Vụ bí ẩn Con đại bàng hai đầu - Chương 07
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
134


Vụ bí ẩn Con đại bàng hai đầu


Chương 07



TẤN BI KỊCH TRONG HOÀNG GIA

Đã hơn năm giờ khi Ba Thám Tử Trẻ họp lại trong bộ tham mưu bí mật. Hannibal kể lại quá trình hai mẹ con Dobson dọn về nhà Thợ gốm ở và chuyện xuất hiện dấu chân lửa.

– Úi chà! Peter thốt lên. Có thể Thợ gốm đã chết và trở về nhà mình làm ma!

– Anh Hans cũng đã nói như vậy, Hannibal nói. Nhưng mấy dấu chân đó không phải do Thợ gốm để lại! Ông râu của ta đi chân đất mấy năm nay rồi. Chân ông đã nở bành ra rất rộng. Mà vết chân in lại trên thảm nhựa rất hẹp… như dấu chân một người đàn ông nhỏ hay của một phụ nữ.

– Bà Dobson hả? Peter gợi ý.

– Là, sao bà ấy làm được? Bà xuống nhà cùng với mình. Và mình đang đứng ngay phía sau lưng bà, khi bà bước vào bếp. Mà bà dàn dựng màn kịch đó để làm gì?

– Hay bọn người lạ ở Ngôi Nhà Trên Đồi? Peter đoán.

– Có thể, Hannibal thừa nhận. Mình có thấy họ đi xuống bãi biển. Trong khi mọi người đang ở trên lầu, rất có thể họ đã vào cửa trước, vì cửa trước vẫn để mở. Khi đó, có thể họ đã kịp bố trí dấu chân và châm lửa theo một quy trình mà mình chưa rõ. Rồi có thể họ đi ra bằng ngả sau và trở xuống bãi biển… Peter! Cậu đã tìm ra những gì về Ngôi Nhà Trên Đồi?

Thám tử phó rút quyển sổ ra khỏi túi.

– Mình gặp may, Peter khiêm tốn nói. Mình ghé qua ông Holtzer để hỏi thăm xem ông có cần mình cắt cỏ cho ông không. Ông không cần, nhưng mình moi thông tin từ ông rất dễ dàng. Ông sẵn sàng nói hết, vì ông quá vui mừng! Ông giải thích rằng cách đây mười lăm năm, Ngôi Nhà Trên Đồi được đăng ký chỗ ông. Nhà hư hỏng nhiều đến nỗi suốt thời gian đó ông không bao giờ bán hay cho thuê được. Vậy mà bỗng nhiên có một người lạ đến gặp ông và tuyên bố rằng thích ngôi nhà đó. Kẻ lạ ký ngay hợp đồng thuê nhà một năm và trả trước ba tháng, – ông Holtzer không che giấu được nỗi vui sướng nữa.

– Cậu bé biết tên người thuê không?

– Biết: Hyan Demetrieff, hay Demetrioff gì đó. Mình đọc ngược trên sổ, nên mình không nhìn rõ được chữ e hay chữ o. Địa chỉ trước của ông này là 2901 Wilshire Bouldevard ở Los Angeles.

Bob chụp lấy danh bạ tra thử rồi lắc đầu:

– Không có trong đây!

– Nhiều người không có! Hannibal nói. Ta sẽ kiểm tra địa chỉ này sau. Và ta sẽ thử tìm thông tin về ông Demetrieff này… Bây giờ mình rất muốn biết thêm về đại bàng hai đầu. Dường như con đại bàng này có tầm quan trọng cốt yếu. Ta thấy nó không những trên mặt dây chuyền của Thợ gốm và trên hai cái lu, mà cả trên tấm bảng sứ gắn trên lò sưởi.

Bob mỉm cười:

– Bọn mình lại gặp may nữa, Bob tuyên bố. Không cần đến tìm sách thư viện. Ba mình vừa mới nhận được một quyển catalogue minh họa. Thật đúng lúc! Xem này!

Bob đặt lên bàn một quyển tạp chí bằng giấy glace trang nhã mang tựa đề Kho báu hoàng gia. Phía dưới, dòng chữ nhỏ hơn có ghi: “Phóng sự bằng hình ảnh về kho báu hoàng gia tại nhiều vương quốc Âu Châu, lời ghi chú bởi tác giả E. P. Farnworht”.

Hannibal chỉ bức ảnh tuyệt đẹp trên trang bìa:

– Có phải là vương miện Anh Quốc không? Hannibal hỏi.

– Một trong số các vương miện, Bob chỉnh. Anh Quốc có hai vương miện, và dường như có nhiều vương trượng hơn nữa. Các tác giả bài phóng sự này chắc là được đi du lịch nhiều lắm! Có nói về nước Nga nữa. Người Nga rất mê đại bàng. Dường như con đại bàng mà bọn mình quan tâm là con này…

Bob mở quyển tạp chí ra trang giữa.

– Vương miện hoàng gia Karathie! Bob thông báo.

Peter cúi xuống phía trước để nhìn cho rõ rồi khẽ huýt sáo… Vương miện hoàng gia Karathie trông như cái mũ bảo hiểm… một cái mũ cát cẩn đá quý màu xanh dương. Trên đỉnh mũ, bốn dải vàng bọc quanh một viên rubi to tướng. Còn phía trên viên đá tuyệt đẹp này là một con đại bàng đỏ chói có hai đầu và đang xòe cánh. Hai đầu nhìn trái và nhìn phải. Nhìn thấy rõ mắt kim cương long lanh phía trên hai cái mỏ há ra, như thể sẵn sàng tấn công.

– Đúng là đại bàng của Thợ gốm! Hannibal kêu. Xem bài bình chút nào!…

Hannibal đọc lớn tiếng:

– Vương miện hoàng gia Karathie được Boris Kerenov chế tác vào năm 1543. Đối với vương miện này, nghệ nhân đã có sáng kiến sử dụng hoa văn trang trí mũ cát mà công tước Federic Azimov đã đội ở trận chiến Karlon. Chiến thắng của công tước Azimov ở Karlong đã chấm dứt cuộc nội chiến tàn phá đất nước Karathie nhỏ bé. Bị công tước đánh bại, các nam tước miền Nam tuyên thệ: sẽ không bao giờ phá vỡ hòa bình ở Karathie nữa! Năm sau, công tước triệu tập các nhà quý tộc tại pháo đài Madanhoff và tự tôn xưng mình là vua xứ Karathie. Các nhà quý tộc bị cô lập trong pháo đài và không có quân đội đành phải thừa nhận công tước là quốc vương. Chỉ có một người, Yvan Dũng Cảm, là không chịu phục tùng. Theo truyền thuyết, người chiến sĩ kiêu hãnh đó đã bị xử trảm trong pháo đài Madahoff và đầu ông bị cắm vào cái lao mang đi bêu trước công chúng.

“Lễ đăng quang Federic Đệ Nhất xứ Karathie diễn ra trong nhà thờ riêng Madahoff vào năm 1544. Vương miện, do Boris Kerenov thiết kế và chế tác, thuộc dòng họ Azimov suốt gần bốn trăm năm. Vương miện được sử dụng lần cuối cùng vào năm 1913 để đăng quang vua Wilhemm IV. Vào năm 1925, sau khi triều đại Azimov bị lật đổ, vương miện được tuyên ngôn là tài sản của nhân dân Karathie. Hiện vương miện được trưng bày tại viện bảo tang quốc gia Madanhoff, là thủ đô vương quốc gần chỗ pháo đài cũ của công tước Federic.

Vương miện Azimov làm bằng vàng khối cẩn đá lapislazuli, trên đỉnh là một viên hồng ngọc to. Có lẽ viên đá quý tuyệt đẹp này xưa kia thuộc Yvan Dũng Cảm. Sau khi bị xử trảm, toàn bộ tài sản của ông đã bị Federic Azimov tịch thu. Con đại bàng hai đầu phía trên viên hồng ngọc là biểu tượng triều đại Azimov. Boris Kerenov dùng vàng và sứ để làm con đại bàng. Mắt đại bàng làm bằng kim cương tinh khiết, mỗi viên nặng hơn hai cara.

Hannibal ngưng đọc để nhìn hình vương miện cho kỹ hơn.

– Vậy, Peter nói khẽ, để được lên làm vua, Federic Azimov đã không ngần ngại cho chém đầu phe chống đối.

– Việc sử dụng viên hồng ngọc lấy cắp của ông Yvan tội nghiệp cũng không làm cho ông vinh quang thêm gì, – Bob nhận xét.

– Thời xưa, người ta không bận tâm gì đến chuyện nhẹ nhàng tế nhị đâu. Mà người xưa cũng không hiền lành dịu dàng gì.

– Năm 1925 họ cũng đâu có nhẹ tay, Bob nhắc. À, mình có tìm nước Karathie trong từ điển bách khoa. Nước này vẫn còn tồn tại!

– Ý cậu muốn nói là Karathie chưa bị cường quốc nào thôn tính sát nhập hả? Hannibal ngạc nhiên hỏi.

– Đúng. Ngày nay là Cộng hòa Karathie. Chiếm bảy mươi ba dặm vuông và có dân số khoảng hai chục ngàn người. Sản phẩm chính là phô mai. Karathie có quân đội thường trực ba trăm năm mươi người, trong đó có ba mười lăm đại tá.

– Vậy cứ mười quân có một đại tá! Peter thốt lên.

– Quân đội không bị thiếu tướng chỉ huy! Hannibal cười nói. Nói tiếp đi Bob…

– Karathie được cai trị bởi quốc hội gồm ba mươi lăm vị đại tá cộng một đại biểu của mỗi tỉnh. Do chỉ có mười tỉnh, nên ta dễ dàng mường tượng được bầu cử như thế nào.

– Nói cách khác, chính mấy vị đại tá là người lãnh đạo! Hannibal nhấn mạnh.

– Và cũng chính đại tá bầu tổng thống, – Bob nói.

– Còn dòng họ Azimov? Họ ra sao trong chuyện này? Peter hỏi.

– À! Không còn họ nữa! Họ đã suy sụp vào năm 1925. Wilhem IV là vị vua cai trị cuối cùng. Ông đã cưới một cô gái quý tộc, là em họ của ông, tức cũng mang họ Azimov. Mà bà hoàng hậu này xa hoa lắm. Bà thích các vòng đeo tay kim cương và đặt may trang phục ở các nhà may có tiếng nhất Paris. Ngoài ra bà có bốn đứa con, mỗi đứa có một gia sư riêng, xe và ngựa. Dưới triều đại Wilhem IV, quỹ Kho bạc cạn đi một cách nhanh chóng và nguy kịch. Vua mắc nợ nghĩ ra chuyện đánh thuế phô mai sản xuất từ các công ty sữa Karathie. Dĩ nhiên là dân chúng bắt đầu xì xào. Thế là mấy vị đại tá chụp lấy cơ hội… Họ chờ ngày sinh nhật của vua, khi cả dòng họ Azimov tề tựu ở thủ đô. Khi đó nhóm đại tá bước vào cung điện và thông báo với Wilhem rằng ông không còn là vua nữa.

– Rồi chuyện gì xảy ra? Hannibal hỏi.

– Chuyện gần giống như với Yvan Dũng Cảm, – Bob trả lời. Theo một báo cáo chính thức, thì quốc vương Wilhem IV bỗng nhiên lên cơn điên và nhảy lầu.

– Cậu nghĩ có kẻ xô vua ra khỏi cửa sổ hả? Peter kinh hoàng hỏi.

– Có lẽ thế, Peter à. Nhưng chưa hết chuyện! Những người còn lại trong gia đình quá xúc động nên đã tự tử theo nhiều kiểu khác nhau. Hoàng hậu uống thuốc độc.

– Và nhân dân chịu tin chuyện này à? Peter kêu.

– Có mấy ông đại tá đang nắm chính quyền, thì không thể nào chối cãi được. Ngoài ra, do mấy ông đại tá vội vàng hủy bỏ khoản thuế đánh vào phô mai, nên nhân dân chỉ có thể tán thành mà thôi. Cung điện hoàng gia trở thành viện bảo tàng quốc gia, còn châu báu hoàng gia trở thành tài sản nhân dân và do đó dân chúng tha hồ mà ngắm.

– Nhưng không ai có thể đeo số nữ trang đó! Hannibal nói thêm. Chuyện nghe thật hoang đường! Nhưng dù sao vẫn có thể có thật. Người ta từng nghe những chuyện khó tin hơn nhiều… Bob ơi, ngày nay còn ngời Azimov không?

– Mình nghĩ là không, nhưng ngày mai mình sẽ kiểm tra ở thư viện. Theo từ điển bách khoa, thì dòng họ Azimov đã tuyệt chủng khi vua Wilhem nhảy lầu.

Hannibal có vẻ đăm chiêu.

– Tom Dobson có nói với mình rằng ông ngoại của Tom đến từ Ukraine. Nếu Tom lầm thì sao? Thợ gốm và đại bàng hai đầu của dòng họ Azimov có vẻ rất thân với nhau. Không hiểu Thợ gốm có liên quan gì với hoàng gia Karathie bằng cách này hay cách khác không.

– Hay với nhóm đại tá làm cách mạng, Bob nói.

Peter rùng mình.

– Không thể nào hủy diệt cả một dòng họ! Peter tuyên bố. Các cậu hãy nhớ lại những gì đã xảy ra với dòng họ Romanov ở Nga…

– Dòng họ Romoanov đã bị tàn sát, – Hannibal nói.

– Đúng. Và nếu Thợ gốm có tham gia gì trong vụ tàn sát ở Karathie, thì mình muốn dính líu đến ông càng ít càng tốt!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN