Vụ Giết Người Trên Sân Golf
Chương 9: Giraud tìm tang chứng
Trong phòng khách tôi thấy dự thẩm viên đang hỏi cung ông già làm vườn Auguste, Poirot ngồi bên cạnh. Cả hai chào tôi bằng cái chào lịch sự và nụ cười thân ái. Tôi lặng lẽ ngồi xuống ghế bành. Hautet tỏ ra rất hay bắt bẻ và quá xét nét, nhưng điều đó không giúp ông ta tìm được những sự thật quan trọng nào cả.
Auguste thừa nhận rằng đôi găng tay làm vườn là của lão. Ông lão luôn luôn mang găng khi tỉa bụi anh thảo có chất độc. Nhưng khi nào mang đôi găng đó lần cuối thì không thể nhớ được. Lẽ tất nhiên ông lão không nhớ đến đôi găng. Chúng được cất ở đâu? Lúc chỗ này, lúc chỗ khác. Chiếc xẻng thường cất ở cái kho nhỏ để dụng cụ làm vườn. Kho có khóa riêng không nhỉ? Lẽ tất nhiên là có khóa. Còn chìa khóa để ở đâu? Khỉ thật, chìa khóa thường hay để ở ngay cửa vì trong kho chẳng có gí quý giá để có thể bị lấy cắp. Nào ai có chờ lũ kẻ cướp và giết người kia chứ? Thời bà bá tước – bà chủ cũ – chẳng bao giờ xảy ra chuyện như thế. Hautet vẫy tay và gấp hồ sơ. Ông lão hiểu rằng cuộc hỏi cung kết thúc và càu nhàu đi ra cửa.
Nhớ đến sự chú ý khó hiểu của Poirot về những dấu vết trên các bồn hoa, tôi chăm chú theo dõi lão Auguste khi lão cung khai. Hoặc ông lão không có quan hệ gì với hung thủ, hoặc là một nghệ sĩ tuyệt vời. Đột nhiên khi ông lão vừa tiến ra đến cửa tôi nảy ra ý nghĩ.
– Xin lỗi ngài Hautet – tôi thốt lên – cho phép tôi hỏi một câu được không?
– Tất nhiên thôi.
Tôi quay về phía Auguste:
– Ông cất những chiếc ủng làm vườn của ông ở đâu?
– Đôi khi trong hộp giấy – ông già nhấm nhẳn – Nhưng thường là tôi đi luôn. Còn biết để đâu nữa kia chứ?
– Thế ban đêm lão để ở đâu?
– Dưới gầm giường của lão.
– Thế ai lau chùi chúng?
– Chẳng ai cả. Mà cần gì phải lau chùi kia chứ? Tôi đâu có phải là một chàng công tử bột đi dạo trên đường ven biển. Chủ nhật tôi đi giày ngày hội, còn lúc khác thì… – lão nhún vai.
Thất vọng, chán nản, tôi lắc đầu.
– Ái chà – dự thẩm viên nói – Chúng ta chẳng tiến lên được mấy bước. Tất nhiên là chúng ta bị cản trở vì chưa có điện trả lời từ Santiago. Có ai trông thấy Giarud không? Ai lại thiếu lịch sự như thế. Tôi rất muốn tìm ông ta và…
– Ông không phải cho người đi đâu xa cả, ngài dự thẩm ạ.
Giọng nói điềm tĩnh buộc mọi người phải giật mình. Giraud đứng ngoài vườn và nhìn chúng tôi qua cửa sổ để ngỏ.
Giraud chậm rãi bước qua bậc cửa sổ và đứng cạnh bàn.
– Tôi có mặt, ngài dự thẩm, sẵn sàng theo lệnh ngài. Xin ngài tha lỗi về việc có mặt chậm trễ của tôi.
– Không sao, không sao – dự thẩm viên rõ ràng là ngượng ngùng.
– Lẽ tất nhiên tôi vẻn vẹn chỉ là một thám tử, tôi không thông thạo việc hỏi cung. Nhưng nếu như tôi hỏi cung, tôi cố gắng không làm việc đó khi mở cửa sổ. Bất cứ người qua đường nào cũng dễ dàng nghe thấy mọi chuyện diễn ra ở đây. Đó là nhân tiện nói luôn.
Hautet đỏ mặt vì tức giận. Rõ ràng là sự yêu mến lẫn nhau không thể có được giữa dự thẩm viên và thám tử. Họ bắt đầu cãi nhau ngay từ đầu. Có thể điều đó đã được quyết định từ trước, bởi vì Giraud coi mọi dự thẩm viên đều ngốc cả, còn đối với Hautet, một con người coi trọng địa vị công tác của mình thì kiểu cách ngạo mạn của vị thám tử Paris không thể không coi là một sự xúc phạm.
– Thôi được, ngài Giraud – dự thẩm viên nói tương đối gay gắt – Rõ ràng là ngài không phí thì giờ vô ích và đã đem lại cho chúng tôi danh sách những kẻ có ác ý, và bây giờ có thể chỉ chính xác nơi chúng đang ở hiện nay.
Không chú ý đến sự châm biếm, Giraud trả lời:
– Ít ra thì tôi cũng hiểu chúng từ đâu đến.
– Ngài nói sao?
Giraud rút trong túi ra hai vật nhỏ và đặt chúng lên bàn. Chúng tôi xúm đông xung quanh. Đó là các vật rất bình thường: mẩu thuốc lá hút dở và que diêm chưa cháy. Nhà thám tử đột ngột quay lại phía Poirot:
– Ngài trông thấy gì ở đây? – Ông ta hỏi Poirot.
Trong giọng nói của ông ta có cái gì đó hầu như thô lỗ. Tôi nổi khùng, nhưng Poirot vẫn bình thản. Anh nhún vai.
– Mẩu thuốc lá và que diêm.
– Thế cái đó cho ngài thấy điều gì?
Poirot khoát tay:
– Nó chả cho tôi thấy điều gì cả.
– A! – Giraud nói giọng thỏa mãn – Ngài chưa nghiên cứu kỹ các vật này. Que diêm không bình thường, ít ra là ở nước này. May là nó chưa cháy. Tôi sẽ không nhận ra nó trong trường hợp nó cháy hết. Rõ ràng là một tên trong bọn kẻ cướp vứt mẩu thuốc đi, và hút điếu thứ hai, trong lúc đó đánh rơi một que diêm từ trong bao ra…
– Thế que diêm kia đâu? – Poirot hỏi.
– Que diêm nào?
– Que diêm mà hắn châm thuốc lá. Ngài cũng tìm thấy chứ?
– Không.
– Có lẽ ngài chưa tìm thật cẩn thật.
– Tôi tìm chưa thật cẩn thận ấy à? – lập tức có thể thấy viên thám tử mất bình tĩnh vì giận dữ, nhưng ông ta đã cố kìm được chính mình – Tôi thấy là ngài thích đùa, ngài Poirot ạ. Nhưng dù có hay không có que diêm thì một mẩu thuốc lá cũng đủ rồi. Loại thuốc lá này là của Nam Mỹ có vỏ bọc bằng giấy cam thảo.
Poirot cúi đầu.
Viên cảnh sát trưởng lên tiếng:
– Mẩu thuốc lá và que diêm có thể cũng của ông Renauld. Các ngài hãy nhớ là ông ta từ Nam Mỹ trở về mới 2 năm trước đây.
– Không! – người phản bác ông ta nói một cách tin tưởng – Tôi đã xem xét kỹ mọi đồ vật của ông Renauld. Thuốc lá mà ông ta hút và diêm ông ta dùng hoàn toàn khác.
– Ngài không cảm thấy lạ lùng – Poirot nói – là kẻ lạ mặt này xuất hiện không có vũ khí, găng tay và xẻng, và đã tìm đúng được tất cả những vật này ư?
Giraud mỉm cười độ lượng.
– Tất nhiên đó là một điều lạ lùng. Và không thể giải thích được ngoài giả thuyết của tôi về sự tòng phạm của một người nào đó trong nhà này.
– Ái chà – Hautet kêu tên – Tòng phạm. Tòng phạm trong nhà.
– Hoặc ở ngoài nhà – Giraud nói với nụ cười kỳ lạ.
– Nhưng quả có ai đó phải mở cửa cho chúng vào chứ? Chúng tôi không thể tin rằng chúng thấy cửa mở nhờ một sự may mắn khó tin.
– Tôi đồng ý, thưa ngài dự thẩm. Có người mở cửa cho chúng, nhưng có thể dễ dàng mở cửa từ phía ngoài hoặc phía trong nếu như ai đó có chìa khóa.
– Nhưng ai có chìa khóa đó?
Giraud nhún vai.
– Vì chiếc chìa khóa, thì vị tất người giữ nó đã chịu thú nhận. Nhưng có thể mấy người có chìa khóa cửa. Như cậu Jack chẳng hạn. Sự thật cậu ta đang trên đường đi Nam Mỹ, nhưng cậu ta có thể đánh rơi hoặc bị đánh cắp chiếc chìa khóa đó. Sau đó đến người làm vườn. Lão ta phục vụ ở đây lâu năm. Một cô hầu phòng nào đó có thể có tình nhân. Lấy mẫu chìa khóa và đánh một chiếc mới là chuyện rất đơn giản. Có nhiều khả năng. Còn có một nhân vật nữa, theo như tôi có thể phán đoán, có lẽ có chìa khóa.
– Đó là ai vậy?
– Bà Daubreuil! – Nhà thám tử nói khô khan.
– Ô! – dự thẩm viên lên tiếng, trong lúc đó mặt ông ta lập tức dài ra – Thế ngài cũng nghe nói về chuyện đó à?
– Tôi nghe được mọi chuyện – Giraud nói trầm trầm đầy tự mãn.
– Nhưng có một chuyện mà tôi cam đoan là ngài chưa biết – Hautet nói, đắc chí vì có thể chứng tỏ sự hiểu biết nhiều của mình, và chậm rãi kể về người khách bí mật tối qua đến thăm ông Renauld, về tấm ngân phiếu đề tên Duveen và cuối cùng tìm cho Giraud xem bức thư ký tên Bella.
Giraud lặng yên nghe, chăm chú xem bức thư và sau đó đưa trả lại Hautet.
– Tất cả những cái này rất đáng chú ý, thưa ngài dự thẩm, nhưng giả thuyết của tôi vẫn không thay đổi.
– Thế giả thuyết của ngài thế nào?
– Tôi chưa tiện nói đến giả thuyết đó lúc này. Hãy nhớ là tôi vừa mới bắt đầu điều tra thôi.
– Ngài Giraud, ngài cho tôi biết – đột nhiên Poirot nói – giả thuyết của ngài cho rằng cửa có thể mở sẵn, nhưng không giải thích vì sao cửa bỏ ngỏ. Khi hung thủ đi rồi, phải chăng việc đóng cửa đối với chúng không phải điều tự nhiên? Nếu như cảnh sát ngẫu nhiên đến gần ngôi nhà, như chuyện đó vẫn thường xảy ra để xem xét mọi việc có đâu vào đấy không, thì chúng sẽ bị phát hiện và bị bắt tại chỗ.
– Chúng đã phạm sai lầm. Tôi đồng ý với ngài là chúng thực đã quên mất chuyện này.
Và tôi rất ngạc nhiên khi thấy Poirot nói chính những lời tôi đã nói với Bex tối hôm qua:
– Nhưng tôi không đồng ý với ngài. Cửa để ngỏ hoặc là đóng vì cần thiết và mọi giả thuyết không thừa nhận sự thật này nhất định sẽ thất bại.
Tất cả chúng tôi nhìn Poirot với một tình cảm hết sức là phân vân. Dường như sai lầm của anh trong việc đánh giá các tang chứng – mẩu thuốc lá và que diêm – phải làm cho anh thấy mình bị lép vế. Nhưng Poirot ngồi trước chúng tôi vẻ tự đắc hơn bao giờ hết và không chớp mắt nói với ngài Giraud những lời răn dạy.
Nhà thám tử vân vê ria mép nhìn bạn tôi với vẻ mặt hơi chế nhạo:
– Ngài không đồng ý với tôi, cũng được thôi. Nếu thế hãy trả lời xem điều gì làm ngài đặc biệt sửng sốt trong vụ này? Tôi muốn biết ý kiến của ngài.
– Có một điểm đúng được đặc biệt chú ý. Ngài Giraud, ngài cho biết ngài không cảm thấy một điều gì quen thuộc trong vụ này à?
– Tôi không thể nói ngay. Mặc dù tôi cảm thấy rằng không.
– Ngài sai lầm rồi – Poirot điềm tĩnh nói – Hầu như một trọng tội đúng như thế này đã xảy ra trước đây.
– Khi nào? Và ở đâu?
– Chà, tiếc rằng điều đó lúc này tôi chưa thể nhớ lại được. Tôi hy vọng rằng ngài có thể giúp tôi.
Giraud hầm hừ vẻ hoài nghi.
– Có thể nhiều vụ án trong đó có những kẻ phạm tội đeo mặt nạ kia mà. Tôi không thể nhớ mọi chi tiết liên quan đến chúng. Mọi tội ác đều ít nhiều giống nhau.
– Nhưng có một nhân tố là dấu ấn cá nhân – Poirot nói với tất cả chúng tôi nhưng một diễn giả – Bây giờ tôi sẽ nói cho các ngài về tâm lý tội phạm. Ngài Giraud hiểu rất rõ rằng, mỗi kẻ phạm tội có một phương pháp đặc biệt của riêng mình và cảnh sát được mời nghiên cứu vụ án, chẳng hạn một vụ cướp, bao giờ cũng phải xác định tương đối chính xác nhân cách kẻ phạm tội theo phương pháp đã sử dụng để phạm tội. Japp cũng sẽ nói với chúng ta đúng như vậy thôi, Hastings ạ. Con người là một thực thể không độc đáo. Con người không độc đáo trong khuôn khổ luật pháp, trong cuộc sống cá nhân hàng ngày của mình, nhưng nó cũng không độc đáo như vậy cả trong việc vi phạm pháp luật. Nếu nó phạm tội một lần nào đó thì mọi tội ác khác mà nó gây ra cũng sẽ giống trọng tội đầu tiên. Một kẻ sát nhân người Anh giết chết vợ bằng cách dìm vợ trong nhà tắm chính là một ví dụ như vậy. Nếu như nó thay đổi các phương pháp của mình thì có thể nó đã tránh được sự bắt bớ cho đến ngày hôm nay. Nhưng hắn trở thành nạn nhân của sự suy nghĩ rập khuôn, vì cho rằng một lần thắng lợi sẽ thắng lợi lần thứ hai và phải trả giá cho sự thiếu độc đáo của mình.
– Chà, ý nghĩa lý luận tràng giang đại hải này là gì? – Giraud nói một cách nhạo báng.
– Ý nghĩa của nó là ở chỗ, khi anh thấy hai tội ác tuyệt đối giống nhau về kế hoạch và việc thực hiện thì có thể giả định rằng đó là kết quả của cùng một bộ óc. Và tôi tìm bộ óc đó, thưa ngài Giraud, và tôi sẽ tìm thấy. Đó là chiếc chìa khóa để giải đoán, một sự giải đoán tâm lý. Có lẽ ngài biết tất cả mọi cái về những điếu thuốc và những đầu que diêm, thưa ngài Giraud, còn tôi, Hercule Poirot, tôi biết con người suy nghĩ như thế nào.
Và bạn tôi vỗ tay lên trán một cách đầy ý nghĩa.
Nhưng những lời nói đó không gậy được ấn tượng gì với Giraud cả.
– Tôi muốn cho ngài biết một sự thật nữa mà có lẽ ngài chưa được rõ – Poirot tiếp tục – Chiếc đồng hồ đeo tay của bà Renauld trong một ngày sau khi xảy ra tấn bi kịch đã chạy nhanh hai giờ. Có lẽ điều này làm ngài chú ý.
Giraud nhìn Poirot chằm chằm.
– Có thể chiếc đồng hồ đó bao giờ cũng chạy nhanh thì sao?
– Bà Renauld xác định đúng thế.
– Chà, thế thì chẳng có chuyện gì cả.
– Tuy nhiên hai giờ thì hơi nhiều – Poirot nói khe khẽ – Sau đó chúng ta còn có câu chuyện về những dấu vết nơi bồn hoa nữa.
Poirot gật đầu về phía cửa sổ để ngỏ. Giraud bước hai bước đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài.
– Ở đây, tại bồn hoa này à?
– Đúng.
– Nhưng tôi chả thấy dấu vết nào cả.
– Ở kia cũng không có dấu vết nào – Poirot nói, tay sửa lại chồng sách trên bàn.
Trong khoảnh khắc cơn giận ghê gớm là méo bộ mặt của Giraud.
Ông ta bước hai bước về phía kẻ làm khổ mình nhưng đúng lúc đó cửa phòng khách mở và Marchaud tuyên bố.
– Ông Stonor, thư ký, mới từ Anh tới. Ông ta vào có được không ạ?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!