Tử Thư Tây Hạ - Quyển 2 - Chương 4: Giáo sư Boris
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
108


Tử Thư Tây Hạ


Quyển 2 - Chương 4: Giáo sư Boris


Nghĩa trang Shuvalov mai táng rất nhiều danh nhân lịch sử của nước Nga. Đường Phong và Từ Nhân Vũ đi xuyên qua những ngôi mộ giống hệt nhau để tìm kiếm mộ phần của giáo sư Boris. Đột nhiên, Đường Phong nhìn thấy trên đỉnh một ngọn núi nhỏ, trong một đám cỏ giữa những ngôi mộ có một tấm bia đá đen khá lớn được dựng đứng. Trên bia đá đen bỗng hiện lên hai dòng chữ tiếng Trung Quốc…

1

Trước khi Hàn Giang tới, Đường Phong và Từ Nhân Vũ đã yên ổn tại Đại học Saint Petersburg. Đại học Saint Petersburg được xây dựng từ năm 1819, tọa lạc bên bờ sông Neva, đối diện với bờ phía nam của cung điện Mùa Đông phía xa xa. Nơi đây đã từng đào tạo rất nhiều nhân vật quan trọng trong lịch sử nước Nga. Trong thời đại Liên Xô, nó từng được gọi là Đại học Leningrad. Sau khi Liên Xô tan rã, cùng với sự thay đổi của thành phố Saint Petersburg, nó đã được quay trở về với tên gọi ban đầu của mình. Các ngành học của Đại học Saint Petersburg đều có đủ, chuyên ngành phong phú. Ngành nghiên cứu Đông Phương ở đây vốn đã nôi tiêng lâu đời, tập trung những người ưu tú chuyên nghiên cứu Đông Phương học của nước Nga.

Từ Nhân Vũ cũng từng du học ở đây năm xưa. Anh hứng thú với rất nhiều môn học, những môn tự nhiên, môn xã hội anh đều ham thích như nhau. Có một lần, anh vô tình nghe được bài giảng của một vị giáo sư nghiên cứu Đông Phương học, mà đến giờ anh vẫn còn nhớ rõ tiết mục đó giảng về lịch sử của dân tộc du mục châu Á. Anh cũng vẫn nhớ rõ tên của vị giáo sư đó là Boris.

Từ Nhân Vũ trẻ tuổi năm nào đã vô cùng kính phục học thức uyên thâm, phong thái nho nhã và cả thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu học vấn của giáo sư Boris. Chỉ một tiết học duy nhất, giáo sư Boris đã giảng từ Hung Nô, Tiên Ti, giảng đến Đột Quyết, Hồi cốt, Thổ Phiên, tiếp đó lại giảng tới Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ, dĩ nhiên còn có cả Đảng Hạng. Lớp học nhỏ vốn chỉ có chỗ cho 30 người, nhưng lại chật kín sinh viên của các chuyên ngành, phần lớn sinh viên hình như đều là lần đầu tiên tiếp xúc với những dân tộc Đông Phương cổ xưa này. Từ Nhân Vũ không ngờ rằng một người phương Tây, hóa ra lại am hiểu lịch sử Đông Phương đến nhường vậy. Mặc dù trước đây anh cũng đã hiểu biết qua những điều này trên sách vở, nhưng đó vẫn là lần đầu tiên anh hiểu biết về những lịch sử này hệ thống đến như vậy.

Vậy là, trong một tuần Từ Nhân Vũ đã liên tục nghe ba tiết giảng của giáo sư Boris. Giáo sư Boris cũng đã chú ý tới cậu sinh viên Trung Quốc tóc đen, da vàng này.

Đến giờ Từ Nhân Vũ vẫn nhớ như in cảnh anh và giáo sư Boris lần đầu tiên trò chuyện với nhau. Đó là sau khi giờ giảng của giáo sư Boris kết thúc, Từ Nhân Vũ muốn hỏi giáo sư một vấn đề, nhưng lúc đó khẩu ngữ tiếng Nga của Từ Nhân Vũ không giỏi lắm, nên anh chần chừ hồi lâu cũng không đủ dũng khí mở miệng hỏi giáo sư Boris, nhưng giáo sư Boris lại nhìn ra những thắc mắc của Từ Nhân Vũ nên đã dùng tiếng Trung trôi chảy hỏi anh trước: “Cậu là người Trung Quốc?”

Từ Nhân Vũ không ngờ tiếng Trung của giáo sư Boris lại giỏi đến như vậy, càng không ngờ ông lại nhận ngay ra mình là người Trung Quốc. Từ Nhân Vũ đỏ mặt, gật gật đầu, anh lấy thêm dũng khí, hỏi lại giáo sư Boris: “Sao thầy lại nhận ra em là người Trung Quốc ạ?”

Giáo sư Boris khẽ mỉm cười, nói: “Dùng một câu tục ngữ của người Trung Quốc của các cậu là: ‘thiên cơ không thể tiết lộ’”.

“Không ngờ thầy cũng khôi hài đến vậy, khác hoàn toàn với lúc giảng bài” – Từ Nhân Vũ cũng thoải mái hơn.

“Bởi vì lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy sinh viên Trung Quốc, nói một cách chính xác thì phải là lâu lắm rồi mới được nhìn thấy người Trung Quốc, mặc dù tôi nghiên cứu Đông Phương” – nói đến đây giáo sư Boris thở dài não nề.

“Đúng vậy! Từ khi quan hệ Trung – Liên xấu đi đến nay thì rất ít người Trung Quốc đến đây, nhưng giờ thì tốt rồi, từ nay về sau chắc là sẽ ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc đến nghe giờ giảng của thầy.” – Từ Nhân Vũ an ủi.

“Hy vọng lời chúc của cậu sẽ trở thành hiện thực!” – Giáo sư Boris nở một nụ cười hóm hỉnh, rồi liền hỏi Từ Nhân Vũ: “Thế nào, có còn hứng thú với môn của tôi không?”

“Vô cùng hứng thú ạ, trước đây ở trong nước em cũng không hiểu biết lắm về những kiến thức lịch sử này, nghe thầy giảng em mới hiểu ra nhiều điều đấy ạ!” – Từ Nhân Vũ nói.

“Vậy thì hoan nghênh cậu đến nghe tôi giảng thường xuyên hơn! Đúng rồi, cậu không phải là sinh viên của khoa tôi phải không?” – Giáo sư Boris hỏi.

Từ Nhân Vũ lắc lắc đầu: “Em đến đây học ngành công trình, hôm đó em chỉ vô tình đi ngang qua phòng học đó, nghe thấy thầy đang giảng về lịch sử các dân tộc du mục ở phương Đông nên mới vào nghe xem sao, không ngờ ngay lập tức đã bị bài giảng của thầy thu hút.”

“Thật đáng tiếc, tôi tin rằng nếu như cậu trở thành học sinh của tôi thì nhất định sẽ là một học sinh xuất sắc đấy”. Giáo sư Bons không khỏi tiếc nuối.

Từ Nhân Vũ vui sướng bất ngờ, vội vàng đáp lại:

“Thầy yên tâm, sau này chỉ cần có thời gian em sẽ đến nghe thầy giảng”.

Giáo sư Boris hài lòng gật gù. Từ đó về sau, chỉ cần rảnh rỗi là Từ Nhân Vũ lại tới phòng học đó nghe thầy Boris giảng, và cứ vậy liền một học kỳ.  

2

Một học kỳ trôi qua rất nhanh, Từ Nhân Vũ tuy không phải học sinh của thầy Boris nhưng anh nghiễm nhiên trở thành học trò ưu tú của giáo sư. Đó là thời kỳ khốn khó khi Liên Xô vừa tan giã, đồng rúp Nga mất giá từng ngày. Giáo sư Boris vừa nhận được nhúm tiền lương qua mấy ngày, đã bị mất giá đến nỗi chả đáng mấy đồng. Nhưng trong chính hoàn cảnh khốn khó này, giáo sư Boris vẫn thường xuyên mời Từ Nhân Vũ tới nhà mình ăn cơm. Đó là một căn phòng tập thể giáo viên nhỏ được nhà trường phân cho, mỗi lần Từ Nhân Vũ đến đều chỉ thấy mỗi một mình giáo sư Boris, không có nữ chủ nhà cũng không có ai khác.

Lần cuối cùng Từ Nhân Vũ gặp giáo sư Boris cũng là lúc anh kết thúc chuyến du học tại Saint Petersburg và chuẩn bị rời khỏi đây. Trước ngày Từ Nhân Vũ lên đường, giáo sư Boris đã đặc biệt dùng bút lông viết một bức thư cho anh, trên đó chỉ có hai chữ Hán thể chữ Lệ là: Bất Uất.

Từ Nhân Vũ biết rằng hai chữ “Bất uất” xuất thân từ “Luận Ngữ” của Khổng Tử, nhưng anh cũng không thực sự hiểu ý nghĩa của nó, vậy nên anh đã thành tâm thỉnh giáo giáo sư. Giáo sư Boris từ tốn giải thích: ‘Khổng Tử nói: ‘Nhân bất tri nhi bất uất, bất diệc quân tử hồ”, ý nghĩa là người khác không hiểu tôi, không chấp nhận tôi, tôi cũng không oán hận. Đây chính là hai chữ mà thầy giáo của thầy, viện sỹ Arik viết tặng thầy, hôm nay thầy cũng tặng, tuy em, mặc dù em cậu vốn không phải là học trò chính thức của thầy”.

Từ Nhân Vũ vô cùng cảm động, sau khi trở về nước, anh còn cẩn thận dán vào tấm vải để cất giữ bức thư pháp này.

Lúc này, sau hơn 10 năm xa cách, Từ Nhân Vũ đã quay trở lại Saint Petersburg, quay trở lại ngôi trường tươi đẹp này, với cảm xúc lẫn lộn. Bức thư pháp này được cất trong cặp da của anh. Sau khi khẽ thở dài Từ Nhân Vũ liền nói với Đường Phong: “Chúng ta tới nơi ở trước đã, cất hành lý, sau đó tôi đưa anh đi dạo Saint Petersburg. Nhưng chúng ta đến đây quả thật không đúng lúc. Mùa đông lạnh giá, tuyết nhiều đã che phủ mất diện mạo diễm lệ của Saint Petersburg, mùa hè mới là mùa đẹp nhất của thành phố này. Sông Neva lững lờ trôi, vịnh Phần Lan khiến người ta phải lưu luyến, cung điện Mùa Đông hùng vĩ, còn cả cung điện Mùa Hè, làng Pushkin, nhà thờ giáo hội Spilt Blood, pháo đài Petro Pavlovskaya đều đẹp không sao tả xiết. Càng thần kỳ hơn nữa là “đêm sáng” của Saint Petersburg, vì mỗi khi tới mùa hạ thì mặt trời sẽ không bao giờ lặn, Saint Petersburg sẽ trở thành một thành phố không đêm đích thực”.

Từ Nhân Vũ nói một tràng dài về những thắng cảnh nổi tiếng của Saint Petersburg, nhưng Đường Phong lại hết sức bình tĩnh nói: “Lần này chúng ta tới đây đâu phải đi chơi đâu, đừng có quên sứ mệnh của chúng ta đấy. Hơn nữa tôi thấy Saint Petersburg bị bao phủ trong tuyết cũng có một vẻ đẹp riêng đấy chứ”.

Từ Nhân Vũ gật gù, than thở: “Đúng vậy! Hiện giờ chúng ta lấy đâu ra tâm trạng du ngoạn nữa. Tôi chỉ hy vọng mọi thứ sẽ sớm kết thúc”.

“Này! Đúng rồi, tiến sỹ, hai chúng ta tới đây với thân phận học giả, rút cuộc anh định sắp xếp cho chúng ta thành học giả gì vậy?” – Đường Phong nghi ngờ hỏi.

“Ồ! Việc này thì cậu yên tâm, tôi đã sắp xếp đâu vào đó rồi. Chúng ta được khoa văn học Nga mời tới đây để viếng thăm nghiên cứu.” – Từ Nhân Vũ nói rất nghiêm túc.

Vừa nghe thấy Từ Nhân Vũ nói tới một chuyên ngành không liên quan gì tới chuyên ngành của hai người họ, mà lại mạo nhận tới với tư cách là học giả, Đường Phong xém chút nữa té xỉu. Anh gào lên với Từ Nhân Vũ: “Lần này anh muốn tôi mất mặt đúng không? Đến tiếng Nga tôi cũng vừa mới học cấp tốc được một ít mà anh lại nghiễm nhiên khoác cho tôi chứ danh thành học giả nghiên cứu văn học Nga. Ôi thôi! Tôi nghĩ chắc là lần này phải trông cậy vào anh cả rồi”.

“Trông vào tôi? Anh cho rằng tôi hiểu biết về văn học Nga sao? Năm đó tôi cũng chỉ học tiếng Nga thôi, hơn nữa, lại chuyên về ngành công trình, nên đối với văn học Nga tôi cũng không hiểu gì cả!” – Từ Nhân Vũ ngửa hai tay, chán nản nói.

“Vậy thì anh mạo danh quá lố như thế để làm gì? Anh không tìm được chuyên ngành nào khác sao?”

“Đây không phải là do thân quen với giáo sư của khoa đấy sao? Đều là anh em mà!” – Từ Nhân Vũ từ trước đến nay luôn là người quan hệ rộng.

“Tôi thấy anh với ai cũng đều là anh em cả sao, lại cố chọn cái mà cả hai đều không ổn…” – Đường Phong càng nói càng tức.

“Cái gì mà cả hai chúng ta đều không ổn? Thực ra văn học Nga cũng có gì đâu, không phải chỉ có mấy vị thôi sao? Pushkin, Lermontov, Turgenev, Fydor Dostoyevsky,

Lev Tolstoi, còn cả…còn cả Mayakovsky, đúng rồi, còn cả Joseph Brodsky!” – Từ Nhân Vũ nói ra một loạt những nhà văn Nga lừng danh mà anh biết được.

“Anh biết cũng không ít đấy chứ! Vậy thì trọng trách giao lưu với đồng nghiệp Nga sẽ giao phó cho anh vậy. Chúng ta nhất định không thể để trường của chúng ta mất mặt”.

“Thôi đi, đâu phải chỉ mỗi cậu biết là không được để trường của chứng ta mất mặt, cậu cho rằng tiến sỹ tôi đây chỉ là dân thường đam mê khoa học hay sao? Chúng ta tốt xấu gì cũng đã từng cầm giấy mời của hơn chục trường đại học đấy! Còn đây không phải là đang bị gã họ Hàn đó trưng dụng sao? Nếu không thì hiện giờ tôi cũng đã đi giảng dạy trồng người trong trường đại học rồi!”

Đường Phong không nói thêm gì nữa, nhưng Từ Nhân Vũ lại cười nói: “Nói thật với cậu nhé, tôi đã xử lý xong cả rồi. Lần này chúng ta đến sẽ giả vờ bị cảm nặng, khỏi phải nghiên cứu văn học Nga gì nữa. Một đống nhiệm vụ của chúng ta vẫn còn chưa xong kia kìa!” – Hai người vừa nói vừa bước đến gần một khu ký túc dành cho giáo viên.

3

Quản lý ký túc là một phụ nữ lớn tuổi, dáng người phốp pháp, bà dẫn Đường Phong và Từ Nhân Vũ đến nơi ở của họ, một căn hộ có hai phòng ngủ. Đường Phong nhìn khắp căn hộ, cũng tạm hài lòng, chỉ cần thêm một vài đồ đạc nữa là ổn. Nhưng Từ Nhân Vũ lại nói: “Thôi đi, chúng ta vẫn chưa biết sẽ ở đây mấy ngày đấy, cứ như vậy đi!”

Ổn định xong xuôi, Đường Phong hỏi Từ Nhân Vũ: “Mặc kệ học giả thăm viếng gì đấy, việc đầu tiên mà chúng ta chính thức phải làm là cái gì?”

Từ Nhân Vũ ngẫm nghĩ, sau đó giống như tự mình lẩm bẩm, lại giống như trả lời Đường Phong: “Giá như thầy giáo Boris của tôi còn sống thì tốt biết mấy”

“Thầy giáo Boris?” – Đường Phong không hiểu nên hỏi lại.

Từ Nhân Vũ giới thiệu qua với Đường Phong về thầy giáo Boris của mình. Kể đến cuối, Từ Nhân Vũ rất tự tin nói: “Phương hướng nghiên cứu của giáo sư Boris là lịch sử của các dân tộc du mục châu Á. Lĩnh vực này ở trong nước thường được gọi là biên cương sử, rất gần với chuyên ngành của cậu. Tôi vẫn còn nhớ năm đó giáo sư Boris có một cuốn sổ tay rất tinh xảo đẹp đẽ, trên đó viết kín mít những thành quả nghiên cứu mà ông đạt được, trong đó có không ít nội dung được viết bằng tiếng Trung, còn có cả tiếng Anh, tiếng Pháp, và cả rất nhiều những ngôn ngữ mà tôi vốn không biết. Giáo sư Boris nói rằng đó đều là ngôn ngữ phương Đông cổ”.

“Nếu nói như vậy thì vị giáo sư Boris có lẽ cũng có những nghiên cứu về lịch sử Tây Hạ?”

“Không chỉ có vậy, ân sư của giáo sư Boris chính là viện sỹ Arik – bậc thầy về Hán học, nổi tiếng nhất nước Nga. Rất nhiều học sinh của viện sỹ Arik sau này đều theo ngành nghiên cứu văn hiến đã khai quật ở khu vực tây bắc Trung Quốc, đặc biệt là văn hiến của Đôn Hoàng và Hắc Thủy Thành, ví dụ như Menshikov sau này trở thành bậc thầy Hán học nổi tiếng. Cậu đừng quên mất nội dung mà bảy bức thư tuyệt mật đã nhắc tới!” – Từ Nhân Vũ nhắc nhở Đường Phong.

Lúc này Đường Phong mới nhớ ra: “Đúng vậy!

Bảy bức thư tuyệt mật đó thì có tới ba bức thư liên quan tới viện sỹ Arik, anh nghi ngờ giáo sư Boris cũng biết về kệ tranh ngọc? Thậm chí… thậm chí chính là người từng tham gia vào đội thám hiểm năm đó? Nhưng đội thám hiểm năm đó chỉ có hai người may mắn sống sót thôi mà?”

“Những người biết về việc năm đó không nhất định phải là người tham gia vào đội thám hiểm khoa học.

Năm đó chắc chắn vẫn còn một số học giả biết và tham dự việc này, nhưng họ không trực tiếp tham gia vào đội thám hiểm, điều này cậu có thể nhận thấy trong bức thư cuối cùng của bảy bức thư tuyệt mật”.

“Bức thư cuối cùng? Thư của chủ tịch KGB Shelepin viết?” – Đường Phong nghi ngờ hỏi.

“Nên nói là ông ấy hạ lệnh cho cấp dưới mới đúng.” “Đúng! Trong bức thư đó, Shelepin yêu cầu tất cả những ai biết chuyện, đặc biệt là những học giả tham gia vào đội thám hiểm phải giữ bí mật. Thậm chí, ông ấy còn nhắc đến việc muốn gặp mặt nói chuyện với mấy học giả biết chuyện nhiều nhất.” – Đường Phong nhớ lại nội dung của bức thư đó.

“Đúng vậy, điều đó nói phía Nga ít nhất cũng có vài vị học giả biết chuyện và là người tham dự. Tuy họ không trực tiếp tham gia vào đội thám hiểm, nhưng chắc cũng phải hiểu biết nội tình”, Từ Nhân Vũ khẳng định nói.

“ừm! Nghe anh nói vậy tôi nóng lòng muốn gặp ngay vị giáo sư Boris đó. Nhưng bao nhiêu năm qua rồi, anh và giáo sư Boris có còn liên lạc với nhau không?” “Đây… đây cũng là điều tôi đang lo lắng. Năm đó, sau khi tôi về nước đã từng viết thư để giữ liên lạc với giáo sư Boris, nhưng mấy năm sau, tôi vẫn gửi vài bức thư nhưng đều không nhận được hồi âm của giáo sư Boris. Chính vì thế mà tôi và giáo sư Boris đã mất liên lạc với nhau. Sau này, tôi cũng đã nhờ vài người bạn hỏi thăm tình hình của giáo sư, nhưng mỗi người lại trả lời một kiểu, có người nói ông vẫn dạy học tại trường đại học, có người nói ông đã qua đời rồi. Kể từ đó trở đi, tôi cũng dần quên mất việc này.” – Từ Nhân Vũ không khỏi tiếc nuối nói.

Đường Phong nghe thấy vậy cũng rất thất vọng:

“Nếu là như vậy thì tôi thấy hy vọng tìm thấy ông không lớn đâu!”

“Đừng nói linh tinh nữa, chẳng phải chúng ta đã đến đây rồi sao? Lập tức đi thăm hỏi giáo sư Boris thôi!”,

Từ Nhân Vũ nói xong, mặc áo khoác rồi cùng Đường Phong đi ra ngoài.

4

Từ Nhân Vũ tìm một hồi, dựa vào trí nhớ, chẳng mấy chốc anh đã tìm thấy khu tập thể giáo viên mà giáo sư Boris sống năm nào. Căn hộ tập thể của giáo sư đã đổi chủ từ lâu, giờ chủ căn hộ là một đôi nam nữ trẻ tuổi, họ cũng chưa từng nghe thấy giáo sư Boris đã sống ở đây trước đó.

Từ Nhân Vũ bực tức đi xuống cầu thang. Đường Phong hỏi anh: “Anh không nhớ nhầm chứ?” – Từ Nhân Vũ ngẩng đầu nhìn lại khu tập thể cũ kĩ già nua này lần nữa, trông nó vẫn như xưa. Anh khẳng định với Đường Phong: “Không thể sai được, chính là khu nhà này, bao năm qua rồi mà nó vẫn chưa bị dỡ đi, nhưng vật thì còn mà người thì lại không thấy đâu!”  

“Chúng ta đến học viện nghiên cứu Đông Phương hỏi xem sao? Như thế cũng hay vì có thể làm quen với giáo viên ở đó!” – Đường Phong gợi ý với Từ Nhân Vũ. Từ Nhân Vũ gật đầu, nói: “Cũng đành phải vậy thôi!” Hai người đội mưa tuyết, trong khuôn viên trường mới tìm thấy khoa nghiên cứu Đông Phương mà giáo sư Boris từng giảng dạy. Đây là nơi hội tụ những học giả xuất sắc của Nga và là trọng điểm nghiên cứu Đông Phương học ở Nga.

Cận kề ngày tết, nên trong khoa chẳng có mấy người. Đúng lúc Đường Phong và Hàn Giang đang không biết phải làm thế nào, thì hai người họ phát hiện ra bên cạnh cửa sổ phía đầu kia hành lang có một thanh niên đang hút thuốc một mình. Thanh niên đó xem ra cũng ngoài 30 tuổi, đeo kính gọng vàng, mặc áo nghiên cứu, dáng vẻ giống một học giả.

Đường Phong và Từ Nhân Vũ nhìn nhau, cùng tiến về phía trước, Từ Nhân Vũ cất lời tự mình giới thiệu: “Chào cậu, tôi trước từng du học ở đây, lâu lắm rồi không quay lại, tôi muốn tìm một thầy giáo nhưng lại mất liên lạc với ông, tôi muốn hỏi thăm cậu một chút, cậu có quen giáo sư Boris không?”

“Ai? Ông ấy họ gì?” – Người thanh niên ngạc nhiên hỏi lại.

Từ Nhân Vũ ra sức hồi tưởng lại: “Boris, hình như họ là Ustinov, ông từng giảng dạy ở đây hơn mười năm trước”.

“Anh đang tìm giáo sư Boris Mikhail Ivanovic Ustinov?” – Người thanh niên đọc ra cả họ tên của giáo sư Boris.

Mắt Từ Nhân Vũ sáng lên, ngạc nhiên nói: “Đúng! Đúng rồi, chính là ông ấy!”.

“Anh là học sinh của giáo sư?” – Học giả trẻ tuổi không vội nói với Từ Nhân Vũ về tin tức của giáo sư Boris, ngược lại còn hỏi lại anh.

Từ Nhân Vũ gật gật đầu: “Cũng được coi là vậy! Hơn chục năm trước tôi đã từng nghe giáo sư Boris giảng bài”.

“Ồ! Nếu như vậy thì tôi lấy làm tiếc khi phải nói với anh rằng, giáo sư Boris đã qua đời vì bạo bệnh tám năm trước rồi.” – Vị học giả trẻ tuổi rất bình tĩnh nói.

“Sao cơ? Qua đời vì bạo bệnh?” – Từ Nhân Vũ và Đường Phong cùng ngạc nhiên đồng thanh thốt lên.

“Đúng vậy, hãy tin tôi, bởi vì tôi là học sinh của giáo sư Boris!” – Vị học giả trẻ nói rất thành khẩn.

“Anh cũng là học sinh của giáo sư Boris?” – Đường Phong hỏi lại bằng tiếng Nga.

“Vâng! Tôi là khóa nghiên cứu sinh cuối cùng mà giáo sư Boris hướng dẫn!” – Vị học giả trẻ nói và nhấc nhấc gọng kính.

“Sao giáo sư lại qua đời vậy?” – Từ Nhân Vũ hỏi.

Vị học giả trẻ bình tĩnh trả lời: “Vì một bệnh về da rất hiếm gặp. Trước khi chết, giáo sư đã phải chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp”.

Từ Nhân Vũ âm thầm nhẩm tính trong lòng, tám năm trước, gần như là lúc mà mình và giáo sư Boris mất liên lạc với nhau. Xem ra sự việc quả đúng như vậy, lúc đó trong lòng mình đã có dự cảm không lành, thật không ngờ, tám năm rồi, rút cuộc đã có thể chứng thực cho dự cảm năm nào của mình.

Từ Nhân Vũ đã lấy lại bình tĩnh, rồi hỏi tiếp học giả trẻ: “Anh có thể nói cho tôi biết, mộ phần của giáo sư Boris ở đâu không? Tôi muốn đến viếng thăm một chút”.

“Tại nghĩa trang Shuvalov.”

“Nghĩa trang Shuvalov?” – Từ Nhân Vũ ghi nhớ cái tên này.

“Gần mộ của thầy giáo của ông, viện sỹ Arik” -học giả trẻ lại bổ sung thêm.

Cáo từ vị học giả trẻ, Đường Phong và Từ Nhân Vũ ra khỏi tòa nhà. Từ Nhân Vũ nhìn trời, sắc trời đã chuyển tối, anh quyết định, ngày mai sẽ tới nghĩa trang Shuvalov để thăm mộ giáo sư Boris.

Ngày hôm sau, cũng là ngày cuối cùng trước thềm năm mới, Từ Nhân Vũ vốn định buổi sáng tới viếng thăm giáo sư Boris tại nghĩa trang Shuvalov, nhưng buổi sáng Hàn Giang lại bay tới. Mặc dù theo lời hẹn của họ trước khi hành sự, hai bên không gặp nhau nơi công cộng, nhưng Đường Phong và Từ Nhân Vũ vẫn tới sân bay. Tại sân bay, Đường Phong và Từ Nhân Vũ đứng quan sát Hàn Giang từ xa, mãi cho tới khi nhìn thấy Hàn Giang đi ra khỏi sảnh chờ ở sân bay, lên một chiếc tắc xi, họ mới lặng lẽ rời khỏi sân bay.

Buổi trưa, Từ Nhân Vũ lại bị một nhóm bạn người Nga viện cớ chúc mừng năm mới để gọi đi uống rượu, rồi khi về tới nơi ở liền nôn mửa một trận ra trò, đến khi đã nôn sạch lại nằm trên giường hai tiếng đồng hồ, đợi tới ba giờ chiều mới tạm tỉnh táo đôi chút.

Tuy vậy Từ Nhân Vũ vẫn cố gắng muốn tới nghĩa trang Shuvalov, Đường Phong đành phải đi cùng anh. Khi hai người vẫy tắc xi tới nghĩa trang thì đã gần bốn giờ chiều. Sắc trời chẳng mấy chốc đã tối sầm xuống. Từ Nhân Yũ nhìn trời, oán thán: “Saint Petersburg mùa đông ban ngày ngắn thật đấy, mới bốn giờ chiều mà đã sắp tối rồi”.

Đường Phong nhìn bầu trời, rồi lại nhìn từng ngôi mộ thánh giá bên cạnh, có chút sợ hãi nói: “Tôi thấy hay là chúng ta về đi. Anh cũng không biết vị trí cụ thể ngôi mộ của giáo sư Boris; ở đây chỉ có hai chúng ta, lẽ nào chúng ta lại phải tìm từng cái tìm trong đống thánh giá này? Như vậy thà ngày mai, ban ngày lại đến tìm còn hơn.”

TừNhân Vũ lạnh lùng cười: “Sóng to gió lớn chúng ta cũng đều trải qua rồi, đi qua những ngôi mộ mà cậu cũng sợ à? Khà khà!”

Đường Phong vốn định phản bác lại nhưng nhìn sắc trời càng lúc càng tối đành nuốt lời lại. Nghĩa trang Shuvalov chôn cất rất nhiều danh nhân lịch sử của Saint Petersburg lẫn của nước Nga. Đường Phong và Từ Nhân Vũ đi xuyên qua những ngôi mộ giống hệt nhau để tìm kiếm mộ phần của giáo sư Boris.

Đột nhiên, Đường Phong nhìn thấy trên đỉnh một ngọn núi nhỏ, trong một đám cỏ giữa những ngôi mộ, có một tấm bia đá đen khá lớn nhô lên. Hai người thu hết can đảm, mò tới trước tấm bia đá màu đen. Đường Phong mò chiếc đèn pin mang theo bên mình ra, rọi về phía bia đá. Trên tấm bia đá màu đen bỗng xuất hiện hai hàng chữ tiếng Trung, giống như người Trung Quốc dán hai hàng câu đối vậy, một bên khắc là “Thành ý cách vật tâm khoan thổ bạng” (thành tâm nghiên cứu đạt được tri thức, lòng dạ khoan dung dù thân hình phốp pháp), còn bên kia khắc là “Tư tư bất quyện giáo học tương trưởng” (cần mẫn không biết mệt mỏi, dạy và học đều tiến bộ), trên đỉnh tấm bia đá là một cuốn sách đang mở ra, trên cuốn sách có khắc hai chữ: “Bất uất”.

Nhìn thấy vậy, Đường Phong nghi ngờ nói: “Sao trên mộ của người Nga ở đây lại xuất hiện bia mộ khắc tiếng Trung nhỉ?”

“Bởi vì đây là mộ của viện sỹ Arik!” – Từ Nhân Vũ nhận ra hai chữ “Bất Uất”, đồng thời cũng nhận ra chủ nhân của ngôi mộ này.

Đường Phong lại xem kĩ lại lần nữa, rồi khẳng định: “Đúng! Đây chính là mộ của ngôi sao sáng về Hán học nước Nga, viện sỹ Arik, bia mộ được làm rất độc đáo”.

“Thôi nào! Tranh thủ thời gian đi, chúng ta cần tìm mộ của giáo sư Boris. Hôm qua vị học giả trẻ tuổi đó đã nói rồi, mộ của giáo sư Boris ở gần thầy giáo của ông, viện sỹ Arik”.

Hai người lại tìm kiếm thêm 10 phút thì mới phát hiện ra một tấm bia rất nhỏ trong một góc khuất, gần mộ của viện sỹ Arik. Trên bia đá không có chữ Hán, cũng không có chữ nào dư thừa, thậm chí còn không có cả ngày tháng năm sinh và ngày mất của người chết, chỉ khắc bằng tiếng Nga: “Boris Mikhail Ivanovich Ustinov” – đúng một cái tên như vậy.

Đường Phong và Từ Nhân Vũ đứng nghiêm trang hồi lâu bên mộ của giáo sư Boris, sau đó Từ Nhân Vũ mới đặt một bông hoa anh mua lúc đến trước bia mộ ông.

Đường Phong và Hàn Giang cũng đều nhìn thấy trước bia mộ khuất lấp, cô quạnh, sơ sài này, ngoài bông hoa của Từ Nhân Vũ vừa mang đến, vẫn còn một bông hoa khác, xem ra nó cũng vừa mới được ai đó mang đến cách đây không lâu. Đó là một bông hồng đỏ, là một màu đỏ khó hình dung bằng lời. Bông hoa hồng đỏ này nằm lặng lẽ trên nền tuyết trắng, tươi rói đến nhường vậy mà lại chói mắt đến nhường vậy.

6

Đường Phong và Từ Nhân Vũ bước ra khỏi nghĩa trang Shuvalov, họ đi một đoạn khá xa mới vẫy được một chiếc tắc xi; trên đường đều là những người đi chúc mừng năm mới, xe cộ chầm chậm tiến lên phía trước. Sau đó, Đường Phong và Từ Nhân Vũ quyết định xuống xe và hòa cùng dòng người đang phấn chấn hồ hởi, họ vừa thưởng thức pháo hoa vừa đi về nơi ở. Cứ như vậy, họ đã đi mất mấy tiếng đồng hồ trên đường, mãi cho tới 11 giờ đêm mới về đến ký túc.

Đường Phong vừa mở cửa phòng, lập tức ngửi thấy mùi thuốc lá sộc vào mũi. Đây không phải là mùi tẩu thuốc của Từ Nhân Vũ, Đường Phong cũng không hút thuốc. “Không ổn, trong phòng có người vừa đến!” – Theo phản xạ, Đường Phong rút tay bật đèn về, đang định lùi ra ngoài cửa thì liền nghe thấy giọng nói quen thuộc từ trong phòng vọng ra: “Mau bật đèn, là tôi!”

Lúc này Đường Phong mới nhận ra giọng Hàn Giang. Anh vội vàng bật đèn thì chỉ thấy Hàn Giang nằm một mình trên giường hút thuốc. “Anh làm tôi giật bắn mình!” – Đường Phong oán thán.

“Đúng đấy! Tôi cũng sợ chết khiếp!” – Từ Nhân Vũ đóng cửa lại, cũng ca thán.

“Hai cậu chạy đi đâu đấy? Các cậu để tôi đợi lâu quá rồi đấy!” – Hàn Giang ngồi dậy càu nhàu.

“Anh không nhìn xem xe cộ bên ngoài à, hơn nữa chúng tôi lạ nước lạ cái mà!” – Đường Phong giải thích.

“Hừm! Tôi phát hiện ra các cậu đều giống nhau cả thôi, đều nói tôi làm các cậu giật mình, đều là bị tắc đường” – Hàn Giang cười lạnh lùng.

“Chúng tôi đều giống nhau ư? vẫn còn ai nữa thế?” – Đường Phong hỏi.

Không đợi Hàn Giang trả lời, Từ Nhân Vũ liền cười nói: “Còn ai được nữa? Yelena chứ ai! Chắc chắc ban nãy anh ấy đã là đến khuê phòng của Yelena cùng ăn tối với người đẹp rồi.”

Vừa thấy Từ Nhân Vũ nói trúng tim đen, Hàn Giang lập tức nghiêm mặt lại, nghiêm túc nói: “Thôi nào! Nói việc chính đi! Tiến sỹ, tôi bảo anh lấy thứ đó anh lấy được chưa?”

“Lấy thứ đó?” – Đường Phong không hiểu ý Hàn Giang.

Từ Nhân Vũ cười cười, lấy từ trong túi để dưới giường ra một vật được gói trong tờ báo, đưa cho Hàn Giang: “Này! Việc anh giao phó, tôi chắc chắn hoàn thành nhiệm vụ đúng hẹn!”

Hàn Giang giở tờ báo ra, lúc này Đường Phong mới nhìn rõ, hóa ra là một khẩu súng, vẫn còn gần 10 viên đạn. Trong lúc Đường Phong vẫn còn đang kinh ngạc thì Hàn Giang lại khẽ reo lên: “Cậu kiếm về cho tôi gã này sao, TT-33, một gã già cỗi, đạn cũng không nhiều. Dùng thế nào đây?”

“Thôi đi! Đây không phải là trong nước, chúng ta muốn dùng vũ khí gì là sẽ có vũ khí ấy. Cái này là tôi mua tại chợ đen lúc trưa nay với giá 200 đô la Mỹ đấy.

Hết cách, giờ không giống với thời Liên Xô mới giải thể.

Lúc đó anh muốn có cả đạn đạo scud tôi cũng mua được cho anh, bây giờ chỉ có cái này thôi, dùng tạm vậy! Hơn nữa, chúng ta đến đây để đàm phán hợp tác chứ không phải đến để đánh nhau, còn nếu như đánh nhau thật, chỉ có mấy người chúng ta, thì anh có súng tốt hơn nữa cũng vô ích mà thôi!” – Từ Nhân Vũ nói một tràng, cuối cùng vẫn không quên nhắc nhở Hàn Giang: “Tôi toàn lấy tiền của tôi tạm ứng đấy nhé, sau khi về nhớ thanh toán cho tôi đấy!”

“Nhưng… nhưng Yelena nói với tôi, cô ấy hiện giờ bị miễn chức rồi. Hiện giờ phụ trách sự việc này là thượng tá Ilyushin, rất khó đối phó, bởi vậy tôi không thể không phòng bị!” – Hàn Giang kể lại tình hình gặp gỡ Yelena một lần nữa cho Đường Phong và Từ Nhân Vũ nghe. Hai người nghe xong cũng rất ngạc nhiên.

“Không ngờ, bên họ ở đây cũng thay đổi nhiều quá. Vậy hiện giờ anh có hành sự theo kế hoạch ban đầu nữa không?” – Đường Phong hỏi.

Hàn Giang đáp: “Kế hoạch không đổi, chỉ có điều phải cẩn thận hơn! Tiến sỹ, ngày mai anh đưa tôi đến chỗ bọn họ một chuyến.”

“Ngày mai? Tôi thấy hay là để chuẩn bị thêm đã, đi như thế qua loa quá! Hơn nữa, mai lại là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người đều nghỉ lễ.” – Từ Nhân Vũ khuyên Hàn Giang.

Hàn Giang ngẫm nghĩ một hồi, nói với Từ Nhân Vũ: “Vậy được! Ngày mai hai chúng ta tới tòa nhà của cục an ninh kiểm tra một lượt, đợi kỳ nghỉ kết thúc thì sẽ đến gặp thượng tá Ilyushin đó.”

“Vậy tôi thì làm gì?” – Đường Phong hỏi Hàn Giang.

“Cậu á, thì vẫn đi gặp gỡ với mấy vị học giả nước Nga đó, thử xem trong số họ có ai tiết lộ manh mối gì có giá trị không. Ngoài ra, cậu cũng có thể đến cung điện Mùa Đông xem sao mà!” – Hàn Giang bố trí nhiệm vụ cho Đường Phong.

“Tiến sỹ Từ vốn quen một giáo sư người Nga rất giỏi, nhưng đáng tiếc người ta đã mất cách đây tám năm rồi.” – Đường Phong kể lại cho Hàn Giang nghe những chuyện họ gặp phải trong hai hôm nay.

Đúng lúc Đường Phong vừa kể xong, ngoài cửa sổ, vang lên tiếng chuông đồng hồ báo năm mới đã tới.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN