Tuyết Sơn Phi Hồ - Chương 7: Bảo Thụ Ðại Sư Kể Chuyện Xưa
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
169


Tuyết Sơn Phi Hồ


Chương 7: Bảo Thụ Ðại Sư Kể Chuyện Xưa



Bảo Thụ kể tiếp:

-Lúc bấy giờ, bần tăng vẫn chưa xuất gia, đang làm thầy lang kiếm sống ở một thị trấn miền quê huyện Thương Châu, tỉnh Trực Liệt.

Dân Thương Châu ham võ nghệ, các con em ít nhiều đều học qua vài đường quyền cước. Bấy giờ, bần tăng chuyên bán thuốc, xoa bóp giảm đau, từng học qua chút võ nghệ. Thị trấn đấy tuy dìu hiu, chỉ chừng năm sáu trăm cư dân. Bần tăng chỉ dựa vào nghề thuốc gượng sống qua ngày, thân mình còn không lo nổi, nói chi đến việc lấy vợ sinh con.

Một ngày tháng chạp năm ấy, bần tăng húp xong ba bát cháo hoa rồi đi ngủ.

Ðang lúc nằm mơ thấy mình phát tài, sắp lấy một cô vợ đẹp như tiên, thì mẹ khiếp,bỗng nghe tiếng đạp cửa ầm ầm.

Bên ngoài, gió bắc đang thổi mạnh, giường lò của bần tăng đã tắt lửa từ lâu,chân thì mỏng tang, quả tình không muốn trở dậy tí nào. Giấc mơ đẹp đẽ đó bị người kia làm cho đứt đoạn, lại càng thêm mất hứng. Song tiếng đạp cửa mỗi lúc một dữ dội hơn, và thêm tiếng gọi to: “Ông lang ơi! Ông lang ơi!”.

Nghe giọng, biết là người miền tây chứ không phải người địa phương. Xem chừng nếu không mở cửa có lẽ người ấy cũng phá cửa mà vào cũng nên! Tôi không hiểu đã xảy ra chuyện gì, vội khoác áo vùng dậy. Vừa nhấc then cửa thì ầm một tiếng, người ấy cũng gắng sức đẩy cửa mở vào. Nếu không nhanh nép sang một bên, chắc trán tôi đã bị cánh cửa đập sưng vù lên rồi. Một người đàn ông tay cầm bó đuốc, xộc vào nhà gọi: “Xin mời thầy đi luôn giúp cho!”.

Tôi hỏi lại: “Có việc gì vậy? Lão huynh là ai?”. Người kia đáp: “Có người ốm nặng nguy kịch lắm!”. Ông ta không trả lời câu hỏi của tôi, vung tay trái ra, một tiếng “xoạch”, ném lên bàn tôi một đĩnh bạc lớn. Ðĩnh bạc ấy nặng tới hai mươi lạng! Tôi chữa thuốc nơi thôn quê, chỉ thường kiếm được vài chục hay vài trăm tiền, đã bao giờ được trả khối bạc hai chục lạng như thế này đâu, nên vừa bất ngờ,vừa vui sướng. Tôi vội nhận ngay đĩnh bạc, mặc quần áo xỏ giầy. Người đàn ông giục luôn miệng. Vừa mặc áo quần, tôi vừa quan sát tướng mạo ông ta, thấy nét mặt rắn rỏi, có vẻ con nhà nền nếp, có điều mặt đượm vẻ buồn rầu.

Người ấy không đợi tôi cài xong khuy áo, một tay xách hòm thuốc giúp tôi, một tay lôi tôi đi luôn. Tôi nói: “Chờ tôi khoá cửa đã”, ông ta bảo ngay: “Sợ mất trộm à? Tôi sẽ đền hết cho!”. Nói rồi kéo tôi rảo bước, đi đến nhà trọ Bình An. Ðó là nhà trọ duy nhất ở thị trấn này, chuyên cho những người đánh xe, phu khuân vác trên đường xuôi ngược Bắc Kinh ngủ trọ. Diện tích không chật lắm song nhà cửa tối và bẩn. Tôi nghĩ thầm, người này có vẻ khá giả sao lại vào chốn này nghỉ trọ nhỉ? Chưa kịp nghĩ ngợi gì thêm, ông ta đã kéo tôi vào gian cửa chính nhà trọ. Ở đây thắp nến sáng trưng, có năm người đàn ông đang ngồi chờ. Người đàn ông kéo tôi đến đây nói: “Ông lang đến đây rồi!”. Mọi người tỏ ra mừng rỡ, cùng đưa tôi vào chái phía Ðông.

Vừa bước vào, tôi bỗng giật mình: trên giường lò nằm sóng xoài hàng bốn người khắp mình bê bết máu. Tôi bảo người đàn ông nọ cắm nến lại soi cho rõ, thấy cả bốn người đều bị thương nặng. Có người bị chém vào mặt, có người bị chặt đứt tay.

Tôi nói: “Sao đến nỗi bị thương nặng như thế này? Có phải bị bọn giặc cướp tấn công không?”. Người đàn ông nhiêm giọng: “Thầy mau cứu chữa đi, chúng tôi sẽ hậu tạ nhưng không được hỏi han lôi thôi!”.

Tôi thần nghĩ: “Gớm nhỉ! Sao mà dữ thế?” Nhưng, nhìn bọn họ đều dữ dằn,người lại giắt binh khí, tôi không dám hỏi han gì nữa, chỉ đắp thuốc chữa vết chém,băng bó cầm máu cho bốn người chu đáo.

Người đàn ông nọ nói “còn ở bên này nữa” rồi dẫn tôi đi sang chái phía Tây, có ba người bị thương nằm trên chiếc giường lò. Các vết thương đều là mới bị chém cả, Tôi lại đắp thuốc cầm máu, còn đưa thêm ít thuốc nước cho họ uống để an thần và giảm đau. Cả bảy người bị thương đều lần lượt ngủ thiếp đi.

Mấy người đàn ông thấy tôi chữa chạy có hiệu quả, bấy giờ mới đối xử với tôi có chút nể nang hơn, không thô bạo như lúc đầu. Bọn họ bảo nhà trọ lấy cánh cửa kê thành giường cho tôi nằm ở gian chài phía đông, đề phòng khi các vết thương có biến chứng gì, đã có tôi kịp thời điều trị.

Ngủ đến khi gà gáy sáng, thấy bên ngoài có tiếng vó ngựa phi, tiến gần nhà trọ.

Mấy người đàn ông cũng vùng dậy chạy ra đón. Tối cứ vờ ngủ, hé mắt nhìn trộm,thấy có hai người mới đến. Một người ăn mặt như kẻ ăn mày, có đôi mắt sáng quắc; còn người kia khuôn mặt thanh tú, còn trẻ. Hai người ấy lại gần lò thăm các người bị thương. Những người bị thương cố nhịn đau và gượng ngồi lên, tỏ ra rất cung kính với hai người này. Tôi nghe thấy họ gọi người ăn mày là Phạm bang chủ,gọi người trẻ tuổi kia là Ðiền tướng công.

Bảo Thụ nói đến đây, ngừng lại một lát, rồi nói với Ðiền Thanh Văn:

-Khi bần tăng lần đầu trông thấy lệnh tôn, thì cô nương vẫn chưa chào đời đâu!

Lệnh tôn là người thông minh sắc sảo. Dáng vẻ quyết đoán, tháo vát của lệnh tôn sáng sớm hôm đó, cho tới nay vẫn hiện rõ mồn một trước mắt bần tăng.

Ðiền Thanh Văn đôi mắt đỏ hoe, hơi cúi đầu xuống.

Bảo Thụ nói tiếp:

-Một trong những người không bị thương khẽ nói: “Thưa Phạm bang chủ và Ðiền tướng công! Chú đàn em họ Trương từ ngoài quan ải đã bám sát đôi vợ chồng nọ đi xuống miền nam, chú ấy đã điều tra chính xác “chiếc hộp sắt” đúng là đang ở trong người đối tượng ấy ạ!”.

Mọi người nghe ba tiếng “chiếc hộp sắt” đều nhìn nhau và nghĩ “Bảo Thụ đã nói vào vấn đề chính rồi đây”.

Bảo Thụ tiếp tục:

-Phạm bang chủ gật đầu. Người kia nói thêm: “Chúng tôi đợi ở thôn Ðường Quan để tiếp ứng, cử người về đưa tin bẩm với hai ngài và Kim Diện Phật Miêu đại hiệp. Không ngờ đối tượng ấy phát hiện ra mọi sự. Một mình hắn đứng chặn đường và nói: “Ta và các ngươi chưa hề quen biết nhau, sao cứ bám sát ta suốt dọc đường thế? Các ngươi do ba nhà Miêu, Phạm Ðiền sai đi có phải không?”. Chú Trương đáp: “Hai vợ chồng ngươi biết thế là được rồi!”. Gã kia hơi sầm nét mặt,ghì tay đoạt luôn đao của chú Trương bẻ làm đôi ném xuống đất, rồi nói: “Ta không muốn giết thêm người nữa đâu, mau cút đi!”. Chúng tôi thấy gã hung hăng,bèn xông cả vào. Chú Trương đá luôn vào bụng vợ hắn đang mang thai. Gã bèn nổi xung đáp: “Ta vốn định tha cho cả lũ bay, mà lũ bay vô lễ quá thể!”. Gã đoạt luôn một thanh đao và chém bị thương một loạt bảy người chúng tôi.

Ðiền tướng quân nói: “Hắn còn nói gì nữa không?”. Người đàn ông trả lời: “Lẽ ra hắn còn định đâm chém nữa, nhưng vợ gã ngồi trong xe kêu to: “Ði thôi! Chàng hãy tu nhân tích đức vì đưa con sắp ra đời nào!”. Thế là gã bèn cười cười, co tay lại và bẻ gẫy đôi thanh đao”.

Ðiền tướng công đưa mắt nhìn Phạm bang chủ, rồi lại hỏi tiếp: “Ngươi nhìn kĩ đấy chứ? Có đúng là hắn dùng tay bẻ gẫy đao không?”. Người ấy trả lời: “Bẩm đúng thế. Lúc ấy tiểu nhân đứng ngay bên cạnh hắn ta, nhìn rõ ràng lắm ạ”.

Ðiền tướng quân “ờ” một tiếng rồi ngẩng lên nghĩ ngợi. Phạm bang chủ nói:

“Hiền đệ chớ lo. Miêu đại hiệp nhất định sẽ đối phó được với hắn”. Người đàn ông kia lại nói thêm: “Hắn ta đi Giang Nam, thì nhất định phải đi qua đây. Nếu hai ngài chốt lại ở vùng này, thì hắn ta trốn sao cho thoát ạ?”. Lúc này vẻ mặt của hai vị Phạm, Ðiền đều nghiêm nghị, bàn bạc khẽ một hồi, rồi từ từ đi ra.

Bần tăng đợi hai vị đó đi rồi, mới giả vờ tỉnh ngủ, trở dậy dắp thuốc thay băng cho mấy người bị thương, tự hỏi rằng không hiểu nhân vật bị theo dõi kia là ai?

Người ấy rõ ràng là ngượng nhẹ nương tình, nên các vết thương tuy nặng song không nguy đến tính mạng.

Xẩm tối hôm đó, mọi người đang ăn cơm ở phòng chính của quán trọ, thì một người đàn ông chạy vào gọi to: “Ðến rồi”. Ai nấy mặt đều biến sắc, buông bát đĩa xuống, cầm binh khí, chạy xô ra ngoài. Bần tăng lặng lẽ đi theo, thấy sợ hãi nhưng cũng muốn ra xem cho thoả trí tò mò.

Trên đường cái, cát bụi bay mù mịt, một cỗ xe lớn đang phóng tới. Hai vị Phạm,Ðiền dẫn đầu mọi người xông lên. Tôi đi sau cùng. Cỗ xe lớn phóng tới trước mặt mọi người thì dừng lại. Phạm bang chủ nói lớn: “Tên họ Hồ kia, ra ngay!”. Trong xe, có tiếng người nói vọng ra qua tấm rèm che: “Bọn ăn mày đến lĩnh thưởng phải không? Ðược! Cho mỗi đứa một đồng tiền!”. Rồi chỉ thấy nhiều ánh vàng lóe sáng,đám đông kia lần lượt ngã gục.

Hai vị Phạm, Ðiền võ công cao cường nên không bị ngã, nhưng lại bị trúng phi tiêu “Kim Tiền” vào cổ tay nên đều thõng tay buông gậy và kiếm rơi xuống đất.

Ðiền tướng công vội kêu lên: “Phạm đại ca! Chạy thôi!”.

Phạm bang chủ bản lĩnh cao siêu, cúi mình nhặt cây gậy lên, rồi vụt chạy nhanh như gió đến bên các các người bị đánh ngã định giải các huyệt đạo cho họ.

Bần tăng hồi học võ, sư phụ đã dạy cho biết ba mươi sáu huyệt lớn trên thân thể con người, nên khi Phạm bang chủ giơ tay tay giải huyệt cho họ, bần tăng cũng hiểu đôi chút. Nhưng không ngờ, Phạm bang chủ ấn đi ấn lại hồi lâu, mà những người bị ngã vẫn không động cựa gì được!

Người ngồi trong xe cười nói vọng ra: “Thôi được! Cho một đồng chưa đủ, vậy cho thêm đồng nữa đây này!”. Thế là lại thêm một đống tiền nữa ném ra nối tiếp nhau. Số người bị trúng huyệt đạo lúc nãy bỗng cử động được chân tay và lần lượt đứng lên.

Ðiền tướng công giơ ngang kiếm che người, gọi to: “Tên họ Hồ kia! Hôm nay bọn ta đành chịu lép. Nếu có gan, mi hãy đứng lại!”. Người trong xe không đáp.

Chỉ thấy “soạt” một tiếng, một đồng tiền nữa văng mạnh ra, trúng vào mũi kiếm của Ðiền tướng công kêu “keng” rồi thanh kiếm bật ra xa cắm phật xuống đất.

Ðiền tướng công giơ bàn tay cầm kiếm lên nhìn, thấy máu tuôn ra ở chỗ giữa ngón cái và ngón trỏ.

Thấy kẻ địch quá lợi hại như thế, Ðiền tướng công thất sắc, vẫy tay ra hiệu,cùng Phạm bang chủ dẫn mọi người trở về quán trọ, cõng bảy người bị thương kia cùng lên ngựa rồi đi xuôi về phía nam. Trước khi đi, Ðiền tướng công còn cho tôi hai mươi lạng bạc.

Qua phong độ hiên ngang của ông, tôi hiểu đó là một bậc quân tử hào hiệp, và nghĩ rằng kẻ ngồi trên xe kia chắc chắn là một tên xấu xa gian ác vô cùng; nếu không thì sao hắn lại nuôi mối oán thù với một người tử tế như Ðiền tướng công?

Bần tăng đang tính về nhà mình, thì lại thấy chiếc xe lúc nãy phóng tới cửa quán trọ và dừng lại. Vì tò mò, tôi rất muốn thử nhìn xem gã xấu xa đó mặt mũi ra sao,nên tôi nấp ngay vào sau quầy rượu của quán trọ nhìn ra cửa xe.

Rém xe vén lên, một người đàn ông bước xuống. Vẻ mặt hắn thật hung ác, sắc mặt đen sì, râu quai nón xồm xoàm, tóc không tết đuôi sam, mà rối bời trên đầu.

Trông thấy hắn như vậy, tôi giật cả mình: “Cha mẹ ơi! ở đâu lại chui ra một thằng quỷ sứ thế này?”. Tôi chỉ mong sao chóng thoát khỏi nhà trọ này để về nhà. Nhưng mà kì lạ thay, hai mắt tôi như dán chặt vào hắn, không rời ra được. Tôi rủa thầm:

“Ðúng là gặp quỷ sứ giữa ban ngày! Hay là hắn có phép lạ?”.

Hắn hỏi chủ quán: “Xin phiền hỏi ông vùng này có ai làm thầy lang không?”.

Chủ quán chỉ luôn vào tôi: “Chính người này đây!”. Tôi xua tay cuống quýt:

“Không, không…”. Hắn ta cười: “Ðừng sợ! Ta không luộc chín ông để ăn đâu!”.

Tôi lắp bắp: “Tôi… tôi…”. Hắn sa sầm nét mặt: “Nếu có định ăn thịt ông, ta chỉ ăn thịt sống thôi đấy nhé!”. Tôi càng hoảng, hắn bèn cười ha hả. Bấy giờ tôi mới hiểu là hắn nói đừa. Tôi nghĩ bụng: “Mày định đùa cũng phải tuỳ mặt chứ!. . Cụ mày đây để cho mày mày cười đùa à?”. Chỉ thoáng nghĩ như vậy thôi chứ tôi đâu dám hé răng.

Hắn lại nói: “Ông chủ quán! Cho tôi hai phòng nhà trên sạch sẽ nhé! Vợ tôi sắp sinh cháu. Hãy mau đi tìm bà đỡ hộ tôi!”. Hắn cau mày, rồi nói tiếp: “Trên đường bị động thai, e là khó để! Này, ông lang chớ có đi đâu mất đấy nhé!”.

Chủ quán nghe nói vợ hắn sắp đẻ, sợ làm uế tạp quán trọ, nhưng nhìn vào vẻ hung tợn của hắn, đành im như thóc.

Có điều là bà Lưu, vẫn làm bà đỡ ở thị trấn này vừa chết cách đây vài hôm, nên chủ quán đành nói thực cho hắn ta biết. Nét mặt của hắn trông càng dữ tợn hơn.

Hắn lôi ra một đĩnh bạc lớn đặt mạnh lên bàn: “Phiền ông chủ quán hãy đi khắp nơi tìm bà đỡ giúp tôi, càng nhanh càng tốt!”. Tôi nghĩ bụng: “Sao mà bọn người này hễ xỉa tiền ra là hai mươi lạng nhỉ?”.

Người khách mặt mũi xấu xí như là ác quỷ ấy chờ chủ quán dọn phòng xong xuôi thì ra xe dỡ một người phụ nữ bước xuống. Người phụ nữ ấy được trùm kín trong tấm áo da cừu, chỉ để lộ khuân mặt. Nếu so sánh một nam một nữ này thì có thể ví Ðiêu Thuyền với Trương Phi vậy!

Tôi thấy người đàn bà ấy quá đẹp, giật mình suy nghĩ: “Ðây rõ ràng là một tiểu thư lá ngọc cành vàng, sao đến nỗi bị ép lấy cái gã quỷ sứ này nhỉ? Thôi đúng rồi!

Chắc là hắn cướp đem về làm ấp trại phu nhân cũng nên”. Không hiểu sao, tôi nảy ra ý nghĩ lạ lùng: “Người này và Ðiền tướng quân mới đẹp đôi! Chưa biết chừng hắn cướp vợ của Ðiền tướng quân, vì thế mới nảy sinh ra oán thù”.

Ðến giữa trưa hôm sau, vợ hắn vã mồ hôi trán, rên rỉ kêu đau. Gã quỷ sứ cuống cả lên toan đích thân đi tìm bà đỡ. Người vợ hắn bèn nắm tay hắn kéo lại, không cho đi. Chừng sang giờ Mùi, thì đứa trẻ đòi ra đời, không thể không chờ bà đỡ được nữa. Tên quỷ sứ bảo tôi đỡ đẻ, tất nhiên là tôi không chịu. Các vị nghĩ xem, tôi đường đường một đáng nam nhi, lại đi đỡ đẻ cho đàn bà thì sao ổn? Ðấy là việc xúi quẩy đến ngàn vạn lần. Hễ mó vào chuyện đó, thì đen đủi xui xẻo cả đời cả khiếp!

Tên quỷ sứ ấy bèn bảo tôi: “Ông cứ đỡ đẻ đi. Tôi có hai trăm lạng bạc đây. Nếu không chịu thì tuỳ ông đấy!”. Gã giơ tay đập chát một tiếng, phạt bay một góc bàn vuông. Tôi nghĩ: “Mạng mình là hơn cả. Vả lại số bạc hai trăm lạng này, mình có chữa gân bong đến cả chục năm cũng không kiếm nổi. Một lần xúi quẩy thì đã sao nào?”. Thế là tôi nhận lời, vợ hắn sinh được đứa con trai trắng trẻo mũm mĩm.

Thằng bé đó khóc vang lên, mặt đầy lông tơ, mắt mở thao láo, mới đẻ ra tướng mạo đã hung dữ giống hệt như cha nó. Sau này lớn lên, cầm chắc sẽ lại là một kẻ ác! Tên quỷ sứ đó rất vui mừng, quả nhiên cho tôi mười khối bạc Ðại Nguyên Bảo,mỗi khối hai mươi lượng. Người vợ còn tặng cho tôi một đĩnh vàng trị giá bằng khoảng tám chín mươi lạng bạc, hắn còn bưng một khay bạc ra tặng khắp mọi người từ chủ quán đến đầu bếp mỗi người mười lạng. Thế là ai cũng hể hả! Hắn còn kéo mọi người cùng uống rượu, kể cả những kẻ sai vặt, quét dọn trong quán không sót một ai! Mọi người gọi hắn là “Hồ đại gia”.

Hắn bảo: “Tôi họ Hồ. Cả đời tôi, hễ gặp kẻ làm điều xấu xa là tôi cho một đao ngay, cho nên mọi người còn gọi tôi là “Hồ Nhất Ðao”. Các người đừng gọi tôi “Ðại gia” làm gì! Tôi cũng xuất thân nghèo khổ, chỉ cướp lại chút tièn bạc của lũ ác bá để sống mà thôi, “Ðại gia” cái nỗi gì? Cứ gọi tôi là Hồ đại ca đi!”.

Bần tăng sớm biết hắn không phải người lương thiện, và quả nhiên hắn tự nói ra điều đó!. Mọi người không dám gọi “đại ca”, hắn bèn ép mọi người phải gọi như thế. Sau đấy, mọi người uống nhiều, thấy bạo hơn, mới dám gọi hắn là đại ca.

Ðêm ấy, hắn không cho tôi về nhà, bắt tôi ở lại cùng uống rượu với gã. Uống đến tận canh hai, mọi người đều say mèm. Riêng tôi, tửu lượng khá, nên còn nốc với hắn hết bát này đến bát khác. Hắn càng uống càng phấn chấn, đi vào phòng bế đứa con ra, chấm ngón tay mình vào rượu để cho đứa trẻ mút. Thằng bé mới sinh chưa đầy một ngày mà mút rượu nặng không hề khóc, trái lại mút ngon lành. Ðúng là con sâu rượu bẩn sinh.

Chính vào lúc ấy, có tiếng vó ngựa phi từ phía nam. Tất cả có chừng hai ba chục con ngựa lao nhanh đến, dừng bước trước cửa quán trọ. Tiếp theo là tiếng đập cửa mạnh. Chủ quán đang say bí tỉ, loạng choạng bước ra mở cửa, hai ba chục người đàn ông tiến vào, ai cũng đeo binh khí. Họ xếp thành hàng trước cửa và im lặng.

Một người trong bọn họ tiến lên phía trước, ngồi xuống bên cạnh bàn, cởi chiếc túi vải màu vàng đeo trên lưng xuống đặt lên bàn. Dưới ánh nến soi, nhìn rõ bảy chữ “Ði khắp thiên hạ không địch thủ” thêu trên túi bằng sợi chỉ đen…

Nghe Bảo Thụ kể đến đây , mọi người đều ngẫng lên nhìn mấy chữ “Nói khoác thế gian không địch thủ” mà Miêu Nhân Phưọng viết trên đôi câu đối treo trong đại sảnh.

Bảo Thụ nói:

-Mấy chữ này là biệt hiệu của Miêu Nhân Phượng… Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy có phần coi thường thiên hạ quá . Cái buổi tối gặp ông ta, tôi rất kinh ngạc. Người cao lêu đêu và đét, trông như cái sào, da mặt vàng ệch trông như người ốm, đôi bàn tay to như cái quạt nan rách xòe rộng trên mặt bàn. Tôi nói đôi tay ấy như cái quạt nan rách, vì chúng gầy guộc đến nổi chỉ thấy những xương và xương. Dĩ nhiên, lúc ấy tôi không biết ông ta là ai, sau này mới biết đó là Kim Diện Phật Miêu Ðại hiệp.

Hồ Nhất Ðao đang mãi đùa với con, nên hình như không biết có đông người vừa vào . Còn Miêu Ðại hiệp cũng chẳng nói gì, tự người tùy tùng rót rượu cho ông ta .

Mấy chục người kia trợn mắt nhìn Hồ Nhất Ðao đang chấm ngón tay vào rượu cho đứa trẻ mút . Hắn chấm một giọt cho con xong , lại ngữa cổ lên uống một bát , hai cha con cứ thi nhau mà uống rượu .

Trống ngực tôi đập thình thịch , chỉ muốn mau tránh xa cái chốn này , nhưng tôi đâu dám dời một bước . Lúc đó chỉ cần ai khè động đậy ,là mấy chục lưỡi đao kiếm kia sẽ bổ xuống ngay . Dù không nhằm vào tôi , nhưng chỉ cần dính hẹ thôi , tôi cũng đũ bị thương nặng rồi .

Hồ Nhất Ðao và Miêu Nhân Phượng đều im lặng , không ai nhìn ai , mỗi người đều uống hơn chục bát rượu . Bỗng người vợ Hồ Nhất Ðao tĩnh giấc , từ trong phòng gọi ti :

-Ðại ca !

Ðứa trẻ nghe tiếng mẹ bèn “òa” một tiếng rồi khóc ầm lên . Hồ Nhất Ðao hơi run tay , đánh rơi bát rượu xuống đất , “choang” một tiếng vỡ tan . Mặt gã biến sắc , ôm đứa con đứng lên . Miêu đại hiệp chỉ cười nhạt ba tiếng “hà,hà,hà” , quay người bước ra cửa . Ðám đông kia đi theo . Một lát sau , tiếng vó ngựa xa dần .

Tôi vẫn nghĩ rằng , khó tránh khỏi một trận ác chiến xảy ra , không ngờ đứa trẻ khóc óa lên như thế , thì Miêu đại hiệp lại bỏ đi luôn . Tôi và chủ quán cùng bọn người hầu nhìn nhau , không ai hiễu ra sao .

Hồ Nhất Ðao bế đứa bé vào phòng . Vách gỗ của gian phòng rất mỏng , nghe tiếng người vợ nói :

-Ðại ca ! Ai đến đây thế ?

Hồ Nhất Ðao trả lời :

-Có mấy thằng giặc cỏ thôi mà , nàng cứ ngủ đi ! Ðừng lo !

Người vợ thở dài :

-Ðừng nói dối muội nữa . Muội biết là Kim Diện Phật đã đến .

Hồ Nhất Ðao nói :

-Không phải đâu , nàng đừng có đoán mò .

Người vợ lại hỏi :

-Thế sao giọng đại ca run run như thế ? Xưa nay đại ca có bao giờ như vậy đâu ?

Hồ Nhất Ðao im lặng một lát rồi nói:

-Nàng đã đoán trúng rồi đó. Ta chẳng sợ hắn đâu.

Người vợ nói:

=Ðại ca!Càng chớ lo cho muội và con. Nếu chàng lo lắng, sẽ không đánh nổi hắn đâu.

Hồ Nhất Ðao thở dài nói tiếp:

-Ta cũng không hiểu vì sao xưa nay ta chẳng sợ một cái gì, thế mà tối nay đang ôm con trong tay thì Kim Diện Phật bước vào rồi đặt cái túi của hắn lên bàn, mặt hắn liếc nhìn thằng bé một cái, thế là ta vã mồ hôi ướt đầm người! Nàng nói phải lắm, ta thấy sợ Kim Diện Phật.

Người vợ nói:

– Chàng thực ra không sợ hắn, mà là sợ hắn hại muội và con chúng ta.

Hồ Nhất Ðao nói:

-Ta nghe đồn Kim Diện Phật hành động rất có nghĩa khí, nên giới giang hồ gọi hắn là Miêu đại hiệp. Chắc là hắn không đến nỗi hại đàn bà và trẻ con đâu.

Khi nói mấy câu này giọng hắn càng run rẩy thêm hơn, rõ ràng chính gã cũng không thực sự tin. Tôi nghe thấy thế, bỗng thương hại cho hắn, nghĩ bụng:

-Gã này mặt mũi hung tợn, hoá ra trong lòng cũng sợ thật rồi!.

Lại nghe người vợ khẽ nói:

-Ðại ca hãy bế con về nhà đi. Muội sẽ ở lại nghỉ cho khoẻ hẳn đã, rồi sẽ tìm đại ca ở ngoài biên ải.

Hồ Nhất Ðao nói:

-Thế sao được? Nếu phải chết, thì vợ chồng chúng ta cùng chết một nơi.

Người vợ than thở:

-Nếu sớm biết thế này, thì năm nọ muội không ngăn đại ca xuống miền Nam thách đấu với Kim Diện Phật mới đúng! Năm ấy, đại ca chưa vướng bận gì trong lòng, chắc sẽ thắng ông ta.

Hồ Nhất Ðao cười:

-Hôm nay gặp gỡ, chưa hẳn ta sẽ thua hắn đâu! Ta e rằng cái túi màu vàng thêu chữ “Ði khắp thiên hạ không địch thủ” của hắn sẽ phải đổi chủ phen này cũng nên!.

Tuy vừa cười vừa nói thật, song giọng Hồ Nhất Ðao vẫn run; tôi cảm nhận điều đó rõ ràng, mặc dù nghe cách bức gỗ mỏng.

Người vợ bỗng nói:

-Ðại ca nên nghe muội chuyện này.

Hắn hỏi :

-Chuyện gì vậy?.

Người vợ nói:

-Chúng ta hãy nói hết mọi việc với Kim Diện Phật, để xem ông ta bảo sao. Danh hiệu ông ấy là “Ðại hiệp”, lẽ nào ông ta lại không theo đạo lý ?.

Hồ Nhất Ðao nói:

-Ta ngồi ngoài kia vừa uống rượu vừa tính toán tỉ mỉ đến tất cả mười mấy cách để dàn xếp. Nàng mới sinh con xong, làm sao ra gió được? Ta tự đi nói chuyện thì chỉ đôi ba câu là hỏng. Nếu như kiếm được một người để sai bảo,

thì ý kiến nàng thực hiện được đấy!.

Nghĩ một lát, người vợ nói:

-Ông thầy lang kia cũng rất tháo vát, ăn nói hoạt bát,hay là phiền ông ta một chuyến?.

Hồ Nhất Ðao bảo:

-“Người này ham tiền, không đáng tin lắm đâu.

Người vợ lại nói:

-Chúng ta trả ông ta nhiều tiền là ổn thôi!.

Ha ha! Bần tăng thời trẻ quả là ham rượu và ham tiền thật! Có nói ra, cũng chẳng ngại các vị chê cười. Nghe đến mấy tiếng “trả nhiều tiền bạc”, thì đầu óc đã nghĩ luôn dẫu có phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng, mình cũng đi giúp họ một phen!

Hai vợ chồng họ bàn bạc to nhỏ mấy câu, rồi thấy Hồ Nhất Ðao đi ra gọi tôi vào phòng nói rằng:

-Sáng sớm mai có người đưa thư cho tôi. Tôi nhờ ông đi theo người ấy, rồi đưa giúp thư trả lời của tôi cho Kim Diện Phật Miêu đại hiệp là cái ông mặt vàng ban nãy đến uống rượu ấy mà!.

Tôi nghĩ rằng điều này có khó gì đâu, nên nhận lời ngay.

Sáng sớm tinh mơ hôm sau, quả nhiên có người cưỡi ngựa đến đưa một bức thư cho Hồ Nhất Ðao. Tôi nghe người vợ đọc thư, hóa ra nội dung là Miêu đại hiệp hẹn Hồ Nhất Ðao đọ tài, muốn để cho Hồ Nhất Ðao tự chọn ngày và địa điểm đấu võ.

Hồ Nhất Ðao viết thư trả lời và giao cho tôi. Tôi mượn chủ quán kia một con ngựa, rồi đi cùng người kia. Ði chừng ba mươi dặm về phía nam, người ấy dẫn tôi vào một ngôi nhà lớn.

Miêu đại hiệp, Phạm bang chủ, Ðiền tướng công đều đang ở đó, ngoài ra còn có thêm bốn năm chục người khác gồm đàn ông, đàn bà, nhà sư, đạo sĩ đủ mặt.

Ðiền tướng công đọc bức thư xong, bèn nói:

-Không cần gì phải hoãn sang hôm khác. Ngày mai chúng ta cứ đến.

Tôi nói:

-Tướng công còn dặn dò gì nữa không?.

Ðiền tướng công nói:

-Ông cứ về nói với Hồ Nhất Ðao rằng hãy mua trước ba cỗ quan tài đi, hai cỗ lớn, một cỗ nhỏ, chớ để các đại gia đây phải tốn kém!.

Về đến nhà trọ, tôi lại nói với vợ chồng Hồ Nhất Ðao những lời đó, nghĩ rằng họ tất sẽ lớn tiếng mắng chửi tôi. Song họ chỉ nhìn nhau và im lặng. Hai người thay nhau bồng bế đứa trẻ lên hôn hít yêu thương, dường như tự biết rằng giờ tận số đã đến gần, muốn nâng niu đứa con dẫu thêm một khắc cũng quý.

Ðêm ấy, tôi toàn mơ thấy những cơn ác mộng. Lúc thì mơ thấy Hồ Nhất Ðao đã giết chết Miêu đại hiệp, lúc thì mơ thấy Miêu đại hiệp giết được Hồ Nhất Ðao, lúc thì mơ thấy cả hai người ấy giết chết tôi. Ngủ đến được nửa đêm, bỗng có những tiếng lạ thường làm tôi tỉnh giấc. Hóa ra là Hồ Nhất Ðao đang khóc ở phòng bên cạnh. Tôi rất ngạc nhiên, nghĩ bụng:

-Thế mà cũng là trang nam nhi hùng hổ! Ðại trượng phu chết thì thôi, việc đã tới nơi còn khóc lóc nỗi gì? Sao lại xoàng đến vậy?.

Rồi lại nghe thấy hắn nghẹn ngào:

-Con ơi! Con mới được có ba ngày… mà thành đứa trẻ mồ côi cha mẹ mất rồi, sau này ai sẽ thương yêu con?

Con bị đói rét,ai sẽ chăm lo cho con? Con bị ức hiếp ai sẽ bênh vực con?.

Thoạt đầu, tôi còn mắng hắn là đồ vô tích sự, nghe đến mấy câu này, lại thấy xót xa, thầm nghĩ:

-Một kẻ cao lớn hung dữ thô lỗ thế này, mà lại yêu thương con đến thế cơ đấy!.

Hắn khóc lóc một hồi lâu, người vợ bỗng lên tiếng:

-Ðại ca! Ðừng đau lòng như thế nữa. Nếu quả đại ca chết bởi tay Kim Diện Phật, thì muội quyết định sẽ không chết, mà sẽ nuôi con cho khôn lớn!.

Hồ Nhất Ðao mừng rỡ:

-Nàng ơi! Ðiều ta lo lắng nhất, chính là điều đó, nếu chẳng may ta chết, thì nàng sống sao nổi nữa. Nhưng giờ đây nàng lại dám cứng cỏi nhận lấy gánh nặng này,thì ta chẳng còn phải lo buồn gì nữa.

Ha ha… ở đời này, xưa nay có ai mà chẳng phải chết?

Ðánh một trận cho thật sướng tay với tên cao thủ bậc nhất thiên hạ này, cũng là cơ hội trăm năm hiếm có đấy.

Nghe ngần ấy câu, tôi cũng cảm thấy hắn thật kỳ quặc. Hắn cười hồi lâu, bỗng lại thở dài:

-Nàng ơi ! Một nhát gươm thọc vào, cổ thấy nhói đau, thế là hết chuyện.

Chết thì thật là dễ. Nàng phải sống, đó mới là điều khó. Khi đã chết, thì chẳng biết gì nữa, còn nàng phải thương xót khổ sở suốt ngày đêm. Ôi! Ta thực lòng không muốn xa nàng!.

Người vợ nói:

-Muội sẽ ngắm nhìn con, coi như trông thấy đại ca rồi. Sau này con lớn lên, muội sẽ dạy dỗ nó để được như bố: hễ gặp bọn quan lại xấu xa, bọn thổ hào ác bá là cho luôn một nhát đao.

Hồ Nhất Ðao hỏi lại:

-Những điều ta làm trong đời, nàng thấy không có gì sai trái ư?.

Người vợ nói:

-Không có gì sai trái cả. Muội muốn con sẽ noi gương đại ca.

Hồ Nhất Ðao nói:

-Thế thì hay lắm! Dù ta còn sống hay chết, thì cuộc đời ta không có gì hổ thẹn với trời đất cả! Chiếc hộp sắt này, nàng hãy trao cho con vào ngày sinh nhật nó khi nó tròn 16 tuổi.

Bảo Thụ này bèn nhòm qua khe cửa, thấy người vợ đang bế con, Hồ Nhất Ðao lấy từ trong túi đẫy đựng quần áo ra một chiếc hộp sắt bây giờ đây, có điều là thời ấy, thanh bảo đao của Sấm Vương lại đang ở trong tay họ Ðiền chứ không có trong hộp. Vậy thì trong hộp sắt đó chứa cái gì? Chắc các vị đều hỏi thế. Ngay lúc ấy tôi cũng thắc mắc lắm, song Hồ Nhất Ðao không mở hộp ra nên tôi cũng chịu, không nhìn thấy gì cả.

Hồ Nhất Ðao dặn dò vợ xong, thấy lòng nhẹ nhõm, bèn nằm xuống ngủ, chỉ lát sau đã gáy vang như sấm rền. Tôi biết là chẳng còn chuyện gì để nghe nữa, cũng định đi ngủ song tiếng gáy ở gian bên vang rền như thế thì ngủ sao được?

Tôi nghĩ bụng:

-Cái người vợ trẻ kiều diễm xinh tươi như hoa kia mà lại đi lấy một kẻ thô lỗ xấu xí như Hồ Nhất Ðao đã là một điều kì lạ rồi. Lại còn hết lòng hết sức tôn kính và yêu mến hắn nữa, lại càng làm cho mọi người không sao có thể hiểu nổi!.

Hôm sau, lúc trời chưa sáng rõ, người vợ đã ra khỏi phòng dặn dò người hầu trong quán trọ mổ một con lợn, làm thịt một con dê, cắt tiết gà, vịt để nàng đích thân vào bếp nấu.

Tôi bèn canh rằng:

-Phu nhân mới sinh cháu chưa được ba ngày,không nên làm việc nặng kẻo sau này đau lưng nhức xương phiền hà lắm đấy.

Người vợ bèn cười đáp:

=Những việc trước mắt, quá đủ phiền hà rồi, còn ngại gì sau này?.

Hồ Nhất Ðao thấy vợ tất bật, cũng khuyên nên vào nghỉ. Người vợ chỉ mỉm cười với chồng, vẫn tiếp tục tự mình xào nấu thức ăn.

Hồ Nhất Ðao cười:

-Thôi được! Lại ăn thêm một lần các món ăn do chính tay nàng làm, thì dẫu có phải chết cũng không hối tiếc gì nữa!. Ðến lúc này tôi mới vỡ lẽ ra là, người vợ hiểu rằng giờ chia tay của hai vợ chồng đã đến gần, nên dù sao mặc lòng, cô ta cứ muốn làm cho chồng ăn một bữa cơm.

Ðến khi trời sáng hẳn, người vợ đã làm xong chừng hai ba chục món ăn, bày ngập trên bàn. Hồ Nhất Ðao bảo người hầu bàn đem tới mấy chục cân rượu nữa, rồi đánh chén cho thoả chí. Người vợ ôm con ngồi bên cạnh, rót rượu và tiếp món ăn cho chồng, vẻ mặt nàng tươi tỉnh.

Hồ Nhất Ðao uống một hơi bảy tám bát rượu trắng, bốc mỗi lần vài miếng thịt dê bỏ vào miệng. Vẳng nghe tiếng vó ngựa từ xa đang lại gần. Hồ Nhất Ðao và vợ cùng nhìn nhau, mỉm cười, vẻ mặt tỏ ra rất quyến luyến không muốn rời nhau.

Hồ Nhất Ðao nói:

-Nàng hãy vào phòng nghỉ đi. Bao giờ con khôn lớn, hãy nhớ bảo nó rằng, cha con muốn con dữ dằn hơn, phải cứng rắn hơn, chỉ cần nhắn nó một câu ấy thôi!.

Người vợ gật đầu:

-Hãy để muội thử nhìn xem Kim Diện Phật mặt mũi ra sao.

Chẳng mấy chốc, tiếng vó ngựa đều ngừng bặt ở trước cửa quán trọ. Kim Diện Phật, Phạm bang chủ, Ðiền tướng công đem theo mấy chục người nữa tiến vào.

Hồ Nhất Ðao chẳng buồn ngẩng đầu, nói cộc lốc:

-Ăn đi!”. Kim Diện Phật nói “được” và ngồi đối diện với Hồ Nhất Ðao, bưng bát rượu lên định uống.

Ðiền tướng công vội giơ tay ra ngăn lại:

-Miêu đại hiệp! Hãy coi chừng trong rượu thịt có cái gì đó cũng nên.

Kim Diện Phật nói:

-Xưa nay vẫn nghe nói Hồ Nhất Ðao là đấng nam nhi đường hoàng, làm việc gì cũng quang minh chính đại, đâu có lén hại tôi thế được!. Nói rồi, ngửa cổ uống cạn một hơi và gắp thịt gà nhắm luôn. Cách ăn uống của Kim Diện Phật trang nhã lịch sự hơn hẳn Hồ Nhất Ðao.

Người vợ Hồ Nhất Ðao nhìn Kim Diện Phật mấy lần, rồi thở dài nói với chồng:

-Ðại ca! Trong đám hào kiệt đời nay, ngoài vị Miêu đại hiệp này ra, chẳng có người thứ hai nào đáng là đối thủ của đại ca nữa đâu! Ông ta thẳng thắn thật bụng với đại ca, phong cách khẳng khái như thế này, trên đời này chỉ có hai người với nhau mà thôi!”.

Hồ Nhất Ðao cười ha hả:

-Muội cũng xứng đáng được coi là một bậc trượng phu trong giới nữ lưu đấy!.

Người vợ nói với Kim Diện Phật:

-Miêu đại hiệp! Ông là bậc nam nhi đại trượng phu, quả là tiếng đồn không ngoa. Chồng tôi nhỡ có chết bởi tay ông, cũng chẳng đến nỗi chết uống! Nếu ông bị chồng tôi giết, cũng chẳng tổn hại gì đến thanh danh của ông xưa nay đâu! Nào, tôi mời ông một bát!. Nàng rót hai bát, tự mình uống một bát.

Kim Diện Phật có vẻ không hay nói, chỉ nhíu đôi lông mày, đáp “được” và đón lấy bát rượu.

Phạm bang chủ đứng bên sa sầm nét mặt, tiến lên một bước:

-Miêu đại hiệp hãy coi chừng lòng dạ đàn bà nham hiểm!.

Kim Diện Phật hơi cau mày, không để ý đến, và uống luôn bát rượu.

Người vợ Hồ Nhất Ðao ôm con đứng dậy và nói:

-Miêu đại hiệp! Ông còn điều gì băn khoăn, xin hãy nói cho tôi biết đã,nếu chẳng may ông kỡ bị người ta giết chết giết, thì các bạn của ông e rằng chưa chắc đã giúp được gì cho ông đâu!…

Kim Diện Phật trầm ngâm giây lát rồi nói:

-Bốn năm trước, tôi có việc đi Lĩnh Nam, có một người đến nhà tôi, tự xưng tên là Thương Kiến Minh, người huyện Vũ Ðịnh, tỉnh Sơn Ðông…

Vợ Hồ Nhất Ðao nói xen vào:

-Ồ, người này là đệ tử của Vương Duy Dương uy danh vang dội vùng vùng Hà Sóc, là một tay cừ khôi trong môn phái Bất quái. Bát quái chưởng và Bát quái đao thì khỏi phải nói!.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN