Vụ Giết Người Trên Sân Golf
Chương 20: Lời khẳng định khác thường
Poirot đứng phắt dậy và hôn má tôi.
– Có thế chứ! Anh đã đoán ra! Và hoàn toàn độc lập. Thật tuyệt! Hãy suy luận tiếp đi. Anh đang đi trên con đường đúng. Chúng ta đã mắc sai lầm lớn khi quên mất George Conneau.
Tôi bị xiêu lòng vì những lời khen của con người nhỏ bé này đến mức không thể thốt lên một lời nào. Nhưng sau đó tôi đã tập trung tư tưởng và tiếp tục.
– Georges Conneau đã biến mất 20 năm trước đây, song chúng ta không có lý do để nghĩ rằng ông ta đã chết.
– Hoàn toàn đúng – Poirot đồng ý – Xin mời tiếp tục.
– Do đó, cần giả định rằng ông ta còn sống.
– Hoàn toàn đúng.
– Hoặc là ông ta còn sống cho đến gần đây.
– Anh suy nghĩ ngày càng khá hơn.
– Ta giả thử – tôi tiếp tục với nhiệt tình ngày một tăng – rằng trong thời gian gần đây ông ta lâm vào hoàn cảnh nghèo khổ. Ông ta đã trở thành một kẻ phạm tội, một tên ăn cướp, du đãng hoặc một kẻ đại loại như vậy. Ngẫu nhiên hắn đến Merlinville và gặp lại người đàn bà mà hắn vẫn yêu tha thiết.
– Đừng đa cảm, Hastings – Poirot nhắc nhở.
– “Ở đâu có tình yêu thì ở đấy có căm thù” – tôi nhắc lại câu nói đã được đọc ở đâu đó – Trong bất kỳ trường hợp nào, Georges Conneau cũng nhận ra được người tình cũ nay mang một cái tên giả. Nhưng người đó đã có tình nhân mới là ông Renauld giàu có. Những niềm say mê đã tắt nay lại bùng lên trong Conneau và hắn đã cãi nhau với ông Renauld. Hắn rình ông Renauld khi ông này đến thăm tình nhân và đã giết ông ta bằng nhát dao đâm vào lưng. Sau đó sợ hãi trước việc mình đã làm, hắn bắt đầu đào huyệt. Có thể cho rằng lúc đó bà Daubreuil ra gặp người tình cũ của mình. Giữa bà ta và Conneau diễn ra một cuộc cãi vã kịch liệt. Hắn kéo bà Daubreuil vào nhà kho, nhưng tại đây hắn bất ngờ lên cơn động kinh và chết gục. Trong lúc đó Jack Renauld xuất hiện, bà Daubreuil kể cho Jack nghe tất cả những chuyện xảy ra và giải thích cho anh ta hiểu rằng con gái bà sẽ chịu những hậu quả nặng nề như thế nào nếu quá khứ bê bối của họ lộ ra. Kẻ giết cha Jack đã chết, nhưng họ cần phi tang. Bà Daubreuil nêu lên câu chuyện hoang đường về những người rậm râu, Jack Renauld đồng ý và về nhà hỏi ý kiến mẹ. Bà Renauld chấp nhận kế hoạch của họ và quyết định tự nhét giẻ vào mồm và tự trói tay chân mình. Vậy, Poirot, anh nghĩ gì về điều đó?
Tôi ngã người ra sau, tự hào về những phỏng đoán có kết quả của mình.
Poirot nhìn tôi đăm chiêu.
– Tôi nghĩ anh nên viết cho nhà làm phim, anh bạn thân mến ạ – cuối cùng anh bình luận.
– Anh muốn nói rằng…
– Tôi muốn nói là sẽ làm được một bộ phim tốt dựa theo câu chuyện anh trình bày với tôi vừa rồi. Nhưng câu chuyện đó hoàn toàn không giống những gì xảy ra trong thực tế.
– Tôi thừa nhận là mình có thể chưa tính đến mọi chi tiết, nhưng…
– Tôi có thể nói rằng anh đả khéo xoay xở đến kỳ lạ để nói chung không chú ý đến các chi tiết đó. Thế anh sẽ nói gì về quần áo của những người bị giết? Hay anh cho rằng sau khi giết nạn nhân của mình rồi, Conneau mới cởi quần áo của ông ta và mặc vào mình, sau đó cắm dao vào vết thương?
– Tôi không hiểu điều đó có ý nghĩa gì – tôi tuyên bố tương đối tự tin – Hắn có thể có quần áo và tiền nhờ những lời đe dọa từ trước đó với bà Daubreuil.
– Đe dọa à? Hừ! Anh nghiêm túc nêu ra giả thiết ấy đấy chứ?
– Tất nhiên. Hắn có thể đe dọa là sẽ nói cho gia đình Renauld biết tên thật của bà ta, điều này có thể làm tiêu tan mọi hy vọng gả chồng cho cô con gái.
– Anh nhần rồi, Hastings ạ. Hắn không thể dọa tố giác bà ta, bởi vì chuôi dao do bà ta nắm. Anh hãy nhớ là Georges Conneau vẫn bị truy nã về tội giết người. Một tiếng nói của bà ta là Georges Conneau có thể bị chém.
– Giả thuyết của anh – tôi nhận xét có ác ý – rõ ràng có tính đến mọi chi tiết.
– Giả thuyết của tôi, đó là chân lý – Poirot nói bình tĩnh – Mà chân lý bao giờ cũng đúng. Trong lập luận của mình, anh phạm một sai lầm. Anh đã để cho óc tưởng tượng làm cho anh đi chệch đường bởi những cuộc gặp gỡ bí ẩn lúc nửa đêm và những cảnh yêu thương say đắm. Nhưng trong việc điều tra, chúng ta không thể dựa trên những điều vô vị. Anh có muốn tôi nói những phỏng đoán của tôi không?
– Ôi! Xin mời, hãy cho tôi có được niềm vui thích ấy.
– Tôi cũng sẽ bắt đầu từ nhân vật bị bỏ quên là Georges Conneau, như anh đã nghĩ. Vậy thì, câu chuyện huyền thoại về những “người Nga rậm râu” mà bà Belrody kể trước tòa theo sự thừa nhận chung chỉ là điều bịa đặt. Nếu bà ta không bị lôi kéo vào tội ác thì vì cớ gì bà ta cần bịa ra huyền thoại này? Đúng hơn cần giả định rằng, bà ta dù sao cũng là tòng phạm. Trong trường hợp này huyền thoại có thể do bà ta hoặc Georges Conneau nghĩ ra.
Trong vụ án mà ta đang điều tra lại xuất hiện câu chuyện về những người rậm râu như thế. Nhưng tôi đã nói với anh rằng, bà Daubreuil không quan tâm đến cái chết của ông Renauld, vì thế ít có khả năng bà ta tung ra câu chuyện này. Do đó chúng ta chỉ còn cách giả định là kế hoạch gây ra tội phạm mới nảy sinh trong đầu Georges Conneau. Như vậy là Georges Conneau đã mưu toan gây ra vụ giết người, còn bà Renauld trở thành tòng phạm của Conneau. Bà ta xuất đầu lộ diện, còn đằng sau bà ta là một nhân vật giấu mặt mà hiện nay chúng ta chưa biết tên thật là gì.
Ta hãy phân tích một lần nữa vụ giết ông Renauld từ đầu, bằng cách sắp xếp các sự kiện quan trọng theo trình tự thời gian. Anh có sổ tay và bút chì không? Tốt. Nào, sự kiện gì anh sẽ ghi đầu tiên đây?
– Bức thư gởi cho anh chăng?
– Đó là điều đầu tiên mà chúng ta biết. Nhưng đó không phải là sự mở đầu thích hợp với vụ án. Tôi có thể nói rằng sự kiện đầu tiên có ý nghĩa là sự thay đổi trong hành vi của ông Renauld khi ông mới đến Merlinville và được nhiều người làm chứng xác nhận. Đồng thời là phải chú ý đến tình bạn của ông ta với bà Daubreuil và số tiền lớn mà ông ta phải đưa cho bà ta. Từ đó chúng ta có thể chuyển thẳng sang ngày 23 tháng 5.
Poirot im lặng một lát, cất tiếng ho và ra hiệu cho tôi ghi:
23-5. Ông Renauld cãi nhau với con trai vì anh ta muốn cưới Marthe Daubreuil. Jack Renauld đi Paris.
24-5. Ông Renauld viết lại di chúc, để cho vợ quyền hoàn toàn sử dụng tài sản.
7-6. Cãi nhau với tên du đãng trong vườn có Marthe Daubreuil chứng kiến.
Bức thư viết cho ông Hercule Poirot yêu cầu giúp đỡ.
Bức điện gởi cho Jack Renauld ra lệnh cho Jack đáp tàu đi Buenos Aires.
Anh lái xe Masters được nghỉ phép và cho về nhà.
Một cô gái nào đó đến thăm Renauld vào buổi tối. Khi tiễn cô ta, Renauld nói: Được, được, nhưng lạy Chúa, bây giờ cô về đi…
Poirot im lặng một lát.
– Thế đấy, Hastings ạ, anh hãy xem xét mọi sự kiện có trình tự, suy nghĩ kỹ về những sự kiện đó, tách riêng từng sự kiện và liên kết chúng lại với nhau và anh có thấy vụ án này dưới ánh sáng mới không?
Tôi hết lòng cố gắng thực hiện điều Poirot nói. Sau một vài phút tôi bắt đầu không được tin tưởng lắm.
– Về điểm thứ nhất thì vấn đề có lẽ là ở chỗ đó, cái gì là nguyên nhân làm ông Renauld thay đổi mạnh như thế? Sự dọa tố giác hay là sự say mê bà Daubreuil?
– Nhất định là sự dọa tố giác. Anh đã nghe Stonor nói về tính cách và thói quen của ông ta.
– Bà Renauld không xác nhận quan điểm đó – tôi phản đối.
– Chúng ta đã thấy rằng không thể trông đợi vào sự xác nhận của bà Renauld một chút nào. Trong vấn đề này chúng ta phải tin Stonor.
– Dù sao đi nữa, nếu ông Renauld có quan hệ thân tình với người phụ nữ có tên là Bella thì không thể xảy ra và không tự nhiên trong việc ông ta có thể yêu bà Daubreuil.
– Đồng ý, Hastings, không có gì không tự nhiên. Nhưng có đúng thế không?
– Còn bức thư, Poirot ạ, anh quên bức thư.
– Không, tôi không quên. Nhưng tại sao anh nghĩ rằng bức thư gửi cho ông Renauld?
– Bởi vì nó được tìm thấy trong túi áo của ông ta và…
– Và hết – Poirot ngắt lời tôi – Trong thư không nhắc đến một cái tên nào cho thấy nó gởi cho ai. Chúng ta đã giả định rằng nó thuộc về người chết, bởi vì nó ở trong túi áo người đó. Nhưng, bạn thân mến, có cái gì đó trong cái áo này tôi thấy không bình thường. Tôi đã đo áo và nói rằng áo quá dài so với ông Renauld. Nhận xét đó phải làm anh suy nghĩ chứ.
– Tôi nghĩ rằng anh chỉ nói điều đó vậy thôi – tôi thú nhận.
– Thật là một ý nghĩ kỳ lạ! Sau này anh đã theo dõi tôi đo cái áo khoác của Jack Renauld. Thì ra chiếc áo này quá ngắn đối với anh ta. Hãy đối chiếu hai sự kiện này với sự kiện thứ ba, đó chính là việc Jack Renauld đi Paris trong tình huống lúc ra khỏi nhà rất vội vã, và anh hãy rút ra kết luận của xem.
– Tôi bắt đầu đóan ra – tôi nói chậm rãi – Bức thư là viết cho Jack Renauld, chứ không phải cho Paul Renauld. Trong lúc vội vã và hồi hộp anh ta đã lấy nhằm áo khoác.
Poirot gật đầu:
– Đúng! Chúng ta có thể quay lại vấn đề này sau. Lúc này ta tạm bằng lòng với giả thiết cho rằng, bức thư không có quen hệ gì đến ông Renauld và chuyển sang điểm tiếp theo.
– “23-5 – tôi đọc – Ông Renauld cãi nhau với con trai vì con trai muốn cưới Marthe Daubreuil. Jack Renauld đi Paris”. Tôi không thấy có thể rút ra điều gì ở đây. Sự thay đổi di chúc cũng có vẻ hoàn toàn hợp lý. Đó là kết quả trực tiếp của việc cãi nhau.
– Ý kiến của chúng ta trùng hợp nhau, anh bạn thân mến, ít ra là về nguyên nhân. Nhưng anh nói gì về động cơ thực sự là cơ sở của hành động nói trên của ông Renauld?
Tôi trợn tròn mắt vì ngạc nhiên:
– Lẽ tất nhiên là sự tức giận con trai.
– Dù sao thì ông ta cũng đã viết cho con trai ở Paris những bức thư nồng thắm.
– Jack Renauld nói thế, nhưng anh ta không thể cho xem những thứ đó.
– Được, ta hãy để cái đó lại.
– Bây giờ chúng ta phải sang ngày xảy ra tấn bi kịch. Anh đã sắp xếp các sự kiện xảy ra buổi sáng theo một trật tự xác định. Anh giải thích thế nào về những chuyện đó?
– Tôi thấy rõ là bức thư viết cho tôi được gởi đi cùng lúc với bức điện dành cho Jack. Masters được cho biết là anh ta có thể nghỉ phép ngay sau đó. Theo tôi, việc cãi nhau với tên du đãng xảy ra trước các sự kiện này.
– Tôi không nghĩ rằng anh có thể khẳng định điều này nếu không hỏi rõ thêm cô Daubreuil về những điều đó.
– Việc này chẳng cần. Tôi tin như vậy. Và nếu anh không hiểu điều này thì anh không hiểu gì cả, Hastings ạ.
Tôi bực mình nhìn Poirot một phút:
– Tất nhiên! Tôi là thằng ngốc. Nếu tên du đãng là Georges Conneau thì chính sau cuộc nói chuyện với Conneau, ông Renauld cảm thấy sự nguy hiểm. Ông ta cho người lái xe nghỉ phép vì nghĩ rằng anh ta đã bị mua chuộc, ông ta đã gởi điện cho con trai và gởi thư cho anh.
Nụ cười nửa miệng hiện ra trên môi Poirot.
– Anh không cảm thấy kỳ lạ việc ông ta sử dụng trong bức thư chính những cách nói mà bà Renauld sau đó đã sử dụng trong các lời khai của mình ư? Nếu việc nhắc đến Santiago là sự lừa dối thì ông Renauld nói đến điều đó để làm gì và ngoài ra lại sai con đến đó?
– Tôi công nhận điều đó là khó hiểu, nhưng có lẽ sau này chúng ta sẽ tìm được cách giải thích nào đó cho việc này. Bây giờ chúng ta chuyển sang buổi tối có một cô tiểu thư bí ẩn nào đó đến thăm ông Renauld. Tôi thú nhận là, nếu trong thực tế người đó không phải là bà Daubreuil như bà Francoise khẳng định, thì điều đó đặt tôi vào thế bí.
Poirot lắc đầu:
– Này anh bạn, những ý nghĩ của anh chập chờn nơi đâu? Hãy nhớ lại mẩu ngân phiếu và việc Stonor có quen cái tên “Bella Duveen”. Tôi nghĩ có thể xem Bella Duveen là tên họ của người viết thư cho Jack mà ta chưa rõ và chính cô ta đã thăm biệt thư Gienevieve đêm hôm đó. Cô ta định gặp Jack, hay ngay từ đầu đã nghĩ đến việc nói chuyện với bố anh ta, chúng ta không biết, nhưng tôi nghĩ, chúng ta có thể giả định rằng điều sau đó đã xảy ra. Cô ta nêu yêu cầu gặp Jack, có thể cô đã đưa cho xem cả những thư mà Jack viết cho cô và người cha định đút tiền bằng cách viết cho cô một ngân phiếu. Bella phẫn nộ xé tấm ngân phiếu. Bức thư của cô chan chứa tình yêu chân thành và có lẽ món tiền được đề nghị làm cô rất bực mình. Cuối cùng, ông Renauld đã thoát khỏi cô ta và ở đây câu nói của ông có ý nghĩa đặc biệt.
– “Được, được. Nhưng lạy Chúa, bây giờ cô về đi”. – tôi nhắc – Theo tôi, trong câu nói đó có chứa đụng một sự bực tức nhẹ, nhưng chỉ thế thôi.
– Như vậy cũng đủ rồi. Ông Renauld đã nổi cáu. Ông ta muốn cô gái về ngay. Tại sao? Không phải tại cuộc nói chuyện không thú vị, mà bởi vì ông ta vội, thời gian rất quý đối với ông ta…
– Nhưng tại sao chứ? – tôi phân vân hỏi.
– Tại sao à? Ta thử cùng nhau đoán điều đó. Hãy nhớ đến chiếc đồng hồ đeo tay. Có ai đã vặn chiếc đồng hồ nhanh lên hai giờ. Điều đó lại một lần nữa chứng tỏ rằng thời gian đóng một vai trò rất quan trọng trong vụ án này. Như vậy, Bella Duveen ra về lúc 10 giờ 30. Lúc này chúng ta đã tiến đến ngay gần tấn bi kịch mà theo tôi, có lẽ xảy ra ở quãng nào đấy trước lúc nửa đêm. Điều đó rút ra từ việc đối chiếu tờ khai của bà Renauld và sự chứng thực của chiếc đồng hồ đeo tay.
Chúng ta đã xem xét mọi sự kiện xảy ra trước vụ giết người. Nhưng còn một sự kiện vẫn chưa được tính tới – đó là cái chết của tên du đãng. Theo sự xác nhận của bác sĩ khám nghiệm tử thi, người này bị chết ít nhất 48 giờ trước đó và tối đa là 62 giờ. Dựa trên cơ sở đó và các sự kiện mà chúng ta đã thảo luận, tôi rút ra kết luận là tên du đãng chết sáng ngày 7-6.
Bị sửng sốt, tôi nhìn Poirot chằm chặp.
– Tôi không hiểu gì cả. Anh đã tính toán điều này như thế nào?
– Bởi vì chỉ có như vậy mới có thể giải thích một cách lôgic trình tự của các sự kiện. Anh bạn thân mến, tôi dẫn anh đi từng bước. Chẳng lẽ bây giờ anh không nhìn thấy một điều hết sức rõ ràng như vậy sao?
– Poirot thân mến, tôi chả thấy có gì là sáng tỏ cả. Trong thực tế, tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu một điều gì đó, nhưng bây giờ tôi lại hết sức lơ mơ. Lạy Chúa, anh hãy nói xem ai đã giết ông Renauld?
– Điều đó bản thân tôi hiện nay cũng chưa biết đích xác.
– Nhưng anh đã nói rằng anh thấy mọi chuyện đều sáng tỏ kia mà.
– Chúng ta không hiểu nhau. Đừng quên rằng chúng ta đang điều tra hai vụ án, trong vụ thứ nhất chúng ta đã có xác chết. Chà, đừng nổi giận. Tôi sẽ giải thích tất cả. Chúng ta còn quên chiếc hố mới đào trên sân gôn. Nhưng trước hết chúng ta hãy xem ba thời điểm khi ông Renauld bộc lộ sự thay đổi rõ rật trong lời nói và hành vi. Lần đầu tiên xảy ra ngay sau khi ông ta đến Merlinville, lần thứ hai sau khi cãi nhau với con trai, lần thứ ba sáng ngày 7-6. Bây giờ nói về nguyên nhân. Cbu1ng ta có thể cho nguyên nhân đều là việc gặp bà Daubreuil. Nguyên nhân thứ hai liên quan đến bà ta, bởi vì nó đụng chạm đến sự kết hôn của con trai ông Renauld và con gái bà ta. Nguyên nhân thứ ba chúng ta còn chưa biết. Chúng ta phải vạch ra một cách lôgic. Bây giờ, bạn thân mến, cho phép tôi đặt câu hỏi: theo anh ai âm mưu thực hiện vụ án?
– Georges Conneau – tôi nói không được tin tưởng và rụt rè nhìn Poirot.
– Hoàn toàn đúng. Hãy nhớ lại tiền đề của Giraud: người phụ nữ có thể nói dối vì bản thân, vì người đàn ông mà mình yêu và vì con. Bởi vì chúng ta tin rằng chính Georges Conneau đặt ra cho bà Renauld câu chuyện về những người rậm râu và bởi vì Georges Conneau không phải là Jack Renauld, chúng ta loại ra trường hợp thứ ba. Và, thừa nhận người đặt kế hoạch thực hiện tội ác là Georges Conneau, chúng ta phải loại trừ trường hợp thứ nhất theo cách lập luận ở trên. Như vậy chúng ta phải giả định điều thứ hai – bà Renauld nói dối vì người đàn ông mà bà ta yêu, nói cách khác là vì Georges Conneau. Anh đồng ý chứ?
– Đúng – tôi công nhận – điều này có vẻ tương đối lôgic.
– Tốt. Bà Renauld yêu Georges Conneau. Vậy Georges Conneau là ai?
– Tên du đãng.
– Anh có chứng cứ gì nói rằng bà Renauld yêu tên du đãng không?
– Không, nhưng…
– Rất tốt. Nhưng đừng bám vào những lý thuyết không được sự kiện thực tế khẳng định. Thay vào đó, hãy tự hỏi mình xem liệu bà Renauld yêu ai.
Tôi bối rối lắc đầu.
– Trời ơi, anh biết rõ mà. Thế bà Renauld yêu ai mạnh đến mức khi nhìn thấy xác người ấy bà đã bất tỉnh nhân sự?
Tôi lúng túng nhìn Poirot.
– Bà ta yêu chồng mình? – tôi thở dài.
Poirot gật đầu:
– Bà ta yêu chồng mình hoặc Georges Conneau, anh muốn gọi thế nào thì gọi.
– Nhưng không thể như vậy được!
– Tại sao lại không thể? Chẳng phải chúng ta đã xác định là chỉ có bà Daubreuil mới có thể dọa tố giác Georges Conneau là gì?
– Đúng, nhưng…
– Và chẳng phải là bà ta đã dọa tố giác ông Renauld tương đối có hiệu quả sao?
– Điều đó hoàn toán đúng, nhưng…
– Và chẳng phải là sự thật việc chúng ta không biết tý gì về thời thanh niên và việc giáo dục ông Renauld sao? Và cả việc ông ta xuất hiện bất ngờ trên sân khấu như một người Canada gốc Pháp đúng 22 năm trước đây?
– tất cả đúng là như vậy – tôi nói chắc chắn hơn – nhưng tôi cảm thấy rằng anh đã bỏ qua một chi tiết nổi bật.
– Chi tiết gì, anh bạn?
– Còn sao nữa, chúng ta đã xác định rằng Georges Conneau mưu tính tội ác này. Việc này dẫn chúng ta đến sự khẳng định nực cười là ông ta mưu tính việc giết mình!
– Chính thế, anh bạn ạ – Poirot điềm tĩnh nói – Ông ta đã làm chính điều đó.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!