Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới - Chương 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
164


Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới


Chương 19



19

Hamburger, Skyline, Thời Hạn

Trước tiên chúng tôi dự định đi ăn chút gì đó. Tôi không hứng thú ăn uống, nhưng có trời mà biết được khi nào có dịp ăn bữa tới; cứ ăn trước một bữa nghe chừng là ý tưởng hay. Một bánh hamburger và một cốc bia thì chắc tôi cũng cố nuốt được. Cô gái nói rằng cô đang đói run người vì buổi trưa mới chỉ ăn một thanh sô cô la. Cô không đủ tiền mua gì thêm.

Thận trọng để khỏi đau, tôi mặc quần bò, mặc một sơ mi thể thao lên trên T-Shirt và khoác thêm một áo len mỏng. Tôi cẩn thận lấy trong tủ ra chiếc áo khoác leo núi, một bluson bằng nylon. Bộ đồ màu hồng của cô gái thì chắc chắn không phù hợp với cuộc truy tầm dưới lòng đất, nhưng tiếc là trong tủ quần áo của tôi không có quần và sơ mi nào vừa khổ người cô. Tôi cao hơn cô mười phân và nhất định nhẹ hơn cô mười cân. Có lẽ tốt nhất là mua cho cô một bộ đồ thoải mái, nhưng vào giờ nửa đêm các cửa hàng đều đóng cả. Tôi đưa cô một áo khoác quân phục của lính Mỹ thải ra mà tôi hay mặc ngày xưa, nó tương đối vừa với cô. Đôi giày cao gót quả là bất tiện nhưng cô nói là ở văn phòng sẽ có giày thể thao và ủng cao su.

“Giày thể thao hồng và ủng cao su hồng”, cô nói.

“Màu hồng là màu cô thích nhất phải không?”

“Ông tôi thích nhất. Ông nói là tôi hợp màu hồng.”

“Đúng thế”, tôi nói. Không nói dối. Cô gái hợp màu hồng thật. Phụ nữ béo mà mặc màu hồng thì trông như cái bánh dâu tây khổng lồ, nhưng trên người cô thì màu này rất hài hòa.

“Và ông cô cũng thích các cô gái đầy đặn một chút, phải không?”, tôi bồi thêm luôn.

“Tất nhiên”, cô bé màu hồng đáp. “Vì vậy tôi luôn chú ý giữ cân cho thật béo. Tôi ăn nhiều bơ và váng sữa, nếu thiếu là sụt cân ngay.”

“Thế à”, tôi nói.

Tôi mở tủ tường lấy ba lô ra, kiểm tra chắc chắn là nó không bị hỏng và nhét hai chiếc áo khoác của chúng tôi vào, cất thêm đèn pin, la bàn, găng tay, khăn tay, một con dao to, bật lửa, dây dù và cồn khô. Sau đó tôi vào bếp nhặt dưới đất hai gói bánh mì và vài đồ hộp đựng thịt bò, đào, xúc xích, bưởi, và nhét tất cả vào ba lô. Tôi đổ đầy một phích nước. Cuối cùng tôi đút toàn bộ tiền mặt hiện có trong nhà vào túi quần.

“Giống đi picnic quá”, cô bé nói.

“Giống đi picnic”, tôi nói.

Trước khi xuất hành, tôi ngó qua nhà lần nữa. Căn hộ trông như một bãi đổ rác. Trên đời này mọi việc đều thế cả. Xây thì lâu chứ phá thì nhanh lắm. Tôi đã sống trong căn hộ hai phòng kèm bếp này, đôi khi mệt mỏi và kiệt quệ, nhưng hài lòng theo kiểu riêng mình. Tất cả đã tan biến như sương sớm, với tốc độ bằng một người uống xong hai lon bia. Công việc của tôi, whiskey của tôi, không gian yên tĩnh của tôi, sự cô đơn của tôi, bộ sưu tập đĩa John Ford của tôi – tất cả, tất cả đã biến thành rác rưởi.

Cỏ hoa xanh thắm, ruộng đồng ngát hương. Tôi ngâm nga trong đầu. Rồi tôi mở tủ điện cạnh cửa và dập cầu chì tổng xuống để ngắt điện.

Vết thương quá đau không cho phép tôi suy nghĩ tử tế, thêm vào đó là tôi quá mệt mỏi, vì vậy tôi quyết định không nghĩ ngợi gì nữa. Thà như thế còn hay hơn những suy tính không đến đầu đến đũa. Vậy là tôi hiên ngang đi thang máy xuống tầng hầm để xe, mở khóa ô tô và quẳng mọi thứ lên ghế sau. Nếu có ai đứng rình ở đó thì, xin mời, cứ cho hắn đứng rình. Và nếu hắn muốn bám đuôi chúng tôi thì tôi cho hắn bám đuôi. Tôi sổ toẹt tất cả. Tôi việc gì phải sợ ai cơ chứ? Sợ ký hiệu sư? Sợ Nhà máy? Sợ hai thằng vác dao hôm nọ? Xỏ mũi ba đối thủ cùng một lúc thì không nhất thiết là quá khó, nhưng trong tình trạng của tôi lúc này thì quá dở. Đương đầu với lũ ma đen trong lòng đất tăm tối trong khi có vết rạch dài sáu phân ở bụng, cơ thể thiếu ngủ và cô gái mũm mĩm vướng vào cẳng đã là đủ lắm rồi. Nếu bọn kia định tấn công thì xin mời, cứ tấn công đi.

Vì không nhất thiết muốn cầm lái, tôi hỏi cô gái có biết lái xe không. Cô lắc đầu.

“Rất tiếc. Tôi chỉ biết cưỡi ngựa.”

“Không sao”, tôi nói. “Có thể rồi sẽ đến lúc cần cưỡi ngựa.”

Nhìn vào đồng hồ xăng thấy kim ở mức gần đầy, tôi đánh xe ra khỏi hầm. Sau khi đi qua các ngõ khúc khuỷu trong quận đến một đường lớn. Mặc dù đã muộn nhưng đường khá đông xe. Một nửa số ô tô là taxi, nửa kia là xe con và xe tải. Tôi không hiểu vì sao giờ này còn có nhiều người ra đường. Vì sao người ta không về nhà khi tan việc vào sáu giờ, tắt đèn và lên giường ngủ lúc mười giờ?

Thôi thì tất nhiên đó không phải là vấn đề của tôi. Thế giới này quay vòng theo các nguyên tắc khác, không theo các nguyên tắc mà tôi cho là đúng. Không cần biết đến tôi, người Ả Rập vẫn tiếp tục khoan giếng dầu, mọi người mua dầu nhằm chế ra điện và xăng để rượt theo những giấc mộng của mình khi màn đêm buông xuống thành phố. Thì dính dáng gì đến tôi? Bây giờ tôi phải giải quyết vấn đề riêng của mình.

Chúng tôi dừng trước đèn đỏ. Tôi vịn hay tay lên vô lăng và ngáp trẹo hàm.

Trước xe tôi có một xe tải đỗ, chở đầy đến mái toàn các bó giấy. Chếch bên phải là một đôi trai gái trẻ ngồi trong xe Skyline trắng. Họ trên đường về nhà hay vừa ra khỏi nhà để đến chỗ ăn chơi, tôi không biết, nhưng cả hai mang vẻ mặt chán nản. Cô gái thõng tay trái đeo hai lắc bạc ra ngoài cửa sổ xe, thoáng nhìn về phía tôi. Không phải vì cô ta chú ý đặc biệt gì đến tôi, mà vì chẳng còn gì khác để nhìn. Biển giao thông, đèn quảng cáo nhà hàng Denny’s hay khuôn mặt tôi thì có gì khác biệt đâu? Tôi nhìn lại. Cô ta đẹp. Đẹp như hàng triệu cô gái khác thôi. Một cô gái như kiểu diễn viên thủ vai bạn gái của nhân vật chính trên ti vi và hỏi cô ta khi đang ngồi trong tiệm cà phê: “Cậu làm sao thế? Trông cậu dạo này có vẻ nhiều lo lắng!” Loại vẻ đẹp được lên phim có một lần và rời khỏi màn hình là người ta quên bẵng.

Đèn chuyển sang xanh, và trong khi xe tải trước mặt tôi nặng nề chuyển bánh thì chiếc Skyline trắng rồ máy lên và phóng vụt đi với tiếng nhạc của Duran Duran.

“Cô có thể chú ý quan sát những chiếc xe đi sau được không?”, tôi đề nghị với cô gái mũm mĩm. “Nếu có xe nào bám dai thì cho tôi biết.”

Cô gái gật đầu và ngoái lại xem. “Ông nghĩ là có người theo mình à?”

“Tôi không biết”, tôi nói. “Cẩn thận vẫn hơn. Mình ăn một cái hamburger nhé? Đỡ phải đợi lâu.”

“Cũng được.”

Tôi rẽ vào tiệm hamburger phục vụ lái xe đầu tiên. Một cô gái mặc váy liền đỏ khá ngắn liền xếp chồng khay lên cửa cạnh và nhận đặt đồ ăn.

“Một hamburger phó mát đúp, khoai tây chiên và ca cao nóng”, cô béo gọi.

“Một hamburger bình thường và một bia”, tôi nói.

“Xin lỗi, chúng tôi không bán bia”, phục vụ viên nói.

“Một hamburger bình thường và một Coca”, tôi nói. Làm sao tôi có thể nghĩ rằng một tiệm phục vụ lái xe lại bán bia?

Trong khi ngồi đợi thức ăn, chúng tôi chú ý quan sát các xe rẽ vào sau nhưng không thấy xe nào. Tuy nhiên một kẻ theo dõi chuyên nghiệp thì ắt sẽ không rẽ vào một tiệm phục vụ xe đi qua mà đỗ ở một chỗ kín đáo đợi chúng tôi đi ra. Tôi không quan sát nữa và uể oải ăn chiếc hamburger, khoai tây chiên, lá xà lách to bằng tấm vé tàu điện ngầm và uống Coca. Cô béo khoan thai hơn, cô khoái trá tận hưởng chiếc hamburger pho mát, nhún khoai tây trong túi ra và húp ca cao.

“Ông có muốn ăn chút khoai tây chiên không?”, cô hỏi tôi.

“Không, cảm ơn”, tôi nói.

Sau khi ăn xong và uống hết ca cao, cô liếm sốt cà và mù tạc dính ở ngón tay, lau tay và miệng bằng khăn giấy. Có vẻ bữa ăn rất ngon miệng.

“Giờ đến chuyện ông cô”, tôi nói. “Trước tiên ta hãy xem trong phòng thí nghiệm.”

“Tôi cũng nghĩ thế. Có thể ta sẽ tìm được một gợi ý nào chăng. Tôi sẽ giúp ông.”

“Cô có nghĩ là mình đi qua được ổ ma đen? Thiết bị để xua lũ khốn nạn này bị hỏng rồi, phải không?”

“Không thành vấn đề. Còn một máy phụ nhỏ hơn. Không hiệu nghiệm lắm, nhưng nếu đeo vào người thì bọn ma đen sẽ tránh ra.”

“Tốt quá.” Tôi thấy yên tâm.

“Tiếc rằng mọi chuyện không hẳn đơn giản như vậy”, cô gái nói. “Máy di động lắp pin và chỉ đủ chạy ba mươi phút liền. Sau đó lại phải nạp điện.”

“Hừm, nạp mất bao lâu?”, tôi hỏi.

“Mười lăm phút. Chạy ba mươi phút, nghỉ mười lăm phút, đủ cho chặng đường từ văn phòng đến phòng thí nghiệm, vì vậy ông tôi không làm máy to hơn.”

Tôi không nói thêm câu nào. Có máy này còn hơn không, và chúng tôi phải chấp nhận thứ gì sẵn có.

Chúng tôi rời tiệm ăn. Dọc đường tôi phát hiện ra một siêu thị mở 24/24. Tôi mua hai lon bia và một chai whiskey. Sau đó tôi thấy trong người khá hơn một chút và đưa cho cô gái cất vào ba lô.

“Tại sao ông uống nhiều thế?”, cô bé hỏi.

“Vì tôi sợ”, tôi nói.

“Tôi cũng sợ”, cô gái nói. “Nhưng tôi không uống.”

“Nỗi sợ của cô khác của tôi.”

“Nghĩa là sao?”, cô hỏi.

“Nếu người ta lớn tuổi thì sẽ có thêm nhiều điều không thể sửa chữa được nữa.”

“Và người ta sẽ chóng mệt hơn?”

“Chính xác”, tôi nói. “Người ta cũng chóng mệt hơn.”

Cô quay sang và đưa tay sờ lên tai tôi. “Ông đừng lo. Mọi việc sẽ ổn thôi. Tôi không rời ông đâu”, cô nói.

“Cảm ơn”, tôi nói.

Tôi đỗ xe ở bãi đỗ của tòa nhà mà giáo sư chọn làm văn phòng, ra khỏi xe và khoác ba lô lên. Chốc chốc vết thương lại đau cuộn, tựa như một máy kéo trở cỏ đi xồng xộc ngang bụng. Chỉ là một cơn đau thôi, tôi nghĩ vậy và cố không nghĩ đến nó, một cơn đau bề nổi thôi, không liên quan gì đến nội tâm sâu thẳm cả. Như mưa bóng mây chóng qua. Tôi cố tập trung chút tự trọng còn sót lại, gạt mọi suy nghĩ về vết thương và cố theo kịp cô gái.

Một nhân viên bảo vệ trẻ và cao lớn muốn xem thẻ thông hành của cư dân trong nhà. Cô gái lấy một thẻ nhựa trong túi ra đưa. Anh ta cắm thẻ vào máy tính trên bàn, kiểm tra tên và số phòng hiện trên màn hình và bấm nút mở cửa cho chúng tôi vào.

“Đây là một ngôi nhà rất đặc biệt”, cô bé giải thích cho tôi trong khi đi qua tiền sảnh rộng bát ngát. “Tất cả những ai ở đây đều có một bí mật nào đó cần bảo vệ, vì vậy người ta đã lập một hệ thống canh gác riêng. Người ta có những công trình nghiên cứu nhạy cảm, hoặc tổ chức các buổi họp bí mật, đại khái như vậy. Ở cửa ra vào, người ta kiểm tra nhân thân của khách như vừa thấy, sau đó theo dõi qua camera để yên tâm là người nào cũng chỉ được đến nơi mình được phép. Giả sử có ai đó theo gót chúng tôi chăng nữa – không bao giờ người đó lọt vào nổi tòa nhà này.”

“Người ta biết rằng ông cô đào một cái hầm đi xuống lòng đất ngay trong tòa nhà chứ?”

“Không rõ. Có lẽ không ai biết đâu. Khi xây tòa nhà này, ông tôi cũng đã sai thiết kế một cái hầm đi thẳng từ văn phòng xuống dưới đất, nhưng chỉ một vài người biết thôi. Nói đúng là chỉ có chủ sở hữu ngôi nhà và kiến trúc sư biết. Họ bảo với công nhân xây dựng đó là đường thoát nước, và chỉnh sửa ra sao đó trong bản vẽ trước khi nộp cho phòng xây dựng.”

“Chắc là tốn rất nhiều tiền!”

“Nhất định rồi. Nhưng ông tôi thừa tiền”, cô bé nói. “Tôi cũng thế. Tôi giàu lắm. Chúng tôi đã trúng cổ phiếu mua bằng tiền thừa kế của bố mẹ tôi và tiền bảo hiểm.”

Cô rút chìa khóa trong túi và mở cửa thang máy. Chúng tôi đi vào khoang thang máy thênh thang kỳ quái.

“Trúng cổ phiếu?”, tôi hỏi.

“Vâng. Ông tôi đã chỉ cho tôi cách làm. Phải chú ý các dữ kiện nào, đánh giá tình hình thị trường ra sao, cách thức lập thuế, chuyển tiền ra nước ngoài, vân vân. Cổ phiếu rất thú vị. Ông đã mua cổ phiếu bao giờ chưa?”

“Tiếc là chưa”, tôi nói. Thậm chí tôi còn không biết cách gửi tiền có kỳ hạn.

“Ngày xưa ông tôi làm mối mai buôn cổ phiếu, đó là nghề kiếm được quá nhiều tiền nên ông trở thành nhà khoa học. Buồn cười nhỉ?”

“Buồn cười thật”, tôi nói.

“Ông tôi bắt tay vào việc gì cũng vào hạng kiệt xuất”, cô bé nói.

Như hôm đầu tiên, tốc độ chuyển động làm người ta không biết thang máy đi lên hay đi xuống. Mãi vẫn chưa đến. Và cảm giác bị camera theo dõi suốt buổi khiến tôi bức xúc.

“Giáo dục ở nhà trường quá kém hiệu quả, không đào tạo được nhân tài kiệt xuất, ông tôi nói thế. Ông nghĩ sao?”

“Có thể thế. Có lẽ ông cô nói đúng”, tôi nói. “Tôi học mười sáu năm trời ở phổ thông và đại học, nhưng kết quả thu được không ghê gớm lắm. Tôi không biết ngoại ngữ, không chơi nhạc cụ, không hiểu gì về cổ phiếu, và cưỡi ngựa cũng không biết nốt.”

“Sao ông không bỏ học? Lúc nào cũng có thể bỏ học cơ mà!”

“Đúng thế”, tôi nói và ngẫm nghĩ một lát. “Ngày xưa tôi không hề nghĩ đến khả năng đó. Gia đình tôi khác gia đình cô, cực kỳ tầm tầm bậc trung. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ ra rằng mình có thể leo lên đến hàng kiệt xuất.”

“Đó là một sai lầm”, cô nói. “Con người ta ai cũng có tiềm năng để trở nên kiệt xuất ở lĩnh vực nào đó, nhưng đa số không thực hiện được chỉ vì có những người chuyên vùi dập tiềm năng đó, thay vì thúc đẩy nó.”

“Như tôi”, tôi nói.

“Không, ông khác. Tôi có cảm tưởng ông là một người đặc biệt. Vỏ cảm xúc của ông cứng như đá, nhưng bên dưới có nhiều thứ còn chưa chín và tinh khôi như xưa.”

“Vỏ cảm xúc của tôi?”

“Đúng thế. Vì vậy chưa phải quá muộn. Khi nào làm xong vụ này, chúng mình sẽ chung sống với nhau nhé? Mình sẽ đi Hy Lạp, đi Romania hay Phần Lan, đến đâu mà mọi thứ hiền hòa, và cùng nhau cưỡi ngựa, hát hò. Tôi có đủ tiền mà. Và dần dần ông sẽ thành người kiệt xuất.”

“Tôi không biết”, tôi nói.

Khi ra khỏi thang máy, cô gái rảo bước đi trước như hôm đầu và gót giày cô khua lách cách. Trước mắt tôi, vòng mông tuyệt đẹp của cô đung đưa, và đôi bông tai sáng lấp lánh.

“Nhưng, giả sử chúng ta sẽ làm như thế”, tôi nói từ phía sau, “thì tôi sẽ được nhận mọi thứ từ cô, chứ cô chẳng được tôi cho gì cả. Tôi thấy thế tương đối bất công và không hợp lẽ.”

Cô chậm bước để tôi tiến lên ngang hàng. “Nhất định sẽ có gì đó mà ông có thể cho tôi”, cô nói.

“Ví dụ?”, tôi hỏi.

“Ví dụ – cái vỏ cảm xúc của ông. Tôi muốn làm quen nó kỹ hơn. Nó làm bằng gì, hoạt động ra sao, vân vân. Cho đến nay tôi chưa hề biết đến những thứ tương tự, và tôi nóng lòng muốn biết.”

“Chẳng có gì cao xa lắm đâu”, tôi nói. “Ai cũng giấu cái cảm xúc của mình dưới một lớp vỏ mỏng hay dày. Cô không thấu thị được tâm hồn rất bình thường của một người rất bình thường, chỉ vì cô chưa biết gì về thế giới bên ngoài.”

“Đúng là ông chẳng hiểu gì cả”, cô gái mũm mĩm nói. “Ông biết xáo dữ liệu, đúng không nào?”

“Đúng thôi, nhưng đó là một khả năng học được. Đại loại như biết dùng bàn tính hay chơi dương cầm thôi.”

“Không thể nói thế được”, cô gái nói. “Nhất định là ban đầu ai cũng nghĩ thế. Nếu được học hành tử tế thì bất cứ ai – nghĩa là những người đã qua kỳ sát hạch – cũng học được cách xáo dữ liệu. Ông tôi cũng tưởng thế. Thực tế là hai mươi lăm người thử việc khác được giải phẫu giống hệt như ông, học khóa huyến luyện giống hệt về xáo dữ liệu. Cho đến lúc đó mọi sự trôi chảy. Vấn đề về sau này mới phát sinh.”

“Đây là lần đầu tiên tôi được nghe chuyện này”, tôi nói. “Tôi được nghe người ta nói là tất cả diễn ra đúng kế hoạch…”

“Đó là cách giải thích công khai. Sự thật thì khác. Hai mươi lăm trong số hai mươi sáu ứng viên học xong khóa xáo dữ liệu đã chết, một năm hay một năm rưỡi sau khi kết thúc chương trình huấn luyện. Ông là người duy nhất còn sống sau hơn ba năm và vẫn xáo dữ liệu một cách thoải mái không vấn đề gì. Ông có còn tin mình là một người rất bình thường nữa không? Bây giờ ông là một người rất quan trọng!”

Tôi im lặng đi một hồi dọc hành lang, tay đút túi quần. Việc này đã vượt xa tầm cá nhân tôi và lan rộng nữa. Không thể lường được nó còn tiến triển đến đâu.

“Vì sao mọi người chết cả?”, tôi hỏi cô gái.

“Tôi không biết. Nguyên nhân không rõ. Người ta biết có một công năng trong não trục trặc, nhưng không tìm được nguyên nhân.”

“Nhưng nhất định phải có một phỏng đoán chứ!”

“Ông tôi cho rằng hình như một người bình thường không chịu nổi tia chớp trong trung tâm ý thức hệ, vì vậy các mô não cố sinh ra một dạng kháng thể. Nhưng phản ứng này diễn ra quá nhanh và quá mạnh, dẫn đến cái chết. Thực tế thì quá trình đó phức tạp hơn, nhưng đó là lời giải thích có tính đại cương.”

“Vì lý do gì mà tôi sống sót?”

“Hình như ở ông các kháng thể đã tồn tại bẩm sinh. Đó là cái mà tôi gọi là vỏ cảm xúc của ông. Chúng đã có sẵn trong não ông, vì vậy ông đã sống sót. Để bảo vệ bộ óc, ông tôi đã thử tạo ra một vỏ nhân tạo; nhưng, như ông tôi kể lại, nó tỏ ra quá mỏng.”

Tôi suy nghĩ một hồi về chuyện này. “Có phải cái vỏ hay sinh các kháng thể hay cái gì đại loại như thế đã có từ khi sinh ra?”

“Có thể một phần bẩm sinh, một phần sau này được tạo ra, tôi nghĩ thế. Nhưng ông tôi không hé một lời nào nữa. Biết quá nhiều sẽ nguy hiểm cho tôi. Theo tính toán dựa trên giả thuyết của ông tôi thì trong số một triệu hay một triệu rưỡi người chỉ có một người sở hữu kháng thể ấy, và chỉ có thể phát hiện ra những người ấy khi huấn luyện cho họ khả năng xáo dữ liệu.”

“Nếu cho rằng giả thuyết của ông cô là đúng thì việc tôi nằm trong số hai mươi sáu người là một tình cờ vô cùng hy hữu?”

“Vì thế ông là một người khảo sát quan trọng, là chìa khóa để mở cửa.”

“Thực sự ông cô định làm gì với tôi? Những dữ liệu mà ông bảo tôi xáo trộn và cái đầu lâu thú một sừng có ý nghĩa gì?”

“Nếu tôi biết được thì chúng tôi có thể đưa ông tôi ra khỏi vòng nguy hiểm ngay lập tức rồi”, cô gái nói.

“Đưa tôi và thế giới”, tôi nói.

Văn phòng tương đối bề bộn, tuy không đến nỗi lộn phèo như nhà tôi. Giấy tờ vương vãi trên nền nhà, bàn giấy lật nhào, ngăn kéo văng ra ngoài giá, trên sofa bị rạch nát là đống quần áo lộn xộn lôi trong tủ ra của giáo sư và cô gái. Đồ của cô quả thực toàn màu hồng. Đủ mọi sắc hồng đậm nhạt, từ phơn phớt đến hồng tím.

“Khủng khiếp quá”, cô lắc đầu. “Chắc bọn từ dưới đất lên đấy.”

“Cô nghĩ là bọn ma đen?”

“Không, ma đen không lên mặt đất, và nếu chúng ở đây thì sẽ có mùi.”

“Có mùi?”

“Mùi cá và mùi bùn, rất khó ngửi. Không, không phải ma đen đâu. Có vẻ giống như bọn đập phá nhà ông hơn.”

“Có thể lắm”, tôi nói và ngó quanh. Trước cái bàn lật nghiêng, một nắm ghim giấy lóng lánh trong ánh đèn nê ông. Những cái ghim giấy này trước đó đã gợi tôi nhớ đến một cái gì; tôi làm bộ tìm kiếm trên sàn và ột nhúm vào túi quần.

“Ở đây có cất đồ đạc quan trọng nào không?”

“Không. Toàn những thứ lặt vặt. Sổ sách kinh doanh, hóa đơn, tài liệu nghiên cứu ít quan trọng và những đồ tương tự. Không có gì đáng giá cả.”

“Hy vọng cái máy ngăn ma đen còn hoạt động.”

Trong đống bừa bãi trước cửa tủ – đèn pin, radio, máy thu băng cát xét, đồng hồ báo thức, cuộn băng dính, một hộp kẹo ho – cô gái lôi ra một vật trông như máy đo hiệu điện thế và bật tắt vài lần.

“Tốt. Vẫn chạy. Nhất định bọn nó cho là đồ vứt đi. Vả lại cũng là kỹ thuật đơn giản, không dễ hỏng được”, cô nói.

Cô đi vào góc phòng, ngồi thụp xuống, lật nắp một ổ cắm và bật công tắc. Rồi cô đứng dậy, khẽ áp bàn tay lên một chỗ trên tường. Một ô cửa sổ to bằng một cuốn danh bạ điện thoại mở ra, bên trong có một két sắt.

“Ngụy trang giỏi đấy chứ?” cô tự hào nói. Cô mở két sắt bằng mật mã bốn số. “Nhờ ông lấy hộ mấy thứ này ra bàn.”

Tôi nghiến răng dựng cái bàn giấy bị đổ lên rồi dọn các thứ trong két sắt ra. Đó là một chồng dày năm phân toàn sổ tiết kiệm, tín phiếu và giấy tờ, chằng dây cao su, chừng năm triệu yên tiền mặt, một túi vải nặng, một cuốn sổ tay bọc da đen, một phong bì nâu. Cô gái dốc phong bì ra bàn, một đồng hồ Omega cũ và một nhẫn vàng. Đồng hồ đen sạm, mặt kính bị vỡ.

“Của bố tôi đấy”, cô nói. “Nhẫn là của mẹ tôi. Còn thì cháy hết.”

Tôi gật đầu. Cô gái cho đồng hồ và nhẫn vào phong bì, cầm một xấp tiền đút và túi áo. “Tôi quên mất là ở đây có tiền mặt.” Rồi cô mở túi vải ra, lôi một bọc gói trong cái áo lót cũ ra mở cho tôi xem. Một khẩu súng lục tự động nhỏ. Trông cổ kính, nhưng nhất định không phải một đồ chơi mà là một vũ khí bắn được đạn thật. Hình như một khẩu Browning hay Berreta, mặc dù tôi không thạo súng lục lắm. Tôi biết loại súng này do xem phim. Ngoài ra còn một hộp đạn và một băng dự trữ.

“Ông bắn giỏi không?”, cô bé hỏi.

“Cô đùa đấy à?”, tôi giật mình đáp. “Tôi chưa bao giờ cầm một khẩu súng lục trong tay.”

“Tôi bắn giỏi. Tập tành mấy năm rồi. Mỗi lần về nhà nghỉ ở Hokkaido là tôi tập bắn một mình trên núi. Cách mười thước tôi có thể bắn trúng một tấm danh thiếp. Khá đấy chứ?”

“Khá”, tôi nói. “Vũ khí kiếm đâu ra vậy?”

“Ông dốt thật”, cô ngán ngẩm nói. “Có tiền là có hết. Ông không biết thế sao? Ông không biết bắn thì tôi giữ súng vậy. Được không?”

“Cứ việc. Nhưng lúc trời tối thì cẩn thận đừng nhỡ tay bắn vào tôi nhé. Sức tôi không chịu được thêm một vết thương nữa đâu.”

“Không lo. Tôi là người rất cẩn thận”, cô nói và đút súng lục vào túi áo bên phải. Khó hiểu tại sao túi áo không cộm lên, mặc dù cô nhét đủ thứ vào, mà cũng chẳng kéo lệch áo. Có mẹo nào đó chăng. Cũng có thể thợ may giỏi.

Tiếp theo cô mở sổ tay ở khoảng giữa, chăm chú và nghiêm nghị đọc một lúc lâu. Tôi thoáng nhìn vào nhưng chỉ thấy những hàng số và chữ cái khó hiểu, không rõ chúng có ý nghĩa trực tiếp nào.

“Sổ tay này của ông tôi”, cô bé nói. “Viết bằng một thứ mật mã chỉ riêng ông tôi và tôi hiểu. Trong này nói đến những gì ông tôi dự định làm trong ngày và những gì xảy ra. Ông tôi vẫn nói là nếu có gì xảy ra với ông thì cháu hãy đọc trong này. Hừm, gượm đã, ông rửa số hôm 29 tháng Chín phải không?”

“Chính xác”, tôi nói.

“Ở đó viết số 1. Có lẽ là bước thứ nhất. Tối khuya ngày 30 hay rạng ngày 31 ông xáo xong dữ liệu. Đúng không ạ?”

“Đúng.”

“Số 2. Bước thứ hai. Sau đó, đợi đã, ngày 2 tháng Mười. Mười hai giờ trưa. Số 3. Ở đây ghi ‘xóa chương trình’.”

“12 giờ trưa ngày 2 tháng Mười tôi phải đến chỗ ông. Có thể ông định xóa chương trình đặc biệt đã cấy vào người tôi. Để thế giới không bị diệt vong. Nhưng tình hình đã thay đổi. Có lẽ giáo sư đã bị giết hoặc bắt cóc đến một nơi nào đó. Đó là vấn đề quan trọng nhất trong lúc này.”

“Đợi một chút. Tôi xem thêm các ngày sau đó. Ông tôi đã mã hóa khá nhiều.”

Trong lúc cô gái đọc, tôi dọn các thứ trong ba lô và thay pin đèn. Áo mưa và ủng cao su quăng lung tung trên nền nhà, nhưng may mà không bị phá hỏng đến mức không dùng được. Qua thác mà không có áo mưa thì có lẽ ướt như chuột lột và chết cóng mất. Chưa kể là vết thương lúc đó lại bắt đầu hành hạ dữ hơn. Tôi nhét cả một đôi giày chạy màu hồng của cô gái vào ba lô. Đồng hồ của tôi chuẩn bị nhảy lên số 12 giờ trưa. Tính đến thời hạn để xóa chương trình như vậy chỉ còn đúng mười hai tiếng nữa.

“Nhiều con tính phức hợp quá. Thể tích dòng chảy. Tốc độ tan băng. Các giá trị sức bền và lỗi, toàn những thứ tôi không hiểu.”

“Bỏ qua những thứ cô không hiểu đi. Ta không có nhiều thì giờ nữa đâu”, tôi nói. “Đọc những gì cô có thể giải mã được.”

“Có gì để giải mã đâu?”

“Tại sao?”

Cô đưa tôi cuốn sổ và chỉ vào chỗ cần đọc. Ở đó không có mật mã, chỉ có một chữ X to tướng và ngày giờ. Sự chênh lệch về độ lớn giữa chữ X to quá khổ và hàng chữ số còn lại hầu như không đọc nổi nếu thiếu kính lúp làm tăng thêm ấn tượng kỳ quái.

“Ý nghĩa của nó là thời điểm tận cùng thế giới, tôi đoán vậy”, cô bé nói.

“Có thể là, và đúng hơn là: bước thứ tư. Nếu bước ba là xóa chương trình thì X không diễn ra. Nếu vì bất cứ lý do nào đó mà không thể xóa được thì chương trình sẽ chạy tiếp – cho đến khi có X.”

“Vậy thì bằng bất cứ lý do nào tôi và ông phải tìm được ông tôi, chậm nhất vào 12 giờ trưa ngày 2 tháng Mười, đúng không ạ?”

“Đúng thế, nếu phỏng đoán của tôi có lý.”

“Ông đoán đúng không?”

“Có lẽ đúng”, tôi khẽ nói.

“Ta còn bao nhiêu tiếng nữa”, cô hỏi, “đến thời điểm tận cùng thế giới hay đến vụ nổ Big Bang chẳng hạn?”

“Ba mươi sáu tiếng”, tôi nói. Không cần nhìn đồng hồ. Thời gian để trái đất quay một vòng rưỡi. Thời gian để phát hai số báo buổi sáng và một số báo buổi chiều. Thời gian để hai lần đồng hồ báo thức réo, hai lần cạo râu. Ba mươi sáu tiếng. Nếu một người sống 70 tuổi thì đó là 1 phần 7.033 cuộc đời. Khi ba mươi sáu tiếng đó trôi qua thì – có lẽ – thế giới sẽ lụi tàn.

“Bây giờ ta làm gì?”, cô bé hỏi.

Tôi lấy trong hộp thuốc rơi trước cửa tủ một viên thuốc giảm đau, chiêu ngụm nước trong phích rồi khoác ba lô lên.

“Trèo xuống thôi – chứ còn làm gì nữa?”, tôi nói.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN