Xuân Yến - Chương 12-9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
174


Xuân Yến


Chương 12-9


Hơn 10 giờ tối, đi trên con đường mưa phùn giá lạnh, người qua kẻ lại
nườm nượp ở những khu phố thương mại rực rỡ ánh đèn. Tokyo là một thành
phố thâu đêm suốt sáng, Kyoto thì mênh mang tịch liêu hơn. Nó là một
thành cổ được bảo vệ, cố ý không phát triển nữa.

Rẽ vào ngõ
nhỏ, đèn lồng, ô, bậc đá, biển hiệu, tiếng ân cần từ giã, khiến người ta nhất thời bâng khuâng không biết mình đang ở đâu. Qua làn mưa, tôi
trông thấy con ngõ Tín Đắc đang dẫn tôi đến, tấm biển đầu ngõ đề
Ponto-cho.

Đến một nhà hàng nhỏ chuyên bán những món ăn gia
đình đậm đà phong vị địa phương, náu mình ở cuối con ngõ ngoằn ngoèo dài sâu hút. Cửa vào treo một con cá biển to đẹp, tanh tanh, không rõ là cá gì. Vén rèm xanh, bên trong là một không gian bé nhỏ sạch sẽ, đầy ắp
những người.

Quầy ăn kiểu quầy bar chạy dọc chỗ nấu nướng chế
biến, trên quầy đặt một bình rượu Nhật Bản. Người đầu bếp trẻ tuổi đang
xăng xái với tempura, rót nước suối khoáng và đổ gạo trắng vào nồi đất
nấu cơm, rồi xoay sang làm cá nướng, thịt bò. Không hấp hơi thức ăn hay
nhiễm mùi khói lửa, nhưng lẩn quất một hơi hướm mơ hồ dẫn người ta hòa
nhập vào quá trình nấu nướng và chế biến. Trên quầy ăn đặt mấy khay thức ăn đã nguội, đều là những món bình thường, như củ cải, cà tím, tép,
khoai… Chọn mấy món trong đó, phục vụ bèn san ra đĩa nhỏ rồi đẩy đến
trước mặt.

Tín Đắc có đặt trước, nên chúng tôi được dành sẵn
hai chỗ ngồi bên quầy. Đĩa nhỏ khay nhỏ tao nhã bày ra, lượng thức ăn ít ỏi. Vừa uống rượu vừa ăn các món nguội. Đầu bếp tuần tự dọn cho chúng
tôi cá nướng, canh đậu phụ, rau, sashimi… Phục vụ tự nhiên chuyện trò
với khách. Nhân vật nổi bật là một bà đứng tuổi mặc áo Nhật vấn tóc cổ,
tươi cười lịch thiệp, đối đáp lưu loát đúng mực như ở phòng khách nhà
mình. Giữa môi trường ấy và không khí ấy, tôi cảm thấy được thư giãn,
đầm ấm dễ chịu không tả được. Tín Đắc ngồi bên gọi món, cô nói được
tiếng Nhật giao tiếp.

Tôi hỏi, sao cô lại ở Kyoto.

Nghe tin chị đến đây nói chuyện, nên bay qua chờ chị. Tôi biết chị không thường lộ diện. Không phải là tôi tò mò. Chỉ là muốn gặp chị… Thi
thoảng nghe người ta xì xào, tác phẩm của chị gây nghiện, độc hại, lượng tiêu thụ cao quá nên chắc chắn không phải là một tác giả nghiêm túc gì… Tôi thì không quan tâm đến thị phi. Có lẽ là tại sẵn lòng thiên vị
những tác giả chịu nhiều dư luận và hay gây khó ở cho công chúng.

Nhốn nháo như thế, liệu có khiến chị một ngày kia dừng viết không?

Không. Diễn đạt là nhiệm vụ của tôi.

Liệu có rời chỗ đang ở không?

Tôi không cho rằng mình thuộc về một nơi có khoanh vùng hay đặc điểm gì. Có thể đi bất cứ đâu. Mà cũng có thể không đi.

Lại một lần nữa, tôi để sự im lặng kết thúc chủ đề này. Bởi không thích thảo luận với người khác về hoàn cảnh của mình, cho dù người ta xuất
phát từ thiện ý. Không khí lặng đi một lát.

Tôi thường gặp trở
ngại trong giao tiếp, không biết mau chóng xóa tan khoảng cách nâng chén chuốc vui, nhưng sự trầm mặc của cô với tôi, rất ung dung dễ chịu.
Chúng tôi là hai người lạ ở xa nhau muôn trùng, cho dù tâm hồn hội ngộ
quấn quýt vào một thời gian nào đó. Tôi chưa bao giờ ngờ đến việc gặp
cô. Một là cô phiêu du khắp nơi, dừng chân ở đâu chứ không bao giờ quay
về Trung Quốc. Hai là câu chuyện của cô đậm đà màu sắc, những phần đẹp
đẽ đều xa cách với đời, khiến người ta cảm thấy chỉ có thể là hư cấu.

Người phụ nữ này xuất hiện trong thực tế, không xinh đẹp, cá tính không rõ ràng, biểu hiện cũng không mấy hoạt bát. Xem ra, chỉ như một người
đã đi nhiều nơi gặp nhiều chuyện chẳng còn hoảng sợ điều gì, đôi mắt
tinh anh và sắc bén. Chắc chắn cô là một phụ nữ có câu chuyện của mình.
Nếu chỉ vô tình đi lướt qua cô, dĩ nhiên chẳng bao giờ có cơ hội biết
được.

Không dốc bầu tâm sự, không lắng tai nghe, thì chẳng thể
gặp nhau ở điểm nào. Phơi bày tình cảm và lịch sử của mình, đối với
chúng tôi, cần đến rất nhiều dũng khí và tâm đầu ý hợp. Cô là một phụ nữ ba mươi mốt tuổi. Trong tấm ảnh tôi đã xem, cô là một cô bé năm tuổi,
sống cùng mẹ nuôi ở Luang Prabang. Khó mà tưởng tượng câu chuyện trong
thư điện tử đã xảy ra với người phụ nữ đang ngồi trước mặt tôi đây. Đến
giờ tôi vẫn cho rằng, tưởng tượng trở thành hiện thực là một kết quả quá sức vô vị. Nhưng chí ít nó khiến hiện thực khai sinh một khả năng mới.

Ví như lúc này, ở một quán ăn nước ngoài, chúng tôi rót rượu cho nhau,
nâng chén uống cạn. Hơi men đem lại thư thái và lâng lâng, đồng thời
khiến người ta sinh ra cảm hứng nói chuyện. Tôi nói với cô, thật ra bây
giờ điều tôi quan tâm chỉ có một, đó là, cuối cùng người ta nên đối mặt
thế nào với cái chết. Về cơ bản tôi đã không còn xem bất cứ tiểu thuyết
hay tạp luận gì nữa, bởi vì chúng biến hóa ra toàn những hình thức và
vọng tưởng. Đôi lúc tôi đọc một số kinh văn tôn giáo, cổ thư hoặc luận
thuyết triết học, hi vọng chí ít cũng tìm thấy một số dấu vết đáp án cho những điều tôi đang quan tâm, để giải trừ nghi hoặc trong lòng.

Vậy chúng ta nên đối mặt thế nào với cái chết.

Trong khả năng có thể, cố gắng tăng cường mật độ sinh mệnh của mình,
hoạt động nhiều thêm. Sáng tạo, làm việc, hoàn thiện, học hỏi, yêu
đương, đi về nơi xa. Để lại một di thư, dặn rằng tro cốt đừng rắc xuống
biển, vì tôi không thích biển khơi sóng cả đơn điệu như thế. Thà rải
xuống hẻm núi vắng tanh, hòa làm một với hoang dã còn hơn. Không cần bất cứ một lời chú thích giả tạo nào. Ra đi lặng lẽ là tốt nhất.

Điều này e rằng chưa chắc đã làm được. Chị để lại sách vở, một khi có
người lưu giữ chúng, thì chúng vẫn khơi gợi đánh giá tranh cãi thôi.

Mọi thứ trên thế gian, cuối cùng đều bị thổi tan như tro tàn. Lời lẽ
của con người lại càng nhỏ nhoi mong manh. Chúng ta đến với cuộc đời
này, dùng thân thể mình để chuyển tải một sứ mệnh nào đó, đây là nhiệm
vụ của đời ta. Cái gì còn, cái gì mất, sẽ do một sức mạnh siêu việt lọc
sạch và quyết định.

Hình như chị thấy mình ở cách khá xa cuộc đời này.

Không, tôi đón nhận và yêu thương từng khoảnh khắc. Kể cả lúc này.

Sake vốn dĩ ngấm chậm, nhưng ngấm sâu. Chẳng mấy chốc cả người tôi đã
nóng bừng lên, mặt như phát sốt. Tín Đắc vẫn thản nhiên như không. Tửu
lượng cao.

Chúng tôi uống thử bốn đến năm loại rượu Nhật. Tên
của rượu rất đặc biệt, Kikuhime, Dassai, Sagimusume, Ikkomon, Rinbi,
Seikoudoku(*)… Ghi bằng chữ Hán rất đẹp, có thể nhìn tên mà lựa chọn
theo sở thích. Dùng loại thực phẩm nào cũng cần nắm rõ nơi sản xuất và
mùa vụ của nó, đây là thói quen của người bản địa. Khi ở cùng với những
người yêu thích mình, rượu cũng toát ra hương vị đôn hậu. Có người một
ly đã cảm thấy quay cuồng, có người uống ba bốn cốc chỉ lâng lâng.

(*) Nghĩa đen lần lượt: Công chúa hoa cúc, Lễ tế nước xoáy, Nàng cò, Người cứng cỏi, Giai nhân, Nắng ra làm ruộng mưa đọc sách.

Không hiểu vì sao, chủ đề chẳng có bao nhiêu, nhưng tâm sự rất cởi mở.
Nói rất nhiều, cũng nhiều lúc lại im lặng. Sánh vai bên nhau, chậm rãi
chuốc chén, bầu không khí như ở trong lũng núi cùng dòng suối sóng sánh
ánh trăng, thanh tĩnh mà thảnh thơi. Trò chuyện, uống rượu, mãi cho đến 2 giờ sáng. Bên ngoài mưa đã ngừng rơi, tiếng người thưa thớt, không khí
trong mát ẩm ướt.

Tôi hỏi cô định thế nào, cô bảo muốn đi cùng tôi về khách sạn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN