UAAG - Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không - Chương 42: Ảo giác Coriollis
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
41


UAAG - Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không


Chương 42: Ảo giác Coriollis


UAAG – Đội điều tra tai nạn hàng không

Tác giả: Mạc Thần Hoan

Chuyển ngữ: Dú

Quyển 3: Bismarck

Chương 42: Ảo giác Coriollis

Trước khi máy bay cất cánh một tiếng, Lina hủy vé máy bay, tất cả quay về trụ sở điều tra.

Trong trụ ở điều tra trống trơn hết cả, đa số máy móc đã bị vận chuyển về trụ sở chính của NTSB ở Washington, thậm chí hầu hết nhân viên điều tra cũng đã ngồi máy bay về Washington ngay khi kết thúc buổi tiệc rượu vào đêm qua. Bây giờ số người còn lại ở trụ sở điều tra không còn nhiều, có mỗi Lovince và vài nhân viên điều tra trẻ.

Sau khi quay về trụ sở, Trác Hoàn mở miệng hỏi ngay: “Chuyện là sao?”

Vì cơn say đêm qua mà sắc mặt Lovince khó coi. Gã mặc bộ âu phục nhăn nhúm, cũng rất lấy làm bất đắc dĩ: “Sáng nay bên Canada có tin tức, TSB nhận được tình báo rằng có ngư dân gọi điện cho đài truyền hình kể tháng 9 năm ngoái đã từng vớt được một thứ lên, nghi là hộp đen.”

(*TSB – Transportation Safety Board of Canada – Ủy ban An toàn Giao thông Canada.)

Trác Hoàn: “Chắc chắn không?”

Lovince: “Không chắc. TSB đã liên lạc với ngư dân đó, song xác suất khá cao. Hôm qua người ngư dân nọ nghe được bản tin thời sự này bèn nhận ra hộp đen ngay. Hơn nữa, hộp đen vẫn chưa bị hỏng hoàn toàn do cú nổ mạnh, vẫn giữ được vài vệt màu quýt. Anh ta có ấn tượng sâu về thứ màu kì lạ này. Dự kiến là hôm nay phía TSB có thể nhận được hộp đen, ngày mai đưa tới Washington.”

Trác Hoàn liếc Lovince rồi quay đầu nhìn sang các thành viên của mình.

“Ừ, vậy đi Washington thôi.”

5 giờ chiều hôm đó, TSB đã đưa tin xác nhận cái hộp kim loại hình lập phương theo lời của người ngư dân đó là hộp đen.

Ngày 17 tháng 9 năm ngoái, khi US Airways 4012 rơi xuống biển và mất tích một tháng trời, không ai nghĩ rằng hộp đen của nó đã trôi dạt theo dòng biển đến vùng biển Canada, lại còn bị một ngư nhân tiện tay vớt lên.

Vì cách nhau gần 2000 hải lí nên người ngư dân nọ chẳng ngờ rằng đây chính là một bộ phận của chiếc máy bay rơi ở Boston, Mỹ. Anh ta sống trong một thị trấn cảng biển có giao thông không phát triển, nghiên cứu suốt nửa tháng cũng chẳng biết đây là thứ gì nên bán nó cho một tiệm đồ phế liệu.

May là hiệu suất làm việc của tiệm đồ phế liệu của thị trấn nhỏ này không cao, đồ phế thải kim loại chồng chất thành núi. TSB triệu tập hơn trăm người tìm suốt bốn tiếng mới tìm ra được hộp đen.

Nó bị chôn vùi ở dưới cùng của núi đồ phế thải.

Phần chữ in và đánh số đã phai mờ do máy bay gãy và nước biển ăn mòn, nhưng dù nó chỉ còn một nửa thì vẫn mang màu quýt nổi bật. Kể cả có bị lực mạnh va chạm, dòng biển đánh dạt, nó vẫn không bị hỏng.

Mãi đến tận tháng 12, xác máy bay mới bị công ty trục vớt vớt lên, thế mà từ tháng 9, hộp đen đã bị người ta vớt lên bờ.

Người của TSB đưa hộp đen đến trụ sở chính của NTSB tại Washington suốt đêm.

Lúc NTSB và US Airways cùng tuyên bố treo tiền thưởng, đôi bên chẳng ngờ được là sẽ tìm ra hộp đen thật. Có lẽ đó là quyết định sâu xa của vận mệnh. Sau khi thành viên của UAAG và Lovince cùng quay về trụ sở chính ở Washington thì Lovince đã bị đồng nghiệp gọi đến văn phòng ngay tức thì.

Tô Phi tò mò rướn cổ ngóng, mắt láo liên: “Bộ không phải hộp đen vẫn chưa được chuyển tới nơi hả, ông ấy đi đâu thế?”

Chú Joseph bật cười: “Cháu không hiểu à, cậu ta đi thăng chức.”

Tô Phi: “Hả?”

Không đúng, xảy ra chuyện gì rồi, vụ này mà cũng thăng chức? Chức vị ở NTSB các chú thăng dễ thế ư?

Phục Thành ngẫm một lát: “Vốn dĩ NTSB không muốn tuyên bố treo tiền thưởng và tiếp tục tìm hộp đen, họ định đăng bản báo cáo điều tra lên xong thì chấm dứt vụ án này. Là Lovince đề nghị tiếp tục tìm kiếm hộp đen, và bây giờ lời đề nghị của anh ta đã nhanh chóng đạt hiệu quả.” Dừng đoạn, Phục Thành nhìn về phía Lina, “Người ngoài có thái độ gì với chuyện này?”

Lina mỉm cười: “Phục à, tôi thích nói chuyện với người thông minh. Đúng vậy, từ buổi chiều sau khi NTSB thể hiện ra là đã tìm thấy hộp đen của US Airways 4012, cánh truyền thông, dân chúng và Internet rầm rộ bàn tán. NTSB và US Airways đều được khen ngợi. Ban nãy tôi vừa lên tra trên Twitter thì các hot search hiện nay toàn là khen NTSB cả. Cơ quan chính phủ Mỹ đã lâu rồi chưa được người dân sùng bái đến thế.”

Ngày trước xác máy bay bị vớt từ vịnh Boston lên, lại bị ngâm dưới nước biển trong thời gian dài mà thân máy bay mỏng đi và rỉ sắt, không tiện vận chuyển đường dài, thế nên NTSB bèn lập trụ sở tạm thời ở Boston để điều tra.

Bây giờ đa số bộ phận và máy móc đã bị chuyển về Washington, hộp đen cũng tiện chuyển nên ai nấy đều đến làm việc tiếp ở Washington luôn.

Đúng như lời chú Joseph, lúc Lovince về, gương mặt gã hân hoan và phấn chấn. Gã mời chào hết sức nhiệt tình: “Cần tôi liên hệ với khách sạn cho các cậu không? Đây là Washington, nên là tôi chiêu đãi mọi người mới phải.”

Lina: “Lovince à, anh lại nghi ngờ năng lực làm việc của tôi rồi.”

Lovince: “Ôi, là lỗi của tôi. Xin lỗi nhé Lina, chắc chắn cô đã chuẩn bị xong xuôi rồi.”

Đêm hôm đó, ai ai cũng nghỉ ngơi thật tốt. Sáng tinh mơ hôm sau, hộp đen đã được nhân viên của TSB tự tay đưa tới Washington.

Nó bị đặt trong một cái thùng kim loại và chở đến trụ sở chính của NTSB một cách rất cẩn thận.

Chú Joseph khá là ngạc nhiên: “Không thả trong nước biển mà đưa qua hả?”

Sau khi máy bay rơi xuống biển, hộp đen của chúng bị vớt lên thường sẽ ngâm trong thùng chứa đựng nước biển để bảo tồn. Nguyên lí này giống như khai thác mộ trong khảo cổ, đồ vật trong các phần mộ cổ đại khi không tiếp xúc với không khí bên ngoài sẽ giữ được trạng thái vật lí ổn định. Một khi huyệt mộ bị phá, tiếp xúc với không khí, ánh sáng và nhiệt độ sẽ không tránh khỏi xảy ra biến đổi vật lí và hóa học khiến nó hư hao.

Hộp đen bảo tồn trong nước biển cũng là để không phá hỏng môi trường bên ngoài của hộp đen, phòng ngừa ảnh hưởng đến dữ liệu.

Lovince giải thích: “Tháng 9 năm ngoái, cái hộp đen này đã bị con người vớt lên. Ngư dân kia không biết nó là gì, càng không thể cứ ngâm nó mãi trong nước. Môi trường bên ngoài của nó đã bị thay đổi, sau khi người bên TSB quan sát đã quyết định không cần bảo tồn trong nước biển nhằm tránh nảy sinh sự thay đổi khác.”

Nói đến đây, Lovince nhíu mày, nhìn Trác Hoàn: “Hệt như tôi vừa mới nói ban nãy, Patrick à, cái hộp đen này đã lồ lộ trong không khí gần nửa năm trời. Nhìn từ bề ngoài thì nó không hỏng hóc gì cả, nếu khi xưa vừa vớt nó lên là trích xuất dữ liệu luôn thì chắc chắn chẳng có vấn đề gì. Nhưng bây giờ đã qua một thời gian dài, dữ liệu vẫn được giữ đầy đủ hay không?”

Trác Hoàn điềm nhiên đáp: “Hỏi người lành nghề đấy.” Nói xong bèn lách mình để lộ cậu chàng Punk đứng phía sau.

Tô Phi chưa bao giờ nghĩ rằng Trác Hoàn sẽ nhường cơ hội làm màu tốt nhường ấy cho mình, còn khen mình sành sõi nữa?

Phải mất mấy giây sau, cậu chàng mới kịp phản ứng: “À đúng, ừm, không thành vấn đề. Chú không biết đấy chứ, cái máy bay này là A390 mới nhất của Airbus, đến cả hộp đen cũng dùng kĩ thuật lưu trữ dữ liệu EAFR* mới nhất, được gọi là ARINC767. Khi nó ghi lại dữ liệu sẽ lựa ra các frame rate* giống nhau trong ao dữ liệu…”

(*EAFR – Enhanced Airborne Flight Recorder – Tạm dịch là Máy ghi âm chuyến bay cải tiến.

*Frame rate: Tốc độ khung hình hoặc tỷ suất khung hình, được tính bằng số khung hình trên một giây là tần số mà tại đó các hình ảnh liên tiếp được gọi là khung hình xuất hiện trên màn hình. Thuật ngữ này áp dụng như nhau cho phim và máy quay video, đồ họa máy tính và hệ thống ghi hình chuyển động. Nó có đơn vị là Hz.)

Lovince là nhân viên điều tra chuyên về tai nạn hàng không, dù không hiểu biết sâu về hộp đen như Tô Phi nhưng vẫn có thể hiểu đại khái. Lời của Tô Phi không phải cái gì cao thâm lắm, ngặt nỗi nói thì dễ, chứ cũng phải làm ra mới được.

Lovince: “Nhờ cậu nhé.”

“Không thành vấn đề.”

Nhoáng cái, Tô Phi đã bắt đầu phân tích dữ liệu của hộp đen US Airways 4012 với các nhân viên phân tích dữ liệu của NTSB.

Cho dù tải dữ liệu của một cái hộp đen không bị hỏng hóc gì cũng phải mất ba ngày, chưa kể bây giờ hộp đen của US Airways 4012 đã trải qua việc máy bay nổ, nước biển ngâm, phơi ngoài không khí nên phải đến một tuần sau, Tô Phi mới sửa nó xong và tải dữ liệu xuống.

Tô Phi: “Cần hai tiếng nữa mới tải xong dữ liệu ghi âm buồng lái. Còn bên dữ liệu chuyến bay thì có rồi, xem cái này trước nhé?”

Trác Hoàn: “Ừ.”

Vừa dứt lời, Tô Phi đã gõ lạch cạch xuống bàn phím. Cậu chàng nhấn nút Enter rồi ngẩng đầu lên: “Xong rồi!”

Ngay sau đó, đồ thị đường gấp khúc với dữ liệu dày đặc được chiếu lên màn hình.

Tô Phi: “Máy bay mới quả là tuyệt vời, Airbus A390, tôi yêu nó quá đi mất. Hộp đen của nó ghi lại 89 mục dữ liệu, tròn 89 mục, toàn bộ bản ghi! Từ thời gian, độ cao áp suất khí quyển, các dữ liệu cơ bản thể hiện vận tốc bay đến tình trạng bộ giảm xóc ngáp*, cảnh báo chấn động của mỗi một động cơ, cảnh báo vượt quá nhiệt độ… Đều có hết! Máy bay sở hữu bản ghi chép dữ liệu đầy đủ nhất là Airbus A390 nhỉ?”

(*Ở dạng cơ bản nhất, một bộ giảm xóc ngáp ngăn cản chuyển động của một chiếc máy bay quanh trục thẳng đứng của nó, hoạt động giống như một bộ chân tự động trên bàn đạp bánh lái.)

Nghe vậy, Trác Hoàn cười khẩy.

Tô Phi ngu ngơ nhìn hắn.

Lina cười tủm tỉm, tốt bụng nhắc nhở: “Đầy đủ nhất là MaiFei F485, bản ghi chép của nó có tới 91 mục dữ liệu, bao gồm cả lệnh bộ giảm xóc ngáp và tình trạng van cánh lái hướng dự phòng mà Airbus A390 không có.”

Tô Phi: “…”

Thôi được, quên béng mất ở đây còn một tên thiết kế máy bay.

Trác Hoàn chẳng thèm để ý đến Tô Phi. Hắn đứng trước màn hình lớn, nhìn kĩ đồ thị dữ liệu chuyến bay tường tận này.

Trác Hoàn: “Phóng to chỗ này.”

Tô Phi: “Ok.”

Trác Hoàn lẳng lặng nhìn một lát: “Tại sao chỗ này lại đột ngột tụt xuống 9000 feet? Nó vẫn cách Boston một đoạn đường, vẫn chưa đến lúc hạ cánh.”

(*9000 feet = 2743 m.)

Phục Thành giở tài liệu: “Trong bản ghi âm của Đài Kiểm soát Không lưu có ghi lại đoạn này. Lúc đó máy bay gặp phải một luồng khí xoáy nhỏ trên mặt biển, trên radar khí tượng không thể hiện rõ. Cơ trưởng Kyle phụ trách liên lạc vô tuyến liên lạc với Đài Kiểm soát, hi vọng có thể hạ độ cao xuống và đi vòng qua khu vực này.” Dừng một lát, anh bổ sung thêm: “Khí tượng trên mặt biển thay đổi liên tục, trong mười phút có thể xuất hiện bảy, tám kiểu thời tiết, nên nhiều khi cần phải dùng radar khí tượng lắp riêng trên máy bay nhằm quan sát thời tiết. Để tránh khỏi luồng khí xoáy, gió lốc thì giảm độ cao bay cũng là chuyện cực kì bình thường.”

Mười ba phút cuối trước khi máy bay rơi, sau khi được Đài Kiểm soát Không lưu cho phép, phi công hạ độ cao xuống 9000 feet, cũng tức là khoảng 3000 m.

Kể từ lúc đó trở đi, máy bay bay rất vững vàng, không có nơi nào làm con người ta phải chú ý.

“Phóng to dữ liệu tốc độ gió và hướng gió lên.”

Tô Phi tức thì tạm thời che các dữ liệu khác, chỉ phóng to dữ liệu tốc độ gió và hướng gió của hộp đen lên theo mệnh lệnh của Trác Hoàn.

Người ta bèn thấy trên màn hình chiếu to lớn, đường gấp khúc dữ liệu chỉ dao động trong phạm vi nhỏ bỗng dưng Xoạt một cái, lên xuống dữ dội như tàu lượn siêu tốc ở năm phút cuối cùng. Nếu xem dữ liệu tốc độ gió và hướng gió trước đó như trẻ con chơi trò bập bênh thì bây giờ đã thành đua xe việt dã rồi.

Rất hiển nhiên, cái dữ liệu quá khủng khiếp này tuyệt đối là nguyên nhân quan trọng làm US Airways 4012 gặp nạn.

Tâm trạng Lovince đầy phức tạp: “Thời tiết trên mặt biển thay đổi… Phục à, cậu nói không sai. Phải, đó là đại dương. Xem ra hạ độ cao xuống 9000 feet cũng không thể giúp họ tránh thoát khỏi luồng khí xoáy nhỏ kia, hoặc luồng khí xoáy đó còn vượt qua cả tưởng tượng của họ.”

Phục Thành: “Cũng có thể đó là một luồng khí xoáy mới.”

Tốc độ gió quá cao kèm theo hướng gió tuyệt nhiên là điểm trí mạng đối với một cái máy bay.

Song.

Trác Hoàn: “Cái tốc độ gió này vẫn chưa đủ để làm Airbus A390 rơi xuống biển.”

Lovince sửng sốt, đang định nói “Làm sao cậu biết, phải đi làm thí nghiệm đã chứ” thì bỗng dưng ngộ ra điều gì đó, vội ngậm miệng lại.

À, cậu từng dỡ nó rồi, cậu hiểu mà.

Trác Hoàn: “Tôi đã từng làm thí nghiệm tốc độ gió với Airbus A390. Dưới điều kiện gió giật ngang* trên trời với vận tốc 60 nút, trạng thái bay của nó sẽ chịu ảnh hưởng. Nhưng chỉ cần phi công thao tác ổn, tắt chế độ lái tự động và tiến hành lái thủ công thì cũng có thể bay một cách thuận lợi, ngặt nỗi là rất khó.”

(*Gió giật ngang là một thuật ngữ hàng không trong tiếng Việt đặt tên cho một hiện tượng tự nhiên. Khi đó, những cơn gió mạnh thổi theo phương ngang sẽ xô chiếc máy bay lệch khỏi hướng trực diện, thậm chí có thể chệch ra ngoài đường băng. Việc hạ cánh trong điều kiện “gió giật ngang” đòi hỏi phi công phải giàu kinh nghiệm, bình tĩnh xử lý tình huống.

*60 nút = 111 km/h.)

Ngay sau đó, hắn nhìn về phía Tô Phi. Hắn còn chưa kịp mở miệng thì Tô Phi đã ra dấu tay OK: “Tôi đã tìm ra dữ liệu trạng thái thay đổi của chế độ lái tự động rồi. RIP nói đúng, năm phút cuối họ đã gặp phải gió giật ngang mạnh. Ba mươi giây sau, cơ phó Tim đã tắt chế độ lái tự động, bật chế độ lái thủ công… Ơ, đợi chút!”

Tô Phi thốt lên: “Hai phút cuối cùng, anh ta đã giao quyền lái cho cơ trưởng Kyle!”

Trác Hoàn: “Trích dữ liệu ra!”

“Được!”

Tô Phi chiếu tất cả dữ liệu lái lên màn hình.

Người ta chỉ thấy trước khi máy bay rơi, quả thật cơ phó đã giao quyền lái cho cơ trưởng, cơ trưởng Kyle nắm cái máy bay trong tay.

Chú Joseph kinh ngạc nhìn dữ liệu chiếu trên màn hình.

Bỗng chẳng hiểu sao mà mũi ông bắt đầu khô đi, cảm giác cay cay cuồn cuộn dâng lên. Lưỡi ông đảo quanh miệng, song chẳng thốt nổi một câu. Ông hít sâu một hơi rồi nói: “Tôi đi rót cốc nước.” Dứt lời, ông xoay người đi ra khỏi phòng, ai nấy đều nhìn ông.

Dưới ánh đèn nhập nhèm ngoài hành lang, bóng Joseph chợt trở nên tang thương và nặng trĩu. Ông từ tốn cất bước, uể oải và kiệt sức, đầu vai hơi run rẩy. Ông giơ tay lên, dụi mắt.

Phục Thành chăm chú dõi theo ông bước từng bước một đến phòng trà rồi mới dời mắt đi.

Phục Thành: “Trong bản báo cáo đưa ra lần trước, trong mục kiến nghị an toàn đã có đề nghị về việc giao tiếp giữa phi hành đoàn với nhau dài mấy trang giấy, cũng đã đề xuất có khả năng xuất hiện chướng ngại giao tiếp giữa hai phi công. Nhưng nhìn từ dữ liệu chuyến bay hiện nay, một phút sau khi lái, cơ phó Tim phát hiện mình không thể đạt tới kĩ thuật yêu cầu nên đã giao quyền kiểm soát cho cơ trưởng có kinh nghiệm dày dặn. Dùng một phút để nhận định sự thật này, vả lại còn thuận lợi chuyển giao quyền lái vào lúc này là rất hợp lí. Tôi đề nghị, trong bản báo cáo điều tra mới phải cân nhắc mục này thêm lần nữa.”

Trác Hoàn nhìn anh: “Ừ, đề nghị này rất hợp lí.”

Mọi người lại nhìn tiếp.

Sau khi cơ phó Tim tắt chế độ lái tự động, bật chế độ lái thủ công thì thế bay của cái máy bay này đã gặp vấn đề hết sức nghiêm trọng. Thời tiết ác liệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bay, Tim đã thử cứu vãn nhưng lại khiến tình huống càng tệ hơn. Kyle thay thế, song vẫn không chuyển sang chiều hướng tốt.

Cái máy bay này tăng tốc một cách điên cuồng, cuối cùng cắm đầu xuống biển.

Phần dữ liệu chuyến bay này nhìn thì bình thường nhưng lại là một án lệ tai nạn hàng không điển hình khi phi công không thể cứu được máy bay lúc bị ảnh hưởng bởi kiểu thời tiết rất đỗi bình thường. Thời tiết là nguyên nhân chủ yếu, kĩ thuật của phi công là nguyên nhân thứ yếu.

Song, ai nấy vẫn nghiên cứu mỗi một hạng dữ liệu rất lâu.

Lovince cầm lòng không đặng, mở lời đầu tiên: “Tại sao lại tăng tốc đâm xuống biển?”

Mọi người ngẩng đầu nhìn gã.

Lovince: “Tôi có thể hiểu, gặp phải thời tiết xấu và gió lớn đến thế, họ không kiểm soát được máy bay nên làm nó rơi xuống biển. Nhưng Tim thao tác sai, có khuyết điểm, kĩ thuật không đủ, chẳng những không thể cứu được máy bay mà còn làm máy bay tăng tốc lao xuống biển thì cũng thôi đi. Còn Kyle thì sao? Ông ta là cựu phi công Không quân Mỹ, lí lịch của ông ta vô cùng xuất sắc, kĩ thuật lái của ông ta cũng tương đối tuyệt vời. Tôi có thể hiểu cho việc ông ta không thể cứu được cái máy bay này, đằng nào cũng chỉ còn mỗi hai phút, độ cao của họ không đủ, còn cách mặt biển mỗi 5000 feet… Nhưng vì sao lúc ông ta lái máy bay vẫn tăng tốc?!”

(*5000 feet = 1524 m.)

Không phải tăng tốc bay lên, mà là tăng tốc lao xuống!

Cùng là một lỗi, tại sao cả hai phi công đều mắc phải?

Cơ phó trẻ tuổi không có kinh nghiệm quyết đoán sai, nhưng tại sao đến cả một cơ trưởng lão luyện và không có bất cứ khuyết điểm nhỏ nhặt nào cũng làm ra loại hành động ngu xuẩn này?

Trác Hoàn nhìn dữ liệu trên màn hình, ngón tay thon dài gõ nhẹ, mọi người cùng nhìn lên chỗ ngón tay hắn.

Đó là mười hai giây cuối cùng trước khi máy bay rơi, dường như lúc này cơ trưởng Kyle mới ý thức được mình đang tăng tốc lao xuống biển nên mới đưa ra quyết định chính xác, bắt đầu kéo đầu máy bay lên đặng cứu chiếc máy bay sắp rơi này. Nhưng đã muộn, máy bay điên cuồng lao xuống biển cả mênh mông với gia tốc lớn nhất.

“Không phải ông ta không muốn cứu vãn, mà là lúc ý thức được thì đã muộn màng.” Trác Hoàn ngẩng đầu nhìn các nhân viên điều tra trong phòng, biểu cảm bình tĩnh, ánh mắt lạnh tanh: “Vậy có câu hỏi được đặt ra là, tại sao ngay từ đầu, hai phi công chẳng nhận ra rằng quyết định của họ là sai, và rằng họ đang tăng tốc đâm xuống biển?”

Lúc chú Joseph quay lại văn phòng thì ai ai cũng đang dò xét một cách tỉ mỉ và chính xác đến cùng với 89 mục dữ liệu của máy bay.

Ông lắng nghe cuộc thảo luận trước đó, nghĩ đoạn bèn tìm Phục Thành.

Phục Thành đang ngồi trước máy tính nhìn đồ thị dữ liệu lái cuối cùng của cơ trưởng Kyle.

“Phục.”

Đột nhiên nghe tiếng của chú Joseph, Phục Thành chợt hoàn hồn, ngước mặt nhìn ông. “Chú về rồi, chú Joseph.”

Chú Joseph kéo cái ghế dựa ngồi xuống bên cạnh anh: “Chú đã nghe nói chuyện ban nãy. Đúng là rất kì lạ, Tim mắc lỗi thì chú có thể hiểu được, nhưng đây là Kyle Schulman. Lí lịch của cậu ta đúng là rất đỗi xuất sắc. Hồi chú từng ở Không quân đã nghe nói về cậu ta, cậu ta là một phi công Không quân khá ưu tú. Làm sao cậu ta mắc lỗi lái cấp thấp thế này được?”

Phục Thành im lặng: “Thật ra cháu có một suy nghĩ, chỉ là ban nãy chú chưa về. Cháu muốn thảo luận với chú rồi xác nhận sau.”

Chú Joseph sửng sốt: “Xem ra suy nghĩ của chúng ta chẳng bàn mà trùng. Chú cũng nghĩ đến một chuyện.”

Hai người nhìn nhau cười.

Chú Joseph: “Chi bằng hai chú cháu mình viết suy đoán của nhau ra để xem có cùng nghĩ đến một điều không?”

Phục Thành: “Vâng.”

Cả hai lần lượt gõ nguyên nhân mình phỏng đoán ra điện thoại, sau đó đồng thời đưa ra cho đối phương xem.

Trên điện thoại Phục Thành là “Ảo giác tiền đình ốc tai”.

(*Nguyên văn là 耳前庭幻觉 – Hiện nay chỉ thấy mỗi Rối loạn tiền đình ốc tai trên mạng, tra bên web Trung cũng không có nên để theo nghĩa từng từ…)

Còn trên điện thoại chú Joseph lại là…

Phục Thành ngẩn ra, lát sau mới mỉm cười: “Tăng tốc lao xuống biển… Ôi, chú suy nghĩ thấu đáo hơn cháu, cháu chưa nghĩ đến nước này.”

Chú Joseph cười phá lên: “Chú chỉ có kinh nghiệm phong phú hơn cháu, từng gặp án lệ tai nạn hàng không kiểu này rồi thôi.”

Thoáng cái, cả hai đã cùng nhau tìm được Trác Hoàn.

Trác Hoàn nhướn mày: “Hửm?”

Chú Joseph cười tủm tỉm: “Reid này, cháu nghe nói đến “Ảo giác Coriollis”(1) bao giờ chưa?”

Trác Hoàn ngớ người. Hắn chau mày, mắt lướt qua chú Joseph và Phục Thành.

“Ý của hai người là… Hai phi công mắc lỗi là bởi ảo giác tăng tốc Coriollis?”

Vừa dứt lời, bên kia, Tô Phi hào hứng gọi: “RIP, anh phải khen tôi ngay đi. Tôi chỉ mất một tiếng là đã tải xong dữ liệu ghi âm buồng lái rồi. Tôi giỏi vãi nồi!”

Sắc mặt ai nấy đều thay đổi.

Trác Hoàn đứng dậy: “Bật lên, nghe một lượt từ đầu đến cuối.”

Sự im lặng bủa vây trong thời gian dài, chỉ còn những âm thanh theo quy luật từ các thiết bị dụng cụ.

Bỗng, giọng của cơ trưởng Kyle cất lên. Ông ta không thốt ra câu gì đặc biệt, chỉ là liên lạc với Đài Kiểm soát, thông báo tình trạng lái của mình, đồng thời đặt câu hỏi.

“Đây là US Airways 4012. Hôm nay số máy bay làm nhiệm vụ ở sân bay có nhiều không. Hết.”

Sau khi nhận được lời đáp, ông ta tắt cổng máy liên lạc vô tuyến.

Buồng lái lại quay về trạng thái tĩnh lặng.

Một lúc lâu sau, giọng của cơ phó Tim đột ngột xuất hiện: “Cơ trưởng, ngài muốn hạ cánh sớm sao?”

Đợi mấy giây sau vẫn chẳng được đáp lại.

Giống như bị xối một chậu nước lạnh xuống đầu vậy, cơ phó Tim không nhắc lại nữa.

Cuối cùng cơ trưởng Kyle cũng trả lời, ông ta lạnh giọng khiển trách: “Lúc cất cánh đã trễ nửa tiếng. Làm một phi công, đảm bảo đúng giờ giấc cho hành khách và chở họ đến địa điểm đến một cách an toàn là tố chất cơ bản nhất.”

Im lặng một thoáng.

Cơ phó Tim: “Vâng, tôi biết rồi.”

Hai người không nói gì thêm, toàn bộ cuộc đối thoại được ghi lại trong dữ liệu chuyến bay.

Mãi đến phút thứ mười lăm, Kyle đề nghị với Đài Kiểm soát bày tỏ mong muốn hạ độ cao. Sau khi được cho phép, Tim lái máy bay, hạ độ cao xuống toan tránh khỏi luồng khí xoáy.

Nhưng vào năm phút cuối, mọi chuyện bỗng thay đổi.

Giọng nói lạnh lùng của cơ trưởng Kyle cất lên: “Chú ý gió giật ngang, đảm bảo trạng thái bay!”

“Rõ!”

Tiếng gió phần phật mãnh liệt dù cách trở qua sự sống và cái chết, dù cách trở qua hơn hai trăm ngày đêm cũng ùa về qua loa, chạm tới đáy lòng mỗi một nhân viên ở nơi đây. Cơn lốc cao tới 60 nút làm tất cả âm thanh trong buồng lái như bị ngăn cách bởi màn nước, vù vù chẳng nghe rõ.

“Chết tiệt, cậu đang làm gì thế!”

“Tôi xin lỗi, cơ trưởng, ngài hãy lái đi, tôi cảm thấy không đúng!”

Tinh, tiếng chuông báo cất lên, cơ trưởng Kyle nhận quyền lái.

“Khỉ thật! Như này là sao, đã xảy ra chuyện gì!”

“Cơ trưởng, không đúng, chắc chắn là không đúng. Tôi choáng quá, không biết chúng ta có gặp ảo giác không nữa.”

Trong màn đêm, trên biển rộng, thế giới như xoay vần, không thể nhìn rõ được cảnh vật. Mọi thứ đều mờ ảo, lí trí nói cho họ biết nhất định đã sai ở đâu đó, song giác quan lại lừa bọn họ, làm bọn họ không biết mình sai ở đâu.

Mãi đến hai mươi giây cuối cùng, cơ trưởng Kyle giận dữ gào lên: “Mẹ kiếp, chúng ta đang tăng tốc ư? Đi về hướng nào?!”

Máy bay lao thẳng xuống từ trên cao, giờ đã có thể nhìn thấy vùng biển rộng lấp lánh ánh nước.

Trên mặt biển, ánh trăng hắt thành quầng sáng mờ ảo.

Tim hoảng sợ thốt lên: “Chúc lên, chúc lên!”

“Không!”

“Không!!!”

Sầm, tất cả im bặt.

Tắt ghi âm chỉ còn tạp âm, Trác Hoàn nhìn Phục Thành và chú Joseph, đoạn nói với tất cả nhân viên điều tra có mặt: “Xem ra mọi chuyện đã rõ…”

“Ảo giác ngẫu lực(2) chéo.”

“Còn gọi là ảo giác tăng tốc Coriollis.”

Ảo giác tăng tốc Coriollis là một trong những ảo giác tiền đình ốc tai. Khi lái máy bay theo quy luật trong một thời gian dài, ống bán khuyên(3) trong lỗ tai trái của phi công đạt trạng thái cân bằng làm phi công tưởng rằng mình đang tăng tốc vững vàng. Lúc này, yếu tố bên ngoài đột nhiên thay đổi tác động lên anh ta sẽ khiến dịch trong ống bán khuyên tiết ra.

Nhoáng cái, thế giới thay đổi, ảo giác vô tận chiếm đoạt tất cả giác quan.

Nó bị xem là ảo giác tiền đình nguy hiểm nhất, bởi vì lúc nó xảy đến sẽ sinh ra mất cân bằng dữ dội khiến hệ thần kinh thực vật(4) phản ứng.

Bởi vậy, dù phi công có nhận thức được thì gần như không thể cứu vãn nổi.

*Tác giả: Ba chữ mà Phục Chanh Chanh nói ở chương trước ấy, các cô trong sáng quá đi! Vì sao cứ khăng khăng phải là ba chữ tương tự với “Tôi xin lỗi” khi phát âm bằng khẩu hình nào? Dù khẩu hình có chệch vãi cả linh hồn thì có bị đánh chết Chanh Chanh cứ không chịu thừa nhận “Làm sao, tôi nói tôi xin lỗi thôi mà” là được rồi mà?

Ha ha ha ha, thật ra trong một bình luận ở chương trước có bạn đã đoán đúng rồi đó.

Là một vịt con đoán đúng lời của Chanh Chanh~

Chương này không có cảnh tình cảm, có mỗi tình tiết hết sức “khoai”. Tôi đoán chắc các cô không muốn bình luận đâu. Hầy, thói đời ngày nay, các cô chỉ thích đọc truyện tình trai thôi!

*Dú: Chúc mừng bạn Yukari đã đoán đúng, khớp với bạn đoán đúng bên Tấn Giang luôn =))) Vì câu trong tiếng Trung là: 操我吗? Nên có thể hiểu là anh Thành hỏi lại câu đó “Chơi tôi ư?” hoặc khiêu khích “Chơi tôi không?”

Và một note to to là hãy đọc phân tích ở cuối chú thích này để hiểu hơn về nguyên nhân vụ tai nạn US Airways 4012.

*Chú thích: Chương này khó ở chỗ là không tra ra được đoạn cuối, thôi thì tổng kết những thứ có thể tra được và phân tích của tôi nhé.

(1) Hiệu ứng Coriollis: Hiệu ứng Coriolis là hiệu ứng xảy ra trong các hệ quy chiếu quay so với các hệ quy chiếu quán tính, được đặt theo tên của Gaspard-Gustave de Coriolis-nhà toán học, vật lý học người Pháp đã mô tả nó năm 1835 thông qua lý thuyết thủy triều của Pierre-Simon Laplace. Nó được thể hiện qua hiện tượng lệch quỹ đạo của những vật chuyển động trong hệ quy chiếu này.

Nếu một vật chuyển động dọc theo đường bán kính theo chiều rời xa trục quay của hệ quy chiếu thì sẽ chịu tác động của một lực theo phương vuông góc với bán kính và theo chiều ngược với chiều quay của hệ. Còn nếu vật chuyển động về phía trục quay thì lực sẽ tác động vào vật theo chiều quay của hệ quy chiếu. Điều này nghĩa là nếu vật được thả lăn tự do theo phương của bán kính, theo chiều ra phía ngoài, thì nó sẽ quành về ngược chiều quay của hệ quy chiếu. Còn nếu như vật được thả lăn tự do về phía trục thì sẽ ngược lại.

(2) Ngẫu lực: Hệ hai lực song song, ngược chiều, có độ lớn bằng nhau và cùng tác dụng vào một vật.

(3) Ống bán khuyên: Đại khái là các ống bán khuyên có tác dụng giữ thăng bằng và điều chỉnh về hướng chiều cho cơ thể. Khi ống bán khuyên thuộc tai trong mà bị tổn thương thì sẽ gây ra hiện tượng chóng mặt.

(4) Hệ thần kinh thực vật, hay còn được gọi là hệ thần kinh tự chủ. Đây là một bộ phận của hệ thần kinh ngoại vi, cung cấp cho cơ trơn và các tuyến, ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan nội tạng. Hệ thống này chịu sự chi phối của những bộ phận thần kinh hoạt động một cách tự động, hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của con người, như hoạt động thần kinh của loài thực vật. Ví dụ dễ hiểu nhất là khi ta ngủ say, hệ thần kinh thực vật vẫn làm việc chăm chỉ để tim đập, phổi hô hấp, dạ dày co bóp tiêu hóa, da tiết mồ hôi,…

Được rồi, quay về phần phân tích nhé.

Trước hết, các ống bán khuyên được sắp xếp theo 3 chiều khác nhau trong không gian, khi thay đổi tư thế thì các chất nội dịch trong ống sẽ chuyển động theo hướng ngược lại với động tác, nên người ta nhận biết được sự thay đổi đó và biết được vị trí của đỉnh đầu mình là ở đâu trong không gian. Và tiền đình xảy ra khi áp suất thay đổi. Khi lái trong một thời gian dài, áp suất ở tai trong bị thay đổi dẫn tới ống bán khuyên trong tai bị ảnh hưởng làm nội dịch cân bằng khiến hai phi công trên đang tăng tốc mà tưởng mình vẫn đang lái bình thường (Theo tôi hiểu thì bình thường khi tăng tốc, quán tính khiến người đổ về sau và đầu cũng ngả về sau). Lúc này, yếu tố bên ngoài tác động (gió lốc, hoặc áp suất khi hạ độ cao) làm ống bán khuyên tiết dịch gây ra tình trạng chóng mặt, choáng. Mà điều này kích thích cả hệ thần kinh thực vật, gây ra ảo giác cho hai phi công là mình vẫn đang điều khiển máy bay tốt, bởi vì hệ này vẫn làm việc độc lập dù cơ thể đã cảm giác choáng và chóng mặt rồi. Hai kích thích này song song với nhau, cũng là lí do có chữ “ngẫu lực” như chú thích (2).

Đoạn Coriollis thì tôi vẫn chưa dẫn về được, ngày xưa học cái này trong môn Đại dương học thì chỉ biết là nó làm thay đổi hướng gió trên Trái Đất thôi. Có thể nó đang nói đến việc thay đổi thời tiết trên biển liên quan đến Coriollis, tạo hướng gió lệch, thay đổi áp suất và dẫn tới ảo giác như trên?

Nếu ai có phân tích khác hoặc thấy phân tích này sai thì hãy bình luận nhé.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN