Truyền Kỳ Xứ Mộng
Chương 95: Phụ chương: Từ Đạo Hạnh đối chiến Phạm Nhĩ
“Hai ông sư luận bàn cố sự
Một tiếng rống quyết định thành công”
Tháng 11 năm 2005.
Trong một thư phòng sáng sủa, hai người một trước một sau đang ngồi trước một màn hình máy tính. Dường như hai người họ đang trong một cuộc họp. Trên màn hình máy tính, chia ra bốn cửa sổ nhỏ. Góc phía dưới bên phải là hình ảnh một cái bàn tròn với năm người ngồi quanh. Một trong năm người này mặt mày hung dữ, lông lá đầy mình, thân khoác áo cà sa. Lúc này y đương nói:
“Binh Thánh nói đúng ý lão Tôn! Chuyện giám sát, quấy rối này giao cho lão Tôn đi! Lão Tôn đã gửi thư cầu viện cho cả ‘vị kia’ rồi. Dù ông ta không màng thế sự, nhưng hẳn là cử vài thủ hạ đi giúp sức chắc cũng không vấn đề gì.”
Không sai, đây chính là cuộc họp về Phạm Nhĩ của Hội Đồng khi đám trẻ còn đang ở trong Quỷ Phương Lâm. Mà hai vị ngồi trong thư phòng này chính là hai thành viên của Hội Đồng. Vị ngồi trước dáng người cao gầy, thân mặc cà sa, đầu đội vương miện. Tay trái ông ta vân vê ngọc ấn, tay phải đặt trên tay ghế. Cạnh bàn gác một cây tích trượng. Ánh mắt ông ta có chút xa xăm như đang nhớ lại chuyện gì đó.
Vị ngồi sau ăn mặc có chút đặc biệt hơn. Ông ta thân hình to cao, mình khoác một tấm lưới cá như cách nhà sư khoác cà sa. Tay trái ông ta đang lần tràng hạt, tay phải giữ chiếc nón tu lờ cùng một cây gậy tầm xích đặt ngang trên đùi. Bên hông, cuốn trong lưới cá, thấp thoáng một đôi bễ lửa, búa rèn. Vị này thì đang nhíu mày nhìn người anh kết nghĩa trước mặt ông ta.
“Vậy đi! Hôm nay buổi họp kết thúc ở đây. Mọi người chia nhau làm việc thôi!” Thái Thượng Lão Quân tuyên bố kết thúc cuộc họp.
Bốn góc màn hình lần lượt tắt đi. Hai vị trong thư phòng cũng quay lại nhìn nhau. Cuối cùng, vị hòa thượng mình quấn lưới cá lên tiếng:
“Anh cả, có chuyện gì sao?”
Vị đội vương miện trầm ngâm ít lâu, rồi đáp:
“Chú ba, hẳn chú cũng đã nghi ngờ sự tình năm đó anh suýt biến thành hổ, cuối cùng khiến cả hai anh em ta quyết định rút khỏi Tứ Bất Tử, có liên quan tới Phạm Nhĩ?”
“Quả là vậy sao?” Nhà sư thân quấn lưới cá hỏi lại, thế nhưng giọng ông ta lại như xác minh sự việc.
Quả không sai, hai anh em này chính là Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. Từ Đạo Hạnh theo quan niệm dân gian Việt Nam là đức Thánh Láng, cũng có kiếp đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Còn Nguyễn Minh Không được dân gian biết đến là ông tổ nghề đúc đồng, đánh cá. Tương truyền ông là vị cao tăng đắc đạo đã khôi phục lại được đồng đen, lại cũng là một thiền sư có tài danh trong nghiệp y. Hai vị này từng cùng tìm thầy học đạo, lại đã kết nghĩa anh em, nên tình như thủ túc. Dân gian Việt Nam ta xếp hai vị này vào hàng ngũ Tứ Bất Tử, ngang hàng với Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử. Thế nhưng Tứ Bất Tử trong quan niệm của người Việt Nam hiện đại lại không nhắc tới hai vị này, mà vị trí thứ tư là của Mẫu Liễu Hạnh. Sự tình cụ thể, hẳn là có liên quan tới cuộc trò chuyện của hai anh em.
Minh Không thò tay mân mê chuôi búa rèn, đoạn hỏi Đạo Hạnh:
“Anh cả, rốt cục chuyện năm đó là sao?”
“Vừa rồi hẳn em cũng đã nghe chuyện Nhĩ đại náo Thiên Phủ, đánh Chuẩn Đề tan tác, rồi cuối cùng bị Phật Tổ thu phục?” Đạo Hạnh chậm rãi đáp, Minh Không gật gù, Đạo Hạnh lại tiếp, “Nói thật, năm đó, ngay trước khi Nhĩ lên trời, anh và y đã giao thủ qua.”
***
Ngày đó, Đạo Hạnh đang trên đường cưỡi mây từ chốn Tây Thiên cực lạc về nhà, bắt gặp Nhĩ hùng hùng hổ hổ bay về hướng Thiên Phủ. Chuyện này xảy ra từ trước khi ông đầu thai làm vua Lý Thần Tông, thành ra khi đó ông ta chỉ khoác cà sa, cầm tích trượng, chứ chưa mang theo vương miện hay pháp bảo ngọc ấn bên mình. Đạo Hạnh thấy Nhĩ như vậy thì lấy làm lạ, bèn chặn y lại, đoạn hỏi:
“Phạm Nhĩ, ông là thần tướng nhà Trời, cớ sao lại đằng đằng sát khí bay về phía Thiên Phủ?”
Nhĩ dáng người cao to, cơ thể rắn rỏi, nước da sạm màu. Thân y để trần, đóng khố da màu trắng muốt, hông đeo thắt lưng bện từ cỏ. Sau lưng y mọc hai cánh như cánh chim ưng rộng lớn. Đôi cánh ấy giúp y bay lượn được như chim. Cổ y đeo một chuỗi dây chuyền, xâu đủ các chiến lợi phẩm từ các cuộc chinh chiến của y, nào là răng kỳ lân, nào là vuốt rồng. Hai bên tai y có đeo hai sợi lông chim Lạc. Nhờ hai sợi lông ấy mà Nhĩ có thể nghe được chuyện khắp mọi nơi trong thiên hạ. Cũng vì hai sợi lông này, mà khi nhìn từ xa, mọi người đều tưởng tai y dài. Mặt mày Nhĩ dữ tợn, hai má mỗi bên có ba vết sẹo dài. Y liếc mắt nhìn Đạo Hạnh, rồi cười lớn:
“Nói cho lão già biết cũng được, ông đây chán không có việc gì làm, nên tính lên Nam Thiên Cung quậy phá một hồi, đòi lão Ngọc Hoàng vô dụng đó nhường ngôi, cho ta ngồi thử mấy bữa xem có gì hay không!”
Đạo Hạnh nghe Nhĩ nói vậy mà chấn kinh. Đại náo Thiên Cung thực ra Nhĩ cũng không phải người đầu tiên đòi làm, mới mấy năm trước Bắc Thiên Cung cũng vừa bị Tôn Ngộ Không làm cho điên đảo. Thế nhưng Ngộ Không năm đó là bị Thiên Đình coi khinh, lại năm lần bảy lượt bị đàn áp, lừa gạt, nên y mới xách gậy đi quậy phá, chứ Nhĩ này thì vì cớ gì nay lại muốn đại náo Nam Thiên Cung? Tuy Đạo Hạnh đã sớm biết tính Nhĩ cổ quái, kiêu ngạo, lại có chút lỗ mãng, không coi ai ra gì; thế nhưng, trước giờ Thiên Phủ đối xử với y không tệ. Nghĩ vậy, Đạo Hạnh bèn hỏi:
“Phạm Nhĩ này, chả hay Thiên Phủ có ai làm điều gì khiến ông phật ý, oan ức hay sao? Nếu có hãy nói tôi biết, rồi tôi sẽ lên đó khuyên giải giúp ông. Như vậy tránh được binh đao, mà mọi người lại đều vui vẻ. Dĩ hòa vi quý! Thiện tai, thiện tai!”
Nhĩ cười phá lên, đoạn nói:
“Không có! Cái đám bất tài trên Thiên Phủ, làm gì có ai làm gì được ta? Ông đây hứng lên, muốn làm Ngọc Hoàng thử mấy bữa nên tính đánh lên đó thôi. Chả có lý do gì khác cả!”
Đạo Hạnh nghe vậy đã biết khó tránh được đánh nhau. Thế nhưng dù gì ông ta cũng là cao tăng đắc đạo, vẫn phải cố hết sức khuyên giải:
“Nhĩ này, chuyện này không đùa được đâu! Ngọc Hoàng thân mang nhiệm vụ khó khăn, cao cả, ngày ngày bận trăm công ngàn việc, lo lắng cho lê dân bách tánh ấm no. Tuy không phải lúc nào ngài cũng có thể làm tốt trọng trách, thế nhưng không thể nói bừa hay chọn bừa người làm thay vài bữa được đâu. Ông nghe tôi, trở về động phủ của ông đi. Không nên lên trời làm loạn!”
“Ông không cần phải khuyên ta, ý ta đã quyết rồi!” Nhĩ nghe Đạo Hạnh nói một hồi lâu, cũng đâm bực tức, liền quát, “Mau tránh đường ra!”
“Phạm Nhĩ…” Đạo Hạnh toan nói, nhưng Nhĩ đã ngắt lời ông:
“Đừng nhiều lời nữa, ông không tránh ra, ta đánh cả ông luôn!”
Dứt lời, hai cánh của Nhĩ vỗ một cái, thân hình y trong nháy mắt đã bay đến sát Đạo Hạnh, một cú đấm như trời giáng đánh tới. Đạo Hạnh tuy bị đánh bất ngờ, thế nhưng dù gì ông ta cũng là một trong Tứ Bất Tử của đất Nam, thành ra rất nhanh chóng lắc mình né tránh. Đoạn, Đạo Hạnh lại vội múa tích trượng đón đỡ, phản công lại Nhĩ.
Hai người kẻ đánh người đỡ trên không trung gần trăm chiêu vẫn chưa phân thắng bại. Đạo Hạnh là cao tăng đắc đạo, mỗi đường đánh của ông đều rất bài bản, chuẩn xác. Mỗi lần vung tích trượng đều nhằm tới các huyệt vị để vô hiệu hóa Nhĩ, nhưng không gây hại đến tính mạng y. Còn Nhĩ thì đánh kiểu hoàn toàn dùng lực, lại áp sát vào đánh cận chiến. Từng đấm, từng cước đều mang sức mạnh hủy thiên, diệt địa. Tư thái đánh nhau của Nhĩ có thể đem so sánh với Bát Cực Quyền của võ học hiện đại, bám sát đối phương, vận dụng tối đa các bộ phận cơ thể để công kích.
Mà do cự li gần sát, thành ra tất cả các ngón đòn của Nhĩ đều tập trung vào phần bụng và chân ông thiền sư, khiến ông ta cũng hơi luống cuống tay chân. Mỗi một lần Nhĩ lên gối, huých vai hay tấn công bằng cùi trỏ đều khiến ông thiền sư chật vật né đỡ. Đánh với Nhĩ mà Đạo Hạnh cứ nhớ đến em hai Không Lộ của ông, người cũng có kiểu đánh nhau thô bạo tương tự với Nhĩ. Thành thử, cũng may nhờ vậy mà Đạo Hạnh cũng có chút ít kinh nghiệm chiến đấu với kiểu đánh cận chiến bạo lực này, tạm thời giữ được thế cân bằng.
Thế nhưng than ôi, Nhĩ có cánh, bay lượn vô cùng thoải mái, tự do, còn Đạo Hạnh tuy tu vi không kém cạnh, thế nhưng vẫn phải cưỡi mây, mượn gió, thành ra di chuyển khó khăn hơn nhiều. Cứ mỗi lần Nhĩ vỗ cánh là lại tạo từng đợt gió thổi bạt hết mây xung quanh, thậm chí đến đám mây dưới chân ông sư cũng như muốn bay đi chỗ khác. Cánh của Nhĩ thật khiến chiến lực của y tăng đáng kể. Cứ mỗi lần đôi cánh ưng của y phần phật vỗ, là y lại xuất hiện ở một hướng khác của ông sư già, tư thái thật như mãnh hổ vờn mồi, chặn kín các đường lui của Đạo Hạnh.
Vậy nhưng ông thiền sư cũng không phải tay mơ. Tự thấy nếu hai bên nếu tiếp tục đánh trên không thì bất lợi cho mình, Đạo Hạnh bèn nghĩ cách đưa cuộc chiến xuống đất. Nhân một đấm móc lên của Nhĩ đánh tới bụng, thay vì né tránh, lần này Đạo Hạnh xoay ngang tích trượng, đỡ lấy. Kình lực từ quả đấm của Nhĩ đẩy ông thiền sư bay một đường vòng cung về phía sau, xuyên qua một đám mây, để lại một vệt trắng dài trên bầu trời. Nhân cơ hội ấy, mượn lực của Nhĩ, Đạo Hạnh đã thoát khỏi vây khốn của y. Ông ta bèn múa tích trượng quanh người tạo thành một vòng phòng thủ, rồi đổi hướng bay, vừa đánh với Nhĩ, vừa lui về một ngọn núi gần đó.
Đáp chân xuống mặt đất một cái, Đạo Hạnh lập tức loạng choạng né một đấm của Nhĩ. Nắm đấm này lún sâu vào vách núi, lún tới gần khuỷu tay Nhĩ. Qua đó là đủ hiểu Nhĩ đấm mạnh tới mức nào. Nếu vừa rồi Đạo Hạnh không né kịp, thì dù có ở tu vi của ông, hẳn cũng không dễ chịu gì. Nhân cơ hội tay Nhĩ còn mắc trong núi, ông sư già vội vung tích trượng, vụt vào bên hông y. Bị đau, Nhĩ gầm lên một tiếng.
Rầm! Ầm! Ầm!
Nhĩ rút tay ra mà khiến cả quả núi rung chuyển. Từng tảng đá lớn nhỏ vỡ lở ra, lăn xuống núi. Đạo Hạnh thấy vậy thì hơi nhíu mày. Tuy ông ta cũng không nghĩ quanh đó có người, thế nhưng ngộ nhỡ ảnh hưởng tới người vô tội thì cũng là chuyện không nên. Đành rằng con người ở Xứ Mộng bị thương thì cũng không đến nỗi nguy hiểm tới họ ở Địa Cầu. Thế nhưng nếu thương tích tại Xứ Mộng quá nặng nề thì vẫn ảnh hưởng ít nhiều tới cơ thể cùng cuộc sống của họ nơi Địa Cầu.
Đạo Hạnh lui ra xa mấy bước, miệng lẩm nhẩm một đoạn kinh thư, tay trái lần tràng hạt, tay phải múa tích trượng. Đoạn kinh thư này có tác dụng tạm thời đề thăng chiến lực của Đạo Hạnh. Ông ta đã quyết chí kết thúc trận đấu này nhanh nhất có thể.
Nhĩ lao tới nhanh như mãnh hổ săn mồi, ông thiền sư chỉ chờ có vậy, lách mình sang một bên, ngả sát xuống đất, rồi vung tích trượng thật mạnh, gạt vào bắp chân Nhĩ, khiến y mất đà mà ngã bổ chỏng ra.
Những tưởng đánh ngã được Nhĩ là cuộc chiến kết thúc, nhưng không! Tuy nằm ngửa dưới đất, nhưng Nhĩ vẫn chưa chịu thua. Khi ông thiền sư giơ tích trượng lên để chế trụ Nhĩ, gã ta liền co giò, vung tay, khóa lấy vũ khí của Đạo Hạnh. Rồi tay kia của y đấm vào dưới nách ông sư khiến Đạo Hạnh đau điếng. Đoạn Nhĩ đẩy đối phương ra, rồi nhân lúc ông sư già còn đang loạng choạng chưa đứng vững, y bật ngay dậy.
Nhĩ lại nhảy tới, lần này dáng như mãnh thú vồ mồi, tay phải gã đập xuống, như muốn đập nát sọ Đạo Hạnh. Ông sư già vội bật mình về sau để tránh, đoạn vung ngang tích trượng phản đòn. Bàn tay của Nhĩ tiếp xúc với mặt đất, khiến vùng đất xung quanh vỡ lở ra, sạt lún thành một cái hố rộng. Dư kình từ cái đập trời giáng ấy cũng lan ra tạo thành từng đợt, từng đợt gió cuốn ra phía ngoài. Các đợt gió cuốn nối tiếp nhau ấy mạnh mẽ tới nỗi giảm cả tốc độ của tích trượng của Đạo Hạnh vung đến. Tới khi tích trượng gần đánh được tới cổ Nhĩ thì y đưa tay trái lên, gạt mạnh ra. Cú gạt này khiến Đạo Hạnh bị đẩy ra, một lần nữa loạng choạng mấy bước mới đứng lại được.
Đạo Hạnh còn đang toan tính xem làm sao tiếp, thì bỗng Nhĩ gầm lên một tiếng. Tiếng gầm rống này quả thực quá mạnh mẽ. Nó như thể công kích thẳng vào tâm can đối phương, khiến ông thiền sư choáng váng, thiếu chút nữa thì đã ngã bổ chỏng ra. Ông ta vội cắm tích trượng xuống đất, vịn vào để đứng cho vững.
Nhĩ không để Đạo Hạnh kịp hồi phục đã tiếp tục đánh tới. Lần công kích này, hổ thủ của y mở ra, móng tay sắc như dao loe lóe sáng dưới ánh mặt trời. Ông sư chưa kịp phản ứng thì máu đã nhuốm đỏ cánh tay áo. Đồng thời, nội thương do công kích sóng âm khi nãy cũng khiến ông phun ra một búng máu.
Nhĩ lại thừa thắng đánh tới. Y co giò, đạp một cú vào bụng Đạo Hạnh, khiến ông thiền sư ngã dúi dụi. Xong xuôi, Nhĩ quay mình, đôi cánh ưng sau lưng vỗ một cái, thoáng chốc đã bay tít xa, nhắm hướng Thiên Phủ thẳng tiến.
Một lúc lâu sau, Đạo Hạnh mới lồm cồm bò dậy, vịn lấy tích trượng, đứng thở hổn hển một lúc, rồi cưỡi mây bay đi tìm em ba Nguyễn Minh Không của ông.
***
Trong thư phòng, Đạo Hạnh cũng đã kể xong sự việc năm đó cho Minh Không nghe. Minh Không trầm ngâm một hồi, rồi cười nói:
“Anh cả, nghe anh kể mà em cũng muốn cho anh hai ra đấu thử với Nhĩ!”
“Chú ba đánh với y quả thực sẽ là một cuộc đấu đáng xem. Tiếc là giờ y đã bị vặt cánh, ép đầu thai, sức mạnh cũng giảm nhiều.” Đạo Hạnh nghe Minh Không nói đùa thì cũng đùa lại, đoạn ông đổi giọng nghiêm túc, “Thế nhưng tuyệt đối vẫn không thể xem thường y. Một gậy của anh năm đó chỉ khiến y chịu đau mà không gây thương tổn gì quá lớn. Nếu gậy đó nện trúng Phù Đổng Thiên Vương, nhẹ thì cậu ta cũng trẻ lại mấy tuổi. Còn nếu bị đánh úp, không kịp phòng bị, có khi còn hóa thành trẻ con quấn tã trong vòng một tuần ấy chứ. Vậy mà Nhĩ chỉ rống giận rồi vẫn đủ sức đánh bại anh rồi ngay sau đó vẫn lên Thiên Phủ quậy phá được.”
“Anh cả cứ nói quá!” Minh Không phản bác, “Gióng dù gì cũng là Chiến Thần của đất Nam mình. Theo như em nghĩ, nếu Nhĩ và Gióng đều ở đỉnh phong, chắc cũng chỉ xêm xêm nhau thôi. Có chăng em chỉ thấy công kích sóng âm của y thật đáng lưu ý!”
“Chú ba nói không sai. Công kích sóng âm đó quá bất ngờ, lại thực quá mạnh mẽ, đã khiến anh ăn quả đắng. Mà theo như lời Tôn Ngộ Không lúc trước, xem chừng Nhĩ vẫn sử dụng thành thạo kỹ năng này. Thật là chuyện đáng lo!”
Hai ông sư còn đang bàn tính thì bên ngoài vọng vào tiếng báo:
“Hai vị thiền sư Đạo Hạnh, Minh Không, có Gióng tôi đến thăm hỏi. Không biết có thể vào hay không?”
Minh Không nghe tiếng này thì liếc qua Đạo Hạnh, đoạn cười nói:
“Anh cả nói thiêng thật, vừa nói bừa chuyện đánh cho cậu ta quấn tã một tuần thì cậu ta đã biết mà đến đòi cãi lí rồi kìa!”
Đạo Hạnh nghe vậy cũng cười vang:
“Chú ba chỉ khéo đùa, chú mau cùng anh ra tiếp Gióng thôi, cũng không nên để cậu ta chờ anh em mình!” Đoạn cũng gọi vọng ra ngoài:
“Phủ Đổng Thiên Vương ghé thăm phủ đệ của anh em tôi thật là quý hóa quá! Mau mau vào để anh em tôi còn đón tiếp!”
Nói rồi, hai ông sư già cũng đẩy cửa thư phòng đi ra. Đoạn, họ tiến nhanh về phía cửa để đón Thánh Gióng.
Lời tác giả: Tác đang rất bận thời gian này nên truyện chắc phải tạm dừng ra chương mới trong ít lâu. Muộn nhất trong tháng tám sẽ có chương mới. Nếu ai muốn đọc tích gốc về Phạm Nhĩ, có thể tra google “sự tích ông ba mươi”. Còn Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không từng được xấp ngang Tứ Bất Tử nên tra cứu khá dễ dàng. Trong tích gốc về Đạo Hạnh, Minh Không và Không Lộ là hai người, nhưng trong tích về Minh Không, dân gian ta lại gộp hai người làm một. Tác đã có hướng riêng để tôn trọng cả hai truyền thuyết này. Cụ thể là gì sau này sẽ viết (mặc dù đã hint trong chap này). Còn về “chỉ đạo võ thuật”, do tích gốc không bao h có miêu tả, nên tác đành tự biên theo tính cách nhân vật và lore của họ. Có gì sơ xuất, xin được lượng thứ.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!