Yêu Người Không Phải Chồng - Phần 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4191


Yêu Người Không Phải Chồng


Phần 4


Tôi đi làm được nửa tháng, việc công ty cũng không quá bận rộn, hầu như cả ngày cũng chỉ nghiên cứu các văn bản Luật, thỉnh thoảng lắm mới có vài hợp đồng cần tôi soạn thảo để Dương mang đi ký với khách hàng.

Có lần tôi hỏi Nhung:

– Em ơi, công ty mình bình thường vẫn ít hợp đồng thế này hả em?

Nhung chần chừ suy nghĩ vài giây, sau đó lại tỏ ra như không gì, cười dịu dàng với tôi:

– Vâng, công ty mình thế này gọi là đang phát triển rồi đấy chị ạ. Giờ doanh nghiệp may mặc nhiều, mình có hợp đồng là quý rồi.
– Chị xem thấy mấy hợp đồng gần đây toàn hợp đồng nhỏ. Thế bình thường đầu ra thì nhập cho chỗ nào hả em? Xưởng may của mình một ngày sản xuất ra trung bình mấy nghìn sản phẩm mà.
– Tạm thời sản xuất cầm chừng chờ hợp đồng chị ạ. Đại loại là vẫn có đầu ra. Sếp đang triển khai tìm nguồn. Công ty mình mới bắt đầu sửa sang lại để thay đổi lại bộ mặt mà chị, dạo này cũng có khách tìm đến rồi ạ. Chị đừng lo.
– Ừ, chị biết rồi, cảm ơn em.

Càng làm việc trong công ty, tôi càng phát hiện ra để chèo lái một con thuyền hư hỏng từ đống đổ nát quá khứ như công ty của bố tôi không hề dễ. Nhiều lần, tôi thấy Dương bận đi nơi này nơi khác, cơm trưa cũng không kịp ăn, đến tối cũng lăn ra làm việc đến tận khuya. Lòng tôi cũng có chút gì đó thương thương nhưng ngại thể hiện nên lần nào muốn quan tâm chồng cũng không ra mặt, thậm chí có pha café cho Dương xong cũng phải đưa cho Hoài mang lên.

Có một hôm, sau khi dặn Hoài mang lên phòng cho chồng tôi ít bánh để ban đêm làm việc muộn ăn cho đỡ đói, lúc quay về phòng mình thì tự nhiên tôi nhận được tin nhắn từ một số lạ, người đó nhắn:

– Chị Ngân hâm, biết ai đây không?
– Ai thế?
– Đoán xem nào?
– Cái kiểu cợt nhả thế này chỉ có My thôi. My sói phải không?
– Úi chuẩn luôn. Xa cách lâu thế mà vẫn nhớ đến em cơ à?
– Chuyện. Sao mày biết số điện thoại của chị?
– Em mà đã bỏ công tìm thì chị có lặn xuống biển năm trăm dặm em vẫn dò thấy sóng ấy chứ. Biết số điện thoại đã là gì.
– Thôi đi, vẫn cái tật bốc phét thế mãi không sửa được. Đã lấy chồng chưa?
– Chưa, anh Vỹ đã lấy đâu mà bọn em dám lấy.

My là bạn chơi cùng hội với tôi và Vỹ ngày xưa, con bé chơi DJ ở quán Bar mà Vỹ bảo kê, hồi ấy tôi hay đến đó chơi nên quen nó, tính My cũng được, mỗi tội lúc nào cũng hùng hùng hổ hổ như đàn ông với cả thích cợt nhả thôi.

– Ai là việc của người ấy chứ. Liên quan gì đến mày đâu hả? Đừng có lừa chị.
– Sao lại không liên quan? Đại ca chưa lấy vợ, các đệ dám lên xe bông chắc. Anh Vỹ vẫn đợi chị đấy.
– Nói vớ vẩn.
– Thật. Chị mất tăm mấy năm nay nên không biết đấy chứ. Lần nào anh Vỹ đến quán uống rượu, em hỏi sao không lấy vợ đi, giờ có tiền, có nhà, có xe rồi thì chọn lấy một cô. Thế mà chị biết anh ấy trả lời sao không? Anh ấy bảo chờ chị.

Tim tôi đột nhiên nhói lên một cái, chuyện đã qua bao nhiêu năm, kỷ niệm như cát bị dòng thời gian vùi lấp, chờ gì đợi gì, tôi đã lấy chồng rồi, tôi không tin Vỹ không lấy vợ chỉ để chờ đợi tôi.

– Mày hết trò để đùa rồi à? Giờ chị lấy chồng rồi, chờ đợi gì.
– Lấy chồng thì có thể bỏ chồng cơ mà.
– Nói vớ vẩn.
– Bọn em không tin chị đang yêu anh Vỹ thế, tự nhiên lại chia tay đi lấy chồng. Chị phải có lý do gì đó mới thế.
– Chẳng lý do gì cả, lấy thì lấy thôi.
– Thế sao đến giờ chị vẫn chưa đẻ con?
– Sao mày biết?
– Ôi em còn điều tra chồng chị tên gì, làm gì cơ. Chị trả lời đi.
– Hiếm muộn. Chưa đẻ được.
– Em không tin.
– Xùy. Mày rảnh thế, giờ đang làm gì?
– Em vẫn đánh DJ thôi. Dạo này độ đôi loa ngon lắm, nhảy lên nó lắc lên lắc xuống, sướng cực. À mà chị có rỗi không, hôm nào gặp nhau đi. Em đánh DJ lên tay lắm.
– Ừ, hôm nào mày rỗi?
– Hay em mời chị đến quán Bar nhé. Mời rượu, mời nghe nhạc miễn phí, My sói đánh DJ.
– Ok. Hôm nào rỗi chị đến.

Tôi chỉ nói đùa thế thôi chứ thực ra cũng không muốn giao du nhiều với My nữa, không phải là tôi chê nó, chỉ là tôi sợ đến quán Bar cũ, gặp những người bạn cũ, tôi lại nhớ đến chuyện ngày xưa. Thế nhưng, gần một tuần sau, My bỗng dưng lại gọi điện thoại cho tôi, giọng nó buồn buồn, bảo hôm nay sinh nhật nó, người yêu thì mới chia tay rồi, giờ gọi tôi đến thổi nến bánh sinh nhật với nó thôi.

Lúc đầu tôi từ chối, tôi bảo:

– Chị giờ lấy chồng rồi, đi đêm khó lắm. Thôi hôm khác chị hẹn gặp mày đi café rồi thổi nến với mày sau nhé.
– Bánh gato em mua rồi đây. Định để em vứt đi à? Ở đây có mỗi em thôi, chị đến với em đi.

My nói mãi, thế là cuối cùng tôi chối không được, đành lếch thếch thay một bộ quần áo kín cổng cao tường rồi đi đến đó.

Lúc tôi đi xuống nhà thì thấy Dương đang ngồi uống nước dưới phòng khách, Hoài thì đang rửa bát trong bếp. Không hiểu sao rõ ràng tôi không làm việc xấu nhưng lại cứ như đi ăn trộm, tự nhiên lại thấp tha thấp thỏm, phải hít sâu mấy hơi mới nói được một câu:

– Tôi đi ra ngoài, về trước mười giờ.
– Có việc gì à?
– Bạn cũ hẹn gặp thôi. Con gái.
– Đi bằng gì?
– Tôi bắt taxi.
– Tôi đưa đi.
– Thôi đi, tôi tự đi được. Tôi đi một tý rồi về ngay. Anh yên tâm, tôi không làm gì sau lưng anh đâu.

Lần đầu tiên tôi nói muốn ra khỏi nhà ban đêm một mình, tôi cứ tưởng anh ta sẽ không cho tôi đi, thế nhưng Dương nghe xong lại không nói gì. Ở với nhau lâu ngày, biết chồng không nói gì nghĩa là đồng ý nên tôi cũng không dài dòng làm gì nữa, mở cửa đi thẳng ra khỏi nhà.

Tôi vẫy Taxi đến quán Bar cũ bên Hoàn Kiếm, ăn mặc thế này ban đầu bảo vệ không cho vào, mãi sau có anh quản lý ở đấy nhận ra tôi nên mới nói giúp rồi dẫn tôi vào bên trong.

Lúc vào đến nơi, tôi chẳng thấy người buồn bã ngồi uống rượu với bánh gato như lúc nãy trong điện thoại My nói mà chỉ thấy nó đứng trên bục đánh DJ nhảy nhót tưng bừng. Khi ấy tôi mới biết mình bị lừa, định quay về thì giọng My lại đột nhiên vang lên qua micro:

– Kia rồi, kia rồi. Nhân vật chính hơn cả chính của chúng ta kia rồi. Mọi người có nhận ra ai kia không ạ?
– Ai thế? Ai thế? Nhân vật nào mà hot thế?

Không biết có phải vì trong quán Bar không có người nào ăn mặc như tôi hay không mà trong cả đám lố nhố thế, My nhìn cái là nhận ra tôi ngay. Mà ở đây DJ cầm trịch, DJ nói xong thì người xung quanh cũng hưởng ứng quay sang nhìn tôi, tự nhiên biến tôi thành nhân vật trung tâm.

Tôi đỏ hết cả mặt, xua tay tỏ ý bảo My đừng nói nữa, thế nhưng nó vẫn không tha cho tôi. Nó bảo:

– Thần tượng một thời của quán Bar mình đấy. Những ai hay chơi ở đây cách đây bốn năm kiểu gì chẳng biết chị Ngân. Đúng không anh quản lý ơi?
– Đúng luôn. Hôm nay mọi người mở rượu mừng Ngân của chúng ta quay về nào. Anh em của tôi đâuuuu?

Tôi bị mọi người lôi kéo ra giữa sàn nhảy, uống rượu hú hét om sòm, tôi đứng một lúc đã thấy hoa hết cả mắt. Trước đây mỗi lần theo Vỹ đến đây tôi cảm thấy rất vui, thỉnh thoảng cũng theo mọi người lên sàn nhảy quẩy tưng bừng. Nhưng mà giờ có lẽ bị giam trong nhà trong thời gian lâu quá, cảm xúc của tôi đã phai tàn mất rồi, tự nhiên tôi lại không thích những nơi ồn ào như thế này nữa…

Khó khăn lắm tôi mới lách được qua cả rừng người để đi xuống dưới rồi định bỏ về. Ai ngờ vừa ra đến cửa lại có một đám thanh niên người sặc mùi rượu, thấy tôi ăn mặc khác người quá nên trêu:

– Ơ em, đi đâu mà về vội thế? Vào đây đã, vào đây chơi với anh lúc.
– Tránh ra.
– Làm gì mà nóng thế? À mà ăn mặc kiểu này nóng là đúng rồi. Ai lại vào bar mà mặc quần bò với cả áo sơ mi thế kia? Cởi ra tý cho mát anh xem nào.

Tôi không thích mấy trò kiểu này nên tìm cách lách qua chỗ khác, nhưng mà mấy thằng điên đó nhất định không chịu tha cho tôi. Một đứa còn ôm lấy thắt lưng tôi, kéo sát vào người:

– Trốn làm sao được mà trốn. Anh thích nhất là con gái nhà lành như em đấy. Vào đây chơi với anh.
– Mẹ nhà mày chứ bỏ ra không? Tao nhịn mày từ nãy đến giờ rồi đấy. Bỏ ra không tao gọi bảo vệ bây giờ.
– Anh đố đấy, gọi đi anh xem nào, gọi hộ anh cái.

Tôi điên quá, đang định gào mồm lên gọi bảo vệ thật thì tự nhiên nghe “Á” một tiếng, quay lại thấy mấy người đàn ông đang nắm cổ áo tên đang kéo tôi, giật ngược ra đằng sau:

– Bọn mày làm gì đấy, thích tao vặn hết răng chúng mày đấy phải không? Bỏ người ta ra.
– Mày nói ai đấy thằng kia, mày là đứa nào? Bỏ ra, chúng mày là đứa nào mà xen vào chuyện của người khác?

Lúc này, Vỹ mới từ đằng sau mấy người kia đi đến, tôi cũng mới phát hiện ra những người mới tới đó là đàn em của anh. Vỹ bảo mấy thằng say rượu kia:

– Tao cho chúng mày năm giây, cút ngay trước khi tao điên.

Bọn chúng nhìn thấy bên này có ba bốn người, mà quan trọng nhất là có cả mặt người từng một thời làm bảo kê ở đây nữa nên chắc cũng hãi, hậm hực buông tôi ra rồi quay người bỏ đi mất.

Lúc bọn chúng đi rồi, Vỹ mới lại gần nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt, hỏi tôi:

– Em có sao không?
– À… không sao đâu. Bọn kia trêu tý thôi. Cảm ơn anh.
– Sao tự nhiên em lại đến đây. Giờ nhân viên cũ của quán thay gần hết rồi, lỡ có chuyện mà người ta không biết em thì làm sao?
– Em đến tý rồi về thôi. Thôi anh vào đi, em về đây.
– Đợi tý, anh đưa em ra ngoài.

Nói rồi, Vỹ bảo mấy đàn em của mình đi vào trong trước, sau đó đi ra ngoài cùng tôi. Tôi sợ lại bị trêu nữa, với cả từ chối cũng không tiện nên đành mặc kệ cho anh đưa tôi ra cửa.

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, anh nói:

– Em đi gì đến đây?
– Em đi Grap.
– Hay để anh bảo My đưa em về. Đêm rồi đi Grap nguy hiểm.
– Không sao đâu.

Tôi gượng gạo cười, cố tình lảng sang chủ đề khác:

– Lâu rồi không đến đây, hình như quán sửa lại nhiều rồi anh nhỉ?
– Ừ, cải tạo lại nền với sàn. Đèn cũng thay hết. Quán bar mà, không thay đổi theo kịp thời đại thì khách không đến.
– Vâng.
– Lần này em về lâu không?
– Em về ở hẳn.
– Ừ.
– Mọi người chắc lấy vợ lấy chồng hết rồi anh nhỉ? Hội chị Vân, anh Long, anh Hải ấy.
– Ừ, lấy vợ hết rồi. Anh cũng không làm bảo kê nữa.
– Vâng. Làm cái gì an toàn thôi. Những việc nguy hiểm thì thôi, đừng dính vào. Bỏ được thì tốt.
– Anh không quan tâm đến mấy việc đó. Ngày trước quyết tâm thay đổi là vì một người thôi.

Sống lưng tôi bỗng chốc run lên, tôi không muốn nghe anh nói anh từ công việc trước kia là vì mình, tôi sợ kỷ niệm ngủ quên dưới đáy lòng mình từ lâu lắm rồi lại nhen nhóm bùng cháy.

Vì sợ nên buộc phải kiếm cớ chuyển chủ đề lần nữa:

– Khách sạn kinh doanh tốt không anh?
– Cũng được. Anh với mấy anh em nữa góp cổ phần rồi xây. Làm ăn cũng tạm.
– Thế cũng được rồi. Khách sạn to thế, chia lợi tức hàng tháng cũng đủ ăn đủ tiêu.
– Ừ.

Nói đến đó thì Grap đến, chúng tôi dừng câu chuyện tại đó rồi gượng gạo tạm biệt. Về đến nhà, tôi cứ nằm trên giường nghĩ mãi, nghĩ đến cuộc nói chuyện vừa rồi với Vỹ, rồi lại nhớ đến những ngày tháng vui vẻ tự do trước kia của mình, trong lòng không nén được một tiếng thở dài.

Đang loay hoay không sao ngủ được thì tôi thấy điện thoại sáng lên, số điện thoại quen thuộc ngày xưa nhắn đến:

– Về nhà chưa em?

Tôi biết là Vỹ, biết không nên dùng dằng với anh nhưng sau lại nghĩ dù sao anh cũng vừa mới giúp tôi, nhắn một tin trả lời chắc cũng không sao:

– Em về rồi. Sao anh biết số em?
– Có gì đâu. Anh nhắn tin thế này có phiền không?
– Không sao đâu, bạn bè mà.
– Ừ, anh chỉ muốn hỏi em về nhà chưa thôi. Em ngủ sớm đi nhé.

Sau đó, tôi không nhắn lại nữa, cũng không xóa tin nhắn đi mà cứ thế ôm điện thoại ngủ. Trong giấc mơ, tôi lại mơ thấy chúng tôi ở một đêm mưa bốn năm về trước, tôi run rẩy nói với anh: “Em thấy chơi bời thế đủ rồi, giờ em phải lấy chồng thôi”

Mặt Vỹ đầy nước mưa, anh khó khăn nhìn tôi: “Em lấy ai? Sao tự nhiên em lại lấy chồng? Bố bắt em lấy chồng à?”

“Không, em học xong rồi thì em lấy chồng thôi”
“Chờ anh được không? Chờ anh, anh lấy em được không?”
“Không. Em với anh chỉ yêu nhau chơi chơi thế thôi, em lấy chồng thì tất nhiên em sẽ chọn người có việc làm đàng hoàng, phải giàu nữa. Anh không có nghề nghiệp gì, anh có nuôi em được không?”
“Anh nuôi được”
“Nuôi được không phải là cơm ăn ba bữa mà còn cuộc sống nữa. Anh có cho em cuộc sống thoải mái được không, em thích dùng hàng hiệu, em thích ở nhà cao cửa rộng, anh có cho được không? Thôi. Em nghĩ mình nên chia tay đi”.

Ngay cả trong mơ tôi cũng khóc đứt gan đứt ruột, ngày ấy còn yêu rất nhiều mà phải làm cả hai tổn thương, từ bỏ tình yêu của mình để lên xe hoa theo người khác. Sau đó đến một đất nước xa lạ để bắt đầu một cuộc sống mới, tôi đã phải vật lộn rất lâu mới có thể bình tâm lại được. Bây giờ sau bốn năm, tự nhiên bao nhiêu kỷ niệm trỗi dậy làm tôi lại bắt đầu suy nghĩ, tôi lại thấy nuối tiếc thời gian tươi đẹp như ngày nào…

Bẵng đi thêm một thời gian nữa, có một hôm Dương đưa cho tôi nghiên cứu làm một bản hợp đồng với công ty đối tác, nghe nói là công ty này cũng khá lớn nên chồng dặn tôi phải làm cẩn thận, đừng để bất kỳ sai sót gì.

Dương bảo tôi:

– Nhấn mạnh phần bồi thường nếu như bên B nhận sản phẩm chất lượng không như mong muốn. Mức bồi thường có thể lên một triệu nghìn đô và hồi toàn bộ tiền hàng đặt cọc.
– Một triệu đô? Sao nhiều thế?
– Cứ làm như thế đi.

Chồng không giải thích tôi lại càng nghi ngờ, nếu như bình thường thì mức bồi thường cũng chỉ tầm vài nghìn đến vài chục nghìn đô để tránh đối tác cố tìm cách hạch họe để đòi tiền bồi thường. Đằng này anh ta bắt tôi soạn hẳn hợp đồng một triệu đô, anh ta không sợ khách họ tìm cách hoàn hàng à? Một triệu đô là con số quá lớn với một công ty đã lỗi thời như công ty của gia đình tôi, lỡ như có vấn đề gì thì coi như phá sản hoàn toàn. Chồng tôi đang toan tính gì vậy?

Tôi hoài nghi là thế, nhưng cuối cùng vẫn soạn hợp đồng theo đúng ý Dương. Anh ta đọc đi đọc lại mất cả buổi, chỉnh sửa lại một số chỗ rồi bảo tôi in ra để thứ tư anh ta sang Mỹ gặp đối tác. Thế nhưng đúng hôm trước khi đi thì Nhung lại đột ngột bị sốt virus, phải nhập viện truyền nước không đi được, tôi thấy thế thì xung phong xin đi.

Lúc tôi nói chuyện này với chồng, Dương nhìn tôi rất lâu, dường như đang muốn xem tôi có mưu mô gì. Tôi thì chỉ lạnh lùng bảo:

– Yên tâm đi, tôi không phá hợp đồng của anh đâu. Tôi cũng có cổ phần ở công ty, công ty thiệt hại thì tiền của tôi cũng thiệt hại. Với cả tôi là cố vấn pháp luật, đi cũng hợp lý còn gì?
– Việc này cố vấn pháp luật không cần thiết phải đi. Có gì cần làm thì soạn trong hợp đồng hết rồi.
– Sao anh không muốn cho tôi đi? Anh đang che giấu gì à mà không muốn tôi sang đó?
– Có gì để tôi phải che giấu?
– Anh lắm thủ đoạn, nhà tôi không so được với anh. Ai biết được anh thương lượng gì với công ty kia, đền bù một triệu đô coi như dốc hết vốn liếng đưa cho người ta, anh rửa tiền công ty dưới danh nghĩa ký hợp đồng thì sao?

Tôi biết anh ta không thiếu tiền, nhưng kẻ làm kinh doanh chỉ muốn thêm không muốn bớt, hồi còn ở Mỹ có lần tôi đã thấy Dương ép một siêu thị lâm vào phá sản, phải sang nhượng lại cho anh ta với giá 0USD. Sau này, anh ta dùng đầu óc kinh doanh của mình phát triển hệ thống siêu thị đó thành siêu thị hoa quả sạch, trên bang Texas có tận mười mấy cửa hàng siêu thị của anh ta.

Dương nghe tôi nói thế chỉ cười nhạt:

– Cô nghĩ thế à?
– Đúng đấy, trong mắt tôi anh xấu xa từ đầu đến chân nên anh làm gì tôi cũng nghi ngờ.
– Tốt. Nếu cô muốn đi thì chuẩn bị đi. Mười giờ sáng mai bay.

Ngày hôm sau, hai vợ chồng tôi lên đường sang Mỹ. Ngồi trên máy bay mười mấy tiếng ê ẩm hết cả người, lúc đến nơi thì nơi đây đang sắp có bão tuyết, người người ùn ùn trở về nhà lánh nạn, khó khăn lắm vợ chồng tôi mới di chuyển đến được một khách sạn ở gần đó, nhưng mà đến nơi thì lễ tân thông báo chỉ còn đúng một phòng.

Ngoài trời tuyết rơi dày đặc, vừa ẩm ướt vừa lạnh, giao thông vừa cào tuyết dọn đường chưa được năm phút thì đường lại đã trắng xóa. Tôi lẩm bẩm chửi số mình đúng là đen, đã bị hen lại còn gặp đúng bão tuyết kiểu này, không biết sẽ chết lúc nào.

Thật lòng, khi ấy tôi đã không hiểu ra được rằng: hóa ra ban đầu chồng tôi không muốn cho tôi đi cùng không phải vì anh có mưu mô gì cả, chỉ đơn giản là vì biết trước ở đây sẽ có bão tuyết, tôi bị hen gặp lạnh sẽ khó thở. Lúc đó, tôi chỉ mải oán trách anh mà chẳng hề hiểu được những điều tốt đẹp nhất anh đều thầm lặng dành cho tôi thôi.

Lễ tân thấy tôi đứng đần ra nhìn bầu trời tuyết bên ngoài, sốt ruột nên giục:

– Quý khách có lấy phòng này không? Ở phía sau đang còn rất nhiều người muốn thuê phòng. Nếu không muốn thuê thì vui lòng nhường cho những người phía sau.

Dương nãy giờ không nói gì, ý của anh là nhường cho tôi quyết định. Tôi đắn đo thêm mấy giây rồi mới đáp:

– Một phòng cũng được. Cho tôi một phòng.
– Vậy quý khách cho khách sạn xin giấy tờ tùy thân để đăng ký phòng.

Tối hôm đó, giao thông tê liệt nên chúng tôi không thể đi ra ngoài được. Chồng tôi gọi đồ ăn của khách sạn nhưng bão tuyết thế này, thực phẩm cũng chẳng có nhiều. Tôi không kén ăn nhưng ở chung một phòng với Dương khiến tôi cứ thấy bồn chồn khó chịu thế nào ấy, không phải là ghét mà chỉ giống kiểu như không quen, thế nên tôi chỉ ăn có vài miếng thịt rồi thôi.

Anh ngẩng đầu bảo tôi:

– Ăn thêm đi.
– Không nuốt nổi.
– Không muốn nuốt cũng phải nuốt.
– Tôi không muốn ăn, anh đừng ép tôi.
– Tôi còn nhiều thứ để ép cô lắm. Cô đừng để tôi phải làm thật.
– Anh…

Không hận thù đến mức không đội trời chung, thế nhưng hễ cứ nói ra câu nào là chúng tôi kiểu gì cũng sẽ cãi nhau câu ấy. Tôi giận run lên, hét to:

– Đến việc ăn cũng không được ăn theo ý mình, anh làm sao đấy? Tôi phải sống như con rối cho anh điều khiển anh mới thấy vui à?

Vừa nói xong thì đèn điện trong phòng vụt tắt, có lẽ là bão tuyết lớn quá nên bị cắt điện cục bộ rồi. Tôi chẳng hiểu tại sao ngày đẹp không đi, thời tiết tốt không sang, lại chọn đúng ngày mưa bão kiểu này để đi ký hợp đồng. Đang hậm hực định đứng lên đi tìm cái gì bật cho sáng thì tự nhiên thấy ánh sáng flash từ điện thoại của Dương bật lên.

Anh đặt điện thoại xuống bàn, ánh sáng vừa đủ, tôi sợ bóng tối nên chỉ cần có một ít ánh sáng thế này là cảm thấy an tâm rồi. Tôi nghĩ Dương sẽ cáu, nhưng cuối cùng anh lại đẩy đĩa thức ăn ban nãy về phía tôi, lần đầu tiên chồng tôi chịu giải thích:

– Bão tuyết không dừng thì ngày mai thực phẩm trong khách sạn cũng hết. Lúc ấy không có gì mà ăn đâu. Tranh thủ ăn đi.

Nghe thế, tôi cũng biết là mình quá đáng trước, tự nhiên lại nổi khùng lên rồi nói mấy lời khó nghe với chồng. Tôi im lặng một lúc rồi cũng kéo đĩa thức ăn về phía mình, không nói gì mà ngoan ngoãn nghe lời, cúi đầu tiếp tục ăn. Tôi ăn sạch hết đồ ăn trong đĩa, không sót một thứ.

Buổi tối khi đi ngủ, Dương bảo tôi:

– Ngủ trên giường đi.
– Anh ngủ ở đâu?
– Tôi ngủ trên ghế.

Máy phát điện của khách sạn không đủ để chạy hệ thống sưởi, nằm trên giường chưa chắc đã đủ ấm mà anh ta còn bảo nằm ở ghế. Tôi sợ anh ta lạnh chết, muốn bảo anh ta mượn thêm một cái chăn mà ngủ cho ấm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng không nói ra miệng được, thế nên đành thôi.

Không biết có phải do lần đầu tiên ngủ cùng phòng hay là vì mình nằm ấm mà người khác phải chịu lạnh nên tôi áy náy, nằm trên giường đến tận nửa đêm cũng không ngủ được. Tôi lắng tai nghe từng lần cựa người của Dương, lúc sau hé mắt ra thấy anh ta co ro trên ghế, trên người đắp mỗi một cái thảm mỏng, chắc là lạnh gần chết.

Tôi đấu tranh mãi, cuối cùng cũng chịu thua lương tâm, lát sau đành rón rén cầm chăn bước xuống dưới, nhẹ nhàng đắp cho chồng.

Tôi cứ tự bảo mình rằng: tôi sợ anh ta lạnh chết thì không có ai quản lý công ty, dù gì tôi cũng chưa đủ lông đủ cánh, tôi chưa có năng lực ấy. Vả lại bố tôi, em tôi cần tiền. Thế nên chồng tôi chưa thể chết được.

Trong lúc đắp chăn cho Dương, tôi căng thẳng đến mức không dám thở, đắp xong không thấy anh ta cựa quậy gì, tôi còn tưởng anh ta chết rồi, vừa giơ tay lên mũi xem còn thở không thì đột nhiên Dương mở mắt, bắt lấy tay tôi.

Khi đó tôi giống kiểu làm việc xấu bị phát hiện, hai má nóng bừng lên, luống ca luống cuống nói:

– Làm gì thế? Bỏ… bỏ tay ra.

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (9 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN