Vụ Án Bí Ẩn Ở Styles (Thảm Kịch Ở Styles) - Chương 8: Buổi hỏi cung
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
139


Vụ Án Bí Ẩn Ở Styles (Thảm Kịch Ở Styles)


Chương 8: Buổi hỏi cung


Trong thời gian trước buổi hỏi cung, Poirot hoạt động không ngừng. Ông đóng của trao đổi với ông Wells hai lần. Ông cũng đi dạo rất lâu ngoài đồng. Tôi hơi mích lòng vì ông không kể cho tôi nghe, hơn nữa tôi lại không tài nào đoán được ý định của ông.

Tôi cho rằng có lẽ ông đã đi điều tra ở phía nông trại của gia đình Raikes. Hôm thư tư ông đi vắng khi tôi ghé biệt thự Leastways. Tôi liền băng ruộng đến nông trại, hy vọng sẽ tìm thấy ông. Nhưng tôi không thấy dấu vết của ông đâu cả, và tôi ngần ngại không dám đến tận nông trại. Tôi vừa quay gót thì đụng phải một ông nông dân già đang nhìn tôi với ánh mắt tinh ranh.

– Ông từ Court đến phải không? – Ông lão hỏi tôi.

– Vâng. Tôi tìm một người bạn mà tôi cho rằng đang ở đây.

– À! Một người đàn ông nhỏ nhắc hay quơ tay khi nói, phải không? Một người Bỉ trong làng, chứ gì?

– Vâng – tôi vội nói – Thế nào, ông ta có đến đây chứ.

– Ồ! Chắc chắn là có đến rồi! Và hơn một lần nữa là khác. Ông ấy là bạn ông hả? Ồ! Quý ông ở Court quả là buồn cười dđấy.

– Thế ra quý ông ở Court hay lảng vảng ở đây sao? – Tôi giả vờ vô tình hỏi.

Ông lão nháy mắt.

– Dù sao thì cũng có một ông. Nhưng tôi không nói lên đâu. Đó là một người đàn ông quý phái và rộng lượng.

Tôi vội quay về làng. Evelyn Howard đã nói đúng và tôi cảm thấy ghê tởm khi nghĩ rằng Alfred Inglethorp đã làm phước với tiền của vợ. Nguyên nhân của tấn thảm kịch, đó có phải là gương mặt di-gan của bà chủ nông trại hay không, hay là tiền? Có lẽ đó là sự kết hợp khôn khéo của cả hai.

Khi tôi gặp Poirot, trông ông như bị ám ảnh bởi một điều gì đó lạ lùng. Một hoặc hai lần, ông bảo với tôi rằng có lẽ Dorcas đã lầm khi xác định giờ giấc cuộc cãi vã. Ông cho rằng bà ta đã nghe thấy tiếng cãi vã vào lúc mười sáu giờ ba mươi chứ không phải vào lúc mười bốn giờ.

Nhưng Dorcas vẫn một mực quả quyết. Ít ra là đã một tiếng đồng hồ hay hơn nữa đã trôi qua từ lúc bà ta nghe thấy tiếng cãi vã cho đến khi bà đem trà đến cho bà chủ, vào khoảng mười bảy giờ.

* * *

Buổi hỏi cung diễn ra vào hôm thứ sau, tại quán trọ của làng, quán “Vũ khí Stylites”. Poirot ngồi cạnh tôi, cả hai chúng tôi đều không bị gọi ra làm nhân chứng. Những thủ tục đầu tiên diễn ra như thông lệ. Ông biện lý xem xét tử thi. John được gọi đến để nhận dạng người chết.

Khi được hỏi, anh khai rằng đã thức dậy lúc gần sáng và tả lại những tình huống về cái chết của mẹ mình.

Sau đó là lời khai của các bác sĩ. Một sự im lặng nặng nề bao trùm mọi người, mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía nhà chuyên môn nổi tiếng của Luân Đôn, được mọi người biết đến như một trong những bậc thầy đương thời về độc dược học.

Bằng vài lời ngắn gọn, ông kể lại sơ lược kết quả công việc khám nghiệm.

Bỏ qua những lời lẽ thuần túy về y học đi, thì giấy chứng nhận chính thức kết luận một cách rõ ràng rằng bà Inglethorp chết sau một vụ ngộ độc bằng chất Stychnin. Theo lượng độc dược tìm thấy trong bộ phận tiêu hóa, thì bà ta nuốt phải không dưới ba phần tư gram Strychnin và, rất có thể là một gram hay nhiều hơn thế nữa.

– Có thể nào bà ấy đã uống nhầm phải thuốc độc không? – Ông biện lý hỏi.

– Tôi cho rằng khó có thể. Chất Strychnin không được dùng trong sinh hoạt như một số độc dược khác, và việc mua bán cũng ít nhiều bị hạn chế.

– Có điều gì trong cuộc khám nghiệm có thể cho biết độc dược được xâm nhập vào người nạn nhân bằng cách nào không?

– Không.

– Ông đến Styles trước bác sĩ Wilkins thì phải?

– Đúng vậy. Tôi đã gặp xe hơi trước cửa rào khuôn viên và tôi vội vã vào nhà ngay.

– Ông có thể cho biết chính xác chuyện gì đã xảy ra sau đó không?

– Tôi bước vào phòng bà Inglethorp. Lúc đó bà ta đang bị một cơn co giật giống hệt như trong bệnh uốn ván. Bà ta quay sang tôi và gọi: “Alfred! Alfred!”.

– Chất Stychnin có thể nào được bỏ trong cà-phê của bà Inglethorp do chồng bà ta mang đến hay không?

– Có thể, nhưng Strychnin có công hiệu khá nhanh. Các triệu chứng xuất hiện một hay hai tiếng sau khi thuốc thâm nhập vào cơ thể nạn nhân. Nó có thể bị chận lại do một vài điều kiện, nhưng trong trường hợp này, lại không có điều kiện nào như thế cả. Tôi đoán chừng rằng bà Inglethorp uống cà-phê sau bữa ăn, vào khoảng hai mươi giờ, trong khi những triệu chứng ngộ độc chỉ xuất hiện vào lúc rạng đông, điều đó chứng tỏ rằng độc dược được hấp thụ muộn hơn trong buổi tối.

– Bà Inglethorp có thói quen dùng một tách ca-cao vào giữa đêm. Chất Stychnin có thể nào được bỏ vào trong đó không?

– Không! Chính tôi đã lấy mẫu một chút ca-cao còn lại trong chiếc xoong và đem đi phân tích. Trong đó không hề có Strychnin.

Tôi nghe thấy tiếng Poirot cười nhẹ bên cạnh.

– Làm sao ông biết được? – Tôi khẽ hỏi.

– Hãy nghe đây nè.

– Tôi phải thú thật – ông bác sĩ tiếp – rằng tôi sẽ rất ngạc nhiên bởi bất cứ một kết quả nào khác.

– Tại sao?

– Đơn giản vì chất Stychnin có một vị đắng kỳ quặc. Có thể nhận ra nó ngay trong một dung dịch bảy mươi phần ngàn, và vị của nó chỉ có thể được che giấu bởi một chất có mùi thơm rất mạnh. Ca-cao thì sẽ không làm sao che lấp được.

Một trong những bồi thẩm muốn biết những khó khăn trên có hiệu lực đối với cà-phê không.

– Không. Cà-phê có một vị đắng có thể dễ lầm với vị của chất Strychnin.

– Thế ra ông cho rằng độc dược có thể bỏ vào cà-phê nhiều hơn, nhưng tác dụng của nó bị chậm đi do một nguyên nhân nào đó, phải không?

– Vâng, nhưng do cái tách đã bị bể nát nên không thể nào phân tích những gì chứa trong đó.

Lời khai của bác sĩ Bauerstein kết thúc và bác sĩ Wilkins chỉ khẳng định thêm vào đó mà thôi. Được hỏi về giả thuyết của một vụ tự sát, ông này hoàn toàn gạt bó nó. Người chết, theo lời ông tuyên bố, hơi bị bệnh suy tim, nhưng ngoài chuyện ấy ra thì sức khỏe bà ấy bình thường, tinh thần rất ổn định và vững. Đó là người cuối cùng có thể nghĩ đến việc tự sát.

Sau đó Laurence Cavendish được gọi đến. Lời khai của anh ta không mấy quan trọng vì chỉ là sự lập lại lời khai của người anh mà thôi. Trước khi định lui về, anh dừng lại và hơi do dự nói:

– Tôi rất muốn, nếu như quý vị cho phép, đưa ra một giả định.

– Dĩ nhiên là được, ông Cavendish ạ. Chúng tôi có mặt ở đây để tìm ra sự thật về vụ này, và chúng tôi sẵn sàng nhận tất cả những gì có thể giúp cho công việc của chúng tôi dễ dàng hơn.

– Đây chỉ là một ý kiến chủ quan thôi – Laurence giải thích – Rất có thể là tôi hoàn toàn sai. Thế nhưng, tôi cho rằng cái chết của mẹ tôi có thể do những nguyên nhân tự nhiên.

– Tại sao vậy, ông Cavendish?

– Mẹ tôi, lúc chết, cũng như cả một thời gian trước đó nữa, có dùng một loại thuốc bổ có chất Strychnin.

– Ra thế đấy! – Ông biện lý nói trong khi các bồi thẩm đều nhổm dậy, rất lưu ý đến chuyện đó.

– Nếu như tôi không lầm – Laurence nói tiếp – thì người ta đã biết đến những trường hợp trong đó một chất độc được hấp thu từ thời gian trước, với một liều lượng liên tục, cuối cùng cũng gây nên cái chết. Và hơn nữa, biết đâu, mẹ tôi đã chẳng vô ý dùng một liều quá lớn thuốc ấy?

Bác sĩ Wilkins, lại được gọi lên, đã làm cho ý kiến đó trở nên lố bịch.

– Điều mà ông Cavendish giả định là hoàn toàn không thể xảy ra được – ông bảo – Bất cứ một bác sĩ nào cũng có thể bảo như thế. Chất Stychnin, trong một chừng mực nào đó, là một chất độc có tích tụ, nhưng lại không bao giờ gây nên một cái chết đột ngột cả. Trước đó phải có một thời gian dài trong đó các triệu chứng nhiễm độc mãn tính xuất hiện sẽ gợi sự chú ý của tôi ngay. Giả thiết đó hoàn toàn phi lý.

– Còn giả định thứ hai? Rằng bà Inglethorp đã vô ý dùng một liều quá lớn của thuốc bổ ấy?

– Ba hoặc ngay cả bốn liều cũng không thể gây nên cái chết được. Bà Inglethorp mua thuốc ở chỗ ông Coots, dược sĩ ở Tadminster. Bà ấy phải uống cả chai nguyên thì người ta mới có thể hiểu nổi lượng Strychnin tìm thấy trong lúc khám nghiệm.

– Do vậy ông cho rằng chúng ta có thể kết luận rằng thuốc bổ đó không phải nguyên nhân gây nên cái chết chứ gì?

– Chắc chắn như thế. Giả định đó thật là lố bịch.

Cũng những người bồi thẩm đoàn ngắt ngang trước đó lại giả định rằng viên dược sĩ pha chế thuốc ấy có thể đã phạm sai lầm.

– Tất nhiên, điều đó luôn luôn có thể xảy ra – ông bác sĩ đáp.

– Nhưng Dorcas, được gọi ra sau đó, đã gạt ngay khả năng đó đi. Đó không phải là chai thuốc mới, vì bà Inglethorp đã dùng liều cuối cùng ngay hôm bà ấy chết.

Cuối cùng, người ta bỏ qua vấn đề về chai thuốc bổ, và ông biện lý tiếp tục hỏi cung. Biết được rằng Dorcas đã bị đánh thức bởi tiếng chuông mãnh liệt của bà chủ và sau đó đã đánh thức cả nhà, ông bắt sang cuộc cãi vã lúc trưa hôm đó. Lời khai của Dorcas về điểm này đại khái cũng giống như những gì Poirot và tôi cùng nghe thấy. Do vậy, tôi sẽ không nhắc lại ở đây nữa.

* * *Nhân chứng tiếp theo là Mary Cavendish. Bà đứng rất thẳng, nói nhỏ nhưng rất rõ và hoàn toàn điềm tĩnh. Trả lời câu hỏi của ông biện lý, bà khai rằng đã thức dậy như mọi ngày, vào lúc bốn giờ ba mươi sáng đó do đã để đồng hồ báo thức, bà ta đang thay quần áo, thì bị kinh hãi bởi tiếng rơi của một vật nặng.

– Có lẽ đó là cái bàn kê gần chiếc giường – ông biện lý bình phẩm.

– Tôi mở cửa phòng – Mary tiếp – và một tiếng chuông vang lên, thật chói tai. Dorcas chạy xuống và đánh thức chồng tôi dậy; chúng tôi chạy ngay đến phòng của mẹ chồng tôi, nhưng cửa bị khóa.

Ông biện lý cắt ngang.

– Chúng tôi sẽ không làm phiền bà nữa về điểm này. Chúng tôi đã biết tất cả những gì cần phải biết về những biến cố tiếp theo. Nhưng tôi sẽ rất biết ơn bà nếu như bà cho chúng tôi biết những gì bà nghe được về cuộc cãi vã xảy ra hôm trước.

– Tôi ư?

Giọng bà hơi đượm vẻ xấc xược. Bà đưa tay sửa lại mảnh đăng-ten ở cổ, hơi nghiêng đầu qua một bên. Và tôi bỗng nghĩ rằng: “Bà ấy đang tìm cách kéo dài thời gian”.

– Vâng, theo tôi được biết – ông biện lý chậm rãi nói – thì bà ngồi trên ghế băng đặt ngay dưới cửa sổ thư phòng, đúng không nào?

Chi tiết ấy thật mới mẻ với tôi và, liếc trộm Poirot, tôi tưởng chừng như đối với ông ta cũng vậy.

Bà ấy im lặng một lát, một thoáng do dự thôi, trước khi đáp.

– Vâng, đúng như vậy.

– Và cửa sổ thư phòng thì lại để mở, phải không?

Tôi thấy dường như mặt bà tái đi, trong khi bà đáp:

– Có thể.

– Thế thì, bà không thể nào không nghe thấy những giọng nói phát ra từ bên trong. Hơn nữa, cơn giận đã làm giọng cao lên, từ chỗ bà ngồi dễ nghe thấy hơn là từ tiền sảnh.

– Có thể.

– Bà có thể nhắc lại cho chúng tôi biết những điều gì bà đã nghe được từ cuộc cãi vã không?

– Tôi không nhớ đã nghe thấy điều gì cả.

– Bà muốn nói rằng đã không nghe những giọng nói ư?

– Ồ, có chứ. Tôi có nghe thấy ai đó lớn tiếng, nhưng tôi không hiểu người ta nói gì.

Đôi má bà bỗng ửng đỏ.

– Tôi không có thói quen nghe trộm những cuộc đối thoại riêng tư.

Ông biện lý nhấn mạnh thêm:

– Và bà không nhớ gì, không nhớ gì cả sao, bà Cavendish? Không một từ hoặc một câu nảo đã cho phép bà hiểu đó là một “cuộc đối thoại riêng tư” sao?

Bà đứng yên, nhưng đang suy nghĩ, vẫn không mất vẻ điềm tĩnh bề ngoài.

– Có chứ, tôi nhớ bà Inglethorp đã nói điều gì đó, tôi không nhớ rõ là điều gì, về vấn đề gây tai tiếng giữa vợ chồng.

– À! – Ông biện lý dựa người vào lưng ghế, vẻ hài lòng. Điều đó phù hợp với những gì Dorcas đã nghe thấy. Nhưng xin lỗi bà, bà Cavendish ạ, mặc dù hiểu ra rằng đó là “một cuộc đối thoại riêng tư”, bà đã không có ý nghĩ bỏ đi chỗ khác chứ? Bà vẫn ngồi chỗ cũ, phải không?

Tôi thoáng nhìn thấy cặp mắt hung dữ của bà ánh lên vẻ dữ tợn, trong khi bà ngước lên. Tôi tin chắc rằng lúc đó bà rất muốn xé tan xác ông biện lý nhỏ bé ấy với những lời ám chỉ nham hiểm của ông ta. Tuy vậy, bà vẫn điềm nhiên đáp.

– Không. Tôi cảm thấy rất thoải mái ở chỗ ngồi ấy. Tôi đang chú tâm vào một quyển sách.

– Và đó là tất cả những gì bà có thể nói với chúng tôi ư?

– Vâng, tất cả.

Việc tra hỏi chấm dứt ở đây, nhưng tôi e ông biện lý không được hoàn toàn hài lòng. Tôi cho là ông ấy nghi ngờ rằng, nếu như bà ta muốn, Mary Cavendish đã có thể cho ông biết nhiều thông tin hơn nữa.

* * *Amy Hill, người bán hàng, được gọi lên sau đó: Cô ta khai đã bán một tờ giấy có dán tem, vào trưa hôm mười bảy tháng bảy, cho William Earl, người làm vườn ở Styles.

William Earl và Manning tiếp tục khai rằng đã ký tên mình, với tư cách là người chứng, vào một văn kiện. Manning cho biết thời gian là vào khoảng mười sáu giờ ba mươi, William thì cho rằng có lẽ là hơi sớm hơn một chút.

Đến lượt Cynthia Murdoch. Cô ta chả có bao nhiêu để khai báo cả. Cô không biết gì về thảm kịch cả, cho đến khi cô được bà Cavendish đánh thức dậy.

– Tôi ngủ say như chết.

Ông biện lý mỉm cười.

– Người có lương tâm yên ổn thì dễ nghủ – ông nhận xét – Cám ơn cô Mudoch. Xong rồi đấy.

* * *

– Cô Howard, đến lượt cô.

Cô Howard đem trình bức thư bà Inglethorp đã viết cho cô vào buổi tối hôm mười bảy tháng bảy. Tất nhiên là Poirot và tôi đã được đọc. Nó không giúp thêm được gì vào cái chúng tôi đã biết về tấn thảm kịch. Đây là một bản sao.

Ngày mười bảy tháng bảy Styles Court – Essex

Evelyn thân mến,

Chúng tôi không thể làm hòa với nhau sao? Thật khó cho tôi để có thể tha thứ cho những gì cô đã nói về người chồng yêu quí của tôi. Nhưng tôi là một bà già, và tôi đã có nhiều cảm tình đối với cô.

Thân mến,

Emily Inglethorp

Bức thư được trao cho bồi thẩm đoàn để họ xem xét kỹ lưỡng.

– Tôi không cho rằng nó có thể giúp ích được gì nhiều cho chúng ta – ông biện lý thở dài nói. Nó chẳng chứa đựng điều gì có liên quan đến những sự kiện của buổi trưa.

– Đối với tôi thì rõ như ban ngày – cô Howard tuyên bố rành rọt. Bức thư này chứng tỏ một cách chắc chắn bà bạn già của tôi vừa phát hiện được rằng mình đã bị lừa gạt.

– Bà ấy không nói điều gì tương tự trong thư cả – ông biện lý nhận xét.

– Bởi vì bà Emily không thể chịu nhận rằng mình sai. Nhưng tôi thì biết quá rõ bà ấy. Bà ta muốn thấy tôi quay trở lại. Nhưng lại từ chối không nhìn nhận rằng tôi đã có lý. Thế là bà ta đã nói quanh co, như hầu hết mọi người. Nhưng tôi thì tôi không bị bịp bởi các hành động ấy đâu.

Tôi nhận thấy ông Wells mỉm cười, cũng như nhiều vị bồi thẩm đoàn. Tất nhiên là người ta đều biết rõ cô Howard.

– Dù sao đi nữa thì tất cả những lời tán dóc này chỉ là phí thời gian thôi – người phụ nữ cáu gắt ấy tiếp, vừa ném một cái nhìn khinh miệt vào bồi thẩm đoàn – Toàn là chuyện tầm phào! Tầm phào! Khi tất cả chúng ta đều biết rõ rằng…

Ông biện lý vội ngắt lời cô ta.

– Cám ơn, cô Howard ạ. Như thế là đủ rồi.

Tôi có cảm giác ông thở phào nhẹ nhõm khi cô ta vâng lời mình và rút lui.

* * *Đến lúc đó thì xảy ra biến cố quan trọng nhất của ngày hôm đó. Ông biện lý cho gọi Albert Mace, người điều chế ở hiệu thuốc tây, không ai khác hơn là chàng thanh niên nóng nảy của chúng tôi với khuôn mặt tái nhợt. Trả lời câu hỏi của ông biện lý, anh ta cho biết rằng đã có cấp bằng dược sĩ, nhưng mới làm việc ở hiệu thuốc tây tư nhân này ít lâu thôi, anh ta thay thế cho người điều chế quen thuộc đã bị gọi nhập ngũ.

Những lời mở đầu ấy kết thúc thì ông biện lý đi thẳng vào vấn đề.

– Ông Mace ạ, gần đây ông có bán Stychnin cho một người nào không được phép mua nó không?

– Có, thưa ông.

– Khi nào?

– Thứ hai trước, vào buổi chiều tối.

– Thứ hai ư? Không phải là thứ ba sao?

– Không, thưa ông. Thứ hai ngày mười bảy tháng bảy.

– Hãy cho tôi biết anh bán cho ai?

Có thể nghe thấy cả tiếng kim rơi.

– Tất nhiên, thưa ông. Đó là ông Inglethorp.

Tất cả mọi cặp mắt đều đổ dồn vào chỗ Alfred Inglethorp đang ngồi thản nhiên và lạnh nhạt. Tuy vậy, hắn cũng hơi giật mình khi những lời nói này được thốt ra từ miệng chàng thanh niên. Tôi còn cho rằng hắn định đứng dậy, nhưng hắn vẫn ngồi yên, mặc dù khuôn mặt hắn lộ vẻ sững sờ và được ngụy tạo khá hay.

– Anh tin chắc vào những gì mình nói chứ? – Ông biện lý nghiêm khắc hỏi.

– Hoàn toàn chắc, thưa ông.

– Anh có hay bán Strychnin như thế cho bất cứ người nào đến mua không?

Chàng thanh niên đáng thương ấy run rẩy dưới cặp mắt của ông biện lý.

– Ồ, không, thưa ông! Không bao giờ! Nhưng đấy là Inglethorp, ở chỗ Court, nên tôi không thấy điều gì bậy cả. Ông ấy bảo với tôi rằng để giết một con chó.

Trong thâm tâm mình, tôi cảm thấy có thiện cảm đối với anh ta. Quả là rất bình thường khi muốn làm vui lòng những người ở Court, nhất là khi việc chiều ý đó có thể đem lại những khách hàng ở Court cho hiệu thuốc địa phương.

– Có phải thông thường những người mua độc dược điều phải ký tên vào sổ đăng ký không?

– Vâng, thưa ông. Ông Inglethorp cũng đã làm như thế.

– Anh có đem theo sổ không?

– Có, thưa ông.

Cuốn sổ được đem ra trình, và sau vài lời quở trách nghiêm khắc, ông biện lý cho chàng thanh niên đáng thương ấy lui ra.

* * * Sau đó Alfred Inglethorp được gọi lên giữa một sự im lặng đầy lo âu. Tôi tự hỏi hắn có ý thức được rằng sợi dây thòng lọng đang xiết lại quanh cổ hắn với mức độ nào hay không.

Ông biện lý đi thẳng vào vấn đề:

– Thứ hai trước, vào buổi chiều tối, ông có đến mua Strychnin để giết một con chó không?

Inglethorp trả lời một cách điềm nhiên nhất:

– Không. Ở Styles không có con chó nào cả, ngoại trừ một con chó bec-giê thường ngủ bên ngoài và hơn nữa lại hoàn toàn khỏe mạnh.

– Ông tuyệt đối không nhận đã mua Strychnin ở chỗ Albert Mace, hôm thứ hai vừa rồi sao?

– Tôi không nhận.

– Ông cũng không nhận cái này nữa sao?

Ông biện lý đưa ra cuốn sổ trên đó có chữ ký của hắn.

– Tất nhiên thôi. Chữ viết đó khác hẳn của tôi. Tôi sẽ chứng minh điều đó ngay thôi.

Hắn rút từ túi áo ra một chiếc phong bì và, sau khi ký tên mình vào đó, hắn đưa lại cho ông chủ tịch bồi thẩm đoàn. Chữ viết khác hẳn chữ trên cuốn sổ.

– Thế ông giải thích thế nào về lời khai của ông Mace đây.

Alfred Inglethorp đáp không chút nao núng:

– Có lẽ ông Mace đã lầm.

Ông biện lý do dự một lát rồi nói:

– Ông Inglethorp ạ, như một thủ tục, hãy cho chúng tôi biết ông ở đâu trong buổi chiều thứ hai, ngày mười bảy tháng bảy.

– Thật tình thì tôi không thể nhớ nổi.

– Thật là vô lý, ông Inglethorp ạ – ông biện lý lạnh lùng tuyên bố – Hãy nghĩ kỹ lại đi.

Inglethorp lắc đầu.

– Tôi không thể nói được. Tôi cho rằng mình đã đi dạo.

– Về hướng nào?

– Quả thật tôi không thể nhớ được…

Gương mặt ông biện lý trở nên nghiêm trang hơn:

– Có ai đi cùng với ông không?

– Không.

– Điều đó thật đáng tiếc – ông biện lý mỉa mai nói – Tôi phải suy ra rằng ông từ chối cho biết ông ở đâu vào lúc ông Mace đã chính thức nhận ra ông, người bước vào hiệu thuốc để mua Strychnin phải không?

– Ông có thể suy ra bất cứ điều gì ông cho là đúng.

– Hãy thận trọng ông Inglethorp ạ.

Bên cạnh tôi, Poirot nhấp nhỏm vì nóng nảy.

– Chao ôi! – Ông nói – Bộ tên ngu xuẩn ấy muốn bị bắt hay sao đây.

Quả thật là Inglethorp đang gây nên ấn tượng rất xấu. Những lời chối cãi vô ích của hắn không thuyết phục nổi lấy một đứa trẻ con nữa. Thế nhưng ông biện lý đã chuyển sang vấn đề tiếp theo, và Poirot thở phào nhẹ nhõm.

– Ông đã cãi nhau với vợ vào chiều hôm thứ ba phải không?

– Xin lỗi – Alfred Inglethorp ngắt ngang – nhưng thông tin của ông không được đúng rồi. Tôi không bao giờ cãi nhau với bà vợ thân yêu của tôi cả. Tất cả chuyện đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi vắng nhà suốt buổi chiều hôm đó.

– Có ai làm chứng cho ông về điều đó không?

– Ông chỉ có lời nói của tôi mà thôi! – Inglethorp kiêu ngạo đáp.

Ông biện lý bỏ qua chuyện đối đáp lại.

– Chúng tôi có hai nhân chứng có thể thề rằng đã nghe thấy cuộc cãi vã của ông và bà nhà.

– Họ đã lầm rồi.

Tôi rất lấy làm thắc mắc. Người đàn ông đó nói năng với sự tự tin bình thản đến độ tôi phải hoang mang. Tôi nhìn Poirot, khuôn mặt ông phảng phất sự kích thích tột độ mà tôi không làm sao hiểu được. Ông có tin chắc về tội trạng của Inglethorp không?

– Ông Inglethorp – ông biện lý nói – ở đây ông đã được nghe nói lại những lời cuối cùng của bà nhà lúc đang hấp hối. Ông có thể giải thích bằng cách nào đó không?

– Tất nhiên là có.

– Thật ư?

– Theo tôi thì điều đó thật đơn giản. Căn phòng không được chiếu sáng rõ. Bác sĩ Bauerstein có cùng dáng vóc và kích thước với tôi, và cũng để râu như tôi. Trong ánh sáng yếu ớt ấy, và đau đớn cùng cực như bà ấy đang bị, bà vợ đáng thương của tôi đã trông lầm ông ấy thành tôi.

– À! – Poirot khẽ nói cho riêng mình – Đó cũng là một ý kiến.

– Ông cho rằng sự thật như thế sao? – Tôi khẽ hỏi.

– Tôi không nói thế, nhưng đó là một giả thiết độc đáo.

Inglethorp nói tiếp:

– Ông đã xem những lời nói cuối cùng của vợ tôi như là một lời buộc tội, trong khi trái lại, đó chỉ là một lời cầu khẩn.

Ông biện lý suy nghĩ một lát rồi nói:

– Tôi được biết, ông Inglethorp ạ, tối hôm đó đích thân ông đã rót cà-phê và đem đến cho bà nhà phải không?

– Quả là tôi có rót cà-phê nhưng tôi không đem đến cho nhà tôi. Tôi định làm chuyện đó thì người ta báo cho tôi biết rằng một người bạn của tôi đang ở trước cửa. Do vậy, tôi đã đặt tách xuống bàn trong hành lang, và khi tôi quay trở lại, thì nó đã biến mất.

Lời khai đó có thể là đúng, có thể là sai, song nó chẳng làm cho tình trạng của Inglethorp khả quan hơn được bao nhiêu. Dù sao đi nữa thì hắn cũng đã có thừa thì giờ để bỏ thuốc độc vào cà-phê. Ngay lúc đó, Poirot hích tay tôi và chỉ cho tôi thấy hai người đàn ông ngồi gần cánh cửa. Một người thì nhỏ nhắn, tóc nâu, tinh khôn, vẻ mặt giống như một con chồn; còn người kia thì cao lớn tóc vàng.

Tôi nhìn Poirot dò hỏi. Ông ghé sát tai tôi và khẽ bảo:

– Đó là thanh tra cảnh sát James Japp, ở Scotland Yard, cái ông Jimmy Japp lừng danh ấy. Ông kia cũng là người của Scotland Yard. Mọi việc sẽ ác liệt đấy, anh bạn của tôi ạ.

Tôi nhìn cả hai người. Không người nào có vẻ gì là cảnh sát cả. Tôi không bao giờ cho rằng họ là những quan chức cả.

Tôi còn đang nhìn họ thì lời phán quyết bỗng làm tôi giật mình.

– Cố sát do một hoặc nhiều người gây nên.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN