Vụ Giết Người Bí Ẩn - Chương 16
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
146


Vụ Giết Người Bí Ẩn


Chương 16


Nguyên lãnh đạo phòng thí nghiệm của cảnh sát ở Paradise City là Harry Meadows, một người đàn ông cao gầy và đã ở tuổi xấp xỉ thất tuần. Khi ông về hưu, đại tá Parnell đã đề nghị ông lãnh đạo phòng thí nghiệm của hãng, một phòng thí nghiệm được trang bị cũng không kém phần hiện đại. Meadows đã không bỏ lỡ cơ hội đó. Ông đã từng nổi tiếng là một bác sĩ giỏi nhất ở Florida và mặc dù tuổi cao, ông vẫn là một chuyên gia cự phách mà người kế vị ông ở phòng thí nghiệm của Sở cảnh sát vẫn thường xuyên phải tới tham khảo ý kiến.

Tôi tới đúng lúc Meadows đang ngồi trên một chiếc ghế đẩu lớn, mắt dán vào kính hiển vi.

Tôi từ Searle phóng thẳng đến đây mang theo hộp đùi ếch.

– Chào bác Harry, tôi lao vào như cơn gió. – Cháu có việc nhờ bác đây. (Ông ra hiệu cho tôi lùi xa ra, mắt vẫn không rời kính hiển vi). Bác Harry! Việc gấp và quan trọng lắm.

Ông thở dài, quay người trên ghế và mỉm cười với tôi.

– Bọn trẻ các cậu lúc nào mà chả gấp. Có chuyện gì vậy nào?

Tôi rút ví lấy ra túi nylon nhỏ và đặt trên bàn ông.

– Bác có thể phân tích giúp cháu cái này, được không? Về nguyên tắc đây là một nguyên liệu để pha nhanh nước chấm ăn cùng với món đùi ếch.

– Thật hả? Một ý tưởng tuyệt vời nếu thứ nước chấm này là ngon thật. Bác cũng khoái món đùi ếch lắm. Cháu tìm đâu ra cái của quý này, Dirk?

– Rất có thể đây không phải là nước chấm đâu, bác Harry ạ. (Tôi nói rồi bước nhanh ra cửa). Cháu rất gấp. Cháu sẽ ngồi đợi ở văn phòng. Bác có thể gọi điện cho cháu chứ ?

Ông gật đầu và cầm lấy cái túi. Về tới văn phòng, tôi thấy Chick Barley không có nhà. Trong suốt hành trình từ Searle về Paradise City tôi đã suy nghĩ xong xuôi về bản báo cáo mà tôi sẽ phải trình cho đại tá Parnell. Tôi ngồi xuống và lấy máy chữ ra gõ. Vừa mới gõ được một nửa thì Harry gọi điện tới.

– Tới đây ngay, Dirk, – ông nói cụt lủn.

Tôi để bản báo cáo trên máy và chạy theo hành lang dài dẫn đến phòng thí nghiệm.

– Chuyện này là thế nào ? – Harry hỏi tôi bằng một giọng nghiêm khắc. – Cậu đã tìm thấy nó ở đâu?

Tôi đóng cửa và bước tới gần ông.

– Nó chứa gì ạ?

– Năm mươi phần trăm là heroin tinh khiết và năm mươi phần trăm là glucô.

– Chính cháu cũng đã ngờ như thế. Bác có biết giá thị trường là bao nhiêu không?

– Một túi như thế này có giá ba trăm đôla.

Tôi nhẩm tính nhanh trong óc. Mỗi hộp một túi, mỗi các-tông hai hộp và khoảng năm trăm hộp các-tông. Vị chi một xe hàng trị giá ba trăm ngàn đô. Nếu mỗi tháng giao một xe (nhưng chắc là hơn), thì trong trường hợp này, Weatherspoon sẽ kiếm ba triệu sáu trăm ngàn đô một năm.

– Bác nắm chắc giá ấy chứ, bác Harry?

Ông gật đầu.

– Đây là sản phẩm chất lượng tuyệt hảo. Văn phòng chống ma túy hàng tháng đều có gửi cho bác các con số. Túi này trị giá ba trăm đô.

– Cám ơn bác Harry. Cháu đang bận thảo báo cáo gửi đại tá. Cháu chưa thể nói hết với bác được. Bác cứ giữ cho cháu túi bột đó. Sau này có thể dùng làm vật chứng.

Tôi chia tay ông và chạy về văn phòng để hoàn tất bản báo cáo. Xong xuôi, tôi cho vào phong bì, rồi mang theo cả hộp các-tông chứa hộp đùi ếch tới gặp Glenda Kerry.

Glenda là trợ lý riêng của đại tá. Cao lớn, da nâu, xinh đẹp, tuổi ngoài ba mươi, mái tóc uốn miễn chê, ăn mặc nghiêm chỉnh, cô có vẻ ngoài đúng như con người thật của mình: hiệu quả và đầy tham vọng.

Khi tôi bước vào văn phòng, Glenda đang ngồi lật giở hồ sơ.

– Chào Glenda! (Tôi đặt hộp các-tông lên bàn). Chị làm ơn cất giùm cái hộp vào tủ sắt. Giá đắt lắm đấy. Và cả cái phong bì này nữa.

– Cái gì thế này? Anh vẫn theo đuổi vụ Jackson đấy à?

– Tất nhiên rồi. Đại tá giao cho tôi làm chuyện này và tôi đang làm.

– Anh tiêu nhiều tiền quá rồi đấy. (Glenda luôn luôn đánh giá kết quả theo số tiền chi phí). Anh từ đâu về thế?

– Tất cả ở trong bản báo cáo này. Nhưng gửi cho đích thân đại tá đấy nhé. Đây là một vụ lớn, Glenda ạ. Chớ có mà thọc những ngón tay xinh xẻo của chị vào đấy.

Chị ta nhún vai.

– Bây giờ anh đi đâu?

– Ngày mai khi đại tá quay về, chị sẽ biết. Ngày mai ông ấy về, phải không?

– Ông ấy nhắn thế. Từ khi ông ấy đi Washington tôi chẳng nhận được tin tức gì.

– Thôi, nhờ chị cất cái hộp các-tông và cái phong bì vào tủ sắt cẩn thận hộ.

Tôi chào Glenda rồi đi ra, nhưng vừa tới hành lang thì gặp Terry OBrien từ thang máy bước ra.

– Dirk, mình có tin cho cậu đây.

Chúng tôi vội vã về căn phòng của tôi.

OBrien đúng là tạng người Ailen: vóc dáng như lực sĩ, người thấp hơn trung bình, mũi tẹt, nụ cười vui vẻ và đôi mắt xanh lanh lợi.

– Cậu đã tìm được gì vậy, Terry?

– Bà Phyllis Stobart. Tên thời con gái: Phyllis Lowery. Tuổi: bốn hai’

OBrien đọc dõng dạc cho tôi ghi vào sổ. – Tyson đã cung cấp cho mình những thông tin này, có thể nó sẽ có ích cho cậu.

Ritchie Tyson là người đứng đầu một hãng thám tử tư nhỏ nhưng rất uy tín ở Jacksonville và chúng tôi đôi khi vẫn giúp đỡ nhau. Tôi nhăn mặt.

– Thế anh ta đòi bao nhiêu?

– Mình đã bắt anh ta hạ giá xuống còn một trăm đô. (OBrien nhìn tôi vẻ dò hỏi). Thế được không?

– Tất cả còn phụ thuộc vào những điều anh ta cung cấp cho cậu.

– Theo Tyson, khoảng bốn mươi năm trước, ông bà Lowery do không có con nên đã nhận một bé gái làm con nuôi. Lowery, là một trong số những người đàn ông rất đáng kính, lãnh đạo một hãng du lịch rất phát đạt. Phyllis – tên đứa con gái nuôi – đến ở với họ khi đã được bốn tuổi. Người ta không biết bố mẹ cô bé là ai. Phyllis bị bỏ rơi trước cửa văn phòng chuyên lo các thủ tục về việc nhận con nuôi. Quả thật, vợ chồng ông Lowery đã không gặp maỵ Lớn lên, cô bé rất trái tính trái nết: chẳng học hành gì, chỉ chạy theo lũ con trai. Lại còn ăn cắp trong các cửa hàng tự chọn, thường xuyên có chuyện với cảnh sát, và đủ thứ chuyện đại loại như vậy. Vẫn theo Tyson, gia đình Lowery chẳng thiếu thứ gì, nhưng họ không hạnh phúc. Đứa con nuôi trở thành kẻ phạm pháp. Nó đã phải ngồi bóc lịch trong tù một thời gian, rồi bỏ trốn, lại bị bắt lại và cuối cùng, cũng được tha về. Hồi đó nó khoảng mười bảy tuổi. Một tuần sau khi trở về nhà Lowery, nó lại bỏ đi. Gia đình buộc phải báo với cảnh sát, mặc dù chẳng có gì thương tiếc việc bỏ đi của nó. Cảnh sát cũng tiến hành tìm kiếm, nhưng không có kết quả. Và rồi, một tối, khoảng một chục năm trước, con bé lại trở về nhà Lowery. Họ đã kể với Tyson – anh ta là bạn họ và vừa mới mở hãng – rằng không sao nhận ra con bé nữa. Nó dữ dằn và thô lỗ khiến cặp vợ chồng già thấy sợ. Nó yêu cầu phải đưa cho nó năm trăm đô. Nghĩ rằng nó đang phải trốn tránh, nên họ đã đưa tiền và nó đi ngay. Rồi từ đó không thấy dấu vết gì nữa. Ông bà Lowery mất đã lâu. Tin tức đầu tiên mà người ta biết về Phillis sau này là đám cưới của cô ta với Stobart năm ngoái.

– Nghĩa là cô ta đã mất hút trong vòng mười hai năm?

– Đại khái như vậy.

– Mất tích như thế kể cũng hơi bị lâu, phải không? (Tôi ngẫm nghĩ). – Terry này, cậu giúp mình đến Secomb tìm hiểu về hãng chuyên cung cấp vũ nữ thoát y cho các hộp đêm nhé. Mình cần một bức ảnh, đó là Stella Costa, người đã làm việc một số năm ở Câu lạc bộ Skin. Bà ta sống ở nhà số 9 phố Macey. Hãy kể rằng bà ta vừa đươc hưởng một tài sản thừa kế nhỏ. Nói chung sẽ chẳng có gì khó khăn đâu. Nhưng nên nhớ là không được đặt chân vào Câu lạc bộ Skin đâu đấy nhé. Cậu hiểu chứ?

– Đồng ý. Mình sẽ đi làm cho cậu. (Nói rồi Terry đi ra).

Tôi ở lại mấy phút gõ thêm phần báo cáo của OBrien và đưa đến cho Glenda.

– Đây là các nguồn tin khác thêm vào bản báo cáo của tôi gửi cho đại tá, – tôi nói.

Glenda ngả người trên lưng ghế.

– Tôi vừa được biết đại tá đã trở về Washington. Và thứ hai tuần sau mới về đây, – cô ta nói và cầm lấy bản báo cáo.

– Thật là một tin tuyệt vời! Thế là tôi còn những năm ngày nữa.

Chia tay Glenda tôi chạy vội ra chỗ đỗ xe. Cần phải tới gặp Howard và Benbolt. Trên đường tôi dừng xe ăn một chiếc bánh nhồi thịt băm và một cốc bia. Tôi đến văn phòng Benbolt vào lúc hơn hai giờ chiều.

Bà già to béo ngồi trực nhìn tôi đầy vẻ nghi ngờ.

– Tôi muốn gặp ông Benbolt, – tôi nói.

– Anh có hẹn trước à? Hình như anh là Wallace, phải không ?

– Tên tôi thì đúng, nhưng hẹn trước thì không. Ông ấy nhất định sẽ tiếp tôi.

– Ông Benbolt vừa mới đi ăn trưa về.

– Thì tôi cũng mới ăn trưa xong. (Tôi mỉm cười với bà già). Bà cứ làm ơn báo với ông ấy là tôi đang có mặt ở đây.

Bà ta lườm tôi một cái rồi ấn nút.

– Thưa ông Edward, có ông Wallace ở hãng Parnell đang đợi, – bà ta thông báo.

– Cho ông ấy vào gặp tôi ngay, – tôi nghe rõ giọng nói chân thành của Benbolt.

Bà già nhìn tôi.

– Tôi nghĩ chắc là ông đã biết đường vào.

– Vâng, cửa thứ ba bên phải hành lang.

Bà già không thèm đáp lại, làm ra vẻ chúi mũi vào tập hồ sơ. Tôi cảm thấy thương bà ta. Bà ta đã già lại béo và chắc là chẳng có ai yêu thương. Chút ít quyền lực mà bà ta có được để bảo vệ ông chủ của mình cũng đang mất dần. Chả còn bao lâu nữa, bà ta sẽ phải một thân một mình sống ở một căn phòng thuê với một con mèo làm bạn.

Edward đang ngồi sau bàn với gương mặt đỏ au có vẻ no saỵ Ông ta nở một nụ cười chuyên nghiệp chào tôi, rồi đứng dậy bắt tay và ra hiệu mời tôi ngồi xuống.

– Thế nào, ông Wallace, – ông ta nói sau khi chúng tôi đã yên vị. – Ông có tin tức gì mới không?

– Về chuyện gì mới được chứ ? – Tôi hỏi.

– Trong cuộc gặp gỡ của chúng ta lần trước, ông có nói rằng ông đang tìm đứa cháu nội của Frederick Jackson, phải vậy không ? (Tôi hiểu rằng chất cay của bữa ăn trưa vẫn đang làm cho đầu óc ông ta còn lơ mơ).

– Theo lần gặp nhau trước thì chính ông mới là người đang tìm Johnny chứ đâu phải tôi. Ông có nhận được tin tức gì từ những thông báo đăng trên báo không?

– Không nhận được gì cả. Theo lệnh của ông Weatherspoon chúng tôi đã chấm dứt việc tìm kiếm. Hỏi để biết vậy thôi, thế ông đã tìm được thằng bé chưa? (Ông ta mở nắp hộp thuốc). – Ông hút một điếu chứ?

– Tôi chưa tìm thấy, nhưng vẫn tiếp tục tìm. Không, cám ơn ông.

Benbolt chọn một điếu, cắt đầu rồi châm hút.

– Một nhiệm vụ khó đấy.

– Ông đã biết chuyện gì xảy ra với Weatherspoon chưa?

Gương mặt ông ta lạnh băng tới mức mà một gã đô tùy cũng phải kính nể.

– Rồi. Tôi mới biết sáng nay. Thật là một bi kịch! Ông ta còn trẻ thế mà…

– Chẳng có ai sống mãi được. Đời là thế mà, – tôi nói và rút thuốc lá châm hút. – Tôi nghĩ chắc ông sẽ là người quản lý tài sản của Weatherspoon chứ?

– Đúng vậy.

Tôi chờ đợi. Nhưng có vẻ như ông ta quan tâm tới điếu xì gà hơn là Weatherspoon.

– Có một nhà máy đóng hộp ếch và một cửa hàng thực phẩm, – tôi nói. Và sau đó còn tiền bạc nữa.

– Tôi những tưởng là ông chỉ được giao tìm thằng cháu nội của Jackson. Nhưng hôm nay mới vỡ lẽ là ông còn tìm kiếm cả những thông tin có liên quan tới tài sản của ông Weatherspoon nữa kia đấy. Chuyện này đâu có liên quan gì tới việc điều tra của ông. Tôi không có thời giờ để tiếp ông thêm nữa.

– Ông đã bao giờ tới Searle chưa, ông Benbolt?

– Searle ấy à? Chưa một lần trong đời.

– Xin ông một phút, – tôi nói và mỉm cười cởi mở và thân thiện. Tôi đã tiến hành điều tra ở Searle để tìm kiếm Johnny Jackson. Và tôi phát hiện được những bằng chứng mà nếu Weatherspoon còn sống, ông ta cầm chắc sẽ ngồi bóc lịch không dưới mười lăm năm.

Ông ta há hốc mồm nhìn tôi.

– Những bằng chứng nào?

– Tôi chưa thể nói với ông chừng nào tôi chưa kết thúc điều tra và báo cáo với đại tá Parnell để ông ấy giao vụ này cho cảnh sát bang. Nhưng tôi có thể đảm bảo với ông rằng tôi không đùa đâu. Với một chút kiên nhẫn nữa tôi cũng có thể biết được tài sản của Weatherspoon lên tới bao nhiêu. Nhưng thời gian quá gấp, tôi hy vọng ông sẽ hợp tác với chúng tôi.

– Ông muốn nói rằng ông Weatherspoon là một tên tội phạm?

– Ông ta là trung tâm của một mạng lưới buôn bán ma túy. Hiện tại tôi chỉ có thể nói với ông như vậy.

– Lạy Chúa! – Benbolt để rơi cả tàn thuốc trên chiếc áo gilê đắt tiền. – Ma túy?

– Chuyện này tạm thời chỉ giữa hai chúng ta. Tài sản của Weatherspoon cỡ bao nhiêu?

– Cỡ nửa triệu. Nhưng tất cả còn phụ thuộc vào chuyện nhà máy và cửa hiệu thực phẩm sẽ được bán với giá bao nhiêu. Nói thực tình, tôi đã rất ngạc nhiên về nguồn lợi mà cái máy đó mang lại. Dây dưa với ma túy, thật là một chuyện khủng khiếp. Tôi nghĩ ông hiểu về điều ông vừa nói đấy chứ?

– Tôi đã có đủ những bằng chứng cần thiết. Nhưng ông ta không phải là người duy nhất can dự vào vụ này, vì vậy tôi còn phải tiếp tục điều tra.

Benbolt nhặt điếu xì gà lên và khi thấy nó đã tắt, ông ta bật lửa châm lại.

– Tôi quả thật không hiểu. Làm sao mà một nhà máy đóng hộp đùi ếch lại có quan hệ với ma túy được?

– Đây là thủ đoạn lá nho rất khôn khéo.

– Ý ông muốn nói gì?

– Nhà máy đóng ếch chỉ là tấm bình phong che đậy của Weatherspoon. Ai sẽ là người kế thừa tài sản của ông ta?

Benbolt ngồi lặng một phút nhìn điếu xì gà, vẻ lưỡng lự rồi nhún vai.

– Do tất cả những điều ông vừa thông báo cho tôi, hơn nữa thân chủ tôi cũng đã chết rồi, để giúp cho công việc điều tra của ông, tôi nghĩ sẽ không phải là tiết lộ bí mật nghề nghiệp nếu tôi cho ông biết những điều đã xảy ra một tuần trước đây. Ông Weatherspoon đã tới tìm tôi, – Benbolt nói tiếp. – Trông ông ta có vẻ không được bình thường. Có cảm tưởng rằng như ông ta đang ốm hay mất ngủ. Đó là điều ít khi xảy ra với ông ta. Ông ta nói với tôi rằng ông ta sẽ thôi không kinh doanh nữa. Quyết định của ông ta khiến tôi ngạc nhiên, vì ông ta chưa tới năm mươi. Weatherspoon muốn tôi bán tất cả các cổ phiếu của ông ta. Tôi có nói với ông ta rằng giá cả trên thị trường chứng khoán đang rất hạ, nhưng ông ấy nói rằng ông cần tiền mặt ngay. Ông cũng đề nghị tôi bán luôn cả cửa hàng thực phẩm ở Searle với giá nào mà tôi có thể. Tôi đánh hơi thấy ngay và có linh cảm rằng thân chủ tôi đang chịu một áp lực rất lớn. Tôi hỏi ông ta có ý định bán nhà máy đóng hộp không thì ông ta trả lời gắt rằng việc ấy để tự ông ta lo. Khi đó tôi bèn đặt một câu hỏi mà tôi cứ bận tâm từ khi ông ấy là thân chủ của tôi. Tôi nhắc ông ta là chưa thảo di chúc. Ông ta đáp ngay rằng ông không có gia đình và chẳng cần phải làm di chúc. Tôi cũng cho ông ta biết nếu một thân chủ của tôi có tài sản tới nửa triệu đô mà chết đột tử sẽ để lại rất nhiều điều về mặt pháp lý. Ông ta bảo tôi rằng ông không hề nghĩ tới chuyện đó. Rồi ông ta nói thêm, ông muốn toàn bộ tài sản của ông và cả cửa hàng thực phẩm nữa sẽ thuộc về cái cô Peggy nào đó ở Searle.

– Ông ta có giải thích gì với ông không? – Tôi hỏi.

– Tôi có hỏi cô Peggy là ai. Thì ông ta trả lời rằng đó là tình nhân của ông ta và ông ta đã cư xử không tốt với cô ấy. Vả lại ông không có ai để kế thừa thì tại sao lại không phải là cô ấy? Rồi ông ta nhếch mép cười mà bảo rằng nói thế thôi chứ ông ta đâu đã có ý định chết. Nhưng nếu ông ta chết, thì ông ta muốn Peggy sẽ được kế thừa tất cả. Như vậy là cô Peggy sẽ được hưởng thừa kế ít nhất là nửa triệu đôla.

– Thế cô ấy đã biết chưa?

– Thì ông Weatherspoon chỉ vừa mới mất hôm qua. Phải đợi cho tới lúc bản di chúc có hiệu lực đã chứ. Tôi có ý định tuần này sẽ tới Searle báo cho cô ấy biết.

– Thế còn nhà mấy ếch? Nếu có ai đó mua thì liệu số tiền bán được có nằm trong tài sản của Weatherspoon và cô Peggy có được hưởng không?

– Tất nhiên.

– Nhưng nếu giả dụ như ông ta bán nhà máy thì ông liệu có biết không?

– Không. Nhưng ngay khi bản di chúc có hiệu lực, tôi sẽ tới nhà máy để xem có chuyện gì xảy ra.

– Nhà máy không lâu nữa sẽ được bán. Ông phải theo dõi thật sát sao, ông Benbolt ạ. Ông nói rằng ông Weatherspoon đã mang hết giấy tờ có liên quan tới nhà máy đi. Thế bây giờ chúng ở đâu?

– Tôi cũng không biết. Để tôi hỏi ngân hàng của ông ta xem.

– Ông sẽ làm điều đó và báo cho tôi biết chứ?

– Tôi sẽ báo. Có thực sự là ông muốn nói rằng ông Weatherspoon là kẻ buôn bán ma túy?

– Đúng vậy.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN