Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới - Chương 23
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
137


Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới


Chương 23



23

Hố, Vắt, Tháp

“Không, không phải động đất”, cô bạn đồng hành mũm mĩm nói. “Mà khủng khiếp hơn nhiều.”

“Giống cái gì?”

Cô lấy hơi để nói, nhưng lập tức lắc đầu: “Bây giờ thì không có thì giờ giải thích. Chạy nhanh lên, nhanh hết mức có thể, cứ nhằm thẳng hướng mà chạy. Đó là lối thoát duy nhất. Bụng anh sẽ đau đấy, nhưng còn hơn là chết!”

Chúng tôi chạy đứt hơi, vẫn nối với nhau bằng sợi thừng. Cây đèn trong tay cô gái hất lên hất xuống như điên và vẽ những đường dích dắc trên vách đá cao. Đồ đạc trong ba lô tôi nảy sòng sọc. Đồ hộp, bi đông, chai whiskey. Tôi ước gì được vứt bớt chúng đi và chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất, song không dám dừng lại lấy một giây. Tôi nghiến răng bám sát gót cô gái, thậm chí không còn tâm trí nào nghĩ đến vết đau. Sợi dây nối hai người không cho phép tôi chậm chân hơn. Hơi thở dồn dập của cô và tiếng ba lô tôi nảy lọc xọc vang lên thành nhịp trong bóng đêm, nhưng rốt cuộc vẫn bị chìm đi trong tiếng gầm gào của lòng đất ngày càng to hơn.

Một mặt, tiếng gầm ngày càng to hơn vì chúng tôi chạy thẳng đến hướng đó, mặt khác ngay chính nó cũng liên tục to lên. Vừa còn nghe như một tiếng sấm trong lòng đất sâu, giờ nó đã như một tiếng khò khè dữ dội. Một tiếng động như không khí ép lại trong hai lá phổi khổng lồ muốn tạo thành ngôn ngữ sâu tận cuống họng. Sau đó đến tiếng rào rạo như đá đổ và lòng đất bắt đầu rục rịch. Dưới chân chúng tôi, một cái gì như định mệnh bắt đầu chuyển động; tôi không biết nó là gì, nhưng có lẽ nó sắp nuốt chửng chúng tôi.

Nghĩ đến việc đang chạy thẳng vào tâm điểm tiếng gầm thì quả là không phấn khích cho lắm, nhưng cô gái đã nhắm hướng này và tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi phải chạy, chừng nào còn chạy được.

May mà trên đường đi thẳng tuột này không những không có trở ngại nào, mà lại còn bằng phẳng như đường lăn bóng bowling nên chúng tôi chạy được dễ dàng.

Tiếng khò khè ngày càng dồn dập. Có vẻ như nó vừa làm rung chuyển bóng đêm trong lòng đất vừa hướng đến một điểm đáng sợ nhất định. Đôi lúc nghe có tiếng nghiến rào rạo như những hòn đá khổng lồ dồn vào nhau, dường như mọi sức mạnh bị giam nhốt trong đêm đen đang tuyệt vọng vùng lên giải thoát mình khỏi dây trói.

Một lát sau, tiếng đá nghiến đột ngột chấm dứt. Giây lát im lặng, rồi một tiếng gió hút kỳ quái vang lên như hàng nghìn ông già hít hơi qua kẽ răng. Chỉ có thế thôi. Không có tiếng gầm gào, khò khè của vách đá. Chỉ có tiếng gió hút ù tai ngập đầy bóng tối. Đó là tiếng hồng hộc lấy hơi hối hả của bầy thú dữ chuẩn bị nhảy tới vồ mồi, tiếng soàn soạt của một tỉ con giun thoăn thoắt co gập cái đầu ghê tởm của chúng khi đánh hơi thấy gì. Nhưng dù tiếng động này từ đâu sinh ra – tôi chưa hề nghe thấy âm thanh nào ghê rợn và thâm hiểm như vậy trong đời.

Nó đáng sợ ở chỗ hình như cuốn hút chúng tôi. Chủ nhân của tiếng động đó biết là chúng tôi đang lại gần và hắn vui mừng đắc ý trong tâm hồn đen tối của mình. Nỗi sợ hãi khiến tôi tê cứng đầu óc trong khi chạy. Không, không phải động đất, cô gái nói đúng. Mà khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ không thể biết nó là gì. Toàn bộ tình cảnh đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi từ lâu, hay nói một cách khác là tôi đã tiệm cận được giới hạn của ý thức. Đã hết sức để hình dung. Chỉ có cơ thể tôi chuyển động hết khả năng sót lại của cơ bắp, nó nhảy qua những vực sâu toang hoác nối nhau giữa sức tưởng tượng và hiện thực. Ít nhất thì cũng còn hơn không làm được gì.

Tôi không thể nói bao lâu, nhưng có vẻ như chúng tôi chạy một đoạn dài. Ba, bốn phút gì đó. Hay cũng có thể ba mươi, bốn mươi phút. Nỗi sợ và bấn loạn vì sợ đã làm tê liệt cảm giác thời gian. Tôi không nhận ra sức lực đã kiệt, thậm chí tín hiệu báo đau ở bụng cũng không lên được đến não. Chỉ có hai cùi tay có vẻ như cứng đờ ra một cách khó hiểu, ngoài ra tôi không cảm nhận được cơ thể mình trong khi chạy. Nói đúng ra là tôi cũng không cảm thấy mình đang chạy. Chân tôi cứ thế liên tục vung về phía trước. Tựa như một cái bóng khí khổng lồ cứ thế đẩy tôi đi, liên tục, không nghỉ.

Cảm giác cùi tay cứng đờ đến từ tai, tôi nghĩ vậy, cho dù trong khi chạy không chắc chắn chút nào. Để không bị cuốn hút bởi tiếng gió rít khủng khiếp, trong khi chạy tôi đã vô thức làm cứng hai tai, do đó hai tai bị đơ ra và từ đó lan xuống cùi tay. Tôi chỉ nhận ra điều đó khi xô ngã cô gái và trong khi ngã còn cố gắng băng qua người cô để chạy tiếp. Hầu như tôi không nghe được tiếng cô hét lên. Nó lọt đến tai tôi, dĩ nhiên, song vì tôi chủ tâm ngăn không cho tín hiệu hữu thể – giọng nói của cô – chuyển hóa thành nhận thức nên không nhận ra tiếng cảnh báo là cảnh báo.

Ý nghĩ đó bừng trong óc tôi khi tôi ngã đập đầu xuống nền đá. Tôi đã vô tình điều tiết thính giác của mình. Phải chăng đó là một dạng “cắt âm thanh”? Trong tình thế cực đoan, con người phát triển những khả năng kỳ diệu. Biết đâu tôi đã leo thêm được một bậc trên thang tiến hóa.

Sau đó – nói chính xác hơn là đồng thời – thái dương tôi đau như xé, Màn đêm trước mắt tôi nổ tung, thời gian khựng lại, tôi nghĩ và mình quay vun vút trong khi rơi thụt vào một khoảng chân không. Đau kinh khủng. Có lẽ tôi đã rạn xương sọ. Nhất định đỉnh đầu tôi bị lõm hẳn vào và óc bắn tung đến đâu không rõ. Nghĩa là tôi đã chết, chỉ còn vài mảnh vụn ý thức vẫn giãy giụa như cái đuôi con thằn lằn bị giẫm nát.

Tuy nhiên sau giây lát đó thì tôi biết là mình vẫn sống, mình còn thở. Vì tôi thấy đau khủng khiếp. Nước mắt trào ra và chảy đầy mặt, chảy vào miệng, rỏ xuống nền đá cứng. Chưa bao giờ tôi bị va mạnh vào đầu như vậy.

Tôi nghĩ mình sẽ ngất ngay, nhưng có gì đó giữ chặt tôi lại trên thế giới của đau đớn và tăm tối này – một tia ký ức, nhắc nhở rằng tôi đang trên đường đến một đích nào đó. Đúng rồi, tôi đang định làm một việc gì. Tôi đã chạy và vấp ngã. Tôi đang bị săn đuổi. Tôi không được phép ngủ thiếp đi ở đây. Chỉ là một tia ký ức nhỏ nhoi thảm hại, nhưng tôi nghiến răng bám ghì lấy nó.

Thực sự là tôi bám ghì lấy nó, theo đúng nghĩa đen của chữ này. Nhưng khi ý thức dần dần hồi phục thì tôi nhận ra đó không phải một tia ký ức mà tôi đang bám vào, mà là sợi dây dù. Trong một chớp mắt, tôi ình là một tấm chăn bị gió thổi phần phật tơi tả. Tôi cưỡng lại sức gió, cưỡng lại lực trọng trường, cưỡng lại mọi thế lực đè lên và toan quật tôi xuống đất, tôi nhất định quyết hoàn thành sứ mệnh tấm chăn của mình. Cũng chẳng rõ vì sao tôi nghĩ lẩn thẩn như vậy. Có thể đó là một thói quen của tôi hay suy các hoàn cảnh và tình trạng hình ảnh thực dụng.

Cảm nhận tiếp theo cả tôi là nửa trên và nửa dưới cơ thể tôi ở hai trạng thái rất khác nhau. Nói chính xác là nửa dưới người tôi hoàn toàn điếc đặc. Cảm giác ở nửa trên vẫn bình thường: đầu đau, mặt úp xuống nền đá lạnh, hai tay bám sợi dây dù, dạ dày chồn lên đến dưới cằm, một vật nhọn chọc vào ngực. Vẫn bình thường. Nhưng tôi không rõ có gì xảy ra với nửa người bên dưới.

Có thể nó không còn nữa, tôi nghĩ bụng. Cú đập ngã đã cắt người tôi thành hai nửa, đâu đó ở ngang vết thương, và quăng đi đâu đó nửa bên dưới. Hai cẳng, ngón chân, bụng, dương vật, bìu dái… không, không thể thế được, tôi nghĩ bụng, nếu mất đi nửa dưới cơ thể thì tôi phải thấy đau hơn nhiều chứ.

Tôi thử đánh giá tình hình một cách tỉnh táo. Nửa dưới người tôi còn đấy. Nó vẫn tồn tại, song ở một trạng thái mà tôi không cảm thấy. Tôi nhắm mắt, lái những làn sóng đau vẫn cuồn cuộn tràn đến chạy lệch qua người mình và tập trung mọi mẫn cảm vào nửa thân bên dưới. Sự cố gắng này giống như cố cương một dương vật ỉu xìu chỉ bằng tập trung tinh thần. Tôi bơm sức lực vào một khoảng trống.

Tôi thấy nửa dưới người mình đang ở trong tình trạng nửa có nửa không. Một kiểu lơ lửng… đúng vậy! Nó treo lơ lửng trong khoảng trống phía bên kia núi đá, còn nửa trên thì còn cố bám giữ được nó. Vì thế mà tay tôi cứ bám chặt lấy sợi dây dù!

Khi mở mắt ra, một luồng ánh sáng làm tôi chói lòa. Cô gái mũm mĩm chiếu đèn vào mặt tôi.

Tôi bám chặt hơn vào dây dù và cố đu người lên phiến đá.

“Nhanh lên!”, cô gái nói. “Nhanh lên, không thì cả hai cùng mất mạng!”

Tôi định vung hai chân lên phiến đá nhưng không xong. Mà cũng không đặt chân được vào đâu. Tôi liều mạng thả dây ra, chống mạnh hai cùi tay và rướn lên. Người tôi nặng như bao cát, còn nền đất thì trơn nhẫy như dính máu. Nhưng tôi không còn thì giờ để suy nghĩ thêm. Tôi trườn bụng vượt qua bờ đá, một cơn đau nhói lên, tựa như bụng bị rạch thêm lần nữa. Có cảm giác như ai đó đi ủng đạp tôi ngã xuống đất, nát nhừ gan ruột, nát cả thân thể, cả cuộc sống, cả con người tôi.

Mặc dù vậy tôi vẫn rướn được người lên từng phân một. Thắt lưng tôi vướng vào cạnh đá, đồng thời dây dù móc ở đó bị kéo lên. Nhưng nó chẳng giúp gì, ngược lại chỉ làm tôi tập trung hơn vào vết đau trên bụng.

“Thả dây ra!”, tôi hét về phía ánh sáng. “Đừng kéo! Tôi tự leo được!”

“Được không?”

“Phải được.”

Kệ cho khóa thắt lưng kẹt vào cạnh đá, tôi lấy hết sức bình sinh vung một chân lên phiến đá và cuối cùng cũng leo lên được khỏi cái hố đen khốn nạn. Khi chắc chắn là tôi không còn lơ lửng trên miệng hố, cô gái chạy tới sờ khắp người xem tôi có bị thương chỗ nào không.

“Tôi không kéo ông lên được, xin lỗi”, cô nói. “Tôi cũng phải bám chặt vào vách đá để khỏi rơi xuống cái hố này.”

“Không sao. Nhưng sao cô không nói trước là ở đây có hố?”

“Không có thì giờ. Nhưng tôi có hét ‘Dừng lại’! mà.”

“Tôi không nghe thấy”, tôi nói.

“Dù thế nào thì ta cũng phải rời khỏi đây tắp lự”, cô nói. “Ở đây có rất nhiều loại hố này, ta phải cẩn thận đi vòng. Không xa nữa đâu. Nhưng nếu mình không nhanh chân thì chúng sẽ hút sạch máu, và mình sẽ thiếp đi cho đến chết.”

“Chúng nó? Máu?”

Cô chĩa ánh đèn vào cái hố mà tôi vừa may thoát ra được. Miệng hố tròn xoe như vạch bằng pa, có đường kính chừng một thước. Cô lia đèn: mặt đất xung quanh chi chít những hố tương tự cho đến ngút tầm mắt. Tựa như một tổ ong khổng lồ.

Vách đá dựng đứng viền hai bên đường đi đã biến mất, trước mắt chúng tôi là bình nguyên trải rộng với vô số hố giếng. Các vệt đường đi giữa các miệng hố rộng nhất là một thước, đoạn hẹp nhất chỉ khoảng ba chục phân, tuy nhiên có thể vượt qua được nếu chú ý nhìn đường.

Vấn đề chỉ là mặt đất có vẻ như chuyển động. Trông rất kỳ dị. Nền đất lẽ ra phải cứng như đá, song nó bập bềnh như cát bồi. Thoạt tiên tôi cho rằng do ngã nên thần kinh thị giác bị tổn hại, do đó tôi chiếu đèn pin lên lòng bàn tay. Song nó không run rẩy hay nhòe nhoẹt đi. Vẫn là bàn tay quen thuộc xưa nay. Vậy là mắt tôi còn tốt. Chỉ có mặt đất là đang chuyển động.

“Vắt”, cô nói. “Chúng chui hàng đàn từ dưới hố lên. Nếu mình không đi khỏi thì chúng sẽ hút kiệt mình cho đến khi chỉ còn da bọc xương.”

“Đó là mối nguy hiểm mà lúc nãy cô đã nhắc tới?”, tôi hỏi.

“Không. Vắt mới chỉ là tốp tiên phong, chưa phải là cái tệ nhất đâu. Nhanh lên!”

Vẫn nối nhau bởi sợi dây dù, chúng tôi vạch đường đi qua bình nguyên đá đầy vắt. Vô số những con bị xéo nát dưới đế cao su của đôi giày tennis khiến tôi có cảm giác như đi trên bùn, một cảm giác tởm lợm truyền từ chân lên đến lưng.

“Ông cẩn thận khi đặt chân xuống, nếu rơi vào hố là đi đời! Dưới đó là cả một biển vắt đấy!”, cô gái nói.

Cô ngoắc tay vào khuỷu tay tôi, còn tôi nắm vào gấu áo khoác của cô. Dò dẫm trên vệt đường rộng ba chục phân trơn nhẫy trong bóng đêm quả không phải dễ dàng gì. Những con vắt bị xéo nát dính vào đế giày như keo, chân giẫm không có cảm giác bám. Mấy con vắt bám vào quần áo tôi lúc ngã bây giờ hút máu ở cổ và tai, tôi cảm thấy rõ rệt nhưng không gạt chúng ra được. Vì tôi bận cả hai tay: tay trái cầm đèn pin, tay phải nắm gấu áo khoác của cô gái. Tôi dùng đèn chiếu sáng đường đi và muốn hay không vẫn cứ phải nhìn những con vắt. Chúng nhiều đến nỗi nhìn cũng phát buồn nôn, và ngày càng đông hơn từ các hố đen lúc nhúc bò lên.

“Nhất định bọn ma đen ngày xưa vứt nạn nhân của chúng vào những hố này”, tôi nói.

“Giỏi”, cô gái nói. “Ông là một người rất thông minh đấy. Lũ ma đen cho rằng bọn vắt được con cá phái đến với các thần dân của nó. Vì vậy chúng cũng dâng lễ vật cho vắt như cho cá. Đó là các nạn nhân còn tươi, có lắm thịt và máu. Đa số là những người mà chúng chộp được ở đâu đó và lôi về đây.”

“Tục lệ này hôm nay không còn nữa, đúng không?”

“Tôi cũng nghĩ thế. Bọn ma đen thích tự ngốn thịt người hơn. Cùng lắm là chúng đem dâng cho vắt và cá những cái đầu bị cắt ra, như một kiểu lễ vật tượng trưng, ông tôi nói vậy. Dù sao, từ ngày nơi này trở thành thánh địa thì ít ai đến.”

Chúng tôi đi vòng tránh từng hố một và xéo nát có lẽ đến vài chục nghìn con vắt. Đã mấy lần tôi hoặc cô gái suýt nữa trượt ngã nhưng rồi cũng bám được vào nhau.

Tiếng rít khòng khọc tởm lợm trong không khí rõ ràng từ dưới hố vọng lên. Như những bụi cây đen trong đêm vươn vòi ra bám vào chúng tôi. Nghe kỹ thì như tiếng rống của những sinh vật bị chặt đầu đang phát ra tiếng oán thán từ cổ họng lộ thiên.

“Nước đang lên”, cô gái nói. “Vắt chỉ xuất hiện trước đó. Khi chúng biến mất thì nước dâng lên từ các hố, tất cả chỗ này sẽ hóa thành một đầm lầy. Bọn vắt biết thế nên chúng bò ra. Ta phải tìm cách đi đến điện thờ trước khi nước đến.”

“Cô biết mọi chuyện?”, tôi nói. “Sao cô không cho tôi biết trước?”

“Tôi cũng không biết chính xác. Không phải hôm nào cũng có nước, chỉ hai, ba lần trong tháng thông. Làm sao tôi biết được chính hôm nay xảy ra?”

“Họa vô đơn chí mà”, tôi bật ra ý nghĩ vẫn lởn vởn trong đầu từ sáng sớm hôm nay.

Chúng tôi thận trọng dò từng bước đi tiếp từ hố này đến hố sau. Đi mãi vẫn không hết đường. Có lẽ những hố này nối nhau đến tận cùng thế giới. Dưới đế giày dính nhiều vắt đến nỗi không cảm thấy nền đất nữa. Mải tập trung vào mỗi bước chân khiến chúng tôi lảo đảo khó giữ thăng bằng. Trong những tình thế cực đoan, nhiều khi người ta khỏe vượt lên chính mình, nhưng khả năng tập trung tinh thần thì bị giới hạn nhiều hơn vẫn tưởng. Ở một trạng thái kéo dài lê thê, bất kể đó là trạng thái gì, nó giảm đi không cưỡng nổi. Sự nhạy bén khi đánh giá nguy hiểm và sức tưởng tượng cùn hẳn đi, đầu óc ngày càng trống rỗng.

“Mấy bước nữa thôi”, cô gái nói với tôi. “Mấy bước nữa là ta đến chỗ an toàn.”

Tôi không thốt ra lấy một lời, đành chỉ gật đầu. Một lát sau tôi mới nộ ra là gật đầu trong đêm tối chẳng có ý nghĩa gì.

“Ông có nghe tôi nói không? Ổn cả chứ?”

“Ổn cả. Tôi chỉ lợm giọng quá”, tôi đáp lại.

Suốt buổi tôi đã thấy buồn nôn. Đám vắt lúc nhúc, mùi hôi hám và lớp nhầy của chúng, tiếng rú rít kinh tởm, đêm đen, tình trạng kiệt sức muốn lăn quay ra ngủ – tất cả cộng lại thắt chặt lấy dạ dày tôi như một đai sắt. Lưỡi tôi đã thấy vị lờm lợm của dịch tiêu hóa. Tôi đã hết sức để tập trung tinh thần. Tôi cảm thấy mình như một chiếc dương cầm không được chỉnh dây từ năm năm nay và chỉ có đủ phím cho ba quãng tám. Tôi quờ quạng đi được bao nhiêu tiếng trong đêm đen này rồi? Ở thế giới trên kia mấy giờ rồi? Trời đã sáng chưa? Người ta đã đưa báo đến nhà chưa?

Thậm chí tôi không thấy mặt đồng hồ, vì còn bận chiếu đèn xuống đất và dò dẫm từng bước chân. Ước gì tôi được thấy bầu trời ban mai hửng dần lên, được uống một ngụm sữa nóng, được ngửi thấy cây cỏ lúc sáng sớm và giở từng trang báo. Tôi ngán tận cổ bóng đêm và lũ vắt hút máu, những hố sâu và bọn ma đen. Từng sợi cơ và mạch máu trong người tôi khao khát đón ánh sáng. Chỉ cần một tia là đủ. Một tia của ánh sáng thực, không phải ánh đèn pin, một tia nhỏ xíu tội nghiệp mà thôi.

Nghĩ đến ánh sáng mà dạ dày tôi quặn lên như bị bóp trong một nắm đấm, miệng tôi ứ lên vị chua lòm, tanh loét như mùi cơm thiu.

“Ra khỏi đây rồi thì ông muốn nôn bao nhiêu cũng được. Cố lên chút nữa thôi nào!”, cô gái nói. Và cô bóp chặt cùi tay tôi.

“Tôi không nôn đâu!”, tôi nói.

“Hãy tin tôi”, cô nói. “Sắp qua rồi. Có thể là họa vô đơn chí, nhưng chuyện này rồi cũng có lúc kết thúc”, giọng cô tràn đầy lạc quan.

Nhưng có vẻ như các hố đen không bao giờ hết. Tựa như chúng tôi chạy vòng quanh một chỗ. Tôi buộc phải nhớ đến tờ báo mới in. Mới đến nỗi mực in còn dây ra ngón tay. Kẹp trong báo là một tập dày quảng cáo. Trong báo có đủ chuyện, về mọi sự buồn vui trên thế giới. Thủ tướng thức dậy lúc mấy giờ, tình hình thị trường chứng khoán, cả một gia đình tự tử, cách nấu món ăn tối nay, mốt váy dạo này ngắn đến đâu, bình luận đĩa hát, quảng cáo mối mai bất động sản, vân vân.

Vấn đề ở chỗ: tôi không đặt báo dài hạn. Từ khoảng ba năm nay tôi không đọc báo. Tôi cũng không rõ vì sao ngừng đọc báo, chỉ biết là tôi không đọc nữa. Có thể vì báo và ti vi không còn chỗ trong cuộc đời tôi nữa. Sợi dây liên lạc duy nhất giữa tôi và thế giới là những con số được chuyển đến mà tôi sẽ biến hóa chúng trong đầu thành dạng khác, trong thì giờ rảnh rỗi tôi đọc tiểu thuyết cũ, hoặc vừa xem các phim sến của Hollywood trên băng video vừa uống bia và whiskey. Không đếm xỉa đến báo và tạp chí.

Nhưng ở cái thế giới không còn ánh sáng này, trong bóng đêm đen phi lý này, giữa vô vàn hố sâu và hàng tỉ con vắt thì tôi không có khát khao nào lớn hơn là được cầm một tờ báo. Để được lăn ra một chỗ ấm áp và đọc từ dòng đầu đến dòng cuối, từng chữ cái một, như một con mèo liếm từng giọt sữa trên đĩa. Tôi sẽ mút từng giọt lấp lánh của cuộc sống dưới ánh mặt trời cho nó thấm vào từng đường gân thớ thịt.

“Điện thờ phía trước kia kìa”, cô gái nói.

Thiếu một chút nữa thì tôi trượt chân, vì vậy tôi không ngước lên nhìn được. Tuy nhiên đằng nào chúng tôi phải đến tận sát nơi mới thấy được hình dáng và màu sắc của điện thờ. Tôi cố tập trung tinh thần dấn bước đi tiếp.

“Chỉ độ mười thước nữa thôi”, cô gái nói.

Như ra lệnh, tiếng rít hổn hển dưới đó đột ngột chấm dứt. Quá đột ngột và dị thường, như một ai đó dưới lòng đất sâu dùng một chiếc rìu khổng lồ để chặt một nhát đứt phăng nguồn âm thanh. Không cảnh báo trước, không một tiếng vọng sót lại, tiếng động ù tai từ lòng đất trào lên ngập tràn không trung bỗng im phắc trong nháy mắt, khiến người ta tưởng rằng không phải tiếng động mà chính không gian vang vang của nó đã biến mất. Nó biến mất một cách đột ngột đến nỗi tôi loạng choạng mất thăng bằng một thoáng và suýt trượt ngã.

Vây quanh chúng tôi là sự im lặng gần như đông đặc, một sự im lặng đột ngột xuất hiện trong bóng đêm, tệ hại hơn bất cứ âm thanh ghê sợ nào. Người ta có thể quen với bất cứ tiếng động nào. Nhưng im lặng là chân không, là hư vô. Nó không hiện hữu, nhưng vẫn bao bọc quanh ta. Một áp suất đè lên màng nhĩ tôi, dường như khí quyển bị nén chặt lại. Tại tôi không rõ phải phản ứng ra sao trước sự im lặng đột ngột ấy và nỗ lực hết mức để cố nghe ra một tín hiệu nào trong đó.

Song đây là một sự im lặng hoàn hảo. Tiếng rú đã chấm dứt và không tái diễn. Chúng tôi sững lại lắng nghe. Để bớt sức ép trong tai, tôi nuốt nước bọt nhưng không đỡ mấy; chỉ nghe có tiếng soàn soạt rất to và dị thường, như tiếng kim máy quay đĩa chạm lên đĩa quay.

“Nước đã rút chưa?”, tôi hỏi.

“Không, bây giờ mới lên”, cô nói. “Tiếng lục khục là do không khí dồn nén trong các khúc quanh của nước bị ép bắn ra. Giờ thì không còn gì cản được nước nữa.”

Cô nắm tay tôi, và chúng tôi đi vòng qua mấy hố cuối cùng. Dưới đất đã thấy ít vắt bám hơn. Sau năm, sáu hố thì chúng tôi đặt chân lên nền đá phẳng phiu. Không còn hố nào, cũng hết cả vắt. Chắc chúng đã rút đi theo hướng ngược lại. Tôi đã vượt qua đoạn gian khó nhất. Thà chết đuối còn hơn sặc sụa dưới một hố sâu đầy vắt như thế.

Gần như vô thức, tôi đưa tay lên cổ dứt mấy con vắt bám ở đó ra. Nhưng cô gạt tay tôi ra.

“Tí nữa”, cô nói. “Trước tiên phải trèo lên tháp đã, không thì chết đuối mất.” Cô rảo bước chạy trước, vẫn nắm chặt tay tôi. “Ông sẽ không chết vì năm, sáu con vắt đâu, với lại nếu giật ra thì ông sẽ làm toạc da ra đấy. Ông không biết à?”

“Không”, tôi nói. Quả là tôi dốt đặc.

Sau hai, ba chục bước cô kéo tay tôi đứng lại và lấy đèn pin chiếu lên “ngọn tháp” cao trước mặt. Nó sừng sững chắn lối, trơn lì, hình trụ và vươn thẳng tắp trong đêm đen. Càng lên cao nó càng thuôn vào như một ngọn hải đăng, nhưng không thể đoán được cao bao nhiêu. Chúng tôi không có thì giờ, mà ngọn tháp cũng quá lớn để soi sáng được từng chi tiết. Cô bạn đồng hành cũng chỉ cho ánh sáng lướt qua trên thân “tháp” rồi lại chạy tiếp ngay. Cô chạy lên một dạng cầu thang bên sườn tháp. Còn tôi dĩ nhiên cố gắng bám theo.

Nhìn từ xa và trong ánh đèn pin yếu ớt thì “ngọn tháp” gây ấn tượng như một tượng đài hoành tráng và kiêu hãnh, một tác phẩm tuyệt định do bàn tay nghệ nhân tạo tác trong bao năm trời. Nhưng khi tiến lại gần và chạm tay vào thì người ta cũng chỉ cảm thấy đó là vách đá thô ráp, một sản phẩm ngẫu nhiên của sự bào mòn trong tự nhiên. Cả cầu thang do bọn ma đen làm ra cũng không xứng với cái tên gọi ấy. Các bậc thang gồ ghề và lệch lạc, không đủ rộng ngang ột bàn chân, đôi chỗ thiếu hẳn vài bậc. Leo đến đó thì phải bám chân vào đá, nhưng do phải bám chặt bằng cả hai tay để khỏi ngã và không chiếu sáng được từng bậc thang nên nhiều lúc chúng tôi bị hẫng bước. Chắc là không thành vấn đề với bọn ma đen vốn nhìn được trong bóng đêm, còn đối với tôi thì cầu thang này là một thứ vá víu vụng về và nguy hiểm. Chúng tôi áp chặt người vào vách đá như con thạch sùng và dò từng bậc đi lên trên. Đến bậc thứ ba mươi sáu – tôi không sao bỏ được tật đếm bậc thang – tôi nghe một tiếng động kỳ quái trong bóng tối phía dưới, một tiếng vỗ, nghe như ai đó quật miếng thịt bò khổng lồ lên bức tường phẳng. Một tiếng vỗ nông, ướt át và tối hậu. Tiếp theo, như cây gậy nhạc trưởng vút lên báo hiệu kịch tính trào dâng, là sự câm lặng khủng khiếp kéo dài một giây khắc khoải mong chờ. Tôi treo trên vách núi, hai tay quặp chặt vào đá, đợi xem có gì sẽ xảy ra.

Và nó đến. Tiếng ào ào của nước. Nước phóng ra từ muôn vàn hố sâu nơi chúng tôi vừa đi qua. Không chỉ là những vũng con con. Tôi chợt nhớ đến bộ phim tài liệu về lễ khai mạc trang trọng một con đập ngăn mà tôi đã xem hồi học cấp I. Sau khi ông thị trưởng – hoặc một người nào đó không rõ – ấn nút, các cánh cửa đập mở ra và những cột nước hùng vĩ trào ra tung bọt trắng xóa. Thời đó các rạp hay chiếu phim tài liệu và hoạt hình. Vừa xem tôi vừa rùng mình cố gắng hình dung ra hậu quả khi vì một lý do nào đó mà mình đứng dưới khối nước ầm ầm như sấm sét đổ xuống. Trẻ con hay nghĩ rằng trong những hoàn cảnh nguy hiểm thường có một thiên thần hộ mệnh xuất hiện và cứu chúng. Ít nhất thì tôi cũng nghĩ như vậy hồi còn bé.

“Nước dâng cao đến đâu?”, tôi hỏi cô gái đang ở trên tôi mấy bậc.

“Cao”, cô trả lời cộc lốc. “Nếu mình không muốn chết đuối thì phải leo cao hơn nữa. Chắc chắn nước không lên đến đỉnh. Tôi cũng không biết gì hơn.”

“Còn bao nhiêu bậc nữa đến đỉnh?”

“Nhiều”, cô nói. Một câu trả lời dễ thương. Cảm ơn.

Chúng tôi leo nhanh như có thể vòng xoắn ốc lên đỉnh “tháp”. Nghe tiếng nước xoáy mà đoán thì “ngọn tháp” mà chúng tôi đang leo nhất định vươn cao giữa bình nguyên rộng lớn với vô số hố vắt. Có thể nói là chúng tôi đang leo lên cây cột trang trí dựng giữa một đài phun nước ngoại cỡ. Và quảng trường xung quanh đài phun nước, chính cái bình nguyên bao la ấy, biến thành một đầm lầy ngập nước – nếu cô gái nói đúng – và một hòn đảo ở giữa phần trên hay đỉnh nhọn của “ngọn tháp” này.

Ánh sáng từ chiếc đèn pin đeo lủng lẳng bên sườn cô gái vẽ ra một họa tiết rối rắm trong màn đêm. Tôi chỉ nhắm theo luồng sáng đó mà leo tiếp. Một lúc nào đó tôi bỏ không đếm bậc nữa, nhưng chắc chúng tôi đã leo được trăm rưởi hay hai trăm bậc. Tiếng nước đổ ào ào ban đầu khẽ dần, nhường chỗ cho tiếng réo của một con suối chảy xiết rồi chuyển sang róc rách. Nước vẫn dâng tiếp, không nghi ngờ gì. Tôi không thể nhìn thấy mực nước nhưng tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu thấy ướt lạnh dưới chân. Có cảm giác như đang bực bội mà chìm vào một cơn ác mộng và qua đó mà sự bực bội ngày càng tệ hại hơn. Có gì đó săn đuổi tôi, mà tôi không thoát hẳn được nó. Nó mỗi lúc một lại gần và chộp lấy tôi, lạnh toát và trơn nhẫy. Tình cảnh trong mơ đã tuyệt vọng, ra ngoài thực tế trần trụi còn khủng khiếp hơn. Tôi không leo bậc thang nữa, mà bám hai tay vào vách đá kéo mình lên cao.

Bỗng dưng tôi nảy ra ý định cứ mặc cho nước đẩy mình lên. Trước tiên là dễ dàng hơn, thứ hai là cũng thoát nguy cơ bị rơi xuống. Tôi suy đi nghĩ lại một hồi. Kể ra cũng là một ý tưởng không dở, ngay cả khi do chính tôi nghĩ ra.

Nhưng khi nghe tôi trình bày, cô thẳng tay gạt bỏ. “Dưới bề mặt có dòng nước chảy xiết. Ông mà rơi vào xoáy thì không bao giờ nổi lên được nữa đâu. Và nếu được: ông định bơi đi đâu trong đêm tối thế này?”

Tóm lại chỉ có một đường, đó là từng bước dần dần trèo lên, cho dù có vất vả đến mấy. Tiếng nước xiết giảm đi trông thấy, như tiếng động cơ hạ dần vòng quay, và từ từ biến thành tiếng thở khàn khàn. Mực nước liên tục dâng. Kể ra, nếu có ánh sáng tử tế, tôi nghĩ bụng, một chút sáng thôi, nhất định chúng tôi sẽ leo lên dễ hơn và lại còn nhìn thấy mực nước. Ít nhất thì cũng thoát được cơn ác mộng không biết bao giờ chúng tôi bị nước đến chân. Tôi căm thù bóng tối không kể xiết. Cái săn đuổi tôi không phải là nước, mà là khoảng tối giữa nước và chân tôi. Chính khoảng tối ấy làm tôi rùng mình.

Trong đầu tôi vẫn vương vấn bộ phim về đập ngăn. Từ những đập hình cung khổng lồ, nước không ngừng tuôn xuống bể nước hình cối đá bên dưới. Ống kính quay phim nhẫn nại thu hình từ mọi góc độ có thể. Theo dõi dòng lũ đổ xuống từ trên, từ cạnh sườn, từ trực diện. Trên tường bê tông của đập hiện ra bóng của nước. Nó chấp chới trên nền tường trắng trơn nhẵn, tựa như chính nó là nước. Tôi nhìn đăm đăm vào đó và đột nhiên cái bóng ấy biến thành bóng của tôi. Trên nền bê tông cánh cung của đập ngăn là bóng của tôi đang nhảy múa! Đó là bóng của tôi, tôi nhận ra ngay, song tôi không biết phải hành xử ra sao khi đang là khán giả xem phim. Tôi chỉ là một thằng nhãi ranh chín, mười tuổi. Có lẽ tôi nên chạy tới màn ảnh và giật lại bóng mình. Hoặc chạy lên phòng chiếu phim để ăn trộm hộp phim. Tôi không biết có nên làm thế không. Vậy là tôi ngồi đực ra và theo dõi bóng mình.

Nó vẫn tiếp tục nhảy múa không ngừng. Chấp chới câm lặng như phong cảnh lung linh trong nắng cháy. Nó không nói được, và rõ ràng cũng không thể lấy tay ra hiệu. Mặc dù vậy tôi tin chắc là nó định báo cho tôi điều gì. Nó biết chắc là tôi đang ngồi trong rạp phim và nhìn nó. Nhưng nó cũng bất lực như tôi. Nó chỉ là một cái bóng.

Hình như không ai trong số khán giả xem phim để ý thấy bóng nước trên màn ảnh thực ra là bóng của tôi. Có lẽ cũng chẳng ai tin tôi. Thêm vào đó là những gì mà bóng tôi muốn nói thì chỉ nói ra với mình tôi mà thôi. Từ một không gian khác, từ một thời gian khác, nó đã dùng màn ảnh để nói với tôi một điều gì.

Bóng của tôi cô đơn trên mặt tường cong, bị tất cả bỏ rơi. Tôi không rõ nó tới đấy bằng cách nào và nó còn muốn gì nữa. Có lẽ bóng tối sắp trùm xuống sẽ nuốt chửng nó. Hay dòng thác sẽ cuốn phăng nó đi và cuốn ra đại dương, và biết đâu ở đó nó lại hoàn tất vai trò làm cái bóng của tôi. Nghĩ đến nó, tôi thấy mình cô độc kinh khủng.

Rồi đoạn phim quay về đập ngăn chấm dứt, trên màn ảnh hiện ra lễ đăng quang của một vị vua nào đó. Một chiếc xe ngựa rất đẹp được những con tuấn mã trang trí chùm lông vũ kéo đi ngang một quảng trường lớn lát đá. Tôi lại ngóng tìm bóng mình, nhưng chỉ thấy bóng của nhà cửa và chiếc xe và ngựa.

Tôi không nhớ được gì hơn. Tôi cũng không quả quyết nổi là tất cả những sự kiện đó thực sự diễn ra hôm ấy. Bởi những ý nghĩ vừa lóe lên trong óc ấy, trước đó tôi chưa bao giờ nhớ đến như một quá khứ có thực. Có thể đó chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, sinh ra từ tiếng nước réo trong bóng đêm quái gở này. Tôi đã có lần đọc trong một cuốn sách tâm lý học về những hình ảnh tự tạo kiểu này. Tác giả cuốn đó cho rằng con người ở trong tình cảnh cực đoan thường trốn vào những giấc mơ ban ngày nhằm tự vệ trước thực tế khốc liệt. Tuy nhiên, hình ảnh vừa hiện ra trước mắt tôi quá rõ rệt, quá sống động để được coi là mơ, nó hàm chứa một sức mạnh như đan quyện với tương lai tôi. Tôi nhớ chính xác các mùi vị và âm thanh bao quanh mình. Và tôi còn mường tượng ra được sự bối rối, ngơ ngác và nỗi sợ mơ hồ mà tôi cảm thấy khi còn là một thằng bé chín, mười tuổi. Muốn nói gì thì nói: chuyện đó đã xảy ra với tôi. Một thế lực nào đó đã đẩy nó vào tận hang cùng ngõ hẻm của tiềm thức tôi và bây giờ, trong tình cảnh cực đoan này, lại lôi nó ra.

Một thứ lực nào đó?

Chuyện này chỉ có thể liên quan tới vụ phẫu thuật não mà họ đã làm với tôi để xáo dữ liệu. Họ đã giam ký ức của tôi sau bức tường ý thức hệ. Họ đã đánh cắp ký ức của tôi!

Tôi nổi giận. Không ai có quyền làm thế! Ký ức ấy là chuyện cá nhân, hoàn toàn riêng tư của tôi, là của tôi. Đánh cắp ký ức chẳng khác gì đánh cắp những năm tháng của cuộc đời thôi. Tôi càng thấy giận hơn, quên hẳn sợ hãi. Tôi thề sẽ sống sót bằng bất cứ giá nào. Tôi phải sống, phải thoát khỏi cái thế giới điên rồ của đêm đen này và giật lại từng ký ức riêng lẻ mà họ đã đánh cắp của tôi. Thế giới này có lụi tàn hay không cũng được. Tôi phải thành con người cũ của mình.

“Dây!”, cô gái đột ngột hét lên.

“Dây nào?”

“Đúng, nhanh lên! Có một sợi dây thòng xuống kìa!”

Tôi hớt hải leo ba, bốn bậc lên sát cô gái và sờ soạng tìm trên vách đá. Quả thực có một sợi dây. Một sợi dây cho người leo núi loại tốt, mặc dù không dày lắm. Đầu dây lủng lẳng ngang tầm ngực tôi. Tôi vung một tay tóm lấy và thử xem có chắc không. Có vẻ như nó được buộc rất chắc ở đâu đó.

“Nhất định ông tôi đấy!”, cô gái hét lớn. “Ông tôi đã thả xuống ình đấy!”

“Ta nên trèo lên cao hơn một chút thì hơn”, tôi nói,

Chúng tôi sốt ruột tìm chỗ bám chân và trèo lên thêm một vòng xoáy nữa. Sợi dây vẫn treo chỗ cũ. Nó thắt những nút cách nhau ba mươi phân. Nếu sợi dây thực sự nối lên tới đỉnh “tháp” thì chúng tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

“Ông tôi đấy. Chắc chắn. Ông tôi chu đáo lắm.”

“Quả thế thật”, tôi nói. “Cô có leo được không?”

“Ông không tin à?”, cô nói. “Từ bé tôi đã leo dây rất giỏi. Tôi chưa kể cho ông biết à?”

“Thế thì cô leo trước đi”, tôi nói. “Đến nơi thì nháy đèn cho tôi biết. Tôi sẽ lên sau.”

“Lúc ấy thì nước lên tới đây rồi. Có lẽ ta cùng leo thì hơn.”

“Mỗi dây một người – đó là quy định ngàn đời của dân trèo núi. Thứ nhất là vì dây có thể đứt, và thứ hai là hai người leo sẽ khó hơn và tốn thời gian hơn. Nếu nước dâng đến nơi thì tôi vẫn có thể bám vào dây và leo lên bằng cách nào đó.”

“Trông ông tôi không nghĩ là ông dũng cảm thế”, cô nói.

Trong bóng đêm tôi âm thầm đợi nụ hôn thứ hai, nhưng cô gái đã thoăn thoắt leo dây mà không đoái hoài gì đến tôi. Tôi bám chặt vào vách đá và quan sát ánh đèn của cô gái lúc lắc tiến lên cao. Hình ảnh này làm tôi phấn chán muốn làm một ngụm whiskey, nhưng chai rượu ở trong ba lô, và trong vị trí chơi vơi này không thể đặt ba lô xuống lấy rượu ra được. Vậy thì tôi đành bằng lòng tưởng tượng đang làm một ngụm: một quầy bar trầm lặng và sạch sẽ, một đĩa lạc, đâu đó có tiếng nhạc nhẹ nhàng – bài Vendome của MJQ – trên mặt quầy là một cốc whiskey đúp có đá. Một hồi lâu tôi chỉ ngắm cốc rượu. Whiskey thoạt tiên nên ngắm một lúc đã. Ngắm no mắt rồi mới uống. Như một cô gái đẹp vậy.

Đến đây tôi chợt nhớ ra là mình không còn bộ lê và măng tô nào nữa. Hai thằng quỷ đã phá nát mọi thứ quần áo của tôi. Ừ nhỉ, ra quán bar thì biết mặc gì bây giờ? Tôi phải kiếm đồ tử tế đã. Tôi có một bộ lê vải tuýt màu lam đậm. Cắt kiểu cổ điển. Màu lam lịch thiệp, ba khuy, không độn vai, không chiết eo. Như George Peppard vẫn mặc hồi thập kỉ sáu mươi. Sơ mi xanh nhạt, thật hợp màu. Vải bông Oxford loại dày, cổ cắt thật chính thống. Cà vạt sọc hai màu. Đỏ và xanh lá cây. Đỏ nhã nhặn. Xanh như nước biển lúc trời bão, khó định nghĩa, gần thiên về lam. Những bộ đồ ấy mua trong một cửa hiệu đàn ông lịch thiệp, rồi tới bar, đặt một cốc Scotch đúp có đá. Vắt, ma đen, cá có móng sắc – quên ngay những gì dưới đất đi. Tôi ngồi trên mặt đất, mặc bộ lê vải tuýt và tận hưởng hương vị tuyệt hảo của Scotland.

Đột nhiên tôi nhận ra tiếng nước réo đã biến mất. Nhất định không có nước đùn thêm từ các hố. Hoặc nước đã cao đến mức không còn nghe tiếng lục bục nữa. Cũng thế thôi. Muốn dâng cao đến đâu thì tùy. Tôi đã nhất quyết phải sống sót. Tôi sẽ giành lại ký ức của mình. Chớ có ai được phép thao túng tôi nữa. Tôi chỉ muốn hét to vào mặt cả thế giới: chớ có ai được phép thao túng tôi nữa!

Nhưng tôi không hét. Mà cũng chẳng ích gì trong đêm tối dưới lòng đất này, khi đang áp chặt người vào vách đá. Thay vào đó là tôi trẹo cổ cố gắng nhìn lên phía trên. Cô gái đã leo lên cao hơn tôi nghĩ nhiều. Cao chừng nào thì không nói được, nhưng nhất định phải cao như ba, bốn tầng nhà bách hóa. Đến khu bán đồ phụ nữ, thậm chí đến chỗ bán vải và rèm cửa. Cái cột đá khốn khiếp này cao chừng nào nhỉ? Chúng tôi đã trèo được một lúc lâu rồi, nếu còn tiếp tục thế này nữa thì chắc chắn nó phải cao kinh khủng. Có lần tôi nghịch chơi và đi bộ lên một tòa nhà hai mươi sáu tầng, có cảm giác là cột đá này cũng cao không kém.

Gì thì gì: thật may là tối quá, không nhìn được xuống bên dưới. Không trang bị thể thao, chân xỏ giày tennis và leo lên một vách đá cao như thế thì có kinh nghiệm leo núi đến mấy đi nữa, mỗi lần ngó xuống có lẽ cũng sợ phát bĩnh ra quần. Chẳng khác gì cọ cửa kính một nhà chọc trời mà không có thang máy và lưới bảo hiểm. Chừng nào còn trèo thì không sao, nhưng một chút ngập ngừng hoặc một ý nghĩ lệch lạc là độ cao sẽ làm ta thất kinh.

Tôi lại trẹo cả cổ để nhìn lên lần nữa. Hình như cô vẫn đang leo tiếp, ánh đèn đã lúc lắc, nhưng bây giờ đã trên cao tít. Đúng là cô bé ấy giỏi leo dây thật. Tại sao ông già này chọn con đường đào tẩu ghê gớm như vậy? Sao ông không đợi chúng tôi ở một nơi yên tĩnh và tránh cho chúng tôi vất vả nhường này?

Trong lúc tôi đang suy nghĩ thì tôi cảm thấy có tiếng gọi từ trên cao. Tôi nhìn lên, trên đó có một chấm sáng vàng nhấp nháy, chậm rãi như cánh lái ở đuôi máy bay. Vậy là cô đã lên đến nơi. Tôi nắm một tay vào sợi dây, tay kia kéo đèn pin khỏi túi quần và đánh tín hiệu đáp lại. Sau đó tôi chiếu xuống dưới xem mực nước đến đâu, song ánh đèn pin đơn giản là quá yếu. Trong bóng tối đặc sệt người ta chỉ có thể nhìn thấy gì khi cầm đèn tiến sát lại. Đồng hồ ở cổ tay tôi chỉ 4 giờ 12. Ngày chưa bắt đầu, báo chưa đem đến nhà. Tàu chưa chạy, mọi người vẫn say giấc ngủ li bì và vô tư.

Tôi nắm cả hai tay vào dây, hít một hơi thật sâu và bắt đầu leo.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN