Yêu Người Không Phải Chồng - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4494


Yêu Người Không Phải Chồng


Phần 3


Nghe xong tôi mới nhận ra nãy giờ mình tròn xoe mắt nhìn người ta, ngại quá nên hai má nóng bừng, ấp úng bảo:

– À… vâng. Đi mua ít đồ.
– Mua được nhiều chưa em?

Tôi quay đầu nhìn Hoài vắt một đống đồ trên tay đang lang thang ở dãy quần áo phía trong, ngừng một lúc rồi mới nói:

– À cũng bình thường. Anh đi mua đồ à?
– Ừ, anh cũng đi mua ít đồ.
– Vâng.
– Hình như… dạo này em gầy đi nhiều đấy.

So với ngày trước, đúng là tôi có sút đi mấy kg, với cả bây giờ không còn là tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết năm xưa nữa cho nên trong mắt anh, có lẽ nhìn tôi sẽ cũ kỹ. Tôi gượng gạo cười:

– Em giảm cân, giờ đang mốt gầy mà. Giảm cân mặc quần áo mới đẹp.
– Không cần giảm cân, bình thường xinh rồi. Giảm cân rồi lại ốm đấy.
– Em vẫn hơn bốn lăm cân mà, không ốm đâu. Mà anh chọn đồ đi, em đi tìm bé em của em đây, để nó đi lâu nó lạc mất.

Tình yêu năm xưa đến bây giờ đã trở thành quá khứ, mỗi người một cuộc sống riêng đã bốn năm, có lẽ không thể nào quay đầu lại nữa. Mặc dù trong lòng tôi vẫn chưa quên nhưng tôi không thể đứng trước mặt Vỹ nói chuyện bình thường như lúc xưa được, thế nên tôi mới tìm cách dừng cuộc nói chuyện lại tại đó. Ai ngờ lúc tôi vừa quay đi, đột nhiên anh lại tóm lấy cổ tay tôi.

Không nói gì hết, chỉ nắm lấy tay tôi thôi!!!

Tôi cúi xuống nhìn bàn tay anh đang nắm lấy tay mình, ở đó da thịt bắt đầu trở nên nong nóng. Vỹ thấy tôi nhìn chằm chằm thế chắc cũng ngại nên vội vàng buông ra. Tôi rút tay về rồi nói:

– Có chuyện gì à?
– Mấy năm vừa rồi em sống thế nào?
– Em sống tốt lắm. Chồng tốt, bố mẹ chồng cũng tốt.
– À… ừ.
– Không còn gì nữa thì em đi trước đây.

Ngoài mặt tôi tỏ ra bình thường là thế, nhưng mà từ đó cho đến khi về nhà tâm trạng tôi lại không ổn tý nào. Tôi làm gì quên nấy, vừa nói xong cũng không nhớ nổi mình nói gì, cứ nghĩ đến cuộc gặp gỡ của tôi và Vỹ ngày hôm nay, nghĩ đến nét mặt trầm xuống của anh khi tôi nói “tôi sống tốt lắm”, lòng tôi lại buồn buồn không yên.

Chín giờ tối, tôi nằm co ro trên giường, đang định tắt điện đi ngủ thì tự nhiên lại thấy Dương bước vào phòng. Tôi chưa bao giờ nhìn thẳng vào mắt chồng nên cũng không ngẩng đầu lên, lúc sau lại thấy Dương đặt một xấp tài liệu lên giường bên cạnh tôi.

Nhìn thoáng qua mấy chữ ngoài bìa ghi “tài liệu”, tôi cau mày hỏi:

– Gì vậy?
– Tài liệu công ty. Làm cố vấn pháp luật thì cũng nên đọc qua một lượt. Hiểu về công ty thì mới làm được.
– Tôi biết rồi.
– Ngày mai đi làm thì cứ lên thẳng tầng năm, phòng bên trái phòng tôi.
– Tôi không làm việc ở cạnh phòng anh. Đổi chỗ khác đi.
– Hết chỗ.
– Anh đừng tưởng tôi chưa đến công ty bố tôi bao giờ. Văn phòng to thế làm gì có chuyện hết chỗ? Tôi không muốn ở cạnh phòng anh, với cả anh cũng không cần giám sát tôi, tôi không ngu đến nỗi tự hại công ty của bố mình.

Ánh mắt Dương bất chợt tối lại, tôi không hơi đâu mà quan sát kỹ vẻ mặt chồng nên cũng mặc kệ, ở nhà sống cùng nhau đã mệt mỏi lắm rồi, đến công ty mà anh ta còn kè kè giám sát tôi nữa, tôi không chịu nổi.

Lúc lâu sau, chồng tôi nói:

– Cố vấn pháp luật là cô chọn. Theo cô thì cố vấn pháp luật nên ngồi ở đâu?
– Không nhất thiết phải ở ngay sát vách phòng anh.
– Tốt. Thế cô chọn được chỗ nào hợp lý hơn thì ngồi.

Nói xong, Dương không đợi tôi trả lời mà quay người đi thẳng ra khỏi phòng, tiện tay đóng cửa lại. Tôi chờ cho tiếng bước chân của chồng ngoài hành lang yên ắng hẳn mới chậm chạp cầm tài liệu lên rồi giở ra đọc, bên trong không những có lịch sử phát triển và thành phần các cổ đông trong công ty mà còn có cả một bản sao báo cáo tình hình tài chính của công ty bố tôi. Những thứ này từ nhỏ đến bây giờ tôi chưa từng quan tâm, tôi được bố mẹ bảo bọc cho đến tận khi lấy chồng, sau này Dương quản lý toàn bộ nên tôi cũng không sờ đến.

Nói cách khác, tôi chẳng biết gì về kinh doanh cả. Nhưng mà tôi nghĩ, có lẽ cũng đã đến lúc mình nên học rồi. Học để vực dậy và lấy lại công ty của bố tôi.

Tôi lật giở đọc kỹ từng trang, thấy trong đó mình có 5% cổ phần, chồng tôi 28%, bố tôi 15%, em gái tôi 5%, còn lại là của các cổ đông khác. Trước bố tôi có 37%, giờ sang nhượng cho “con rể” tận 28% rồi, giờ bố còn có 9% thôi. Số cổ phần của Dương lớn nhất nên được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành, giờ không biết chồng tôi liệu sẽ giúp gia đình tôi vực dậy công ty hay là định cướp công ty của nhà tôi đây?

Tôi suy nghĩ về các khả năng có thể xảy ra rất lâu, sau đó thì ngủ quên lúc nào không biết. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm xuống bếp làm đồ ăn sáng cho cả nhà, vừa mới đeo bao tay vào thì thấy Hoài từ phòng ngủ đi ra, nó bảo tôi:

– Ơ sao chị dậy sớm thế? Để đấy em nấu cho.
– Thôi để chị nấu. Hôm nay đã đến nhập trường chưa?
– Chưa ạ, thứ năm cơ. Hôm nay chị đi làm đấy ạ?
– Ừ, hôm nay đi làm nên dậy sớm làm đồ ăn sáng.
– Chị muốn ăn gì để em nấu cho?
– Chị định hầm xương nấu miến, mày rửa miến đi, chị hầm xương.
– Vâng. Ơ mà bình thường chị không thích ăn miến cơ mà. Anh Dương thích ăn miến hầm xương hả chị?
– À… ừ. Anh ấy thích ăn.
– Vâng, thế để em đi rửa miến.

Lúc nấu nướng, Hoài đứng bên cạnh chăm chú nhìn tôi, nó cứ cười rồi xuýt xoa mãi, bảo tôi nấu nướng tỉ mỉ thế này chẳng trách ngon hơn nó nấu bao nhiêu, chồng tôi cũng mới thích ăn.

Tôi không nói gì, chỉ cười, lúc sau dọn đồ ăn ra thì Dương cũng vừa từ trên tầng đi xuống. Bình thường mỗi buổi sáng chồng tôi sẽ tập gym trong phòng Gym ở tầng ba, xong xuôi tắm rửa rồi mới xuống nhà, lúc ngồi vào bàn ăn, tóc của anh vẫn còn hơi ươn ướt.

Trong bữa ăn cả thường chỉ có Hoài và tôi nói chuyện, tính chồng tôi bình thường ít nói, mà tôi cũng không thích nói chuyện với anh ta nên cũng hiếm khi đả động gì đến chồng. Thế mà hôm nay lúc gần ăn xong, tự nhiên Dương lại bảo tôi:

– Tý nữa đi cùng đến công ty luôn đi.
– Thôi, tý nữa t…

Suýt nữa thì xưng tôi – anh trước mặt Hoài, may sao tôi dừng lại kịp, vội vàng sửa miệng:

– Em còn có ít việc, bắt taxi đi cho tiện.
– Ừ.

Ăn xong xuôi, chồng tôi đi làm trước còn tôi thì dọn dẹp xong cũng book Grap rồi đến công ty. Tôi không thích nhờ vả hay nói ra chuyện mình là ai, thế nên chỉ lặng lẽ đến phòng nhân sự để báo cáo nhận việc. Ban đầu, trưởng phòng nhân sự cũng bảo tôi làm việc trên tầng năm, nhưng tôi viện cớ mình hay khó thở, làm việc trên tầng cao không khí loãng nên khó chịu, xin họ xếp cho một chỗ ở dưới, không cần phòng đẹp mà chỉ cần một chỗ đủ ngồi là tốt rồi.

Anh trưởng phòng nhân sự nghe xong lại cười:

– Hay khó thở thì không ngồi được ở dưới tầng này đâu. Em không ngửi thấy à? Mấy tầng dưới này vừa mới sơn xong, toàn mùi sơn thôi. Phòng nhân sự là còn rộng đấy, mấy phòng khác nhỏ với cả đông người, em vào ngửi mùi sơn chắc không thở nổi.
– À… vâng.
– Trên tầng năm có phòng sếp nên được sơn trước, giờ bay hết mùi rồi. Em cứ lên tầng năm làm việc cho khỏe. Không khí ở đó tốt hơn ở đây nhiều đấy, với cả mới được lắp máy lọc không khí nữa, không sợ khó thở đâu nhé.
– Vâng ạ, em cảm ơn anh. Thế để em lên đó làm ạ.

Không từ chối được, thế là tôi lại phải đi thẳng lên tầng năm, tìm đúng phòng sát bên trái phòng giám đốc rồi mở cửa đi vào.

Phòng làm việc mà Dương sắp xếp cho tôi ngay từ đầu hình như cũng mới được sửa lại, một mặt có cửa kính rộng đến tận hơn hai mét, bệ cửa sổ cũng để mấy chậu hồng tỉ muội nho nhỏ, vào đến nơi đã thấy ánh sáng tràn ngập khắp không gian.

Dù không thích người gọi là giám đốc đương nhiệm công ty này, ghét phải ở sát vách phòng Dương. Nhưng phải công nhận, tôi thích phòng làm việc này thật. Đẹp và thoải mái đúng ý tôi.

Tôi hít sâu một hơi, mở hết cửa sổ trong phòng rồi đặt đống tài liệu xuống bàn, vừa định lau dọn sơ qua thì có tiếng người vang lên ngoài cửa:

– Em chào chị ạ. Chị là chị Ngân đúng không?

Tôi giật mình xoay người lại, thấy một bạn nữ ôm xấp tài liệu trước ngực đứng ngoài cửa. Bạn ấy có đôi mắt vừa to vừa tròn, da trắng tóc đen dài, nói chung nhìn rất trẻ và rất xinh:

– À vâng. Chào bạn. Mình là Ngân.
– Em là Nhung, em là thư ký của anh Dương. Sếp bảo em đến hỗ trợ chị, chắc mới đến nên chưa quen chị nhỉ?
– Vâng, mới đến nên còn bỡ ngỡ chưa biết gì. Bạn vào đây.
– Em chắc ít tuổi hơn chị, em hai tư ạ, chị cứ gọi em là em thôi.
– Hai tư à? Thế ít hơn mình hai tuổi, mình hai sáu.
– Vâng, chị em mình là con gái cả, chị cứ coi em là em ún trong nhà cho thoải mái. Em là đệ của sếp. Công việc thì chỗ nào chưa hiểu thì bảo em nhé.
– Cảm ơn em. Đang loay hoay không biết làm gì đây. Có gì chị không biết em giúp chị nhé.
– Vâng, chị yên tâm. Ai chứ vợ sếp thì em phải giúp 200% công suất ấy chứ.

Nghe Nhung nói thế, tôi lại thấy lòng bắt đầu khó chịu. Tôi xác định là sau này sẽ ly hôn nên muốn càng ít người biết chuyện mình lấy Dương càng tốt, thế nên tôi chần chừ một lúc rồi bảo:

– Sao em lại biết chị là…
– Sếp nói mà. Sếp dặn em sang hỗ trợ chị mà.
– Còn ai biết nữa không em?
– Không ạ. Sáng nay sếp mới nói với mỗi em thôi.
– Ngại quá, chị mới đến làm, sợ mọi người nói ra nói vào nên em đừng nói chuyện này với ai hộ chị nhé. Cứ coi chị là nhân viên bình thường là cho chị dễ nói chuyện.

Trong thoáng chốc, ánh mắt Nhung xẹt qua một tia nghi hoặc, nhưng phong cách của cô ấy đúng là phong cách thư ký chuyên nghiệp. Rất nhanh lại cười như không có gì, cũng không hỏi lý do mà chỉ nói:

– Vâng, thế cũng được ạ. Chị yên tâm, em không nói với ai đâu.
– Cảm ơn em.
– Tài liệu em mang đến cho chị đây, có cả các sách Luật doanh nghiệp, Luật dân sự nữa, máy tính nối mạng thì cũng để sẵn ở trên bàn. Có gì khó hiểu thì chị cứ nói em nhé, em biết thì em sẽ nói.
– Chị biết rồi.
– Chị cho em xin số điện thoại nhé, có gì em liên lạc cho tiện.
– Ok, để chị gọi sang máy em nhé, chị cũng lưu số em luôn.

Sau khi sắp xếp công việc cho tôi ổn thỏa rồi, Nhung còn cẩn thận mang cho tôi một chai trà Detox rồi mới ra khỏi phòng. Tôi cảm thấy cô thư ký này của chồng rất thông minh, khéo ăn khéo nói, khéo cả cách cư xử, lần đầu gặp đã cho người khác cảm giác dễ chịu thế này, chắc chắn sẽ là cánh tay đắc lực của Dương.

Mà đã thế thì tôi càng phải đề phòng.

Tôi ngồi nhai đống tài liệu đến hơn mười hai giờ trưa, tự nhiên nghe bụng sôi lên òng ọc mới nhớ sáng giờ chỉ ăn có một bát nhỏ miến, dạ dày chắc cũng tiêu hóa hết rồi.

Mà ở trụ sở công ty của bố tôi cũng không đông người lắm, nhân viên hành chính chắc chỉ tầm hai, ba mươi người, còn lại đa số công nhân đều ở xưởng may cả, thế nên ở đây không có nhà ăn. Hôm đầu tiên đi làm tôi cũng chưa biết nên đi ăn cơm ở đâu, thế là đành đứng dậy định lang thang xuống dưới cổng xem có chỗ nào ăn không, ai ngờ vừa mới ra khỏi phòng thì cũng thấy Dương từ phòng bên cạnh đi ra.

Tôi định phớt lờ chồng như mọi lần nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù gì bây giờ ở công ty cũng là quan hệ cấp trên cấp dưới nên tôi lại gật đầu chào. Chồng tôi không nói gì, nhưng khi bước vào thang máy, thấy tôi cứ cầm điện thoại dò xem ở gần đây có cửa hàng bán đồ ăn nào không, đợi đến khi tìm mãi mà không thấy quán nào ưng ý. Dương mới lên tiếng:

– Ra cổng đi lên trên hai trăm mét, có cái ngõ 76, đi thẳng vào có quán cơm tấm ăn cũng ngon.

Tôi ngẩng đầu lên, tròn mắt nhìn, không nghĩ là chồng tôi bình thường không quan tâm đến mấy chuyện lặt vặt này, tự nhiên lại tốt bụng đột xuất thế. Mãi sau mới khách sáo đáp lại:

– Cảm ơn
– Tiện xin luôn số điện thoại, sau muốn ăn cứ gọi mang đến là được.
– Tôi biết rồi.

Tôi nghe lời, xuống cổng công ty đi thẳng lên mấy trăm mét, dò dẫm đến ngõ 76 thì đi bộ vào.

Đúng thật ở trong đó có một quán cơm tấm nhỏ nhỏ, bên ngoài có vẻ cũ kỹ nhưng bàn ghế với cả đồ dùng bên trong thì trông rất sạch sẽ, tôi gọi một suất cơm đủ món mà đến khi thanh toán thì có mỗi bốn mươi nghìn.

Lúc rút ví ra trả tiền, tôi tiện mồm nói chuyện với bác chủ quán:

– Cơm nhà mình ngon mà giá bình dân quá bác nhỉ? Lần đầu tiên cháu ăn ở đây mà ngon thật đấy ạ.
– Ở đây bán giá đó từ lâu rồi, không muốn đổi. Ngon thì lần sau lại đến ăn nhé.
– Vâng. Công ty cháu ở ngay gần đây, nếu hôm nào cháu bận thì gọi điện bác có giao hàng đến được không ạ?
– Công ty cháu ở đâu?
– Công ty may An Nam ấy ạ.
– À, có phải công ty cháu có thằng Dương không?
– Vâng, đúng rồi ạ.
– Thỉnh thoảng cũng hay ra đây ăn. Nó giới thiệu với cháu đấy hả?
– Vâng. Anh Dương giới thiệu cho cháu ạ.
– Ừ, cái thằng rõ tốt người mà còn tốt cả tính nữa nhỉ. Nó thỉnh thoảng mới đến thôi nhưng có hôm đông khách còn bưng bê hộ bác nữa đấy. Nhà bác có mỗi bác với bác trai, bán hàng cũng bận, thường là không đi giao hàng đâu. Nhưng cháu là bạn Dương thì bác giao.
– Ơ thế sao được ạ. Thôi đằng nào cũng gần, lúc nào cháu muốn ăn thì cháu đến ạ.
– Bạn Dương mà, không phải ngại nhé. Số điện thoại của bác là 058.xxx.xxx, khi nào muốn ăn gì thì gọi bác. À mà bác có cái này, cháu có về công ty giờ không, cầm về cho Dương hộ bác nhé.
– Vâng, cái gì thế bác?
– Chè. Chè khô Thái Nguyên. Bữa thằng Dương nó bảo uống chè nhà bác ngon, mà con gái bác ở Thái Nguyên mới hái búp chè rồi gửi xuống cho. Để bác san cho nó một ít.
– Vâng ạ.

Bác gái bán cơm có vẻ rất quý Dương nên khi san búp chè ra giấy còn gấp lại cẩn thận, xong bọc một lớp túi bóng nữa rồi mới đưa cho tôi. Tôi thì nghĩ anh ta sống giả dối quen rồi, ngay cả bố tôi cũng bị lừa thì nói gì đến mấy người thật thà như bác này, nhưng mà dù sao cũng chẳng phải việc của tôi, thế nên tôi vẫn im lặng xách theo túi chè bác ấy đưa về cho Dương.

Tôi đứng trước cửa phòng chồng, vừa định giơ tay gõ cửa thì đột nhiên thấy Nhung từ bên trong đi ra. Em ấy hơi ngạc nhiên nhìn tôi:

– Ơ chị, em vừa vào phòng tìm chị mãi chẳng thấy, đang định đi gọi điện cho chị đây.
– Ừ, chị mới đi ra ngoài. Sao thế em?
– Em mới ra ngoài về nên mang cơm về muộn, em mang cho chị một suất, đang để ở trong phòng sếp đấy. Anh Dương cũng chưa ăn đâu, chị vào ăn với anh ấy luôn cho vui.
– À… ừ. Cảm ơn em nhé. Em ăn chưa?
– Em chưa, bận quá, giờ mới xuống đi ăn đây. Chị ăn cơm em mua xem, nếu không hợp ý thì mai em đổi mua chỗ khác cho nhé.
– Từ giờ không cần mua cho chị đâu, chị tự đi ăn được mà. Lúc nào rỗi kiếm quán ngon rồi chị với em đi ăn, thế là được em nhỉ?
– Vâng. Chị vào ăn đi không nguội mất.
– Ừ. Cảm ơn em.

Tôi không muốn nói mình đã ăn rồi, sợ phụ lòng tốt của Nhung nên chỉ nói đến thế rồi đi vào phòng. Lúc bước vào, tôi nhìn lướt qua hộp cơm đã nguội tanh nguội ngắt trên bàn rồi lại nhìn chồng tôi đang cặm cụi ghi ghi chép chép gì đó, tôi rất muốn nói “sao còn chưa ăn cơm đi”, nhưng lời cứ đến cổ họng tôi lại nuốt lại, đành thôi.

Tôi đặt túi chè khô lên bàn uống nước rồi bảo:

– Bác bán cơm bảo gửi cho anh cái này.
– Gì thế?
– Chè búp. Thấy bảo con gái bác ấy gửi xuống, biếu anh một ít.
– Ừ.
– Tôi về phòng đây.
– Rỗi không, pha hộ tôi một ấm.

Tôi định về phòng, nhưng nghe chồng nói thế lại chần chừ một lúc cầm ấm lên rồi đi lấy nước nóng, đổ chè vào, trụng qua nước một lần rồi đổ nước nóng lần hai. Mùi chè vừa thanh vừa thơm theo làn khói bay lên, nước trong veo vàng óng, không cần uống mà chỉ ngửi thôi cũng biết là chè ngon rồi.

– Xong rồi. Tôi để ở bàn, anh muốn uống thì tự rót. Tôi về phòng đây.

Chồng tôi không ngẩng lên mà chỉ khẽ “ừ” một tiếng, xong lại tiếp tục cúi đầu làm việc. Tôi cũng chẳng nói chuyện gì nữa mà lẳng lặng đứng dậy đi về phòng.

Buổi chiều tan làm, tôi không về nhà luôn mà bắt Taxi đến bệnh viện thăm bố. Xung quanh bố tôi cắm đủ loại dây truyền lẫn máy móc, người cũng chỉ còn mỗi da bọc xương, tôi run run nắm lấy tay bố, chậm chạp nói từng chữ:

– Bố về đây có thấy quen không? Ở quê vẫn thích hơn bố nhỉ?

Tất nhiên, bố tôi vẫn chẳng có động tĩnh gì cả, cũng chẳng trả lời tôi, chỉ có tôi tự nói một mình:

– Bố đừng trách mẹ nhé. Mẹ vẫn còn trẻ mà, mẹ cũng muốn gặp được người tốt để che chở cho mẹ, đúng không bố?
– …
– Trước con giận mẹ nhưng giờ con nghĩ thông rồi. Mẹ lựa chọn thế nào là quyền của mẹ, mẹ cần hạnh phúc, có người khác cho mẹ hạnh phúc thì mẹ ở với người ta, bố con mình không nên cản trở hạnh phúc của mẹ, bố nhỉ?
– …
– Mẹ ở lại Mỹ, em Nga cũng sắp tốt nghiệp thạc sĩ bên đó rồi. Chỉ có con về với bố tôi, nhưng mà thế cũng đủ rồi bố nhỉ? Bố chỉ cần có bọn con thôi, sau bố tỉnh dậy thì bố ở với con, mình không cần mẹ nữa bố nhỉ?

Gần bốn năm rồi, bố tôi chưa tỉnh dậy một lần nào, bác sĩ nói có thể sẽ cả đời cứ hôn mê như thế, hoặc là nếu gia đình muốn kết thúc sớm để tiết kiệm chi phí thì có thể chọn ngày rút máy thở.

Lúc hoạn nạn nhất, đã có những lúc tôi tưởng gia đình mình sẽ không kham nổi, sẽ phải rút máy thở để bố tôi chết đi, nhưng mà cuối cùng chồng tôi lại đứng ra trả toàn bộ chi phí cho bố tôi, còn đưa bố tôi sang Mỹ để điều trị. Trong lòng tôi đã có lúc rất cảm kích những việc Dương làm cho gia đình mình, nhưng sau này khi tôi nói: “Nhà tôi bây giờ không còn gì cả, chẳng có gì để trả cho anh. Tôi chỉ có tôi thôi. Anh có lấy tôi không?”.

Tôi nghĩ anh ta sẽ từ chối, thế nhưng Dương chỉ im lặng suy nghĩ vài phút rồi cuối cùng lại đồng ý với tôi. Lúc ấy, việc một người tiền tiêu cả đời chẳng hết, đàn bà xếp hàng theo nườm nượp như anh ta, thế mà lại đồng ý lấy một đứa có gia đình tan nát, lại từng trốn nhà theo một trai như tôi… làm tôi bỗng dưng nghi ngờ, tôi có cảm giác những việc anh ta làm không xuất phát từ lòng tốt mà có mục đích cả.

Nhưng mà cưới thì vẫn phải cưới thôi…

Tôi ở lại với bố đến tận bảy giờ tối mới lếch thếch về nhà. Hoài đang nấu cơm trong bếp, thấy tôi, nó bảo:

– Sao chị về muộn thế, ngày đầu đi làm mà bận lắm hả chị?
– Đâu, chị về tiện đường rẽ qua thăm bố chị luôn. Mới ở viện về.
– À thế ạ. Hôm nào chị dẫn em vào thăm bác với nhé. Hôm trước bố em cũng hỏi thăm nhưng em không biết viện nào.
– Thôi thăm nom gì, bố chị giờ có biết gì nữa đâu mà thăm. Nấu cơm xong chưa em?
– Em nấu rồi chị ạ. À mà em bảo này, từ giờ chị với anh Dương thích ăn cái gì thì chị bảo với em, để em biết đường nấu nhé. Lâu nay em toàn nấu linh tinh thôi.
– Chị thì không thích ăn gì, nhưng anh Dương thì hay thích ăn cá, nói chung cứ món gì chế biến từ cá là anh ấy thích hết, mỗi tội anh ấy không ăn được tanh, làm cá phải biết khử mùi tanh.
– Vâng, em biết rồi.

Thật ra, mấy năm nay tôi đam mê nấu ăn nên dù ghét chồng, tôi vẫn nấu cơm cho anh ta ăn bình thường. Tôi không biết Dương thích món gì, bởi vì món nào tôi làm anh cũng không chê, nhưng anh cũng chưa từng mở miệng ra khen hay đòi hỏi tôi làm món gì. Có mấy lần tôi làm cá sốt chua ngọt, tôi thấy anh ăn hơn một bát cơm nên tôi mới đoán Dương thích cá thế thôi.

Nhưng mà Hoài thì lại cứ đinh ninh chồng tôi thích ăn cá thật, mấy hôm sau tôi sang phòng nó định hỏi xem việc nhập học thế nào thì lại thấy nó đang ngồi đọc sách nấu ăn.

Tôi cười cười:

– Đam mê nấu ăn giống chị rồi à?
– Đâu, em đang học xem cách khử mùi tanh của cá thế nào. Em làm mấy lần rồi nhưng không được.
– Dễ mà, sao không hỏi chị?
– Chị đi làm cả ngày mà. Với cả…

Lần đầu tiên con bé có vẻ ngập ngừng, tôi thì sợ em mình ở đây ngại tôi với chồng, dù sao nó cũng ở quê lên, cách sinh hoạt khác cách sống dân thành thị như vợ chồng tôi, Hoài lo nấu nướng không hợp ý tôi và Dương rồi lại suy nghĩ thì lại khổ.

Tôi sốt ruột hỏi:

– Sao thế? Có việc gì mà lại ấp úng thế em?
– Em sợ em nấu không đúng ý chị… nên em mới học… Em ở quê nấu bếp củi quen rồi, với cả cơm nhà nông khác cơm trên phố chứ. Em sợ anh chị ăn không ngon nên mới học.
– Ôi mày toàn nghĩ vớ vẩn thôi em. Anh chị ăn thế nào cũng được. Không phải lo nhé. Nấu gì ăn nấy.
– Chị thì khác, chị là anh em nhà mình mà. Nhưng còn anh Dương nữa, anh Dương trả tiền lương cho em, em nhận lương mà làm ăn không nên hồn thì em áy náy lắm.
– Anh Dương dễ tính không ấy mà. Anh ấy ăn gì cũng được. Cá thì mày cứ ngâm nước vo gạo khử mùi tanh tầm 15 – 20 phút là được. Chỉ thế thôi. Còn lại món nào mày làm chị cũng ưng.
– Thật không hả chị?
– Thật.
– Vâng, thế em biết rồi. Em cảm ơn chị ạ.

Yêu thích: 4 / 5 từ (15 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN