Vũ Điệu Của Thần Chết - Chương 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
179


Vũ Điệu Của Thần Chết


Chương 9


Những người lính xuất sắc nhất là những người lính kiên nhẫn.

Thưa ngài, tôi sẽ nhớ điều đó, thưa ngài.

Stephen Kall đang ngồi bên chiếc bàn trong bếp của Sheila, vừa tự nhủ hắn mới căm ghét Essie làm sao, một con mèo ghẻ lở, mà cái đồ tởm lợm đó tên là gì cũng thế, vừa chăm chú lắng nghe một cuộc trò chuyện dài trên máy ghi âm của mình. Thoạt đầu hắn đã quyết định tìm lũ mèo và giết hết chúng đi nhưng rồi hắn chợt nhận ra thỉnh thoảng chúng lại ngoao ngoao gào lên những tiếng thật đáng sợ. Nếu hàng xóm xung quanh đã quen với âm thanh đó, biết đâu họ sẽ sinh nghi nếu chỉ nghe thấy sự im lặng vọng ra từ căn hộ của Sheila Horowitz.

Kiên nhẫn… Chăm chú nhìn cuộn băng đang quay. Lắng nghe.

Phải hai mươi phút sau hắn mới nghe thấy trong cuốn băng những gì hắn đang chờ đợi. Hắn mỉm cười. Được rồi, tốt lắm. Hắn lôi khẩu Model 40 của mình trong chiếc hộp đàn Fender ra, nựng nó như nựng một đứa bé, rồi bước lại bên tủ lạnh. Hắn nghiêng tai lắng nghe. Những âm thanh đã im bặt. Chiếc tủ không còn rung rinh nữa. Hắn cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút, bớt nhớp nháp, bớt sởn gai ốc khi con giòi trong tủ lúc này đã cứng đờ, lạnh băng. Hắn có thể an toàn rời khỏi đây. Hắn xách ba lô của mình lên và ra khỏi căn hộ u ám với mùi mèo lộn mửa, chai rượu vang bám bụi và hàng triệu dấu vết giòi bò lổm ngổm.

Ngoài vùng ngoại ô.

Amelia Sachs lái xe vun vút xuyên qua một đường hầm được tạo bởi những hàng cây mùa xuân, một bên là những tảng đá, một bên là vách núi đá thấp nhô ra biển. Một màu xanh mơn mởn phủ khắp và nhìn đâu cũng nhìn thấy những chùm hoa liên kiều[48] màu vàng nhợt.

Sachs là một cô gái thành phố, chào đời tại Bệnh viện Đa khoa Brooklyn và cả đời cô vẫn là công dân của cái quận đó. Đối với cô, thiên nhiên là công viên Prospect những ngày Chủ nhật hoặc những buổi tối trong tuần, khu bảo tồn rừng Long Island, nơi cô giấu chiếc Dodge Charger màu đen thanh thoát của mình khỏi những chiếc xe của cảnh sát tuần tra đang lùng tìm cô và đám bạn đua.

Giờ đây, ngồi sau tay lái chiếc RRV[49] của IRD – một chiếc wagon chuyên phục vụ cho công tác khám nghiêm hiện trường – cô đạp mạnh chân ga, nghiêng vai hẳn qua một bên và vượt một chiếc xe thùng có gắn hình một con mèo Garfield lộn ngược ở cửa kính phía sau. Rồi quặt tay lái rẽ vào con đường dẫn cô đi sâu vào địa phận hạt Westchester.

Nhấc một tay lên khỏi vô lăng, cô cáu kỉnh luồn một ngón tay lên mái tóc và gãi gãi da đầu. Rồi cô lại nắm chặt lấy vòng vô lăng nhựa của chiếc RRV và đạp mạnh cần ga xuống cho đến khi cô lọt thỏm vào giữa nền văn minh ngoại ô của những dải cửa hàng thấp chạy dài, những tòa nhà thương mại nhếch nhác, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh nhượng quyền.

Cô đang nghĩ về bom, về Percey Clay.

Và cả về Lincoln Rhyme.

Hôm nay ở anh có điều gì đó rất khác thường. Điều gì đó rất ý nghĩa. Đến lúc này họ đã làm việc cùng nhau được một năm, kể từ khi anh bắt cóc cô khỏi một công việc buồn tẻ ở phòng Quan hệ công chúng để giúp anh bắt một tên giết người hàng loạt. Vào thời điểm đó cuộc sống của Sachs có thể nói là đang xuống dốc – một mối tình chẳng đi đến đâu và một vụ bê bối tham nhũng trong sở làm cô vỡ mộng đến nỗi chỉ muốn nộp đơn rời khỏi ngành cảnh sát. Nhưng Rhyme nhất định không để cô làm thế. Đơn giản vậy thôi. Mặc dù chỉ là một chuyên gia tư vấn dân sự, anh vẫn bố trí để cô được thuyên chuyển sang CS. Cô đã phản đối đôi chút nhưng cũng nhanh chóng gạt bỏ vẻ bề ngoài miễn cưỡng; sự thật là cô yêu công việc này. Và cô thích được làm việc với Rhyme, sự sắc sảo của anh vừa khiến người khác phải ngỡ ngàng, e sợ vừa – một sự thú nhận mà cô không dám chia sẻ với bất kỳ ai – quyến rũ khủng khiếp.

Như thế cũng không hoàn toàn có nghĩa là cô có thể hiểu thấu con người anh. Lincoln Rhyme là một người sống khép mình và anh không đời nào thổ lộ tất cả cho cô biết.

Hãy bắn trước…

Tất cả chuyện này là thế quái nào nhỉ? Về nguyên tắc thì bạn không bao giờ được nổ súng tại hiện trường vụ án nếu như có cách tránh để chuyện đó xảy ra. Chỉ cần đúng một phát súng thôi cũng đủ làm “bẩn” hiện trường vụ án với carbon, lưu huỳnh, thủy ngân, antimony, chì, đồng và arsenic. Phát súng bắn ra và tác động của nó có thể phá hủy những bằng chứng tối quan trọng. Ngay chính Rhyme cũng đã kể cho cô nghe về lần anh buộc phải bắn một tên hung thủ đang ẩn náu tại hiện trường, mối quan tâm lớn nhất của anh là phát súng đã làm hỏng hầu hết bằng chứng. (Và khi Sachs cứ đinh ninh là cuối cùng cô đã suy nghĩ thấu đáo hơn anh, nói, “Nhưng điều đó thì quan trọng gì chứ, Rhyme? Chẳng phải anh đã tóm được hung thủ còn gì?”, anh đã lạnh lùng chỉ ra một sự thật, “Nhưng nếu như hắn có tòng phạm thì sao, hử? Sau đó thì sao nào?”.)

Có điều gì khác biệt giữa tên Vũ công Quan tài, ngoài cái biệt danh ngu ngốc và thực tế là hắn có ranh ma hơn một chút so với một tên mafia gốc Ý hoặc một gã găngxtơ miền Tây điển hình?

Lại còn chuyện kiểm tra hiện trường tại hangar trong vòng một tiếng đồng hồ nữa chứ? Sachs có cạm giác anh đã đồng ý như vậy chỉ vì muốn chiều ý Percey. Điều đó hoàn toàn không giống con người anh chút nào. Bình thường Rhyme sẽ bắt niêm phong hiện trường nhiều ngày liền nếu anh thấy như vậy là cần thiết.

Những câu hỏi cứ trở đi trở lại trong đầu và Amelia Sachs vốn không thích những câu hỏi không có câu trả lời.

Mặc dù vậy cô cũng chẳng còn thời gian đâu mà phỏng đoán. Sachs đánh mạnh vô lăng chiếc RRV và rẽ ngoặt vào chiếc cổng lớn của sân bay khu vực Mamaroneck. Đó là một nơi bận rộn, nằm náu mình trong một khu vực có nhiều rừng cây rậm rạp của hạt Westchester, phía bắc Manhattan. Những hãng hàng không lớn cũng từng lập các chi nhánh bay dịch vụ ở đây – như United Express, American Eagle – nhưng hầu hết số máy bay đang đậu tại sân bay này đều là máy bay riêng của các công ty, tất cả đều không sơn biểu tượng hay tên riêng, có lẽ là vì lý do an ninh, cô đoán.

Tại lối vào có một số cảnh sát vũ trang của bang đang làm nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân của những ai ra vào. Tất cả đều há hốc mồm kinh ngạc khi cô tấp xe lại – trước mắt họ lúc này là một cô nàng tóc hung xinh đẹp lái một chiếc RRV khám nghiệm hiện trường của NYPD nhưng lại mặc quần jean xanh, áo khoác gió, đội chiếc mũ lưỡi trai bóng chày. Họ vẫy tay cho cô qua. Cô theo những tấm biển hướng dẫn tới thẳng Hudson Air Charters và nhận ra tòa nhà nhỏ xây bằng khung lắp ghép ở cuối một dãy terminal của các hãng hàng không thương mại.

Cô đỗ xe phía trước tòa nhà và nhảy xuống. Cô tự giới thiệu mình với hai nhân viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ canh gác hangar và chiếc máy bay màu nhũ bạc tuyệt đẹp bên trong. Cô hài lòng nhận thấy cảnh sát địa phương đã dựng hàng rào phong tỏa xung quanh khu vực hangar và cả thềm đế máy bay phía trước để giữ nguyên hiện trường. Nhưng cô thực sự nản khi nhận ra diện tích rộng mênh mông của khu vực đó.

Một giờ để kiểm tra ư? Có lẽ cô phải mất trọn vẹn một ngày ở đây mà chắc gì đã xong.

Cảm ơn nhiều nhé, Rhyme.

Cô vội rảo bước vào khu văn phòng.

Hơn chục người, cả nam lẫn nữ, một số người mặc trang phục công sở, một số người mặc đồ áo liền quần của công nhân. Hầu hết đầu trạc ngoài hai mươi hay ba mươi gì đó. Sachs thầm nghĩ họ đã từng là một nhóm thật trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết cho tới đêm qua. Giờ đây nét mặt ai cũng đều để lộ vẻ buồn bã khiến họ như già đi hàng chục tuổi.

“Ở đây có ai tên Ron Talbot không?” Cô hỏi và chìa tấm phù hiệu cảnh sát màu bạc của mình ra.

Người lớn tuổi nhất trong phòng – một phụ nữ khoảng ngoài năm mươi, với mái tóc xơ xác ngả màu hoa râm, diện một bộ vest trông rất lôi thôi – bước lại gần Sachs. “Tôi là Sally Anne McCay”, bà ta nói. “Tôi làm quản lý văn phòng ở đây. Ồ, mà Percey thế nào rồi?”

“Chị ấy vẫn ổn”, Sachs nói vẻ đề phòng. “Ông Talbot đang ở đâu?”

Một cô nàng ngăm đen khoảng ngoài ba mươi mặc một chiếc váy màu xanh nhàu nhĩ bước ra từ một phòng làm việc và choàng tay quanh vai Sally Anne. Người phụ nữ lớn tuổi nắm chặt bàn tay cô gái. ” Lauren, cô không sao chứ?”

Lauren, khuôn mặt sưng húp như một chiếc mặt nạ che đậy cơn khủng hoảng, hỏi Sachs, “Người ta đã biết chuyện gì xảy ra chưa?”

“Chúng tôi chỉ mới bắt đầu cuộc điều tra… Giờ thì cho hỏi ông Talbot ạ?”

Sally Anne lau nước mắt rồi liếc nhìn về phía một phòng làm việc trong góc. Sachs bước tới ngưỡng của. Bên trong là một người đàn ông to béo với cái cằm lớn lởm chởm râu ria cùng mái tóc bù xù muối tiêu. Ông ta đang dán mắt vào một chồng giấy vừa in từ máy tính ra, hơi thở hổn hển. Ông ta ngẩng đầu lên, một vẻ u sầu hiện trên khuôn mặt. Có vẻ như cả ông ta cũng vừa mới khóc.

“Tôi là sĩ quan Sachs”, cô nói. “Người của NYPD.”

Ông ta gật đầu. “Các cô đã tóm được hắn chưa?”, ông ta hỏi, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ như thể ông ta hy vọng sẽ nhìn thấy hồn ma của Ed Carney lượn lờ qua. Ông ta quay lại nhìn cô. “Kẻ giết người ấy?”

“Chúng tôi đang lần theo một số đầu mối.” Amelia Sachs, cảnh sát nhà nòi, sở hữu nghệ thuật trả lời lấp lửng không hề thua kém ai.

Lauren hiện ra ở ngưỡng cửa phòng Talbot. “Tôi không thể tin được là anh ấy đã ra đi”, cô ta thở hắt ra, giọng nói lộ rõ vẻ bàng hoàng. “Kẻ nào lại có thể làm một việc như vậy được? kẻ nào?” Là một cảnh sát tuần tra – cảnh sát hành động – Sachs đã không biết bao nhiêu lần phải làm cái việc báo tin dữ cho những người thân của nạn nhân. Cô không bao giờ quen được với sự tuyệt vọng mà cô nghe thấy trong giọng nói của những người thân và bạn bè còn sống.

“Lauren”, Sally Anne nắm lấy cánh tay đồng nghiệp. “Lauren, về nhà nào.”

“Không! Tôi không muốn về nhà. Tôi muốn biết kẻ khốn nạn nào đã làm chuyện này? Ôi, Ed…”

Bước sâu hẳn vào trong phòng làm việc của Talbot, Sachs nói, “Tôi cần sự giúp đỡ của ông. Dường như hung thủ đã gài quả bom bên ngoài máy bay, ngay dưới buồng lái. Chúng tôi phải tìm ra hắn đã làm thế ở đâu”.

“Bên ngoài ư?”, Talbot cau mày. “Bằng cách nào?”

“Dùng nam châm và keo dán. Chỗ keo còn chưa dính hoàn toàn trước khi vụ nổ xảy ra do vậy chắc chắn là nó được gắn lên máy bay không lâu trước khi cất cánh.”

Talbot gật đầu. “Bất kỳ điều gì tôi có thể làm. Nhất định rồi.”

Cô vỗ vào chiếc bộ đàm gắn bên hông. “Tôi sẽ liên lạc với sếp của mình. Anh ấy đang ở Manhattan. Chúng tôi cần hỏi ông vài câu.” Cô lấy chiếc bộ đàm hiệu Motorola ra, đeo tai nghe và bật mic.

“Được rồi, Rhyme, tôi đây. Anh có nghe thấy tôi nói không?”

Mặc dù hai người đang liên lạc qua tần số khu vực Tác chiến Đặc biệt và lẽ ra phải sử dụng mật danh và mật ngữ, theo đúng các thủ tục của Bộ Viễn thông, nhưng Sachs và Rhyme chẳng mấy khi bận tâm đến những quy tắc radio. Và lúc này thì càng không. Giọng nói của anh vang lên trong tai nghe, truyền qua, có Chúa mới biết, bao nhiêu vệ tinh cả thảy. “Rõ rồi. Có vẻ cô cũng mất khối thời gian đấy nhỉ?”

Đừng có giục giã, Rhyme.

Cô hỏi Talbot, “Chiếc máy bay đã ở vị trí nào trước khi cất cánh? Cụ thể, khoảng một giờ, một giờ mười lăm phút?”.

“Trong hangar”, Talbot nói.

“Theo ông thì liệu có thể hắn đã tiếp cận máy bay từ trong đó không? Sau quy trình – các ông gọi là gì ấy nhỉ? Khi phi công kiểm tra máy bay ấy?”

“Đi một vòng. Tôi nghĩ là cũng có thể.”

“Nhưng ở đó lúc nào cũng có người”, Lauren nói. Cơn nức nở tạm qua đi và cô ta đã lau khô nước mắt. Lúc này trông cô ta đã bình tĩnh hơn và đôi mắt ánh lên vẻ cương quyết thay cho nỗi tuyệt vọng.

“Xin lỗi, chị là ai?”

“Lauren Simmons.”

“Lauren là trợ lý giám đốc điều hành của chúng tôi”, Talbot nói. “Cô ấy làm việc cho tôi.”

Lauren nói tiếp, “Chúng tôi đã làm việc cùng với Stu – tay thợ cơ khí trưởng của chúng tôi, nguyên thợ cơ khí trưởng của chúng tôi thì đúng hơn – để sửa sang lại chiếc máy bay, lúc nào cũng có người làm việc 24/24. Nếu có bất kỳ ai lại gần chiếc máy bay chắc chắn chúng tôi đã nhìn thấy.”

“Vậy là”, Sachs nói, “hắn gài bom sau khi chiếc máy bay đã rời khỏi hangar.”

“Sắp xếp theo trình tự thời gian!”, giọng Rhyme lại vang lên trong tai nghe. “Chiếc máy bay đã ở đâu kể từ khi nó rời khỏi hangar cho đến khi cất cánh?”

Sau khi cô nhắc lại câu hỏi này Talbot và Lauren dẫn cô sang một căn phòng họp. Trong đó để đầy những biểu bảng, sơ đồ, lịch công tác, hàng trăm cuốn sách, sổ ghi chép và những chồng giấy dày cộp. Lauren trải rộng một tấm bản đồ lớn của sân bay. Trong đó có cả nghìn con số và những ký hiệu mà Sachs không hiểu nổi, mặc dầu những tòa nhà và đường đi được hiển thị rất rõ ràng.

“Không chiếc máy bay nào được di chuyển lấy một inch”, Talbot giải thích bằng cái giọng nam trung cộc lốc của mình, “trừ khi được Kiểm soát Mặt đất cho phép. Charlie Juliet được…”.

“Cái gì cơ? Charlie…?”

“Đó là số hiệu của chiếc máy bay. Chúng tôi thường gọi tên máy bay bằng hai chữ cái cuối cùng trong số đăng ký. CJ. Vì thế chúng tôi gọi nó là Charlie Juliet. Nó được chất hàng lên trong hangar ở chỗ này…” Ông ta gõ lên mặt bản đồ. “Chúng tôi chất hàng xong…”

“Khi nào?” Rhyme hét tướng lên, to đến nỗi cô cũng không lấy làm ngạc nhiên nếu như Talbot nghe thấy. “Chúng ta cần thời gian! Những mốc thời gian chính xác.”

Quyển nhật trình trên chiếc Charlie Juliet đã bị cháy thành tro còn cuốn băng ghi mốc thời gian theo quy định của FAA còn chưa được phân tích xong. Nhưng Lauren kiểm tra những hồ sơ nội bộ của công ty. “Đài Kiểm soát Không lưu Sân bay cho phép họ tiến ra đường băng lúc bảy giờ mười sáu phút. Và họ thông báo gấp bánh xe lên lúc bảy giờ ba mươi.”

Rhyme cũng đã nghe thấy. “Mười bốn phút. Hỏi họ xem có lúc nào máy bay vừa khuất khỏi tầm nhìn và dừng lại trong khoảng thời gian đó không?”

Sachs hỏi theo hướng dẫn và Lauren trả lời, “Có lẽ là ở đây”. Cô ta chỉ.

Một đoạn đường dẫn máy bay hẹp dài khoảng 200 feet. Dãy hangar đã che khuất nó khỏi phần còn lại của sân bay. Cuối đoạn đường dẫn này là một điểm giao nhau hình chữ T.

Lauren thốt lên, “Ôi, và đó là một khu vực No Vis của ATC”.

“Đúng rồi”, Talbot nói, như thể đó là một thông tin rất có ý nghĩa.

“Dịch ra!”, Rhyme hét lên.

“Nghĩa là gì?”, Sachs hỏi.

“Tức là khuất khỏi tầm quan sát của Đài Kiểm soát Không lưu”, Lauren trả lời. “Một điểm mù.”

“Đúng rồi”, giọng nói reo lên trong tai nghe của cô. “Tốt lắm, Sachs. Niêm phong và kiểm tra. Giải phóng chiếc hangar.”

Cô quay sang Talbot và nói, “Chúng tôi sẽ không cần phiền đến chiếc hangar nữa. Tôi sẽ cho nó mở cửa trở lại. Nhưng tôi muốn cho phong tỏa đoạn đường băng kia. Ông có thể gọi cho Đài Kiểm soát Không lưu của sân bay được chứ? Họ có đường dẫn dự phòng không?”.

“Tôi có thể”, ông ta nói với vẻ nghi ngại. “Họ sẽ không thích chuyện này đâu.”

Cô nói, “Nếu có bất kỳ vấn đề gì, cứ bảo họ gọi cho Thomas Perkins, người phụ trách Văn phòng FBI khu vực Manhattan. Anh ta sẽ giải quyết mọi chuyện với Trụ sở chính của FAA.”

“FAA? Ở Washington ư?”, Lauren hỏi.

“Đúng nó đấy.”

Talbot gượng cười. “Thôi, được rồi.”

Sachs dợm bước về phía cửa, rồi bất chợt dừng lại, nhìn ra không gian sân bay tấp nập. “Ôi, mà tôi còn có môt chiếc xe”, cô nói với Talbot. “Có điều gì đặc biệt mà ông phải làm khi lái xe loanh quanh sân bay không?”

“Có đấy”, ông ta nói, “cố gắng đừng có đâm vào chiếc máy bay nào cả”.

Chú thích

[48] Hoa liên kiều, hay còn gọi là hoa đầu xâu, tên khoa học là Forsythia suspensa Vahl, một loại cây thuộc họ Nhài (Oleaceae).

[49] RRV (viết tắt của Rapid Response Vehicles): Những chiếc xe phản ứng nhanh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN