cho cậu để ngủ trưa ngay tại nhà thị. Trong nỗi cô đơn, bọn họ đã đi xa hơn quan hệ mẹ con để tư thông với nhau. Pila Tecnêra đã hoàn toàn tuyệt vọng. Tiếng cười của thị ồm ồm như giọng cây đàn cóc. Đôi vú thị đã sệ trễ xuống, bụng và vế thị đã mềm nhũn vì từng là nạn nhân của số phận người đàn bà chung chạ không thể thay đổi của thị. Nhưng trái tim thị cam chịu già đi không một chút đắng cay. Thị là người béo phị, lắm lời. Với sự trống rỗng của mụ Tú bà bất hạnh, thị đã từ bỏ ảo tưởng vô vọng mà những con bài đem lại cho mình, và thị đã tìm thấy niềm an ủi trong ái tình của người khác. Trong ngôi nhà Aurêlianô Hôsê ngủ trưa, các cô gái láng giếng tiếp những người tình ngẫu nhiên bắt gặp. “Bác Pila, cho cháu mượn phòng nhé”, họ dễ dàng nói với thị như vậy khi họ đã ở trong nhà rồi. “Tuỳ”, Pila trả lời. Rồi nếu có ai đứng ở đấy, thị giãi bày:

– Tôi lấy làm hạnh phúc nếu được biết người khác đang đê mê trên giường.

Không bao giờ thị lấy tiền thuê phòng. Không bao giờ thị từ chối làm ơn cho người khác cũng như không bao giờ từ chối biết bao người đàn ông từng tìm đến thị ngay cả khi thị đã xế bóng về già. Thị chiều họ không vì tiền cũng không vì tình mà chỉ hi hữu đôi lần vì thích thú khoái lạc, thế thôi. Năm người con gái của thị, vốn thừa kế được hạt giống yêu nồng nàn của thị, đã phiêu bạt theo những con đường mòn gai góc của cuộc đời ngay từ tuổi dậy thì. Trong số hai đứa con trai thị nuôi thành người, một đứa tham gia quân đội của đại tá Aurêlianô Buênđya và đã chết trong chiến đấu, còn đứa khác bị đánh thành thương tật và bị bắt bỏ tù vào lúc mười bốn tuổi khi nó định ăn cắp một chuồng gà mái ở một làng thuộc vùng đầm lầy. Xét về mặt hình thức, Aurêlianô Hôsê là người cao to, có nước da nâu hồng hào, là người trong nửa thế kỷ nay “quân bài” ông cự đã báo cho thị biết, và rằng cũng như tất cả những người đàn ông được các quân bài báo trước cho thị thì Aurêlianô Hôsê đã đến với thị khi cậu đã bị tử thần đánh dấu. Thị nhìn thấy điều đó trong những quân bài.

– Đêm nay con chớ ra đường, – thị nói, – con hãy ở lại đây mà ngủ kẻo Cacmêlita Môntiên cứ nằng nặc đòi ta đưa cô ả vào phòng con đấy.

Aurêlianô Hôsê không nhận bắt được ý nghĩa sâu xa ẩn trong lời mời như van xin ấy.

– Hãy bảo cô ấy đợi con đến nửa đêm nhé! – cậu nói.

Cậu đi đến rạp hát. Ở đấy một gánh hát Tây Ban Nha quảng cáo diễn vở Mũi dao găm của con cáo mà thực ra là kịch bản của Xôrida nhưng nó đã phải thay tên theo lệnh đại uý Akilêt Ricacđô, bởi vì những người Tự do đã gọi những người Bảo hoàng là “bọn mạnh”(2). Chỉ đến khi trình vé ở cửa vào, Aurêlianô Hôsê mới biết rằng đại uý Akilêt Ricacđô, cùng với hai người lính mang súng dài, đang kiểm soát đám đông. “Hãy liệu thần hồn, đại uý ạ”, Aurêlianô báo cho y biết. “Kẻ buộc ta phải giơ tay lên vẫn chưa xuất hiện đâu”. Viên đại uý định dùng sức mạnh kiểm soát cậu, nhưng Aurêlianô Hôsê, vì lúc này không mang theo vũ khí, đã ù té chạy. Viên đại uý ra lệnh bắn nhưng bọn lính không tuân lệnh. “Đó là một Buênđya đấy”, một trong số họ nói với đại uý. Quá giận dữ, viên đại uý giằng lấy súng, chạy ra giữa đường rồi nổ súng.

– Đồ dê cụ! – đại uý vẫn kịp thét. – Cầu Chúa hắn là đại tá Aurêlianô Buênđya.

Cacmêlita Môntiên; một cô gái tân tuổi đôi mươi, vừa tắm nước lá cam xong và đang lót lá hương thảo xuống giường Pila Tecnêra, thì nghe thấy tiếng súng nổ. Aurêlianô Hôsê đã sẵn sàng cùng với Cacmêlita Môntiên hưởng niềm hạnh phúc mà Amaranta từ chối cậu, sẵn sàng cùng với cô có bảy đứa con và chung thuỷ với cô cho đến khi chết trên đôi cánh tay cô, nhưng viên đạn đã xuyên qua lưng phá toang lồng ngực cậu. Đó là viên đạn được hướng đạo bởi một sự giải thích sai của những quân bài. Đại uý Akilêt Ricacđô, vốn là kẻ phải chết vào đêm ấy quả nhiên đã chết trước Aurêlianô Hôsê bốn giờ. Hầu như vừa mới vang lên tiếng súng của mình bắn thì y đã bị hai viên đạn cùng một lúc quật ngã, và không bao giờ có thể phát hiện được nguồn gốc những viên đạn ấy. Tiếp theo đó là một tiếng hô râm ran làm rung chuyện cả trời đêm:

– Đảng Tự do muôn năm? Đại tá Aurêlianô Buênđya muôn năm!

Vào lúc mười hai giờ đêm, khi Aurêlianô Hôsê tắt thở vì kiệt máu, và Cacmêlita Môntiên nhận thấy tương lai mờ mịt của mình trên những lá bài, thì hơn bốn trăm người đàn ông đã diễu qua trước cửa rạp hát và đã bắn đạn súng lục vào tử thi bị bỏ rơi của đại uý Akilêt Ricacđô. Phải cần tới một đội tuần tra mới khiêng nổi cái thây ma bị ghim đầy đầu đạn và nhão ra như bánh ngâm trong súp của viên đại uý để đưa lên xe cút kít, mang đi.

Trái với những việc làm sai trái của quân chính phủ, tướng Hôsê Raken Môncađa sử dụng đến các ảnh hưởng chính trị của mình, trở lại mặc quân phục và nắm toàn quyền ở Macônđô. Tuy nhiên ngài không hy vọng rằng thái độ hòa giải của mình lại có thể tránh được điều tất phải xảy ra. Tin tức tháng chín có nhiều mâu thuẫn. Trong học chính phủ tuyên bố mình đã kiểm soát được toàn bộ đất nước thì những người Tự do nhận được thông báo bí mật về các cuộc vũ trang nổi dậy ở vùng nội địa. Chế độ hiện hành không thừa nhận đất nước đang ở trong tình trạng có chiến tranh, do đó trong một công báo không dám tuyên bố rằng tòa án quân sự vẫn tiếp tục xử vắng mặt đại tá Aurêlianô Buênđya và đã tuyên án tử hình vắng mặt chàng. Họ đã ra lệnh thực hiện bản án cho đơn vị quân đội nào đầu tiên bắt được chàng. “Điều này muốn nói rằng nó vẫn còn sống”, Ucsula tuyên bố trước mặt tướng Môncađa. Nhưng chính ngài vẫn chưa biết.

Thực tế cho thấy đại tá Aurêlianô Buênđya đã có mặt ở trong nước được hơn một tháng rồi. Lúng túng trước những nguồn tin mâu thuẫn nhau, đồng thời bị lừa phỉnh bởi những hành động xuất quỉ nhập thần của đại tá Aurêlianô Buênđya ở những miền xa xôi hẻo lánh của đất nước, tướng Môncađa vẫn chưa tin đại tá đã trở về nước cho đến khi ngài được chính thức báo cho biết rằng đại tá đã làm chủ hai tỉnh duyên hải. “Thưa cụ tôi thành tâm chúc mừng cụ”, ngài nói với Ucsula trong khi chìa cho cụ xem bức điện tín. “Con trai cụ sẽ có mặt ở đây nhanh thôi”. Lần đầu tiên trong đời, Ucsula đâm lo. “Thế còn ngài sẽ làm gì?”, cụ hỏi. Tướng Môncađa cũng đã nhiều lần tự hỏi mình câu hỏi ấy.

– Tôi sẽ làm thinh cái việc mà con trai cụ đã làm, cụ ạ! – ngài trả lời, – đó là thực hành phận sự của mình.

Vào lúc rạng sáng ngày mồng một tháng mười, đại tá Aurêlianô Buênđya với một nghìn quân lính vũ trang cực mạnh tấn công Macônđô và quân đội được lệnh kháng chiến đến cùng.

Đến trưa, khi tướng Môncađa cùng ngồi ăn với Ucsula thì phát đại bác của quân cách mạng làm rung chuyển cả thị trấn và phá tan bức tường mặt tiền kho bạc thị trấn. “Bọn họ được vũ trang mạnh như chúng tôi, – tướng Môncađa thở dài nói, – nhưng họ chiến đấu ngoan cường hơn chúng tôi”. Đến hai giờ chiều, trong lúc trời rung đất chuyển dưới những làn đại bác rền vang của cả hai bên chiến tuyến, ngài từ biệt Ucsula với cảm nghĩ mình đang bị đánh bại. “Cầu Thượng đế rằng đêm nay cụ chưa đón Aurêlianô tại nhà này, – ngài nói, – nếu không như thế, xin cụ hãy ôm hôn ông ta thay cháu, bởi vì cháu không mong sẽ gặp mặt ông ta nữa”.

Đêm ấy ngài bị bắt khi định chạy khỏi Macônđô sau lúc đã viết cho đại tá Aurêlianô Buênđya một bức thư dài nhắc chàng nhớ lại những dự định chung của hai người nhằm làm cho cuộc chiến đỡ khốc liệt hơn và chúc chàng giành thắng lợi quyết định nhằm chống lại các quan nhân đồi bại và các chính khách tham lam của cả hai đảng. Ngày hôm sau đại tá Aurêlianô Buênđya cùng ăn trưa với ngài tại nhà Ucsula, là nơi ngài đang bị giam giữ cho tới khi toà án quân sự cách mạng quyết định số phận ngài. Đó là cuộc họp mặt gia đình. Nhưng trong lúc hai địch thủ quên cuộc chiến để cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm cũ thì Ucsula có cảm giác u buồn rằng con trai cụ là một kẻ khác hẳn. Cụ có cảm giác ấy ngay từ lúc chàng bước vào nhà được cả một đội cảnh vệ ồn ĩ bảo vệ. Đội cảnh vệ này đã lục lọi khắp các phòng cho đến khi thấy rằng không có gì nguy hiểm. Đại tá Aurêlianô Buênđya không những chỉ thừa nhận hành động càn quấy thô bạo ấy mà còn ra lệnh một cách dứt khoát và không cho phép bất kỳ ai, kể cả Ucsula được đến gần mình chưa tới ba mét trong lúc đội bảo vệ chưa bố trí xong lính gác quanh nhà.

Chàng mặc bộ quân phục vải sợi thô thông dụng, không mang quân hàm quân hiệu gì hết, đi ủng cao cổ với cựa thúc ngựa bê bết bùn và máu khô. Trên thắt lưng, chàng đeo một khẩu súng lục đựng trong bao da sờn, bàn tay luôn luôn tì vào báng súng, cử chỉ này hoàn toàn phù hợp với sự cảnh giác cao độ và kiên quyết trong đôi mắt chàng. Đầu chàng, giờ đây tóc xoăn tít lại dường như được sấy khô. Mặt chàng vốn sạm nắng gió biển Caribê đã mang vẻ mặt sắt lạnh lùng. Bằng vẻ lạnh lùng thầm kín chàng đã sẵn sàng đối mặt với tuổi già không thê cưỡng lại nổi. So với lúc chàng ra đi, chàng cao hơn, xanh và gáy hơn, và đã để lộ những triệu chửng đầu tiên của bệnh buồn nhớ không nguôi. “Trời ơi”, Ucsula tự nói với mình vẻ hoảng hốt. “Giờ đây nó là kẻ đủ khả năng làm bất kỳ điều gì”. Đúng vậy, chàng là người như vậy. Không chỉ bằng lòng với việc ra lệnh chôn các xác chết trận trong cùng một hố chung mà chàng còn giao cho đại tá Rôkê Cacnixêrô nhiệm vụ khẩn trương mở các phiên toà quân sự, còn mình đích thân gánh lấy nhiệm vụ nặng nề: tiến hành các cuộc cải cách ruộng đất thật triệt để nhằm xoá bỏ tận gốc chế độ Bảo hoàng. “Chúng ta phải vượt lên một bước trước các chính khách của đảng”, chàng nói với các cố vấn của mình. “Khi mở mắt nhìn vào thực tại thì bọn họ đứng trước những việc đã rồi”. Đó là lúc chàng quyết định xét lại các văn tự ruộng đất, kể cả những cái đã được làm từ một trăm năm về trước, và do đó đã phát hiện ra những văn tự giả mạo được hợp pháp hoá của ông anh Hôsê Accađiô. Bằng nét gạch chéo vào các văn tự ấy, chàng vô hiệu hoá chúng. Trong điệu bộ lịch sự cuối cùng, chàng nghĩ ngợi một giờ và đi thăm Rêbêca để báo cho bà biết quyết định của mình.

Trong ngôi nhà tranh tối tranh sáng, chỉ có bà quả phụ cô đơn đã một thời là người bạn để chàng giãi bày những tình cảm thầm yêu trộm nhớ của mình và là người ngồi ở nhà mình kiên trì theo dõi khi nào bọn lính đem bắn chàng, đã cứu chàng thoát chết. Giờ đây bà chỉ còn là bóng dáng của thời qua. Bà lẩn mình trong bộ đồ tang đen phủ kín đến ngón tay, ngón chân, và với trái tim nguội lạnh, bà hầu như không biết gì về chiến tranh. Đại tá Aurêlianô Buênđya có cảm giác rằng chất diêm sinh từ xương cất hiện ra ngoài làn da bà, và rằng bà thấp thoáng hiện hình sau ngọn lửa ma trơi trong cái không khí tù đọng hầu như vẫn còn sực nức mùi thuốc súng. Chàng bắt đầu khuyên bà hãy bớt thương nhớ chồng và hãy mở cửa sổ cho nhà thoáng đãng, rằng bà hãy tha thứ cho thiên hạ trước cái chết của Hôsê Accađiô. Nhưng Rêbêca đã ở ngoài mọi cám dỗ phù hoa. Sau khi đã tìm kiếm chúng một cách vô ích trong dư vị của đất, trong những bức thư tẩm hương của Piêtrô Crêspi, trên cái giường rung lên trước sức nặng cuồng say của chồng mình, bà đã gặp được cái không khí thanh thản trong ngôi nhà ấy, nơi sự hồi tưởng khôn nguôi đã làm hiện hình những ký ức xưa và như người thực chúng lượn lờ đi lại trong các phòng đóng kín. Nằm dài trên chiếc ghế xích đu gỗ liễu giỏ, nhìn đại tá Aurêlianô Buênđya như thể chàng là một bóng hình của thời xưa, Rêbêca không hề tỏ ra bối rối khi bà được biết rằng các đất đai do Hôsê Accađiô lấn chiếm trái phép nay sẽ được trả lại cho những người chủ chân chính của chúng.

– Aurêlianô ạ, hãy để cho người ta làm điều chú đã quyết định. Lúc nào chị cũng nghĩ, và giờ đây chị càng khẳng định ý nghĩ của mình, rằng chú là một thằng đê hèn.

Việc kiểm tra văn tự ruộng đất được kết thúc đồng thời với các phiên toà khẩn cấp do đại tá Hêrinênđô Mackêt điều khiển và các phiên toà này đều kết thúc với việc xử bắn toàn bộ số sĩ quan của quân đội chính phủ bị phía cách mạng bắt giữ làm tù binh. Phiên toà quân sự cuối cùng là phiên toà xét xử tướng Hôsê Raken Môncađa. Ucsula can thiệp. “Đó là một nhà chức trách tốt nhất trong số các nhà chức trách ở Macônđô”, cụ nói với đại tá Aurêlianô Buênđya: “Mẹ cũng không cần thiết phải nói gì về tấm lòng nhân hậu của ông ta và về thái độ cư xử kính nể mà ông ta đã dành cho chúng ta, bởi vì hơn ai hết con hiểu rõ ông ta mà”. Đại tá Aurêlianô Buênđya dõi vào mắt cụ một cái nhìn dò xét:

– Con không thể vi phạm thể lệ xét xử của toà án, – chàng cãi lại mẹ – Nếu mẹ thấy cẩn phải nói điều gì thì xin mẹ cứ ra trước toà án quân sự mà nói”. Ucsula không những chỉ một mình mình nói mà còn đi vận động tất cả các bà mẹ sĩ quan quân cách mạng hiện đang sống ở Macônđô. Các cụ già vốn là những người sáng lập ra làng Macônđô, trong số đó có các cụ bà từng tham gia cuộc mạo hiểm đi xuyên rừng để tìm nơi cư trú, đã lần lượt thay nhau ca tụng công đức của tướng Môncađa. Ucsula là người cuối cùng trong số này. Danh dự của cụ, uy tín của cụ, tư chất dõng dạc đầy thuyết phục trong lời tuyên bố của cụ, tất cả những thứ đó trong một lúc nào đó đã làm cho các quan toà phải lúng túng. “Các ngài đã chơi cái trò kinh người này rất nghiêm chỉnh và các ngài đã làm đúng vì các ngài đang thực hiện phận sự của mình”, cụ nói với các quan toà. “Nhưng xin các ngài nhớ cho là trong lúc Thượng đế còn để chúng ta sống, chúng ta vẫn là mẹ đẻ ra các ngài và cho dù các ngài có là những người rất cách mạng đi nữa, chúng ta vẫn cớ quyền lột quần áo các ngài nện cho mấy roi nếu các ngài không nghe lời”. Khi những lời ấy còn vang vọng trong cái trường học bị biến thành trại linh, thì toà lui vào để nghị án. Đến nửa đêm, tướng Hôsê Raken Môncađa bị kết án tử hình. Bất chấp nhường lời biện hộ mãnh liệt của Ucsula, đại tá Aurêlianô Buênđya vẫn không chịu giảm mức án cho ngài. Trước lúc trời sáng một ít, chàng đến thăm kẻ tử tù trong xà lim.

– Anh hãy nhớ cho, – chàng nói với ngài, – là tôi không bắn anh. Cách mạng bắn anh đấy.

Tướng Môncađa khi nhìn thấy chàng bước vào xà lim cũng không thèm ngồi dậy.

– Cút đi anh bạn ạ, – ngài nói.

Kể từ khi trở về cho đến lúc ấy, đại tá Aurêlianô Buênđya vẫn chưa tìm được cơ hội thăm lại tướng Môncađa với cả con tim mình. Chàng ngạc nhiên bao nhiêu khi thấy ngài đã già đi nhiều quá, khi thấy tay ngài run lẩy bẩy, khi thấy ngài an phận chịu chết và do đó lúc này chàng cảm thấy tự khinh bỉ mình đến mức có thể nhầm nó với lòng thương hại:

– Anh hẳn biết hơn tôi, – chàng nới, – rằng tất cả toà án quân sự là một trò cười, vì rằng trên thực tế anh phải đền tội cho những kẻ khác, bởi vì lần này bằng mọi cách chúng tôi sẽ giành được chiến thắng. Nếu anh ở vào địa vị tôi lúc này, lẽ nào anh lại không làm như vậy?

Tướng Môncađa ngồi dậy lấy vạt áo lau cặp kính gọng đồi mồi. “Cũng có thể”, ngài nói, “nhưng điều tôi phải bận tâm không phải là việc anh bắn tôi, bởi vì dù thế nào đi nữa đối với loại người chúng ta thì cái chết này là hiển nhiên”. Ngài đặt cặp kính lên giường rồi cởi chiếc đồng hồ quả quít. “Điều tôi bận tâm”, ngài nói tiếp, “là từ một người căm thù đám tướng lĩnh nhà nghề, từng đấu tranh không mệt mỏi với chúng, từng trăn trở suy nghĩ về chúng thế mà nay anh lại chẳng khác gì chúng. Trong cuộc đời không có mẫu người nào đại diện cho sự thấp hèn của con người như anh”. Ngài cởi chiếc nhẫn cưới, và chiếc huân chương Thánh bà Đồng trinh Rêmêđiôt rồi đặt chúng xuống bên chiếc đồng hồ và cặp kính.

– Đến cái nước này, – ngài kết thúc, – anh không chỉ là một tên độc tài khát máu điển hình nhất của lịch sử nước ta, mà rồi anh còn sẽ bắn cả cụ Ucsula để lương tâm mình được yên ổn.

Đại tá Aurêlianô Buênđya cứ đứng thần ra như một bức tượng. Tướng Môncađa đưa cho chàng kính, huân chương, đồng hồ, nhẫn cưới rồi đồi giọng nói:

– Nhưng thôi, tôi không muốn anh đến để mà xỉ vả anh, – ngài nói. – Tôi muốn nhờ vả anh chuyển những thứ này đến tay vợ tôi.

Đại tá Aurêlianô Buênđya nhận các thứ rồi đút vào túi.

– Bà ấy vẫn sống ở Manaurê chứ?

– Vẫn ở Manaurê? – tướng Môncađa xác nhận, – vẫn cái ngôi nhà ở phía sau nhà thờ nơi anh đã đến gửi bức thư ấy.

– Tôi sẵn lòng làm. Hôsê Raken ạ? – đại tá Aurêlianô Buênđya nói.

Khi chàng bước ra ngoài trong ngọn gió xanh ẩm hơi sương, mặt chàng ướt nhoè như trong buổi bình minh trước đây, và chỉ lúc ấy chàng mới hiểu vì sao mình đã quyết định bản án phải được thi hành ngay trong sân nhà tù chứ không thể ở bên cạnh bức tường nghĩa địa được. Đội hành hình xép hàng ngay trước cửa, bồng súng chào chàng, vị tư lệnh của họ.

– Các anh đã có thể lôi hắn đi được rồi, – đại tá ra lệnh.

Chú thích:

(1) Ở đây tác giả chơi chữ. Nếu ghép Camino (con đường) với Xantiagô thì có nghĩa là giải ngân hà. Lễ Noen trong ngày tận thế sẽ xuất hiện ở giải ngân hà (theo Kinh Thánh)

(2) Nguyên tên vở kịch là El punal del go do (Mũi dao găm của kẻ mạnh) nhà cầm quyền buộc phải đổi là El punal del zorro (Mũi dao găm của con cáo). Đó là vở kịch thơ của nhà thơ Tây Ban Nha José Zorrilla y del Moral, 1817-1893).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN