Có lẽ đã qua giờ cao điểm nên hành khách trên tàu điện ngầm chỉ còn lèo tèo. Tôi ngồi ở cuối toa, nhìn phong cảnh vùn vụt lướt ngoài cửa sổ, mơ màng nảy sinh ảo giác, tưởng như mình đang ở một thành phố nhỏ yên ả nào đó chứ không phải Thượng Hải. Xưa nay, tôi vốn ghét bon chen ồn ào, cũng rất ghét cạnh tranh.
Tôi tên là Hàn Tấn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thượng Hải năm 2008. Sau khi thi và lấy được chứng chỉ giáo dục, tôi chính thức trở thành thầy giáo, được phân công về dạy Lịch sử tại một trường cấp hai ở khu Phổ Đà. Suốt khoảng thời gian làm giáo viên thực tập, tôi cố sức cao độ nhưng vẫn không quen được với môi trường công tác.
Giáo viên là tập thể chuyên môn thiếu hợp tác nhất trần đời, mà cơ chế cạnh tranh lại là ngòi nổ khiến mối quan hệ giữa người với người trong cộng đồng ấy căng như dây đàn. Là một tập thể, song tình trạng đấu đá cả ngấm ngầm lẫn công khai giữa các giáo viên chính là khối u ác tính của hệ thống giáo dục, trong khi kinh nghiệm và trí thức lại không hề tăng lên. Cuối cùng chỉ học sinh là chịu thiệt nhiều nhất. Nhận thấy không thể sống chan hòa mà không a dua, tôi đành chọn cách xin nghỉ việc, trở về với xã hội để tìm hướng đi khác tốt hơn. Cuối năm 2010, bắt gặp một mẩu tin tuyển dụng biên tập viên trên tạp chí Lịch sử tham khảo, tôi bèn nộp đơn và sau đó hăng say theo nghề suốt ba năm, rồi thất nghiệp khi tạp chí sập tiệm. Theo hợp đồng, tôi được trợ cấp ba tháng tiền lương. Lấy tiền xong, tôi ở nhà nửa năm, chẳng buồn tìm việc khác mà vùi đầu chơi game suốt ngày đêm, người mỗi ngày một ù lì tê liệt.
Từ trước đến giờ tôi luôn sống độc lập, cả về tài chính lẫn tinh thần. Vừa tốt nghiệp đại học, tôi đã dọn ra khỏi nhà, thuê phòng sống riêng. Thành ra ngoài tiền ăn uống, tôi còn gánh nặng là tiền thuê nhà. Dù sao cũng đã trưởng thành, tôi không thể ngửa tay xin tiền cha mẹ, nhất là khi sinh hoạt của họ cũng chẳng dư dả gì.
Một đêm, tôi ghé tiệm tạp hóa mua vật dụng thường ngày, lúc tính tiền mới biết thẻ đã hết hạn mức, và ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Đúng là “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Tôi liền điên cuồng rải hồ sơ đi khắp nơi, tự nhủ sẽ nhận bất kể việc gì, cứ kiếm ra tiền là bằng lòng tuốt. Quả nhiên, có công thì trời chẳng phụ, tôi ra sức nộp vô số hồ sơ nên đã nhận được rất nhiều lời hẹn phỏng vấn. Có điều, vì thiếu kinh nghiệm liên quan, tôi cứ trượt hết lần này đến lần khác. Tiền đồ sao mà mờ mịt… Giữa thời đại thạc sĩ nhung nhúc đầy đường này, hạng cử nhân như tôi thực chẳng đáng một xu. Hạn trả tiền phòng càng lúc càng gần, tôi bắt đầu phải gọi điện cho bạn bè và đồng nghiệp cũ, nhờ họ để ý xem có công việc nào phù hợp với mình, tiện thể tìm phòng trọ rẻ hơn một chút. Nhưng đa số thấy tôi nghèo kiết xác thì tránh còn chẳng kịp, đời nào chịu giúp đỡ.
Trừ Thạch Kính Chu.
Hắn là bạn học từ cấp một đến hết cấp hai của tôi, có thể nói là bạn chí thân, nhưng sau khi lên đại học, đôi bên qua lại thưa dần. Lần này tôi gọi đến, còn chưa kịp mở lời đã bị hắn mắng phủ đầu một trận, rằng “Sao bây giờ mới tìm đến tao?!”. Nghe tôi kể khổ, hắn liền hào phóng đề nghị cho vay tiền. Tuy khéo léo từ chối nhưng tôi rất cảm động. Hắn kể đang có một người bạn cũng công tác trong ngành giáo dục, làm giáo viên phụ đạo, vừa hay tôi từng đứng lớp, bèn hỏi tôi có thích đi làm gia sư hay không. Tôi đâu còn lựa chọn nào khác nên nhận lời ngay.
Về vấn đề nhà trọ, Thạch Kính Chu làm bộ úp mở hỏi, “Mày có ngại ở chung với người khác không? Người này mày cũng quen đấy.”
Tôi đồng ý ngay, miễn là giá đừng đắt quá, tiện thể hỏi người quen nọ là ai. Thạch Kính Chu giấu kín như bưng, chỉ cười đáp, “Lúc đó khắc biết! Mình gặp nhau cái nhỉ?”
Giờ hẹn được thống nhất là chiều mai. Thạch Kính Chu nói có thể dẫn tôi đến xem nhà ngay, tiện thể gặp lại bạn cũ. Tôi rất tò mò, song cũng hiểu tính Thạch Kính Chu thích úp mở nên chẳng buồn để ý nữa.
Chỉ một cú điện thoại mà giải quyết được cả hai vấn đề lớn là công việc và nhà ở, tôi rất vui vẻ, không khỏi nhủ thầm, ông trời hẳn không đẩy người ta đến đường cùng.
Chiều hôm sau, tôi gặp Thạch Kính Chu tại một quán cà phê trên đường Tư Nam. Hắn mập lên kha khá, bụng phệ ra, xem chừng phởn phơ. Vừa trông thấy tôi, hắn đã chạy đến vỗ vai bôm bốp rồi cười ha hả, chẳng khác gì ngày xưa. Chúng tôi ôn lại kỉ niệm thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, rồi lại bàn tán ai đã kết hôn, ai con cái đề huề, để cùng ngậm ngùi trước thời gian thấm thoát.
“Nói đến bạn cũ, mày có nhớ Trần Tước không?” Thạch Kính Chu thình lình hỏi.
Cái tên này nghe quen quen, nhưng tôi nghĩ mãi không ra mình từng nghe thấy ở đâu, bèn lắc đầu.
Thạch Kính Chu vỗ nhẹ lên bàn gợi ý, “Không nhớ thật à? Bạn cùng tiểu học với bọn mình, xếp hạng nhất ở trường, cái đứa hơi quái gở lại thích khoe mẽ, mới học được một năm đã chuyển đi ấy.”
“Trần Tước…” Tôi ngẩng phắt lên, “Thằng học nhảy cóc nhỏ hơn bọn mình ba tuổi ấy hả?”
“Chính hắn!” Thạch Kính Chu đáp.
Sao tôi có thể không nhớ chứ? Tuy ấn tượng mờ nhạt, cũng không nhớ rõ mặt mũi nữa, nhưng chuyện về Trần Tước năm ấy ở trường ai mà chẳng biết. Bấy giờ tôi đã học lớp Bốn nên nhớ như in. Một hôm, thầy giáo chủ nhiệm dẫn một đứa bé cổ quàng khăn xanh vào, sau khi giới thiệu qua một lượt thì nói từ nay em này sẽ học chung với chúng ta, có điều em nó hơi nhỏ tuổi, mới học lớp Một thôi, các em phải quan tâm chăm sóc em ấy. Thằng bé học nhảy cóc ấy chính là Trần Tước. Thành tích học tập của nó tốt, tiếc rằng chỉ học lớp tôi nửa học kì đã chuyển trường.
“Sao tự nhiên lại nhắc đến cậu ta?”
Thạch Kính Chu không đáp, chỉ nhìn tôi cười. Tôi vỡ lẽ, bèn gặng, “Làm sao mày tìm được cậu ta? Bao nhiêu năm không liên lạc rồi mà…”
“Kể ra cũng tình cờ thôi, hôm ấy tao đến bệnh viện Hoa Sơn khám bệnh, mày biết đấy, từ bé đầu gối tao đã hay đau nhức rồi. Đang ở phòng đợi, chợt nghe gọi loa đến lượt Trần Tước, đã thấy quen tai, rồi nhìn hắn đi qua, mặt mũi lại quen nữa, lúc hắn trở ra bèn hỏi xem có phải hắn từng học trường mình không. Đúng phóc luôn!”
“Tao nhớ cậu ta học giỏi, chắc nay cũng khá giả nhỉ?”
“Người ta là Hoa kiều mới từ Mỹ về, mày nghĩ khá hay không? Chuyện của hắn, lát nữa trên đường tao kể cho mà nghe. Em ơi, tính tiền! À phải, nhà hắn cũng ở đường này, hình như là số 200. Hôm nay tao hẹn gặp hắn rồi, coi như họp lớp tiểu học luôn.”
Hai chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, toàn nhắc đến Trần Tước bây giờ. Thạch Kính Chu chỉ biết Trần Tước mới từ Mỹ về ít lâu, còn tại sao lại về, đang làm nghề gì thì chịu. Trong trí nhớ mờ mịt của tôi, Trần Tước ít nói, có thể vì nhỏ tuổi hơn nên hầu như không chơi đùa với bạn cùng lớp. Có một dạo, thầy chủ nhiệm cho rằng Trần Tước bị tự kỉ, khuyên người nhà đưa đến bệnh viện kiểm tra, mẹ Trần Tước cũng làm theo, kết quả cho thấy Trần Tước mắc chứng tự kỉ chức năng cao, một dạng bệnh tâm lý gần giống chứng chống đối xã hội. Bấy giờ chúng tôi còn đang học tiểu học, nghe chẳng hiểu gì cả, chỉ biết thầy chủ nhiệm cứ nhắc đi nhắc lại rằng phải quan tâm tới Trần Tước, để em ấy cảm nhận được tình thương mến thương của tập thể lớp 4/2.
Thả bộ cùng Thạch Kính Chu trên đường, tôi bỗng phát hiện ra khung cảnh nơi này rất đẹp. Hai bên lề rợp bóng ngô đồng Pháp, cành lá ken dày, kết thành một hành lang râm mát trên vạch kẻ đường. Ánh dương len qua kẽ lá, chiếu thành những đốm nắng loang lổ. Khu phố vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có người hoặc xe băng qua. Bên trong tường rào hai bên đường là hàng dãy biệt thự kiểu Âu muôn hình vạn trạng thấp thoáng dưới bóng cây.
“Tiền thuê nhà ở đây chắc đắt lắm nhỉ?” Ngắm nghía một lúc, tôi bắt đầu chột dạ.
“Còn phải hỏi, mày nghĩ đây là đâu? Khu trung tâm đấy nhé.”
“Này, hay là thôi đi, kể cả chia đôi tiền, có khi tao cũng không thuê nổi đâu.”
“Nói gì thế! Đã đến đây rồi thì cứ vào xem thử cái nào!” Thấy tôi tỏ ý ngần ngại, Thạch Kính Chu bèn xềnh xệch kéo tôi đi.
Đường Tư Nam cũng không dài, phía Bắc nối liền với đường Hoài Hải, phía Nam thông với đường Thái Khang. Qua nhà cũ của Tôn Trung Sơn và dinh thự họ Chu[2] rồi đi tiếp về phía Nam thêm mấy phút nữa thì đến số 200. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nơi này không phải ngõ hẻm quanh co mà là một biệt thự lợp ngói đỏ, tường xanh trứng sáo. Trông thấy ngôi nhà nọ, chẳng cứ tôi mà ngay cả Thạch Kính Chu cũng há hốc miệng kinh ngạc.
[2]. Nhà Chu Ân Lai.
“Có lầm không đấy? Một mình Trần Tước ở đây á?” Tôi nhìn Thạch Kính Chu, “Mày có biết nhà này bao nhiêu tiền không hả?”
“Phải 150 triệu tệ, có khi còn hơn.” Giọng Thạch Kính Chu run run, hắn lục túi lấy điện thoại ra xem lại, thấy không sai mới gọi cửa. Tôi thấp thỏm đợi, một lúc sau mới nghe động tĩnh bên trong.
Ra mở cửa là một thanh niên còn đang lờ đờ ngái ngủ, đầu tóc bù xù. Cậu ta đẩy cửa, đứng sững mấy giây mới định thần lại được, bảo Thạch Kính Chu, “Tiểu Thạch đấy à, vào đi, vào đi!” Dứt lời lại quay sang tôi, vồn vã bắt tay, “Hàn Tấn phải không? Chào anh, tôi là Trần Tước đây, đã lâu không gặp!” Cậu ta có vẻ cởi mở, khác hẳn lúc trước.
Trần Tước cao gầy, phải trên 1m80, mặc sơ mi đen, quần bò mài, mặt mũi sáng sủa, lông mi dài, cằm nhọn, da trắng, có nét giống con gái. Nếu xét nét ra thì người này hơi ốm yếu, bù lại, đôi mắt sắc bén sáng rực, hoàn toàn trái ngược với dáng dấp còm nhom.
Ba người chúng tôi băng qua giếng trời, bước vào ngôi nhà được thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu. Nhà có tổng cộng ba tầng, theo lời Trần Tước thì sau khi vào cửa sẽ có hai đường đi cho chủ nhà và giúp việc. Ở tầng 1, phòng khách và phòng ăn quay về hướng Nam còn nhà bếp quay hướng Bắc; tầng 2 có ba phòng ngủ, hai gian hướng Nam một gian hướng Bắc, phòng ngủ chính có ban công, giờ Trần Tước đang ở, nếu tôi chịu ở chung thì có thể chọn một trong hai gian kia. Tầng 3 có hai phòng, một phòng sauna và một sân phơi khoảng 30 m2.
Vừa bước vào nhà, đập ngay vào mắt là một giá sách chạy dài khắp chiều dọc bức tường cùng những chồng sách vở ngất nghểu khắp nơi. Số sách ở đây khiến người ta phải trầm trồ không ngớt miệng, trừ thư viện ra, tôi chưa từng thấy chỗ nào nhiều sách đến thế. Thạch Kính Chu ngồi ngay xuống sofa nhìn ngắm, Trần Tước đi pha trà còn tôi cứ luẩn quẩn quanh giá sách. Ở đây đa phần là sách ngoại văn, nào là văn học, lịch sử, nghệ thuật, toán học, vật lý học, lác đác có vài cuốn sách Trung Quốc thì cũng toàn sách cổ như Tả truyện hay Quỷ Cốc Tử. Ngoài đủ loại sách trên giá, tôi còn phát hiện một góc xếp toàn sách điều tra phá án và tội phạm học. Một tấm bảng đen to tướng dựng cuối giá sách, dày đặc công thức toán và hệ phương trình, kẻ học chuyên ngành xã hội như tôi đọc mà cứ như đọc bùa.
“Giả thuyết Riemann.” Trần Tước ở phía sau giải thích, “Đây là vấn đề toán học cơ bản nhất, nói nôm na thì đây là mối quan hệ giữa phép cộng và phép nhân. Xin lỗi, những lúc rỗi rãi tôi thường thử nghiệm vài thứ vớ vẩn, mong anh đừng để ý.” Vừa nói cậu ta vừa vơ giẻ lau sạch đống kí hiệu và số má rối rắm trên bảng, bụi phấn rơi lả tả cậu ta cũng chẳng quan tâm. Sự kết hợp giữa lộn xộn và chỉnh tề, lý tính và cảm tính này dường như đã tạo nên một mỹ cảm đặc biệt trong phòng, phải thừa nhận rằng, tôi bắt đầu thích nơi này.
“Cậu học đại học khoa Toán hả?” Tôi ngồi xuống, uống một ngụm hồng trà Trần Tước pha.
“À, ừ.”
“Giỏi quá! Hồi bé điểm toán của cậu toàn đứng đầu lớp, không ngờ lên đại học lại học khoa Toán thật! Học toán khó lắm hả?” Thạch Kính Chu không kìm được liền trầm trồ.
“So ra thì đơn giản hơn con người nhiều.” Trần Tước bưng tách hồng trà lên, trả lời đầy bí hiểm.
Sau đó, tôi trình bày rằng mình thích nơi này, chỉ e không gánh nổi tiền thuê nhà. Đừng nói nhà này, mà ngay cả căn hộ một phòng ngủ một phòng khách đang ở bây giờ tôi cũng sắp không trả nổi tiền nữa. Nghe tôi nói, Trần Tước trầm tư giây lát rồi thốt ra một câu khiến tôi suýt ngã ngửa, “Chỗ này không phải của tôi, nếu anh thích thì cứ ở lại đi, không cần trả tiền thuê, chia đôi sinh hoạt phí là được.”
Đâu có chuyện lời lãi thế? Tôi chẳng dám tin vào tai mình. Dường như cũng nhìn ra thái độ hoài nghi của tôi, Trần Tước bèn kể cho chúng tôi nghe về ngôi nhà. Chủ nhà là bạn cậu ta ở Mỹ, vì nơi này từng xảy ra án mạng nên tạm thời không bán được. Trần Tước theo chủ nghĩa duy vật, đương nhiên không để tâm, vậy là người bạn kia bèn cho cậu ta ở luôn, chỉ thu ít tiền thuê gọi là.
“Hóa ra đây là nhà ma à? Hèn gì vừa bước vào tôi đã thấy lành lạnh.” Thạch Kính Chu vòng hai tay ôm lấy ngực, vẻ sợ hãi.
“Có thể nói vậy. Một nhà buôn nửa đêm thình lình phát điên, giết chết cả vợ và con gái rồi chôn xác trong vườn. À, chính là chỗ lúc nãy các anh đi vào đấy!” Nói đoạn, Trần Tước lại hỏi tôi, “Hàn Tấn, anh có ngại không?” Lúc kể những chuyện này, giọng cậu ta bình thản, chẳng mảy may xao động, hệt như đang nói chuyện phiếm thường ngày.
Nói thật thì tôi hơi ngần ngại. Dù theo chủ nghĩa duy vật, coi thường mấy chuyện yêu ma quỷ quái, nhưng nếu thực sự dọn vào ở một ngôi nhà ma, tôi cũng thấy sờ sợ. Nhưng từ chối thì tôi sống sao đây? Sắp đến hạn nộp tiền phòng, tôi biết đào đâu ra tiền thuê nửa năm tiếp theo? Có khi vài ngày nữa sẽ bị tống ra đường cũng nên. Thà ở nhà ma còn hơn làm người vô gia cư, cùng lắm là đợi khi nào có tiền thì lại chuyển đi vậy. Thêm nữa, tôi không muốn để Thạch Kính Chu và Trần Tước khinh thường, dù sao cũng đã tốt nghiệp đại học, mê tín vớ vẩn thì còn ra thể thống gì, thế là đành nhắm mắt gật bừa.
Thạch Kính Chu thán phục giơ ngón cái, “Tao biết mày lớn mật, nhưng không nghĩ đến mức này. Nhà có người chết mà cũng dám ở, em xin chịu thua!”
Sáng hôm sau, tôi thu dọn hành lý, chuyển sang nhà mới. Trần Tước giúp tôi đem các thứ lên phòng tầng hai. Tôi mất cả ngày bày biện lại phòng ốc, sắp xếp đồ đạc đâu vào đấy. Trần Tước dặn tôi, trừ những thứ trong phòng ngủ của cậu ta, còn lại đều có thể dùng chung, nhất là sách vở ngoài phòng khách, nếu tôi thích thì cứ lấy mà đọc. Sau khi hỏi han chuyên ngành của tôi, Trần Tước nói mình có một bộ Nhị thập tứ sử do nhà in Trung Hoa ấn hành, rất quý, ở ngăn dưới cùng của giá sách, mở cửa tủ ra là thấy. Tôi rối rít cảm ơn cậu ta.
Về chuyện việc làm, nhờ Thạch Kính Chu giới thiệu, tôi được nhận và trở thành gia sư một cách suôn sẻ, có thêm thu nhập mà không phải lên lớp hằng ngày. Không phải trả tiền thuê nhà nên cuộc sống của tôi dễ chịu hơn hẳn, dư ra được vài khoản để sắm sửa mấy thứ mình thích. Cuộc sống cứ dần dần đi vào quỹ đạo, nhưng qua vài ngày tiếp xúc, tôi càng lúc càng cảm thấy bạn cùng nhà của mình rất thần bí.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!