Cổ Tích Của Người Điên [ Thời Thần ] - Chương 1: The King Is Dead (Phần 2)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
778


Cổ Tích Của Người Điên [ Thời Thần ]


Chương 1: The King Is Dead (Phần 2)


Trần Tước thường thức khuya, có khi phải đến 2, 3 giờ sáng, tóm lại, tôi chưa bao giờ thấy cậu ta đi ngủ trước 12 giờ đêm. Nhiều lúc cậu ta còn ở trong phòng gọi điện thoại, nói suốt mấy tiếng đồng hồ, tôi nghe loáng thoáng cái gì mà “thi thể”, “mưu sát”, khiến tôi rất tò mò về nghề nghiệp của cậu ta. Có lúc cậu ta nhận một cú điện thoại rồi hối hả đi ngay, mấy hôm liền không về nhà; có khi lại giam mình trong phòng từ sáng đến tối, chẳng nói chẳng rằng, hoặc ngồi bên bảng đen suốt ngày đêm, cắm cúi giải những phép toán phức tạp. Trước những hành vi đó, tôi đều mắt lấp tai ngơ, bởi cho rằng theo phép lịch sự tối thiểu, không nên tọc mạch việc riêng của người khác.

Chiều hôm ấy, tôi rời nhà học sinh, ngang qua siêu thị đang có đợt khuyến mãi lớn bèn ghé vào mua thật nhiều thức ăn. Về đến nơi, tôi và Trần Tước loay hoay một hồi, cuối cùng cũng bày ra được một bữa tối tàm tạm. Nói tới bếp núc, buộc phải thừa nhận khả năng của Trần Tước vượt xa tôi. Cậu ta có kiến giải riêng về việc nấu nướng, có điều chuyện này tạm gác lại, để sau nói đi.

5 giờ chiều ngày 12 tháng Tư năm 2013, một phụ nữ họ Trần, là nhân viên văn phòng, bị sát hại trong căn phòng trọ ở phía Đông đường Bảo Hưng, khu Hồng Khẩu. Qua khám nghiệm phát hiện nạn nhân bị cắt cổ, áo vén qua vú, thân dưới lõa lồ, trên người có tổng cộng 20 vết chém. Vụ việc nghiêm trọng, cảnh sát Hồng Khẩu thành lập cả tổ điều tra chuyên án song manh mối quá ít, lượng người thuê nhà xung quanh lại nhiều, muốn điều tra lần lượt cũng khó. Vụ án lâm vào bế tắc. Ngày 20 tháng Tám năm đó, người ta lại phát hiện xác một người đàn bà trên đường Tào An khu Phổ Đà, cổ bị cắt, thân thể có 36 vết chém. Pháp y kết luận hai vụ này do cùng một hung thủ gây ra. Cứ thế, các vụ án tương tự liên tiếp phát sinh, khiến người dân thành phố kinh hoàng tột độ, truyền thông còn gọi hắn là “Hậu duệ của Jack Đồ tể”, đưa hẳn bài lên trang nhất. Tính tới ngày 15 tháng Tư năm 2014, tổng cộng đã có mười phụ nữ bị hại trong khi hung thủ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Sau đó, Sở Công an Thượng Hải ra thông cáo về vụ giết người hàng loạt này, treo thưởng hai mươi vạn tệ cho ai cung cấp manh mối, hòng sớm ngày phá án. Chẳng ngờ đến gần đây, vụ án làm cảnh sát đau đầu mấy năm nay đột nhiên được phá, hung thủ là nhân viên bình thường ở một công ty nào đó. Sau khi hắn bị bắt, đồng nghiệp và láng giềng đều hết sức kinh ngạc, bởi theo lời họ, hung thủ hằng ngày hiền lành niềm nở, hoàn toàn không giống một kẻ cuồng sát.

Bấy giờ, đọc tin trên báo xong, tôi vui vẻ bảo Trần Tước, “Thế nên ở Trung Quốc này, kẻ giết người sớm muộn cũng bị bắt thôi. Định qua mặt đám hình sự ở Sở Công an ư? Đúng là mơ giữa ban ngày!” Chẳng ngờ, Trần Tước lại phản đối, “Thủ pháp phá án của cảnh sát hình sự khá là một chiều, lại không chú trọng logic, chỉ hay phá án theo kinh nghiệm. Đương nhiên cũng có những người già dặn, nhìn qua là đoán được hung thủ, nhưng sẽ có lúc nhầm lẫn chứ. Nếu vận dụng phương pháp khoa học, xác suất sai lệch sẽ giảm đi đáng kể.”
“Nhưng cậu không thể phủ nhận là họ đã thành công!” Tôi chìa tờ báo trong tay cho Trần Tước, “Họ tìm được nhiều chứng cứ ở nhà hung thủ, hơn nữa tên hung thủ đó cũng chính miệng nhận tội rồi.”
Trần Tước đón lấy tờ báo, cười nhạt, “Vụ này là tôi phá mà.”
“Gì cơ?!” Tôi tưởng cậu ta đùa.
“Tôi nói là, vụ này do tôi phá. Tuần trước, Tống Bá Hùng đội trưởng đội Hình sự ở Sở đến tìm, mời tôi tham gia một cuộc họp để thảo luận về chuyên án này. Trong cuộc họp tôi đã đưa ra vài ý kiến.” Trần Tước cúi đầu ăn cơm, giọng điệu bình thản như đang kể một chuyện vặt vãnh thường ngày.

“Trần Tước, tôi biết cậu thông minh, nhưng thế này thì ly kì quá. Sao họ lại mời cậu?”

“Việc đó anh phải hỏi họ chứ. Lúc gọi tới, đội trưởng Tống nói ‘Mời thầy Trần tới giúp chúng tôi một chuyện’. Tôi rảnh rỗi nên nhận lời đi. Tóm lại tôi đã nhận được tiền thưởng, đủ tiêu xài một thời gian.” Có vẻ Trần Tước không nói dối. Hay tại diễn xuất của cậu ta quá tốt?

“Thầy Trần? Cậu… cậu là thầy giáo à?”

“Có thể thế, mà cũng có thể không.” Cậu ta cầm ly vang đỏ lên hớp một hớp.

“Thật khó tin, làm sao cậu phá được vụ án ấy? Cậu đưa ra ý kiến gì?” Bình thường tôi ghét nói dối, tuy hằng ngày không trò chuyện nhiều với Trần Tước nhưng tôi chẳng ngờ cậu ta lại là kẻ khoác lác như vậy. Làm gì có chuyện công an mời một người dân thường tới hỗ trợ phá án? Có phải chuyện trinh thám đâu? Tôi nhất định phải làm cho ra lẽ, đến khi cậu ta chính miệng nhận mình đùa mới thôi.

Thấy tôi nghiêm túc quá mức, Trần Tước cũng đặt bát đũa xuống, đứng dậy đi đến bên bảng đen, cầm phấn viết ra một công thức phức tạp.

“Đây là gì thế?”

“Công thức Rossmo. Mô hình toán học để phân tích hành vi phạm tội,” Trần Tước đáp. “Chỉ cần điều chỉnh lại chút xíu, chúng ta có thể tính ra nơi ở của hung thủ.”

“Sao lại thế được…”

Trần Tước phớt lờ phản ứng của tôi, tiếp tục giải thích, “Trong những điều kiện xác định, nếu vận dụng toán học chuẩn xác thì anh sẽ luôn tìm được đáp án đúng. Kẻ sát nhân hàng loạt thường chọn những địa điểm gây án mà hắn cho là tình cờ nhằm che giấu nơi ở thực sự của mình, nhưng công thức này sẽ vạch trần sự thật. Dùng toán học xác định nơi ở của hung thủ, xác suất tương đối cao, biến mò kim đáy bể thành mò kim đáy cốc. Hàn Tấn, nếu anh thích, tôi sẽ giải thích qua về cách thức sử dụng công thức Rossmo nhé?”

Tôi xua tay lia lịa, “Thôi khỏi, tôi học xã hội mà. Cậu dùng công thức này tính ra chỗ ở của hung thủ đấy hả?”

Trần Tước gật đầu, “Ừ, đây là mắt xích quan trọng mà. Tiếp đó, chỉ cần vài suy luận logic bổ trợ, giúp công tác điều tra của phía cảnh sát thuận lợi hơn. Về bản chất, phá án và giải toán giống nhau, cho ta những điều kiện đã biết để tìm đáp án chưa biết. Chỉ cần điều kiện chính xác, sau quá trình tính toán thử nghiệm kĩ càng, nhất định sẽ ra kết quả.”

Chuyện này khiến tôi tổn thương sâu sắc. Rõ ràng không thể trông mặt mà bắt hình dong, tôi cứ ngỡ cậu ta chỉ trắng trẻo thư sinh, ai ngờ còn là cố vấn đặc biệt của Sở Công an. Từ đó về sau, tôi càng thêm tò mò về Trần Tước. Hễ rảnh rỗi, tôi lại pha hai tách cà phê rồi ngồi tán gẫu với cậu ta trong phòng khách, nhờ đó cũng biết thêm nhiều chuyện cũ của Trần Tước. Thân thế cậu ta quả là ly kì như tiểu thuyết, nếu không phải chính tai tôi nghe thấy, nhất định sẽ cho là chuyện bịa.

Trần Tước không biết cha mình tên gì, mẹ cậu chẳng bao giờ nhắc đến. Mẹ Trần Tước họ Viên, làm việc trong ngành âm nhạc. Ngay từ nhỏ, cậu ta đã bộc lộ thiên phú kì lạ về toán học, vào tiểu học thì nhảy cóc liền ba lớp. Năm 1999, Trần Tước giành quán quân Olympic Toán quốc tế, cuối cùng, chương trình học ở trường cũng không đuổi kịp tiến độ của cậu ta nữa. Tốt nghiệp cấp hai xong, cậu thôi học, tự học toán ở nhà. Năm mười sáu tuổi, cậu ta đăng luận văn về “Giả thuyết tổng quát liên tục” trên tạp chí Logic toán học, thu hút sự chú ý của giới toán học, về sau nhập học khoa Toán đại học Princeton. Năm 2004, Trần Tước lấy bằng cử nhân, 2005 xong thạc sĩ, đến 2009 thì trở thành tiến sĩ, rồi đi làm giảng viên. Trong thời gian này, cậu ta còn vận dụng kiến thức toán học và tư duy logic của mình, hỗ trợ cảnh sát New Jersey phá được nhiều vụ án giết người hàng loạt, chính thức trở thành cố vấn hình sự cho họ vào năm 24 tuổi.
Nhưng hai năm sau, cậu ta đột nhiên bị trục xuất khỏi giới, cho nghỉ việc về nước.

Trần Tước không muốn nhắc tới căn nguyên sâu xa bên trong. Tôi chỉ biết rằng, do nhận xét không thỏa đáng của cậu ta, một sinh viên đã phải trả giá bằng cả mạng sống. Nhà trường cho rằng Trần Tước là nhà giáo mà tính tình không đúng mực, lời lẽ xấc xược, không có đạo đức người thầy. Trước khi về Trung Quốc, Trần Tước vận dụng kiến thức toán học của mình thắng được nhiều tiền ở sòng bạc Las Vegas, nhưng về nước lại bị bọn lừa đảo qua điện thoại lừa mất quá nửa. Nghe cậu ta kể lại chuyện này, tôi dở khóc dở cười.

Tiếp xúc ít lâu, tôi bắt đầu nhận ra một vài điều ở Trần Tước. Lúc trước tôi đã kể, cậu ta mắc chứng tự kỉ chức năng cao, một dạng rối loạn nhân cách phản xã hội điển hình. Trần Tước khó thích nghi với cộng đồng, thỉnh thoảng lại nói vài điều không ai hiểu được, chẳng thèm quan tâm tới cảm nhận của người khác. Cậu ta không cân nhắc nhiều, thích vạch trần mọi thứ, chẳng chừa thể diện cho bất kì ai. Hơn nữa, cậu ta còn không hề ý thức được rằng mình có vấn đề.
“Tôi nói đâu có sai, anh ta ngu ngốc thật đấy chứ. Sao anh ta lại nổi nóng?” Cậu ta thường xuyên hỏi tôi câu này.
“Cậu đừng vạch trần khuyết điểm của người ta như thế, bất lịch sự lắm.” Tôi giải thích.
“Hàn Tấn, nếu tôi khen anh ta thông minh thì mới là chế nhạo anh ta đó!”

Tôi quả thật không phản bác nổi lý lẽ của Trần Tước. Cậu ta thích tranh luận, lời lẽ lại quá thẳng thừng, dễ làm người khác mếch lòng. Ngoài ra, tính tình ngạo mạn cũng là nguyên nhân khiến người khác không muốn kết thân với Trần Tước. Có nhiều chuyện, để đạt lý thì lại không thấu tình nữa.
Còn nhớ có lần đang tản bộ trong công viên, tôi đột nhiên nói, “Tôi thấy cậu giống Sherlock Holmes thật đấy. Cùng phản xã hôi, cùng sắc sảo, có điều ông ta là nhà hóa học, còn cậu là nhà toán học.”
“Sai rồi.” Trần Tước lắc đầu, “Sherlock Holmes không phải là nhà hóa học ưu tú, thậm chí không xứng đáng làm nhà hóa học.”
“Sao cậu lại nói vậy?” Tôi hỏi vặn lại.
Trần Tước bình thản đáp, “Anh có nhớ trong “Những cây dẻ đỏ”, Holmes biết lúc nào đó sẽ phải đi xe lửa nên định hoãn phân tích ‘các’ axeton lại không?”

“Thế thì sao?”

“Axeton là tên một loại hợp chất riêng biệt, công thức phân tử là CH3COCH3 trong truyện, Holmes đã nhầm axeton với xeton. Trong “Chiếc nhẫn tình cờ”, Holmes lại lầm lẫn về tỉ lệ máu trong nước; trong “Một vụ mất tích kì lạ”, ông ta gọi cả bari disulfide và bari sulfate là bari bisulfate; trong “Ngón tay cái của viên kĩ sư”, ông ta nhầm hợp chất không có thủy ngân là hợp kim thủy ngân… Những sai lầm ngớ ngẩn này nhan nhản trong Sherlock Holmes toàn tập, sao anh có thể gọi ông ta là một nhà hóa học được nhỉ? Theo tôi thấy, Holmes chỉ là một kẻ nghiệp dư thích hóa học mà thôi.”

“Vậy cậu thấy giáo sư Moriarty thế nào, ông ta cũng là giáo sư chuyên ngành toán học như cậu đấy? Ông ta còn thông minh hơn Holmes là đằng khác!”

“Anh muốn nói tới tác giả cuốn sách Động lực học tiểu hành tinh nực cười ấy hả?” Trần Tước phá lên cười thành tiếng.

“Có gì đáng cười? Giáo sư Moriarty 21 tuổi đã viết luận văn về Nhị thức Newton, còn nổi tiếng trong giới toán học châu Âu.”

“Bốn mươi năm trước khi ông ta đưa ra luận văn đó, nhà toán học Niels Henrik Abel của Na Uy đã giải quyết xong khâu cuối cùng của cái gọi là định lý Nhị thức rồi. Cũng tức là, thiên tài Moriarty của bốn mươi năm sau chẳng còn việc gì để làm nữa. Thôi, chúng ta nói về tác phẩm Động lực học tiểu hành tinh ấy trước vậy. Sau năm 1852, theo góc nhìn của Newton thì chẳng có bước tiến nào trong việc nghiên cứu vận động của tiểu hành tinh cả, trừ phi Moriarty tiên tri được thuyết tương đối của Albert Einstein, hoặc giải quyết được vấn đề lực hấp dẫn được coi là mấu chốt trong bài toán ba vật thể. Song, nếu vậy thì học thuyết đó có thể ứng dụng rộng rãi cho tất cả vật thể chuyển động, chứ không chỉ riêng tiểu hành tinh đâu!”

Tôi nghe cậu ta phân tích mà cứng họng, nổi giận đùng đùng, “Họ chỉ là nhân vật tiểu thuyết, cậu nghiêm túc như thế làm gì? Cứ thừa nhận Moriarty vĩ đại là được rồi!”
Trần Tước nhún vai vẻ bất lực, “Anh thấy đó, tôi vốn vô duyên mà.”

Ngày tháng cứ bình lặng trôi, nháy mắt đã tới tháng Tám nóng hầm hập. Đang đợt nghỉ hè nên công việc gia sư của tôi cũng bận bịu hẳn lên, gần như cả ngày đều ở nhà học sinh, 8, 9 giờ tối mới về. Buổi sáng tôi thích dậy sớm mà Trần Tước lại là cú đêm, có khi cả ngày chẳng chạm mặt. Hôm nay tôi cuốc bộ về đến nhà như thường lệ, thấy phòng khách sáng đèn thì không khỏi ngạc nhiên. Trừ phi có khách đến chơi, còn đâu Trần Tước sẽ không bao giờ bật đèn.
Quả nhiên, vừa bước vào, tôi đã thấy một thanh niên lạ ngồi trên sofa.

Trần Tước đứng dậy giới thiệu qua loa. Vị khách này tên là Cổ Dương, bạn học của cậu ta ở Princeton, sắp tiếp quản sản nghiệp gia đình. Cha Cổ Dương là Cổ Vĩnh Huy, người đầu tiên phất lên sau cải cách mở cửa ở Trung Quốc, tiếc rằng chưa đến bốn mươi tuổi đã qua đời. Cổ Dương cũng xấp xỉ ba mươi, cao chừng 1m75, đeo kính, trông nho nhã, không có vẻ hống hách như đám con cháu nhà giàu thường thấy, cử chỉ khiêm tốn lịch thiệp, ăn mặc cũng thanh lịch.
“Hàn Tấn, ngồi xuống cùng nói chuyện đi.” Trần Tước thở dài, “Gần năm năm nay tôi với Cổ Dương không gặp nhau rồi.”

Cổ Dương gật đầu, “Không ngờ cậu cũng về nước, có điều, tính tình của cậu quả thật không hợp dạy học đâu.”
Trần Tước gượng cười, “Người như tôi chẳng hợp ở đâu cả.”

Nghe vậy, Cổ Dương phì cười, “Câu này tôi đồng ý, cậu đúng là lập dị! Phải ở cùng nhà với người như cậu, quả là khổ cho Tiểu Hàn! Cậu có nhớ ban đầu tôi với cậu chung phòng kí túc xá không? Cả ngày tôi làm ầm lên đòi đổi, nhưng nhà trường không cho!”

“Sao không nhớ chứ, cậu còn đổ cho tôi đánh cắp đồng hồ của cậu.”
“Đừng nhắc chuyện này nữa!” Cổ Dương tỏ vẻ bối rối, “Cuối cùng chẳng phải cậu bắt được gã Declan đó ư?”
“Phải phải, Cổ thiếu gia đây tốt bụng, nể tình gã mới phạm tội lần đầu lại túng quá hóa liều nên không truy cứu, còn hỗ trợ thêm mấy ngàn đô. Declan đúng là phải tạ ơn trời đất, chẳng những không bị đuổi mà còn phát tài, hèn chi sau khi tốt nghiệp, gã nói muốn tới Trung Quốc làm ăn. May mà có Cổ thiếu gia làm cho Trung Quốc được nở mày nở mặt, để bạn bè bốn phương biết chúng ta có lịch sử lâu đời, rừng vàng biển bạc, người ngốc tiền nhiều.”
“Được rồi, là tôi ngốc, cậu thông minh thế sao nửa đêm mò về phòng còn bị tôi dọa cho chết khiếp?”
“Hàn Tấn này, Cổ thiếu gia đây có trò đùa ác. Cậu ta thích nấp sau cửa, rình lúc người ta mở cửa thì nhảy ra hù! Nhất là vào 12 giờ đêm…”

Bị Trần Tước trêu, Cổ Dương có vẻ ngượng ngùng, xua tay lia lịa, “Được rồi, đừng trêu tôi nữa. Cứ kể tiếp có khi cậu đào cả gốc rễ tôi lên cũng nên.”

“Biết thế là tốt.” Trần Tước đắc ý đáp. “À phải, bệnh suyễn của cậu khỏi chưa?”
“Chậc, bẩm sinh rồi làm sao khỏi được, chỉ đỡ đỡ thôi. Còn cậu, có bạn gái chưa?”
“Tôi đâu phải thiếu gia, làm sao lọt vào mắt xanh cô nào được?”

Hiếm khi thấy Trần Tước cười vui như thế, xem ra cậu ta khá thân thiết với Cổ Dương.
Trần Tước từng kể với tôi rằng, người học toán cô đơn. Không giống như văn học, mỹ thuật, âm nhạc, dù không có căn bản vẫn nói chuyện được, toán học khó phổ biến. Toán là môn học nghiên cứu về quan hệ số, quan hệ giữa vị trí không gian và quan hệ logic, coi trọng suy luận, nhưng cũng chính những suy luận này khiến nhiều cách chứng minh định lý trở nên vô cùng trừu tượng, không có đủ kiến thức toán và không từng luyện logic thì chẳng hiểu gì cả.

Yêu thích: 5 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN