Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt - Chương 26
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
98


Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt


Chương 26


Ngày thứ Hai, Katya dành toàn bộ thời gian nghỉ ăn trưa ở quán cà phê tại Chamelle Plaza. Ibrahim không thể mạo hiểm tự mình lái xe đưa cô tới đó, nên ông đã đề nghị được trả tiền taxi cho cô. Nhưng cô đã gọi cho Ayman, và cậu vui vẻ nhận lời đưa cô đi.

Cô gọi một cốc latte và ngồi bên một chiếc bàn với tờ báo mở ra trước mặt. Cô có gây sự chú ý một chút khi ngồi đó một mình – hầu hết phụ nữ đến đây cùng bạn bè của họ – nhưng đó là cố ý. Cô muốn ai đó chú ý đến mình. Ai đó thấy cô kỳ lạ và phải nhìn cô đến hai lần, có thể hơi khựng lại để dò xét. Và cô mong là người đó biết về Sabria.

Khi bắt đầu cảm thấy thật ngớ ngẩn, cô đứng dậy để nói chuyện với người phục vụ, vẫn là người phụ nữ trẻ đã nhận ra Sabria từ bức ảnh toàn thân đó. Cô ta tên là Amal và cô ta đã nhận ra Katya.

“Cô đã tìm thấy cô ấy chưa?” Amal hỏi.

“Chưa, tôi vẫn chưa tìm được.” Katya nói. “Cô còn nhớ đã thấy cô ấy đi cùng những người khác chứ?”

“Vâng.”

“Liệu cô có nhận ra ai trong số đó nếu gặp lại họ không?”

“Có chứ. Thực ra một người vẫn đến đây. Cô ấy ngồi ở bàn trong góc đó và chờ đợi, nhưng bạn của cô không đến. Cô ấy có vẻ thất vọng.”

“Cô có biết tên cô ấy không?”

“Không. Nhưng tôi sẽ nhận ra nếu tôi trông thấy cô ấy.”

“Cô gặp cô ấy lần cuối là khi nào thế?”

“Sáng nay. Cô ấy đến đây tầm khoảng mười giờ. Có lẽ ngày mai cô ấy sẽ đến.”

“Cô có thể nói giúp là tôi một thứ cho cô ấy được không?” Katya nói. “Thứ này rất quan trọng.”

Katya đã có nửa số hồ sơ án mạng chưa được giải quyết của Sở. Chúng nằm trong những chiếc hộp trên sàn nhà phía sau cô. Phòng Lưu trữ đã cam kết sẽ giao cho cô số còn lại khi cô sẵn sàng. Cô cũng đã có tất cả hồ sơ cho vụ án hiện tại – các bức ảnh, các phác thảo, và các báo cáo nhỏ lẻ về mười chín nạn nhân được thực hiện bởi các sĩ quan khác nhau là thuộc cấp của Ibrahim, cả hồ sơ về Amina ál-Fouad nữa. Cô đã mất quá nhiều thời gian của tuần vừa rồi cho những mánh khóe để có được số hồ sơ này. Giờ thì thật buồn cười khi nghĩ chúng là những hồ sơ dễ có được nhất.

Cô không thể tiếp cận được một hồ sơ án mạng đã đóng nào. Katya hình dung chúng được khóa trong các ngăn tủ trong phòng lưu trữ. Điều mà cô không phải hình dung – điều mà với cô là rất rõ ràng qua cuộc trao đổi với Ibrahim – đó là trở ngại thực sự để tiếp cận chúng chính là việc thuyết phục được Chánh Riyadh về sự thiết yếu của chúng đối với vụ án này. Ibrahim đã báo cáo tóm lược về phát hiện của Katya cho Chánh Riyadh, và ông chấp thuận sự thay đổi tạm thời về trách nhiệm công việc của cô, nhưng không đề cập gì đến việc mở các hồ sơ đó. Có lẽ ông chưa tin hẳn giả thuyết của Katya là đúng.

Sau đấy là vấn đề về chuyên môn: có nhiều hồ sơ đóng hơn những hồ sơ chưa giải quyết được. Katya và Ibrahim sẽ phải thảo luận để tìm một hệ thống chọn những hồ sơ liên quan nhất. Sẽ như vậy, nếu Riyadh đồng ý cho mở các hồ sơ đó. Katya không hiểu Chánh Thanh tra lắm, nhưng cô linh cảm ông sẽ không khó chịu với lập luận rằng có những vụ đã bị truy tố nhầm. Tuy nhiên, có thể ông thấy việc mở rộng có liên quan đến tập hợp và phân loại hồ sơ đó hoàn toàn phí phạm thời gian.

Đến thứ Ba, người ta đã dựng xong một khu văn phòng ở tầng dưới, và cô lao đầu vào đống hồ sơ trên bàn làm việc. Mỗi khi nghĩ đến “bàn làm việc của mình,”cô phải cố nín cười. Nó không hẳn là một chiếc bàn làm việc, chỉ là bàn formica lớn có chân gấp. Xung quanh đó là sáu chiếc ghế kim loại theo chuẩn cảnh sát với đệm da đã rách một hoặc hai chiếc thường dành cho các nữ sĩ quan. Toàn bộ khu đó được bao quanh bởi rèm che đen đặc, nhưng họ có hai chiếc đèn bàn và một phần cửa sổ, nên cũng có đủ ánh sáng. Tấm rèm đã chắn ngang tầm nhìn của họ ra căn phòng quanh đó. Có thể chỉ cần chiếc ghế đẩu và một thùng các tông, và cô vẫn ngồi đó với niềm hãnh diện thầm kín của một con chỉm ưng.

Buổi sáng hôm đó, hai nữ sĩ quan đến để giúp cô đọc qua các hồ sơ vụ án. Ban đầu họ làm việc nghiêm chỉnh nhưng không tìm thấy quy luật của vụ án nào cả, nên họ buôn chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Trước đây Katya đã rất kính nể những phụ nữ này – những sĩ quan được đào tạo tại học viện cảnh sát. Cô đã phải lấy hết can đảm để nói họ đọc lại các hồ sơ một lần nữa, và rồi lần nữa, bao nhiêu lần cũng được đến khi họ thấy điều gì đó.

Khi những phụ nữ đó đi khỏi, không có ai vào khu làm việc đó nữa ngoại trừ Ibrahim. Ông mang vào một số hồ sơ thất lạc. Ông gõ nhẹ lên một cột kim loại dành để treo tấm rèm vải đến, ra hiệu cho người ở trong sẵn sàng khi ông vào. Katya hiểu rằng sớm muộn cô cũng sẽ cảm thấy cô chỉ đang di chuyển sự giam hãm của mình xuống dưới tầng mà thôi. Nhưng cô vẫn chưa mất hứng. Thậm chí cô đã tự cho phép mình mơ mộng được trở thành thám tử và có phòng làm việc riêng – xin Chúa che chở cho cô và tha thứ cho sự huyễn hoặc của cô.

Cô dành cả buổi sáng để đọc các hồ sơ nhưng không thu nhặt được gì đáng quan tâm. Cô đang ngồi một mình trong khu vực màn quấy đó thì nghe thấy tiếng gõ nhẹ lên chiếc cột kim loại. Tấm màn vén lên để lộ ra Tiến sĩ Becker. Cô mang theo một chiếc hộp rồi đặt nó lên bàn.

“Giao hàng một lần những hồ sơ án mạng đã đóng nhé.” Cô vui vẻ nói. “Theo đúng yêu cầu.”

“Làm thế nào cô có được chúng vậy?” Katya vừa hỏi vừa đứng dậy.

“Tôi đã thuyết phục Chánh Riyadh rằng tôi muốn làm một số so sánh giữa những tên sát nhân ở Mỹ và ở đây.”

Katya kinh ngạc. Tuy nhiên, hóa ra trong chiếc hộp là ba mươi tám hồ sơ vụ án từ những năm 1980. Không thực sự giúp ích như cô mong đợi.

“Tôi nghĩ sẽ ngồi với cô một lúc và làm gì đó.” Charlie nói.

“Tôi rất tiếc.” Katya ra hiệu vể phía chồng giấy tờ trên bàn “Không có hồ sơ nào bằng tiếng Anh đâu.”

“Có thể tôi chỉ xem ảnh thôi.” Charlie nói.

Thực ra cô có thể giúp. Katya đã vẽ một sơ đồ các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Ả Rập và đề nghị Charlie để riêng ra bất cứ hồ sơ nào mà tư thế của nạn nhân có sự tương đồng với những chữ cái đó Charlie đào bới trong chiếc hộp của mình và háo hức bắt tay vào việc nhưng mười phút sau đó, cô ngừng lại bực tức.

“Không hồ sơ nào có ảnh cả.” Cô nói.

“Sao cơ?”

Charlie ra hiệu về phía những hồ sơ cô vừa xem qua. “Không có lấy một bức ảnh trong bất cứ hồ sơ nào cả. Tôi đang có linh cảm xấu về số còn lại đấy.”

Chỉ có ba hồ sơ là có ảnh, và chúng đều chụp các bộ phận như một bàn chân, một cánh tay đầy máu. Katya chán nản. Sở đã sử dụng các tay máy pháp y ngay từ khi có máy ảnh. Tại sao những vụ án này lại không có ảnh cơ chứ?

“Có người đã lấy ảnh đi rồi.” Cô nói. “Chúng tôi lúc nào cũng chụp ảnh nạn nhân mà.”

“Thậm chí là phụ nữ sao?” Charlie hỏi.

“Vâ-âng.” Katya ngập ngừng nói. “Thậm chí là phụ nữ.” Hiện giờ thì điều đó đúng, nhưng liệu hai mươi lăm năm về trước có đúng không nhỉ? Cô đang hướng suy nghĩ nhiều hơn đến việc ai đó đã lấy những bức ảnh trên với cái cớ để bảo vệ sự đứng đắn.

Katya tự mình xem lướt các hồ sơ. Charlie nói đúng, những bức ảnh chụp hiện trường vụ án đã được chọn lọc kỹ càng. Chúng chỉ chụp những bộ phận riêng lẻ hoặc chụp những vật chứng tìm được ở hiện trường mà thôi. Một khẩu súng. Một cái búa bê bết máu. Không có bức ảnh nào chụp toàn thân nạn nhân cả.

“Liệu có phải đây là vấn đề phẩm hạnh không?” Charlie hỏi.

“Có lẽ vậy.” Katya đáp. Đương nhiên đó phải là những lo ngại về phẩm hạnh rồi. Một người như Abu-Musa có thể đã tiếp cận hồ sơ lưu trữ điểm qua tất cả các nạn nhân nữ, và hủy những bức ảnh chụp toàn thân, khuôn mặt, và những phần để lộ da thịt không hợp với khuôn phép. Theo khuôn phép chặt chẽ nhất của Hồi giáo, người ta còn bị cấm không được xuất hiện trong ảnh. Để lộ ra những khiếm khuyết, những phần nhạy cảm của cơ thể cần được che giấu, đặc biệt là trước Ống kính máy ảnh càng là điều cấm kỵ.

Nhưng Katya có cảm giác lạnh buốt sống lưng. Có những nguyên do mờ ám hơn thế khi loại bỏ ảnh trong những hồ sơ vụ án này.

“Tôi vẫn đang tự hỏi, thực ra chúng ta biết gì về gã này nhỉ?” Daher nhắc lại lời của chính mình để đoán chắc với cả hai rằng suy nghĩ của anh ta là cẩn trọng. “Chúng ta chẳng biết gì cả. Nhưng điều gì có thể được cho là chúng ta biết về hắn chứ? Có hai điều chắc chắn. Một, hắn có sự day dứt về tôn giáo. Và hai, hắn là kẻ điên. Vậy nếu đặt hai điều đó lại theo cách dễ nhận thấy nhất, thì dĩ nhiên sớm

muộn hắn sẽ tìm đến một thầy trừ tà.”

Ibrahim gật đầu. “Lập luận có lý đấy.”

“Như vậy thì tại sao không tên khoác lác nào ở đấy giúp được gì nhỉ?”

“Chúng ta đã có vài cái tên rồi.”

Họ bước ra khỏi xe. Bọn họ đang ở Kandara, chỉ cách cây cầu trên phố Sitteen vài tòa nhà, chuẩn bị hỏi thăm tay phù thủy thứ năm trong ngày. Có thể Daher đã đúng – và ngay cả khi có vẻ chẳng giúp biến chuyển tình hình theo hướng khả thi hơn, thì anh ta vẫn thật thông minh khi ghép hai điều đó lại với nhau.

Ibrahim không thể thôi suy nghĩ về vệt lằn sưng tấy trên lưng Farrah, và điệu cười tự mãn của Jamila. Nó vẫn khiến ông giận điên người. Mặc dù Farrah không đau lưng nữa, nhưng ông vẫn quyết không chấp nhận rằng một tên phù thủy lang băm đã đuổi được hồn ma ra khỏi cơ thể con bé. Hắn chỉ đơn giản gây ra hiệu quả trấn an bằng một vết sẹo xấu xí và nguy cơ nhiễm trùng. Chừng nào liều thuốc đó vẫn còn tác dụng thì họ vẫn có lý do biết ơn hắn ta, ngoại trừ việc ông không hề thích con cái mình tin vào những thứ tào lao đó, nhất là khi nó có liên quan đến tôn giáo.

Họ bước theo những ngõ ngách nhỏ hẹp của al-Balad. Jeddah có đến cả tá thầy phù thủy trừ tà tiếng tăm và có lẽ là hàng trăm người nữa đang hành nghề trong tầng hầm hoặc phòng khách nhà họ, hàng xóm và thậm chí cả con phố ai cũng biết tên. Điều quan trọng là những kẻ hành nghề này chỉ thực hiện ar-ruqyah ash-shar’eeya – những bùa phép Sharia dựa trên các bài cầu nguyện của Hồi giáo. Bất cứ thứ gì khác sẽ khiến họ phải chịu tội tử hình và bị chặt đầu trước công chúng.

“Anh có nói với tay này là chúng ta đang đến không?” Ibrahim hỏi.

“Có ạ. Tôi đã đặt hẹn. Và tôi có nói chúng ta là cảnh sát.”

Căn nhà bên ngoài có vẻ bình thường, một cánh cửa gỗ với hai cửa sổ có cửa chớp ở hai bên. Họ nhấn chuông và người phục vụ mở cửa, dẫn họ vào cái sân nhỏ. Nhờ có đài phun nước và vài chậu cây treo mà không khí khá mát mẻ. Họ ngồi xuống hai chiếc ghế gỗ chờ đợi. Rõ ràng chỗ này tốt hơn bất cứ chỗ nào họ đã đến hôm nay. Ít ra thì tay phù thủy cũng có cách cư xử phải phép đủ để khách ngồi đợi trong bóng râm, ngay cả khi chẳng mời khách uống gì hết.

“Có gì đó vẫn khiến tôi băn khoăn.” Daher nói. Anh ta vẫn mang vẻ mặt lo lắng ấy. “Nếu cân nhắc đến những chuyện tâm linh đó trong mỗi vụ án mạng thì tên hung thủ của chúng ta hẳn là nhân vật tôn giáo.”

“Và anh đang nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu hắn là một thầy tế Hồi giáo phải không?”

“Đúng vậy, đại loại thế.”

“Nó cũng chính là điều tôi đang băn khoăn.” Ibrahim nói. “Hắn đã xuyên tạc điều gì đó linh thiêng, điều mà khiến hắn cảm thấy giống với một thầy tế.”

“Tôi thấy khó hình dung được.” Daher nói. “Tôi nghĩ về tất cả thầy tế và học giả tôi từng biết, và không hề thấy ai có dính líu đến vụ án mạng nào. Chính vì lẽ đó tôi không thể hình dung tên giết người đó lại có thể là một thấy tế, dù có cố đến mức nào đi nữa.”

Ibrahim không biết mình có thể tiếp tục cuộc hội thoại này đến khi nào, nhưng ông quyết định mạo hiểm, bởi họ đang có mạch chuyện hay.

“Phần lớn thầy tế không hề lầm đường lạc lối.” Ông nói. “Nhưng bất cứ khi nào anh đưa chuyện gì đó đi quá xa, anh sẽ làm hỏng nó. Hãy nghĩ đến những thầy tế lúc nào cũng bị ám ảnh bởi đức hạnh, đến nỗi bọn họ tìm thấy tội ác ở bất cứ thứ gì. Họ có thể ra các điều luật tôn giáo cấm phụ nữ ăn kem ốc quế ở nơi công cộng vì e ngại việc hiểu theo ‘nghĩa rộng’. Hay nói rằng không thể chấp nhận một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế mà một phụ nữ vừa ngồi bởi hơi ấm của cô gái còn lưu trên nó có thể khêu gợi. Cho dù những điều như vậy có xảy ra đi nữa, thì họ có thực sự cho rằng việc nêu lên vấn đề, khiến mọi người phải ý về nó sẽ giúp kiểm soát hay làm tan biến điều đó không?”

“Ai cũng biết mấy tay đó không bình thường mà.”

“Ai cũng thế ư? Thật vậy không?”

“Thôi được, nhưng ông hiểu ý tôi muốn nói là gì mà.”

“Lúc nào người ta chẳng tin vào những chuyện tào lao ấy chứ.” Ibrahim nói có phần nóng nảy. “Tôi chỉ muốn nói rằng có người bị ám ảnh bởi đức hạnh đến mức đã tự biến mình thành những kẻ lầm đường lạc lối. Bọn họ nhìn thấy ám chỉ về tình dục ở cả những thứ trong sáng nhất.”

Daher im lặng ngẫm nghĩ.

“Có lẽ có điều gì đó lớn hơn mà chúng ta buộc phải chịu ở đây.” Ibrahim nói. “Tên giết người của chúng ta là một kẻ cực đoan, nhưng khi chúng ta nghĩ đến việc hắn ta là ai, chúng ta phải thấy hắn trong những người khác. Những người vô tội. Hắn làm lộ ra con người lầm đường lạc lối trong chúng ta.”

“Đúng rồi. Nó chính xác là cảm giác đó.”

Ngay sau đó người phục vụ trở ra với hai cốc nước.

* * *

Charlie ngồi cùng với Katya cả thời gian còn lại của buổi chiều. Như thường lệ, cô ăn bữa trưa mua sẵn mà hôm nay cô chia với Charlie. Một chiếc bánh kẹp ăn khai vị, ít bánh quy cây, pho-mát dây, cà rốt và cô-ca không béo trong tủ lạnh của phòng thí nghiệm. Riêng còn quả táo vẫn còn ở trên bàn trước mặt họ, vì họ không biết làm sao chia nó cho đều.

Họ chưa xem xong những hồ sơ trong hộp dưới sàn nhà. Cho đến giờ mới chỉ có sáu hồ sơ vụ án có ảnh hiện trường chụp toàn thân các nạn nhân, và không cái xác nào có tư thế khác thường cả.

“Bức ảnh này có cái gì đó.” Charlie nói. “Có lẽ vậy.”

Cô đưa cho Katya bức ảnh chụp một bàn tay bị chặt. Katya đọc báo cáo và nhận ra nó không phải án mạng. Hai mươi năm trưóc một người đàn ông vô gia cư đã phát hiện một bàn tay bị chặt dưới con mương thoát nước gần cầu vượt ở Kandara. Ông ta gọi cảnh sát và họ mở cuộc điều tra. Bên pháp y đã phát hiện ra nạn nhân vẫn còn sống khi bị chặt đứt tay. Tuy nhiên họ không chắc bàn tay đó có bị chặt một cách hợp pháp hay không.

Khi ai đó bị trừng phạt vì tội ăn cắp, họ sẽ bị người hành hình của thành phố chặt đứt bàn tay. Người hành hình sử dụng một thanh gươm nhỏ hơn gươm dùng để chặt đầu. Bàn tay bị chặt đứt sau đó sẽ được chôn cất một cách hợp thức dưới sự hỗ trợ của cảnh sát Jeddah. Đôi khi, có người được giảm nhẹ tội và được bác sĩ phẫu thuật cắt tay có sử dụng thuốc gây mê. Theo báo cáo, có khả năng không phải lúc nào các bác sĩ cũng loại bỏ bàn tay bị chặt theo đúng cách thức và một bàn tay bằng cách nào đó trôi theo hệ thống nước thải của thành phố. Bản thân vụ án này – một người nào đấy đã ghi tên rất lố bịch là SALEM-I-DEK, có nghĩa là “Chúa ban phước cho bàn tay của bạn”, một câu nói rất phổ biến khi khen ngợi tài nấu ăn của ai đó – có vẻ là một trong những vụ án không đi đến đâu. Nó không phải trọng án, và vẫn còn bỏ ngỏ.

Sĩ quan phụ trách vụ án, Trung úy Yasser Mu’tazz, đã điều tra kỹ càng hệ thống cống thoát nước và nói chuyện với các bác sĩ có phòng khám có thể kết nối với hệ thống cống thoát. Ông ta không phát hiện ra điều gì khác thường, và không bác sĩ nào ở những phòng khám đó từng phẫu thuật cắt bỏ bàn tay cả. Ông ta cũng nói chuyện với các sĩ quan phụ trách việc chôn cất các bàn tay bị chặt và thấy thủ tục của họ rất chuẩn mực. Dấu vân tay của bàn tay đó không phù hợp với bất kỳ dấu vân tay nào trong cơ sở dữ liệu quốc gia, và vụ án đã chìm vào quên lãng kể từ đó.

Thật kỳ lạ khi Mu’tazz đã nỗ lực đến vậy trong khi bàn tay đó đã được tìm thấy ở nơi cơ bản là một con mương thoát nước hai lần một năm khi ở Jeddah thực có mưa. Nhìn bức ảnh, Katya có thế thấy trời đã không mưa một thời gian rồi. Con mương khô trơ đáy và bị phủ một lớp cát dày.

“Điều này thật kỳ lạ.” Katya nói. “Vụ án này xảy ra hơn hai mươi năm rồi. Tại sao nó lại nằm trong những hồ sơ vụ án hiện tại chứ?”

Khi Katya ngước nhìn lên, nét mặt của Charlie lộ vẻ nghiêm trọng. “Tôi vừa tìm được cái gì đó.” Cô nói. Cô đã cầm tất cả các bức ảnh của vụ án, và đưa từng bức một sang cho Katya. Bức ảnh chụp vẫn bàn tay bị chặt đó ở một góc khác. Người chụp hẳn đã xuống tận con mương thoát nước để chụp ảnh. Con mương rộng chừng một mét. Trông như thể bàn tay đang bò về phía ống kính.

“Hãy nhìn lên bức tường sau bàn tay ấy.” Charlie nói. “Hay đúng hơn là thành của con mương.”

Có một vệt máu trên đó đã khô đen vì nắng.

“Cô có thấy nó có giống một chữ cái nào không?” Charlie hỏi.

“Có.” Katya nói. Cô nói một cách dứt khoát. Những đường viền của vết máu rất sắc nét như thể được sơn lên vậy. “Nhưng rất khó nhận ra đó là chữ cái nào. Nó có thể là một nửa chữ F hay chữ Q gì đó.” Phạm vi của ống kính máy ảnh không đủ rộng để chụp được toàn bộ. Cô lật bức ảnh lại. Có một cái tên và địa chỉ mờ mờ ở góc dưới bên phải được đánh máy thanh thoát: Hussain Sa’ud.

Bọn họ nghiên cứu kỹ các bức ảnh còn lại nhưng không có cái nào cho thấy vết máu đó. Và theo tất cả những gì Katya hiểu, thì đó có thể là một vết gì khác. Cô đọc hồ sơ một lần nữa. Mu’tazz không hề đề cập gì đến vết máu ở hiện trường. Liệu họ đã lấy mẫu nó chưa? Có kiểm tra xem nó có phù hợp với nhóm máu của bàn tay kia hay không? Katya vừa thất vọng vừa ngờ vực. Thật kỳ quặc khi Mu’tazz kết luận rằng bàn tay đã trôi theo con mương trong khi trời không mưa một thời gian rồi. Kỳ quặc hơn nữa là có thể có bằng chứng là vết máu ở hiện trường mà họ lại không thu thập nó. Cô nhận ra Charlie đang quan sát cô và cô giải thích trong khả năng có thể về vụ án và về cách xử lý của Mu’tazz.

“Có lẽ ông ta là lính mới chăng?” Charlie hỏi.

“Có nghĩa là sao cơ?”

“Một người mới vào nghề.”

“À, có thể.” Katya nói. “Nhưng ông ta đã là trung úy rồi. Tôi tự hỏi là tại sao hiện giờ ông ta không nói gì về vụ này.”

“Vụ án xảy ra hai mươi năm rồi mà.” Charlie nêu vấn đề. Thấy mặt của Katya, cô nói thêm: “Tuy nhiên tôi hiểu cô định nói gì: không phải lúc nào người ta cũng tìm thấy một bàn tay bị chặt.”

Imam Abdullah Arsheedy trông giống như hầu hết những thầy tế Hồi giáo bình thường khác trên thế giới này. Ông có khuôn mặt chất phác, lọt thỏm giữa đám tóc, khăn đội đầu và một bộ râu quai nón với sự cân xứng phải-thừa-nhận-là đáng chú ý của một nhà tu mộ đạo. Chỉ có đôi mắt của ông khiến cho khuôn mặt có vẻ khác biệt. Chúng hơi nhô và trũng xuống, kỳ thực là xấu, nhưng lại ánh lên vẻ hiếu kỳ.

Bọn họ ngồi trong phòng làm việc của ông, một căn phòng tối tăm mát dịu, bày biện toàn sách giáo khoa về tôn giáo. Không khí đầy bụi và nặng mùi hương trầm. Vừa uống trà, họ vừa trao đổi và thảo luận về những chuyện thường ngày, cố lái câu chuyện dần hướng sang phần trọng tâm của cuộc hội thoại. Họ vừa mới chuyển chủ đề câu chuyện sang vấn đề làm phép thì thầy trừ tà hé lộ một điều mà Ibrahim coi là chỉ tiết điên rồ.

“Phép thuật là có thực.” Arsheedy thẳng thắn nói. “Chính Nhà tiên tri – cầu chúc ngài bình an – đã nói ‘tà ác là cái thực sự có thật’. Ông đã nhắc đến con mắt tà ác. Kinh Koran thừa nhận rằng phép thuật có tồn tại và có những quyền năng riêng, và những quyền năng đó là có thật. Điều mà kinh Koran không chấp nhận là việc sử dụng phép thuật. Đó là điều cấm kỵ.”

“Vậy thì những gì ông làm có khác biệt như thế nào với phép thuật?” Ibrahim hỏi. Ông thừa biết câu trả lời thông thường sẽ là gì đối với câu hỏi đó, nhưng ông muốn được nghe câu trả lời của Asheedy.

“Với những cách thức được chấp nhận trong kinh Koran và Sunna, việc trích xuất phép thuật từ một người nào đó sau khi phép thuật xảy ra là hoàn toàn có thể.”

Thầy trừ tà có vẻ đã nhận thấy sự hoài nghi của Ibrahim. Ông ta chỉ nói chuyện với Ibrahim, hoàn toàn lờ Daher đi, và nói với giọng điệu của cha với con khi giải thích những ý niệm thông thường.

“Điều cần nhớ là,” Arsheedy nói tiếp, “phép thuật chỉ có tác động đối với một người dựa trên ý nguyện của Allah. Sẽ là sai trái khi tin rằng điều gì đó có thể xảy đến với anh và có một quyền năng nào đó còn lớn hơn Allah mà Người không thể kiểm soát được. Do đó, khi có ai bị ảnh hưởng bởi tà thuật, thì rõ ràng là cách trốn tránh duy nhất là là ở bên Allah. Những gì tôi làm bản thân chúng không có tác dụng gì, tất cả đều nhờ vào quyền năng của Allah.”

Ibrahim phải thừa nhận là ông ta nói có lý, ngoại trừ một vấn đề nhỏ là niềm tin của ông ta và phép thuật. Tuy nhiên tranh luận từ ngữ trong kinh Koran với ông ta quả không phải là một điều khôn ngoan chút nào, nhất là khi muốn có thông tin từ ông ta.

“Rất thú vị.” Ibrahim nói. “Hẳn là ông đã tiếp xúc rất nhiều với những người bị ảnh hưởng bởi các loại phép thuật khác nhau. Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như họ bộc lộ những đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt, giả dụ vậy, hoặc một vài rối loạn về tâm thần khác. Ông có bao giờ giới thiệu họ đến các phòng khám y khoa không?”

“Có, cũng thi thoảng.” Ông ta đáp. “Mặc dù phần lớn các tín chủ tìm đến tôi sau khi những khoa học y tế đối với họ đã thất bại. Các loại thuốc và phương pháp điều trị Tây y mà họ từng thử đều không có hiệu quả, cho nên họ đã tìm đến sự cứu giúp trực tiếp từ Allah. Một trong những yêu cầu khác đối với ar-ruyah ash-shar’eeya là tín chủ đó phải là người có niềm tin, họ phải tin, như tôi, rằng mọi điều chúng ta mong muốn có đều trực tiếp đến từ đức Allah.”

“Điều này cũng có lý.” Ibrahim nói. “Vậy là phần lớn những tín chủ của ông là những người đặc biệt sùng đạo?”

“Có rất nhiều mức độ khác nhau.”Asheedy luôn tỏ ra trao đổi một cách thẳng thắn và cởi mở cho dù Ibrahim có nói gì đi nữa. “Tôi cho rằng những bất ổn về tâm thần có thể khiến cho người ta càng dễ tiếp nhận đức tin hơn. Họ ở trong trạng thái nhu cầu cao hơn, có thể nói như vậy, và do đó đức tin là đặc biệt quan trọng đối với họ. Nó là cách để hàn gắn những đau khổ mà họ phải trải qua.”

“Và điều gì sẽ xảy ra nếu những tín đồ đó không, nói thế nào nhỉ, bị ám nhập bởi một hồn ma nào đó?” Ibrahim nói. “Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta chỉ bị tâm thần phân liệt thôi?”

“Tất cả những đau đớn đều là một loại ác tà.” Vị thầy tu điềm tĩnh đáp. “Và Allah luôn sẵn lòng cứu chữa những nỗi đau đó. Có thể việc cứu chữa sẽ đạt hiệu quả nhất nếu kết hợp với khoa học y tế, nhưng có một số trường hợp nhất định mà y khoa không thể làm được gì và chỉ có thuật làm phép mới có đủ sức mạnh để xoa dịu linh hồn của nỗi đau đó.” Ông ta đặt tách trà của mình trở lại chiếc khay, bắt tréo hai tay trong lòng rồi dò xét nhìn những vị khách. “Liệu tôi có nhầm không khi cho rằng các ông ở đây là vì công việc của cảnh sát?”

“Không sai, điều đó là chính xác.” Ibrahim nói. Ông liếc nhìn Daher người đang tỏ vẻ học trò mẫu mực. “Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu khoa tâm lý học về một tên tội phạm đặc biệt đang phải đương đầu. Hắn đã giết nhiều phụ nữ, và có những mối liên quan về tâm linh trong cách hắn giết người.”

Thầy trừ tà nghiêm nghị gật đầu. “Tôi e rằng tôi không thể giúp các anh về khoa tâm lý học theo bản chất của nó, nhưng tôi có thế xác nhận rằng khi một người thực sự bị tác động bởi tà ác – một hồn ma hay con mắt tà – anh ta có khả năng thực hiện những hành vi suy đồi nhất có thể hình dung được.”

“Vâng, tôi chắc là vậy.” Ibrahim nói. “Có lẽ ngay cả khi những hành vi đó làm ô uế thanh danh của tôn giáo chăng?”

“Nhất là trong trường hợp đó.” Arsheedy nói. “Đôi khi tôi cho rằng đó là cách duy nhất mà tà ác có thể bộc lộ – tức là bằng cách bóp méo tôn giáo. Tôi không ngạc nhiên khi tên sát nhân của các ông đang sử dụng đạo Hồi vào việc bóp méo đó của hắn. Tà ác luôn cố gắng để hủy diệt những gì thiêng liêng nhất – và nó luôn thất bại.”

Có gì đó lạnh lùng trong niềm tin kiên định của ông ta. “Có thể đấy là một câu hỏi kỳ quặc.” Ibrahim nói, “nhưng ông có tình cờ có tín chủ nào – kể cả hiện giờ hoặc trước đấy – bị mất một bàn tay không? Hoặc ai đó bị ảnh hưởng bởi người mất một bàn tay chẳng hạn?”

Arsheedy cân nhắc và chậm rãi lắc đầu. “Tôi không rõ nữa.” Ông ta nói. “Đúng là tôi có những tín chủ đã mất một bàn tay, nhưng họ không tìm đến tôi để làm phép.”

“Tôi muốn có một danh sách về những tín chủ đó, nếu ông không phiền.”

Thầy trừ tà chau mày. “Tôi e rằng không thể dễ dàng tiết lộ danh tính của họ được.” Ông ta nói. “Xin ông hiểu cho.”

“Tôi e rằng không thể dễ dàng ngoảnh mặt đi trước một kẻ đang lạm dụng tà phép trong một xã hội Hồi giáo được.” Ibrahim không hề câu nệ đáp lại. Thầy trừ tà mở miệng – hẳn là để bào chữa cho mình – nhưng rồi có vẻ ông ta đã nghĩ khác. Ông ta với tay về phía ngăn kéo bàn làm việc và lấy ra tờ giấy cùng chiếc bút.

“Ông có bao giờ thấy sợ không?” Đó là Daher. Mặc dù không khí đang im lặng, nhưng chủ nhà có vẻ không bất ngờ trước câu hỏi đó của anh ta.

“Có chứ.” Arsheedy vừa nói vừa liếc nhìn Ibrahim. “Rất khó để không sợ hãi khi đối mặt với ác tà.”

“Như vậy là ông nghĩ về thứ ác tà đấy như một thứ tách biệt khỏi bản thân một con người.” Daher nói tiếp. “Hẳn là rất khó để nhận thấy điều đó khi phải đón tiếp một kẻ mất lý trí và có thể có hành vi bạo lực trong phòng làm việc của mình.”

“Điều buồn cười là,” vị thầy tu thừa nhận, “những kẻ bạo lực không bao giờ khiến tôi sợ hãi cả. Thường thì sự thô bạo về sức mạnh thể chất là một sự giải thoát, hoặc sự nỗ lực của cơ thể để dứt bỏ chính nó khỏi điều gì đó xấu xa. Những kẻ thực sự làm tôi khiếp sợ là những người trầm lặng, khổ hạnh, nhưng anh có thể nhận thấy trong ánh mắt của họ sự căm hận vô bờ. Anh có thể cảm thấy điều đó, ngay cả khi họ chẳng làm gì hết. Anh có thể cảm nhận được nó ngay khi họ bước chân vào phòng. Bọn họ là những kẻ khiến tôi khiếp sợ nhất. Kỳ thực nó giống như bọn họ đang cố gắng kiềm tỏa cái tôi tà ác của chính mình, và làm như vậy, bọn họ đã ràng buộc với nó.”

Daher ngồi ngả ra sau trông có vẻ lo lắng. Ibrahim có cảm giác rằng thầy trừ tà có điều gì khác muốn cho họ biết.

“Có một người đàn ông từng khiến tôi sợ hãi hơn bất cứ ai.” Arsheedy vừa nói vừa đặt bút xuống. “Anh ta đến với bệnh sử về tình trạng lo âu và phiền muộn. Gia đình anh ta luôn cư xử như thể anh ta là người bình thường, nhưng bố mẹ anh ta đã chết và anh ta không kết hôn. Anh chị em của anh ta sống ở Najan, nhưng anh ta lại làm việc ở Jeddah. Tôi cho rằng anh ta thấy rất cô độc. Anh ta là nhân viên cứu thương của Trăng lưỡi liềm Đỏ và kể với tôi rằng có lần anh ta đã ở sau xe cứu thương với một người bị ma ám. Anh ta cho rằng những vấn đề của anh ta bắt đầu từ cái ngày đó, rằng bằng cách nào đấy hồn ma kia đã từ nạn nhân nhập vào anh ta. Anh ta tìm đến tôi và yêu cầu được làm phép. Anh ta không có vẻ gì là bị ma ám cả, nhưng tôi tin anh ta, và tôi đã làm phép. Đó là một cuộc làm phép bình lặng một cách lạ thường. Nhưng cả buổi hôm đó tôi có những cảm nhận ghê sợ về người đàn ông này. Tôi có cảm giác mọi điều anh ta nói với tôi đều dối trá. Tôi không thể nói với các ông là vì sao; chỉ đơn giản đó là cảm giác. Tôi đã cầu nguyện hàng tháng trời, cầu xin lòng bao dung, sự khai minh và lòng nhân từ, nhưng tôi gặp ác mộng trong nhiều tuần sau đó. Sau vài tuần, người đàn ông đó đã quay trở lại để đảm bảo với tôi rằng tôi đã thành công trong việc xua đuổi hồn ma kia, nhưng tôi không tin anh ta. Cho đến giờ điều đó vẫn khiến tôi day dứt, tôi nghĩ là vì tôi không hiểu nó.”

“Tên anh ta là gì?” Ibrahim hỏi.

“Sheikh Rami Hajar.”

Nhân viên của Phòng Lưu trữ trông khoảng mười lăm tuổi. Cậu ta chào Katya bằng cái gật đầu e dè và liếc nhìn đến hai lần tấm thẻ tên trên cổ cô. Bức ảnh thẻ cho thấy chiếc khăn trùm đầu màu đến và khuôn mặt ấy chính là khuôn mặt đang ở trước mặt cậu ta, nhưng có vẻ cậu ta không tin.

“Tôi có thể giúp gì cho chị?”

“Vâng, tôi muốn nói chuyện với Trưởng phòng Lưu trữ.” Cô nói. ‘Tôi cho rằng bằng chứng trong một số hồ sơ tôi nhận được đã bị thất lạc.”

Chàng trai có vẻ tin tưởng, đứng lên và rời khỏi căn phòng nhỏ. Katya đứng bên cửa sổ chăm chăm nhìn ra căn phòng chờ đáng chú ý vì sự trống vắng của nó. Không một chiếc bàn hay giá treo nào. Hai chiếc ghế ở trong một góc xa tít. Các hồ sơ được lưu trữ ở đâu đó phía sau cánh cửa bị khóa ở bên trái cô.

Cuối cùng thì vị Trưởng phòng cũng xuất hiện.

“Tôi có thể giúp gì cho cô?” Ông ta hỏi.

Cô trao cho ông ta hai tập hồ sơ vụ án đã đóng mà cô nhận được từ Ibrahim. “Những hồ sơ này được yêu cầu nhằm phục vụ cho việc điều tra vụ Thiên sứ với mục đích rõ ràng là để so sánh những bức ảnh chụp toàn thân nạn nhân với vụ án hiện tại. Không may là trong những hồ sơ này không có bức ảnh nào chụp toàn thân nào cả. Liệu đấy có phải là bản sao chụp của hồ sơ gốc không thưa ông?”

Vị trưởng phòng nhíu mày và lật giở qua các hồ sơ. “Không, chúng không phải là bản sao chụp đâu thưa cô.”

“Những tay máy pháp y chụp ảnh toàn thân của nạn nhân từ năm 1989, có phải không ạ?” Cô hỏi.

“Vâng, đúng là vậy. Và cô nói đúng, những bức ảnh không có trong này.” Ông ta đóng các tập hồ sơ lại và trả cô. Mặt ông ta cứng lại. “Cô phải làm yêu cầu xét duyệt lại thôi.”

“Xét duyệt lại?”

“Đúng vậy. Cụ thể, cấp trên của cô phải chấp thuận và yêu cầu xét duyệt lại các hồ sơ rồi gửi các văn bản xuống văn phòng của chúng tôi. Khi nhận được các văn bản đó, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề.”

“Làm vậy sẽ mất khoảng bao lâu thưa ông?”

“Chúng tôi sẽ xem xét việc đó sớm nhất có thể.”

“Vậy việc xem xét sẽ mất khoảng bao lâu ạ?”

“Tôi e rằng không thể nói được.”

“Ông cũng thấy đấy là việc khẩn cấp mà.” Cô vừa nói vừa cố gắng nhẹ giọng.

“Tôi hiểu.” Ông ta đáp. “Cô sớm gửi các văn bản đó cho chúng tôi chừng nào thì việc này được giải quyết nhanh chừng đấy.”

Phát bực mình, Katya quay bước rời đi.

Ibrahim tìm thấy Mu’tazz trong phòng làm việc của ông ta. Đã xế chiều, ngoài trời vẫn còn nắng, nhưng văn phòng không có cửa sổ nên ánh đèn đã sáng trên bàn làm việc của ông ta. Mu’tazz đang tập trung đọc đến nỗi không nhận thấy Ibrahim đã đứng ở cửa, và khi nhận ra, ông ta liền đóng tập tài liệu lại.

“Xin chào.” Ibrahim nói. Mu’tazz không đáp. Ibrahim đặt tập tại liệu lên bàn và giải thích về vụ án bàn tay bị chặt mà Katya đã phát hiện trong ngày hôm ấy.

Mu’tazz mở tập hồ sơ , nhìn lướt qua, rồi đóng lại. “Chúng ta đã có những vụ án về những bộ phận cơ thể.” Ông ta nói. “Thế thì sao nào?”

“Ông đã có bao nhiêu vụ?”

“Tôi không đếm.”

“Nhưng ông còn có những vụ khác nữa phải không?”

“Đúng. Một vụ về một cẳng chân. Một vụ là một cánh tay.”

“Tôi chưa từng nghe về chúng.” Ibrahim nói.

“Đó là vì ông không làm việc ở đây.”

“Có thể chúng có liên quan đến việc điều tra vụ giết người hàng loạt của chúng ta.” Ibrahim nói. “Vì vậy tôi sẽ nói với ông điều này. Ông hãy lấy hồ sơ của các vụ án đó và đặt chúng lên bàn làm việc của tôi vào sáng mai, và tôi sẽ không báo cáo về việc ông gây cản trở việc điều tra của tôi.”

Mu’tazz nhìn ông chằm chằm như một con vật ngu ngốc.

Ibrahim quay người bước đi nhưng rồi dừng lại ở ngưỡng cửa. “Nhân tiện, tôi đã được phép xét duyệt lại các hồ sơ vụ án của năm 1988 và 1989. Có vẻ không hồ sơ nào có ảnh chụp toàn thân nạn nhân hết. Xem chừng ảnh đã bị rút ra khỏi những hồ sơ đó.”

“Ồ, cũng có khả năng chứ.” Mu’tazz nói. “Cái đó được gọi là hợp với khuôn phép.”

“Việc phá hủy chứng cứ cũng không hợp với khuôn phép như việc ông vào phòng lưu trữ đâu.”

“Có chứ, nếu vụ án đó đã được đóng.” Mu’tazz đáp.

Ibrahim bỏ đi trước khi mất bình tĩnh. Ông trở lại phòng làm việc, rót một tách trà nóng từ chiếc ấm điện và cố quên Mu’tazz đi, nhưng đã quá muộn. Ông đã rơi vào vòng quỹ đạo của người đàn ông đó. Phẫn uất, vô lý, dùng tôn giáo như một thứ hộ chiếu để giành được sự tôn trọng từ cấp trên, ngay cả khi cấp trên nhận thấy sự giả dối của nó. Ông đã nghe được bàn tán rằng Mu’tazz chưa bao giờ được đồng sự chấp nhận bởi ông ta rất kỳ quái. Thế là đủ. Đàn ông luôn cần những người yếu đuối để nhắc nhở họ về sức mạnh của mình. Quả thực có điều gì đó đáng khinh về người đàn ông này – và, giống như tất cả những gì có vẻ vô tội và yếu đuối, ông ta có thế rất nham hiểm. Đâu là thời điểm mà một người đàn ông từ bỏ giấc mơ hòa hợp và bắt đầu âm mưu chống lại những người đã từ chối.

Ibrahim mở tập tài liệu trên bàn mình, đó là tập hồ sơ mà ông đã hối 10 thư ký của Chánh Riyadh để lấy được. Hồ sơ về quá trình công tác của Trung tá Yasser Mu’tazz.

Chẳng ngạc nhiên khi quá trình làm việc của Mu’tazz rất tầm thường, ông ta chỉ tỉ mỉ và kiên trì khi bắt buộc, và – theo như những gì Ibrahim có thể đánh giá qua các báo cáo – thì ông ta không phải kiểu người tin vào bản năng, ngay cả khi ông ta có nó. Những báo cáo của ông ta mang tính ước lệ hết mức có thể.

Cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi Mu’tazz vẫn là sĩ quan ít được tôn trọng nhất ở Sở. Những lời phê bình của cấp trên trong suốt từng ấy năm đều tế nhị chỉ ra rằng ông ta không bao giờ cố gắng để hòa nhập và những đồng sự khác cảm thấy rất khó gắn bó với ông ta. Tất yếu là ông ta đã bị bốn lần bãi miễn thăng chức. Không lần bị từ chối nào tác động rõ rệt đến tác phong làm việc của Mu’tazz cả. Ông ta vẫn tiếp tục làm việc một cách âm thầm và miễn cưỡng, bảo sao cho đến giờ ông ta vẫn hy vọng mù quáng rằng một ngày nào đó sẽ được đối xử công bằng.

Trong hồ sơ không có điểm nào cho thấy người đàn ông này sốt sắng quá mức hoặc là tip người đám xông vào phòng lưu trữ và tự động kiểm duyệt hồ sơ án mạng của Sở có liên quan đến ảnh chụp phụ nữ lõa thể. Ibrahim đã hy vọng tìm được một điểm tế nhị nào đó về phẩm chất của Mu’tazz, ít nhất là đủ để đánh giá liệu Mu’tazz có xảo quyệt và thôi nát đến mức làm việc gì giống như thế hay không. Tuy nhiên, điểm nổi bật duy nhất trong hồ sơ lại là lối viết văn hay thuần khiết của Mu’tazz. Thật nhục nhã khi so sánh điều đó với cách viết rối rắm của chính Ibrahim. Liệu người ta có thể căm ghét một người đàn ông có chữ viết lúc nào cũng thanh nhã và cân đối được không nhỉ? Viết chữ đẹp đã cho thấy một nét trong con người Mu’tazz đẹp hơn rất nhiều so với những gì ông nhận thấy, một nỗ lực vì sự thuần khiết đằng sau sự lười nhác đã làm nhơ cả cuộc đời sự nghiệp của ông ta.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN