Trần Chân - Chương 15: Mùa thu hoạch đầu tiên
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
145


Trần Chân


Chương 15: Mùa thu hoạch đầu tiên


Chúng tôi vừa ra đến Châu Lạng thì vụ thu hoạch bông vải cũng bắt đầu. Những ngày ấy tôi xếp cất hết những lo lắng buồn phiền của mình lại, cùng mọi người gặt hái. Dĩ nhiên anh Cát không cho tôi đích thân ra đồng cùng những người khác, tôi chỉ có thể đóng vai trò hậu cần, chuẩn bị cho họ những bữa ăn ngon nhất để khích lệ mọi người. Ai cũng tấm tắc khen ngon, tôi cảm thấy rất tự hào dù những món ăn ấy tám phần đều do Nhược Lan và Xuân Mai chuẩn bị. Nhưng tôi không việc gì phải nói ra cả, tôi cũng có công nhặt rau, nhóm lửa, xem như là góp một phần. Thỉnh thoảng nghe ai khen tôi, Cát cũng bật cười làm tôi ngượng chín mặt.

Mùa vụ gặt xong Cát phân cho tôi hẳn công việc phát tiền công. Thật ra tiền công mỗi người bao nhiêu cũng đã được quản điền tính toán hết rồi, tôi chỉ việc đưa cho họ và xem họ in dấu tay vào giấy cam kết. Nhưng sau khi nhìn số bạc ít ỏi mọi người kiếm được sau ba bốn tháng bám trụ nơi này, tôi không khỏi chạnh lòng. Trước đó tôi lén kêu Nhược Lan ra chợ đổi cho tôi thêm một ít bạc vụn, rồi chúng tôi lén nhét vô mỗi bao tiền phát cho nông dân, mỗi người thêm một ngày công. Tôi định cho họ nhiều hơn nữa nhưng Nhược Lan cứ cằn nhằn nên tôi đành thôi. Mỗi người sau khi nhận túi tiền, đều thấy tiền mình nhiều hơn trong sổ một ngày, đưa mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Nhược Lan ở kế bên luôn miệng giải thích: “Là mợ ba lấy tiền riêng ra thưởng cho từng người đó.”

Tôi giẫm nhẹ lên chân Nhược Lan, rồi mỉm cười nói thêm: “Tôi thấy tất cả bà con ở đây đều cực khổ nên biếu thêm chút ít. Mọi người dùng tiền này mua thêm chút gì đó ăn cho ngon dưỡng sức. Vụ sau chúng ta phải làm tốt hơn vụ này, có được không?”

Mọi người đều mừng rỡ hô hoan và những tràng vỗ tay không ngớt, không giống những ngày đầu tôi đến đây, nhìn thấy họ tị nạnh, xô xát nhau. Trước nay tôi cứ nghĩ có tiền thì bản thân mình sung sướng thôi, không nghĩ có thể làm cho người khác vui như thế. Tuy anh Cát không tỏ thái độ gì khi tôi làm như vậy, nhưng vẫn nhắc nhở: “Ngoài này số lượng nhân công không nhiều, cô cho họ thêm chút ít thì cũng như tiền tiêu vặt vài ngày thôi. Nhưng mai đây khi tôi mở rộng canh tác, số người tăng thêm hàng trăm hàng ngàn, đến lúc đó nếu cô vẫn hào phòng thế này thì có lẽ tôi phải làm việc gấp ba bốn lần để bù lỗ.”

Tôi nghe Cát nói mà ngây ngốc: “Ơ, em lấy tiền của em mà, đâu có ảnh hưởng đến tiền của anh đâu mà anh phải bù lỗ?”

Cát thở dài nhìn tôi. Chẳng lẽ anh có ý gì mà tôi không hiểu chăng? Anh nói tiếp: “Dù gì đồng tiền có hai mặt, nếu cô dễ dàng cho đi như vậy, người khác sẽ vui nhất thời. Nhưng sau này cô không cho nữa, họ sẽ có cảm giác không thu lại lợi ích từ cô được nữa, rồi sẽ sinh ra yêu sách, lười biếng. Cô có hiểu không?”

Tôi à lên như được tiếp thu chân lí. Sau đó tôi cứ miên man nghĩ ngợi mấy hôm làm sao để tặng phần tiền kia đúng cách. Một ngày đẹp trời nọ, tôi chạy ào vào phòng Cát, hí hửng khoe với anh: “Em nghĩ ra rồi. Lần này khi gieo giống, em sẽ nói mọi người cố gắng làm việc chăm chỉ. Đến cuối vụ, mười người có thành tích xuất sắc nhất sẽ được ban thưởng. Bảo đảm những ai muốn có thêm tiền sẽ cố gắng làm việc. Anh thấy em làm vậy có được không?”

Cát ngẩn người ra một lúc rồi lại hỏi tôi: “Nhưng làm cách nào cô tìm ra được mười người chăm chỉ nhất?”

Tôi đắc ý nói tiếp: “Em sẽ căn cứ theo điểm số. Đến cuối vụ em sẽ cho mỗi người ghi tên mười người mà họ cho rằng chăm chỉ nhất, mỗi lần được ghi tên sẽ tính một điểm. Quản điền cũng sẽ chọn mười người, mỗi người được chọn sẽ cho hai điểm. Còn anh cũng phải chọn mười người cho em, người nào anh chọn sẽ thêm ba điểm nữa. Đến khi tổng kết lại, người cao điểm nhất sẽ được phát thêm một phần tiền công, ba người tiếp theo sẽ được thêm ba phần tư, ba người tiếp sẽ được thêm một nửa và ba người cuối cùng sẽ được một phần ba thôi. Như vậy ai được thưởng sẽ cố gắng, ai chưa được thưởng sẽ càng cố gắng hơn để lần sau đến phiên mình. Anh thấy ý em có hay không?”

Cát nghe tôi giải thích cặn kẽ, không khỏi bật cười, còn lấy tay xoa đầu tôi: “Cô càng lúc càng thông minh ra đó.”

Tôi cười hì hì đến mức không thấy được mắt mình đâu. Rồi Cát lại hỏi tiếp: “Nhưng nếu đến lúc ấy ai cũng bằng điểm nhau thì cô tính sao?”

Tôi ngơ ra vì chưa nghĩ đến xác suất này. Sau đó tôi nhún vai trả lời anh: “Vậy em sẽ phát thưởng hết cho mọi người bằng nhau.”

Tôi không nghĩ lời tôi nói lại có thể làm Cát vui như vậy. Anh ôm bụng cười ngặt nghẽo đến mức ho sặc sụa mấy tràng dài. Còn tôi thì cứ mãi nhìn anh, từ lúc sống chung với anh cho đến giờ chưa khi nào tôi thấy anh cười nhiều như vậy. Tôi nhớ đến Mai Xuân Phong, trước đây điệu bộ của Xuân Phong đích thị là Cát của ngày hôm nay. Tôi ước gì tôi có thể khiến anh cười như thế này, mãi mãi vui vẻ như Mai Xuân Phong của ngày nào.

Cát thấy tôi cứ trân trối nhìn thì ngưng cười lại, hỏi tôi: “Tôi có gì mà cô nhìn ghê vậy?”

Tôi thật thà trả lời anh: “Khi anh cười, em có cảm giác như anh trở lại là anh của ngày xưa.”

Cát nghe tôi nói, gương mặt lập tức trở nên đăm chiêu, sau đó anh kêu tôi quay về phòng. Tôi không biết mình đã nói gì làm anh không vui chăng?

Ai nói với tôi lòng nữ nhân khó dò? Tôi thấy lòng dạ nam nhân cạnh tôi đây càng khó dò hơn thảy. Nếu tôi biết anh đang nghĩ gì, có lẽ tôi có thể khiến anh hài lòng hơn chăng?

Thời gian thấm thoát thoi đưa, tháng hai đi qua, tháng ba vội đến. Chúng tôi cũng bắt đầu đợt gieo giống thứ hai của nhà họ Huỳnh tại miền Châu Lạng này. Lạy trời cao xót thương, Phật tổ phù hộ cho mùa màng bội thu, dân chúng ấm no, hạnh phúc!

*

*  *

Suốt thời gian ở lại Châu Lạng tôi kết thân nhất là với ông chủ tiệm kim hoàn. Ông ấy họ Hoàng, tên Anh Tuấn nhưng dáng vẻ thì chẳng phù hợp với cái tên chút nào. Ông ta tuổi ngoài ba mươi, người thấp lè tè còn bụng thì to hơn thím Hải mang bầu tháng thứ bảy. Mọi người nơi đây hay gọi ông là ông Hoàng phệ và ông cũng chỉ cười khà khà chứ chẳng buồn giận dỗi gì ai. Đừng thấy ông ấy không anh tuấn mà xem thường, ông ấy biết tiếng Đại Tống, tiếng Chiêm Thành, Ai Lao và thường xuyên buôn bán làm ăn với họ. Lần đầu tiên ra tiệm kim hoàn mua sắm, ông ấy nhìn tôi đã biết tôi không phải người Châu Lạng. Tôi nói tôi từ Hải Đông ra đây làm ăn, ông vẫn khẳng định tôi cũng chẳng phải người Hải Đông. Quanh quẩn một hồi tôi nói cho ông ta nghe tôi là người Diễn Châu, ông vô đùi cái chát: “Tôi đoán không sai mà, nhìn cô là tôi biết cô ở miền Trung Bắc. Tôi cũng thường hay cập bến Diễn Châu để trao đổi hàng, cô là con cái nhà ai ở khu đó, nói xem biết đâu tôi có quen.”

Tôi mải mê nhìn mấy loại trâm lạ mà ông mới nhập về từ Chiêm Thành, lơ đễnh trả lời: “Cha tôi họ Trần, tên Quý. Nhà tôi ở Diễn Châu cũng có đi buôn, ông có biết không?”

Ông ấy ngồi vuốt vuốt mấy cọng râu dưới cằm ra điều suy nghĩ, rồi hỏi tôi: “Có phải ông Trần Tự Quý, còn có một người em tên Trần Tự An mở võ đường đúng không?”

Tôi ngưng nhìn mấy cây trâm, ngạc nhiên nhìn ông: “Ông biết chú ba của tôi à?”

Ông cười khà khà: “Có mầy lần hàng hóa của tôi nhập cảng Diễn Châu, tôi lại không có ở đó để trông nôm, liền nhờ người của chú cô bảo tiêu mấy chuyến hàng ra vùng này nên dĩ nhiên là biết rồi.”

Tôi thấy trái đất này đúng thật là tròn. Tôi ra đến nơi đây rồi mà vẫn gặp được người quen của gia đình tôi. Từ đó mỗi dịp ông ấy có hàng mới là cho người đến nhà mời tôi ghé qua xem, cũng như tôi luôn tranh thủ tấp qua chỗ ông khi ra chợ để nghe ông kể về những chuyện ông chứng kiến ở Đại Tống và Chiêm Thành. Lần nào ra về tôi cũng đem vài món trang sức, đến mức có lần Cát ngạc nhiên hỏi tôi: “Cô định mở một tiệm kim hoàn tại nhà à? Hay cô là bạn của ông chủ nơi ấy?”

Tôi nhe miệng cười trừ. Ừ thì nói tôi và ông ta là bạn cũng không ngoa.

Lần này ông đi theo thuyền buôn suốt cả tháng làm tôi buồn thúi ruột. Tôi cứ đi ngang tiệm kim hoàn, nhìn ngó nhưng chẳng thấy ông ấy đâu. Cho đến một ngày khi vừa nhác thấy cái bụng phệ của ông thấp thoáng trong tiệm, tôi liền chạy ùa vào, thở hổn hển: “Hoàng phệ, ông đi đâu cả tháng nay. Tôi cứ đến đây kiếm ông hoài mà chẳng thấy đâu, làm tôi buồn thúi ruột.”

Ông ta nghe tôi nói, chẳng những không vui vẻ gì mà còn tỏ ra hoảng hốt: “Ôi trời mợ ba của tôi ơi, mợ ăn nói giữ mồm giữ miệng giúp tôi. Ai không biết chị chồng của mợ là Nguyên phi trong triều, cậu ba mà nghe được mợ nói với tôi những lời này, không khéo tôi không còn đầu để ăn cơm mất.”

Tôi ngồi xuống ghế, cười khì: “Vậy xem như tôi chưa nói gì, mấy nay ông đi buôn gì mà lâu vậy?”

Ông ấy vừa trò chuyện với tôi, vừa nhanh nhảu xếp những món trang sức mới đem về lên kệ: “Tôi đi kiếm vợ.”

“Kiếm vợ?” Tôi ngạc nhiên đến mức sắp phun ra ngụm trà vừa hớp.

Ông ấy nhìn tôi tỏ vẻ khinh thường: “Cô vừa phải thôi, tôi cùng là đàn ông, cũng cần tìm cho mình một người bạn đời. Cô năm xưa mười ba mà đã theo chồng, thì cớ sao tôi ba mươi lại không được quyền kiếm vợ?”

Tôi nghe ông nói, không phải không có lý. Chỉ là trước nay tôi thấy ông ấy tiêu diêu tự tại, không nghĩ ông cũng cần một người nâng khăn sửa túi. Tôi thật thà hỏi thăm ông: “Thế ông đã tìm được ai chưa?”

Ông ta có vẻ buồn: “Nếu được thì tôi đã khác rồi. Mấy cô gái đều chê tôi thấp người xấu xí, chẳng ai có ý định gả cho tôi mặc dù tôi đã đem rất nhiều sính lễ ra dạm hỏi. Số tôi chắc định sẵn sẽ cô độc đến già rồi.”

Nhược Lan ở bênh cạnh tôi, xỏ xiên: “Ông như thế thì ai thèm lấy.”

Hoàng phệ nghe Nhược Lan nói thì mặt càng thêm ảo não. Tôi vội vã quay về, sợ ở lại đó lâu Nhược Lan lại càng làm ông ta đau lòng. Vừa đi trên phố, tôi vừa suy nghĩ về câu nói của Nhược Lan. Trước đây chị ấy chưa bao giờ có thái độ coi khinh người khác như vậy. Là thân phận người hầu, trước nay Nhược Lan luôn canh cánh trong lòng nên không bao giờ có ý chê bai cả. Ngay khi lúc đó biết Nùng Trí Cao là tội phạm là chị ấy cũng chẳng dám đưa ra bất kỳ phán xét nào. Mỗi lần tôi đến đây nói chuyện với lão Hoàng, chị cũng chỉ an phận đứng phía sau lắng nghe, chưa một lần tỏ thái độ. Vậy mà hôm nay nghe ông Hoàng phệ nói đi tìm vợ, chị ấy lại khinh khi ông. Chẳng lẽ…

Tôi chợt dừng bước, quay lại nhìn Nhược Lan: “Nhược Lan, chị thích ông Hoàng phệ đúng không?”

Nhược Lan nghe tôi hỏi, thoáng giật mình rồi lập tức hoảng hốt: “Cô hai, cô nói gì lạ vậy. Làm sao em có thể thích cái lão già bụng bự xấu xí đó chứ.”

Tôi vẫn không bỏ cuộc, nói tiếp: “Nghe ông ấy kêu than em cũng buồn thay. Em đang định tìm một cô gái nào hiền lành, gia cảnh khó khăn một chút cũng được giới thiệu cho ông ấy làm vợ. Chị thấy sao?”

“Cô hai, nếu lấy vì tiền thì sau này ông ta không còn tiền nữa thì ả đó chắc hẳn bỏ mặc ông ấy rồi.” Nhược Lan chau mày lại.

“Vậy thì một cô gái xấu xí một tí, tính ra thì cũng sẽ không chê ông ấy.”

“Càng không được. Tướng tại tâm sinh, con gái mà mặt mày xấu xí thì chưa chắc lòng dạ đã bao dung. Lấy ông ấy về chưa chắc sẽ một lòng một dạ hầu hạ chồng mình.”

“Vậy một góa phụ thì sao? Có thêm đứa con càng tốt. Hoàn cảnh như vậy chắc cũng không có nhiều lựa chọn đâu.” Tôi lại tiếp tục đề nghị.

Nhược Lan như càng tức tối hơn: “Cô hai à, cô đang kiếm vợ cho ông ấy hay kiếm heo cho ổng nuôi. Đâu phải ra chợ chọn đại một người là có thể kết tóc se duyên cả một đời!”

Ý kiến nào của tôi Nhược Lan cũng bác bỏ, tôi thở dài: “Vậy chị nghĩ người như thế nào mới xứng với ông ta?”

Nhược Lan nhìn xa xăm, có vẻ khẩn trương: “Một cô nương chưa đên hai mươi, dung mạo không cần quá đẹp nhưng phải dễ nhìn. Việc nhà thì tháo vác, ra chợ thì có chút lanh lợi để không bị ăn hiếp. Chưa kể cô nương ấy phải thật tâm thật dạ quý mến ông ấy thì mới có thể toàn tâm toàn ý lo lắng cho ông ta cả đời.”

Tôi giả vờ nghĩ ngợi rồi nói với Nhược Lan: “Nếu chị nói vậy thì em thấy nhà mình có một người phù hợp với ông ta.”

Nhược Lan nghe tôi nói lập tức sốt sắng: “Ai vậy cô?”

Tôi nhún vai: “Xuân Mai. Chị ấy chưa đến hai mươi, việc nhà thì chu toàn, ra ngoài cũng tính là một người sắc sảo. Trước nay chị ấy chưa bao giờ chê bai ai cả, chắc hẳn sẽ đồng ý gả cho ông Hoàng thôi.”

Nhược Lan nghe tôi nói thì lập tức trở nên hoảng loạn. Chị ấy biện bạch hàng ngàn lí do khác như Xuân Mai là người của họ Huỳnh, tôi không có quyền gả đi. Xuân Mai dường như không thích đàn ông, gả cho ông Hoàng chỉ khiến ông ấy thêm phiền lòng… Đến cuối cùng, tôi chốt lại một câu: “Ai cũng không được, vậy em gả chị cho ông Hoàng, được không?”

Nhược Lan ngượng ngùng quay mặt sang chỗ khác: “Gả em đi rồi ai hầu hạ cô hai?”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN