Truyện Cổ Tích Việt Nam
Lấy chồng dê
Ngày xưa, ở một vùng gần biển, có hai vợ chồng nhà nọ, đầu tóc đã hoa râm mà vẫn hiếm hoi. Hai vợ chồng cầu khấn khắp nơi mong có mụn con khỏi phải hiu quạnh lúc tuổi già. Thế rồi người vợ bỗng có mang, chín tháng mười ngày đẻ ra một bọc, khi mở ra thì không phải là người mà là một con dê đực. Chồng bực mình bảo vợ đem ném xuống sông cho khuất mắt, nhưng người vợ không nỡ, khuyên chồng cứ để lại nuôi.
Trong lòng phiền não, người chồng phát ốm rồi từ giã cõi đời. Trái lại, dê thì hay ăn chóng lớn, lại biết trông gà, chăn lợn, giúp đỡ mẹ những việc vặt trong nhà. Vì thế, mẹ dê cũng phần nào khuây khỏa.
Một hôm dê đi chơi đâu về, tới đặt đầu vào lòng mẹ nói:
– Mẹ ạ! Phú ông làng bên có ba cô con gái, mẹ đi dạm cho con một cô!
Mẹ dê nghe con nói không nhịn được cười, bảo:
– Mày thật là đứa không biết phận mình. Đời nào phú ông lại gả con cho cái thứ dê như mày cơ chứ!
Nhưng dê một hai bắt mẹ mang trầu cau đến hỏi cho bằng được. Sau cùng, thấy con vật nài hết sức, nên chiều lòng con, mẹ đành đánh bạo đến nhà phú ông. Giáp mặt phú ông, ngần ngại mãi, bà mới dám mở miệng ngỏ lời. Vừa nghe nói, phú ông đã đùng đùng nổi giận, quát mắng om sòm:
– Câm mau cái con mụ này! Đồ láo! Dám vác mặt tới đây hỏi con vàng con ngọc của ta cho con dê của mụ kia à? Muốn tốt thì xéo ngay đi!
Nhưng theo lời con dặn, mẹ dê vẫn cứ nhẫn nhục ngồi lại, một hai nói mãi không thôi. Cuối cùng phú ông bất đắc dĩ bảo:
– Thôi được, ta cũng chiều lòng mụ gọi các con ta ra đây hỏi xem, hễ đứa nào bằng lòng lấy con mụ thì ta sẽ gả.
Nói xong, phú ông cho gọi ba cô con gái đến trước mặt, rồi hỏi ngay con gái đầu lòng:
– Con có muốn về làm dâu nhà mụ này không?
Cô gái nguýt mẹ dê một cái rõ dài rồi hối hả đi vào, không quên buông một câu nói vội:
– Úi dào, chồng người chả lấy, lại lấy chồng dê!
Phú ông cười ha hả. Lại hỏi đến cô con gái thứ hai:
– Còn con có ngại hắn là dê không nào?
– Thưa cha, con là người không thể lấy được dê.
Đến lượt cô con gái thứ ba, phú ông lại hỏi:
– Còn con nữa, con cũng thế chứ?
Nhưng cô thứ ba đã khép nép cúi đầu thưa:
– Cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy!
Phú ông chưa bao giờ ngạc nhiên đến thế. Nhưng đã chót hứa với mẹ dê, hắn không còn biết nói năng ra sao nữa. Hắn nghĩ: – “Không cần từ chối, ta cứ thách cưới cho rõ nặng, nhất định các vàng cũng không dám “chơi chèo”. Hắn bèn đòi mẹ dê phải đủ sính lễ một trăm trâu bò, một trăm lợn, một mâm vàng, một mâm bạc mới được đón đâu về. Nghe nói, mẹ dê lật đật chạy về kể lại cho con nghe và nói:
– Con ạ! Hãy từ bỏ ý định ngông cuồng đi thôi. Phú ông tuy nói gả nhưng lại thách cao như thế, họa có vua chúa mới biện đủ.
– Đừng lo mẹ ạ – dê con trả lời – con sẽ lo được.
Đêm hôm ấy, trong khi mẹ dê ngủ, thì dê bước ra sân trút lốt dê thành một chàng trai trẻ. Khi chàng hô lên: – “Lấy cho ta mọi thứ để làm sính lễ”, lập tức các gia nô xuất hiện trước mặt chàng rất đông, họ đội đến đủ số vàng bạc và dắt đến đủ số trâu, bò, lợn, rồi biến mất. Chàng trai lại chui trở vào lốt dê, gọi mẹ dậy nhận đủ lễ vật để sửa soạn ngày mai đưa sang cho phú ông.
Ngày rước dâu, dê bon bon đi trước, còn cô gái út phú ông lẽo đẽo theo sau cùng với hai chị. Sau khi vào buồng làm lễ hợp cẩn, cô gái bỗng thấy chồng mình trút lốt dê ra thành một chàng trai tuấn tú thì vừa sợ vừa mừng. Sáng dậy chồng lại chui vào lốt dê như cũ, rồi ra nhà ngoài. Hai người chị vợ cố nán ở lại để xem em mình ăn ở với dê ra làm sao. Nhưng khi gặp người em, họ chả thấy em có vẻ gì là băn khoăn hối hận về việc có chồng là dê cả. Không khỏi lấy làm ngạc nhiên, họ tỉ tê hỏi dò em cho ra sự thực. Vợ dê kể lại cho hai chị biết mọi việc trước sau. Đêm lại, hai chị lén trổ vách buồng của em nhìn vào quả thấy đúng như lời em nói. Họ không ngờ chồng của em lại khôi ngô trẻ đẹp vượt xa bọn con trai trong thiên hạ. Hôm sau hai chị khuyên em phá lốt dê đi để cho chồng không còn biến vào đâu được. Quả nhiên từ đấy dê chấn dứt cuộc đời đội lốt dê. Còn hai người chị thì lại hối tiếc và ghen tị với số phận may mắn của em.
*
Hơn một năm sau, một hôm chồng trao cho vợ một con dao và một hòn đá lửa, dặn rằng:
– Tôi có một số công việc phải vượt muôn trùng sóng nước, chưa hẹn được ngày về, cũng không thể đem nàng đi được. Nàng ở nhà nhớ đừng đi đâu xa. Hai vật hộ thân này hãy luôn luôn mang bên người đừng quên, có khi dùng được việc.
Rồi một sáng sớm, Dê từ biệt mẹ và vợ dong buồm ra khơi. Vợ Dê ở nhà thức khuya dậy sớm, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng. Nhớ lời chồng dặn, bao giờ con dao và hòn đá cũng được giắt ở bên lưng.
Một ngày kia, hai chị đến nhà rủ em đi trẩy hội. Vợ dê trước chối từ nhưng sau thấy hai chị dỗ mãi, bèn theo họ ra đi. Cả ba người xuống một chiếc thuyền đậu sẵn ở bến. Thuyền băng băng rẽ sóng, chị em cùng nhau vui vẻ chuyện trò. Qua ngày hôm sau, ba chị em lại quây quần ngắm mây trông sóng ở đằng mũi thuyền. Nhưng đã lập mưu sẵn, hai chị thừa lúc em vô ý bất thần đẩy em xuống biển. Vợ dê chưa kịp kêu lên thì đã bị sóng khỏa chìm nghỉm. Còn hai chị, thi hành xong kế độc, liền hối hả cho thuyền vào bờ, rồi giả bộ hốt hoảng báo tin rằng em mình không may sẩy chân rơi xuống nước.
Lại nói chuyện vợ dê trong khi đang vùng vẫy có ngoi lên khỏi mặt nước thì bỗng có một con cá kình lao tới đớp ngay vào bụng. Sẵn dao bên mình nàng lập tức rút ra đâm chém tứ tung. Cá kình bị thương quẫy rất dữ dội. Nhưng vì bị thủng bụng nên chỉ một lúc sau cá đã tắt thở, nằm phơi bụng nổi lên mặt nước. Chăng bao lâu sóng biển đánh giạt xác cá vào một hòn đảo. Vợ Dê liền cầm dao rạch luôn bụng cá, chui ra ngoài. Đó là một hòn đảo hoang không có bóng người. Nàng bèn chặt cây dựng lều làm thành một chỗ ở bên bãi biển. Sẵn có đá lửa, nàng đốt củi lên sưởi, và xẻo thịt cá kình nướng ăn. Sau đó lại vào rừng hái trái đào củ, thay cho lương thực. Cứ như thế tất cả những khó khăn trong cuộc sống dần dần nàng đều vượt qua.
Một hôm, vợ Dê nhìn vọng ra ngoài khơi bỗng thấy xa xa có bóng một cánh buồm trắng. Nàng bèn buộc áo vào một cành cây phất lên làm hiệu. Con thuyền nhận được dấu hiệu của nàng, rẽ sóng tiến vào đảo. Khi thuyền cập bến, nàng sửng sốt thấy người trên thuyền không phải ai xa lạ chính là chồng mình. Đúng là chàng dê sau bao ngày vượt vời đang trên đường trở về quê hương, thấy dấu hiệu cầu cứu nên ghé vào đảo. Hai vợ chồng ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Chỉ một lát sau, Dê đã nghe hết đầu đuôi câu chuyện.
Khi thuyền về đến nhà, Dê giấu vợ không cho ai biết, rồi sai người dọn một bữa cỗ linh đình nói là để cúng vợ. Chàng cho mời làng nước và bà con họ hàng, cả gia đình nhà vợ tới dự. Hai người chị nghe tin Dê đã về thì mừng khấp khởi, vội đến ngay. Cả hai làm bộ khóc lóc thảm thiết trong khi bịa ra câu chuyện cái chết thảm thiết của cô em xấu số. Sau đó chúng mấy lần liếc mắt đưa tình để cám dỗ người em rể tuấn tú mà chúng vẫn ao ước được chung tình. Dê vẫn thủng thỉnh đi từ bàn nọ sang bàn kia, mời mọi người ăn uống no say. Đoạn Dê khoan thai bảo hai chị:
– Em xin vào nhà gọi người ra hầu hai chị!
Dê vén màn cho vợ từ trong buồng bước ra. Nàng tươi cười chào hỏi hai chị và mọi người, làm cho ai nấy đều sửng sốt. Hai người chị vừa thẹn vừa sợ, nhân lúc mọi người không chú ý, len lén bước ra khỏi cổng. Nhưng chúng đi chưa được một quãng đường đã bị thần sét nhảy xuống đánh chết.
Từ đấy hai vợ chồng Dê ăn ở với nhau sung sướng trọn đời .
KHẢO DỊ
Trong Thánh Tông di thảo cũng có một chuyện Lấy chồng Dê:
Một người đàn bà ở Thanh Khê góa chồng có hai con gái. Cô bé đã gả chồng còn cô lớn hơn hai mươi tuổi mà vẫn chưa chịu lấy ai. Khi bà mẹ mất, có nhiều nơi đến dạm hỏi nhưng cô đều từ chối. Cô ở với chú may vá làm thuê, kiếm ăn lần hồi. Cô thương mẹ khóc lóc ba năm, ai cũng khen là con có hiếu. Một hôm cô từ mộ mẹ trở về nhà, tự nhiên thấy có một con dê đi theo. Về đến nhà, dê nhảy ngay vào buồng hóa thành một chàng trai, tự xưng mình là người của ngọc hoàng thượng đế bị đày xuống trần ba mươi năm. Từ đấy chàng trai cứ sáng ra là dê tối lại là người. Ở làng ấy có một người con trai khác từ lâu theo đuổi cô gái. Một hôm, anh ta đến rình ở buồng thấy có tiếng trò chuyện, bèn phá cửa xông vào thì chỉ thấy con dê, anh ta thẹn quá bỏ đi mất.
Sau đó Ngọc hoàng thương giảm hạn, dê được về trời. Lúc từ biệt, vợ đòi đi theo. Dê bày cho vợ câu thần chú để gọi mình xuống mỗi lúc muốn gặp. Nhờ đó hai bên còn gặp nhau nhiều lần. Nhưng bốn tháng sau, cô bị bệnh chết. Khi chôn, người ta thấy trong quan tài có tiếng động, mở ra chỉ thấy một con chim vàng anh .
Chúng tôi ngờ rằng truyện vừa kể xuất xứ từ truyện Lấy chồng dê trên kia nhưng đã qua sự cải biên gọt đẽo mạnh tay của nho sĩ.
Việt Nam còn có truyện Chàng Chuối rất phổ biến ở Miền bắc, gần như cùng một chủ đề với chuyện trên.
Thủy thần một hôm biến thành một người đàn ông lên bộ, rồi ăn nằm với một cô gái. Cô gái từ đấy có mang, đến kì đẻ sinh ra một con cá chuối rất lớn. Thường ngày mẹ vẫn nuôi con trong vại nước. Lớn lên, chuối đòi lấy một trong ba cô con gái quan họ Lý trong miền. Cũng như truyện trên cô thứ nhất và cô thứ hai khi nghe nói chuyện lấy Chuối làm chồng đều tỏ ý dè bỉu, trừ cô thứ ba. Thấy vậy họ Lý cũng đòi một món sính lễ lớn, vượt khả năng của nhà trai. Chuối được mẹ thả xuống sông để về xin bố. Bố cho một quả bí, về mở ra trong có đủ mọi sính lễ mà nhà gái đã thách cũng nhiều kẻ hầu người hạ. Cưới xong, đêm đêm Chuối cũng biến thành chàng trai ăn nằm với vợ, ngày lại hóa cá. Một hôm Chuối trút lốt cùng vợ đi chơi hội chùa, hai chị không ngờ đó là một chàng trai khỏe và đẹp, đâm ra mê mẩn. Em gái thú thật đấy là chồng mình. Hai chị lúc đầu không tin, họ đến nhà em khoét vách nhìn mới rõ sự thực, và từ đó họ ghen tị với em.
Về sau vua nghe tin đồn, vời Chuối về triều làm đại tướng trấn giữ biên thùy. Ở đây cũng có tình tiết hai chị nhân khi Chuối đi vắng, rủ em đi tắm và xô em ngã xuống sông, nhưng cứu thoát cho vợ Chuối lại là Thủy thần. Chuối làm xong việc quan, trở về gặp lại vợ, giấu vợ vào hòm, rồi mang hòm đến nhà bố vợ. Hai chị cũng giả bộ thương xót em gái xấu số rồi tán tỉnh ve vãn Chuối, nhưng đến lúc Chuối mở hòm thì bị vạch mặt. Hai chị cũng bị sét đánh chết như truyện trên .
Đồng bào Vĩnh Yên, Phú Thọ kể chuyện chàng Chuối có khác ở chỗ, mẹ Chuối do ướm vào dấu chân lạ bên bờ sông mà có mang. Sau khi ra đời, Chuối được thả trong một chậu nước đặt ở gậm giường. Một hôm có hội mùa, Chuối biến thành chàng trai đi dự, thấy có ba cô gái đẹp mới về bảo mẹ đi hỏi. Cũng như trên, nhà gái thách cưới quá nặng. Chuối cũng bảo mẹ thả mình xuống sông rồi cũng mang lên một quả bí. Một tiếng nổ, quả bí vỡ tung, bao nhiêu mâm cỗ và đồ sính lễ tuôn ra nườm nượp. Ở đây không có việc Chuối được vua phong đại tướng. Thừa lúc vắng Chuối, hai chị rủ em ra cầu rồi bất ngờ đẩy xuống sông. Nhưng chàng Chuối đã kịp thời cứu được vợ và đẩy hai chị em xuống nước .
Đặng Lễ Nghi biên soạn Chàng Nhái kiến Tiên Thơ từ một văn bản cũ (không rõ có từ thời nào). Đại khái là:
Ông bà trưởng giả sinh được một con gái xấu xí là Giảng Dung. Lớn lên cô gái không chồng mà chửa, sinh ra một con nhái. Ông bà trưởng giả sau đó qua đời, Giảng Dung hẩm hút nuôi con. Nhái mười ba tuổi bảo mẹ đi hỏi con vua Hồ vương (tác giả đoán là Hung- nô). Mẹ chiều ý con. Vua sai đưa nhái đến xem mặt. Vua hỏi: “mày ưng lấy ai?”. “Công chúa Kiến Tiên mà thôi”. Thấy con gái bằng lòng, vua hứa gả nếu:
“Sắm đủ một trăm mặt trời,
Một trăm mặt nguyệt tùy thời chiếu liên
Một trăm chư Phật chư Tiên,
Thành Hoàng trăm vỵ ứng liền thinh không
Một trăm mãng xà có lông,
Một trăm bạch lộc trong rừng chạy ra
Một trăm hùm dữ thay là,
Một trăm sư tử dỡn ma kỳ lân,
Để cho dỡn chụp trước sân
Sắm đủ trăm thần cỡi (cưỡi)nó mà đi
Trăm rồng ngũ sắt (sắc) dị kỳ,
Để dỡn mặt nhựt (nhật)ta thì xem chơi…”
Nhái biện đủ, đám cưới cử hành long trọng. Sau đó để thử vợ nhái làm cho kiến cắn chết mình, công chúa vật vã than khóc. Sống lại, nhái cởi lốt thành chàng trai xinh tốt. Thấy thế hai chị bắt nhái về ấp, bắt cởi lốt, bắt không được thì lấy gươm cắt lốt, nhái chết nhưng rồi nhái lại sống. Một hôm nhân nhái đi vắng. Kiến Tiên bị hai chị giết quẳng xuống sông nhưng nàng được Long vương cứu. Trở về, nhái tìm mười cửa địa ngục ở âm phủ không thấy. Lên trời, Ngọc Hoàng bảo xuống tìm ở Long vương. Đưa được vợ về, nhái tâu vua mọi sự. Vua giao hai chị cho vợ chồng nhái xử, nhưng họ tha bổng. Vua bắt đầy vào rừng sâu. Ở đấy hai chị lấy chằn tinh làm chồng. Về sau vua giao quyền binh cho nhái rồi bỏ đi tu .
Gần giống với chuyện Lấy Chồng Dê và Chàng Chuối, còn có truyện Sọ Dừa của người Cham-pa, khá phổ biến ở miền Nam, nội Dung như sau:
Một người nọ nhà rất nghèo, một hôm cùng con gái lên rừng hái củi. Cô gái bỗng tìm thấy ở một hòn đá một mạch nước chảy, bèn uống và tắm thỏa thích. Nhưng khi người cha đến thì nước không còn một giọt. Cô gái từ đấy có mang, đủ ngày tháng đẻ ra một cục thịt tròn như quả dừa. Thằng bé bảy tháng biết nói, một năm biết tự lăn đi, ba năm biết chăn dê. Sau đó, nó bảo mẹ đưa mình đến cung vua xin làm công việc chăn trâu. Trâu vua có ba mươi vạn, người chăn mà thường vẫn thất lạc, nhưng thấy Sọ dừa cam đoan, nên vua bằng lòng thuê.
Ngày đầu tiên, công chúa bé nhất mang cơm trưa. Công chúa thấy trâu ăn thành từng bầy rất trật tự, nhưng không thấy Sọ Dừa. Gọi một tiếng thì Sọ Dừa từ đâu lăn ra nhận cơm. Chiều lại, đưa trâu về đủ số.
Ngày hôm sau, vua giao thêm công việc cắt dây buộc nhà. Khi đem cơm, công chúa đứng rình thấy giữa rừng có nhà lầu, có dê lợn và kẻ hầu người hạ. Một số người hầu thì đi chăn trâu, còn một số đi cắt dây. Công chúa gọi lên một tiếng, tự nhiên mọi thứ biến mất, còn Sọ dừa thì lăn đến nhận cơm như cũ. Buổi chiều trâu về con nào con ấy dây cuốn đầy sừng. Vua rất thán phục khi thấy quân hầu tháo được một trăm xe. Lần đưa cơm thứ ba, công chúa cũng rình thấy giữa kẻ hầu người hạ đông đúc có một chàng trai đẹp tựa trăng rằm. Khi gọi tên thì chàng trai biến vào lốt, lăn ra như cũ.
Hôm sau nữa hai công chúa lớn từ chối việc đưa cơm nên công chúa em lại phải đi. Hôm ấy trời mưa gió, lúc Sọ Dừa đánh trâu về lăn vào bếp sưởi, đụng vào chân hai công chúa lớn đang nấu ăn ở bếp bị họ mắng chửi.
Hôm khác, vua giao thêm việc chặt tre. Công chúa ba đưa cơm có mang theo một gói trầu do mình têm để tặng sọ dừa. Tre của Sọ dừa chặt được nhiều quá đến nỗi vua phải huy động dân các làng kéo về, được một trăm xe. Mọi người đều tấm tắc về tài năng phi thường của Sọ Dừa.
Chăn trâu được mười lăm ngày, sọ dừa về nhà giục mẹ đi hỏi cho mình một trong ba công cháu làm vợ. Mẹ bất đắc dĩ ra đi. Vua hỏi ý kiến ba công chúa, chỉ có công chúa ba ưng thuận. Đám cưới kéo dài một trăm ngày, một trăm đêm, có dân các làng được vua mời về dự. Vua bảo hoàng hậu hỏi dò xem con gái ăn nằm với Sọ Dừa như thế nào. Công chúa cho biết: sáng là sọ dừa, đêm là người. Một đêm nọ công chúa đem lốt dấu đi. Sọ dừa đành phải ra mắt mọi người. Thấy chàng đẹp trai, ai nấy nô nức đến cung để nhìn mặt.
Sau lễ cưới nửa tháng, Sọ dừa chuẩn bị tàu lớn đi buôn, có vợ và hai chị vợ đi theo. Lúc tàu ra khơi, hai chị bảo em tháo nhẫn mà Sọ dừa tặng cho xem rồi giả vờ làm tuột tay rơi xuống biển. Em vội nhảy xuống vớt, nhưng tàu chạy rất nhanh, khi Sọ dừa biết thì đã không thấy tăm dạng. Cho tàu quay về, Sọ dừa khóc lóc ngày đêm. Hai chị vợ nấu cơm têm trầu cho ăn, lại đến ăn nằm với Sọ dừa nhưng chàng vẫn nhớ vợ không nguôi.
Vợ Sọ dừa vớt được chiếc nhẫn nhưng lại bị chìm xuống biển sâu. Nhờ sự mầu nhiệm của chiếc nhẫn nàng trở thành một người tí hon ẩn vào trong một vỏ trai lớn. Bị sóng đánh, trai trôi dần vào bờ. Một cặp vợ chồng làm nghề bắt trai nghe tiếng khóc tỉ tê trong một vỏ trai, liền nhặt lấy đưa về cất ở nhà. Đến đây truyện giống với tình tiết của truyện Tú Uyên và Tấm Cám
Một lần hai vợ chồng đi vắng, công chúa từ vỏ trai chui ra biến thành người lớn, quét dọn, nấu cơm nước, đoạn lại chui vào như cũ. Một hôm họ cũng giả vờ đi nửa đường lại lộn về rình. Bắt được quả tang, họ nhận công chúa làm con nuôi. Công chúa bảo họ mua cho mình một ít bong về dệt thành chăn. Chăn dệt xong, công chúa bảo mẹ nuôi mang đến cung vua bán, lại đưa nhẫn cho mẹ nuôi đeo. Vua thấy tấm chăn giống với chăn của công chúa thứ ba dệt. Còn Sọ dừa thì nhận ra chiếc nhẫn, bèn theo người đàn bà về nhà. Hai vợ chồng lại tái ngộ. Sau đó Sọ dừa thay vua trị vì thiên hạ .
Một vài truyện Sọ Dừa khác đã có vẻ Kinh hóa, kết hợp phần nào với chuyện Lấy chồng dê, đại thể là:
Một bà cụ hái củi một hôm khát quá, uống nước mưa trong một cái đầu lâu, về có mang đẻ ra một cục thịt tròn, nhân đó đặt tên là Sọ Dừa. Sọ Dừa vừa đẻ đã biết nói, lớn lên đi chăn dê cho phú ông và được ba cô con gái của phú ông thay phiên đưa cơm. Đến lượt cô ba, nhìn trộm thấy Sọ dừa hóa thành chàng trai ngồi võng thổi sáo, có kẻ hầu người hạ. Cuối cùng cô gái cũng trở thành vợ của Sọ dừa, còn Sọ dừa thì trở thành người học trò giỏi đỗ trạng. Trước khi từ giã vợ đi sứ, cũng như truyện Lấy chồng dê, chồng đưa cho vợ môt hòn đá, một con dao, nhưng ở đây có thêm hai quả trứng gà. Vợ Sọ Dừa cũng bị hai chị em dìm chết, cả người lẫn thuyền lọt vào miệng cá kình, nhưng nhờ có dao và đá lửa, nàng tạo nên một cuộc sống mới trên hoang đảo: lại nhờ có hai quả trứng nở thành gà, nàng được chúng báo hiệu chấm dứt cuộc đời lưu lạc bằng tiếng gáy
Ò ó o o!
Phải thuyền quan trạng, rước cô tôi về.
Truyện kết thúc như truyện Lấy chồng dê
Một người nghèo đẻ ra một đứa con chỉ có mỗi cái đầu, đặt tên là Thằn lằn, cho đi ở chăn trâu với một nhà giầu. Chủ bắt chăn bốn, năm chục con trâu đều làm được. Rồi bắt chặt củi, Thằn lằn chặt đủ mỗi con trâu một gánh đặt trên lưng mang về. Chủ sai con gái đưa cơm. Cô cả không chịu đi. Em nói: – “Chị không đi thì tôi đi”. Đến cửa núi cô thấy có một võng điều che bốn lọng, Thằn lằn nằm trong võng có người quạt hầu. Ngoài núi có nhiều người chăn trâu chặt củi. Cô gọi: -“Ai đó ra lấy cơm mà ăn”. Mọi thứ biến mất chỉ thấy Thằn lằn ra lấy cơm.
Thằn lằn không ở nữa, chủ tiếc lắm, nài mãi Thằn lằn mới bảo: – “Ông gả con gái cho tôi, tôi mới ở”. Chủ gọi hai con gái ra hỏi, chỉ có em bằng lòng. Mời làng xã đến ăn cưới. Ba ngày sau chị đến nhà em thấy Thằn lằn là chàng trai đẹp, bèn mời tới nhà mình chơi. Em sang gọi về, chị phàn nàn: – “Chồng người ấp chẳng được lâu. Ấp được hôm trước hôm sau người đòi”. Truyện dừng lại ở đây .
Gần giống với các truyện trên có các truyện sau đây:
Chuyện Chàng Bầu của đồng bào Mường:
Có hai vợ chồng hiếm con, ước ao để được đứa con đẹp như quả bầu. Ít lâu sau, quả nhiên vợ đẻ ra một cục thịt tròn như quả bầu. Mẹ định quẳng đi nhưng con đã nói ngay: – “Mẹ đừng bỏ con, con sẽ làm được việc”. Cũng như Sọ dừa, chàng Bầu lớn lên đi ở chăn trâu cho Lang. Nàng Ả, con gái đầu lòng của Lang đi đưa cơm nhưng vì sợ hãi, thường chỉ đứng ở bìa rừng gọi Bầu ra lấy, chỉ có nàng Hai thì mang đến tận nơi. Và nàng Hai cũng khám phá ra là Bầu có phép lạ: biến thành chàng trai nằm võng thổi sáo, bốn bên voi chầu hổ phục. Hai bên đính ước. Trở về, Bầu cũng bảo mẹ đi hỏi nàng Hai cho mình. Ở đây Lang cũng gọi hai con ra hỏi, sau khi xui con đái vào người mẹ Bầu. Và khi thấy nàng Hai bằng lòng, Lang cũng thách cưới: “Trăm con trâu khoang, trăm hươu chín gạc, trăm vạc tám tai, với một đàn hổ xám, một đàn báo hoa”. Bầu hóa phép gọi cầu vồng xuống, trèo lên, lấy đủ mọi thứ về. Sau khi Bầu lấy vợ, cũng có việc nàng Ả đến rình và khi biết sự thật cũng tỏ ý hối tiếc, nghĩ cách cướp chồng của em bằng cách rủ em lên mảng ra sông gội đầu, rồi đánh đắm mảng. Không biết bơi, nàng Hai bị nước cuốn đến một bãi cát hoang. Nhờ có hai vật dao và trứng mà chồng dặn lúc nào cũng phải mang theo bên người, nàng Hai đào củ, dựng lều; rồi ấp trứng, trứng nở thành gà trống. Bầu hết hạn chầu Trời trở về, qua bãi cát nhận ra tiếng gà, nhờ đó gặp lại vợ. Về đến nhà, Bầu cũng giấu vợ một nơi, và sau đó vạch mặt người chị vợ khi người đàn bà này giả nhận làm vợ Bầu. Thấy em gái, nàng Ả xấu hổ, chạy lên cầu thang thì cầu thang gẫy, rơi xuống chết hóa thành con nhàn nhã suốt ngày chui rúc dưới bùn không dám ngẩng mặt nhìn mọi người. Ở đây cũng có việc người vợ đập nát lốt của chồng và từ đó hai vợ chồng ăn ở với nhau lâu dài .
Truyện Hai chị em và chàng trẻ tuổi của đồng bào Kar (Tây- nguyên)
Hai chị em – Răng-roa và Đăm – cùng bố làm rẫy, bố khát nước quá nghe tiếng nước chảy nhưng mấy lần đi tìm lại không thấy gì. Một bà tiên chỉ cho chỗ một con trăn đang khơi mạch: – “Lấy trăn làm chồng thì được uống”. Chị không lấy, em đành phải nhận lời để bố khỏi chết khát. Lập tức nước chảy đầy ruộng rẫy. Cưới xong, trăn đến giúp bố vợ dọn gỗ, dọn cỏ rất được việc. Một hôm cùng vợ đi tắm. Vợ tắm cuối dòng bỗng thấy da rắn trôi, tưởng chồng đã chết bèn kêu khóc. Khi lên trên dòng thấy một người đàn ông tưởng đó là kẻ giết chồng toan đánh, người ấy nói: – “Tôi là trăn nay đã thành người, tên là Sa-pan”.
Thấy Đăm có chồng đẹp, Răng-roa ghen tị, tìm cách quyến rũ. Đăm bảo chồng đừng chạm vào đồ đạc của chị, vì theo tục chạm vào tức là phải lấy làm vợ. Răng-xoa treo áo giữa nhà, đặt bát nước ăn trước mặt cốt cho Sa-pan đụng phải, nhưng chàng đều tránh.
Vợ Sa-pan có mang, chàng đi vắng, dặn vợ chớ có đi đâu. Răng-roa âm mưu hãm hại Đăm: rủ đi lấy củi, lấy nước, Đăm đều lắc đầu. Nhưng khi rủ đánh đi thì Đăm thích thú đi ngay. Răng-roa cưa đứt dây, Đăm văng xuống sông, Răng-roa lấy quần áo của em mặc vào, lại lấy quả bầu độn bụng giả làm Đăm để được ân ái với Sa-pan, nhưng không may khi leo thang, quả bầu rơi ra, lộ tẩy.
Sa-pan xuôi dòng tìm vợ, một bà cụ (người vớt được vợ) mách cho biết vợ và con anh hiện ở môt hòn đảo, hãy về thu dọn nhà cửa đưa ra đây mà ở. Sa-pan về thu dọn, Răng-roa biết ý đuổi theo đến bè. Sa-pan bảo về nấu nồi cơm lớn đưa đi ăn đường, mình sẽ chờ. Đến bờ sông thấy Sa-pan đã chèo bè ra xa. Răng-roa gào mãi không được, bèn lấy nồi cho xuống nước làm thuyền bơi đi, chó cũng nhảy theo người. Nhưng vì chó cạy cơm ăn làm thủng nồi, nước lọt vào dìm y và chó xuống nước .
Truyện Chàng rùa của người Xơ-đăng
Một ông già góa vợ có mười người con gái, một hôm bằng lòng để một con rùa sửa giúp cái lờ đơm cá với điều kiện gả cho nó một cô để làm vợ. Cũng như các truyện trên, các cô gái của ông đều từ chối, trừ cô út bằng lòng làm vợ rùa. Mỗi lần đến chơi với vợ, rùa đều hóa thành chàng trai, và căn buồng tự nhiên sáng rực lên, làm cho các chị tưởng buồng bị cháy kêu cứu ầm ỹ.
Ông già ốm, muốn ăn óc cá, bảo các chàng rể đi tìm. Chẳng ai lấy được cả, chỉ có rùa lấy được mấy nong.
Ông già lại mở cuộc thi trâu rồi thi xây nhà, rùa đều thắng cuộc, làm cho các chị vợ ghen tức.
Cũng như các truyện trên, trước khi sang Lào buôn bán, rùa giao cho vợ một quả trứng, một con dao, ngoài ra còn có một quả dừa. Ở đây cũng có tình tiết: mấy chị rủ em đi lấy củi, rồi mua muối, vợ rùa đều từ chối, nhưng lại bằng lòng khi nghe nói rủ chơi đu. Bị các chị chặt đu vợ rùa ngã chết, xác văng xuống sông, bị cá nuốt nhưng lại sống lại và sinh con trong bụng cá. Rồi vợ rùa lấy dao rạch bụng cá, bế con chui ra. Quả trứng biến thành gà trống, còn quả dừa mọc thành cây dừa lớn như thổi. Vợ rùa trèo lên, cây cao lên mãi. Ở trên ngọn vợ rùa nhìn sang đến tận nước Lào. Nàng bảo gà gọi chồng về. Nghe tiếng gà gáy, rùa lên đường về ngay. Trời mưa như trút, phải ẩn dưới cây dừa, rùa vừa kêu đói thì cơm trên ngọn rơi xuống, kêu khát thì quả dừa rụng. Hai vợ chồng gặp nhau. Nghe vợ kể mọi chuyện, rùa bỏ vợ con vào gùi mang về, lại trao cho con một cái kim, dặn cứ đâm vào mặt người nào nhòm vào gùi. Thấy gùi nặng, mấy chị vợ hí hửng ra đón. Khi nhìn vào gùi bị kim châm vào mắt, đứa hóa thành chó, đứa hóa thành mèo. Về sau chó mèo ấy chuyên giữ nhà cho vợ chồng rùa .
Chuyện chàng Ca-đác (ca-đác = con vật giống cáo) của người Thái.
Một ông vua sinh được mười công chúa đều đẹp, riêng công chúa cả và công chúa mười giống nhau như đúc. Một hôm vua cho mỗi công chúa một chiếc thuyền, bảo xuôi theo dòng sông, thuyền ai bị kẻ nào cản lại, thì lấy người ấy làm chồng. Các công chúa đều lấy được chồng đẹp trai, chỉ có công chúa mười chở giúp một con ca-đác sang sông, đến giữa sông thuyền dừng lại đành phải lấy nó làm chồng.
Một hôm vua sai các phò mã vào rừng săn hươu. Ca-đác lên rừng chỉ leo trèo hái quả, nhưng cuối ngày được con hươu rất lớn, còn chín người kia thì về không. Lần thứ hai đi đánh cá, chỉ có Ca-đác được một gánh cá nặng. Lần thứ ba đi chặt gỗ dựng nhà. Nhờ có vua Thủy, Ca-đác có một ngôi nhà lộng lẫy, đẹp hơn cả cung vua.
Thấy lạ vua sai người đến rình. Khi thấy Ca-đác trút lốt hóa thành chàng trai đẹp, vua sai giấu kín cái lốt, Ca-đác đành phải mang hình người. Thấy em rể đẹp, công chúa cả có ý cướp chồng của em. Ở đây truyện xích gần với truyện Lấy chồng dê. Ca-đác trước khi đi vắng cũng giao cho vợ một con dao, một gói thuốc, dặn khi gặp nạn thì ném gói thuốc ra. Vợ ca-đác cũng bị chỉ cả chặt đứt đu, văng ra giữa sông, nhờ dao thần và gói thuốc nên xuống đến cung vua Thủy. Công chúa cả mặc quần áo giả làm công chúa mười về với ca-đác. Ca-đác xuống sông tìm thấy vợ và đưa vợ về. Đến nhà làm một bữa tiệc mời vua cha tới dự. Giữa bữa tiệc, ca-đác vạch tội chị cả. Xấu hổ, công chúa cả chạy ra cánh đồng bị sét đánh chết, xác hóa thành con niếu nộng (niếu nộng = con bọ giống con bọ dừa, hay rúc ở bùn.) .
Truyện của dân tộc Cao-sơn (Đài loan) Người đẻ trứng.
Có hai vợ chồng hiếm hoi, cầu thần Tử-tức, vợ sau đó có mang sinh ra một quả trứng. Được một năm trứng biết lăn ra khỏi tổ chơi đùa. Lên bảy, đòi đi chăn trâu, bảo mẹ bỏ mình vào tai trâu, rồi hò hét, sai trâu ra đồng theo ý muốn. Lần khác trứng bảo mẹ buộc dao vào người để mình lên rừng đốn củi. Đến rừng trứng tách vỏ chui ra thành một cậu con trai, đốn xong lại chui vào vỏ, rồi về bảo bố đưa xe lên rừng chở củi về. Đi làm đồng cũng vậy. Một hôm trứng chui ra khỏi vỏ làm ruộng, gặp một cô gái cũng làm ruộng ở gần. Hai bên cùng chuyện trò hát xướng, dần dần đâm thương yêu nhau. Trứng đi dự hội thi vật, lăn dưới chân mọi người, thấy ai giẫm phải thì kêu tướng lên cho họ tránh. Khi thi chạy, trứng lăn ra một nơi chui ra khỏi vỏ, rồi về tới đích trước mọi người.
Cô gái tới nhà hỏi thăm trứng, bố mẹ nói dối mình không có con. Nhưng ở trong rổ, trứng đã lên tiếng. Bố mẹ ngượng quá bảo trứng sao không biết xấu hổ, trứng đáp: – “Con như thế nào cứ nói như thế ấy, ai yêu thì tới, không yêu thì thôi”. Hôm sau trứng cởi lốt đi làm đồng gặp cô gái, cô gái rình biết sự thực, bèn đến nhà mách cho bố mẹ trứng biết. Bố mẹ chờ khi con chui ra khỏi vỏ thì lẻn đến lấy vỏ giấu đi. Từ đó trứng không biến được, đành mang dạng người và cưới cô gái làm vợ.
Truyện của dân tộc Lê (Hải-nam) cũng mang tên Sọ dừa:
Một bà già sinh được năm đứa con, bốn người đầu đều khôi ngô mạnh khỏe, chỉ có con út như một trái dừa nên đặt tên Sọ dừa. Bà ta vứt sọ dừa xuống sông. Một ông lão vót được bền đem về nuôi. Lớn lên Sọ dừa xin đi chăn trâu. Lại xin đi chặt tre về đan rổ rá. Con gái ông lão xinh đẹp mang cơm cho Sọ dừa ăn, một hôm nấp một chỗ rình xem thì thấy từ trong trái dừa xuất hiện một tràng trai trẻ và đẹp. Cô rất ngạc nhiên và cũng rất vui mừng. Về sau hai người yêu nhau và lấy nhau, sống rất sung sướng .
Những truyện có mô típ người (nữ) kết hôn với vật (nam) và vật mang hai giai đoạn biến hóa: người đội lốt vật, vật trở thành người là kiểu truyện khá phổ biến ở nhiều dân tộc. Sau đây là một số truyện của các dân tộc an hem, hình tượng đã thay đổi đi nhiều nhưng vẫn còn rõ nét.
Truyện của đồng bào Ê-đê Chồng cóc:
Một hôm YRít đi làm rẫy bắt được một con cóc vàng đem về toan làm thịt. Nhưng cóc bảo để mình sống sẽ giúp chăn gà giữ lúa cho. YRít bèn giữ cóc lại nuôi bảo trông coi thóc phơi. Cóc làm tròn, vì khi nào sắp mưa cóc đều biết trước. Một hôm trời thình lình đổ mưa, cóc nhờ cô hàng xóm là Hơ-bia chuyển thóc hộ. Hơ-bia không đáp nhưng cũng rình xem cóc làm ăn thế nào. Cóc gọi mãi Hơ-bia không được bèn hóa thành một chàng đẹp khỏe, chuyển thóc trong một nhoáng là xong. Đoạn trở lại lốt cóc. Từ đấy Hơ-bia ốm tương tư, bà mẹ tra gạn mãi, biết con gái mê cóc, mới cho hai bên lấy nhau, chia cho một cái nồi đồng đã rạn rồi đuổi đi. Đến một đám rừng hoang, cóc hóa phép thành một tòa nhà rất đẹp có đủ các thứ của cải, người hầu và súc vật. Hơ-bia thấy vậy liền lẻn vào xé lốt cóc. Từ đó cóc giữ mãi hình người và giàu có nhất vùng. Hai vợ chồng có đông con cháu .
Truyện của đồng bào Ja-rai (Djarai) Chàng lợn.
Bà già Pôm ở với cháu gái là Lúi (lúi = út). Một hôm Lúi cùng bà đi hái bong, nhân khát đi tìm nước. Thấy một cái nấm có nước đái lợn rừng, nàng không nghe lời bà, uống nước ở cái nấm ấy về nhà tự nhiên có mang, đẻ ra được một con lợn. Vì xấu hổ cho cháu, bà Pôm chôn lợn nhưng mấy lần đắp đất kỹ càng, về nhà đã thấy lợn về trước rồi. Nghe tin Lúi đẻ lợn, pơ-tao là tù trưởng giàu có đến xem, bà cháu nói dối nhưng lợn đã tự khai cho pơ-tao biết. Khi pơ-tao về không mang lợn theo nhưng thấy lợn nằm gọn trong gùi, mấy lần pơ-tao bắt trả về cho Lúi nhưng khi về đến nhà mình, lợn đã có mặt ở đấy rồi, pơ-tao đành phải nuôi lợn. Pơ-tao có con gái đẹp là Hơ-bia thường đi chăn trâu đàn. Một hôm bận đi tát cá, lợn xin đi chăn thay. Không ngờ lợn chăn giỏi, Hơ-bia đi rình thấy lợn lột xác thành một chàng trai tuấn tú, nhưng khi hỏi lợn, lợn làm cách không biết. Hơ-bia xin cha chuẩn bị lễ cưới để lấy chồng – một người mà nàng chưa chịu nói tên. Đến khi chuẩn bị xong, cha hỏi lấy ai, nàng nói là lấy lợn. Lợn làm bộ từ chối để cho Hơ-bia nằn nì mãi, mới nhận lời. Hôm ăn cưới không đi lấy nước kịp để đổ vào rượu cần, lợn chỉ múc một ống nước nhỏ nhưng rót mãi không hết.
Một hôm dân làng đi săn, lợn hỏi thì họ giễu cợt, Hơ-bia phải an ủi chồng, nhưng chuyến ấy dân làng chẳng săn được con thịt nào, trừ một con đã bị hổ ăn mất một nửa. Đến lượt lợn cùng em vợ đi săn thì được thịt nai phơi đầy cả một nhà. Hôm khác dân làng đi dỗ voi, chỉ dỗ được một con voi què. Đến lượt lợn đi. Lợn trèo lên đầu con voi chúa đàn. Voi chúa chạy và làm đủ mọi cách nhưng lợn vẫn không rơi. Sau voi lặn xuống suối một tháng để đuổi lợn, lợn ngâm măng cho thối bỏ lên đầu voi, bảo voi nếu lặn lâu thì thối mất đầu. Voi sờ lên thấy thối, tưởng thật bèn chịu hàng lợn, đem cả đàn voi về. Dân làng từ đấy mới phục lợn. Một hôm cùng vợ đi tắm, lợn nhường mãi không được phải tắm trước, Hơ-bia bèn dấu lốt, lợn đành phải làm người. Khi Pơ-tao già giao quyền và của cải cho lợn .
Đồng bào Ba-na (Bahnar) có hai truyện đều có phần giống với truyện Chàng lợn vừa kể. Truyện thứ nhất: Nàng Hơ-lúi (Hơ-lúi = út).
Nàng Hơ-lúi mồ côi, chưa chồng, một hôm đi hái bông với bạn, nhân khát quá chạy vào rừng tìm nước uống. Tự nhiên có suối nước hiện ra cho nàng giải khát và tắm, rồi lại biến mất. Từ đấy có mang bị bà đuổi lên rừng. Đủ cữ, nàng đẻ ra một con cóc. Cóc nghiến răng thì trời chuyển động và có tiếng nói vang lên: “Phải mang con của Hơ-lúi về nuôi cho đến chết”. Bà Hơ-lúi nghe thế sợ quá, đem cóc về nuôi. Một năm trời đại hạn, mọi người đều khổ vì thiếu nước. Giữa lúc cậu của cóc đến chơi, cóc nghiến răng, trời mưa như trút, cóc lại hóa thành chàng trai, được dân tôn làm tù trưởng và cưới vợ cho.
Một hôm cóc làm con diều sáo, thả lên tiếng vang rất xa làm cho Hơ-bia, con gái pơ-tao (tù trưởng) sinh ra tương tư. Pơ-tao cho người đi dò la để mua diều nhưng cóc không bán. Mời cóc đến chơi thì Hơ-bia hết bệnh, nhưng cóc đã có vợ, nên Hơ-bia đành phải xin bố cố mua cho được diều. Pơ-tao phải đem tất cả đàn súc vật: voi, trâu bò ngựa để đổi. Cóc làm phép bỏ đàn gia súc vào ống điếu của mình đưa về, từ đấy trở nên giàu mạnh.
Truyện thứ hai: Cóc và Bia Phu.
Con gái của bà Xóc-ia là Bơ-rông-hia phơi thóc ở đường cái. Voi của Đăm Phu đi qua dẫm phải. Bơ-rông-hia tức mình mắng chửi, nhưng vì sợ, hóa thành cái sọt. Đăm Phu tìm không được đái vào nồi cơm.
Bơ-rông-hia không biết, ăn phải cơm, tự nhiên có mang – hình ảnh này giống với các dị bản của truyện Chàng lợn ở trên – đẻ ra một con cóc. Một hôm bác cóc tới chơi, nhà cóc nghèo, nhưng cóc đã làm phép cho một quả bầu lấy gạo mãi không hết. Sau đó cóc theo về nhà bác, nhưng bác không cho vì sợ người ta cười. Cũng như truyện Chàng lợn, bác của cóc về dọc đường mấy lần phát hiện ra cóc ngồi trong ống tên của mình, mấy lần đuổi cóc về nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Cuối cùng bác phải cho đi nhưng buộc cóc khi đến nhà mình phải ngồi trong buồng kín không được đi đâu. Cóc không đi đâu nhưng lại ước cho các cô gái đến nhà bác nườm nượp để tìm mình. Cuối cùng bác cóc đành cho cháu ra tiếp. Trong số các cô gái có Bia Phu đẹp nhất vùng quyến luyến cóc. Đêm ấy, cóc ước cho mọi người đi vắng, trừ Bia Phu. Nghe tiếng đàn của cóc – bấy giờ đã hóa thành chàng trai tuấn tú – ở nhà “Rông”, lòng Bia Phu không yên phải tìm cho được người gảy, nhưng khi nàng đến thì chàng trai đã hóa thành cóc. Mấy lần đi đi về về như vậy nhưng Bia Phu vẫn yêu cóc, dần dần sinh ốm tương tư. Thấy vậy, bố nàng cho mời các chàng trai đến nhưng chỉ làm cho bệnh thêm nặng. Khi cóc đến thì Bia Phu lại lành như không có việc gì. Thấy con một hai đòi lấy cóc làm chồng, bố mẹ nàng đành phải gả rồi đuổi đi sau khi làm lễ cưới rất đạm bạc. Nhưng cũng như truyện Ê-đê, đến một khu rừng, cóc hóa phép hiện ra nhà cửa, trâu bò, lúa gạo và nô lệ. Vợ cóc đẻ một trai gọi là Đăm Pen lớn như thổi.
Một hôm Bia Phu bảo con đi mời ông bà ngoại đến chơi. Ông bà ngoại bắt phải đắp một con đường lớn có voi đứng nối đuôi nhau mới chịu đi. Cóc hóa phép làm ngay. Họ ở nhà rể ba ngày, được ăn toàn của ngon vật lạ. Khi ra về được rể tặng một con trâu bé tý, bố vợ cóc thèm lấy, còn lấy điếu gõ vào đầu cho trâu chết, nhưng càng gõ trâu càng lớn như thổi, cuối cùng to bằng con voi, phải nhận. Về sau khi ông bà ngoại mời cháu đến chơi, Đăm pen cũng đòi họ phải làm như họ đã thách đố bố nó trước kia. Nhưng dù cố sức đắp, đường vẫn hẹp, voi thì không đủ. Khi Đăm Pen trở về, ông bà ngoại cũng tặng một con trâu mộng, nhưng nó không chịu nổi một cái gõ vào đầu bằng ống điếu của chàng .
Truyện của đồng bào Ka-dong: Chàng cóc.
Một nhà nọ có chín cô con gái đẹp, trong đó có cô thứ ba là Di Dật đẹp hơn cả. Một hôm nhân khát quá, Di Dật thấy giữa hòn đá tảng có nước ngọt bèn uống (thực ra đó là mưu kế của thần Nước). Từ đó nàng có mang đẻ ra một con cóc. Bị làng xóm đuổi, cô đưa cóc vào rừng, và nhờ phép của cóc có hàng trăm người hiện ra làm rẫy cho.
Cóc xin đi chăn trâu cho chúa làng. Ở đây mỗi lần chăn, có ném quả ké lên đầu trâu đánh dấu, và bảo trâu cứ ra đồng ăn lúa cho no, ăn xong cóc hóa phép cho lúa mọc như cũ. Sau ba năm, cóc lấy công một con trâu trắng (tức gà trắng), rồi hóa phép làm cho chỗ ở của mình thành một làng giàu thịnh đông đúc. Sau đó, cóc đi tìm bố (tức thần Nước) rủ bố đi xem hội đâm trâu để được gặp mẹ, và làm lễ cưới cho bố mẹ tại làng mình.
Cóc biến thành chàng trai đẹp đi kiếm vợ. Hai cô gái của Vu Dơ-ría rất đẹp, tuy đã đính hôn với Dơ-róc Dơ-rây nhưng nghe tiếng cóc, hai cô cũng như trai gái trong làng đều mê mệt, quên hết tất cả. Hôm Dơ-róc Dơ-rây làm lễ cưới, cóc làm cho hai cô gái theo mình. Tức giận, Dơ-róc Dơ-rây làm một trận bão ghê gớm. Cóc hóa làm rắn chặn gió bão, Dơ-róc Dơ-rây định giết, bị cóc – bấy giờ đã hóa thành chàng trai to lớn – đánh bại. Hai bên còn đánh nhau suốt một năm, cuối cùng cóc chém được kẻ địch. Về dọc đường, cóc gặp Cầu-vồng là bố Dơ-róc Dơ-rây, lại đánh nhau. Sắp thua, cóc nhờ mưu mẹo của bồ câu, chém được Cầu-vồng đổ sụp, tước lấy binh phép. Cóc còn tiếp tục đánh nhau với Hàm-răng-ma. Và sau đó đánh nhau với thằng lùn cũng đều nhờ bồ câu mà thắng lợi. Sau chiến công đó cóc làm cho làng trở lại giàu thịnh và cưới hai cô gái của Vu Dơ-ría về làm vợ .
Truyện của người Mèo: Ếch lấy con vua
Có ba cô gái rủ nhau đi câu. Cô thứ ba gánh giúp cho một ông già tận tình hơn, ông già dặn cả ba cô câu được con gì thì giữ con đấy mà nuôi, sẽ có ích. Hai cô kia câu được một tôm một cua mang về nướng ăn, chỉ có cô thứ ba câu được con ếch, đem về nuôi trong một cái hòm giấu không cho ai biết, hàng ngày lại cho ếch bú. Thấy con gái mình xanh xao, bố mẹ căn vặn, cô nói thực. Bị đuổi, cô mang ếch đi xa dựng lều lên ở. Ếch xin đi chăn trâu cho vua. Được ba ngày, ếch về đòi lấy con gái vua. Mẹ nuôi bảo hãy làm cho công chúa bằng lòng đã. Nhờ có tiếng nhị, ếch đã làm cho công chúa mê, nhưng mấy lần công chúa đều không biết là ếch. Một hôm nàng giả vờ ẩn để rình thì thấy ếch hóa thành một chàng trai kéo nhị, thấy động, chàng trai lại chui vào lốt ếch. Ếch lại về bảo mẹ đi hỏi công chúa cho mình. Mẹ đi lại mấy lần đâm ngại, bèn quay về nói dối là vua không gả. Sau cùng, vì sợ ếch liều mình, mẹ phải đến nói với vua, vua lúc đầu không chịu gả, nhưng công chúa đòi ăn lá ngón, đành phải nhận lời. Một lần, có vua nước láng giềng mang quân sang xâm lược. Nhờ có rể ếch, vua thắng trận, về sau vua nhường ngôi.
Người mèo còn có một truyện khác Chàng rắn kết hợp một phần truyện Lấy chồng dê với một phần truyện Tấm Cám:
Một ông già vợ chết sớm sinh được ba cô con gái. Một hôm, vì kiệt sức không bẩy nổi hòn đá, ông bèn ước: – “Giá có ai giúp, ta sẽ gả cho một đứa con gái”. Một con răn hiện ra xin làm giúp, và sau khi công việc xong, nó giục ông thực hiện lời hứa. Đưa rắn về nhà, ông già lần lượt hỏi ý kiến các con, chỉ có cô gái thứ ba ưng thuận, hai bên thành vợ chồng. Rắn cũng hóa thành người. Ông già một hôm bắt được lốt rắn bèn giấu đi. Hai vợ chồng đẻ được một con trai, đặt tên là Măng Dư.
Hai chị thấy chồng em đẹp bèn lập kế giành. Ở đây họ không rủ em đánh đu mà rủ em đi cắt cỏ ngựa, rồi đẩy xuống hang cho chết. Rắn về thì chị cả đã nằm sẵn giữa giường. Rắn hỏi : – “Sao chị lại nằm ở đây?” – “Tôi là vợ anh, anh hoa mắt hay sao?” – “Nếu là vợ thì mang giỏ cá mọi ngày lại đây xem có đúng không?”. Chị cả mang lại, rắn bảo không đúng. Đáp: – “Giỏ mọi ngày mèo thấy mùi tanh tha đi rồi”. Măng Du lại nói: – “Mẹ mọi ngày vào cửa lọt, hôm nay sao vào cửa còn rộng “. Đáp: – “Vì mẹ làm nhiều nên gầy”. Tuy vậy, rắn cũng ăn ở với chị cả, đẻ được một con. Từ đấy truyện giống với phần cuối truyện Tấm Cám. Vợ rắn hóa thành chim, một hôm bay đến cửa gọi con: – “Chị của mẹ giết mẹ tranh chồng”. Con mách với bố. Rắn bảo chim: – “Có phải vợ thì đậu xuống đây”. Chim đậu vào tay, rắn mang về nuôi ở buồng. Chị cả bắt chim làm thịt, cho con mình một miếng, Măng Dư một, và dành cho chồng một. Rắn về hỏi thì đáp: – “Vì chim mổ mắt con nên làm thịt”. Rắn ném miếng thịt vào bếp, miếng thịt hóa thành cái kéo. Một bà hàng xóm đi xin tro xúc cả kéo đưa về. Hàng ngày kéo cũng hóa thành người từ trong tráp chui ra, dọn dẹp nhà cửa lo cơm nước sẵn sàng. Bà già cũng giả vờ đi, rồi nửa đường lộn về bắt được, từ đấy nuôi làm con. Măng Dư sang chơi, thấy giống mẹ bèn về mách bố. Bố bảo con nhổ trộm một sợi tóc đưa về. Khi biết là vợ, rắn bảo con tìm cách dẫn về. Hai vợ chồng gặp nhau, nhưng vẫn còn giấu hai chị. Rắn bảo vợ hàng ngày cài cửa buồng lại. Một hôm vợ quên đóng cửa, cả hai chị đều vào. Chúng nó ngỏn nghoẻn: – “Em làm cách gì mà tóc dài đẹp thế?”, đáp: – ” Nấu một chảo nước thật sôi, bắc ba cái ghế đứng lên rồi xõa tóc mà gội”. Hai chị tranh nhau trèo, ghế đổ, rơi vào chảo chết tuốt .
Kiểu truyện như trên cũng phổ biến ở một số dân tộc. Chẳng hạn, truyện của đồng bào Thổ (Tày): Vợ chàng Rắn.
Một ông già có hai (có người kể bốn) cô gái. Một hôm đi tát nước, bỗng thấy một lỗ rò làm cạn hết nước đã tát. Lấp thế nào cũng không ăn thua. Ông bèn ngồi đè lên, bỗng như có cái gì giữ chặt không cất mình lên được. Ông khẩn: – “Nhà tôi có con gái, tha cho tôi, tôi sẽ gả cho một đứa”. Một con rắn theo ông già khi ông về. Cũng như truyện trên, cũng có cô út bằng lòng lấy rắn. Rắn cũng bỏ lốt thành người, và cuối cùng cũng bị vợ giấu lốt. Hai vợ chồng đẻ được hai con. Cô chị cũng ghen tức khi thấy chồng em đẹp trai nên cũng lập tâm giết em bằng cách bảo em trèo khế hái quả rồi chặt cây cho rơi xuống ao chết đuối. Rồi chị cũng ăn mặc giả làm em về nhà ở với chàng rắn, mặc dầu bị cả nhà hắt hủi vì họ biết rằng không phải vợ rắn.
Trong ao mọc lên một hoa sen trắng, một hôm người giữ ngựa cho chàng rắn đi qua, nghe có tiếng gọi từ ao: -“Anh cắt cỏ ngựa, anh có thấy hai đứa con tìm mẹ và chồng tìm vợ không?”. Lấy làm lạ, anh về kể cho chủ biết. Chàng rắn đến, nghe tiếng vợ bèn lội xuống ao ngắt hoa sen đem về, ngắm không chán mắt. Thấy vậy, cô chị rút cánh hoa quẳng đi, một con gà ăn cánh hoa. Chàng rắn nuôi gà trong một cái lồng đẹp hàng ngày chăm chút. Gà lại bị giết thịt. Chàng rắn không ăn thịt mà ném ở sau nhà, lại mọc lên một cây khoai sọ. Khoai sọ đến lượt bị đào nấu cho lợn ăn. Nhưng hễ cô chị đứng phía nào thì nồi sôi tung tóe làm bỏng chân. Giận quá, cô chị đổ hết ra sân. Lại mọc lên hai cây tre có bóng mát. Chàng rắn ngày ngày ra hóng gió. Tre lại bị chặt làm sào mắc màn. Lúc nào cô chị mắc màn, sào cũng đâm vào mặt. Sào lại bị quẳng vào lửa. Khói um lên làm cho cô chị đau mắt, nên giận quẳng ra đường. Một bà già đi qua nhặt về làm khung cửi. Mỗi lần bà đi vắng vải không ai dệt cứ ngày càng nhiều thêm. Bà già rình thì bắt chộp được một cô gái đang dệt: -“Tôi chỉ có thịt không có xương, bà hãy lấy đũa cả và nhiều đũa con sắc nước cho tôi uống thì tôi mới cứng cáp như mọi người được!”. Từ đó, cô gái – vợ rắn – làm bạn với bà già và chẳng bao lâu lại tái ngộ với chồng và con. Ở đây cũng có đoạn kết thúc: cô chị nghe lời em nấu nước sôi tắm để được đẹp như em nhưng bị rơi vào nồi, chết .
Một số truyện sau đây cũng phổ biến ở nhiều dân tộc, có kết thúc mang tính chất khôi hài, nhưng chủ yếu vẫn là những dị bản của kiểu truyện Lấy chồng dê.
Truyện Lấy chồng lang của đồng bào Thái, Nghệ-an:
Một chủ đất sinh được ba cô con gái. Một hôm đi gánh mạ cấy, ông già cất gánh không nổi, mới ước: “Có ba cô con gái mà không ai lấy cả, để có thằng rể nó giúp đỡ ta. Ai gánh hộ gánh này ta sẽ gả cho một đứa”. Bỗng nghe sau lưng có tiếng nói: – “Có thực thế thì để tôi gánh cho”. “Ai thèm nói láo”. Nhưng khi ngoảnh lại thì chỉ thấy một con lang, ông cũng để cho nó gánh. Lúc về nhà ông cũng lần lượt hỏi ý kiến ba con, chỉ có cô thứ ba ưng thuận. Hôm cưới, lang vào buồng trút lốt thành một chàng trai đẹp. Hai vợ chồng yêu nhau và nhờ chồng lang chăm làm, họ trở nên giàu có.
Hai chị thấy thế tiếc quá, một cô bèn bảo bố tìm cho mình một con lang để làm chồng. Người bố nhờ dân làng đi săn được một con đưa về. Đêm động phòng, lúc đầu bố nghe con từ trong buồng gọi ra: – “Ối bố, nó lấy móng cào chân con”. Bố đáp: – “Nó giỡn chơi chứ can gì”. Một lát sau lại nghe: – “Nó cào hai cánh tay con”.- “Nó giỡn ấy mà”. Lại một lát: – “Nó cào ở hông, lòi ruột ra rồi, con chết mất”. “Sắp đến lúc con thỏa lòng mong ước đó”. Lâu rồi không thấy con gọi nữa, người bố cho là con đã ngủ yên với chồng, nhưng sáng dậy mới biết là con đã chết mà lang thì trốn biệt
Truyện Chàng dê của dân tộc Mèo:
Một con dê thần có nhiều phép biến hóa, một hôm giữ lốt dê vào nhà một ông quan có hai cô con gái đẹp, hỏi một cô làm vợ. Dê nói mãi, quan bất đắc dĩ gọi hai cô con gái ra hỏi. Cô chị chê, cô em ưng thuận. Quan đòi nhiều vàng bạc, châu báu mới gả. Sáng dậy đã có đủ, lại có cả tiệc dọn toàn của ngon vật lạ đãi họ hàng. Dê ở gửi rể, tối là người, ngày là dê. Một hôm vợ nhân chồng ngủ say lấy lốt dê để đốt đi. Từ đấy vĩnh viễn là người, sinh con đẻ cháu đông đúc. Người ta nói ngày nay họ Giàng (do chữ dương – dê) là dòng dõi của dê thần.
Còn cô chị thấy em sung sướng, tiếc quá đòi bố lấy chồng dê. Một hôm có con dê thật đến, cũng như truyện trên, cô bắt lên giường, nó nhảy lung tung, đạp rách chăn màn, xô đổ đồ đạc, lại húc cô ngã lăn ra phải kêu cứu .
Một chuyện Ly chồng dê khác của người Vệt sưu tầm trong thời gian gần đây:
Có hai chị em Dương và Bạch ở chung nhau. Chị xấu hơn em cả về nhan sắc lẫn tính nết, thường ghen tị và bạc đãi em. Một hôm, cả hai cùng đi dự hội nhà vua tuyển cung phi. Em trúng tuyển. Khi Bạch đi qua khu rừng để tiến cung thì Dương đội lốt beo bất thình lình nhảy ra vồ Bạch, làm cho Bạch sợ hãi quay trở về. Trong khi đó Dương lên đường vào cung nói dối mình là Bạch, nhưng không đắt vì vua thấy xấu xí, đuổi về.
Một hôm Bạch đốt than để sưởi, làm cháy mất chăn của Dương, bị Dương đuổi ra khỏi nhà. Dọc đường Bạch gặp một con dê lông vàng. Dê bảo nàng theo mình rồi đi kiếm hoa quả cho nàng đổi gạo. Thực ra dê chính là người nhà trời bị Ngọc Hoàng bắt làm kiếp dê vì có tội. Đến hôm hết hạn, dê trút lốt trở thành một chàng trai tuấn tú. Hai bên kết thành vợ chồng, sống sung sướng giàu có.
Dương ngày một nghèo khổ, nghe tin Bạch có chồng giàu thì đến nhà nhờ vả và hỏi thăm. Nghe Bạch kể, Dương cũng hy vọng được như em, bèn mua một con dê đực lông vàng về ở chung. Nhưng dê này đã làm cho cô ả nhiều phen xấu hổ, làm cho cô toan treo cổ tự tử. Vừa lúc vợ chồng Bạch tới cứu và sau đó giúp cho nàng làm lại cuộc đời .
Truyện sưu tần ở Miến Điện (Myanmar): Hoàng tử rắn.
Một bà già thích ăn quả vả, thấy một con rắn nằm vắt ở cành, bèn bảo nó rung cây cho mình nhặt, hứa sẽ gả con. Được ăn, bà già lờ đi tuốt. Lần lượt gặp cừu, cá chép, gà trống và cho mỗi con một quả, dặn có ai hỏi thì trả lời: – “Không có ai qua đây cả”. Rắn đuổi theo, dọc đường hỏi thăm mấy con vật trên, chúng nó giấu nhưng giấu không nổi. Vào nhà bà già, rắn cuốn vào tay đòi giữ lời hứa. Bất đắc dĩ bà già phải gọi ba con gái ra hỏi. Chỉ có cô ba ưng thuận. Bà cho rắn nằm trong bồ treo ở đầu giường. Khi rình thấy rắn trút lốt thành người thì bà bèn lấy quẳng vào lửa. Rắn cho biết mình là con vua núi phạm tội hóa rắn, chỉ khi nào gặp người lấy làm chồng mới trở thành người. Từ đó người ta gọi là hoàng tử rắn.
Hai chị hối tiếc, buộc mẹ đi tìm rắn làm chồng. Bà già lên núi bắt được con trăn đang ngủ mê đem về bỏ bồ treo trên đầu giường chị cả. Đêm lại trăn tỉnh giấc nuốt cô gái. Bắt đầu nuốt chân, cô gái kêu: -“Ôi, rắn cắn chân con”. Bà già trả lời: – “Nó đùa đấy”. Một lát: -“Nó ăn đến đầu gối con” – “Nhảm nào.”- “Ăn đến bụng rồi, con chết mất!”- “Không can gì”. Không thấy tiếng con nữa, bà già cho là con đã hết sợ chồng rắn. Lát sau vào thấy con trăn to phình nằm giữa nhà, bà già vội hô hoán ầm ĩ. Hoàng tử rắn chạy vào chặt đầu trăn, rạch bụng cứu chị ra nhưng vì vấy máu trăn, nên hóa thành rắn trở lại. Tuy vậy chỉ ít lâu chàng lại được trời cho trở thành người, vì có công liều mình cứu người.
Đoạn sau giống hẳn với kết thúc của truyện Lấy chồng dê. Hoàng tử rắn có việc đi vắng sau khi trao cho vợ đá lửa và dao, rồi hai chị bày trò đánh đu xô em và con em xuống nước, hai mẹ con lọt vào bụng cá, rồi phải sống ở hoang đảo và gặp lại chồng. Cuối cùng được chồng giấu vào hòm đem hòm biếu hai chị: hai kẻ gian ác kinh hoảng vì tận mắt thấy mưu gian bại lộ, đâm đầu xuống nước chết .
Truyện của đồng bào Tày Con rùa vàng:
Một người đầy tớ gái của chúa làng có mang vì nuốt phải chiếc cúc áo bằng vàng nhặt được. Cô sinh được một con rùa vàng trước sự hắt hủi của chúa làng. Cũng như Sọ dừa, rùa lớn lên bị chúa làng bắt đi chăn trâu, số trâu không thể đếm xuể. Rùa làm tròn phận sự. Các cô gái chúa làng không chịu đưa cơm cho rùa, trừ cô thứ năm. Nhưng ở đây rùa lại thường trổ tài bay lượn trên không cho cô năm xem và đưa cả cô bay lượn với mình. Khi ở trên không, cô thấy rùa hiện thành một chàng trai trẻ. Từ đó hai bên yêu nhau.
Rùa giục mẹ đi hỏi con gái chúa làng làm vợ. Lần đầu bà mẹ sợ, lúc đến nhà không dám nói thật, chỉ nói xin lửa. Lần thứ hai nói thật, bị chúa làng bỏ lên gác bếp. Lần thứ ba, bà bị bỏ lên cối xay quay, nhưng đều được cô năm che chở. Lần cuối cùng chúa mới hỏi các con gái, nhưng cô nào cũng từ chối, trừ cô năm. Ở đây chúa làng thách cưới: một ngựa chín hồng mao, gà trống chín cựa và mười hai ống mỡ châu chấu. Bằng môt tiếng nổ như sét, rùa hóa phép mọi thứ có đủ. Trong lễ cưới, rùa còn hóa phép làm cho buồng sáng như lửa, rồi lại làm cho mọi người câm một lát. Ở đây cũng có tình tiết các cô chị vợ đến rình ở buồng chú rể cô dâu, và khi thấy rùa là một chàng trai đẹp thì về đòi chúa làng lấy cho mình mỗi người một tấm chồng rùa. Họ quả lấy được rùa thật, gây cười cho mọi người.
Sau đó vì ghen tức, các cô chị bày mưu giết em rể rùa, bèn đặt bẫy ở đường đi. Rùa mắc bẫy, máu chảy thấm cả áo. Đưa áo cho vợ, rùa dặn lúc nào mình sắp chết thì mặc áo vào sẽ được lên trời, vợ chồng sẽ gặp nhau. Vợ rùa sau đó được một ông tiên mách đường lên trời. Dọc đường nhờ được xem một cuộc chiến đấu giữa cáo và rắn, nàng tìm được vỏ cây cải tử hoàn sinh. Mang vỏ cây đi, nàng cứu được nhiều người và vật sống lại. Một hôm nàng chữa cho một chàng trai khỏi chết mà không biết đó là chồng. Nàng mang áo chồng lên đầu suối để giặt. Dòng nước có máu trôi xuống quyện lấy chân chàng trai. Biết là máu của mình, anh đi ngược dòng tìm gặp vợ. Hai vợ chồng mừng rỡ, từ đó ở lại cõi trời. Ông mặt trời bảo hai vợ chồng rùa xuống cõi trần gian hun chết bốn cô chị gian ác. Cho nên từ đó về sau, cứ đến ngày 27 tháng Sáu là ngày mặt trời nóng hơn cả .
Một loạt truyện khác cũng là dị bản của chuyện Lấy chồng dê và Sọ dừa nhưng ở đoạn kết, hai vợ chồng bị chia ly vĩnh viễn (hoặc một thời gian) vì người vợ đốt bỏ lốt vật (hoặc lộ bí mật) của chồng.
Truyện Lấy chồng dê trong Ngìn lẻ một đêm:
Một ông vua cho ba nàng công chúa kén chồng bằng cách ném khăn vào đám hội thanh niên, khăn rơi vào ai thì người ấy sẽ là chồng. Riêng công chúa thứ ba lần lượt ném ba lần đều rơi trúng đầu một con dê. Nhưng khi động phòng hoa chúc thì dê biến thành một chàng thanh niên tuấn tú. Chồng dặn vợ chớ tiết lộ bí mật, nếu không sẽ có nguy cơ chia ly. Một hôm nhân ngày sinh nhật vua, người ta tổ chức đấu võ: hai người chồng của hai công chúa chị thắng tất cả mọi người, nhưng không ngờ bỗng xuất hiện một thanh niên lạ mặt đánh cho hai người kia thua. Ba lần chàng thanh niên đó giật giải là ba lần công chúa ném hoa vào người. Việc đó làm cho vua cha nổi giận vì cho rằng công chúa ba phải lòng chàng trai lạ mặt. Bất đắc dĩ, nàng phải thú thật.
Nhưng từ đó không thấy chồng dê trở về, công chúa ba sau những ngày than khóc, mở một nhà tắm cho tất cả phụ nữ đến tắm không phải trả tiền nhưng buộc mỗi người kể một chuyện về nỗi khổ của mình. Một bà già đến tắm cho biết một hôm bà đang tắm ở suối, bỗng thấy một con lừa đeo hai cái cong không có người đi theo. Bà ta liền theo sát con vật, thấy nó vào một cái hang, sau khi đạp chân ba lần lên một tảng đá. Bước vào, thấy bếp ăn rất sang, mùi thơm ngào ngạt nhưng không có người. Bà đụng đến món nào cũng có tiếng nói phát ra: – “Không được, món này là của bà chủ tôi”. Bà vào đến một phòng, bỗng thấy có bốn mươi con dê, trong đó có một con đầu đàn biến thành người. Họ ngồi than thở, vì bà chúa không đến được. Sau đó, họ lại biến thành dê và đi ra. Nghe chuyện công chúa ba bảo bà già đưa mình đến nơi đó, quả được gặp chồng .
Một truyện khác của người Mèo Nhảy vào lửa cứu chồng.
Có hai chị em sinh đôi cùng đi lấy chồng trong một ngày. Cả hai cùng không có con mới rủ nhau lên núi cầu tiên. Một cụ ông xách hai lồng gà nặng nhờ họ xách giúp. Em nhận lời ngay, nhưng khi mỏi tay trao cho chị, chị không xách. Nghe họ kể nỗi hiếm hoi, ông cụ lấy ra một bông hoa tươi, dặn mỗi người chon lấy một rồi ủ ở đầu giường. Chị chọn hoa tươi, mấy ngày sau nở ra sâu róm, đem đi giết, em lấy hoa héo, nở ra một con rùa, đem nuôi. Lớn lên, rùa bắt đi hỏi con gái chúa đất. Chúa đất thách cưới nặng (ví dụ rải nhiễu trên đường đi, một nghìn ngựa quí, tám trăm lợn béo, v.v…). Rùa biện đủ. Khi đón dâu về, rùa nghỉ dưới chân giường.
Nhưng rùa lại hóa thành chàng trai tuấn tú hàng ngày cưỡi ngựa theo vợ đi chợ, cùng nhau hát xướng mà không cho vợ biết. Về sau nhờ bạn mách, biết được rùa cởi lốt thành người, và biến hòn đá trắng trước nhà thành ngựa, một hôm vợ bèn lẻn về trước, đem mai rùa quẳng vào bếp. Chồng về thấy mất lốt, than: -“Trời bắt ta làm kiếp rùa chín năm, nay chưa hết hạn mà lốt đã cháy”. Bèn nhảy vào đống lửa, vợ cũng nhảy theo cứu chồng. Trời thương tình cứu sống và tha tội cho cả hai .
Truyện Chàng kỵ mã của Mông-cổ:
Hai vợ chồng nhà nọ nghèo, hiếm hoi, cầu thần mãi mới có mang nhưng lại sinh ra được một con nhái. Được ba năm, một hôm nhái bảo mẹ làm bánh cho mình để tới dạm hỏi một trong ba cô gái con quan làm vợ. Gặp quan, nhái ngỏ lời cầu hôn nhưng thấy quan từ chối, nhái bảo: “Nếu quan không bằng lòng thì tôi sẽ cười”. Quan sẵn sàng cho nhái cười, không ngờ mỗi tiếng cười của nhái làm cho đất rung chuyển, nhà cửa cơ hồ muốn đổ, quan buộc phải hứa gả cô gái lớn để nhái thôi cười. Nhưng cô gái lớn không bằng lòng nên lúc theo nhái về, cô cho ngựa nhảy vào người nhái để ngựa dẫm cho chết, lại ném thớt cối vào người nhái. Nhưng nhái tránh được và dẫn cô trả lại quan, đòi gả cô khác, không thì sẽ khóc. Khi nhái khóc thi trời đất mù mịt, nước đổ ầm ầm tràn ngập khắp nơi, quan buộc phải gả cô thứ hai. Cũng như cô chị, cô thứ hai lúc theo nhái về cũng cho ngựa giẫm và ném thớt cối vào người nhái. Nhái lại dắt cô đi trả và đòi gả cô thứ ba, không thì sẽ nhảy. Rồi nhái nhảy, làm cho núi lở cát bay, nhà cửa lấu đài lung lay. Quan đành phải gả cô thứ ba. Cô này bằng lòng lấy nhái.
Một hôm trong vùng mở hội, cả nhà đều đi dự, trừ nhái. Đến ngày cuối cùng có cuộc đưa ngựa nước rút, người ta thấy xuất hiện một chàng trai áo xanh cưỡi ngựa xanh, có yên cương quý đến đua với các kỵ sĩ đã thắng cuộc. Chàng đi sau, nhưng về đích trước tiên. Không những thế, trong khi đua, chàng còn ba lần bắn chết ba con diều hâu và hai lần xuống ngựa ngắt hoa ném tặng người dự. Nhưng khi mặt trời gác núi thì chàng đã phóng ngựa quay về bỏ mặc sự mời mọc đón chào của mọi người. Sau đó, cả nhà đi dự mới trở về, họ không ngờ chàng nhái cũng biết mọi việc xảy ra ở đám đua ngựa.
Năm sau nữa, đến ngày hội mọi việc cũng xẩy ra như trên làm cho vợ nhái ngờ ngợ đấy là chồng mình.
Năm sau nữa, đến ngày hội cũng thế, nhưng vợ nhái thình lình nửa chừng về nhà thì thấy chồng vắng mặt, chỉ bỏ lại một tấm da nhái. Nàng bèn đốt cháy tấm da. Khi chàng áo xanh – chồng nàng – cưỡi ngựa trở về thì da đã hóa tro. Chàng cho vợ biết chàng là con thần đất, vì sức lực còn non, không có da sẽ không chịu nổi giá rét, nếu đi cầu thần được ba việc thì sẽ sống. Thần hứa cho vợ nhái nhưng lại bắt nàng phải đem ba điều đó thông báo với từng nhà cho mọi người biết trước khi trời sáng mới được. Việc báo tin này, vợ nhái không làm tròn vì bị bố nàng cản trở. Thế là chàng nhái chết, vợ nhái cũng biến thành đống đá trước mộ .
Người Ấn-độ có năm truyện:
Một người vợ vua đẻ được một con trai giống khỉ. Lớn lên khỉ thỉnh thoảng trút lốt đi chơi. Thấy chàng trai ấy thắng nhiều trong cuộc thi, một nàng công chúa nước khác dò biết, bèn đòi bố mẹ cho lấy hoàng tử khỉ làm chồng. Lễ cưới xong, đêm lại trút lốt thành người đến với công chúa, và dặn vợ tuyệt đối chớ tiết lộ. Một hôm khi đi dự hội, trút lốt cất ở dưới gối.
Công chúa nói sự thật với mẹ chồng. Mẹ chồng khuyên nàng dâu đốt bỏ. Đang đốt, công chúa thấy chồng hốt hoảng trở về trách vợ, nhưng rốt cuộc chồng vẫn không việc gì.
Một cô gái tên là Tu-li-sa con một người tiều phu nghèo, một hôm đi nhặt củi gần một cái giếng hoang giữa rừng, bỗng nghe một tiếng từ dưới giếng vọng lên: – “Có muốn làm vợ ta không?”. Cô gái sợ, bỏ về. Lần khác qua đó lại nghe như thế, bèn về kể với bố mẹ. Bố dặn con trả lời: – “Việc ấy cứ hỏi bố tôi”. Sau khi nghe cô gái nói thế, tiếng nói dưới giếng lại đáp: – “Bảo bố cô đến đây!”. Khi ông bố đến, người bí mật hứa sẽ làm cho ông giàu có nếu ông gả con cho y. Người bố ưng thuận. Người bí mật đưa Tu-li-sa đến một lâu đài đẹp, nhưng cô chỉ thấy chồng vào ban đêm mà thôi. Chồng dặn vợ cấm nhận người lạ vào nhà, nhưng một hôm vợ lại đưa một bà già vào. Bà già hỏi chồng tên gì, nàng không nói được. Nghe lời xui, tối vợ lại hỏi tên chồng, chồng đáp: – “Nếu ta nói thì nguy mất”. Nhưng do vợ nài mãi, chồng đưa vợ đến sông, rồi xuống nước, ba lần bảo vợ có thôi hỏi nữa không. Vợ vẫn không nghe. Chồng nói: -“Ta là Bát-xơ-nắc Dau”. Rồi biến mất, được một lát nổi lên cái đầu rắn. Vợ trở lại lâu đài thì lâu đài cũng biến mất, đành trở về, hai cha con lại nghèo như trước.
Sau đó Tu-li-sa cứu sống một con sóc. Một hôm sóc đến tìm, ra hiệu bảo nàng đi theo mình vào rừng. Đến một nơi, nàng nghe những con sóc nói với nhau, mới biết chồng mình là vua rắn bị bà mẹ thù oán từ ngày làm vua. Biết rằng quyền lợi sẽ lại về tay, nếu vua rắn nói rõ tên cho một người trần thế biết, nên bà mẹ sai bà già làm mẹo cho vợ vua rắn giục chồng nói tên ra. Những con sóc còn nói: nếu tìm được trứng chim hu-ma mà ấp vào lòng thì vợ chồng sẽ trở lại hạnh phúc. Nhưng còn phải đến gặp mẹ vua rắn chịu qua nhiều thử thách mới được. Tu-li-sa nhờ sóc tìm được trứng chim và đưa đến nhà mẹ chồng. Thử thách đầu tiên là tìm ra một bình thủy tinh đựng một ngàn hương thơm (trước khi đến, nàng đã giúp việc cho một con ong nên nó giúp cho nàng việc này trót lọt). Hai là nhận một vại đầy hạt cải, nhưng phải lấy ra những trang sức đẹp (nhờ sóc giúp). Khi trứng ấp xong nở ra chim, con chim này bay đến một con rắn xanh đang quấn cổ mẹ vua rắn. Phép màu tự nhiên bị phá. Bát-xa-nắc Dau trở lại làm vua và cưới Tu-li-sa .
Một cô gái đi tìm trâu lạc đến một lâu đài, lần lượt qua bốn cửa: đỏ, vàng, xà cừ, mã não. Cô vào một phòng đẹp, trên bàn có nhiều trang sức đắt tiền. Một con chim lớn lông trắng bảo lấy nó thì nó sẽ tìm trâu cho. Cô từ chối trở về. Ngày mai cô thứ hai và ngày sau nữa đến lượt cô thứ ba đến đều gặp những việc như trên. Cô sau này nhân lời ở lại.
Ít lâu sau trong một ngày lễ lớn, một bà già nói với cô là có một chàng kỵ sĩ nào đó được mọi người trầm trồ, chẳng qua là con chim – chồng cô – biến thành. Vậy muốn giữ mãi dạng người thì phải đốt cái nhà chim (vô-jen-hu-jơ). Cô đốt, chim hiện ra nói: – “Ôi, đó là hồn ta, ta chết mất!”. Chim biến đi, trở về xứ thần và quỷ.
Vợ bỏ đi tìm chồng. Trải qua nhiều gian khổ, vợ gặp chồng trên lưng có một gói giày, Hỏi thì chồng bảo là phải đi xách nước cho thần và quỷ dùng, nên đi vẹt hết rất nhiều giày. Muốn chồng trở về phải sửa lại “cái nhà chim” và gọi hồn về. Cô gái trở về làm theo lời dặn, quả chồng lại xuất hiện.
Vua Prê-ma-xê-na có một công chúa đẹp tên là Ma-đa-na-rếch-kha và hai con trai nhỏ. Một hôm hoàng tử anh ở trên bờ sông bỗng nghe có tiếng: – “Nếu vua không gả con cho ta, tai họa sẽ đến cả thành phố và vua”. Lúc về kể lại nhưng không ai tin cả. Đến lượt hoàng tử thứ hai lại nghe tiếng nói trên. Vua hỏi các cố vấn, cố vấn bảo cho người đến sông nọ hỏi câu: – “Là thượng đế, là thần hay là người?”. Hỏi xong liền có tiếng đáp: – “Ta là người gác cửa của thần In-đờ-ra, vì có tội phải thác sinh ở thành này làm một con lừa ở nhà một người thợ gốm. Hãy gả công chúa cho ta không thì tai họa”. Vua hứa gả sau khi buộc thần làm cho một bức tường đồng bao bọc lấy thành và dựng một lâu đài. Sáng hôm sau có đủ. Thần được vợ bèn trút lốt thành người. Công chúa lấy làm sung sướng. Hoàng hậu một hôm đến thăm biết thế, bèn ném lốt vào lửa. Thần về tìm mãi không ra, bảo vợ:
– Thế là ta phải về trời vì lời rủa đã mất linh nghiệm. Nói xong biến mất.
Hai vợ chồng người Bà-la-môn không con. Cầu cúng mãi, cuối cùng vợ đẻ một con rắn. Sau đó người Bà-la-môn hỏi con gái một người Bà-la-môn khác cho rắn làm vợ. Sau khi cưới, đêm lại rắn trút lốt thành một chàng trai xinh. Sáng dậy, người bà-la-môn vào buồng thấy lốt rắn bèn nhanh tay chụp lấy, ném vào lửa.
Truyện Pxi-sê (Psychée) trong thần thoại Hy-lạp (Grèce):
Một ông vua có ba nàng công chúa, trẻ và đẹp nổi tiếng là công chúa ba Pxi-sê. Hai chị đều đã lấy các hoàng tử. Bấy giờ có một lời phán truyền bảo công chúa ba phải kết duyên với một con quái vật hình giống rắn ở trên núi. Sau đó thần Gió Dê-phya (Zéphyre) đưa công chúa ba lên núi vào một lâu đài, thành vợ một người lạ mặt, chỉ đêm mới xuất hiện, nhưng nàng không bao giờ được nhìn mặt chồng. Công chúa sống sung sướng, sau đó nàng đòi gặp chị mình. Chồng cho gặp nhưng dặn phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không sẽ đau khổ. Dê-phya đưa công chúa chị đến. Em kể cho chị biết. Chị ghen với số phận của em, bảo phải giết y, không thì rắn sẽ ăn thịt mất. Đêm, khi chồng ngủ, công chúa cầm dao nhọn và ngọn nến soi xem mặt chồng thì một giọt nến bất ngờ chảy xuống vai chồng (Đó là thần ái tình Qui-pi-dông (Cupidon)). Tỉnh dậy, chồng biến mất không trở lại. Tìm khắp nơi không thấy, công chúa phải cầu cứu tới thần Vê-nuyx (Vénus). Vê-nuyx vì thấy công chúa dám lấy con mình, bèn bắt làm mấy việc: 1/ Nhặt các thứ hạt trộn lẫn (một con kiến đã giúp công chúa việc này); 2/ Lấy một nhúm lông vàng của những con cừu hung dữ (một cây sậy giúp); 3/ Mang một cái hộp xuống địa ngục xin hoàng hậu Pro-déc-pin (Prozerpine) cho một ít sắc đẹp. Nhờ có cái tháp bày cho, lấy được, nhưng do tò mò mở ra xem nên một giấc ngủ triền miên đột nhiên đến với công chúa, may nhờ có Qui-pi-dông kịp thời thức cho tỉnh dậy. Vợ chồng gặp lại nhau.
Một loạt truyện sau đây có một số tình tiết khác biệt nhưng cũng đều xoay quay đề tài người chồng kỳ diệu.
Truyện Pháp Con sói trắng:
Một người sắp đi du lịch, cô con gái cả xin cha đưa về cho mình một cái áo đẹp, cô thứ hai cũng thế, chỉ có cô thứ ba thì xin một đóa hồng biết nói. Hỏi khắp nơi không ai biết cả người ấy tự nghĩ: -“Nếu không có thì sao con ta lại đòi”. Cuối cùng đi đến một tòa lâu đài nghe trong có tiếng hát. Tìm mãi mới thấy cửa, ông tiến vào sâu, thấy có một cây hồng có hoa đang hát, khắp nơi không một bóng người. Ông ngắt một bông. Bỗng có một con sói trắng hiện ra nói: -“Ai cho phép ngươi đến đây hái hoa, vậy ngươi phải chết!”. Đáp: – “Tôi xin trả lại hoa.” – “Không được, đã bẻ là phải chết.” Thấy người nọ phân trần mình hái cho con gái, sói nói: – “Ta tha cho, nhưng phải mang đến đây người mà ngươi gặp đầu tiên lúc về”. Người mà ông gặp đầu tiên không ngờ lại là con gái út. Nghe bố kể xong, cô nói: – “Con sẽ đi chết thay cha”. Cha con lại dắt nhau đến. Sói bảo: – “Ta là tiên, bị giam, thành ra thế này, vậy phải hết sức giữ bí mật”. Cha con vào phòng có cơm dọn sẵn cho ăn. Đêm sói hóa thành ông chúa đẹp, sáng trở lại thành sói. Vài ngày sau, người cha trở về. Ai hỏi, ông cũng không nói, nhưng sau không thể giấu được nữa, nói toạc tất cả. Bỗng nghe một tiếng rú rùng rợn: một con sói trắng ngã lăn dưới chân .
Truyện của người Băng-la-đex (Bangladesh):
Một ông vua sắp đi xa, cho người hỏi sáu con gái muốn mang gì về, họ đều muốn có trang sức và vải quý, trừ cô út đang đọc kinh bảo người hầu hãy chờ (chờ, ở đây nói là sa-brơ). Nhưng người hầu lại tưởng yêu cầu của công chúa là “sa-brơ” nên vội chạy về tÂu lại với vua. Vua không hiểu là gì nhưng cũng ra đi. Mua xong cho các con gái, vua định quay về, nhưng thuyền không tiến lên được. Sực nhớ tới lời dặn của con gái út, vua bèn sai người hầu lên hỏi ở các cửa hàng. Người ta không hiểu “sa-brơ” là gì, chỉ cho biết có một vị hoàng tử tên là Sa-brơ mà thôi. Khi hoàng tử biết chuyện, bèn đưa người hầu của vua có một cái hộp, bảo đó là yêu cầu của cô gái. Thuyền liền đi được. Đưa hộp về nhà, công chúa mở ra thấy một cái quạt nhỏ, xòe quạt thì hoàng tử hiện ra, xếp lại thì biến đi. Hai người lấy nhau. Công chúa mời bố và các chị tới dự. Các chị ghen em nên rắc mảnh chai vụn lên giường cưới. Vì thế hoàng tử bị thương nặng, nhưng vẫn không cho vợ biết, chỉ bảo vợ xếp quạt để về. Mấy ngày sau xòe quạt không thấy chồng tới, công chúa bèn cải trang thành một nhà tu ăn mày đi tìm chồng. Một hôm ngủ dưới gốc cây nghe hai con chim nói chuyện với nhau về bệnh của hoàng tử và cách chữa. Đến hoàng cung, công chúa xin vào chữa vết thương của hoàng tử, chữa lành mà chồng vẫn không biết. Khi vua thưởng thì không lấy gì cả, chỉ xin cái khăn tay và nhẫn của hoàng tử. Trở về, công chúa xòe quạt ra hoàng tử lại đến, công chúa đưa hai vật kia làm cho chồng kinh ngạc.
Truyện của người Ý (Italia):
Một người lái buôn giàu có sắp đi chơi, hỏi ba con gái muốn gì sẽ mang về, hai cô chị muốn trang sức, còn cô em thì chỉ muốn một cái bình cây “ruy”. Lái ta ra đi quên mất lời dặn của cô con gái út. Nhưng tàu bỗng dưng mắc lại không tiến được. Cai tàu cho biết chắc trong hành khách có ai quên một lời hứa nào đó. Lái ta sực nhớ, bèn xin lên bờ tìm cây “ruy”. Người ta cho biết chỉ có vua mới có cây ấy, nhưng dù chỉ xin một lá cũng bị xử tù. Lái ta xin cả cây. Vua cảm động vì lòng thương con của hắn, bèn cho cả cây, dặn mỗi chiều đốt một lá. Đưa về cô gái đốt lá như lời dặn, tự nhiên có hoàng tử xuất hiện, hai người yêu nhau. Một hôm cô đi vắng, người chị ghen ghét đốt cháy cả cái buồng của em. Cây cũng cháy. Hoàng tử hiện ra giữa lửa nên bị bỏng và bị thương vì những mảnh gương bắn phải, liền biến mất.
Cũng như truyện trên, cô gái về thấy cây quý cháy, bèn cải trang đi tìm người tình. Nằm dưới gốc cây ở rừng, cô nghe một con yêu nói với vợ: – “Chỉ có lấy mỡ ở xung quanh tim chúng ta mới chữa được bỏng cho hoàng tử”. Thừa lúc chúng ngủ say, cô giết cả hai. Rồi giả làm thầy thuốc đến cung đình chữa lành cho hoàng tử. Hai người lấy nhau.
Truyện của ngưởi Thụy-điển (Suède):
Một ông vua có ba cô gái nhưng yêu cô thứ ba hơn cả. Một đêm cô này mộng thấy một tràng hoa vàng rất đẹp. Thấy con gái buồn, vua sai thợ kim hoàn làm cho một tràng hoa vàng đúng như trong mộng, nhưng cũng không làm cho con khuây khỏa. Một hôm công chúa đi dạo trong rừng gặp một con gấu trắng trong tay có một tràng hoa y như trong giấc mộng. Hỏi mua gấu không bán, chỉ muốn lấy công chúa. Công chúa vừa nhận lời thì gấu đưa cho ngay. Ba ngày sau gấu đến như lời hẹn. Vua đã sai một đại đội vây lâu đài để cản đường gấu, nhưng nó đánh ngã tất cả. Vua lại sai hai công chúa chị cải trang để thay, nhưng gấu không bị lừa. Đành phải gả. Gấu mang công chúa về ở một lâu đài, đêm đêm hóa thành người để đến với công chúa, nhưng công chúa không thấy mặt, vì sáng ra người lại hóa gấu. Công chúa đòi về thăm bố mẹ, gấu cho đi, nhưng dặn đừng có nghe lời mẹ. Ở nhà ba ngày. Khi con ra đi bà mẹ trao cho một mẩu nến để đêm nhìn trộm mặt chồng. Cũng như truyện thần thoại Hy-lạp, khi nhìn, công chúa vô ý để giọt nến rơi xuống trán chồng, làm chàng tỉnh dậy, biến mất.
Truyện của người Xi-xin (Sicile):
Một người nghèo khổ, ba con gái lần lượt bảo ông đi tìm thần số mệnh của mình mà cầu xin. Người ấy ra đi, cuối cùng được một ông già tiếp. Ông già lần lượt giao cho ba con ngựa, dặn phải bán giá đắt rồi đưa tiền về cho mỗi đứa con. Con ngựa thứ ba có một ngôi sao trên đầu, ông già dặn chỉ bán cho người nào cho nó ăn mà nó chịu ăn. Đưa về, ai cho ăn nó cũng lắc đầu, kể cả vua. Một nàng công chúa thử cho ăn thì nó ăn ngay. Công chúa liền mua với một số tiền lớn, rồi cho ngựa ở trong buồng. Nguyên con ngựa này là một ông vua bị phù phép hóa thành, đêm là người, ngày là ngựa. “Vua ngựa” lấy công chúa làm vợ, nhưng dặn công chúa không được tiết lộ bí mật của mình với ai mà nguy đến tính mạng. Một hôm công chúa tiết lộ với một người bạn gái. Ngựa liền biến mất. Đau khổ, công chúa cất công đi tìm, người ta cho biết chồng ở trong một lâu đài, phải có miếng ăn từ miệng một mụ chằng mới được mở cửa. Cuối cùng công chúa cũng lọt được vào nhà mụ chằng trong lúc mụ đi vắng. Con gái mụ tiếp đãi công chúa niềm nở. Sau khi biết yêu cầu của công chúa, cô giấu công chúa vào một nơi. Khi mụ chằng về ngồi vào ăn, cô hỏi: -“Mẹ đang ăn cái gì đấy”. Mụ nhả miếng ăn ra, bấy giờ đã nhai thành hình một hạt quả. Cô lấy giấu đi rồi đưa cho công chúa. Nhờ vậy, công chúa lọt được vào lâu đài, thấy chồng đang nằm mê trên một cái giường, bên cạnh có hai cái bình. Công chúa phải khóc nước mắt chảy đầy hai cái bình mới làm chồng tỉnh dậy được. Cuối cùng công chúa cũng cứu được chồng và hai người sống sung sướng.
Truyện của người Chi-lê (Chilli):
Một ông vua thích ăn cá tươi, buộc một ông già câu cá phải cung cấp cá cho mình hàng ngày nếu không thì chém đầu. Ông già có vợ, hai người con gái yêu và một con chó cái. Một hôm ông không câu được gì cả. Bỗng có một con cá nhỏ vẩy đỏ nổi lên mặt nước, bảo: – “Tôi sẵn sàng cung cấp cho ông đủ số cá hàng ngày, nhưng ông phải hứa cho tôi người hay vật đi đón ông trên đường về hôm nay”. Ông già nghĩ chỉ có con chó thường đi đón mình hàng ngày nên nhận lời. Không ngờ hôm ấy đón ông không phải là chó mà là con gái út. Ông hết sức buồn khi nghe tiếng con cá nhắc ông giữ lời hứa. Thấy vậy, cô gái nguyện hy sinh. Cô phải ra ngồi ở một hòn đá giữa biển, đợt nước triều lên cho cá đến bắt đi. Nhưng vừa xuống nước thì bỗng xuất hiện một lâu đài đẹp có đầy đủ mọi thứ, chỉ một điều cấm kỵ là thắp đèn ban đêm. Vì thế cô biết có người nằm với mình mà không thấy mặt. Sau một thời gian, cô xin phép về chơi nhà, nhờ mẹ giúp cho một ít nến và bao diêm, cô được nhìn mặt người chồng là một chàng trai đẹp. Ở đây cũng có tình tiết chàng trai biến mất khi cô vô tình để giọt nến nhỏ vào người. Buồn rầu, cô nhờ một con chó đưa về nhà bố mẹ chồng. Lúc này cô đẻ một đứa con trai có ổ khóa ở bụng như bố nó. Sau một thời gian nghe tin chồng trở về, cô sợ tội bỏ trốn vào rừng, làm cho cá vẩy đỏ mất công tìm kiếm mãi, cuối cùng hai bên gặp nhau, cá từ đấy mang lốt người. Cuộc sống hai vợ chồng lại sung sướng.
Hai dị bản của Miến-điện (Myanmar) có nhiều tình tiết khác với các truyện trên:
Một người đàn bà sinh được một con trai, chỉ có đầu, không tay không chân. Chồng định vứt nhưng vợ bảo để lại nuôi, cũng đặt tên là Sọ dừa. Con bảo mẹ bán mình cho một người lái buôn lấy một ngàn đồng. Khi bán rồi, Sọ bảo người lái đưa mình ra chợ cho người xem lấy tiền. Khi người lái thu được đủ số tiền bỏ ra. Sọ lại bảo bán mình cho một thuyền buôn nước ngoài lấy một ngàn đồng. Đoàn thuyền đi ra bị bão, họ định ném Sọ xuống biển. Sọ nói: – “Chớ ném. Hãy trói tôi lên cột buồm, sẽ có sự yên lành”. Khi ở trên cột buồm, Sọ thổi gió cho thuyền vượt sóng bình an. Họ trả tự do cho Sọ, Sọ xin ghé ở một hòn đảo dọc đường. Đảo này có yêu tinh. Ở với chúng nó được mấy tháng. Sọ học được của chúng mấy câu phù chú. Khi thuyền buôn về qua, Sọ gọi họ ghé vào xin cho mình trở về nước. Yêu tinh biếu một túi ngọc đỏ, Sọ đem phân phát cho thủy thủ. Rồi bảo họ dẫn mình đến hoàng cung.
Gặp vua, Sọ bảo nếu không gả công chúa và nhường ngôi cho thì sẽ san phẳng thành trì. Vua cười chế nhạo. Sọ lấy ra một cái hộp niệm chú, tự nhiên có hàng vạn kỵ mã vây bọc hoàng cung. Vua đầu hàng. Sọ lấy công chúa và biến thành chàng trai, cuối cùng lên làm vua.
Hai chị em lấy chồng, chị sinh một đứa con trai. Còn em thì một con rùa. Chị toan ném đi nhưng em cản lại, nuôi lớn và đặt tên là Rùa vàng. Anh em nhà rùa yêu nhau, đi đâu cũng theo nhau. Chàng trai xin mẹ một chiếc thuyền đi ra nước ngoài buôn bán. Mẹ cho, nhưng không cho đưa rùa theo. Rùa cũng nói mình sợ biển không muốn đi. Nhưng khi thuyền vừa ra khơi đã thấy rùa nằm gọn trong khoang. Bão làm thuyền dạt lên một hòn đảo đầy yêu tinh cái. Chúng hóa thành những cô gái đẹp, cuối cùng kết hôn với những người trên thuyền. Trong khi mọi người say sưa trong tiệc cưới, thì rùa đã nghe được lũ yêu tinh bàn nhau ăn thịt người. Rùa giấu các thứ bảo bối của chúng đi (một hộp đựng sinh mệnh, một viên ngọc giá trị một vương quốc, một cái trống bói cầu được ước thấy), rồi lén đánh thức anh và mọi người dậy kể cho biết chuyện, và đưa họ vào rừng xem xương những người mà chúng ăn thịt. Sau đó rùa đánh cắp tất cả bảo bối xuống thuyền. Lũ yêu tinh sắp đuổi kịp thì bị tiêu diệt, vì rùa kịp thời đập nát hộp chứa sinh mệnh của chúng. Thuyền cập bến một kinh thành, rùa đưa ngọc làm sính lễ để vua gả công chúa đẹp cho anh mình. Tuy được làm quan to nhưng rùa chỉ muốn về. Nhờ chồng bói, rùa về gặp mẹ, bảo mẹ tới hỏi công chúa đẹp mà có đến bảy hoàng tử đang tranh nhau cầu hôn. Vua hứa sẽ gả nếu làm được một cầu vàng một cầu bạc nối liền từ nhà rùa đến cung điện. Sáng dậy vua thấy rùa từ cầu bước vào cung, đành phải gả. Bảy hoàng tử mang quân sang đánh vì cho vua đã gả con cho một con vật hèn hạ (tương tự truyện Thạch Sanh). Nhưng với trống bỏi, rùa đã mang quân hùng tướng mạnh của mình phá tan quân bảy nước.
Một đêm công chúa ngủ dậy thấy có chàng trai đẹp, và một cái lốt rùa, bèn ném lốt vào lửa. Chàng trai tỉnh dậy kêu lên: – “Ôi, tôi bị cháy!” Công chúa lật đật dội ngay một thùng nước lã. Từ đấy hai người sống hạnh phúc
Tóm lại những truyện thuộc kiểu truyện Lấy chồng dê và Sọ dừa rất phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!