Vụ Án Bí Ẩn Ở Styles (Thảm Kịch Ở Styles) - Chương 4: Poirot mở cuộc điều tra
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
158


Vụ Án Bí Ẩn Ở Styles (Thảm Kịch Ở Styles)


Chương 4: Poirot mở cuộc điều tra


Căn nhà của những người Bỉ nằm rất gần tường rào của khuôn viên. Người ta có thể đến đó bằng một con đường nhỏ xuyên qua cỏ cao, điều đó có thể tránh cho người ta khỏi phải đi vòng lối đường cái. Do đó khi tôi dùng con đường này và đến chỗ người gác dan ở thì trông thấy một bóng đàn ông lao về phía tôi. Đó là ông Inglethorp. Ông ta từ đâu đến? Ông ta sẽ làm thế nào để giải thích được sự vắng mặt của mình?

Ông ta vội nói ngay:

– Chúa ơi! Một việc khủng khiếp biết bao! Bà vợ đáng thương của tôi! Tôi chỉ vừa mới biết tin thôi!

– Ông đi đâu vậy? – Tôi lạnh lùng hỏi.

– Denby đã giữ tôi ở lại rất khuya. Khi chúng tôi tính toán xong, thì đã hơn một giờ sáng rồi. Lúc đó tôi chợt nhận ra rằng mình đã bỏ quên chìa khóa. Do tôi không muốn đánh thức cả nhà dậy nên Denby đã cho tôi mượn một chiếc giường.

– Làm thế nào mà ông biết được tin? – Tôi hỏi tiếp.

– Wilkins đã đánh thức Denby để báo tin. Emily đáng thương của tôi! Với tính tình cao quý biết mấy!

Một nỗi ghê tởm mơ hồ xâm chiếm lấy tôi. Inglethorp hiện ra trước mắt tôi như một tên giả dối quá mức.

Một lúc sau, tôi gõ cửa biệt thự Leastways. Không thấy ai trả lời, tôi nóng nảy lập lại cử chỉ đó. Một cánh cửa sổ được cẩn thận đẩy ra và đích thân Poirot thò đầu nhìn xuống đường. Ông ta kêu lên kinh ngạc khi nhận ra tôi. Tôi kể vắn tắt tấn thảm kịch cho tôi nghe và bảo rằng tôi đến yêu cầu sự giúp đỡ của ông.

– Khoan đã, anh bạn ạ, tôi sẽ mở cửa cho anh vào và anh sẽ kể hết đầu đuôi câu chuyện trong khi tôi sửa soạn.

Ông mở cửa ngay và tôi theo ông đến tận phòng ngủ. Ở đó, ngồi vào một chiếc ghế bành, tôi kể hết mọi chuyện cho ông nghe, không giấu diếm và cũng chẳng bỏ sót điều gì cả, trong khi ông sửa soạn một cách tỉ mỉ.

Tôi cho ông biết về những lời nói cuối cùng của bà Inglethorp, về sự vắng mặt của chồng bà ta, về trận cãi vã hôm trước, về mẩu đối thoại mà tôi đã nghe thấy giữa Mary và mẹ chồng, về sự bất hòa giữa bà Inglethorp và Evelyn Howrad trước đó và về những lời dặn dò của cô này.

Tôi đã không được hoàn toàn rõ ràng như mong muốn. Tôi phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và thỉnh thoảng phải gợi nhớ lại một chi tiết bị bỏ quên. Poirot mỉm cười đầy hảo ý với tôi.

– Anh hơi xúc động phải không? Tự nhiên thôi. Nhưng hãy từ từ, anh bạn ạ. Sau này, khi chúng ta bình tĩnh hơn, chúng ta sẽ sắp xếp lại các sự kiện một cách có hệ thống, cái nào vào chỗ nấy. Chúng ta sẽ xem xét và chọn lựa. Chúng ta sẽ để sang một bên cái nào mà chúng ta cho là quan trọng. Còn những cái khác thì… phù! (ông gồng gương mặt trẻ con của mình lên và thổi một cách khá nực cười), chúng ta sẽ cho chúng bay mất.

– Tất cả những thứ đó thật hay – tôi bảo – nhưng ông làm sao phân biệt được cái nào là quan trọng và cái nào là không chứ? Việc đó đối với tôi luôn luôn rất khó.

Poirot lắc đầu mạnh mẽ. Ông xoắn bộ râu của mình với một sự chăm chút lão luyện.

– Không đâu, này nhé. Một sự kiện này dẫn đến một sự kiện khác, và chúng cứ tiếp tục như thế. Cái kế tiếp có phù hợp với cái trước không? Một cách tuyệt vời. Được rồi! Chúng ta có thể tiếp tục. Thiếu một mắc xích trong sợi dây ư? Chúng ta sẽ xem xét. Chúng ta sẽ tìm hiểu về cái sự kiện nhỏ bé kia, cái sự kiện vô nghĩa có vẻ như không phù hợp với những cái khác; chúng ta sẽ đặt đây này.

Ông phác một cửa chỉ.

– Quan trọng lắm đấy! Tiên quyết đấy!

– Vâng… vâng!…

– À!

Poirot chỉ tay đe dọa tôi mạnh mẽ đến nỗi tôi phải lùi lại.

– Hãy coi chừng! Người thám tử mà nói: “Đó là một sự kiện nhỏ không chút quan trọng. Nó không phù hợp với những cái khác, tôi sẽ quên nói đi” thì sẽ nguy hiểm lắm đấy. Sự hờ hững đó đưa đến sự hoang mang. Bởi vì tất cả, tất cả đều có tầm quan trọng của nó.

– Tôi biết điều đó. Ông vẫn bảo với tôi như thế. Bởi vậy tôi đã ghi lại tất cả những chi tiết của vụ này, dù cho chúng có quan trọng hay không đi nữa dưới mắt tôi.

– Và tôi rất hài lòng về anh. Anh có trí nhớ tốt và đã liệt kê cho tôi một cách trung thực. Tôi không nói như thế về thứ tự theo đó anh đã giới thiệu chúng cho tôi, bởi vì thật là đáng phàn nàn. Nhưng tôi hiểu rằng anh đang bị xúc động. Bởi thế tôi tha thứ cho anh vì đã quên mất một sự kiện quan trọng bậc nhất.

– Sự kiện nào? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

– Anh đã không cho tôi biết bà Inglethorp tối qua ăn có ngon miệng không?

Tôi nhìn ông chằm chặp, kinh ngạc. Quả là chiến tranh đã làm cho đầu óc ông bị lệch lạc. Ông đang mải mê cẩn thận chải bộ vét trước khi mặc vào người và tỏ ra hoàn toàn chăm chú vào việc đó.

– Tôi không nhớ rõ nữa – tôi đáp – Dù sao đi nữa, tôi không thấy…

– Ông không thấy ư? Nhưng nó là cốt yếu đấy!

– Tôi không hiểu – tôi đáp, hơi bị xúc phạm. Nhưng, nếu ký ức tôi chính xác thì bà ấy chả ăn bao nhiêu. Rõ ràng là bà ta rất rối trí và không thấy ngon miệng. Tự nhiên thôi.

– Phải – Poirot nhắc lại, trầm tư – Rất tự nhiên.

Ông mở một ngăn kéo, lấy chiếc ví và quay sang tôi.

– Đây này, tôi đã sẵn sàng. Chúng ta sẽ đến lâu đài để xem xét sự việc ngay tại chỗ. Hãy tha thứ cho tôi, anh bạn ạ, nhưng anh đã mặc đồ vội vã và chiếc cà-vạt của anh bị xộc xệch. Cho phép tôi.

Bằng một cử chỉ chính xác, ông sửa lại.

– Nào, ta hãy đi thôi.

Chúng tôi đi vòng qua ngôi nhà và đi ngang qua nhà người gác da, bước vào khuôn viên. Poirot ngừng lại một lát vẻ đau đớn nhìn ngắm khu vườn trải rộng còn đang lấp lánh dưới sương sớm.

– Tất cả những thứ này đẹp biết mấy, thế mà gia đình ấy lại phải chìm trong đau khổ.

Vừa nói ông vừa nhìn tôi dò xét, và tôi nhận ra mình đang đỏ mặt dưới cái nhìn sắc của ông.

* * *Gia đình có thật sự bị quỵ xuống vì đau thương không? Nỗi đau do cái chết của bà Inglethorp gây nên có thật sự to lớn không? Tôi nhận ra không khí ở Styles dường như chả có vẻ gì là bị nhuốm đầy xúc động cả. Người chết đã không có khả năng làm cho mình được yêu mến. Cái chết của bà là một tai họa và một cú sốc lớn, nhưng không ai nuối tiếc bà nhiều lắm.

Poirot có vẻ như đang theo dõi dòng suy nghĩ của tôi. Ông trịnh trọng gật đầu bảo:

– Không giống như nếu họ có quan hệ máu mủ với nhau vậy. Bà ta đã tỏ ra rất tốt bụng và rộng lượng đối với những người thuộc dòng họ Cavendish ấy, nhưng lại không phải là máu ruột của họ. Máu mủ cũng quan trọng đấy, hãy nhớ lấy điều này, máu mủ cũng quan trọng đấy.

– Poirot, ông không cho tôi biết, tại sao ông muốn biết bà Inglethorp tối qua có ăn nhiều hay không? Tôi đã lật đi lật lại cái ý nghĩ đó trong đầu mãi mà chả thấy nó liên quan gì đến việc này cả.

Ông im lặng một lúc trong khi chúng tôi vẫn bước đi, nhưng cuối cùng ông cũng trả lời tôi.

– Tôi rất muốn cho anh biết, mặc dù tôi không có thói quen, như anh biết đó, đưa ra bất cứ lời giải thích nào trước khi đạt đến đích. Giả thuyết hiện nay là bà Inglethorp chết do ngộ độc bởi chất Strichnin được bỏ vào cà-phê của bà ta.

– Vâng…

– Thế thì, cà-phê được phục vụ vào giờ nào?

– Khoảng tám giờ tối.

– Vậy thì bà ta đã uống vào giữa tám giờ và tám giờ ba mươi. Chắc chắn rằng không lâu hơn sau đó. Thế nhưng Strychnin là một độc dược có tác động khá nhanh, có lẽ là một tiếng đồng hồ sau. Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Inglethorp, những triệu chứng chỉ bộc lộ ra vào lúc năm giờ sáng hôm sau, nghĩa là chín tiếng đồng hồ sau. Thế nhưng, một bữa ăn thịnh soạn hấp thụ cùng lúc với độc dược có thể làm chậm công hiệu của nó đi, nhưng không lâu đến như thế. Tuy vậy, đó cũng là một khả năng đáng lưu ý đến. Thế mà, theo anh thì bà ta ăn khá ít, nhưng triệu chứng vẫn chỉ xuất hiện vào sáng hôm sau. Đó là một trường hợp khá lạ lùng, anh bạn ạ. Có thể cuộc khám nghiệm sẽ soi sáng cho chúng ta thêm. Trong lúc chờ đợi, đừng quên chi tiết đó.

Khi chúng tôi đến gần ngôi nhà, John bước ra đón chúng tôi. Gương mặt anh trông thất thần và mệt mỏi.

– Đây là một việc thật khủng khiếp, ông Poirot ạ – anh nói – Hastings có lẽ đã cho ông biết, chúng tôi không muốn tiết lộ nó ra ngoài.

– Tôi hoàn toàn hiểu ý ông.

– Ông thấy đấy, cho đến nay chỉ là sự nghi ngờ thôi. Chúng ta không có những đầu đề chính xác.

– Đúng vậy. Chỉ cần thận trọng thôi.

John quay sang tôi, anh lấy một điếu thuốc trong hộp thuốc và châm lửa.

– Anh biết rằng Inglethorp đã quay về rồi chứ?

– Vâng. Tôi đã gặp hắn.

John vứt cây diêm vào một luống hoa gần đó, cử chỉ này làm cho Poirot, vốn rất ngăn nắp, phải bực bội. Ông nhặt nó lên và cẩn thận vùi sâu xuống đất.

– Quả thật rất khó mà biết phải đối xử với hắn ra sao.

– Sự khó khăn đó không kéo dài lâu đâu – Poirot thản nhiên tuyên bố.

John tỏ ra băn khoăn, vì anh không hiểu rõ ý nghĩa của câu nói tối nghĩa ấy. Anh trao cho tôi hai chiếc chìa khóa mà bác sĩ Bauerstein đã đưa cho anh.

– Hãy cho ông Poirot xem tất cả những gì ông ấy muốn xem.

– Các căn phòng đều được khóa trái cửa hết sao? – Poirot hỏi.

– Bác sĩ Bauerstein đã cho rằng điều đó là tốt hơn hết.

Poirot gật đầu, trầm ngâm.

– Thế thì ông ta phải chắc chắc lắm với sự đánh giá của mình. Điều này chỉ làm cho mọi việc đơn giản hơn đối với chúng ta thôi. Chúng tôi cùng lên trên phòng nơi xảy ra thảm kịch. Để tiện hơn nữa, tôi thêm vào đây sơ đồ của căn phòng đó với những đồ đạc chính có ở đấy.

Phòng ngủ của bà Inglethorp: A: cửa ăn thông ra hành lang

B: cửa ăn thông sang phòng ông Inglethorp

C: cửa ăn thông sang phòng Cynthia Murdoch.

Poirot khóa cửa lại từ bên trong và bắt đầu lục soát tỉ mỉ. Ông chạy từ vật này sang vật khác với sự nhanh nhẹn của một con dế. Tôi đứng gần cửa, sợ làm mất đi một dấu vết nào đó. Nhưng Poirot có vẻ như không mấy tán thành sự tế nhịn này của tôi.

– Anh sao thế, anh bạn? Đứng như thế cứ như, nói sao đây, à, phải rồi, cứ như một con heo nhồi rơm vậy.

Tôi bảo với ông rằng tôi sợ xóa mất dấu chân nào đó.

– Những dấu chân! Ý nghĩ hay thật. Đã có đến cả một đạo quân dẫn vào phòng này rồi. Chúng ta có thể tìm thấy những dấu chân nào đây? Không, hãy đến đây giúp tôi trong việc tìm kiếm. Tôi sẽ đem cất chiếc ví nhỏ của mình đi cho đến khi nào lại cần đến nó.

Ông đặt nó lên chiếc bàn tròn kê gần cửa sổ, nhưng đó chỉ là một cử chỉ vô ý, vì phần trên của chiếc bàn có thể xê dịch được, ông đứng lên và chiếc ví rơi xuống sàn nhà.

– Quả là một chiếc bàn kỳ cục! – Poirot kêu lên – À! Anh thấy đấy, không phải những ngôi nhà lớn là có nhiều tiện nghi nhất đâu.

Và sau câu nói luân lý khôi hài đó, ông tiếp tục công việc của mình.

Một chiếc rương nhỏ màu tím với chiếc chìa khóa cắm trong ổ khóa, đặt trên bàn giấy, khiến ông chú ý một lúc. Ông rút chìa khóa ra và đưa tôi xem. Tôi không thấy gì là đặc biệt cả. Đó là một chiếc chìa khóa bình thường, thuộc loại Yale và có một đoạn dây thép cong queo được xỏ qua chiếc vòng.

Sau đó ông quan sát cánh cửa mà chúng tôi đã phá để tin chắc rằng nó có bị khóa thật hay không. Rồi ông tiến đến bên cánh cửa đối diện, ăn thông sang phòng của Cynthia. Như tôi đã kể, cánh cửa đó cũng được cài then. Tuy vậy, ông cũng cất công đẩy chốt, mở và đóng cửa nhiều lần liên tục; khi làm việc này, ông tìm đủ mọi cách để khỏi gây tiếng động. Bất thình lình, có cái gì đó ngay trong ổ khóa làm ông chú ý. Sau một cuộc kiểm tra nghiêm túc, ông lấy từ chiếc túi đựng đồ nghề của mình ra một chiếc kẹp và gắp từ ổ khóa ra một mảnh nhỏ xíu mà ông cẩn thận nhét vào một chiếc phong bì nhỏ…

Trên chiếc tủ ngăn, trong chiếc khay, có cái bếp cồn và cái xoong. Trong đáy xoong còn lại một ít chất lỏng đen đen. Ngay gần đó là chiếc tách và cái đĩa nhỏ mà, tất nhiên là, người ta đã dùng đến.

Tôi tự hỏi làm sao mình lại có thể lơ đãng đến độ không chú ý đến chúng. Đó là một dấu vết quan trọng. Poirot thận trọng nhúng một ngón tay vào chất lỏng và nếm. Ông nhăn mặt.

– Ca-cao pha với rượu rum.

Sau đó ông quay sang những mảnh vụn vương vãi trên sàn nhà, chỗ chiếc bàn đặt cạnh giường bị lật đổ. Một chiếc đèn để bàn, vài cuốn sách, vài cây diêm quẹt, một xâu chìa khóa và những mảnh vỡ của một chiếc tách cà-phê còn vương vãi đây đó.

– À! Điều này lạ lùng đây! – Poirot nói.

– Tôi phải thú nhận rằng tôi không thấy điều gì đặc biệt lạ cả.

– Thật ư? Hãy nhìn chiếc đèn kia. Kính bị vỡ làm hai mảnh nằm ngay chỗ nó rơi xuống. Nhưng hãy coi đây, chiếc tách cà-phê thì lại hoàn toàn vỡ nát.

– Như thế có lẽ có ai đó đã đạp lên nó rồi.

– Đúng vậy – Poirot nói bằng giọng lạ lùng – Có ai đó đã đạp lên nó.

Ông đứng lên và từ từ tiến đến bên lò sưởi, ở đó ông hờ hững nghịch những vật trưng bày và sắp đặt chúng lại cho ngăn nắp, thói quen của ông khi bị bối rối.

– Anh bạn ạ – ông quay sang tôi nói – Có ai đó đã dẫm lên chiếc tách này và đã làm vỡ tan nó ra vì một trong hai lẽ sau đây: hoặc là vì nó có chứa chất Strychnin, hoặc là; và điều này nghiêm trọng hơn nhiều; vì nó không hề chứa chất đó.

Tôi không trả lời ông. Tôi sửng sốt, nhưng tôi biết thật là vô ích khi đòi ông giải thích. Một lúc sau, ông lấy lại bình tĩnh và tiếp tục tìm kiếm. Ông nhặt xâu chìa khóa ở dưới đất lên và, xoay tới xoay lui trong tay, cuối cùng ông chọn lấy một chiếc mới toanh và thử vào ổ khóa của chiếc rương nhỏ màu tím. Nó vừa khít và ông mở chiếc rương ra, nhưng sau một lúc do dự, ông khóa nó lại và đút xâu chìa khóa cùng chiếc chìa khóa mà chúng tôi đã tìm thấy cắm ở ổ khóa chiếc rương vào túi.

– Tôi không được phép đọc những văn kiện này nhưng cũng cần phải làm điều đó không chút chậm trễ.

Sau đó ông xem xét các ngăn kéo của chiếc bàn kê cạnh giường. Khi băng qua phòng để đến bên cửa sổ phía bên trái, một vệt tròn, gần như không thể trông thấy được trên tấm thảm màu nâu sẫm có vẻ như làm ông đặc biệt chú ý. Ông quỳ xuống xem thật gần và còn ngửi nữa.

Cuối cùng ông rót vài giọt ca-cao vào một ống nghiệm và đậy nắp cẩn thận. Rồi ông rút từ túi áo ra một cuốn sổ.

– Trong phòng này chúng ta đã phát hiện được sáu điều lý thú – ông vừa viết nhanh vừa bảo – Anh có muốn tôi liệt kê chúng ra, hay anh muốn tự làm?

– Ồ! Ông cứ nói đi – Tôi vội đáp.

– Được lắm. Trước nhất là: một chiếc tách cà-phê bị đạp vỡ nát. Thứ hai: một chiếc rương nhỏ với chiếc chìa khóa cắm ở ổ khóa. Thứ ba: một vết dơ trên tấm thảm…

– Có thể nó đã có ở đó từ lâu rồi – tôi cắt ngang.

– Không đâu, vì rõ ràng là nó còn ẩm và có mùi cà-phê. Thứ tư: một mảnh vải màu lục đậm, một hoặc hai sợi thôi, nhưng rất dễ nhận.

– Ồ! – Tôi kêu lên – Đó chính là cái mà ông đã cất vào chiếc phong bì ư?

– Phải. Có thể chúng ta sẽ khám phá ra đó chỉ là chiếc áo của bà Inglethorp mà thôi, và dấu vết này sẽ không mấy quan trọng. Hãy đợi xem. Thứ năm: cái này đây!

Và bằng một cử chỉ đầy kịch tính, ông chỉ vết sáp trên tấm thảm gần chiếc bàn giấy.

– Vết này mới có từ hôm qua thôi, nếu không thì bất cứ một cô hầu phòng giỏi giang nào cũng đã xóa đi ngay với một tờ giấy thấm và một chiếc bàn ủi nóng. Một hôm, một trong những chiếc nón tốt nhất của tôi… nhưng bỏ qua đi thôi, việc đó không dính dáng gì đến vụ này cả.

– Vết sáp này có lẽ có từ tối hôm qua. Chúng tôi đều rất xúc động. Hoặc giả chính bà Inglethorp đã đánh rơi cây nến.

– Quý vị đã đem theo một cây nến vào phòng ư?

– Vâng, Laurence Cavendish cầm một cây trên tay. Nhưng anh ta rất hoảng loạn. Hình như anh ta đã trông thấy cái gì đó ở đằng kia (tôi đưa tay chỉ chiếc lò sưởi) làm cho anh ta hoàn toàn bị tê liệt.

– Điều đó đáng quan tâm đấy – Poirot sôi nổi nói – Phải, nó có thể có ý nghĩa (và cái nhìn của ông bao trùm diện tích của cả bức tường) nhưng, không phải cây nến của anh ta đã làm nên cái vệt lớn này đâu, bởi vì anh có thể nhận thấy rằng ở đây là sáp trắng. Còn cây nến của ông Laurence, còn đặt trên bàn phấn, thì lại màu hồng. Hơn nữa, bà Inglethorp không có cây cắm nến trong phòng, mà chỉ có một cái đèn để bàn thôi.

– Ông suy ra điều gì thế?

Nhưng ông bạn tôi chỉ đưa ra một câu trả lời dễ chọc giận, ông ấy xin tôi hãy dùng đến những năng khiếu tự nhiên của mình.

– Còn điều khám phá thứ sáu? – Tôi hỏi – Đó là theo như tôi phỏng đoán, mẩu chất ca-cao chứ gì?

– Không – Poirot trầm ngâm đáp – Tôi có thể gom nó vào điều thứ sáu, nhưng tôi đã không làm. Không, tôi sẽ giữ khám phá thứ sáu cho riêng mình, ít ra là trong lúc này.

Ông vội nhìn quanh phòng.

– Tôi cho rằng không còn gì để làm ở đây nữa, trừ phi (ông nhìn đám tro tàn trong lò sưởi một hồi lâu). Lúa cháy, cháy… và thiêu hủy… Nhưng có thể, vô tình, còn sót lại cái gì đó. Hãy cứ xem nào.

Nhanh nhẹn, ông quỳ xuống và lục lọi trong đống tro, lôi chúng từ lò sưởi ra bằng cái chắn lửa, cẩn thận bới chúng lên. Bỗng ông bật kêu lên:

– Chiếc kẹp, Hastings ạ!

Tôi vội trao nó cho ông ngay và ông khéo léo moi ra một mảnh giấy nhỏ bị cháy mất phân nửa.

– Đây này, anh bạn ạ. Anh nghĩ gì về cái này?Tôi quan sát mảnh giấy. Đây là một bức họa lại thật chính xác. Tính hiếu kỳ của tôi bị khơi dậy. Tờ giấy dày và khác hẳn giấy viết thư bình thường. Bất ngờ tôi nảy ra một ý nghĩ.

– Poirot – tôi kêu lên – Đây là một mảnh của một bức di chúc.

Đúng thế.

– Điều đó không làm ông ngạc nhiên sao?

– Không – ông trịnh trọng nói – Tôi đã chờ đợi điều đó.

Tôi trao lại cho ông mảnh giấy, ông cất nó vào ví với sự chăm chút vối có của ông đối với mọi thứ. Đầu óc tôi bị cuốn hút vào một cơn gió lốc. Tờ di chúc đó có ý nghĩa gì? Ai đã thiêu hủy nó? Tất nhiên là người đã để lại vệt sáp trên tấm thảm rồi. Nhưng người đó làm thế nào để đột nhập vào phòng khi mà mọi cánh cửa đều cái then từ bên trong.

– Bây giờ, anh bạn ạ – Poirot hăng hái bảo – chúng ta sẽ rút lui. Tôi muốn đặt vài câu hỏi với bà hầu phòng… Bà ta tên là Dorcas phải không?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN