Cô Thành Bế - Chương 4: Thôi Bạch
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
350


Cô Thành Bế


Chương 4: Thôi Bạch


Năm mười hai tuổi, tôi bị điều đến làm việc ở Hàn lâm đồ họa viện. Phẩm cấp không thay đổi, chỉ là công việc chính đổi thành phục dịch các đãi chiếu của Họa viện[1] vẽ tranh và nghe quan chưởng quản Họa viện sai khiến. Đám nội thị của Hàn lâm thư nghệ cục đều đồng cảm với tôi, nói đây thực ra là xuống một chức, Họa viện vốn thấp hơn Thư viện một bậc.

[1] Họa viện: cơ quan chuyên cung cấp tranh cho triều đình, thời Tống Huy Tông, 1101 – 1125, Viện Hoạ phát triển nhất, cách vẽ tỉ mỉ tinh xảo, sau này gọi phong cách đó là phái Viện Hoạ

Tôi cũng biết, người của thư họa viện địa vị vốn không cao, tuy rằng quan tứ phẩm, ngũ phẩm ở đó cũng mặc y phục màu đỏ, màu tím như các quan văn bình thường khác, nhưng không được đeo bội ngư. Ở trong mắt người đời, các đãi chiếu của thi họa viện đều thuộc dạng lấy kỹ nghệ để tiến thân, cho nên không được nhiều sự tôn trọng. Mà người của Họa viện lại thấp hơn Thư viện một cấp, cho nên mỗi lần các chiếu đãi lập ban (nhóm làm việc), đều lấy Thư viện đứng đầu, sau đó đến Họa viện, chỉ khá hơn Cầm viện, kỳ, ngọc, các loại nghề thủ công một chút.

Những đãi chiếu chính thức đều như vậy, và nội thị tự nhiên cũng tùy theo ánh mắt của mọi người mà phân ra những cấp bậc mới. Cùng là nội thị hoàng môn, nhưng Cầm viện không bằng Họa viện, Họa viện không bằng Thư viện.

Khi đó quan chưởng quản Hàn lâm thư nghệ cục dù sao vẫn là phó đô tri của Nhập nội – Nhâm Thủ Trung, vì thế Trương Thừa Chiếu đề xuất với tôi “Cậu đi cầu Trương tiên sinh, xin hắn nói với hoàng hậu vài câu, để hoàng hậu ra lệnh Nhâm đô tri, giữ cậu lại Thư viện là xong”

Tôi không đồng tình. Cậu ta lại nháy mắt mấy cái với tôi, cười nói “Cứ nói đi, không có chuyện gì đâu, Trương tiên sinh là tâm phúc bên cạnh hoàng hậu, chỉ cần một câu nói của hắn, cậu sẽ không cần phải đến Họa viện nữa.”

Tôi lắc đầu với cậu ta, gạt bỏ ý định này. Tôi tin việc Trương tiên sinh rất được hoàng hậu tán thưởng và tin tưởng, nhưng cũng biết rõ, việc tự tiện đưa ra với hoàng hậu đòi hỏi ngoài bổn phận không phải tác phong của hắn, lần trước mở miệng cứu tôi chỉ là tình huống ngẫu nhiên, tôi không muốn khiến hắn phải phá lệ lần nữa. Tôi chưa bao giờ dám hy vọng xa vời, cũng không muốn nhìn thấy, có người phải vì tôi mà cầu xin người khác cái gì.

Họa sư của Họa viện chia làm năm cấp bậc: họa học chánh, đãi chiếu, học nghệ, chi hầu, cung phụng; người không có phẩm cấp gọi là họa học sinh, làm công việc vẽ tranh cho cung đình ngự dùng, hoặc phụng chỉ đến các chùa chiền, đạo quán riêng biệt để vẽ tranh. Nơi này càng thêm thanh tĩnh. Thường cứ mười ngày là phải lấy tranh vẽ được cất giữ ở Bí các[2] ra để các họa sư đánh giá, mô phỏng theo. Hôm nay có chút hơi mệt, nhưng công việc bình thường cũng không nhiều lắm, phần lớn thời gian tôi chỉ cần đứng ở bên cạnh, nghe quan viên Họa viện chỉ bảo hoặc nhìn các họa sư vẽ tranh.

[2] Bí các thường chỉ nơi cất giữ văn thư của triều đình

Trong số các họa sư, tôi đặc biệt thích nhìn họa học sinh Thôi Bạch vẽ tranh. Anh ta là người Hào Lương, khi đó hơn hai mươi tuổi, tư chất xuất sắc vượt bậc , tính tình cởi mở phóng khoáng không chịu gò bó, thường một mình lui tới, không có bạn bè, dẫn tới không vừa mắt quan viên của Họa viện, nhưng trong bức tranh anh ta vẽ có một luồng linh khí hiếm thấy trong những bức tranh cung đình tầm thường khác, khiến tôi đặc biệt yêu thích.

Một ngày cuối thu nào đó, trong đình Họa viện, rơi xuống một cành cây, anh ta một thân một mình đến vẽ lên cành cây hai con quạ gáy xám, tôi đứng ở sau anh ta lặng lẽ nhìn. Anh ta để bút xuống nghỉ ngơi, lúc quay đầu vo tình phát hiện ra tôi, bèn cười hỏi “Trung quý nhân cũng thích vẽ tranh?”

Tôi lui ra sau một bước, hạ thấp người nói “Hoài Cát đường đột, quấy rầy nhã hứng của Thôi công tử”

“Không có” Thôi Bạch cười mỉm nói “Tôi chỉ hiếu kỳ, vì sao trung quý nhân không tới Họa viện xem các vị chiếu đã vẽ tranh, lại chú ý đến tác phẩm kém cỏi của tôi”

Tôi suy nghĩ một chút, nói “Nhớ ngày đó Hoài Cát mới vào Họa viện, thấy các họa học sinh ở đây đều bắt chước theo họa học chánh vẽ tranh cung đình, tranh hoa điểu, duy chỉ riêng công tử là ngoài lệ, một mình đứng nhìn ra cửa sổ, vẽ chim muông bay trong đình.”

Thôi Bạch xua tay cười “Tranh hoa điểu tinh xảo lộng lẫy, tôi học không tốt cái này, tự bản thân nhận thấy nét vẽ xấu”

Tôi cũng cười nói lại “Thôi công tử đặt bút phải suy nghĩ trước mới hoàn thành, không giống như những phép tắc phải trái vuông tròn, đều trong quy củ. Hoài Cát luôn cảm thấy vô cùng khâm phục.”

“Trung quý nhân khen nhầm” Nói xong Thôi Bạch lại chậm rãi nhấc bút, trước khi đặt bút chợt hỏi tôi “Lẽ nào trong Họa viện còn có người phải trái vuông tròn, nằm ngoài quy củ?”

Đương nhiên có, nhưng tôi chỉ cười nhạt một tiếng không trả lời.

Có lẽ tự mình cũng có đáp án nên Thôi Bạch không hỏi tới nữa, giữ ý cười thanh cao kiêu ngạo xoay người tiếp tục vẽ tranh. Vài sợi tóc không theo nếp rủ trước trán, theo ngòi bút chuyển động mà thỉnh thoảng phất phơ bên sườn mặt, nhưng ánh mắt của anh ta trước sau vẫn chuyên chú rơi trên bức tranh, không chút nào để ý.

Bởi vậy chúng tôi dần dần trở nên quen thân, thỉnh thoảng gặp nhau trò chuyện đôi chút về chủ đề thư họa, anh ta nhìn ra tôi có hứng thú với vẽ tranh, liền chủ động nói đến việc sẽ dạy tôi, tất nhiên là tôi vô cùng vui vẻ. Khi chúng tôi rảnh rỗi, tôi theo anh ta học vẽ tranh.

Một ngày, anh ta dạy tôi cách vẽ tranh chim rừng mùa xuân, họa học chánh của Họa viện đi qua phòng vẽ tranh của chúng tôi, thấy người đang múa bút lại là tôi, cảm thấy kinh ngạc, liền đi vào xem xét. Tôi lập tức thu bút, hướng hắn thi lễ như thường. Hắn không đáp lời, trực tiếp đi tới bên cạnh tôi, trầm ngâm nhìn chăm chú bức tranh tôi vẽ.

Từ đời ông cha tới nay, trong Hàn lâm đồ họa viện vẫn duy chỉ có cha con Hoàng Tuyên, Hoàng Cư Thái sáng chế tranh cung đình theo phong cách Hoàng thị, tranh hoa trúc, bức họa chim muông trước tiên dùng bút than gỗ phác họa, sau đó dùng đường mực thật nhỏ vẽ đường viền bên ngoài, tiếp theo là vẽ màu nhiều lần, bức vẽ tinh xảo lộng lẫy, màu sắc đậm và rực rỡ. Mà giờ phút này, họa học chánh thấy bức tranh của tôi màu sắc bố trí thanh nhã, con chim ngói còn chưa vẽ xong đều dùng đường mực phác họa, nhìn kỹ các chi tiết nét vẽ ở bộ lông sẽ thấy nhiều màu mực đậm nhạt khác nhau, được một màu đỏ thẫm tô điểm mà thành, phần lớn khác xa với chuẩn mực tranh cung đình phong cách Hoàng thị của Họa viện. Mặt hắn lập tức trầm xuống, lạnh nhạt hỏi Thôi Bạch “Là ngươi dạy cậu ta vẽ như vậy?”

Thôi Bạch gật đầu, thong thả nói “Bức tranh chim muông không hẳn cứ phải phác họa màu sắc xếp chồng, đôi khi hồ đồ lấy màu mực thanh nhạt làm cốt để tô điểm, cũng rất thú vị”

Họa học chánh đột nhiên đập bàn, cất cao giọng “Ngươi thế này là nhận đệ tử!”

Thôi Bạch không sợ hãi cũng chẳng cáu gắt, chỉ chững chạc hướng hắn cúi thấp người, con mắt rũ xuống.
Họa học chánh áp chế cơn tức giận, ngược lại nói với tôi “Nếu trung quý nhân muốn học vẽ tranh, trong Họa viện tự có đãi chiếu, nghệ học để có thể xin chỉ dạy, mới học thì phải chọn thầy cho cẩn thận, không nên nóng vội để bị kẻ không có học thức, không có hiểu biết chỉ dẫn sai lệch”

Tôi cũng khom người làm bộ dạng kính cẩn nghe chỉ bảo. Họa học chánh lại hung hăng trừng mắt với Thôi Bạch rồi mới phất tay áo bỏ đi.

Đợi hắn đi xa, Thôi Bạch nghiêng đầu nhìn tôi, cố ý nghiêm mặt nói “Mời trung quý nhân tìm người thầy khác, chớ tùy tiện theo một kẻ không có học thức, không có hiểu biết như tôi đây để bị chỉ dẫn sai lệch”

Tôi trả lời “Nếu Thôi công tử dẫn tôi đi vào con đường lạc lối, thì đời này tôi cũng không muốn đi trên con đường chính đạo”

Chúng tôi nhìn nhau cười, từ đó về sau càng thêm thân thiết. Theo đề nghị của anh ta, chúng tôi không xưng hô khách khí với nhau như thế nữa, anh ta gọi tên tôi, tôi cũng gọi tên tự của anh ta là Tử Tây.

Họa học chánh càng ngày càng ghét Thôi Bạch, nhiều lần bình phẩm với bạn đồng sự về những bức tranh của anh ta, chứa nhiều ý chê bai, Thôi Bạch cũng nhiều lần liên tiếp bị Họa viện chèn ép, mỗi lần so đo tài nghệ, những bức tranh của anh ta cũng đều bị bầu chọn loại kém, trước giờ chưa từng có cơ hội được trình lên cung ngự lãm.

Ngược lại Thôi Bạch chẳng để tâm, vẫn làm theo ý mình như trước cứ theo phong cách của bản thân mà vẽ, đối với sự dạy dỗ của quan viên Họa viện cũng không để bụng. Mỗi khi họp mặt dạy học, anh ta không vắng mặt thì đi muộn, dù ngồi trong sảnh cũng không nghe giảng, thường nhìn ra cửa sổ ngắm cảnh như đi vào cõi tiên, hoặc dứt khoát nằm xuống bàn ngủ, đợi quan viên Họa viện nói xong mới thong thả đưa tay lên miệng ngáp, thản nhiên đứng dậy, nghênh ngang bước đi trong sự căm tức của quan viên.

Lần nào đó đúng lúc gặp họa học chánh dạy học, chủ đề là vẽ tranh thủy mặc[3], đợi giảng lý thuyết xong, họa học chánh lấy ra một bản song câu[4] gốc, ngay tạo chỗ múa bút vẩy mực, vẽ bức tranh thủy mặc ‘Thu Hà (hoa sen vào màu thu)’, sau khi nét mực hơi khô liền treo lên tường, để các họa học sinh bình luận.

[3] Thủy mặc là một lối vẽ của Trung Quốc, chỉ dùng nước và mực đen, mà không dùng màu gì khác

[4] Song câu: kỹ xảo và phương pháp vẽ tranh của Trung Quốc, dùng nét móc tô đường viền của vật, chính giữa để trống

Quả thực cũng là tác phẩm xuất sắc, bức tranh ‘Thu Hà’ phong tư nhã nhặn, mặc dù là vẽ thủy mặc, nhưng lại có thể vẽ ra cái dáng vẻ ‘phản chiếu nghênh triều, hành vân đái vũ’[5] của đài sen và lá sen. Tất nhiên là các họa học sinh khen không ngớt miệng, lập tức nhao nhao cầm bút, bắt đầu vẽ.

[5] Phản chiếu nghênh triều, hành vân đái vũ: Ánh chiều tà chiếu rọi xuống mặt nước, tràn vào hồ sen, tầng mây trôi mang theo chút mưa phùn. Đây là hai câu thơ trích trong bài ‘Đạp sa hành’ của Hạ Chú

Họa học chánh đưa tay vuốt râu, quét nhìn mọi người, dương dương tự đắc. Đúng lúc bất ngờ chuyển mắt phát hiện Thôi Bạch từ đầu tới giờ không mảy may để tâm, ngồi ở hàng dưới cùng trong góc phòng, bộ dạng dựa vào bàn say sưa ngủ.

Ý cười trên mặt họa học chánh lập tức biến mất, đen mặt quát “Thôi Bạch!”

Thôi Bạch tựa như ngủ rất say, không có ý tỉnh dậy. Họa học chánh lại lớn tiếng, anh ta vẫn không có phản ứng, tôi thấy tình cảnh dần trở nên lúng túng, liền đi đến cạnh anh ta, cúi người khẽ gọi “Tử Tây”. Anh ta nhíu mày, chậm rãi mở hai mắt còn chưa tỉnh táo, trước tiên nhìn ta một cái, lại mơ màng nhìn chăm chú họa học chánh một lát, gương mặt giãn ra cười nói “Đại nhân giảng bài xong rồi sao?”

“Xong rồi” Họa học chánh nén giận lạnh nhạt nói “Nhưng chắc hẳn lời giảng nhàm chán, khó vào lỗ tai tôn quý của ngươi, ngược lại có tác dụng ru ngủ”

Thôi Bạch mỉm cười nói “Đâu có. Lúc đại nhân giảng bài tôi vẫn nghe đấy thôi, chỉ là sau đó đại nhân vẽ tranh, chúng học sinh đều đi lên quan sát, tôi cách khá xa, mắt thấy không chen vào được, cho nên mới quyết định chợt mắt một lát, chờ đại nhân vẽ xong mới thưởng thức tỉ mỉ”

“Thật không?” Họa học chánh liếc nhìn anh ta một cái, rồi cũng không thèm nhìn nữa, đứng chắp tay, nhìn ra bầu trời xanh ngoài cửa sổ, nói “Theo như ý kiến của ngươi, kẻ hèn này phải vẽ tranh như thế nào?”

Thôi Bạch vẫn ngồi, làm biếng dựa lưng vào ghế, nghiêng đầu nhìn kỹ bức ‘Thu hà’ treo trên vách tường đối diện một lát, sau đó vuốt cằm nói “Rất tốt, rất tốt… chỉ là chỗ nào đó còn thiếu một nét”

Họa học chánh không khỏi hiếu kỳ, lập tức hỏi “Ở chỗ nào?”

Khóe môi Thôi Bạch giương lên “Ở đây”. Cùng lúc đó tay cầm bút trên bàn lên chấm mực, đột nhiên ném về phía bức tranh, đợi tiếng anh ta vừa dứt, bút đã chạm đến bức tranh, ở dưới chiếc lá sen vẽ lên một nét mực nghiêng nghiêng.

Hành động này quá mức bất ngờ, chúng họa học sinh hoảng sợ kêu lên, lại liếc nhìn Thôi Bạch, rồi chuyển sang nhìn họa học chánh, quan sát kỹ từng nét mặt của hắn.

Họa học chánh tức giận đến không nói thành lời, ngón tay chỉ Thôi Bạch run nhè nhẹ “Ngươi, ngươi…”

“A! Học sinh nhất thời vô ý, lấy nhầm bút mực, mong đại nhân thứ tội” Thôi Bạch một đường xin lỗi, một đường phủi tay áo đứng dậy, cất bước đi tới trước mặt họa học chánh, tao nhã hạ thấp người xin lỗi lần nữa.

Họa học chánh sắc mặt trắng xanh, tức giận xoay người, giơ tay kéo bức tranh trên tường xuống, tưởng như muốn xé nát cho hả giận.

Thôi Bạch lại đưa tay ngăn cản, cười nói “Đại nhân bớt giận. Bức họa này là tác phẩm xuất sắc, bởi vì một nét bút mà xé bỏ thì thật đáng tiếc. Học sinh đã phạm lỗi thì sẽ nghĩ cách sửa chữa”

Liền có một vị họa học sinh hỏi xen vào “Bức tranh đã bị nét mực làm bẩn, làm sao có thể sửa được?”

Thôi Bạch đem bức tranh treo vững, lại nhìn kỹ một lần, nói “Nếu bức tranh dính bẩn, đại nhân đã không cần, có lẽ cũng không để tâm tôi lại vẽ thêm vài nét bút nữa?”

Cũng không đợi họa học chánh cho phép, nét mặt ung dung chọn lấy cây bút khác trên bàn, chấm chấm mực trong nghiên, tay trái đặt sau lưng, tay phải di chuyển ngòi bút, tự mình kéo xuống nét mực mới, hoặc chấm, kéo, bổ, lướt nhẹ, hoặc xoay tròn, xiên, nghiêng, kéo dài, ở giữa thì phối mực, chỉ chốc lát, ở dưới lá sen xuất hiện một con thiên nga trắng khom người cúi đầu rỉa lông rất sống động, nét mực viết thêm kia bị anh ta vẽ thành mỏ của con thiên nga, nét bút tự nhiên, nhìn không ra là vết tích cố ý tu sửa lại.

Vẽ xong, Thôi Bạch đặt bút xuống lui về phía sau, mỉm cười mời họa học chánh góp ý. Mọi người chăm chú nhìn lại, thấy anh ta mặc dù chỉ vẽ một thiên nga, cũng đã chứa đủ năm màu tiêu, nùng, trọng, đạm, thanh trong tranh thủy mặc, lại êm dịu hài hòa, sống động mà không làm rối loạn, kỷ xảo dùng mực còn hơn họa học chánh ở bên trên. Dáng dấp thiên nga nhàn nhã thư thái, cảm giác như muốn phá vỡ bức tranh mà bay ra ngoài, vừa vặn khiến bức ‘Thu Hà’ của họa học chánh trở nên mất thần thái, ngược lại có vẻ khô khan.

Hơn nữa anh ta trước đó không nhìn bản gốc, tùy ý hạ bút vẽ, hiển nhiên hơn hẳn họa học chánh một bậc. Có người không khỏi mở miệng trầm trồ khen ngợi, đến lúc kêu thành tiếng mới chú ý đến họa học chánh, vội vội vàng vàng ngậm miệng, nhưng ánh mắt lại lộ ra vẻ thán phục.

Họa học chánh cũng tiến lên nhìn kỹ, đờ đẫn không lên tiếng, đợi một lúc lâu mới liếc nhìn Thôi Bạch, bình luận “Dùng mực cũng khá, nhưng vẽ thêm thiên nga ở chỗ này, khiến bức tranh bỗng nhiên chật chội, mà ở dưới còn nhiều khoảng trống, mất đi bố cục”

“Không sai, không sai” Lúc này Thôi Bạch cũng hùa theo, thoải mái hướng họa học chánh cưới nói “Tôi cũng thấy con thiên nga ngu ngốc này ở vị trí quá cao, ngược lại kéo thấp xuống sẽ thỏa đáng hơn”

Nhìn vẻ mặt anh ta như vậy, mọi người đều hiểu anh ta nói lời này chỉ để chế nhạo họa học chánh, đều không nhịn được cười. Họa học chánh ngực không ngừng phập phồng, dường như bất cứ lúc nào cũng có thể chết vì tức, có lẽ không muốn trước mặt chúng học sinh tùy tiện tức giận, cuối cùng chỉ nặng nề phất tay áo, ngón tay chỉ ra ngoài cửa nói với Thôi Bạch “Đi ra ngoài!”

Sau khi hạ thấp người thi lễ với họa học chánh, Thôi Bạch đi ra khỏi cửa, ý cười nhẹ trên môi vẫn không giảm, anh ta bước đi bình tĩnh tự nhiên.

Tôi hơi dời bước, nhìn anh ta đi xa, hành vi ngông cuồng của anh ta mang đến sự hả hê nhưng bù lại trong lòng lại tiếc nuối, tôi mơ hồ cảm thấy, ngày anh ta rời khỏi Họa viện rất nhanh sẽ tới.

Chú thích của tác giả:

Bội ngư: là tín phù của quan ngũ phẩm trở nên dùng để ra vào hoàng thành vào triều gặp vua, dựa theo cấp bậc của quan viên để phân biệt lấy vàng, bạc, đồng chế tạo thành hình con cá, gọi là bội ngư, có khắc họ tên, chức quan của viên quan, lấy bao đựng thắt ở bên hông, là vật chứng minh thân phận và địa vị của quan viên.

Xưng hô với hoạn quan: Thời Tống hoạn quan không gọi là thái giám, gọi chung là nội thị, nội thần, hoạn giả, trung quan; người Tống không gọi họ là ‘công công’ mà thường gọi chức quan của họ, ‘trung quý nhân’ là cách gọi kính trọng của người bên ngoài cung đối với hoạn quan.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN