Truyện Cổ Tích Việt Nam - Ai mua hành tôi hay là lọ nước thần
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
26


Truyện Cổ Tích Việt Nam


Ai mua hành tôi hay là lọ nước thần


Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng. Một ngày nọ anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quạ tha một con chim sẻ tới đậu trên một phiến đá ở gần chỗ mình làm việc. Nhìn thấy thế, anh bỗng động lòng thương con chim bé bỏng sắp sửa lọt vào miệng loài ác điểu.
Anh bèn nhặt hòn đá ném con quạ. Quạ giật mình bỏ mồi vỗ cánh bay lên. Tức mình vì hỏng ăn, quạ chửi rủa om sòm. Anh nhặt đá ném thêm và mắng: – “Đồ chim dữ, hãy cút ngay!”. Quạ hậm hực bay đi, miệng còn đe dọa sẽ báo thù. Anh chàng chạy lại nhặt con chim sẻ đang thoi thóp, cố tìm cách ủ cho nó sống lại. Chỉ chừng giập bã trầu, con chim sẻ đã hồi tỉnh và bay được. Nó cảm ơn anh và bảo anh ngồi chờ để nó đưa biếu một vật. Một lát sau, con chim đã bay trở lại miệng ngậm một cái lọ bé xíu đặt xuống bên cạnh và nói: – “Đây là là nước thần có phép làm cho người trẻ lại, vật thì lớn thêm, trần gian không ai có”. Nói rồi nó vỗ cánh bay đi. Anh ngồi lại tần ngần mở nút ra xem thì thấy đầy một lọ nước mùi thơm ngạt ngào. Anh nghĩ bụng: – “Những thứ này chỉ để cho các bà quan làm dỏm, có đâu để hạng như mình dùng”. Rồi anh nút lọ lại cẩn thận, khi gánh củi về, treo lọ lên kèo nhà. Và rồi thời gian trôi qua, vì bận công việc làm ăn, anh cũng quên đi, không nghĩ tới cái lọ ấy nữa.
Ít năm sau, chật vật mãi anh chàng mới cưới được vợ. Vợ anh cũng con nhà nông, quanh năm chân lấm tay bùn, nên đen đủi, xấu xí. Nhưng hai vợ chồng rất thương yêu nhau.
Một hôm chồng đi cày vắng, vợ ở nhà quét dọn khắp nơi. Thấy một cái lọ con treo trên kèo nhà, chị bèn bắc ghế lấy xuống mở nút ra xem. Khi ngửi thấy mùi thơm, chị ta đồ là dầu thơm gội đầu. Lát sau, chị nấu nước tắm gội rồi tiện tay đổ lọ nước ra xức khắp tóc tai mình mẩy.
Không ngờ sau khi xức xong, chị ta tự nhiên trở nên xinh xắn trắng trẻo, nhan sắc mỹ miều ít ai sánh kịp. Nước thần trôi xuống mấy luống hành bên cạnh giếng, khiến cho những cây hành cũng lớn phổng lên một cách lạ thường: củ to như bình vôi, dọc dài bằng đòn gánh.
Khi người chồng đi cày về nhìn mặt vợ thì ngẩn cả người cứ tưởng là tiên sa xuống cõi trần, nếu không có tiếng nói thì cơ hồ anh không nhận ra là vợ mình nữa. Nghe vợ nhắc đến lọ nước thơm, anh mới sực nhớ tới chuyện báo đền của con chim sẻ ba năm về trước. Nỗi mừng biết lấy chi cân, anh ngắm và mãi không chán mắt, rồi kể lại câu chuyện cũ cho vợ nghe.
Từ đấy anh cứ quấn quýt lấy vợ không rời. Công việc đồng áng vì thế cũng mười phần bê trễ. Nhưng cứ ở nhà mãi thì đói mất nên anh đành phải đi làm. Để khỏi nhớ, anh thuê thợ vẽ hình vợ. Mỗi khi ra đồng làm việc, anh lại treo bức tranh ở bờ ruộng để nhìn cho thỏa. Một hôm anh đang cày ruộng, bức tranh được treo lên một cái cọc cắm ở trên bờ. Vừa cày được mươi luống, tự nhiên con quạ năm xưa ở đâu sà xuống quắp lấy bức tranh mang đi. Anh chàng ở bên kia bờ thấy vậy bèn hò hét đuổi theo nhưng không kịp nữa. Quạ đã cất cánh bay cao và bay đi rất xa, chỉ một loáng đã mất hút. Báo thù việc anh ném đá giành mồi của nó ngày xưa, quạ mang bức tranh vào đến tận kinh đô, thả xuống ở sân rồng. Bọn lính thị vệ thấy sự lạ lùng, bèn nhặt lên đem trình vua. Cầm lấy bức truyền thần, vua ngắm nghía mãi không chán mắt, bụng bảo dạ: – “Trong ba cung sáu viện của ta đã có nhiều người đẹp, nhưng chưa có người nào đẹp bằng người đàn bà trong bức tranh này. Hẳn là trời sai con quạ đến mách cho ta đây!”.
Lập tức vua ra lệnh cho một quan dại thần và một trăm thị vệ phải tìm cho được người đàn bà như đã vẽ trong tranh mang về. Quan đại thần cho người về các địa phương sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Để việc tìm tòi có hiệu quả, chúng bày ra trò mở hội ở các vùng chúng đến để cho mọi người đổ về xem. Mỗi lần thấy dân tập hợp đông đúc, chúng đưa bức tranh ra giả tảng nói là tình cờ bắt được, người nào mất thì đến mà nhận.
Một hôm, chúng tới vùng quê hai vợ chồng anh chàng có lọ nước thần và cũng bày trò mở hội ba đêm ngày. Quả nhiên anh chàng sa vào mưu gian. Khi nhìn thấy bức tranh anh không đắn đo gì cả, lật đật bước tới để nhận. Nhưng anh không ngờ bọn lính chộp lấy anh như chộp con mồi. Chúng theo anh về nhà và tìm thấy ngay người đàn bà trong tranh. Mừng quá, chúng vội đưa kiệu rước nàng về kinh đô, mặc kệ cho người chồng vật mình than khóc.
Sau khi bị bắt vào cung, người đàn bà không cười không nói, áo đẹp không mặc, đầu không chải và không cho một ai đến gần. Đem được người đẹp về cung, nhà vua hết sức mừng rỡ, nhưng cũng hết sức buồn phiền vì mọi thứ dỗ dành, dọa nạt đều không thể làm cho người ngọc nở một nụ cười hoặc nói lên một tiếng. Vua bèn hạ lệnh cho rao trong dân chúng hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu. Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư phù thủy, v.v… đua nhau trẩy kinh hy vọng dùng tài phép lớn cho người đàn bà phải buột miệng nói cười để mong ân thưởng. Nhưng dù đã giở đủ mọi trò, đều vô hiệu.
Lại nói chuyện anh chồng từ khi vợ bị quan quân bắt đi thì không còn thiết làm ăn gì nữa. Khi nghe tin loan báo ai làm cho người đẹp trong cung nói cười được thì sẽ được vua ban thưởng, anh biết là vợ mình đang ở cung vua, bèn quyết vào kinh tìm vợ. Trước khi đi, anh nhổ mấy củ hành ở cạnh giếng buộc làm một gánh quẩy theo. Đến kinh đô anh quảy gánh của mình đi lại trước cửa hoàng cung rao to lên những câu:
Dọc bằng đòn gánh,
Củ bằng bình vôi,
Ai mua hành tôi,
Thì thương tôi với!
Tiếng rao của anh vọng vào cung mỗi lúc mỗi lớn. Nét mặt của vợ anh tự nhiên cũng mỗi lúc mỗi tươi. Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:
– Hãy gọi người hàng hành vào cho ta!
Khi nhìn thấy mặt chồng, vợ anh cười lên một tiếng. Thấy người đàn bà lần đầu tiên cười nói, vua sung sướng như mở cờ trong bụng, lại thấy những cây hành to lớn lạ thường thì nhà vua lấy làm kinh ngạc quá đỗi. Vua ngỡ là nhờ những cây hành kỳ lạ này mà người đẹp nói cười. Vua liền nảy ra ý nghĩ muốn tự mình cải trang gánh gánh hành để làm vui lòng người đẹp. Vua bảo anh chồng:
– Hãy đặt gánh hành lại đó và cởi áo ra mau!
Vui cởi áo long bào vứt cho anh và mặc áo của anh vào. Vua còn bắt anh bày cho mình học thuộc câu rao, rồi quẩy gánh hành qua lại trước mặt người đàn bà, cất tiếng rao mới học được. Thấy vậy, vợ anh hàng hành cười ngặt nghẽo. Vua thích thú lại càng làm già. Nhưng đột nhiên người đàn bà bảo thị nữ thả đàn chó ra. Chó thấy vua ngỡ là người lạ liền nhảy xổ tới cắn chết. Người đàn bà vội bảo chồng:
– Mình hãy mau mau trèo lên ngai vàng đi!
Anh chồng lật đật trèo lên ngai vàng giữa lúc trăm quan và cung nữ rập đầu bái mạng. Từ đó anh làm vua và ở với vợ trọn đời[1].
KHẢO DỊ
Phần đầu truyện trên có nơi không kể việc báo ân của con chim mà là báo ân của một con rồng. Số là anh chồng một hôm làm đồng đàn phải huyệt đất rồng (có người nói táng mả vào lưng rồng), làm cho con rồng đau. Rồng báo mộng bảo phải lấp lại (hoặc dời mộ đi nơi khác), nó sẽ cho một thứ nước thần đưa lọ ra mà hứng, v.v…
Đồng bào Tày có truyện Ba anh em mồ côi là một dị bản của truyện trên:
Có ba anh em mẹ chết còn bố, tài sản chỉ có một con bò là quý giá. Bố chết, hai em giết bò làm ma. Anh đi xa về thấy thế la mắng em sao không để bò lại mà cày, rồi đây lấy gì làm ăn. Bèn đến mộ bố gào khóc đêm ngày. Hồn của bố thương con cho con bạc đặt ở trên mộ. Được bạc, anh đưa về tiêu dùng một mình, không chia cho các em. Em thứ hai thấy vậy, lại đến mộ bố kêu khóc và được bố cho vàng. Đến lượt em út đến kêu khóc, bố nói không còn gì nữa cả, chỉ có một hũ nước thần cho về treo lên nóc nhà nút kỹ sẽ có ngày dùng đến. Hắn làm đúng như lời, nhưng vợ hắn lại tưởng là hũ vàng hũ bạc chi đây, bèn nhân lúc chồng đi vắng lấy xuống xem. Cũng như truyện trên, khi thò tay vào khoắng thấy tay trở nên trắng trẻo, chị bèn dùng nước tắm khắp người, thành ra đẹp như tiên. Ở đây không có câu chuyện bức tranh truyền thần và con quạ báo thù. Nghe tin, vua ra lệnh cho chồng đưa vợ tới cho mình xem mặt. Lúc tới, vua chiếm lấy người đẹp, chồng chỉ còn ngồi khóc. Vợ dặn nhớ về bắt nhiều chim sâu vặt lông làm áo quần rồi mặc đến cung. Anh làm theo. Vua thấy lạ, đòi đổi áo. Kết cục cũng như truyện của ta, chó thấy vua tưởng là người lạ xông ra cắn chết và người chồng trở thành vua[2].
Người Mèo có truyện Chàng thổi khèn cũng là một dị bản của các truyện trên:
Một chàng trai có tài thổi khèn làm cho con gái một phú ông đâm ra mê mẩn. Anh phải đi trốn đến một hòn đảo để tránh tai vạ. Ở đây tiếng khèn của anh lại làm đẹp lòng Long vương. Vua sai đón anh xuống thổi khèn nhân đám ma bố mình. Cô gái út Long vương đến lượt phải lòng anh, nhưng Long vương không muốn gả, bắt anh phải qua nhiều thử thách. Nhờ có sự giúp đỡ của người yêu, anh đều thắng cuộc. Lần cuối cùng, người yêu của anh biến thành gà để bí mật theo anh về cõi trần. Sau đó nàng còn nhờ tiên xây lâu đài để cho hai vợ chồng ở. Nhưng một hôm, Ngọc Hoàng nghe tin vợ người thổi khèn đẹp, bèn đòi anh ta đổi vợ cho mình: một lấy mười. Anh không chịu, Ngọc Hoàng sai lính đến cướp lấy mang về. Cũng như các truyện trên, nhờ có chiếc áo (đây là lông thú không phải lông chim) do vợ dặn mình khâu, anh lên trời rao bán, làm cho Ngọc Hoàng phải đổi áo cho anh để mua nụ cười của người đẹp. Kết cục anh chàng thổi khèn làm vua, còn Ngọc Hoàng bị bầy chó trong cung lạ hơi vì chiếc áo, xông ra cắn chết[3].
Một số dị bản của truyện Chiếc áo lông chim có gắn vào một phần đầu nói về lai lịch của một nhân vật vốn là người thần trong lốt vật. Cô-xcanh (Cosquin) thì cho rằng loại truyện như truyện Chiếc áo lông chim vốn xuất phát từ loại truyện có chủ đề người (nam) kết duyên với vật (nữ), thực ra đó là người trong lốt vật như kiểu Người lấy cóc (số 126), v.v… Sau đây là truyện của người Dao ở Tuyên-quang:
Một chàng trẻ tuổi chữa bệnh cho vua Rồng ở biển bằng cách tháo lưỡi câu mắc vào họng vua. Để trả ơn, vua cho chọn một trong ba cái lọng thần. Anh chàng vô tình chọn được một cái lọng có phép làm mưa, khi trời hạn muốn mưa bao nhiêu cũng được.
Một hôm anh đang làm mưa, tự nhiên rơi xuống một con cá vảy biếc. Anh đem về nuôi trong vại nước. Giống với truyện Tú Uyên (số 117), từ đó mỗi lần anh đi vắng, mọi việc nhà đều dược một người lạ mặt nào đó đến chăm sóc chu đáo. Để tìm ra sự thật, một hôm anh trốn vào chạn lúa phía trên cái vại tay thủ sẵn một cái chày giã gạo, giả cách di vắng. Cá bỗng hóa ra cô gái đẹp (vì đó là con vua Rồng) bước ra khỏi vại làm công việc nhà. Anh để rơi chày làm vỡ vại rồi ôm lấy cô gái. Không có nước để trở về hình dạng cũ, cô gái từ đó trở thành vợ anh. Hai người rất yêu nhau.
Đến đây truyện bắt đầu chuyển sang dạng truyện Chiếc áo lông chim. Một hôm, anh đi làm đồng vắng. Ở nhà lính vua đi qua ngõ thấy có người đàn bà đẹp bèn bắt giải về dâng vua. Vua yêu dấu, nạp làm hoàng hậu và biệt đãi hơn tất cả các vợ khác, nhưng vẫn không làm cho người đàn bà vui lòng. Về nhà không thấy vợ, anh đi theo dấu cải mọc (vì biết rằng đó là dấu của vợ cho mình biết mà đi tìm). Anh đi mãi đi mãi đến nỗi áo rách tơi tả như ăn mày. Cuối cùng cũng đến kinh đô nhà vua. Người đàn bà lúc ấy ở sân rồng vừa thấy mặt chồng thì mỉm cười. Thấy thế vua nói: – “Một năm nay ta chăm sóc yêu dấu mà không thấy nàng cười. Thế mà vừa thấy bóng đứa ăn mày thì nàng vui ra. Hay là ta cũng ăn mặc như nó để cho đẹp lòng nàng”. Cũng như các truyện trên, vua cởi áo đang mặc cho anh, rồi mặc áo rách vào, và cũng bị chó trong cung xé xác. Còn người chồng thật thì trèo lên ngai vàng[4].
Một truyện Mông-cổ chép trong sách Cái chết mầu nhiệm (Siddhi Kho tương tự với truyện trên:
Một chàng trẻ tuổi giải phóng một con nhái, con gái của vua Rồng, sau đó lại cứu một con rắn khỏi vuốt một con chim dữ, con rắn này là con trai vua Rồng anh dược vua trả ơn bằng một tặng vật có thể gọi được thức ăn ngon. Vua lại cho một con chó cái như kiểu con cá vẩy biếc ở truyện trên. Đêm lại chó cái cởi lốt hóa ra người, thành vợ chàng trai, sáng ra lại mặc lốt vật vào. Một hôm vợ anh lấy dạng người để đi tắm, ở nhà anh ném lốt vào lửa. Vợ về thấy vậy rất buồn vì chồng làm thế tất sẽ có sự chia ly, ít ngày sau, người đàn bà lại đi tắm ở một con sông. Một búi tóc của nàng rơi ra, trôi theo dòng nước. Búi tóc này có năm mầu lấp lánh và bảy tính quý, trôi vướng vào bình của một cô hầu trong cung đang múc nước. Thấy búi tóc lạ, người hầu dâng lên vua.
Vua bảo mọi người: – “Trên nguồn phải có một người đàn bà rất đẹp mới có búi tóc như thế này. Các ngươi hãy cố gắng bắt về cho ta”.
Khi thấy người của nhà vua sắp đến, người đàn bà biết sắp phải chia ly, mới dặn chồng làm một cái áo lông chim “pi” và lông thú rồi mặc vào, đến cung vua làm những điệu bộ cầu khẩn. Người chồng nghe theo. Thấy chồng đến với cái áo lạ, người đàn bà giờ đã là hoàng hậu, nở một nụ cười, vua nói: “Hơn một năm nay mặc dầu ta chiều chuộng đủ cách mà nàng không cười, nay sao lại cười trước điệu bộ của người kia?”. Đáp: – “Tôi cười vì cái bộ lông chim kia. Nếu vua mặc vào tôi cũng cười ngay”. Trong khi vua đổi áo cho anh chàng thì người đàn bà dặn người hầu thả chó dữ ra. Vua bị chết tại chỗ, còn người đàn bà đưa chồng lên ngôi vua[5].
Ở một số dị bản khác của truyện Chiếc áo lông chim lưu hành ở một số dân tộc còn có xen vào những tình tiết đấu trí giữa nhân vật chính (nữ hay nam) với tên vua (hoặc quan do vua sai đến) cùng một loại với những tình tiết của truyện Em bé thông minh. Ví dụ truyện Chiếc áo lông chim của dân tộc Nùng (đã kể ở Khảo dị truyện số 80, tập II)[6].
Dân tộc Dáy có truyện Vợ chồng anh mò ốc:
Một anh chàng chuyên mò ốc, một hôm đi bắt được một con ốc lớn lạ thường, đem về bỏ vào chậu nước. Từ đó mỗi ngày đi làm về, anh thấy có cơm canh sẵn.
Tưởng bà con xóm giềng giúp đỡ, anh đứng ở cổng nói thật to mấy câu cám ơn, nhưng sau mọi người cho anh biết là không ai giúp anh như thế cả. Cuối cùng anh cũng lập mưu bắt được quả tang cô gái đẹp từ vỏ ốc chui ra. Cô bằng lòng làm vợ anh, nhưng đến lượt anh quyến luyến vợ, bỏ bê công việc làm ăn. Từ đây truyện giống với truyện người Nùng. Vợ cũng vẽ cho hai bức truyền thần dặn chồng khi đi cuốc nương thì cắm mỗi bức một đầu, tha hồ ngắm nghía.
Một hôm anh bỏ quên một bức ở nương, bức tranh bị gió cuốn bay đến sân nhà vua. Muốn thử xem người đẹp có tài không, nên khi gặp anh, vua hỏi: “Một ngày cuốc được bao nhiêu nhát?”. – Vợ anh gà cho anh hỏi vặn lại vua: “Ngựa vua một ngày chạy được bao nhiêu bước?”. Lần thứ hai vua lại hỏi: – “Có đầm nước trên núi đá đủ 15 con trâu tắm không?”. – Vợ anh cho vua biết rằng “chồng mình đi bứt dây mây ba ngày chưa lần đến gốc”. Vua không tin có mây dài như thế thì người đàn bà đáp: “Trên núi cũng không có đầm rộng như thế”. Vua chịu thua. Lần thứ ba gặp anh, vua lại hỏi: “Chỗ nào có cái trống đánh từ mồng một, tiếng vang đến ngày rằm?”. Vợ anh nói rằng: “Chồng thiếp bận mổ một con trâu ba ngày mà lột da chưa xong”. Không tin thì người đàn bà đáp. – “Lấy da trâu ấy mới bưng được trống đánh từ mồng một vang đến ngày rằm”. Vua lại chịu thua. Lần thứ tư gặp người đàn bà vua hỏi: – “Đố biết ta đi về hay là xuống ngựa đấy?”. Nàng hỏi vặn vua: “Đống rác này tôi hót đi đổ một hay hai lần?” – “Một lần”, vua đáp. Người đàn bà liền hót rác làm hai lần. Biết là bị mắc mưu, nhưng vua tìm cách bắt mỗi người dân nộp một vác củi rồi để vu vạ anh mò ốc, vua bỏ một con mèo chết vào vác củi của anh và nói: – “Mèo của ta không phải là mèo cũng không phải là hổ, rất quý. Có người đã trả năm mươi lăm lạng rưỡi vàng. Nay đã đánh chết thì một là phải làm sống lại, hai là phải trả đủ số vàng. Không được thì phải đưa vợ đến thay”. Không thấy anh mò ốc đền mèo, hôm sau vua đến nhà để đòi, không ngờ khi xô cửa làm rơi một cái muôi gỗ, bị vợ anh mò ốc lý sự: “Muôi nhà tôi không phải muôi, gỗ không phải gỗ, rất quý, có người đã trả sáu mươi sáu lạng sáu vàng. Nếu vua bắt chồng tôi làm cho con mèo sống lại thì vua cũng phải làm cho cái muôi lành lặn như cũ. Nếu bắt đền tiền thì vua còn mắc nợ mười một lạng mốt vàng”. Vua lại chịu thua.
Thấy người đàn bà vừa đẹp vừa có lài trí, vua sai quân đến bắt đi. Từ đây truyện lại trở về dạng truyện Chiếc áo lông chim. Theo lời vợ dặn, người chồng cũng làm áo bằng lông các loại chim đánh bẫy được, nhưng không phải trồng táo mà là trồng hẹ “lá tốt như cỏ tranh”. Sau ba năm anh mặc áo ấy và gánh gánh hẹ đi đến cung vua. Tiếng rao của anh cũng làm cho người vợ bỗng bật nói cười. Kết cục như các truyện trên, vua cũng đổi áo cho anh mò ốc, người đàn bà cũng thả chó ra cho cắn chết vua, và anh mò ốc thì trèo lên ngai vàng. Ở truyện của ngưòi Nùng thì hai vợ chồng trở lại đời sống ngày trước sau khi đưa của cải của vua phân phát cho mọi người[7
Truyện vua A Tú của dân tộc Miêu (Trung-quốc) cũng có một đoạn giống với các truyện trên:
Chàng trai A Tú đến lợp cung điện cho vua. A Tú nhổ một bãi nước bọt biến thành quả anh đào làm cho công chúa mê anh. Về nhà anh bảo mẹ đi dạm công chúa. Vua bằng lòng gả nhưng bắt phải chịu một số thử thách. Lần đầu là dùng tro bện một sợi dây quấn quanh lầu ba vòng, và mang đến một con trâu sừng dài không đi lọt cửa thành. A Tú lấy rơm bện thành thừng rồi đốt như truyện của người Nùng; lại bóc vỏ cây xuân cắm tiếp vào sừng trâu cho dài. Lần thứ hai phải nộp ba đấu mề gà và ba thăng mắt cá. A Tú bắt mẹ mèo rừng và mẹ rái cá, bảo lũ con phải tìm nhiều mề gà và mắt cá mới thả mẹ chúng ra, nhờ vậy mà đủ số đem nộp. Lần thứ ba phải nhặt đủ số hạt đậu vàng mà vua sai rắc trong núi. A Tú bắt quạ loan báo cho các giống chim phải nhả số đậu đã ăn đem nộp. Lần thứ tư, để lấy ba sợi râu của Long vương, A Tú dùng gậy đập xuống mặt hồ làm cho Long vương ăn ngủ không yên, phải nhổ râu cho A Tú. Sau bốn lần thử, vua bằng lòng gả công chúa, nhưng bắt A Tú phải đoán đúng kiệu công chúa trong số một trăm hai mươi kiệu che kín rước ra cửa cung. Một con ruồi bằng lòng giúp chàng việc này. Đến đây truyện gần giống với truyện của ta.
Vì công chúa đẹp quá nên ngày nào A Tú cũng ngắm nghía không rời, bỏ công ăn việc làm. Công chúa bèn vẽ cho chồng một bức tranh luôn luôn mang theo bên người và dặn đừng huýt sáo. Câu chuyện rối ren cũng xảy ra vì A Tú quên mất lời dặn. Gió cuốn bức tranh đến nước vua phương Nam. Binh mã của vua mang bức tranh đi tìm người đẹp. Một hôm chúng đến làng A Tú. Chúng cũng hỏi anh mỗi ngày cuốc được bao nhiêu nhát. Anh chặn họng chúng bằng cách hỏi lại ngựa một ngày đi dược bao nhiêu nước. Thấy thế chúng đến nhà với ý định để hỏi đố nữa. Ở đây chúng tìm được người đàn bà vẽ trong tranh, mặc dầu nàng đã dùng nhọ nồi bôi vào mặt.
Cũng như mấy truyện trên, trước khi ra đi, công chúa dặn A Tú làm áo lông chim và mang khèn đến cung vua. Vào cung ba năm, công chúa không nói một lời và chỉ nói cười khi thấy A Tú đến. Vua mừng rỡ đổi áo hoàng bào lấy áo lông chim của A Tú. Nhưng trong khi vua nhảy múa thổi khèn thì bị công chúa xui chồng bắn chết. Rồi A Tú lên ngai vàng làm vua[8].
[1] Theo lời kể của người miền Bắc.
[2] Theo Đơ-jor-jơ (Degeorge), đã dẫn.
[3] Theo Truyện cổ Việt bắc, đã dẫn.
[4] Theo Bô-ni-pha-xi (Bonifacy). Truyện dân gian người Mán ở Bắc kỳ, BEFEO.
[5] Theo Cô-xcanh (Cosquin). Truyện cổ tích Ấn-độ và phương Tây, sách đã dẫn.
[6] Người Nùng còn có truyện Nàng Xáy nói đến một chàng trai nhờ con chó chín đuôi bắt được một cái trứng. Từ trứng hiện ra một cô gái, dọn cơm canh hàng ngày khi anh vắng mặt. Về sau anh rình bắt được. Từ đấy Nàng Xáy là vợ anh, nhưng vì anh phạm vào điều cấm kỵ (ăn trứng) nên vợ biến về thủy phủ. Trải bao gian khổ đi tìm vợ nhờ con chó chín đuôi, ruồi và cá anh vũ, nên anh cũng tìm đến nơi. Ở đây anh phải chịu ba lần thử thách của Long vương (bố vợ); nhờ có đom đóm, kiến, chim nên anh làm tròn. Nhưng khi đưa vợ trốn về, vì quá nôn nóng, nên vợ lại bị khi bắt, nhờ có châu chấu giúp, cuối cùng anh về an toàn. Từ đây truyện giống với truyện trên, chỉ có gánh gừng hương thay cho gánh táo (theo Truyện cổ Việt bắc, đã dẫn).
[7] Theo Chàng xà trị hổ ác, đã dẫn.
[8] Theo Truyện dân gian Trung quốc, đã dẫn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN