Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt


Chương 13


Ibrahim lái xe đưa cả hai người hướng về phía nam tới khu ngoại vi Kandara. Ông đỗ xe gần khu gầm cầu đường Sitteen, một cây cầu vượt trên con đường cao tốc khổng lồ. Khu vực gầm cầu chính là một bến xe bus nhộn nhịp.

Phía dưới cây cầu, trên con đường dành cho người đi bộ bằng bê-tông khá rộng là khu nhà ổ chuột mà Katya chỉ có thể thấy trên những cảnh quay của bản tin thời sự – và ngay cả như vậy đi nữa, thì chỉ có trong những đoạn phim về khu vực nghèo khổ, tuyệt vọng giống những khu ổ chuột ở Brazil hay những vùng phi luật pháp ở châu Phi, nơi mà con người bị đối xử tàn tệ còn hơn cả con vật. Vậy mà nó có ở đây sao, tại một trong những thành phố giàu nhất của nước Ả Rập Xê-út này?

Phần lớn người dân Kandara là phụ nữ, và nhận xét qua gương mặt – hầu hết họ không che mặt – bọn họ chủ yếu là người Indonesia và Philippiness, tuy cũng có người châu Phi, người Ấn Độ và người từ các nước châu Á khác. Có ít nhất một nghìn, có lẽ nhiều hơn, những khu nhà nằm trải dài thành khối, phần lớn dựa lưng vào những bức tường bê tông nằm trong những khu vực râm mát. Những tấm kim loại lượn sóng tạo thành những mái nhà ở chỗ này chỗ kia. Một số người dừng lên nơi trú ẩn bằng những chiếc hộp cũ, chủ yếu chỉ để che chắn khỏi cái nắng. Các bà mẹ ngồi ôm con trong lòng, trong khi những người đàn ông nằm ngay trước họ trên những tấm bìa các-tông hoặc những tấm chăn cũ rách. Cảnh sát không có thống kê về tội phạm ở những khu vực ngoại vi khác nhau, nhưng đây là một trong những khu khét tiếng tồi tệ nhất. Nhờ sự có mặt của lãnh quán Philippiness mà vài khu nhà phía dưới gầm cầu, tất cả đã được tập trung ở khu vực này nhiều năm nay, đang chờ đợi được cho phép rời đi.

“Họ nói phần lớn những người ở đây đã ở lại quá thời hạn thị thực hành hương.” Katya nói.

“Chắc vậy, đó là cách mà một số người vào được đát nước này, nhưng hãy quan sát họ như là một nhóm người. Cô nhận thấy điều gì trước tiên?”

“Bọn họ phần lớn là phụ nữ.” Katya nói.

“Đúng…”

“Và đối với phụ nữ khó có thể hành hương khi chỉ có một mình.”

“Chính xác. Phần lớn những phụ nữ này là người giúp việc bỏ trốn.” Ibrahim nói.

Ông im lặng một lúc lâu khiến cho Katya thấy cần phải hỏi: “Làm sao ông biết họ là những ngưới giúp việc?”

“Đây chính là nơi chúng tôi tìm được Sabria.”

“Khu vực này đã có ở đây từ năm năm trước sao?” Katya hỏi.

“Đúng vậy, nhưng không tệ đến thế này.” Họ chăm chú nhín những con người phía trước đám đông, những người phụ nữ chạy loanh quanh trong những tấm áo choàng đen nhếch nhác, cách ăn mặc của họ rõ ràng đã thể hiện điều đó.

Sẽ không mất nhiều thời gian để đi đến kết cục lang thang trên đường phố. Những người giúp việc, quét đường, làm vườn, nhiều người trong số đó đã đến đây với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải một hệ thống nô dịch nó giao kèo. Một kẻ môi giới có thể đưa người lao động vào đất nước này với một khoản phí – mười nghìn riyal hoặc hơn thế. Một cái giá đủ cao, và cứ cho là người lao động được trả lương, thì cũng phải mất đến mười năm họ mới trả hết số tiền đó. Chính vì vậy mà người sử dụng lao động sẽ trả khoản phí này, và người lao động phải thực hiện nghĩa vụ cho đến khi khoản nợ đó được thanh toán.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thích công việc? Điều gì sẽ xảy ra nếu chủ không cho họ ăn? Điều gì sẽ xảy ra nếu chủ của họ không cho phép họ dời khỏi nhà hoặc gọi điện cho gia đình hay thậm chí là nói chuyện với người môi giới đã đưa họ đến đây? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ bị cưỡng hiếp hoặc bị bóc lột? Có rất ít điều luật bảo vệ quyền lợi của họ – hầu hết các điều luật bảo vệ quyền lợi cho người chủ, tránh để khoản đầu tư của người đó bị thua thiệt, vì đã mua họ. Lựa chọn duy nhất của những người lao động đó là bỏ trốn, và kết cục là họ ở đường Sitteen này, khẩn cầu lãnh sự quán cấp cho hộ chiếu mới, thậm chí là một chứng nhận tạm thời, và một chiếc vé máy bay để về nhà. Họ đứng xếp hàng để chờ ba chiếc xe bus ít ỏi chỉ đỗ ở Sitteen vài lần một tuần và đưa họ đến Phòng Hộ chiếu do Ả Rập Xê-út bảo trợ để cố giải quyết tình trạng vất vưởng này.

Họ đánh nhau để được lên xe bus, và thậm chí nếu họ không thể lên được xe bus họ vẫn đánh nhau, bởi nếu cảnh sát cho rằng họ gây rắc rối, họ sẽ bị gửi trả về quê nhà trước tiên. Nếu không đủ rắc rối thì họ chỉ đơn giản là phải nộp phạt vì đã ở quá thời hạn thị thực và bị tống vào một buồng giam mà ở đó họ sẽ khó có thể ngóc đầu lên được nếu không có sự can thiệp của hoàng gia. Và họ cầu Chúa để cuộc đời mình không chấm hết trong một khu giam giữ của lãnh sự quán, nơi họ có thể bị đẩy vào một căn phòng và bị bỏ mặc đến khi thối rữa ra. Chỉ mới vài tuần trước năm người Ethiopia đã bị khóa trong buồng vệ sinh không có cửa sổ, và đến sáng thì chết ngạt.

Tạ ơn Chúa vì những nhà thờ Hồi giáo hằng ngày đều mang thực phẩm và nước đến khu Kandara. Người ta không thể tự an ủi mình bằng sự thật rằng sau vài ngày nữa những chiếc xe bus đó xẽ quay trở lại. Số người đổ về khu vực cây cầu này như nước chảy từ cái vòi không thể khóa. Anh có hứng đến bao nhiêu xô thùng thì nước vẫn tuôn đều. Chỉ ngay sau khi những chiếc xe bus đó lăn bánh khu vực này lại đầy ắp người như cũ.

“Ông nghĩ cô ấy có thể ở đây sao?”Katya hỏi.

“Không. Nơi này là một cái hang chuột. Tháng vừa rồi đã hai lần cảnh sát phá tan một mạng lưới mại dâm. Nhưng vấn đề mà chúng ta quan tâm là khoảng năm mươi phần trăm những người mất tích ở Jeddah hoặc đến đây hoặc bị mất tích ở đây.” Ông nhấc cặp tài liệu ở dưới sàn ghế lên và lướt qua một tập giấy rồi đưa nó cho Katya. Đó là những bản phác họa về các nạn nhân tìm được ở sa mạc. “Tôi nghĩ đây sẽ là nơi lý tưởng nhất để nhận diện các nạn nhân còn lại. Việc này với cô ổn chứ?”

“Vâng. Tất nhiên rồi.”

Ibrahim ra khỏi xe và Katya theo ông băng qua đường. Điều đầu tiên cô nhận thấy là mùi hôi thối, một mùi xú uế nồng nặc của những cơ thể dơ bẩn, của thực phẩm thối rữa, và những đống phân người dọc theo một cía rãnh nhỏ chạy dưới đường hầm, tất cả đều bốc mùi dưới cái nắng oi ả. Cô kéo chiếc mạng che mặt che ngang mũi và cố gắng hít thở thật nhẹ, nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc, đủ khiến cô ứa nước mắt. Dưới chân cầu vượt không khí có mát mẻ hơn một chút nhưng hôm đó là một ngày lặng gió và mùi xú uế kẹt tắc ở khắp nơi.

Bọn họ đi quẩn quanh trong đám đông suốt hai giờ đồng hồ, cái nóng, mồ hôi và nỗi thất vọng như vô cùng tận. Ibrahim đứng trong tầm nhìn của Katya, nhưng cô không bao giờ để nhìn vào ánh mắt ông. Bọn họ đã đi sâu vào trong khu vực lều tạm khi cô đến gần người phụ nữ đang khom người bế đứa con nhỏ.

“Xin lỗi, tôi đang tìm những người này.”

Người phụ nữ liếc nhìn những bức hình. “Chưa bao giờ thấy họ. Thử hỏi Aunie xem.” Bà ta ra hiệu về phía một phụ nữ ở bên rìa đường. Aunie là một phụ nữ nhỏ bé, người Châu Á, mái tóc đen cắt theo hình cái bát. Bà ta đang nằm nghiêng trên một chiếc ghế bằng cây liễu gai màu nâu sắp gãy, nhưng lại đẹp nhất trong cả khu này. Bà ta mặc áo sơ-mi ngắn tay vẻ thức thách và quần ống rộng cắt ngang gối. Dưới chân bà ta là đôi dép xỏ ngón bằng nhựa.

Bà ta không ngồi dậy khi Katya đến gần.

“Xin lỗi.” Katya lên tiếng. “Tôi đang tìm những người phụ nữ này.”

Cô chìa ra những bức ảnh phác họa, và một cách chậm rãi Aunie ngồi dậy.

“Cô là cảnh sát à?”

“Đội Trọng án.”

Người phụ nữ gật đầu. “Vậy là bọn họ đã chết?”

“Bà có biết họ không?”

Người phụ nữ không nói gì. Bà ta thò tay vào cái bao nhựa cũ sờn ở dưới chân và bắt đầu lục lọi. Katya thấy bà ta lôi ra một mảnh vải cáu bẩn, dùng nó lau mồ hôi trên mặt và cổ.

“Cô sẽ bắt tôi chứ?” Bà ta hỏi.

“Không nếu bà không muốn vậy.”

Aunie mỉm cười với vẻ chua chát hơn là thích thú. “Tôi chưa từng thấy bọn họ.” Bà ta nói rồi lại nằm xuống.

“Có lẽ một ly cà phê sẽ giúp bà tỉnh táo hơn chăng?”

Người phụ nữ đó nhìn cô.

“Hay bữa ăn trưa?”

Sau một chút đắn đo, Auine ngồi dậy. “Không.” Bà ta nói. “Hôm nay tôi ăn rồi. Nhưng tôi cần tiền cho bữa trưa ngày mai.”

Katya gật đầu. “Cho tôi biết tên của họ.”

Người phụ nữ liếc nhìn và với tay về bức phác họa. Bà ta chau mày trong khi nhìn kỹ nó. “Có vẻ giống Mahal.”

“Mahal có họ không?”

Aunie lắc đầu. “Không nhớ. Cô ta là người Philippiness.” Bà ta gạt bức phác họa về phía Katya nhưng cô không cầm nó lại ngay.

“Bà có biết cô ta làm việc gì không?”

“Không.” Auine khịt khịt mũi tỏ vẻ mỉa mai. “Không có công việc gì cả. Ở đây sao? Cô nghĩ đây là đâu? Một khách sạn chăng?”

“Trước khi cô ta đến chỗ cầu này.” Katya nói có phần nôn nóng. “Bà có biết cô ta làm gì không?”

“Không.”

“Thế còn tiền ăn trưa cho ngày kia thì sao?”

Aunie khịt khịt mũi lần nữa. “Được rồi, hình như cô ta làm giúp việc thì phải. Tôi không nhớ nữa. Một gia đình tàn bạo.” Bà ta vẩy vẩy tay.

“Và tại sao cô ta lại ở khu vực cầu này? Bọn họ có ngược đãi cô ta không?”

“Dĩ nhiên là bọn họ có ngược đãi cô ta rồi.” Bà ta nói, và lần đầu tiên những lời bà ta nói nghe có vẻ dối trá. “Cô ta đã trốn chạy khỏi bọn họ. Tất cả bọn họ!”

Katya gật đầu và cầm lại bức phác họa. “Vậy còn bà?” Cô hỏi. “Sao bà lại ở đây?”

Aunie nhắm mắt lại và ngồi lại ghế. Chiếc ghế lảo đảo lắc lư. “Phần lớn những người ở đây có chung vấn đề.”

“Không có hộ chiếu?” Katya hỏi.

“Không!” Aunie ngồi thẳng dậy và mở mắt. “Họ có hộ chiếu chứ. Nhưng bọn chủ không cho phép họ ra đi. Họ cần sự cho phép. Và nếu họ bỏ trốn thì không lấy lại được hộ chiếu. Do đó chính người Ả Rập Xê-út đã gây ra rắc rối! Cô không thể mua vé máy bay mà không có thư giới thiệu của ông chủ. Cô cần sự cho phép của ông chủ mới được ra đi sao? Cái kiểu quốc gia gì mà lại quái đản như thế chứ?”

“Vậy là Mahal không được chủ cho phép ra đi?”

“Không, cô ta không được phép. Nếu có ai giết cô ta thì chính là tay chủ ấy. Tôi đảm bảo vậy.”

“Và bà không biết người chủ đó là ai sao?”

“Không nhớ. Có quá nhiều cái tên. Mà sao tôi phải nhớ chứ?”

Katya mở xắc tay và lấy ra tờ hai mươi riyal. Cô gập nó và nhét vào chiếc túi của Aunie.

Katya thấy kiệt sức. Ibrahim đã không gặp may trong việc nhận diện bất kì nạn nhân nào, và với cái tên Mahal họ cũng không thể làm gì nhiều ngoại trừ việc thông báo cho các sĩ quan cấp dưới chịu trách nhiệm lấy thông tin căn cước từ các lãnh sự quán.

Khi gần về tới văn phòng, họ dừng lại để uống nước trái cây tại một ki-ốt bát giác được trang trí bằng những tấm logo màu xanh dương của Pepsi. Ibrahim đi mua đồ uống trong khi Katya chờ trong xe, vẫn cực kỳ hoang mang vì sợ ai đó bắt gặp. Cô ngồi gần sát lỗ thông khí của hệ thống điều hòa nhiệt độ ở băng ghế sau hết mức có thể và để cho khí mát thổi thẳng qua khăn trùm đầu. Khi Ibrahim quay lại, ông mang theo hai chai nước quả và hai hộp nhựa nhỏ đựng trái cây xắt miếng; ông đưa cho cô mỗi loại một thứ.

“Cảm ơn.” Bố, cô đã muốn thêm vào từ đó. Ông bắt đầu khiến cho cô cảm thấy ông giống những người bạn của bố mình – hai hay ba người mà cô đã chuyện trò và thực tế có quý mến. Bọn họ có cách để xoa dịu những căng thẳng gây ra do giới tính theo lối gia trưởng thường gặp luôn khiến cô cảm thấy hình thức và kỳ quặc.

Thay vì về văn phòng, ông đi thẳng về hướng Corniche. Cô nghĩ có thể họ đang trở lại căn hộ của Sabria, nhưng ông lái về phía nam cho đến khi gặp một bãi đỗ xe bên bở biển gần như vắng tanh. Ông đánh xe vào bãi và hướng quay ra biển, vẫn để động cơ nổ để điều hòa tiếp tục làm dịu bớt cái nóng. Ông mở hộp trái cây và bắt đầu ăn.

Katya mở hộp của cô và đưa một miếng dưa hấu qua tấm khăn trùm đầu.

“Có lẽ cô nói đúng.” Ibrahim nói. “Tôi nên thông báo về trường hợp mất tích của cô ấy.”

“Tôi nghĩ ông nên làm vậy.”

“Nhưng trước hết tôi phải xóa sạch mọi dấu vết của chính tôi ở căn hộ của cô ấy đã.” Ông nói. “Cô nghĩ sao về cơ hội làm việc đó?”

“Ông phải thuê một người. Ý tôi là một người chuyên nghiệp. Sẽ có rất nhiều việc phải làm.”

Bọn họ tiếp tục ăn, cô hiểu là cả hai đang suy nghĩ về một việc. Nếu thông báo vụ mất tích của Sabria thì bọn họ sẽ buộc Ibrahim vào tội ngoại tình. Sẽ là vậy, nếu cảnh sát đánh giá vấn đề đủ nghiêm trọng để đưa một đội pháp y đến căn hộ của cô ấy. Sabria từng làm việc cho cảnh sát nên khả năng họ xem xét tỉ mỉ căn hộ đó là rất lớn.

“Tôi sẽ tìm thuê một tay dọn dấu vết.” Ông nói. Ông thu dọn mấy chiếc hộp nhựa và chai rỗng lại rồi ném qua cửa sổ. Ông vào số xe.

“Cám ơn ông đã để tôi hỗ trợ trong vụ này.” Cô nói. “Ý tôi là vụ giết người hàng loạt. Tôi mong được tham gia vụ đó.” Cô hy vọng là mình đã lên tiếng đúng thời điểm, chứ không phải một sự ngỏ lời liều lĩnh.

Ông gật đầu. “Tôi sẽ giao thêm việc cho cô nếu có thể, nhưng hiện giờ tôi có trách nhiệm theo dõi các diễn biến ở sở. Tôi phải đảm bảo đội của mình hoạt động có tổ chức – ít nhất cho đến khi Chánh Thanh tra gạt tôi ra khỏi vụ này, mà tôi nghĩ rất có khả năng đấy. Tất nhiên là tôi đã bị quẩn trí về toàn bộ việc với Sabria. Và đó thực sự mới là mối quan tâm của tôi lúc này. Để bắt được hung thủ cần có thời gian. Việc tìm kiếm một người mất tích gấp gáp hơn thế nhiều. Tôi không thể thổ lộ điều này với bất cứ ai, và có thể là ích kỷ nhưng đó là sự thật.” Ông nhắm mắt lại một lúc rồi mở ra nhìn cô. “Tôi xin lỗi, tôi hiểu cô muốn tham gia vụ đó, và tôi nghĩ cô cũng nên làm vậy. Nhưng còn rất nhiều việc phải cân nhắc nữa.”

“Chắc chắn rồi.” Cô vừa nói vừa mong là giọng mình nghe có vẻ bình thường. “Tôi hiểu mà.”

“Tôi thực sự cảm kích sự giúp đỡ của cô.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN