Vụ Bí Ẩn: Quyển Nhật Ký Mất Trang - Chương 2: Vụ đắm tàu Argyll Queen
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
144


Vụ Bí Ẩn: Quyển Nhật Ký Mất Trang


Chương 2: Vụ đắm tàu Argyll Queen


Khi dỡ hàng xong khỏi xe tải, đã quá mười hai giờ trưa. Thím Mathilda băng nhanh qua đường để đi chuẩn bị bữa ăn trưa: nhà ông bà Jones nằm đối diện kho bãi. Không để mất một giây, ba thám tử quay về cái rương cũ.

– Ta sẽ tha hồ nghiên cứu nó trong bộ tham mưu! Hannibal phán. Các cậu mang vào đó đi! Mình có việc khẩn!

Hannibal chạy đi mất, bỏ lại Peter và Bob cạnh cái rương to. Thở dài và cằn nhằn, Bob và Peter nắm lấy hai tay cầm rương. Hai bạn cực nhọc mang rương vào xưởng, được Hannibal bố trí ở một góc sân. Phía dưới xưởng là “đường hầm số hai” – một ống gang to – chạy dưới một đống đồ phế thải vào bộ tham mưu mật của Ba Thám Tử Trẻ.

Nhưng rất tiếc là các lối vào bí mật của bộ tham mưu có một bất tiện: không dự kiến để đưa đồ to vào!

– Rương không bao giờ lọt qua đường hầm được! Peter càu nhàu.

Bob và Peter đặt rương xuống đất. Đúng lúc đó, Hannibal bò ra khỏi đường hầm. Hai bạn thông báo vấn đề cho sếp.

– Hừm! Hannibal nhìn ống gang kêu. Đáng lẽ mình phải dự kiến điều này! Ta sẽ thử qua bằng lối vào dễ số ba!

“Lối vào dễ” này đơn thuần là một cánh cửa cũ, nặng và dày, tựa vào hai đống củi. Một chìa khóa sét, giấu trong một thùng đầy đồ sét, cho phép mở cửa ra. Có hành lang hẹp, bố trí giữa hai đống củi, dẫn đến cửa xe lán.

– Trước hết, Bob nói, ta nên đo kích thước cửa và rương đã!

– Và nên chờ không có ai ngoài sân, Hannibal nói thêm. Mình có tin báo cho các cậu. Mình mới phát hiện rằng Java Jim là một kẻ nói láo!

– Sao? Peter quan tâm hỏi.

– Mình gọi điện thoại cho ông Baskin, người cấp hàng cho ông Acres ở San Francisco, Hannibal giải thích. Người bán rương cho ông Baskin không phải là một thủy thủ mà là một người buôn đồ cổ ở Santa Barbara! Người này lại mua của một người phụ nữ cách đây sáu tháng! Các cậu nghĩ sao?

– Úi chà! Peter kêu. Thậm chí có khi Java Jim cũng không phải là thủy thủ thật!

– Cậu khá đấy, Peter à, Thám Tử Trưởng nghiêm trang tán thành. Rất có thể quần áo thủy thủ của Java Jim chỉ là đồ hóa trang. Trông qua độc đáo, không giống thật lắm…

– Mình cũng nghĩ vậy, Bob gật đầu.

– Mình còn phát hiện một chuyện khác nữa, Hannibal nói tiếp. Java Jim có ghé chỗ ông Baskin, nhưng lại cho ông ấy một câu chuyện khác. Hắn nói rằng em gái hắn lợi dụng hắn đi khỏi, mang cái rương của hắn đem bán. Nên hắn tìm cách chuộc lại.

– Tại sao hắn lại kể cho bọn mình theo kiểu khác? Peter ngạc nhiên hỏi.

– Nếu nói là bị ăn cắp, có lẽ hắn hy vọng sẽ lấy lại được cái rương nhanh hơn. Dù sao, chuyện hắn kể cho ông Baskin chứng tỏ một điều: Java Jim biết là có một người phụ nữ đã bán cái rương. Chuyện bán này xảy ra cách đây sáu tháng, nhưng có lẽ Java mới biết được. Nếu không, hắn đã tìm từ lâu rồi.

– Không hiểu tại sao người đàn ông này lại muốn cái rương đến thế, Bob nói. Trong rương có gì đâu.

– Có chiếc nhẫn, Peter nhắc lại. Có thể nhẫn có giá.

– Nhưng Java Jim không biết là có chiếc nhẫn! Bọn mình tìm ra là nhờ ngăn mật mở ra.

– Có thể Java biết rằng trong rương có một vật quý giá, nhưng không biết chính xác đó là gì, Peter nói.

– Cũng có thể, Hannibal nói thêm, là cái rương quan trọng đối với Java chỉ là nó xuất xứ từ con tàu Agryll Queen. Biết đâu, có thể hắn quan tâm đến chính con tàu Agryll Queen? Ánh mắt Hannibal cho thấy đầu óc cậu đang làm việc dữ dội. Nhưng Bob đa nghi lắc đầu.

– Babal, cậu thật sự nghĩ rằng Java Jim quan tâm đến một chiếc tàu bị đắm cách đây hơn một trăm năm à?

– Tại sao hắn lại phải quan tâm? Peter hỏi thêm.

– Mình cũng không biết nữa, Hannibal thú nhận. Nhưng các cậu cứ lý luận thử xem. Ngoài con dao găm và chiếc nhẫn, rương không chứa gì khác… trừ trên tàu. Mình nghĩ ta nên đào sâu lịch sử của chiếc tàu Agryll Queen.

– Chắc là có thể hỏi thăm Hội Sử Học, Bob đề nghị.

– Mình không có thời gian đi, Peter nói. Hôm nay mình phải giúp mẹ mua quà Giáng Sinh, rồi sau đó mình phải làm việc với ba nữa.

– Mình cũng không có thời gian đi, Hannibal tuyên bố. Mình phải quay lại Viện bảo tàng với anh Hans để chở chuyến hàng thứ nhì. Bob ơi, cậu phải hy sinh thôi!

– Được rồi, “Lưu trữ Nghiên cứu” đồng tình. Chuyên môn của mình là lục lạo trong sách vở mà!

Một hồi sau, khi thím Mathilda réo Hannibal, ba thám tử chia tay nhau.

Sau khi ăn trưa, mẹ Bob nhờ cậu đi mua đèn cầy màu để gắn lên cây thông Noen và trang trí trong nhà, nên ba giờ hơn. Bob mới bước vào tòa nhà của Hội Sử Học thành phố Rocky. Người giữ thư viện mỉm cười.

– Agryll Queen, hả cậu? Có chứ! Ở đây có khá nhiều tài liệu về vụ đắm tàu này. Đó là một vụ thảm họa khủng khiếp, được người ta nhắc đến mấy chục năm sau. Người ta còn đồn về… kho báu nữa.

– Kho báu à? Bob lập lại.

– Phải, nghe nói là vàng và nữ trang. Nhưng không biết có nên tin không… Cậu chờ một chút nhé. Tôi đi lấy mấy tài liệu cho cậu đây…

Bob nóng lòng chờ đợi người giữ thư viện tử tế quay về. Cuối cùng bà cũng trở lại, tay ôm một tập hồ sơ to tướng.

– E rằng mọi thứ lộn xộn trong này – bà lắc đầu nói.

Bob cám ơn bà, rồi trốn vào phòng đọc nhỏ, cạnh phòng lớn, để được yên tịnh. Phòng này không có người. Bob ngồi vào một bàn dài, mở tập hồ sơ ra.

Bob hết sức rầu rĩ khi thấy bên trong. Hộp hồ sơ chứa đầy báo, tạp chí, quyển sách nhỏ và mẫu báo. Tất cả chất lung tung, không hề có sắp xếp. “Lưu trữ Nghiên cứu” thở dài và lấy đại một bài báo.

– E rằng cậu phải mất mấy ngày mới đọc được tất cả đống tài liệu này – một giọng bên cạnh Bob nói.

Bob ngạc nhiên ngước mắt lên và thấy một người đàn ông thấp nhỏ, mặc complê theo kiểu xưa, áo gilê có sợi dây chuyền đồng hồ bằng vàng. Giọng nói ông trầm nhưng thân thiện.

– Tôi là giáo sư Shay, thuộc Hội Sử Học, người đàn ông nhỏ giải thích. Bà Rutherford, phụ trách thư viện của hội, vừa mới cho tôi biết là có người quan tâm đến vụ đắm tàu Argyll Queen. Chúng tôi muốn khuyến khích thanh thiếu niên nghiên cứu lịch sử. Có thể tôi sẽ giúp cậu đỡ phải tìm kiếm mất thời gian bằng cách cung cấp thông tin trực tiếp cho cậu?

– Hội của bác có nhiều tài liệu về vụ đắm tàu Argyll Queen không ạ? Bob hỏi.

– Thú thật, lịch sử địa phương không phải là chuyên môn của tôi, nhưng một tác giả của hội vừa mới viết xong một quyển giới thiệu kể lại toàn bộ chuyện này. Nên tôi biết thêm được khá nhiều. Chính cậu đã biết gì về vấn đề này rồi?

– Dạ, cháu biết rất ít: chỉ biết rằng Argyll Queen là một chiếc tàu ba cột buồm, bị đắm ngoài khơi Rocky vào năm 1870 và có tin đồn là tàu chở kho báu.

Giáo sư cười.

– Đây là loại tin đồn thường có mỗi khi có tàu bị đắm, cậu à. Nhưng cậu nói đúng về thời gian.

Giáo sư ngồi xuống đối diện Bob.

– Argyll Queen là một tàu ba cột buồm của Tô Cách Lan, xuất xứ từ Glasgow, kinh doanh gia vị và thiếc. Trên đường đi từ Ấn Độ về, tàu ghé lại San Francisco và chuẩn bị về Tô Cách Lan bằng cách đi qua Cap Horn, thì bị kẹt trong một cơn bão khủng khiếp. Tàu bị va vào tảng đá ngầm, vào một buổi chiều tháng mười hai 1870. Có rất ít người sống sót. Những người thử bơi về đất liền đều bị mất mạng. Nhưng xác tàu không chìm ngay. Và những người cố gắng ở lại trên tàu đến bình minh sống sót được… Trong số đó, có thuyền trưởng, là người cuối cùng rời tàu.

– Nhưng không có kho báu à?

– Tôi nghĩ là không, anh bạn trẻ à. Argyll Queen bị chìm ở vùng nước không sâu lắm và có nhiều thợ lặn lục soát xác tàu. Nhưng thỉnh thoảng chỉ lấy lên được có vài đồng tiền không có giá trị. Không đâu, e rằng những tin đồn này thật ra là do một thảm kịch khác xảy ra ít lâu sau và dường như có liên quan đến Argyll Queen.

– Một thảm kịch khác à? Bob quan tâm thốt lên. Chuyện gì vậy bác?

– Một trong những người sống sót, một người Tô Cách Lan tên là Angus Slunn, định cư lại trong vùng, gần Rocky. Vào năm 1872, ông bị bốn người ám sát. Chính những tên giết người này bị đám đông hành hung, trước khi kịp khai ra động cơ giết người. Một trong bọn chúng chính là cựu thuyền trưởng Argyll Queen. Khi đó, người ta bắt đầu đồn rằng thuyền trưởng giết Slunn vì Slunn đã lấy cắp một cái gì đó trên tàu… có thể một kho báu, ai biết? Người ta lại tiến hành tìm kiếm trong xác tàu đắm, lùng sục cả bờ biển cũng như từng tất đất thuộc ông Slunn, nhưng không bao giờ tìm được gì… Angus, cũng như phần lớn thủy thủ, có viết quyển nhật ký tường thuật lại cuộc sống hằng ngày. Con cháu ông vừa mới tặng quyển nhật ký ấy cho hội chúng tôi, để giúp hội soạn thảo quyển giới thiệu mà tôi đã nói lúc đầu. Trước đó, gia đình Slunn đã đọc đi đọc lại quyển nhật ký quý báu, hy vọng tìm ra chỉ dẫn về kho báu. Hoài công! Quyển nhật ký không có thông tin nào.

Bob chau mày suy nghĩ:

– Thưa bác, có phải người ta nghĩ rằng kho báu có nguồn gốc từ Ấn Độ, giống như con tàu chở gia vị không ạ?

– Đúng vậy. Người ta nói về kho báu hải tặc… Sao vậy? Cậu có biết gì về vấn đề này à?

– Ơ… dạ không, thưa bác. Cháu… cháu chỉ nghĩ thế thôi.

– Tôi hiểu… giáo sư mỉm cười nói. Đến lượt tôi đặt cậu một câu hỏi. Tại sao cậu lại quan tâm đến vụ đắm tàu Argyll Queen?

– Dạ thì… Ơ… để làm bài luận văn… trong kỳ nghỉ Giáng Sinh… Bob ấp úng giải thích.

– Tất nhiên! Sáng kiến hay…

– Thưa bác, cháu có thể xem quyển nhật ký của Angus Slunn và quyển giới thiệu về Argyll Queen được không ạ? Bob rụt rè hỏi.

Mắt giáo sư như long lanh lên phía sau cặp kính. Giáo sư mỉm cười rộng hơn.

– Chắc là vẫn để làm bài luận văn hả?… Được thôi! Nếu cậu phát hiện gì mới mẻ, nhớ báo cho chúng tôi nhé. Tên cậu sẽ được đăng trong tạp chí của hội.

Nói xong, giáo sư bỏ đi. Vài phút sau, bà Rutherford mang đến cho Bob một quyển mỏng có tựa đề là “Vụ đắm tàu Argyll Queen” và một quyển tập dày có bìa nhựa. Bob bắt tay vào việc…

Hoàng hôn đang xuống khi Bob đạp xe đến Thiên Đường Đồ Cổ. Trong khi Bob đẩy xe đạp băng qua sân, Peter bước vào cổng chính.

– Nghỉ gì mà không ra nghỉ! Peter càu nhàu. Ba bắt mình làm việc cả buổi chiều. Thà đến trường còn hơn.

Hai bạn đến xưởng, ở đó Hannibal đang nghiên cứu cái rương. Bob định thông báo kết quả tìm kiếm ở Hội Sử Học, thì thám tử trưởng đưa tay lên.

– Khoan đã! Hannibal nói. Trong khi các cậu đi vắng, mình không hề bỏ phí thời gian. Nhìn xem mình tìm thấy gì trong rương đây!

Hannibal vừa nói vừa đưa ra một quyển tập có bìa dày, y như quyển nhật ký mà Bob đã đọc ở thư viện Hội Sử Học, nhưng mỏng hơn. Bob đưa tay đến để lấy quyển tập.

Đột nhiên, một giọng nói gầm gừ vang lên:

– Đưa cho tôi quyển tập này!

Java Jim đang đứng ở ngưỡng cửa, trừng mắt nhìn, còn ba thám tử thì như bị hóa đá.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN