Xuyên Qua Ngàn Năm - Chương 14:  Chuẩn bị vật phẩm đấu giá
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
102


Xuyên Qua Ngàn Năm


Chương 14:  Chuẩn bị vật phẩm đấu giá


Ông Ba xúc động giơ tay xoa lia lịa đầu con gái, dù biết con bé ghét hành động này nhất, nhưng ông vẫn cứ khoái xoa xoa thế này. Y như rằng bị Ngọc Mai vỗ cái bốp vào tay.

Tâm trạng ông bây giờ thật khó diễn tả, cứ ngỡ sẽ chết nhưng được sống, cứ ngỡ trôi dạt lang thang rồi cũng sẽ về được nhà nhưng lại không. Tuy nói cha mẹ không còn, vợ con không có, anh em chú bác dòng họ mạnh ai nấy sống không thân thiết lắm.

Nói chung, không có gì vướng bận, nhưng vẫn cảm thấy không thích ứng kịp. Cứ có cảm giác nao nao giống như lần đầu tiên ông tiếp xúc với trà đậm đặc nhưng lại uống hơi nhiều, không rõ cảm giác này là gì, nhưng rất muốn tăng động. Rất muốn thể hiện gì đó, thậm chí muốn chạy bộ vài vòng.

Hay là ông đang tiếc tài sản ư! Mạng không còn thì tài sản gì đó chỉ là mây bay. Hưng phấn ư! Cái từ này vừa thoáng qua lại khiến ông Ba để ý, ông suy nghĩ kỹ hơn thì hình như… Đúng! Chính nó! Quá lâu mới có cái cảm giác này khiến ông thật bối rối.

Đúng là hưng phấn! cuộc sống cứ bình lặng trôi qua mỗi ngày không có gì mới, lập đi lập lại chỉ có chừng ấy công việc khiến nhiệt huyết phiêu lưu, khám phá của ông đã không còn. Ông trời thật hiểu thấu lòng ông, cũng có thể là ông trời chướng mắt quá! Muốn tạo tí thăng trầm cho cuộc sống của ông thêm màu sắc.

Nghĩ tới nghĩ lui ông cảm thấy mai mắn quá ấy chứ! Ông vẫn chưa già lắm đâu, vẫn còn cơ hội xông pha, vừa được phiêu lưu vừa có con gái bầu bạn quá tuyệt rồi. Ông trời vừa mới mở cho ông thêm một cánh cửa cuộc sống mới, sự thử thách cũng chỉ mới bắt đầu, ngại gì mà không dám bước vào.

Gột rửa được nội tâm, bước chân ông Ba cũng cảm thấy nhẹ hơn. Nhìn nụ cười của con gái, ông thấy bừng bừng sức chiến đấu. Gì chứ! Ông cũng là người tương lai, không tin quay về ngàn năm sau lại không sống được, phải để con gái ông khổ sở lăn lộn.

Đại y nơi này không có đất dụng võ ư! Người dân nơi này rất hiếm muộn kìa! Ông không tin không có cách để ông dựng cho nó có võ lại đâu!

Hai người được đưa đến hai phòng nằm kế nhau, phòng khá rộng lớn, vật liệu trong phòng chủ yếu bằng gỗ bóng loáng. Giường, tủ, chăn, màng, bàn và ghế tiếp khách đều có đủ, thậm chí gương bằng thủy tinh thời đại này cũng có luôn.

Ngọc Mai nhìn thiết kế trong phòng mà cảm khái, thời này được ở phòng như vầy cũng quá sang trọng rồi, nếu ở hiện đại mà nói phòng này được thiết kế ngàn năm trước thì ai tin đây.

Anh chàng vừa rồi khi đưa họ đến có nói, phía cuối dãy phòng này có nhà vệ sinh chung. Cách nói chuyện nơi này không khác gì so với hiện đại, làm cô cứ ngỡ là mình còn ở Kiên Giang. Hai cha con không bị đắm tàu, sau khi lên tàu từ quần đảo Bà Lụa về lại đất liền, vẫn nghỉ ở khách sạn như mấy hôm trước. Cuộc sống đúng là không nói trước được điều gì!

Ngọc Mai còn đang bận cảm khái nhân sinh, thì ông Ba đến tìm cô nói chuyện cuộc đời.

“Cốc, cốc… Ngọc Mai, Ngọc Mai à!

“Dạ!”

Ngọc Mai đi ra mở cửa: “Baba vào đi”

Đợi ông đi vào Ngọc Mai đóng cửa lại, đến bàn ngồi xuống, rót cho ông và mình mỗi người một chén trà. Nước vẫn nóng, phong cách phục vụ quá tốt, cho năm sao!

Ông Ba mặt ủ mày chau đem balo để lên bàn, rầu rĩ nói:

“Baba suy nghĩ mãi vẫn không biết đem đi đấu giá cái gì. Còn cái đồng hồ thì đang xài được, mọi thứ như bóp tiền, điện thoại đều bị hư.”

Ông kéo khóa ba lô, vừa lấy đồ ra vừa chán nản đọc tên từng món:

“Trong ba lô chỉ có hai cái nón, bình giữ nhiệt, một bộ muỗng nĩa, hộp quẹt, bộ dao đa năng, đồ bơi, bộ đồ thay đổi khi tắm biển và các dụng cụ vệ sinh cá nhân.

Cũng hên là còn bịch thuốc thường dùng khi đi du lịch, vì có hộp bảo vệ nên không thấm nước, Baba kiểm tra kỹ rồi không sao, vẫn còn dùng được.”

Lấy tay kéo ghế, ông Ba ngồi cái “phịch” xuống: “Mấy món này, không có món nào có giá trị để đem đi đấu giá, ngoài cái đồng hồ, bình giữ nhiệt và bộ dao đa năng còn tạm chấp nhận được. Nếu đấu giá rồi, sinh hoạt hàng ngày ở nơi lạ nước lạ cái này biết sống sau đây. Nếu biết trước thì Baba lôi cả cái vali theo, thật tiếc quá!”.

Ngọc Mai trợn trắng mắt: “Baba đừng quên, là chính Baba còn khuyên con nên bỏ bớt đồ lại trên tàu, để tránh bị nặng chìm đi đó. Đem theo như thế có thể giờ này chúng ta cũng không được ngồi ở đây đâu.”

Ông Ba vò vò đầu theo thói quen, hồi hộp hỏi: “Trong ba lô của con gồm những món gì?”

Ngọc Mai cười cười không nói, đứng dậy bước đến giường, lấy ba lô đem qua bàn, kéo khóa lấy từng món từng món thật từ tốn ra để trên mặt bàn, càng nhìn mắt ông càng sáng, sáng đến chói lóa.

Ông Ba cười ha hả: “Xem như chúng ta có vốn để lăn lộn rồi, thời này ở Việt Nam là vua gì đang trị vì nhỉ!”

“Là Vua Lý, năm 1020 là thời của vua Lý Thái Tổ.” Ngọc Mai nói luôn không cần suy nghĩ.

Nhìn thấy Baba ngó cô với đôi mắt lắp lánh vẻ con ba là nhất, Ngọc Mai cảm thấy xấu hổ. Nghĩ lại, cô cũng nên cảm ơn cô giáo dạy sử năm lớp mười hai với biệt danh sát thủ kiểm tra.

Lúc nào cô giáo cũng tạo sức bền cho dây thần kinh đám học sinh của cô. Đứa nào tự thấy dây thần kinh yếu yếu, giãn giãn thì tự bứt cho đứt luôn để còn có cơ hội giữ lại để nối, không thôi sẽ bị suy nhược đến không còn ra hình dạng.

Không bao giờ cô giáo nói trước thời gian kiểm tra, hôm căng não học bài trước ở nhà cô không kiểm, đang dạy ngon ơ cô lại kiểm, đủ loại khung giờ từ năm phút đến cả tiết, vì bị khủng bố quá nhiều nên tất nhiên phải nhớ lâu, nhớ dai, chứ không có gì giỏi hay đặc biệt cả.

Nhìn một mớ hỗn độn trên bàn Ngọc Mai lên tiếng: “Theo con thì đừng đưa những thứ như máy ảnh hay điện thoại. Họ không sử dụng được lâu nếu không có điện, đưa ra mắc công bị cho là lừa đảo.

Nên chọn thứ thực dụng trong cuộc sống, nhưng lại mới lạ so với nơi này. Rất nhiều người xuyên đến đây, không biết chừng họ cũng có thể đem giống ta, thì mấy món đồ này cũng chưa chắc có gì mới lạ.

Nhưng chúng ta cũng cần sống tốt, nên cái nào thật sự không cần thiết hãy đưa ra, nếu có đưa cũng đưa nhử vài cái xem trước tình hình đã. Nếu thứ mà con và Baba cùng có thì giữ lại phần của Baba, đưa phần của con.”

“Ờ! vậy con cứ chọn ra rồi đưa đây Baba đem cho họ, nhưng chúng ta ăn gì chiều nay!” Bây giờ tâm tình ông thoải mái thì cảm giác đói cũng đua nhau đến.

“Họ có nấu cho chúng ta, khi nào xong họ kêu, chắc cũng sắp xong rồi đó. Baba muốn tắm rữa, vệ sinh thì đi xuống cuối dãy phòng này nhé!”

Vừa nói tay Ngọc Hân vừa chọn đồ: “Baba thấy chọn như vậy được không?”

Ông Ba im lặng hồi lâu rồi mới gật gật đầu, đem mấy món đã chọn bỏ vào cái khay, sau đó phủ tấm vải đỏ đã được người nơi này chuẩn bị sẵn trên bàn: “Baba đi đưa cho họ.”

Nói xong ông không đi mà lại bưng ly trà lên uống, uống xong vẫn ngồi im lặng, Ngọc Mai hiểu tính ông nên cô cũng im lặng ngồi đợi mà không lên tiếng hay thúc giục gì. Uống hết chén trà thứ hai, ông Ba mới từ từ lên tiếng:

“Baba suy nghĩ kỹ lại thì ở nơi đây chúng ta không quen biết ai, hai cha con mình cũng không nên gây sự chú ý quá không tốt. Thật ra đối với Baba mấy đồ này đem đấu giá cũng được, không đấu giá cũng không sao.

Nhưng mà bản thân con đã đến tuổi phải lập gia đình, cũng cần có hạ thể để trong người cho an tâm, nên đấu giá vài món đồ này thôi, còn các đồ vật còn lại con nên giữ để phòng thân sau này. Đồ thì cũng còn đó không chạy đi đâu được, không gì phải lo. Baba có tay có chân, cũng không cần quan tâm đến Baba làm gì, mình tạo ra của chứ của không tạo ra được mình.

Trước mắt có lẽ con gái phải sống khổ cực một thời gian, ý định của Baba là muốn đi vào rừng khai hoang, chỉ sống trong rừng mới có thể tìm hiểu xem có các loại cây thuốc chữa bệnh nào không! Với thầy thuốc như Baba thì rất thích tìm tòi ở trong rừng, nhưng để con sống theo như vậy thì Baba không đành lòng.”

Mộng ước được khám phá thêm các loại cây thuốc, được sống hòa cùng thiên nhiên của ông, Ngọc Mai đã biết từ lâu. Ngọc Mai có dự định là sau khi tốt nghiệp đại học, cô sẽ thuyết phục ông bỏ phố về vùng quê nhỏ nào đó có núi có rừng, hai cha con lại mở một tiệm thuốc đông y. Ngọc Mai sẽ trông coi, để ba cô không còn thấy vướng bận mà thực hiện được niềm đam mê lớn lao của ông.

Thật ra thì! bây giờ có thả Ngọc Mai trên núi, hay quăng vào rừng ở một mình, cô vẫn có thể sống nhăn răng. Cái tính của Ngọc Mai là tay làm hàm nhai, không làm thì chịu đói chứ ở đâu rơi xuống cho mà ăn. Ông Ba xót con nên cứ lấn cấn ở trong lòng.

Ngọc Mai chớp chớp đôi mắt đỏ hoe vì cảm động, cô nắm lấy bàn tay đã chai sạn theo năm tháng của ông Ba, nhỏ nhẹ lên tiếng:

“Baba à! Baba phải tin vào con gái của người chứ! Con có yếu đuối đến không tự chăm sóc được bản thân sao! Con cũng định nói với Baba là chúng ta nên vào rừng khai hoang, không nghĩ đến hai cha con chúng ta cùng ý tưởng.

Với lại, con cũng không có ý định lấy chồng gì đâu, Baba lo xa quá! Baba bỏ luôn cái ý định đem gả con cho ai đi, con sẽ ở vậy ăn bám Baba đến già luôn, con trịnh trọng thông báo cho Baba chuẩn bị tinh thần trước đó. Baba sẽ còn cực khổ nuôi con dài dài.”

Nét mặt ưu tư của ông Ba thoáng thả lỏng, ông lấy tay còn lại vỗ vỗ lên đầu con gái cười hiền lành:

“Bậy nè! Gái lớn phải gả chồng, đâu ai như con chứ. Baba không ngại cực, chỉ ngại con gái cực thôi. Nếu con cũng có ý định giống Baba, vậy tạm thời chúng ta quyết định như vậy đi! Bây giờ Baba đem đưa đồ cho họ, rồi hai cha con chúng ta đi ăn thôi, Baba đói quá rồi!”

“Dạ!”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN