Tro Tàn Rực Cháy - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
70


Tro Tàn Rực Cháy


Chương 4


Sớm muộn rồi Diệp Thành cũng sẽ hiểu, tôi thật sự không phải người tốt lành gì.

Nếu anh ta không có ít giá trị lợi dụng nào với tôi thì ngay từ lúc bắt đầu tôi sẽ chẳng tiếp cận anh ta.

Bây giờ, tôi muốn kể cho mọi người nghe một chút về câu chuyện cuộc đời tôi.

Tôi là Đại Yên, cuộc đời này tôi đã từng chết hai lần.

Một lần là vào năm mười chín tuổi, khi ấy mẹ tôi bị nhồi máu cơ tim, chết một cách yên lặng không ai hay biết ngay trong nhà.

Một lần là vào năm hai mươi ba tuổi, khi ấy Chu Tẫn nhảy xuống biển, cuối cùng không biết sống chết ra sao.

Trong sách có nói, niên thiếu không nên gặp người quá xuất sắc, thanh xuân cũng đừng làm chuyện quá oanh liệt.

Con người sống trên đời nên bình lặng như nước chảy, an ổn xuôi theo dòng, không có sóng to gió lớn, thỉnh thoảng cũng sẽ có những sóng nước nhỏ nổi lên nhưng rồi cứ để nó tự quay trở lại trạng thái cũ, như vậy mới là một đời viên mãn.

Cuộc sống của một người bình thường không nên trào dâng sóng gió, nếu không thứ đang chờ bạn ở đằng trước sẽ là một bức tường khiến bạn bị đâm tới đầu rơi máu chảy. Sau đó dù mười năm hay hai mươi qua đi thì lúc quay đầu nhìn lại, trong miệng vẫn sẽ có mùi máu tươi ngập tràn.

Không may thay, tôi chính là người người như vậy.

Lúc mới quen biết Chu Tẫn tôi đang là sinh viên năm nhất của Cửu Kinh.

Khi đó nhà tôi ở căn số 601, lầu 5, tòa nhà B trong chung cư Vịnh Táo.

Đó là một khu nhà cộng đồng cũ xây theo kiểu truyền thống, hai phòng ngủ một phòng khách. Phòng ốc cũ kỹ, không có thang máy, muốn lên nhà thì phải leo thang bộ.

Những phòng dưới tầng trệt rất ẩm ướt, phòng ở lầu sáu thì đỡ hơn. Tuy rằng mặt tường bên ngoài mọc tầng tầng lớp lớp dây thường xuân trông rất đẹp, nhưng ngược lại cũng vô cùng thu hút côn trùng.

Vào mùa hè trong nhà tôi khi nào cũng tràn ngập mùi thuốc diệt côn trùng, vì lúc này sẽ có rất nhiều bọn gián xuất hiện.

Hai mẹ con tôi sống nương tựa lẫn nhau.

Mẹ tôi là một người phụ nữ trung niên bình thường, bà ấy làm nhân viên bán hàng trong một cửa hàng bách hóa ở trung tâm thành phố.

Mẹ tôi rất thương yêu tôi, lúc biết tôi đậu đại học mẹ vui mừng cực kỳ, cầm điện thoại lần lượt báo tin với ông bà ngoại và cậu tôi đang ở quê cũ vùng Tứ Xuyên xa xôi. Bà ấy vui đến nỗi trò chuyện cả buổi bằng giọng địa phương.

Nhà tôi là gia đình đơn thân, ở Hoài Thành này không có thân thích họ hàng nào.

Nhưng mẹ vẫn muốn chúc mừng một phen cho nên quyết định tiêu dùng xa xỉ một lần, dẫn tôi đi nội thành ăn lẩu Tứ Xuyên.

Chúng tôi chọn nồi lẩu uyên ương, một phần cải thảo, một phần cá viên, một phần thịt bò cuốn cùng với một phần thịt xiên.

Thời đó khẩu phần từng món vẫn khá nhiều, nhưng tôi cứ thấy chỉ có chút đồ ăn vậy chưa đã thèm, muốn gọi thêm món khác.

Kết quả là mẹ tôi vội vàng cản tôi lại, nói không ngừng nghỉ: “Được rồi Yên Yên à, lúc nãy tan làm mẹ có ăn một cái bánh bao hồi trưa còn dư lại nên giờ cũng không đói lắm.”

Tôi biết, mẹ làm vậy vì tiết kiệm tiền.

Quả nhiên khi đồ ăn được nhúng vào nồi xong, mẹ không ngừng gắp thịt bò và cá viên vào bát của tôi, thúc giục tôi phải ăn nhiều một chút.

Mặt tôi lộ vẻ bất đắc dĩ kêu la: “Mẹ, mẹ cứ như vậy con không có tâm trạng ăn luôn đấy. Ở nhà đã nói hôm nay mình đi ăn chúc mừng với nhau mà, như này rõ ràng chỉ có mỗi mình con chúc mừng thôi!”

Tôi là sinh viên nghệ thuật, mà học nghệ thuật tốn tiền thế nào tôi cũng biết.

Mẹ tôi rất tiết kiệm, ngày thường một đồng tiền cũng không nỡ dùng nhiều.

Cho nên tôi đứng lên cố gắng gắp thêm đồ ăn cho bà ấy: “Phải ăn chung, lát nữa nếu ăn không đủ no thì gọi thêm một phần mì cho vào nồi nước trong nhé, không quá mức đúng không mẹ?”

Tôi rất yêu mẹ tôi, hoàn cảnh sinh hoạt không tốt nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ oán giận.

Thậm chí bắt đầu từ lúc lên cấp hai thì cứ vào dịp rảnh trong mỗi kỳ nghỉ đông và nghỉ hè tôi đều sẽ ở nhà đan giỏ mây, cứ mỗi chiếc tôi được trả hai hào.

Đợi đến lúc lên đại học, vừa qua tuổi vị thành niên việc đầu tiên tôi làm trong thời gian được nghỉ là đi tìm việc làm thêm.

Lúc đó trong nội thành mở một KTV* cao cấp rất nổi tiếng tên là Kim Cương.

[*KTV: KTV là từ tiếng Trung cho karaoke. KTV có nghĩa là một nơi, thường là một câu lạc bộ, nơi người dân Trung Quốc đi hát và vui chơi với bạn bè.]

Nếu chỉ có một mình thì tôi không dám tới mấy nơi như vậy làm thêm, nhưng người bạn cấp hai là Đào Tử của tôi cũng đang làm ở đây.

Thành tích học tập của Đào Tử không tốt nên chưa hết cấp ba đã bỏ học, bây giờ ra ngoài đi làm cũng được hai năm rồi.

Kim Cương là một KTV rất lớn, nhân viên phục vụ nhiều không đếm nổi. Tôi phụ trách bán hàng và thu ngân ở một siêu thị nhỏ trên lầu ba.

Có lúc Đào Tử sẽ bán hàng với tôi, cũng có lúc là chị Cầm. Hai người bọn họ làm toàn thời gian nên phải đảo hai ca.

Ngày thứ ba làm việc ở đó tôi đã gặp Chu Tẫn.

Đó là một chàng trai dáng dấp tuấn tú, cười rộ lên trông có vẻ hư hỏng. Anh rất cao, có một đôi mắt một mí.

Lúc ấy chị Cầm đi vệ sinh, tôi đang sắp xếp lại hoàng hóa trên kệ, anh bước tới cầm ngay một lon coca xong liền không thèm hỏi han gì mà quay đầu đi luôn.

Tôi đặt hàng trong tay xuống vội vàng đuổi theo: “Nè anh còn chưa trả tiền đâu!”

Anh mở lon coca ra uống một ngụm rồi mới nhìn tôi cười, hai hàng lông mày nhướng lên: “Mới tới à?”

Tôi cau mày nhìn anh: “Đúng rồi, nhưng anh còn chưa đưa tiền đâu.”

Anh “À” một tiếng, một tay cầm coca, một tay thò vào túi quần lục lọi, cuối cùng ảo não nói: “Không mang tiền, cứ ghi nợ trước đi.”

Chắc chắn tôi không thể để anh đi, mặt hiện rõ vẻ không vui nhìn chằm chằm vào anh: “Anh này sao vậy nhỉ, không mang tiền còn tùy tiện lấy đồ uống, còn mở ra uống nữa chứ!”

Anh nhìn tôi rồi bật cười, nhếch miệng lên nói với giọng điệu hết sức vô lại: “Tôi đã nói là nợ trước rồi như, chị à chị đừng cố chấp thế chứ.”

Giọng nói của Chu Tẫn rất dễ nghe, thanh âm sạch sẽ êm tai này còn chứa vài phần chế nhạo không rõ, nghe đến nỗi tôi tức giận đỏ mặt: “Anh đừng có mà như vậy, đàn ông con trai lớn thế rồi sao còn làm mấy chuyện như này nữa?”

Anh tiến lên một bước tới trước mặt tôi, hơi khom lưng xuống nhìn tôi bằng đôi mắt tràn đầy ý cười: “Tôi làm gì? Em nói cứ như tôi đã làm tội ác tày trời gì rồi cơ đấy.”

Anh cách tôi rất gần, anh cao hơn tôi cả một cái đầu nên trông rất có khí thế, dưới lớp áo thun đen là hai cánh tay rắn chắc mang sắc nâu khỏe khoắn.

Tôi hoảng sợ lùi về sau, sắc mặt thoắt cái trắng bệch. Ngay cả tiền cũng không cần liền quay đầu chạy luôn vào siêu thị.

Sau đó tôi cách một tấm kính trong suốt ở quầy thu ngân cẩn thận nhìn ra ngoài, thấy anh cười rộ lên với tôi, nụ cười ấy rạng rỡ sáng rực. Anh phất tay rồi quay người rời đi.

Lúc chị Cầm quay lại tôi buồn phiền kể lại với chị ấy chuyện khi nãy, còn miêu tả dáng dấp với đặc trưng của anh một cách tỉ mỉ.

Ý định bạn đầu chỉ là muốn gọi cho quản lý Vương dưới lầu một xem có thể ngăn anh ta lại rồi lấy tiền coca không thôi. Ai ngờ chị Cầm vừa nghe liền nói ngay: “Em kể vậy thì chắc là Chu Tẫn rồi, ghi sổ là được, thằng bé lấy đồ có trả tiền bao giờ đâu.”

Vì vậy ngày thứ ba đi làm tôi đã biết tới cái tên Chu Tẫn này.

Một cậu em trai đi theo làm việc cho ông chủ Phó Lôi của Kim Cương

Làm ở đây một thời gian, thông qua mấy câu chuyện phiếm với Đào Tử và chị Cầm thì tôi đã có một sự hiểu biết rõ ràng hơn với anh.

Chu Tẫn vẫn đang đi học, thậm chí còn nhỏ hơn tôi một tuổi. Anh là học sinh của trường nghề về mảng kỹ thuật hóa chất, trường của anh cách Cửu Kinh không xa.

Nghe nói anh là con trai của một người họ hàng xa với Phó Lôi ở quê cũ.

Sau này Chu Tẫn chính miệng xác nhận với tôi là nhà anh ở nông thôn, nơi đó rất hẻo lánh và đúng là cùng một thị trấn với quê của Phó Lôi thật.

Nhưng anh không phải con cháu họ hàng nhà anh ấy.

Chu Tẫn mất cha từ thuở nhỏ, sau đó mẹ anh tái giá nên từ khi còn bé anh đã ở với bà nội.

Sau khi bà nội qua đời thì nhà chú anh cướp luôn căn nhà anh đang ở, thím thì cả ngày tìm việc châm chọc chửi bới, nói ra nói vào đến nỗi cậu bé mới mười một tuổi như anh phải bỏ nhà ra đi.

Anh nhặt ve chai, xin cơm suốt một đường mới vào đến thành phố.

Tới rồi cũng không có chỗ ở cố định, từng cùng mấy kẻ lang thang ngủ chung một tấm chăn, cũng đã từng ở góc trống trong quán net cuộn mình nằm gọn.

Chủ quán net là một người tốt bụng, ông ấy mua cho anh mấy bữa cơm chiên trứng.

Sau này cứ đến tối anh lại tìm một góc để ngủ, sáng sớm đã dậy quét tước quán xá, sắp xếp máy móc giúp ông chủ.

Cứ như vậy qua nửa năm anh học theo người khác mua một cái bàn, thêm cái ghế, rồi xi đánh giày và mấy thứ linh tinh. Ngày ngày ngồi ở góc đường đánh giày cho người ta, lấy một tệ một đôi.

Sau đó nữa thì gặp được Phó Lôi.

Phó Lôi của mười mấy năm trước cũng là cậu trai trẻ xuất thân từ nông thôn đang bắt đầu dựng nghiệp bằng hai bàn tay trắng.

Cái gì cũng từng làm, cái gì cũng dám liều mạng.

Lúc anh ấy mở chuỗi cửa hàng ăn uống ở cạnh trạm xe lửa thì Chu Tẫn bày sạp đánh giày ở bên cạnh cửa hàng của anh ấy.

Trạm xe lửa có vô số người đến người đi, tiệm ăn là hình thức mở bán 24 giờ.

Có lúc rạng sáng hai giờ Chu Tẫn vẫn còn đang làm việc.

Một buổi tối nào đó Phó Lôi đột nhiên tới ngồi hút thuốc bên cạnh anh, tán gẫu với thằng nhóc trưởng thành sớm này vài câu. Trong lòng nghĩ thằng nhỏ này có ý tứ ra phết, lại còn ở cùng một thị trấn ngoài quê cũ nữa, sau đó liền nói rằng muốn giúp đỡ anh.

Chu Tẫn mừng rỡ cực kỳ: “Anh! Em muốn vào làm ở tiệm ăn của anh, rửa chén bát ở sau bếp cũng được.”

Phó Lôi lắc đầu: “Tuổi của chú mày nhỏ quá, lỡ có ai nhìn anh không vừa mắt rồi tố cáo anh sử dụng lao động trẻ em thì không phải chơi chết anh mày à.”

“Nhóc này, muốn đi theo anh thì phải đi học trước, chữ to còn không biết đọc thì anh cần chú mày làm gì.”

Phó Lôi giúp anh vào học trường cấp hai nội trú, tốt nghiệp cấp hai xong liền vào trường học nghề.

Thời gian đó bởi vì tiệm ăn của Phó Lôi buôn bán ế ẩm nên phải đóng cửa, anh ấy lại kiếm mặt bằng mới quyết định làm vụ lớn, hùn vốn với người khác mở KTV.

Lúc Kim Cương khai trường thật sự vô cùng long trọng, làm ăn cũng rất tốt.

Kiếm được quá nhiều tiền là sẽ bị người ta đố kỵ.

Điều may mắn của Phó Lôi là anh ấy đã hùn vốn với người khác mở quán, mà đối tác của anh ấy lại là người bạn đã quen biết nhiều năm tên là Tôn Đại Sấm, người ta thường gọi gã là anh Sấm.

Hồi Phó Lôi còn mở tiệm ăn gần trạm xe lửa thì anh Sấm mở một cửa hàng sửa di động và sòng bài ở cách sau đó một con phố.

Gã thông minh hơn Phó Lôi, cũng có năng lực. Khu vực cạnh trạm xe lửa thượng vàng hạ cám đủ hạng người, loại người gì cũng có, ở nơi đó anh Sấm rất nổi danh.

Nổi danh tới mức nào cơ?

Buổi sáng bạn bị kẻ trộm lấy mất ví tiền, buổi chiều tìm người nhờ vả anh Sấm, anh Sấm đang ngậm điếu thuốc đánh bài, tùy tay gọi một cuộc điện thoại thì không quá một tiếng sau ví tiền của bạn đã được trả lại tận tay.

Cánh tay đầy hình xăm, đeo chiếc vòng cổ to bự, thân hình cường tráng hơi mập, mặt mũi hung hãn khó gần. Đó chính là anh Sấm.

Không ai biết Phó Lôi trông lịch sự nhã nhặn thế đã quen biết rồi thành bạn bè với anh Sấm bằng cách nào, nhưng sự thật hai người bọn họ là bạn rất thân. Có lần anh Sấm uống say còn ngồi trên bàn rượu vỗ vai Phó Lôi rồi cảm khái: “Lôi Tử là huynh đệ cả đời này của tao. Năm đó tao mở tiệm sửa di động ở trạm xe lửa, có lần bán cái thẻ nạp đã xài rồi cho một thằng nước ngoài, mẹ nó chỉ mỗi ba mươi tệ thôi mà thằng đấy như phát điên lên cầm dao đâm tao. Con dao dài đến nỗi ruột của tao sắp lòi ra, xung quanh ai cũng sợ chạy mất dép. Nếu không có Lôi Tử chạy đến giúp tao thì đm tao đã sớm chết trong tay thằng điên kia rồi!”

Ơn cứu mạng, tất nhiên sẽ không giống bình thường.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN