Vị Khách Lúc Nửa Đêm - Chương 56
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
51


Vị Khách Lúc Nửa Đêm


Chương 56


Như có thần giao cách cảm, Thịnh Thanh Nhượng ngẩng đầu lên, anh cũng trông thấy Tông Anh.

Một người đứng tại sắc trời tờ mờ, hứng trọn cơn mưa phùn, một người đứng trên ban công, sau lưng là căn phòng tối mờ.

Cách độ cao gần ba mươi mét, Thịnh Thanh Nhượng lấy di động ra khỏi cặp, cúi đầu gọi một cú điện thoại.

Điện thoại để bàn đột nhiên đổ chuông, Tông Anh trầm ngâm, rảo bước vào phòng nghe điện thoại, ngoài ban công chỉ còn rèm cửa đang dây dưa cùng mưa bão.

Tông Anh cầm điện thoại lên “a lô?” một tiếng.

Thịnh Thanh Nhượng ngẩng đầu nhìn ban công trống trơn, đáp: “Là tôi.”

Nghe thấy giọng nói quen thuộc, Tông Anh nói: “Tôi thấy anh rồi.”

“Tôi biết.” Anh nói, “Bên ngoài gió to, đừng để cảm lạnh.”

Tông Anh quay đầu nhìn ra ban công, gió ôm lấy rèm cửa khiêu vũ, quả thật cũng hơi lạnh, anh dùng phương thức như thế để bảo cô vào phòng.

Cô thôi không nhìn nữa, hỏi: “Sao anh lại về vào giờ này?”

Anh vào chung cư, xuyên qua hành lang vào thang máy, tín hiệu hơi bất ổn: “Tôi đến bệnh viện nhưng không gặp cô, vì vậy mới về nhà xem thế nào.”

Thang máy di chuyển lên trên, anh hỏi: “Mấy ngày không gặp, cô có khỏe không?”

Nhớ tới tối qua, Tông Anh nói thật: “Không khoẻ lắm.”

Dù hơi sốt ruột nhưng anh vẫn giữ giọng ổn định, hỏi: “Là trong người không khoẻ hay gặp chuyện gì?”

Tông Anh tránh nặng tìm nhẹ đáp: “Trong người vẫn khoẻ, mỗi ngày đều uống thuốc đúng giờ, nghỉ ngơi cũng xem như đầy đủ.” Cô ngập ngừng, hỏi ngược lại: “Anh sao rồi?”

Lúc này, trông Thịnh Thanh Nhượng không lấy gì làm ngăn nắp, quần áo ẩm, tóc cũng ướt, mưa bão không thể xua tan mùi bụi đất và mùi thuốc súng trên người anh.

Anh bước ra khỏi thang máy, nói: “Tôi cũng không ổn lắm, trông thấy tôi, cô đừng thấy quá thảm hại.” Nói xong, anh dừng bước trước cửa căn hộ, đưa tay gõ cửa: “Tôi đến rồi.”

Tông Anh cúp điện thoại, vội vàng ra cửa, đèn hành lang chiếu sáng lối vào, mở cửa, ánh đèn liền chiếu sáng khuôn mặt anh.

Thịnh Thanh Nhượng cúi đầu nhìn đồng hồ đeo tay, ngẩng đầu nói với cô: “Chúng ta còn một phút.”

Có thể làm gì trong một phút đây? Tông Anh không làm gì cả, chỉ nhìn chằm chằm áo khoác của anh không nhúc nhích.

Thịnh Thanh Nhượng cúi đầu nhìn kỹ quần áo của mình, nghi hoặc lại lúng túng hỏi: “Bộ dạng này của tôi… Làm cô sợ sao?”

Nhưng anh vừa dứt lời, Tông Anh chợt bước tới, cánh cửa sau lưng cũng khép lại, ngay sau đó tiếng khoá “cách” vang lên, cô nới lỏng nắm tay, bước lên phía trước nửa bước, duỗi tay ôm anh một cách tự nhiên.

Chóp mũi tựa lên hõm vai anh, Tông Anh ngửi được mùi thuốc súng ẩm ướt, nhiệt độ cơ thể lành lạnh truyền qua lớp áo sơ mi mỏng, có thể nghe thấy tiếng tim đập.

Mới đầu, vai Thịnh Thanh Nhượng căng cứng, sau đó, anh cũng duỗi một tay ra ôm lại đối phương, lý trí nhắc nhở anh chỉ còn “mười mấy giây”, nhưng lúc này anh không tài nào kiên quyết đẩy Tông Anh ra được.

Dường như Tông Anh cũng không bài xích việc trở lại thời đại kia.

Nơi này có người có ý đồ giết cô, họ sẽ nhanh chóng biết cô tiếp xúc với Tông Du, trước khi mọi chuyện lộ rõ chân tướng, trong tiềm thức, cô thậm chí hy vọng tạm thời tránh khỏi vòng xoáy này.

Đồng hồ chỉ 6 giờ đúng, trở lại 1937 là điều không thể tránh khỏi.

Trong hành lang tràn ngập mùi cháo, radio đang phát bản tin thời sự, âm thanh ngắt quãng, một thiếu phụ ngồi trước cửa, liếc qua thang máy, chợt đưa mắt về phía cửa nhà Thịnh Thanh Nhượng, bị hai bóng người đột nhiên xuất hiện làm sợ hết hồn, chị ta trợn mắt nhìn trời, ho nhẹ một tiếng, lập tức nghiêng đầu bảo con mình: “Vào nhà đi.”

Hai người đang ôm nhau nghe thấy tiếng nói, lúc này mới buông tay ra.

Tông Anh đứng một bên, Thịnh Thanh Nhượng lấy chìa khoá ra.

Một phút trước cô còn là người mở cửa, giờ phút này đến phiên anh mở cánh cửa này.

Bật đèn hành lang, ánh sáng mờ nhạt bao phủ đồ đạc trong nhà, sàn nhà vẫn như cũ, không khí có phần ngột ngạt, đại khái vì lâu không mở cửa sổ.

Thịnh Thanh Nhượng mời cô vào nhà, đóng kín cửa, đặt cặp tài liệu xuống, rảo bước đi về phía điện thoại bàn, nhấc ống nghe lên gọi một cú điện thoại.

Chờ thật lâu, điện thoại mới kết nối được.

Tông Anh ngồi lên ghế sô pha, nghe anh nói: “Đúng, tôi không sao.”, “về sau thuyền đi được không?”, “chỗ anh cả tôi sẽ nói”, “thuyền đến Trấn Giang thì liên lạc lại với tôi. Được, được, vất vả rồi, các anh hãy bảo trọng”.

Từ đầu đến cuối, trên mặt anh không hề có vẻ trút được gánh nặng, sau khi cúp điện thoại, anh vẫn im lặng nửa phút rồi lại gọi tiếp một cú điện thoại.

Có lẽ là gọi về nhà, người giúp việc nhanh chóng bắt máy, sau đó lại là chờ đợi.

Không đến một phút sau, anh nói: “Chị dâu cả.”

Không đợi anh nói, đầu dây bên kia, chị dâu cả khàn giọng nói: “Chuyện tối qua, họ đã nói với chị rồi. Bất kể thế nào, dẫu sao nhà máy đã di dời, không rơi vào tay người Nhật Bản, đã không dễ dàng.” Cô thở dài, lại nói: “Nghe giọng chú cũng mệt mỏi cực kỳ, việc thu xếp hậu quả bên nhà máy cứ để chị lo. Chú không cần bận tâm, hôm nay cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khoẻ, việc chuyển nhà đợi ngày mai chú tới dinh thự rồi bàn tiếp.”

Sau đó chị dâu cả cúp điện thoại, Thịnh Thanh Nhượng đặt ống nghe xuống, xoay người lại.

Tông Anh ngẩng đầu hỏi anh: “Hôm nay anh có kế hoạch gì không?”

Anh phá lệ đáp: “Không có kế hoạch gì.”

Từ trước tới nay, lúc nào cũng thấy anh bận rộn, trên tay có việc làm không xong, một ngày như hôm nay thật sự là lần đầu tiên.

Tông Anh quan sát vẻ mặt mệt mỏi của anh, đứng lên nói: “Tôi đi nấu chút đồ ăn, anh đi tắm đi.”

Cô đi thẳng vào bếp, mở chạn tìm đồ ăn nhanh lần trước cô mang đến. Thịnh Thanh Nhượng đứng sững trong phòng khách nhìn cô một lát, hoàn hồn rảo bước vào phòng tắm.

Tông Anh mở vòi nước nóng, nhưng không có giọt nào – xem ra đường ống nước nóng lại bãi công, Thịnh Thanh Nhượng chỉ có thể tắm nước lạnh.

Cô đun nước nấu mì, lại mở hai hộp cá đác, đưa tay kéo rèm cửa sổ ra non nửa, bên ngoài mặt trời vẫn mọc như thường lệ, trời sáng dần – hôm nay là ngày 1 tháng 10 năm 1937, đối với người dân Thượng Hải, hôm nay không liên quan gì đến “Quốc khánh” hay “kỳ nghỉ dài”, chỉ có tin trận địa tiền tuyến bị quân Nhật đột phá liên tục truyền đến khiến người ta càng thêm bất an.

Sau khi nấu mì xong, tiếng nước chảy trong phòng tắm vẫn chưa ngừng.

Tông Anh tắt bếp gas, cầm chìa khóa xuống lầu, định đi lấy sữa và báo buổi sáng.

Diệp tiên sinh vẫn ngồi ở quầy phục vụ, chỉ để lộ nửa cái đầu. Tóc ông không còn bóng lộn như thường ngày, hơi xơ xác, dường như có thêm vài sợi tóc bạc, trông có phần tiều tụy.

Tông Anh cầm báo, không trông thấy bình sữa, cô liền hỏi ông: “Bây giờ người ta không đưa sữa tươi nữa hả chú?”

Nghe vậy, Diệp tiên sinh đứng dậy, giọng nói không còn nhiệt tình xưa: “Nghe nói ngay cả bò sữa vùng ngoại thành đều sợ hãi chạy trốn! Nhà máy sữa đâu thể cung ứng sữa như ngày thường?” Ông thở ngắn than dài, lại nói: “Tông tiểu thư, có phải cô cũng sắp rời khỏi Thượng Hải không? Cô muốn đi cùng nhà họ Thịnh vào mạn trong à?”

Tông Anh ngẩng đầu lên, quay lại nhìn ông, hỏi ngược lại: “Vào mạn trong?”

Diệp tiên sinh nói: “Hôm qua ngũ tiểu thư nhà họ Thịnh đến chuyển đồ đạc đi, cô ấy nói nhà máy nhà họ Thịnh đã di dời vào mạn trong, vì thế người trong nhà cũng muốn chuyển tới đó, tôi nghĩ cô và Thịnh tiên sinh có quan hệ tốt như vậy, đại khái cũng sẽ đi cùng, hoá ra cô không đi à?”

Nghe ông nói xong, Tông Anh chỉ đáp qua loa: “Tôi không biết chuyện này, vì thế vẫn chưa xác định, tôi xin phép lên trước.”

Cô men theo cầu thang đi lên nhà, ánh mặt trời đầu thu ló qua cửa kính hẹp, trải lên nửa bậc thang.

Cô vừa đi vừa nghĩ, nhà họ Thịnh sắp rời khỏi Thượng Hải, vậy Thịnh Thanh Nhượng thì sao, anh cũng muốn đi cùng ư? Chuyện anh vừa đề cập trong điện thoại chính là chuyện di dời nhà máy nhà họ Thịnh sao?

Lên tầng cao nhất, cô bước chậm dần, lấy chìa khóa ra mở cửa, mùi mì thơm phức trong phòng đã nguội lạnh, tiếng nước chảy trong phòng tắm cũng ngừng, căn nhà yên tĩnh đến kinh ngạc.

Tông Anh cẩn thận đóng cửa lại, đi vài bước liền bắt gặp Thịnh Thanh Nhượng đang nằm nghiêng trên ghế sô pha.

Anh đã tắm sạch sẽ, thay bộ đồ ngủ mới, đầu tóc chưa khô hoàn toàn, nằm ngay tại sô pha ngủ.

Tông Anh bước đến bên anh, khom người định gọi anh dậy, nhưng cô gọi vài tiếng “Thịnh tiên sinh, ăn cơm thôi”, mí mắt Thịnh Thanh Nhượng vẫn nhắm nghiền, nhịp thở rất trầm.

Anh quá mệt mỏi, gánh nặng đè lên hàng mi, một tay siết thành nắm đấm đặt trước ngực, tay còn lại đặt trên ghế sô pha, vết thương trên mu bàn tay vẫn chưa khỏi hẳn.

Tông Anh không gọi nữa, cô đắp chăn cho anh, cầm khăn mặt vắt trên tay vịn, cẩn thận lau khô tóc cho anh, ngón tay vô tình chạm vào mặt anh, chợt thấy làn da anh rất lạnh.

Mặt trời lên cao, gió thu cũng mãnh liệt hơn.

Lúc này, trong dinh thự nhà họ Thịnh ở Tô Giới công cộng, cả nhà ngồi quanh bàn ăn, ngay cả bữa sáng cũng ăn không yên ổn.

Kể từ ngày di dời nhà máy, chị dâu cả liền báo cho người trong nhà quyết định rút lui khỏi Thượng Hải theo nhà máy. Và chính nó đã phá vỡ hòa bình ngắn ngủi mang tính hình tượng của gia đình này.

Vì chuyện chuyển chỗ ở, cả nhà tranh cãi không vui, ngoài chuyện tiền nong, cũng chỉ còn vấn đề đích đến.

Chị hai nhất quyết không đồng ý lùi vào mạn trong, chị ta nói: “Thượng Hải gặp nạn, chẳng lẽ mạn trong là vùng an toàn? Dù sao em sẽ không đi, em muốn dẫn A Huy đến Hồng Kông, em sẽ không để Thanh Huệ đi cùng anh chị đâu.”

Chị dâu cả cũng không gò ép: “Cô không muốn đi, chị cũng không ép, nhưng Thanh Huệ nhất định phải đi cùng anh chị. Suy cho cùng, con bé còn dẫn theo hai đứa bé, hai đứa đến Hồng Kông, chỉ e khó có sức chăm sóc chúng.”

Chị hai trợn trừng mắt: “Ai nói sẽ dẫn hai đứa bé kia đi cùng?! Thanh Huệ nhận nuôi chúng chẳng qua là nhất thời nổi hứng, anh chị lại coi là thật! Con bé dẫn theo hai đứa con nuôi, tương lai lập gia đình thế nào đây? Huống hồ hiện tại còn bé còn chưa học xong! Không học được ở các trường đại học ở Thượng Hải, con bé theo chúng em đến Hồng Kông học chẳng phải tốt nhất hay sao.”

Chị dâu cả đáp: “Chị đã sắp xếp xong xuôi, Thanh Huệ chuyển vào mạn trong, anh chị sẽ chăm sóc hai đứa bé, chú ba có thể giúp con bé liên hệ với trường, nó vẫn có thể đi học, tương lai muốn kết hôn vẫn có thể kết hôn.”

Đều vì lo cho cô em út, nhưng mỗi người mỗi ý.

Anh một câu tôi một câu, đối chọi gay gắt, cuối cùng ngay cả chị dâu cả cũng tức giận.

Từ nãy đến giờ vẫn vùi đầu ăn cơm, Thanh Huệ bỗng ngẩng phắt lên, nổi giận nói: “Các chị có thể đừng quyết định thay em được không? Em không đi đâu hết, em sẽ ở lại Thượng Hải, em chỉ muốn ở lại Thượng Hải!”

Nói xong, cô đặt mạnh đôi đũa xuống, đứng dậy vội vã lên lầu.

Phòng khách yên tĩnh trong chốc lát, lại lập tức dấy lên tranh chấp, chỉ là lúc này có sự gia nhập của chồng chị hai và anh cả.

Cánh đàn ông vùi đầu hút thuốc, trên bàn ăn tràn ngập mùi thuốc lá, nhất thời lấn át mùi thức ăn, trong phòng mịt mờ khói thuốc.

Chị dâu cả đứng dậy vuốt lại quần áo, nghiêm túc nói: “Bây giờ chị đến nhà máy giải quyết hậu quả, hy vọng trong nhà không cần tiếp tục sinh chuyện.”

Chị ra khỏi căn phòng mù mịt khói thuốc lá này, bảo chú Diêu lái xe đến nhà máy, cửa chính mở ra rồi đóng lại, tiếng xe hơi đi xa, hai người đàn ông trong phòng khách tục lục tản đi, bọn trẻ con cũng bị người giúp việc dẫn đi, chỉ còn chị hai ngồi trước bàn ăn.

Lúc này, bà vú rảo bước đi tới, nói với chị ta: “Tiểu thiếu gia A Huy vẫn không chịu ăn, phải làm sao bây giờ?”

Lần trước A Huy mắc bệnh dịch tả, mãi mới khỏi bệnh, trước mắt bệnh vừa khỏi, thân thể cực kỳ yếu ớt, đang là thời điểm cần bồi bổ, cậu bé không có hứng ăn, cả ngày nằm bệt trên giường, hỏi cũng chẳng nói mấy câu.

Khuôn mặt chị hai hiện rõ nét lo âu, chị ta khép khăn choàng, đứng dậy lên lầu.

Đến trước mặt con mình, chị ta mới rũ bỏ lớp vỏ ngoài đầy gai nhọn, nhìn khuôn mặt nhợt nhạt, xanh xao của cậu bé, chị ta vừa đau lòng vừa tự trách, cuối cùng cúi đầu dịu dàng hỏi A Huy: “Nói cho mẹ nghe, con muốn ăn gì?”

A Huy suy nghĩ, sau một hồi mới cúi đầu nói: “Con muốn ăn… Muốn ăn bánh ngọt.”

Chị hai đồng ý: “Được, mẹ lập tức đi mua cho con.”

Chị ta dặn bà vú bón cháo loãng cho A Huy, còn mình thì về phòng thay quần áo.

Mặc quần áo năm ngoái lên người, phần eo rõ ràng rộng thêm, soi mình trong gương, cằm nhọn, đầu tóc cũng một thời gian rồi chưa đi chăm sóc.

Chị ta thở dài, cầm ví da nhỏ đi xuống lầu, nói với người giúp việc: “Gọi chú Diêu đi lái xe.”

Người giúp việc trả lời chị ta: “Chú Diêu vừa lái xe đưa phu nhân đến nhà máy.”

Lúc này chị ta mới sực nhớ ra chị dâu cả vừa ra ngoài, đành nói: “Vậy giúp tôi gọi xe kéo tay.”

Người giúp việc nhanh chóng gọi cho chị ta một chiếc xe, gió thu xào xạc, cho dù có mặt trời chiếu sáng, thời tiết vẫn se lạnh, phu xe vẫn để tay trần ra sức kéo xe.

Đi thẳng đến đường Hà Phi, cửa hàng bánh nước ngoài mà A Huy thích nhất lại đóng cửa, chị hai xuống xe xác nhận mấy lần, cửa khoá ngoài, trong tủ kính trống trơn, xem ra đã ngừng buôn bán một thời gian.

Phu xe hỏi chị ta: “Phu nhân, chị muốn mua gì?”

Chị hai nhíu mày, mất kiên nhẫn trả lời: “Bánh ga tô.” Lại oán trách: “Có phải chiến khu đâu, đóng cửa ngừng buôn bán làm gì?!”

Phu xe liền nói: “Muốn mua bánh ngọt sao? Gần cầu Bãi Rác mới có cửa tiệm còn mở cửa đấy.”

Chị hai vừa nghe, vội vàng ngồi lên xe: “Mau đưa tôi đi!”

Xe kéo tay chở chị ta chạy băng băng trong gió thu, thi thể nổi lềnh phềnh trên sông Tô Châu, tiếng bom bên bờ Bắc thỉnh thoảng vang lên, Tô Giới tiếp giáp với chiến khu, ẩn giấu những cuộc xung đột lẻ tẻ.

Mặt trời di chuyển đến giữa bầu trời, lại thong thả ngả về phía Tây, vài tiếng ve kêu còn sót lại trong dinh thự nhà họ Thịnh mệt mỏi nghỉ ngơi, những người ngủ trưa đã tỉnh từ lâu, đám trẻ con chơi trốn tìm trong vườn hoa, Thanh Huệ ngồi trong phòng khách đọc sách, nghe người giúp việc thì thầm liên miên “nhị tiểu thư đi mua bánh ga tô thôi, sao đến giờ vẫn chưa về”.

Cô nghe mà phiền lòng, đặt sách xuống, đồng hồ để bàn trong phòng khách đổ năm hồi chuông.

Thanh Huệ đứng dậy, ra vườn hoa gọi lũ trẻ về, đợi chúng đều lên gác hết, cô đứng một mình trước cửa, đi thong thả một lát, suy nghĩ hồi lâu, rảo bước vào nhà gọi điện thoại.

“Reng reng… reng reng…” tiếng điện thoại chợt vang lên, Tông Anh ngồi ở bàn ăn xem sách cũ bỗng nhiên đứng lên, theo bản năng nhận điện thoại.

“A lô?” Đầu dây bên kia vang lên giọng nói vội vàng của Thanh Huệ.

“Thanh Huệ?” Tông Anh hỏi lại rồi đáp: “Là tôi đây.”

“Tông tiểu thư! Anh ba em đâu ạ?”

Tông Anh vừa nói “Anh ba cô đang ngủ, có chuyện gì vậy?”, đã có người từ phía sau đưa tay đón lấy ống nghe.

Thịnh Thanh Nhượng cao hơn Tông Anh nửa cái đầu, Tông Anh kinh ngạc nghiêng người, tầm mắt vừa tới cằm anh, chỉ thấy yết hầu anh nhẹ nhàng hoạt động, giọng nói dường như xuyên thấu qua làn da mỏng nơi cổ: “Được, anh biết rồi, anh sẽ gọi ngay cho phòng tuần bộ.”

Lời tác giả:

– Thịnh tiên sinh: Tôi ngủ đẫy giấc rồi.

Editor:

– Ảnh về đường Hà Phi (tên tiếng Pháp: Avenue Joffree) năm 1937:

+ đặc biệt là trên con phố này cũng có cửa hàng bánh ngoại

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN