Trúc Mã Vi Phu - Chương 28
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
165


Trúc Mã Vi Phu


Chương 28


Dịch: Phi Phi/ Beta: Kei

Lục phủ.

“Một canh giờ rồi”.

Lục Khương thị ghé bên cửa tiểu viện nhìn tiểu cô nương đang cầm khung thêu ngẩn người dưới tàng cây không hề chớp mắt.

Bà không cần quay đầu lại, chỉ đưa tay ra sau lưng ngoắc một cái ra hiệu.

Lục Tông lập tức bị thê tử ôm lấy ống tay áo, tiến gần thêm mấy bước.

“Phu nhân, bảo bối ngẩn người thôi mà nàng cũng gọi ta đến xem, có gì mà nhìn?”.

Chủ quân Lục gia trông có vẻ rất bất lực.

“Chàng nhỏ tiếng chút đi”. Lục phu nhân lo lắng quay đầu tét ông ấy một cái, sau đó lại quay đầu nhìn tiểu cô nương: “Trinh Nhi đã cầm khung thêu ngồi bất động suốt một canh giờ rồi! Thế còn chưa phải là vấn đề sao?”.

“Có lẽ bảo bối đang suy nghĩ việc học thì sao?”.

Lục phu nhân rất không tán thành: “Chàng cho rằng Trinh Nhi cũng giống chàng hả? Hơn nữa, làm gì có bài tập nào cần suy nghĩ lâu như vậy?”.

“Thì có thể là bảo bối gặp phải phiền phức gì ở lớp học chẳng hạn?”

Lục phu nhân nhíu mày: “Chàng nhìn kỹ đi, con bé nhíu mày một cái, một lúc lại hé miệng cười, làm gì giống dáng vẻ gặp phiền phức gì đâu?”.

Lục Tông đưa mắt quan sát trong nội viện, đáy lòng cũng dấy lên nghi hoặc.

“… Phu nhân nghĩ bảo bối làm sao?”

Lục Khương thị đang chuẩn bị chọn cơ hội thích hợp để nói cho phu quân biết; nghe vậy, bà quay người lại, sắc mặt càng thêm nghiêm túc: “Ta nghĩ, Trinh Nhi có lẽ…”.

Lời nói của Lục phu nhân dừng lại một chút, bà chỉ tay vào vị trí trái tim mình, nhướng máy về phía Lục Tông.

Phút chốc không gian đều yên lặng.

Trạng Nguyên trẻ tuổi nhất từ khi Đại Triệu lập quốc đến nay ho nhẹ một tiếng, ra vẻ khiêm tốn học hỏi: “Động tác này của phu nhân ý là gì?”.

Vừa nói, Lục Tông vừa học theo động tác chỉ vào trái tim giống Lục phu nhân. Đuôi lông mày của ông còn chưa nhướng lên được bao nhiêu thì đã bị một bàn tay của Lục Khương thị đập lên ngực.

“Chàng đi đi, đi mau đi”.

Lục Khương thị phất tay như đuổi ruồi, sau đó quay người tiếp tục quan sát tiểu cô nương trong sân, miệng còn thì thầm một câu:

“Con gái của ta, đành ta phải nhọc lòng vậy”.

Tiết trời nóng bức đã qua, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh.

Đến Tết Trung thu, y phục mỏng manh ngày hè đã không thể chống đỡ được những cơn gió se lạnh của đêm thu.

Đêm Trung thu, Lục Nghi Trinh mặc thêm một áo choàng màu vàng nhạt bên ngoài y phục rồi ngồi trong tiểu lâu trong phủ ngắm trăng với Lục Tông.

Lục Khương thị ở bên cạnh giám sát người hầu chuẩn bị đồ ăn và trái cây. Đợi mọi việc đã sắp xếp đâu vào đó, Lục phu nhân mới nhàn nhã quay đầu về phía hai cha con dặn dò: “Đợi lát nữa bạn của chàng đến thì để Trinh Nhi lui xuống, nhớ đừng uống rượu đấy”.

Lục Tông gật đầu đồng ý: “Ngắm trăng làm thơ, không có rượu thì sao tận hứng được đây?”.

“Nói là vậy nhưng chàng cũng phải giữ sức khỏe, đừng uống quá nhiều. Khoảng giờ Tuất thì ta sẽ đưa canh giải rượu đến, chàng cũng phải để ý dặn dò mấy người bạn của chàng…”.

Nhân lúc cha mẹ đang nói chuyện, Lục Nghi Trinh nhảy tót khỏi đùi của cha, lân la đến bàn ăn bánh Trung thu.

Tâm trạng lặng lẽ dâng lên chút tiếc nuối.

Thời gian gần đây nàng không hề gặp được Tùy Ý.

Gần đến kỳ thi kết nghiệp Quốc Tử Giám, Tùy Ý thậm chí còn rất ít khi về phủ Quốc công, có lẽ là thức đêm ôn bài ở lớp học. Nhưng mỗi lần về phủ, tiểu Thế tử cũng không trèo tường sang đây nữa.

Lục Nghi Trinh cẩn thận ngẫm nghĩ, sự thay đổi này bắt đầu từ khi nào?

Hình như là từ mấy tháng trước, khi nàng nói với hắn nàng đôi ba năm nữa sẽ đến cập kê. Từ đó về sau, Tùy tiểu Thế tử đến gặp nàng đều đi cửa chính.

Nội tâm tiểu cô nương vừa thấy ấm áp, nhưng cũng thấy hụt hẫng.

Tính cách của Tùy Ý vốn dĩ luôn xa cách và có cảm giác chừng mực; chỉ vì hắn giả vờ quá tốt nên luôn khiến người khác thấy hắn ôn hòa, dễ gần.

Thậm chí ngay cả nàng trước đây cũng bị bề ngoài này của hắn lừa gạt nên mới tiếp xúc với hắn ngày càng nhiều.

… Nếu như, nếu như nàng gặp hắn lúc tuổi đã lớn hơn một chút, phải chăng tiểu Thế tử sẽ không dễ dàng buông lỏng phòng bị đối với nàng, dễ dàng thân cận với nàng như vậy?

Tiểu cô nương ăn bánh Trung thu, lại tiếp tục im lặng ngẩn ngơ.

Tiếng nói của Lục Khương thị bên cạnh cũng mờ dần. Bà cảm thấy cô nương nhà mình lại bắt đầu suy nghĩ miên man gì đó, chắc chắn đang ôm nỗi sầu trong lòng.

“Chàng nhìn xem, ta đã nói có chuyện mà!”.

Bà nhỏ tiếng thì thầm bên tai Lục Tông.

Còn Lục Thượng thư, sau khi đã bị nương tử giáo huấn một lần vào bữa trước, lần này ông chỉ nắm chặt tay Lục Khương thị, vỗ tay bà an ủi, nhưng tuyệt nhiên không hề lên tiếng.

Qua nửa giờ Dậu, khách khứa đến dự tiệc thưởng trăng cũng lục tục tề tựu đông đủ.

Không có Lục phu nhân làm thần trông giữ, Lục Nghi Trinh gan to bằng trời kéo tay áo Lục Tông nũng nịu: “Cha, cho con nếm thử mùi rượu đi!”.

Từ khi lên chín, nàng đã một mực tò mò rốt cuộc rượu có tư vị như thế nào mà có thể khiến tiểu Thế tử xưa nay hiền hòa tao nhã trở thành dáng vẻ hồ ly như vậy?

Nhưng khi đó nàng còn nhỏ, chỉ một lòng xông đến nhận ca ca, nào có biết phải nghiêm túc nhìn thêm vài lần. Sau đó, tiểu Thế tử không hề uống rượu trước mắt nàng nữa. Bây giờ nghĩ lại, quả thật có chút đáng tiếc.

Lục Tông luôn đáp ứng mọi yêu cầu của bảo bối nhà mình, lại đúng lúc không có phu nhân bên cạnh nên ông chỉ ngập ngừng giây lát rồi nhân lúc đám bạn tốt đang ngâm thơ mà lén chấm đầu đũa vào ly rượu rồi đưa cho tiểu cô nương.

Tay đưa, miệng dặn dò: “Nhưng không được nói cho mẹ biết chuyện này nhé”.

“Con biết mà cha”.

Lục Nghi Trinh xoắn xuýt muốn nhận chiếc đũa trúc, cẩn thận nghiền ngẫm một lúc mới đưa nó vào miệng.

Ngay ở giây đầu tiên, đôi mày của tiểu cô nương lập tức nhíu lại.

Vừa cay vừa chát, thiên hạ sao lại có người thích vị này cơ chứ?

Lúc này, bậc thang của tiểu lâu truyền đến tiếng bước chân.

Lục Nghi Trinh có tật giật mình bèn giấu chiếc đũa sau lưng. Nàng nhướng mắt nhìn, chỉ thấy Bảo Khấu cầm theo đèn lồng đi đến trước chủ quân Lục gia.

Bảo Khấu đến đưa nàng đi.

Cũng đúng lúc Lục Nghi Trinh đã mất hứng nếm rượu nên không cần nữ sử nhà mình tốn nhiều sức mà đi theo ngay lập tức.

“Đúng rồi cô nương, Tùy Thế tử đang ở sảnh trước”.

Bước chân đặt trên bậc thang ken két của Lục Nghi Trinh chợt khựng lại, vẻ bất ngờ lẫn vui mừng khó giấu trên khuôn mặt: “Thật sao? Tối nay huynh ấy không cần ôn bài sao?”.

“Chịu căng thẳng mãi sao được? Hôm nay là Trung thu, chuyện lớn thế nào cũng phải thư giãn một chút”. Bảo Khấu nói: “Vừa rồi nô tì nghe tiểu Thế tử nói với phu nhân, các học sinh của Quốc Tử Giám mời một thuyền hoa bên bờ Biện Thủy. Có lẽ ngài ấy đến vì muốn đưa cô nương ra đó chơi”.

Bảo Khấu đoán không sai.

Tiểu Thế tử đúng là muốn đưa nàng ra ngoài chơi.

Dĩ nhiên là Lục Nghi Trinh bằng lòng ngay lập tức. Nàng vốn nghĩ Lục Khương thị sẽ gật đầu đồng ý như mọi ngày, nhưng liếc mắt trông sang thì chủ mẫu Lục gia vẫn mang vẻ mặt sầu lo bất đắc dĩ nhìn chằm chằm vào nàng và tiểu Thế tử, mãi lâu sau vẫn chưa đáp một câu “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý”.

Lục Nghi Trinh thất rất kỳ lạ.

“… Mẹ?”.

Lục Khương thị nghe tiếng, lặng lẽ thở dài một tiếng khiến đáy lòng tiểu cô nương dâng lên sự áy náy khó hiểu.

“Đi đi”.

Cuối cùng bà cũng nói.

Bởi vì phần lớn người đến dạo bên sông tối nay là những công tử sắp thi kết nghiệp của Quốc Tử Giám nên tiểu cô nương khó tránh khỏi sẽ thấy nhàm chán. Tùy tiểu Thế tử cố ý hỏi mấy vị cô nương thường ngày thân thiết với nàng.

Nhận được câu trả lời, xe ngựa lần lượt đến Từ gia và Đoàn gia.

Đêm nay, phủ Anh Vũ Hầu phải tiếp đãi thân thích, Từ Uyển Âm không thể dứt ra được.

Trái lại, Đoàn gia thì rất nhàn hạ. Đoàn Dục Nhi nghe hỏi thì lập tức tung tăng đi thay một bộ y phục đỏ rực. Lúc lên xe ngựa, trên vai nàng còn có một con vẹt sặc sỡ.

“Sao Dục Nhi tỷ tỷ lại đưa theo Đoàn Chim Chích thế?”.

“Con vẹt lớn thế này, đưa theo ra ngoài uy phong biết bao”. Đoàn Dục Nhi ngạo nghễ nói: “Yên tâm đi Lục bảo bối, gần đây nó rất nghe lời, nhất định sẽ không bay nhảy lung tung đâu!”.

Đêm Trung thu, lầu các bên sông Biện Thủy treo đèn lồng đủ màu sắc sặc sỡ, tia sáng hắt xuống mặt nước mờ ảo như mộng. Trên đường phố, không ít khách dạo chợ đêm cũng hò reo chỉ trỏ vào những chiếc đèn trời thả Trung thu.

Xa xa, một chiếc thuyền hoa trang nhã hoa lệ lả lướt trên sông.

Đây là một chiếc thuyền hoa bằng gỗ một tầng, xung quanh trang trí bằng những bức tranh, hoa văn chạm khắc gỗ. Dưới mái hiên còn có mấy chiếc đèn hoa đăng bằng giấy đỏ rủ xuống, nhành liễu lơ thở như cờ tua rua lay động trước gió.

Lắng tai nghe, còn có thể nghe thấy âm thanh tuyệt diệu của cổ cầm.

Bốn, năm người thiếu niên trạc mười bảy mười tám tuổi đã chờ sẵn trên thuyền hoa.

Đợi thuyền hoa chậm rãi cập vào bờ, Tùy tiểu Thế tử đưa hai cô nương lên mạn thuyền. Đám công tử lập tức tranh nhau chen lấn vây xung quanh. Sau khi làm quen, các thiếu niên hào sảng dường như vẫn chưa được thỏa mãn, tiếp tục tán dương mái tóc, y phục và cả con vẹt của các cô nương…

“Đừng dọa các nàng nữa”.

Tùy Ý cười đạm mạc, dăm ba câu đã đuổi mấy công tử về bên kia mạn thuyền, quay lại nói với hai tiểu cô nương: “Đừng để ý bọn họ, bàn ghế lẫn đồ ăn trên thuyền đều chuẩn bị đầy đủ, Trinh Nhi muội muội và Đoàn cô nương tối nay cứ thoải mái thưởng thức cảnh đẹp bên sông Biện Thủy đi nhé”.

“Muội biết”. Lục Nghi Trinh ngó qua một đám thiếu niên đang ngỏng đầu nhìn sang bên này, buồn cười thúc giục hắn: “Ý ca ca mau qua đó đi, mấy đại ca ca kia nhìn muốn rớt con mắt ra rồi”.

Tiểu Thế tử không quay đầu lại nhưng nào có bỏ qua những ánh mắt như châm đang nhìn chòng chọc sang bên này.

Sắc mặt hắn cũng thoáng vẻ bất lực, đành nói với tiểu cô nương: “Một lúc nữa ta lại tới”.

Tiểu Thế tử đi rồi, Đoàn Dục Nhi thoải mái hơn rất nhiều. Nàng cúi người lấy hai trái vải trên bàn, vừa bóc vỏ vừa hỏi:

“Mấy tháng nữa là Thế tử Tĩnh Quốc công và mấy công tử trên thuyền kia sẽ kết nghiệp Quốc Tử Giám đúng không?”.

“Đúng vậy. Sau khi tốt nghiệp thì sẽ đến khoa cử, ban tước vị, có lẽ sẽ không có nhiều người đến dạo bờ sông như lúc này đâu”.

“Trước mùa đông năm nay, Đại ca ca của ta cũng trở về từ Phụng Sơn để tham gia kỳ thi mùa xuân sang năm. Nếu thuận lợi thì sang năm huynh ấy có thể làm quan rồi”.

“Thời gian trôi qua thật nhanh”.

Lục Nghi Trinh thở dài, ghé vào lan can bên mạn thuyền. Thuyền trôi lững lờ, bóng người và đèn đuốc hai bên bờ sông dần mờ đi, thế mà lại có cảm giác u ám kỳ lạ nào đó.

“Ai bảo không nào”.

Đoàn Dục Nhi ôm con vẹt, cũng ghé vào bên cạnh Lục Nghi Trinh.

“Tháng ba sang năm, Uyển Âm sẽ cập kê, tháng năm lại đến ta. Sau đó sẽ gặp những chuyện âu sầu của tuổi trưởng thành, ta mới nghĩ chút thôi đã thấy nhức đầu”.

“Trái lại muội còn muốn nhanh cập kê, nếu có thể đổi với tỷ thì tốt biết mấy”.

“Như muội phải gọi là ‘Thiếu niên chưa nếm trải nỗi sầu’! Tuổi này tốt biết bao, có cha mẹ yêu thương; không cần phải suy xét phu quân là ai, nhà chồng là ai, càng không cần đắn đo quan hệ chị em dâu, thiếp thất, động phòng và cả tỉ thứ chuyện khác nữa… Cùng lắm chỉ là tên quỷ Tiểu Tứ đáng ghét kia thôi!”.

Lục Nghi Trinh quay đầu nhìn Đoàn Dục Nhi, thong thả nói: “Muội cảm thấy Dục Nhi tỷ tỷ mới là người chưa nếm trải nỗi sầu đấy… trưởng thành rồi thì có thể làm được nhiều chuyện mà trước mắt chúng ta không làm được”.

“Có chuyện gì mà hiện giờ chúng ta không làm được?”. Đoàn Dục Nhi nhìn nàng tỏ vẻ khó hiểu: “Uống rượu hả?”. Nói đấy đây, Đoàn Dục Nhi hùa theo giật mình một cái, hạ giọng nói: ‘Muội đừng cứng nhắc thế, chúng ta tìm chỗ không người rồi nếm một ngụm không sao đâu”.

Lục tiểu cô nương cong môi cười, ánh mắt chuyển động sang một chiếc thuyền hoa khác cách đó không xa, tiện tay chỉ cho Đoàn Dục Nhi.

“Tỷ nhìn kìa, chiếc thuyền kia cứ đi theo chúng ta”.

Đoàn Dục Nhi quả nhiên bị thu hút.

“Vừa lên thuyền là ta đã chú ý rồi, chiếc thuyền đó của nhà ai? Trừ người chèo thuyền ra thì chẳng thấy bóng dáng ai cả, cũng không nghe thấy âm thanh nào, bí mật như vậy”.

Bên trong thuyền hoa bí mật trong lời của Đoàn Dục Nhi, Quan gia Đại Triệu đang ung dung thưởng trà.

Thành Đức Hải khom lưng đứng sau tấm bình phong, ngắm nhìn sắc trời ngoài cửa sổ, ông ta cúi người càng thấp hơn mấy phần.

“Quan gia, đã giờ Tuất bốn khắc, chúng ta nên chuẩn bị về cung thôi. Nếu không, sợ là Thái hậu nương nương sẽ lại nhắc nhở”.

“Với tính tình của mẫu hậu ta, cho dù hôm nay không nhắc thì sau này cũng sẽ nhắc; sau này không nhắc thì sau nữa sẽ nhắc; nhắc đi nhắc lại cũng chỉ là mấy chuyện “nối dõi cho hoàng thất” “lập Hậu” “hậu cung”…

Hoàng đế lơ đãng nhấp một ngụm trà.

“Hiện giờ ta bận đấu với mấy lão hồ ly trên triều còn không kịp, nào có tâm tư nghĩ đến những chuyện này? Đêm nay là Trung thu, để lỗ tai ta được an nhàn một hôm đi”.

Thành Đức Hải liên tục dạ vâng, nói tiếp: “Phía trước chính là thuyền hoa của Thế tử Tĩnh Quốc công, hay là Quan gia mời ngài ấy lên uống chén trà”.

Đuôi lông mày của Hoàng đế cong lên tỏ vẻ hứng thú: “Tiểu cô nương nhà Lục Thượng thư cũng ở trên đó sao?”.

“Đúng vậy”.

“Sai người chèo thuyền bám theo sau”. Hoàng đế đặt chén trà xuống: “Ta cũng muốn xem người dám bất bình đứng ra bảo vệ A Ý dáng vẻ như thế nào”.

Thành Đức Anh vâng dạ rồi lui xuống.

Chẳng mấy chốc, cảnh sắc ngoài cửa sổ đã nhanh chóng thay đổi. Đám người cầm đen bên bờ đã dần dần biến mất, thay vào đó là hình ảnh chiếc thuyền hoa của phủ Tĩnh Quốc công lọt vào đáy mắt.

Thành Đức Hải vào bên trong thuyền một lần nữa, cung kính đứng cạnh bình phong để tiện cho Quan gia Đại Triệu quan sát bên ngoài, chỉ thấy hai tiểu cô nương dung mạo thanh tú động lòng người đang đứng trên mạn thuyền hoa.

Dường như đang nói đến chuyện gì đó buồn cười nên hai tiểu cô nương người nghiêng ngả, không nhìn thấy mắt đâu cả.

“… Ai là Lục cô nương? Là người mặc y phục vàng nhạt hay màu đỏ?”.

“Bẩm Quan gia, là người mặc màu vàng”.

Quan gia Đại Triệu gật gù: “Cũng đúng, người còn lại trông như bánh pháo Tết, chắc A Ý sẽ không thích”.

Thành Đức Hải chỉ cười không nói.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN