Cô Thành Bế
Chương 8: Hòa thân
Cuối mùa xuân năm nay, quân đội Khiết Đan áp sát biên giới, vua nước Liêu[1] cử Tuyên huy nam viện sử Tiêu Anh và Hàn lâm học sĩ Lưu Lục Phù đến đưa thư, đòi Đại Tống Doanh Châu, Mạc Châu và đất Quan Nam[2]
[1] Nhà Liêu (907 – 1218) là một triều đại do người Khiết Đan thành lập ở phía bắc, luôn đối đầu với nhà Tống ở phía nam
[2] Quan Nam là tên vùng đất cổ. Thời Bắc Tống ý chỉ Tam Quan (ba cửa ải) là Ngõa Kiều, Ích Tân, Ứ Khẩu
Hai châu Doanh, Mạc là một phần của Yến Vân Thập Lục Châu[3], năm đó bị ‘vua bù nhìn’ Thạch Kính Đường[4] cắt nhượng cho Khiết Đan, về sau Chu Thế Tông giành lại, rồi đến nước ta tiếp quản cho tới bây giờ. Nhiều năm qua, Khiết Đan vẫn giữ tham vọng muốn Đại Tống ‘trả lại’ hai châu. Trong bản hòa ước Thiền Uyên, Chân Tông hoàng đế phải hứa mỗi năm nộp tiền cho Khiết Đan, thì Khiết Đan mới bằng lòng nghị hòa. Thế nhưng hôm nay nhắc lại chuyện cũ, qua giọng điệu của sứ thần bọn họ, đoán chừng nhất định là thế.
[3] Yến Vân Thập Lục Châu chính là khu vực Bắc Kinh, Hà Bắc, phía bắc Thiên Tân và Sơn Tây ngày nay, bao gồm mười sáu châu là U, Kế, Doanh, Mạc, Trác, Đàn, Thuận, Vân, Nho, Quỳ, Vũ, Tân, Úy, Ứng, Hoàn, Sóc. Bởi vì địa thế từ trên cao nhìn xuống, dễ thủ khó công, cho nên là phòng tuyến quan trọng của đồng bằng Hoa Bắc, là vị trí chiến lược quan trọng.
[4] Thạch Kính Đường: Hậu Tấn Cao Tổ, vua khai quốc nhà Hậu Tấn thời Ngũ Đại Thập Quốc
Các vị quan triều đình đề nghị không được cắt đất, quyết định lấy việc hòa thân với Khiết Đan để nghị hòa, hứa gả con gái trong hoàng tộc Đại Tống cho Lương vương Da Luật Cơ Hồng – con trai trưởng của vua Liêu để giải trừ đi vấn đề đất đai.
Nữ tử trong hoàng thất được lựa chọn là con gái của Tín An Quận vương Duẫn Ninh.
Quan gia phái Tri chế cáo Phú Bật tiếp đón sứ thần, Giả Xương Triêu đi cùng hỗ trợ nghênh đón sứ thần Khiết Đan đến sứ quán cùng nhau đàm phán.
Sứ thần Khiết Đan cũng có ý hòa thân, nhưng vừa nghe kim thượng phong nữ tử hoàng tộc làm công chúa gả cho Lương vương, Tiêu Anh liền lộ vẻ không vui “Không phải hoàng đế Đại Tống cũng có con gái sao? Nghe nói Phúc Khang công chúa đẹp đến nao lòng, thần dân đất nước tôi vô cùng ngưỡng mộ”
Phú Bật giải thích rõ vì công chúa còn nhỏ, phải mười năm nữa mới có thể lập gia đình. Lưu Lục Phù cười nói “Lương vương cũng mới mười tuổi, ngược lại bằng tuổi Phúc Khang công chúa, đợi thêm mười năm cũng không tính là gì. Đã hòa thân thì đương nhiên phải để con gái ruột của hoàng đế thành hôn mới tỏ rõ thành ý. Lương vương là con trưởng của hoàng đế chúng tôi, hoàng đế quý quốc lại chỉ gả nữ tử hoàng tộc, chẳng lẽ xem thường nước chúng tôi nhỏ bé non yếu, không xứng với các người sao?”
Phú Bật và Giả Xương Triêu tâu lại việc này, quan gia từ chối ngay lập tức, bất kể thế nào cũng không chịu để Phúc Khang công chúa hòa thân. Vì thế lệnh cho Phú Bật đi sứ Khiết Đan, gặp mặt quốc chủ (người đứng đầu một nước) nói chuyện, hứa mỗi năm sẽ tăng thêm tiền, nhưng nhất định không đồng ý gả công chúa. Phú Bật cũng bằng lòng nói “Để quân vương phải lo âu khiến bề tôi hổ thẹn. Lần này thần đi, ngoài việc tăng thêm tiền, quyết không hứa hẹn chuyện gì khác”
Trước khi lên đường, quan gia phong Phú Bật làm Lễ bộ viên ngoại lang, Xu mật trực học sĩ, nhưng ông ta không nhận. Sau khi tan triều, Phú Bật lại đến Xu mật viện cùng các quan bàn bạc chi tiết về nội dung đàm phán trong chuyến đi sứ. Thảo luận xong, mọi người xuất cung ra về, ông ta vẫn ở lại trong viện, vất vả suy nghĩ kế ứng phó.
Chợt có nội thị của Hậu tỉnh đến, mang theo một đống bút, mực quý báu, tất cả đều là vật phẩm quý giá trong ngự kho, nói là quan gia có lòng ban cho Phú đại nhân.
Trùng hợp lúc ấy tôi đang trực ở trong viện. Sau khi Phú Bật tạ ơn thì sai tôi nhận lấy vật ngự ban, rồi lại im lặng ngồi xuống, nhắm mắt trầm tư.
Tôi đã hiểu chung chung về vấn đề này, lúc đi theo hầu các đại thần Xu mật viện có nghe được đôi câu và một phần là trong quá trình sao chép công văn, cho nên hiểu rõ Phú đại nhân lo lắng chuyện gì. Nhìn vật phẩm quý giá trong tay, trong lòng chợt xúc động, vì thế chọn ra một thỏi mực trong đống vật ngự ban, để ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, rồi mới bê tới đặt ở trên bàn bên cạnh Phú Bật.
Mấy năm gần đây, trong cung có thói quen thưởng mực cho các quan, chính là mực họ Lý ở Huy Châu. Lý thị là gia đình có tiếng làm mực ở Huy Châu, mực của họ cứng như ngọc, đường vân tinh tế, chất mực sáng bóng, cho nên nổi danh thiên hạ, được xếp vào hàng cống phẩm. Mực họ Lý (còn gọi là Lý mặc) dùng để thưởng cho đại thần đều đặt trong hộp gỗ tử đàn, trên hộp chạm trổ hoa văn tinh xảo, có con dấu của ngự kho. Nhưng mực ban cho Phú Bật hôm nay không phải mực họ Lý, mà là mực vương địch của Tây Lạc đựng trong túi da báo.
Để vật phẩm xuống, thấy có tiếng động nhẹ, Phú Bật nghiêng đầu nhìn, cũng nhận ra điều khác thường này, bèn cầm một thỏi mực vương địch lên xem tỉ mỉ.
“Hôm nay mực họ Lý không phải vật cống nạp à?”
Tôi biết nguyên nhân trong đó, thế nên thẳng thừng nói “Mực họ Lý vẫn là cống phẩm, nhưng vì hôm nay gỗ tử đàn đã bán hết, không còn để làm hộp, Lý thị xin lấy hộp gỗ quế thay thế, quan gia không đồng ý, nói bình thường ban thưởng Lý mặc cho đại thần đều dùng gỗ tử đàn để đựng, nếu đổi thành hộp quế, sợ rằng quần thần lo lắng thánh ân suy giảm nên dứt khoát không nhận. Mực vương địch của Tây Lạc dùng viễn yên[5],keo hươu, có mùi long diên hương, cũng là mực tốt hiếm có, lại được đựng trong túi da báo đáng giá nghìn vàng, có phần hoang dã. Thế nên quan gia ra lệnh vật ban thưởng năm nay đổi thành mực vương địch.”
[5] Viễn yên: một loại nguyên liệu để làm mực
Phú Bật nói “Người đời ai cũng thích mực họ Lý, nếu chỉ vì một cái hộp mà bỏ không dùng, thì chẳng phải giống với đạo lý ‘lấy dùi bỏ ngọc[6]’ hay sao?”
[6] Lấy dùi bỏ ngọc: Người nước Sở sang nước Trịnh bán ngọc, trong tráp dựng đầy những trang sức quý giá, nhưng người nướcTrịnh chỉ mua cái tráp mà trả lại ngọc, ví với người tầm nhìn hạn hẹp, không biết nhìn xa trông rộng.
Tôi đáp “Hoài Cát cả gan, xin hỏi đại nhân, Lý mặc Huy Châu có phải loại mực ngài yêu thích nhất không?”
Phú Bật cười nói “Ngược lại không phải! Ta chỉ thích mực đông dao của Sài Tuần”
“Đúng là như vậy!” Tôi nói tiếp “Mực họ Lý tuy tốt, nhưng cũng không phải là không thể thay thế. Cũng có người thích mực vương địch của Tây Lạc, mực đông dao của Sài Tuần, mực thịnh thị của Tuyên Châu, hay mực trần thị của Đông Sơn. Yêu thích món đồ nào thì tùy vào mỗi người khác nhau, nhưng nói là vật ngự thưởng ngự ban, người đời liền yêu thích muốn có mực họ Lý. Hộp gỗ tử đàn càng được mọi người vô cùng coi trọng, ngoài việc nổi tiếng gần xa, người đời còn biết là vật ngự ban. Nếu thưởng mực họ Lý mà không có hộp tử đàn, thì tất sẽ có người hiểu lầm, chi bằng đổi thành một loại mực nổi tiếng khác”
“Không sai không sai, mặc dù đồng liêu trong triều của ta thích mực họ Lý, nhưng không phải tất cả đều muốn, trái lại hộp tử đàn thì không ai không thích” Phú Bật liên tục gật đầu, vô cùng tán thành “Còn từng có người nói đùa rằng, không bằng xin quan gia chỉ ban hộp tử đàn cho chúng ta, ngoài ra thưởng thêm ít tiền bạc, để chúng ta tự mua mực mà mình yêu thích rồi bỏ vào…”
Ông ta cười vui vẻ, tâm trạng tốt lên, tôi cũng cười nhẹ, không nói thêm gì.
Chốc lát, nụ cười của ông ta biến mất, giống như đột nhiên nghĩ tới điều gì, vỗ bàn nói “Đúng rồi, đúng rồi, sao trước đây không nghĩ tới?”
Ông ta đứng dậy, trịnh trọng vái tôi một vái “Cảm ơn trung quý nhân nhắc nhở”
Sau đó ông ta đi sứ Khiết Đan, nói với quốc chủ rằng, hoàng tử và công chúa tính cách không hẳn hợp nhau, kết hôn dễ nảy sinh tranh chấp, tình cảm vợ chồng khó hòa hợp, đời người dài ngắn khác nhau, công chúa hòa thân gửi gắm không chắc chắn, sau này dễ xảy ra biến cố, không bằng tăng thêm vàng, tơ lụa để thuận tiện. Vả lại, căn cứ vào thông lệ Nam triều (nhà Tống) gả trưởng công chúa, của cải hồi môn chỉ có mười vạn xâu, cho dù hoàng đế gả con gái ruột, cũng sẽ không vượt quá mức ấy, còn chẳng bằng tiền lợi nhuận mỗi năm.
Ban đầu quốc chủ Khiết Đan cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều tiền bạc, nghe nói của hồi môn của công chúa chỉ có mười vạn, liền lập tức đồng ý đề xuất mỗi năm Nam triều tăng thêm mười vạn lượng bạc, mười vạn xếp lụa. Thế là hai nước lại phái sứ giả gửi thư tuyên thệ, không nhắc tới chuyện hòa thân và cắt đất.
Nhiều năm sau, Lương vương Gia Luật Cơ Hồng lên ngôi hoàng đế, vì nghi ngờ vợ tư thông với quan linh[7] Triệu Tư Nhất, hắn liền ban chết cho hoàng hậu Tiêu Quan Âm. Nếu như năm ấy người gả đi là Phúc Khang công chúa, thì chắc hẳn sẽ là một trận bi kịch lớn hơn thế.
[7] Quan linh: thời phong kiến, linh là cách gọi khác của diễn viên tuồng. Trong cung đình có chức quan trao cho người hát tuồng, gọi là quan linh.
Sau khi Phú Bật đi sứ trở về khoảng hơn tháng, có một người đàn bà hơn ba mươi tuổi từ trong cung đến, tự xưng là nhũ mẫu của Phúc Khang công chúa – Hàn thị, nhẹ nhàng nói với tôi “Phú đại nhân không làm nhục sứ mệnh, quan gia vô cùng vui vẻ, tán thưởng ông hết lời, ông lại nói với quan gia việc được cậu gợi ý. Quan gia lại nói cho hoàng hậu và Miêu chiêu dung, hoàng hậu cũng khen ngợi cậu, nhưng lại nói ‘Đứa trẻ này thông minh, nếu ở lâu trong Xu mật viện, sợ là Ngự sử đài lại có lời khuyên can, không bằng chuyển đến Hậu tỉnh’. Miêu chiêu dung liền xin bà ấy cho cậu tới hậu hạ Phúc Khang công chúa, nói cậu hai lần giúp công chúa thoát khỏi cảnh khó khăn, cũng là duyên phận. Hoàng hậu bèn để tôi đến hỏi ý kiến cậu trước, nếu cậu đồng ý thì có thể chuyển đi… Đứa trẻ ngoan, cậu có bằng lòng không?”
Tôi đồng ý, không có nhiều do dự.
Không lâu sau đó, tôi chính thức chuyển đến Nhập nội nội thị tỉnh, thăng một bậc, trở thành nội thị cao ban, đến chỗ Miêu chiêu dung hầu hạ Phúc Khang công chúa.
Chỗ ở lúc trước của tôi ở Tiền tỉnh cũng chuyển vào trong cung. Ngày dọn đi, Trương Thừa Chiếu đến tiễn tôi, cậu ta lưu luyến nắm tay tôi, liên tục căn dặn “Nếu như sau này có giàu sang, nhất định không được quên nhau”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!