Tiếng Đàn Sông Trăng - Chương 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
92


Tiếng Đàn Sông Trăng


Chương 1


Hôm ấy, là một ngày mưa dầm phân phất giữa tháng mười lạnh buốt, vầng mây mù dày đặc giăng đầy sương trắng che khuất mất cái nắng li ti ấm áp. Mưa nặng hạt rỉ rơi suốt bên đường, lăn tăn từng hạt từng hạt trên mái hiên nhà, tiếng bước chân dẫm lên những vũng nước lúc gần lúc xa.

Trấn Tuần Sơn khá lớn, quy mô rộng bằng khu chợ họp trên thị tỉnh. Hộ trấn rất đông, nhất là ở các xã nhỏ trong trấn, hộ gia đình sinh sống lên đến hàng trăm. Trên phố Đường Sắt là những dãy nhà xưởng cũ kĩ đã úa màu đề biển hiệu, tường sơn tróc màu chi chít vết xước lâu năm. 

Quanh dặm con phố Đường Sắt, nhà xưởng vẫn đang vận hành và hoạt động đều đặn vỏn vẹn chỉ có ba khu tất yếu. Khu xưởng gỗ Ngọc Phước, khu xưởng dệt Kim Loan, cuối cùng là khu xưởng đúc đồng Thành Đoan.

Bấy giờ là hai giờ chiều, công dân xưởng gỗ Ngọc Phước loay hoay bên hai chiếc xe cút kít để bốc hàng. Chồng hàng hóa bọc bằng lớp giấy bồi màu vàng, được kê lên xe kéo đẩy vào kho xưởng hàng.

Bên ngoài, mưa vẫn đang trút xuống ào ạt, chắn mất tầm nhìn xa, bên trong nhà xưởng, đâu đâu cũng chất đầy thùng gỗ xẻ. Sau khi vận chuyển hàng hóa về trong kho hàng dự trữ, các công nhân bắt đầu thời gian nghỉ ngơi.

Phụ trách và Bảo nhiệm vị trí trưởng đoàn tổ nhân viên khu xưởng – Ông Liêu Huỳnh Bảo. Kiểm kê xong danh sách thống kê hàng hóa đã nhận, ông gỡ mũ và khăn tay, thay bộ áo mưa, dặn dò đôi câu với mọi người rồi đi mua cơm.

Ở phía đối diện bên đường là quán cơm lớn Ngọc Lan, như mọi ngày, ông Bảo định giá cũ ba mươi suất phần ăn, tiếp đến ông tạt vào tiệm tạp hóa kế bên mua bao thuốc lá và chai nước muối. Về đến xưởng, ông và mọi người phân chia cơm với nhau rồi phần ai nấy dùng.

Khoảng ba giờ chiều, họ còn ba đơn hàng phải cấp tốc hoàn thành trước sáu giờ tối, vì nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ làm hàng, bụng chỉ vừa no phân nửa, mọi người đã bỏ đũa xuống làm việc tiếp.

Ông Bảo vác hai miếng ván gỗ lớn đặt lên bàn rà, tay đeo đôi găng tay xám cầm máy cắt cặm cụi làm việc.

“Bảo già, còn điếu nào không?” Ông Trịnh đứng kế bên cũng là công nhân cắt gỗ trong xưởng, tướng tá đô con, giọng ngọng nghịu rõ to.

“Đợi lát.”

Ông Bảo bụm miệng ho sặc sụa, đút tay vào túi áo khoác lấy ra bao thuốc lá mới mua, xé rách nhãn dán quanh miệng bao thuốc, kẹp một điếu đưa ông bạn già.

“Là hãng Lào bảy đồng gói, mùi thơm thật.”

Ông Trịnh châm điếu rít hơi, cười tít mắt hỏi:

“Nãy thấy trong bọc ông xách có chai nước muối, kiệt sức rồi à?”

“Sớm giờ vác mấy cân gỗ nặng trịch, hai vai như muốn xụi đến nơi, sao có thể không mệt.”

Nửa tấm gỗ đã cắt ngang phân nửa, ông Bảo tạm nghỉ tay lấy sức, nhận cốc nước trà lạnh từ bạn già, ông nói:

“Tháng này ông xưởng Vương tăng thêm lương, gắng làm cho xong ba đơn hàng trên tỉnh nữa là cả bọn nhận được lời lãi béo bở.”

“Biết là vậy, nhưng mà…” Ngó cái tướng người gầy gò của ông bạn, ông Trịnh không khỏi lắc đầu: “Dẫu sao cũng nên giữ gìn sức khỏe, già rồi còn trẻ trung gì nữa đâu.”

“Tôi biết chứ.”

Ông húp ngụm nước muối trong chai, mồ hôi nhễ nhại khắp mặt. Ông nhìn thử sắc trời bên ngoài, vừa vặn trận mưa đã ngơi ngớt phần nào, bầu trời cuối cùng cũng ló chút ánh dương nhạt nhòa.

Nhà họ Liêu nằm ở xã nhỏ Tắc Hòa, kế ngõ hẻm số Năm. Đó là một ngôi nhà nhỏ màu trắng có kiểu dáng cổ xưa, hàng rào quanh nhà là tấm lưới bằng gỗ xẻ dựng đứng, sân vườn rộng cỏ xanh với hàng cây liễu rậm rạp.

Sắc trời đã hơi ngả màu tối, hàng xóm xung quanh bắt đầu thắp đèn dầu rọi sáng nhà cửa.

Bà Linh gài lại cửa sổ, chuẩn bị vào bếp hâm nóng cơm tối.

“Dì ơi, cái áo màu vàng của con đã phơi khô chưa?” Giọng Phương Dung vọng ra từ trên cầu thang.

“Sớm giờ trưa cứ mưa, nắng đâu mà khô đồ.”

“Thế đáng lẽ ra dì nên đem áo vào trong nhà từ sớm, để bên ngoài mưa như thế lỡ ẩm mốc mùi thì làm sao con mặc được?”

“Dì bận rộn đủ thứ việc, thì giờ đâu rảnh rỗi.” Bà Linh xếp bát đũa ra bàn, hậm hực bảo: “Nguyên ngày nay con qua nhà bạn chơi đến chiều mới về, công việc vụn vặt trong nhà con có động đến cái nào.”

Phương Dung không trả lời, dậm chân thình thịch rồi chạy thẳng lên lầu.

Bà Linh thở dài, bưng cốc nước ấm ra phòng khách.

“Anh Ca, mau uống nước này cho ấm người.”

“Vâng ạ!”

Cô bé ngồi trên ghế sô pha ngẩng đầu lên nhìn mẹ mình, môi cười, đôi mắt tròn xoe khẽ híp thành đường chỉ cong tít, mái tóc bồng bềnh xõa dài bên vai nhỏ. Anh Ca nhận cốc nước ấm từ mẹ húp ngụm nhỏ, lí nhí nói:

“Để lát nữa con qua nhà bác San mượn đồ về ủi áo cho chị, áo của chị là loại vải mềm, chắc là sẽ không lưu lại nhiều mùi mốc đâu.”

Anh Ca thấy mẹ nặng nề gật đầu, tiếng ừ như phát ra từ giọng mũi nghèn nghẹn. Bà cúi người xếp xấp báo nằm ngay ngắn lại trên bàn, tóc mái trước trán rủ xuống, che mất đôi mắt ánh đầy sự mệt nhọc. Anh Ca nhìn bà chằm chằm, mặt buồn thiu rồi thốt nhiên mím chặt môi.

Bà Linh vào bếp rửa tay, rồi ra sau vườn rau hái ít cà chua chín xào chung với trứng gà. Chụm củi khô, thêm ít rơm, rất nhanh khói bốc nghi ngút lan tỏa mùi thơm của đồ ăn.

Anh Ca trùm áo rơm lên người, thay đôi dép vải thành đôi ủng đan bằng lá kép. Bé quải chiếc sọt tre nhỏ sau vai, dòm vào bếp nói với mẹ một tiếng rồi mở cửa qua nhà bác San hàng xóm.

Tuy mưa đã tạnh từ lâu song hơi rét vẫn còn thoang thoảng xung quanh khá nhiều. Anh Ca run cầm cập ôm lấy hai vai vì lạnh, bé gõ cửa lần thứ ba, bên trong vẫn chưa có người đi ra cũng không có tiếng đáp lại, bé dòm qua khung cửa sổ kế bên thì thấy đèn vẫn sáng trưng, cho thấy vợ chồng bác San vẫn chưa ngủ. Anh Ca kiên nhẫn gõ cửa lần thứ năm.

Cuối cùng cũng có người ra mở cửa, Anh Ca ngẩng khuôn mặt ướt mèm lên nhìn Bà Chân vợ bác San. Bà ấy mở rộng cửa, nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Anh Ca dẫn vào nhà.

Vừa đi bà vừa nói:

“Vừa nãy thím mãi loay hoay rửa bát trong bếp nên không rõ lắm tiếng bên ngoài, bác San đang sửa hàng sắt ngoài vườn, hai đứa nhỏ thì cặm cụi phụ bác lau dọn. Hai đứa nhóc đó loi nhoi dữ lắm, làm việc mà cứ giỡn thôi là giỡn, có lẽ vì vậy mới không nghe thấy tiếng cháu gõ cửa.”

Anh Ca ngại ngùng cúi đầu, trước khi bước vào nhà bé nhanh lẹ cởi ủng và áo rơm, gạch sàn nhà chú San bằng gỗ son dũa sạch, bé sợ nước mưa sình trên áo và ủng của mình sẽ làm bẩn.

“Cháu qua đây có việc gì không?”

“Cháu muốn mượn đồ ủi của thím về để ủi áo cho chị ạ.”

“Ra thế.” Bà Chân hiền hòa bảo: “Cháu ngồi trên sô pha chờ thím lát nhé! Thím vào phòng lấy đồ ủi cho cháu.”

Anh Ca nhìn thoáng qua bộ ghế sô pha gỗ sạch sẽ ở đối diện, ngoan ngoãn đứng yên.

Nhà vợ chồng bác San mới tu bổ và trang hoàng lại toàn bộ vào năm ngoái, vì vậy nom thật tươm tất đẹp mắt.

“Là chị Anh Ca đến chơi kìa!” Có tiếng kêu inh ỏi của con trai vang lên từ trên lầu.

Anh Ca ngước lên nhìn thử, một cậu nhóc áo trắng quần sọc để đầu húi bốc đang rướn bụng qua hàng sắt cầu thang hớn hở vẫy tay.

“Đủ rồi Xuân Bảo, em còn chồm nữa là chị mách mẹ đấy!”

Xuân Di mạnh tay kéo góc áo Xuân Bảo hậm hực dọa nạt, chờ khi em trai ngoan ngoãn yên một chỗ, bé mới dòm xuống nhà nơi Anh Ca đang đứng, trừng to hai mắt, dẩu môi xì một tiếng nói to:

“Lúc về cậu nhớ cẩn thận khi đi đường đấy. Hôm nay mưa lớn lắm, bùn lầy đóng nhũn nhẽo khắp con hẻm, lũ sâu rết thích nhất là lủi thủi trốn trong lớp bùn để bò lên chân người ta cắn.”

Anh Ca rợn cả người, không nhịn được nhìn xuống bàn chân trần của mình.

“Anh Ca qua chơi đấy à?”

Là giọng nói đặc trưng của người vùng miền Nam.

Anh Ca tức tốc xoay người lại, thưa: “Cháu chào bác San.”

Ông San từ cửa sau đi vào nhà trong, khắp người và tóc tai ông đều ướt nhèm, chiếc quần đùi sọc đen cũng sũng nốt. Ông cất búa đinh vào giỏ móc trên sào rồi xoay người đến cạnh ghế sô pha ngồi xuống.

“Xuân Di! Xuống pha cho cha cốc trà ấm.”

Anh Ca vừa mới ngẩng đầu liền trông thấy Xuân Di từ trên lầu bước xuống, cậu ấy thắt hai bím tóc, bận áo vải màu đào và quần thun trắng đơn giản. Hình như tâm trạng cô bé khá hằn học, trước khi lủi vào bếp còn không quên lườm nguýt Anh Ca vài lần.

Anh Ca khịt khịt mũi xoa đều hai lòng bàn tay.

“Anh Ca qua tìm Xuân Di đó sao?”

“Không phải, con bé qua để mượn nhà mình đồ ủi thôi.”

Bà Chân từ trong phòng ngủ đi ra sẵn tiện trả lời câu hỏi của chồng, trong tay là đồ ủi bọc gói kĩ trong bao giấy moi nhăn nhúm, bà chủ động giúp Anh Ca bỏ vào sọt, sợ gói giấy sẽ dính nước mưa, bà còn vào bếp lấy một tấm vải cũ ra bọc chặt ngoài miệng sọt để phòng hờ.

Ông San lấy báo trên bàn lật ra đọc, giữa chừng chợt nói:

“Sáng nay tôi lên tỉnh trên thì vô tình gặp vợ chồng ngài xã trưởng ở cửa hàng thực phẩm Hạt Vàng, họ ăn bận đồ Tây sành điệu, tóc tai cũng hớt nhuộm theo kiểu lai Tây lòe loẹt, rồi còn sắm sửa đủ thứ đồ đắt đỏ ở các cửa hàng lớn.”

“Tôi nhớ nhà ông xã trưởng rất tôn thờ truyền thống mà nhỉ, có bao giờ thấy vợ chồng ổng đua đòi học theo người Tây đâu?”

Bà Chân đang cuốn dày lớp vải để buộc chặt quai sọt, lơ đễnh đặt câu nghi vấn với chồng, đoạn lại nói thêm:

“Chắc là có chuyện gì đó, nếu không đời nào ổng ăn diện quá mức như thế.”

“Tôi có dò hỏi thử rồi.”

Ông San tủm tỉm cười rồi từ tốn khép lại tờ báo:

“Gần đường lớn Số Ba Lẻ Năm, cách con ngõ Xéo Đồng chừng hai đoạn, ngự vị trí trung tâm mảnh đất trống lớn là tòa dinh thự Tây Dương bỏ hoang đã lâu.”

Kể đến đây ông như cố tình dừng lại, bà Chân nghỉ tay quay sang nhìn ông chằm chặp với điệu bộ nóng lòng. Anh Ca kế bên cũng tò mò gắng dỏng tai lên nghe, vô tình còn bắt gặp Xuân Di rón ra rón rén mép người bên khung cửa bếp dòm vào.

Ông San hắng giọng nói tiếp: “Tôi nghe kể, sắp sửa sẽ có người từ trên thành phố chuyển đến sống trong dinh thự ấy, vì vậy ông xã trưởng mới gấp gáp thay đổi nhằm nâng giá trị bản thân để tương xứng với gia thế người ta.”

“Chắc hẳn đối phương cũng thuộc tầng lớp cao nên ngài ấy mới cất công chuẩn bị như vậy.” Buộc xong mảnh vải, bà Chân đưa sọt cho Anh Ca: “Trên đường về cháu nhớ chú ý cẩn thận.”

Anh Ca nhỏ tiếng nói cảm ơn rồi chào tạm biệt vợ chồng ông San, sau đó đeo cặp sọt lên vai đi ra cửa mang ủng vào.

Sắc trời bên ngoài đã tối mịt, gió lạnh từ xa chậm rãi luồn lách vào người. Bên tai Anh Ca nghe thấy tiếng gió hui hui, tiếng hạt mưa rơi tí tách trên mái hiên cũ. Loáng thoáng, bé còn nghe thấy tiếng cười to của ông San kèm theo tiếng nạt nộ của bà Chân. Ắt hẳn nhóc Xuân Bảo lại nghịch ngợm nên mới bị mẹ la một trận.

Vừa về đến nhà, Anh Ca liền nghe thấy tiếng cười khúc khích của chị Phương Dung, bé thay đôi ủng sũng bùn thành đôi dép vải mang ở nhà. Phương Dung nhằng nhẵng theo sau ông Bảo, cười toe toét kể đủ chuyện ở nhà trường.

Anh Ca đưa sọt cho mẹ cầm rồi vào phòng thay bộ đồ khác, xong xuôi liền chạy ngay vào bếp pha cho cha cốc trà xanh nóng.

Bà Linh dọn bữa tối ra bàn, Anh Ca và Phương Dung thay nhau xếp bát đũa lại ngay ngắn. Ông Bảo ngồi xuống ghế húp ngụm trà nóng Anh Ca đưa.

Ông đưa bát cho vợ xới cơm sẵn nói:

“Cá tươi ở chợ bữa nay khá rẻ, một cân chỉ mười lăm đồng.”

“Tháng này mưa cứ lâm râm, tiết trời lại se lạnh, lũ cá tươi dễ chết bốc mùi lắm cho nên người ta mới phải hạ giá để nhanh bán hết.”

Bà Linh đưa chồng bát cơm, tiếp đến mới xới cơm vào bát Phương Dung và Anh Ca.

Một đĩa rau ngổ hầm nấm sò, cá bống mú rán mỡ heo, canh xương heo dấm bỗng, cuối cùng là bát cải bẹ muối dưa.

Bà Linh múc nước tương tự ủ trong vại gốm vào bát nhỏ, dầm thêm quả ớt bị vàng lát mỏng. Ông Bảo gắp nửa con cá bóng mú vàng rộm vào bát Phương Dung, rồi lại gắp thêm vài lát cải dưa muối đưa sang.

Đang húp nửa ngụm canh trong bát, Phương Dung tự nhiên ngẩng đầu nói:

“Con kể cha nghe chuyện hay lắm này.”

“Sao nào?”

Phương Dung hớn hở kể:

“Hồi chiều lúc con từ nhà bạn về thì thấy vài chiếc xe lam chở chồng đồ cồng kềnh vào khu dinh thự Tây Dương Quýt Vàng. Còn nữa, xung quanh con ngõ lớn Xéo Đồng xuất hiện nhóm người kì lạ lắm, ăn bận chải chuốt hệt người Tây, họ bước xuống từ hàng xe ô tô bóng bẩy, trên tay người nào cũng giữ xấp giấy trắng. Họ loanh quanh gần con ngõ hết nhìn chỗ này rồi nhìn chỗ kia, cứ cách vài phút là lại cặm cụi ghi chép gì đó.”

“Vậy sao.” Ông Bảo lùa miếng rau ngổ vào miệng, ậm ừ có lệ.

“Chẳng lẽ sắp có hộ gia đình nào chuyển đến sống trong khu dinh thự đó?”

Ông Bảo nhìn vợ, ngập ngừng giây lát mới đáp: “Dinh thự ấy bỏ hoang cũng đã lâu rồi, không có người mua thì sớm hay muộn cũng phải quy hoạch vùng, mà một khi đã quy hoạch vùng thì bắt buộc dân trấn mình lại tắc nghẽn nhiều khoản chi phí không nhỏ.”

Bà Linh gật gù rồi thở phào nhẹ nhõm: “Cũng may, cuối cùng cũng có người dọn đến đó sinh sống.”

Mỗi lần trong trấn cải tiến chính sách quy hoạch vùng lân cận thiết yếu ưu tiên phải tốn khá nhiều khoản chi phí cho việc mua máy móc và vật liệu phục vụ công trình, để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch cũng như nhằm đảm bảo mức chi phí đầu tư thu về vừa đủ, vì vậy chính sách tỉnh Đồng Xuân đã được thiết lập theo khuôn lối mòn từ đây. Mỗi một lần thực thi và tiến hành nền tảng quy hoạch vùng, người dân trong trấn bắt buộc phải đến văn phòng bộ tỉnh nộp thuế. Mức phí tuy không lớn, song với các hộ gia đình công nhân mà nói thì đó vẫn là khoản chi tiêu cần thiết.

Anh Ca nhìn thoáng qua mọi người trước bàn ăn, im thin thít ăn hết bát cơm trắng. Phương Dung húp ngụm canh, lại nói thêm:

“Dinh thự Quýt Vàng sắp có chủ nhân mới, chắc hẳn chưa đầy mấy ngày nữa sẽ có rất nhiều người đến thăm hỏi.”

Một lúc sau, bữa cơm tối cuối cùng cũng kết thúc. Phương Dung và Anh Ca phụ bà Linh thu dọn bát đĩa trên bàn, ông Bảo tắm rửa sạch sẽ rồi thay bộ đồ thoải mái. Ông ra phòng khách soạn ra từ trong chồng xấp sách dưới ngăn tủ, đeo cặp kính lão màu bạc ngồi trên ghế sô pha đọc báo.

Làm việc nhà xong, Anh Ca về lại trong buồng ngủ, cuộn mình trên chiếc giường nhỏ suy nghĩ miên man.

Bé nhớ đến rừng quýt chín vàng ươm sau tòa dinh thự nguy nga kia, không cần người chăm bẵm phân bón, rừng quýt vẫn tươi tốt sinh sôi nảy nở. Đến mùa gặt quả, quýt vàng hươm tròn lẳn, hương thơm dịu nhẹ phủ quanh, dẫu đứng cách xa hai con ngõ vẫn ngửi thấy hương thơm quýt chín lan tỏa.

Anh Ca chống má suy tư, chốc chốc lại cau mày.

Nghe nói người thành phố không thích nuôi trồng quả dại trong vườn vì lo lắng sẽ hút lũ côn trùng đến, người thành phố họ, hình như còn không thích mấy những thứ quê mùa. Chẳng biết họ có giữ lại rừng quýt vàng không nữa…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN