Trần Chân - Chương 49: Sống để chờ cái chết
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
59


Trần Chân


Chương 49: Sống để chờ cái chết


Diễn Châu chỉ cách Hải Đông bốn ngày thuyền, so với cả cuộc đời thì ngắn ngủi, còn so với kẻ đang cận kề cái chết như tôi, tưởng chừng như vô tận.

Ngôi nhà thân thương gần ngay trước mắt vậy mà tôi chẳng dám bước vào. Tôi đã khao khát được gặp lại mẹ cha biết bao nhiêu. Nhưng lúc này đây mới nhận ra mình không đủ can đảm để đối diện với hai người, với những chuyện đã và sắp sửa xảy ra. Mấy lần dợm bước, đi không nở mà ở chẳng đành, cho đến khi giọng nói quen thuộc của Tiểu Xuân vang lên sau lưng tôi.

“Cô hai, cô về thăm nhà đó ư?”

Tôi nhìn Tiểu Xuân tay bưng tay xách, có lẽ vừa mới đi chợ về, mỉm cười gật đầu.

Tiểu Xuân kéo tay tôi vào nhà, miệng hớn hở kêu to: “Ông bà ơi, cô hai về thăm nhà!”

Cha tôi đang cho chim ăn còn mẹ thì ngồi trên sạp tre may vá. Mắt tôi thu hết khung cảnh yên bình, đến mức không ai nghĩ giông bão có thể nào ập tới. Cha mẹ thấy tôi liền dừng mọi việc lại. Tôi thấy cha mẹ cũng cố gắng giấu đi mọi sự lo lắng, chạy thật nhanh đến, sà vào lòng mẹ, nũng nịu: “Con về rồi.”

Mẹ tôi mỉm cười tít mắt, sau đó liền nghi hoặc đẩy tôi ra: “Chồng con đâu? Sao con về một mình?”

Tôi nhìn mẹ, cam lòng nói dối: “Anh Cát về sau con vài ngày. Tại con nhớ cha mẹ quá nên xin phép anh cả cho con về trước.”

Mẹ tôi dường như vẫn chưa tin tưởng lắm, nhìn quanh quất rồi hỏi tiếp: “Gia nhân đâu? Không ai theo hầu con à?”

Tôi nắm lấy tay mẹ ra chiều oan ức: “Mẹ biết không, từ lúc Nhược Lan gả đi, bên nhà chồng không có nàng hầu nào vừa ý con cả. Lần này con về đây cũng vì chuyện ấy, mẹ cho một chị theo con nhé!”

Mẹ tôi chau mày, nghĩ ngợi gì đó một lúc rồi cũng gật đầu. Có lẽ bản thân mẹ cũng cảm nhận điều gì đó khác lạ, chỉ là mẹ chưa biết gọi tên. Nhân lúc mẹ còn đang suy nghĩ, tôi nắm lấy cánh tay mẹ kì kèo: “Mẹ à, anh Cát thích ăn cá chép lắm. Mẹ chỉ con làm món cá chép sốt chua ngọt, có được không?”

Vì tôi thể hiện tình thương yêu dành cho chồng khiến mẹ cũng nhanh chóng quên đi chuyện đang nghĩ. Mẹ nhìn tôi, giả vờ hờn dỗi: “Con gái gả đi rồi đúng thật không còn là con của mẹ nữa. Lúc trước ở nhà sao không thấy con như thế với cha mẹ?”

Tôi phì cười: “Vậy con sẽ học hết các món của mẹ, trước khi anh Cát đến anh thì con sẽ nấu cho cha mẹ ăn.”

Mẹ nghe tôi nói liền dùng tay dí vào trán tôi: “Cuối cùng ông bà già này cũng chỉ cho cô thử nghiệm thôi, đúng không?”

“Mẹ!”

“Thôi mẹ không đùa nữa. Ừ thì mẹ sẽ chỉ cho con những món ngon nhất để mai mốt còn nấu cho thằng Cát ăn. Đàn ông, nhất là người ra ngoài làm ăn như cha và chồng con, cách tốt nhất là phải có những bữa cơm thật ngon để níu chân họ quay về.”

Tôi bẽng lẽng gật đầu tỏ vẻ đồng ý với mẹ dù trong bụng dâng lên nỗi chua xót đến nghẹn ngào. Cả thời gian và cơ hội nấu cho Cát một bữa cơm ngon để chờ anh quay về sau một ngày làm việc vất vả đều không còn nữa rồi.

Tiếng e hèm vang lên khiến tôi giật mình, phát hiện nãy giờ mình đã bỏ quên cha. Tôi rời vòng tay mẹ, tiến lại gần cha: “Con gái nhớ cha lắm!”

Đôi mắt cha nhìn tôi thâm trầm. Bao nhiêu năm lăn lộn thương trường, bao nhiêu năm nuôi con khôn lớn có lẽ đủ để cha nhận thấy những khác lạ theo tôi quay về. Tôi hồi hộp chờ đợi, lẩm nhẩm trong bụng một bài nói dối để đối phó cùng cha vì cha sẽ không dễ dàng tin tưởng như mẹ. Nhưng trái với dự liệu của tôi, cha đã không hỏi gì cả, chỉ lặng lẽ xoa đầu tôi như ngày còn bé thơ.

“Đúng thật sinh con ra thì dễ còn gả đi lại khó biết bao. Lần này con về, ở lại với cha mẹ lâu hơn một chút.”

Tôi thật sự muốn òa khóc, muốn ôm lấy cha như lúc mình còn nhỏ dại. Tôi muốn nói hết tất cả mọi chuyện cho cha mẹ nghe nhưng lời chưa nói ra đã nghe họng mình nghẹn cứng lại. Cha mẹ… không biết mấy hôm nữa cả nhà chúng ta sẽ trở thành những cái xác lạnh lẽo giữa cõi đời này?

Đêm hôm đó tôi giành phần với mẹ việc đem chén chè hạt sen cho cha. Đứng ngoài cửa phòng, chờ cha nói chuyện với quản gia mà lòng tôi dấy lên dự cảm không lành. Quản gia rời phòng, gương mặt xám xịt. Tôi vội vã vào trong, tiến lại nơi chiếc ghế cha đang mệt mỏi tựa lưng.

“Cha!”

“Cha nhận được thư về tình trạng của anh con rồi. Phải thu xếp mọi việc trước khi quan binh tới con ạ!”

Nước mắt tôi lăn dài trên má, rơi xuống chén chè trên tay. Hóa ra cha cũng đã biết mọi chuyện. Sự bình tĩnh của cha cũng chỉ để qua mắt mọi người.

“Cha những tưởng gả con đến nhà họ Huỳnh sẽ khiến con có một cuộc sống sung sướng hơn. Nào ngờ mọi chuyện lại thành ra thế này. Nhà bên kia, từ hôn rồi đúng không con?”

Tôi không thể trả lời, chỉ biết lặng lẽ gật đầu.

“Cha có nhờ người nghe ngóng tin tức của anh con. Hiện nay thực hư chưa rõ, cũng chưa thể khẳng định được gì. Cha có chuẩn bị một chiếc thuyền, sáng mai con cùng mẹ rời khỏi đây đi. Ở Chiêm Thành, cha có vài người bạn làm ăn. Qua đó họ sẽ sắp xếp cho mẹ con con. Mọi chuyện ở đây cứ để cha lo.”

Ý cha là tôi cùng mẹ rời khỏi Đại Cồ Việt, bỏ lại cha ở đây chống chọi một mình?

“Cha, nếu đi cả nhà ta cùng đi.”

Cha đứng dậy, đặt tay lên vai tôi: “Anh con hiện giờ chưa biết sẽ thế nào, cha không bỏ anh con được. Giả dụ chuyện xấu nhất xảy ra, ít nhất nhà mình cũng còn con, chuyện sau này cha trông hết vào con.”

Tôi òa khóc trên vai cha. Cha tôi một đời lo lắng cho con cái, suy tính cho gia đình. Lòng tôi ngổn ngang, vừa muốn ở lại bên cha, vừa muốn nghe lời cha đưa mẹ rời khỏi Diễn Châu này. Cả một đêm mất ngủ, đến hừng sáng tôi đến phòng gọi mẹ.

“Mẹ ơi, chúng ta xuất phát thôi.”

Đêm qua cha đã thống nhất với tôi, nói rằng tại Chiêm Thành có một ngôi chùa rất linh nghiệm. Mẹ sẽ cùng tôi đến đó, cầu phúc cho gia đình, cho Tự Khải và cả cầu tự cho tôi. Mới đầu mẹ tôi còn e dè, nhưng cuối cùng mẹ cũng là một người sùng đạo và một lòng tin tưởng cha con tôi nên đã gật đầu. Lúc tôi vừa gọi tên, mẹ đã vội vàng mở cửa như đã chuẩn bị từ đêm qua, gương mặt hồ hởi: “Mẹ còn định qua gọi con đây.”

Tôi nhìn tay nải mẹ đang cầm nhỏ gọn vô cùng mà sinh ái ngại: “Mẹ đem ít đồ vậy, có đủ mặc không?”

Mẹ phất tay: “Ầy, đi có ít hôm, đem nhiều nặng nề lắm.”

Tôi không biết mở lời với mẹ như thế nào nên chỉ lặng lẽ cùng mẹ lên xe ngựa chờ nơi cổng. Bên ngoài trời chưa sáng hẳn, làn sương mờ ảo vẫn còn bao trùm lấy Diễn Châu. Tiết trời đông lạnh lẽo, tôi tìm tấm áo lông choàng cho mẹ. Mẹ vẫn mỉm cười xoa đầu tôi.

Chẳng mấy chốc chúng tôi đến bến cảng. Chiếc thuyền đưa chúng tôi đi lần này không to lớn như thường lệ gia đình tôi hay đi. Tôi dìu mẹ cẩn trọng bước xuống; khi thuyền phu vừa định nhổ neo gương mặt mẹ lập tức thay đổi.

“Khoan đã.”

Cả tôi cùng thuyền phu ngạc nhiên nhìn mẹ. Mẹ giờ đây không mỉm cười dịu dàng như nãy giờ nữa, thay vào đó là nét mặt nghiêm khắc như khi mắng tôi lúc tôi lên tám, nghịch ngợm gây chuyện với đứa trẻ gần nhà. Tôi sợ mẹ những lúc thế này, còn hơn cả sợ cha tôi.

Mẹ đưa tôi tay nải của mình rồi vuốt má tôi.

“Mẹ không biết đã xảy ra chuyện gì nhưng mẹ cảm nhận được có điều bất ổn. Nếu cha con đã có quyết định như thế, thì con cứ đi, còn mẹ sẽ quay về bên ông ấy.”

Mẹ ra hiệu cho Tiểu Xuân dìu lên bờ trong sự hoang mang cực độ của tôi. Cha giao cho tôi nhiệm vụ đưa mẹ đi để mẹ được an toàn; giờ mẹ lại vì cha mà tình nguyện ở lại nơi nguy hiểm. Tôi bỗng vỡ ra một điều, tình cảm phu thê, bền chặt đến đâu, có lẽ đến khi rơi vào tình trạng như hiện giờ mới đo được độ nông sâu. Mẹ không màng chuyện gì sắp xảy ra, một lòng cùng với cha. Tôi nếu không vì bảo vệ mẹ, chạy trốn một mình có ý nghĩa gì?

Thế là chúng tôi không đi Chiêm Thành nữa. Lúc chúng tôi bước vào nhà, cha vô cùng ngỡ ngàng. Mẹ không đợi cha kịp nói gì đã mở miệng trách: “Ông nghĩ tôi dễ dàng tin ông và bỏ đi như vậy sao? Mấy chục năm nay ở cùng nhau, ông nghĩ tôi thế nào mà để ông ở lại chống chọi một mình?

Cha nhìn sang tôi, rồi lại quay về phía mẹ, nắm lấy bàn tay đã cùng ông kề cận suốt bao nhiêu năm qua, giọng nghèn nghẹn: “Bà à…”

Mẹ vỗ nhẹ lên tay cha: “Ông ăn sáng chưa? Tôi đi nấu mấy món ngon để cả nhà chúng ta ăn nhé!”

Tôi phụ mẹ làm cơm. Nhưng bữa ăn đó chưa kịp trôi qua thì một tốp quan binh đã tràn vào nhà. Bọn họ không kiêng nể bất kỳ ai, thô bạo trói lấy chúng tôi trong lời giải thích lạnh lẽo của tri huyện: “Con trai ông bà Trần Tự Khải không yên phận, dám tìm cách dụ dỗ phi tử của hoàng thượng, những người có liên quan giải hết về nhà giam.”

Gương mặt mẹ tôi xám xịt rồi ngất tại chỗ. Tôi và cha muốn đỡ lấy mẹ nhưng bản thân cũng bị khống chế. Chúng tôi bị binh lính lôi đi, bỏ lại sau lưng gương mắt hốt hoảng của gia đinh, sự ngạc nhiên của hàng xóm đang tập trung ngoài cổng. Tiểu Xuân chung thủy chạy theo tôi, nước mắt ngắn dài: “Ông bà, cô ơi…”

Nhà giam nhỏ hẹp, tăm tối, bốc mùi. Chúng tôi cứ ngồi yên lặng, chẳng biết nên nói gì với nhau. Mẹ vẫn chưa tin những chuyện đang trải qua là sự thật nên bắt đầu sụt sùi. Cha con tôi dỗ dành mẹ chẳng khác nào dỗ dành một đứa trẻ, mẹ lại được dịp khóc to hơn khiến cha tôi cũng có chút bực mình.

“Bà à, bình tĩnh đi. Trước mắt chúng ta vẫn chưa gặp được con, chưa biết nó có bị ai hãm hại mà chịu oan ức hay không. Bà khóc lóc thì cũng có giải quyết được gì đâu.”

“Rõ ràng ông và con Chân đã biết trước chuyện này cớ sao vẫn giấu tôi? Thằng Khải con tôi nó không bao giờ làm ra những chuyện trái đạo lý như vậy. Bây giờ ông bảo tôi bình tĩnh, thì bình tĩnh thế nào đây?”

Mẹ hờn dỗi cha con tôi suốt ngày hôm đó không thèm nói lời nào nữa. Tôi năn nỉ thế nào mẹ cũng không đối hoài. Tôi nhìn mẹ cha, thấy lòng sao quá não nề!

Ngày thứ ba sau khi bị bắt, cha Tú Bình và anh Tự Mai cũng vào nhà giam thăm gia đình tôi. So với cha tôi thì chú nóng tính hơn rất nhiều. Chú hai là người tập võ, dáng vẻ hùng dũng, một khi nổi giận thì mặt cũng đỏ lên, trông đáng sợ vô cùng.

“Anh cả, tôi không tin thằng Khải có thể làm ra chuyện như vậy. Nhất định là có người hãm hại nó.”

Cha tôi gật đầu, mẹ mấy ngày nay không thèm nói chuyện với cha con tôi, giờ gặp chú hai liền được dịp giãi bày hết ấm ức trong lòng: “Tôi cũng nghĩ như chú. Thằng Khải đó giờ đọc sách nhiều hơn ăn cơm, dù nó có chết vì đói cũng tuyệt đối không làm ra những chuyện bại hoại như vậy. Chú hai, chú ở ngoài đó, phải tìm người kêu oan giúp thằng Khải.”

“Chị cả, chị yên tâm đi. Có thí cái mạng này tôi cũng nhất định phải tìm cách cứu cả nhà anh chị. Nếu oan ức này rửa không được, tôi cướp ngục.”

Mẹ và tôi hốt hoảng nhìn chú hai. Anh Tự Mai cũng góp lời bằng một giọng chắc nịch: “Đúng rồi thím, cùng lắm cha và cháu sẽ cướp ngục để cứu mọi người.”

Cha tôi lúc này mới lên tiếng, giọng điệu không lấy làm hài lòng hỏi chú hai: “Mày và thằng Mai đủ sức cướp ngục?”

“Dĩ nhiên cha con tôi không thể. Nhưng còn anh em ở võ quán và những mối quen biết của tôi. Nếu huy động mọi người, chưa chắc không có cơ hội.”

“Cướp ngục rồi thì sao? Tiếp theo mày định như thế nào? Cướp ngục là tội chết, những người kia tình nguyện vì một kẻ không thân thích mà hành động? Giả sử cướp được rồi tất cả lên núi làm sơn tặc, hay chạy qua nước khác sống cuộc đời chui rúc. Sống như vậy, anh mày không sống được.”

Chú hai nghe cha tôi nói, mặt cũng ngẩn ra. Nhưng chú lại nhanh chóng lấy lại thái độ hùng hổ như bình thường: “Tôi mặc kệ. Anh bảo tôi làm sao trơ mắt ra nhìn cả nhà anh chết mà không làm gì được. Anh em với nhau nào phải người dưng nước lã.”

“Thằng Khải và con Chân đều chưa có con. Tú Bình lại bỏ đi biệt tăm. Bây giờ nhà họ Trần chỉ còn trông cậy vào một mình thằng Mai. Chẳng lẽ mày không nghĩ đến những chuyện sau này?”

Cha tôi nói với chú hai, rõ ràng từng chữ. Chú im lặng lắng nghe, nhưng thái độ có vẻ không hề cam tâm.

“Lúc cả nhà anh bị bắt vẫn chưa giải quyết hết với đám nô bộc. Mày thay anh về đó, phát tiền công cho họ. Nếu gia sản anh bị niêm phong thì mày lấy phần vàng anh để chỗ mày để xoay sở. Ngoài ra, nếu mày muốn tìm người kêu oan, anh không ngăn, còn cướp ngục thì tuyệt đối không được. Thanh giả tự thanh, nếu Tự Khải thật sự hàm oan thì hoàng thượng sẽ soi xét, còn bằng ngược lại, mày cũng đừng để cả nhà họ Trần tội chồng tội. Rõ chưa?”

“Anh cả… tôi…”

“Anh hỏi lại, mày có nghe những gì anh nói không?”

“Được rồi. Tôi nghe anh!”

Cha tôi đưa một tay qua song cửa nhà giam, đặt lên vai chú hai: “Nghe anh, tuyệt đối đừng để nhà họ Trần tuyệt tự. Nếu thấy tình hình không ổn thì chạy về phía Chiêm Thành ở ẩn một thời gian. Chỉ cần giữ được rừng xanh, không lo sau này không có củi đốt.”

Chú hai nắm chặt tay lại thành hình cú đấm, nghiến răng trèo trẹo: “Nhà anh có mệnh hệ gì, tôi không cứu được thì tôi cũng căn dặn con cháu phải trả mối thù này. Nếu hoàng thượng hồ đồ giết lầm anh, nhà họ Trần nhất định mang thù truyền kiếp với hoàng tộc nhà Lý!”

Những lời chú hai vừa nói, nếu để ai nghe thấy được, chỉ sợ khó bảo toàn tính mạng. Vừa nãy cha có nhắc qua Tú Bình khiến tôi nhớ đến việc chị ấy đi tìm Nùng Trí Cao, chưa rõ tung tích ra sao. Tôi kêu Tự Mai ghé đầu sát lại, nói nhỏ vào tai anh: “Tú Bình đi tìm phản tặc Nùng Trí Cao. Nếu có bất kỳ điều gì không ổn, anh nói chú hai tìm cách trốn đi.”

Sau đó chú hai cùng Tự Mai cũng rời đi. Hy vọng chú nghe lời cha tôi, đừng làm chuyện gì sai lầm. Còn gia đình tôi hiện giờ, sao thật bế tắc!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN