Dấu Chân Người Lính - Chương 5
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
296


Dấu Chân Người Lính


Chương 5


Chiến dịch bắt đầu. Tiếng súng mở màn chiến đã nổ ra với tất cả tính chất gay gắt. Cả hai bên đều dự trữ lực lượng mạnh. Miếng đất sát giới tuyến như đầu một cái mỏ hàn mà cực âm và cực dương đã tiếp xúc. Bên phía quân ta đã tập trung rập rình ở đây một số trung đoàn và sư đoàn thiện chiến nhất của ta đang tích cực chuẩn bị hành động ở hướng đường 9 và Khe Sanh.

Tình hình phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng đã đến lúc cần phối hợp hành động toàn chiến trường: Nhiệm vụ các đơn vị tham chiến trên mặt trận Khe Sanh phải nổ súng trước cuộc Tổng tiến công mười ngày, mục đích để giam chân và thu hút một số đơn vị ứng chiến cơ động, một số lực lượng phi pháo của địch. Mệnh lệnh về thời gian nổ súng trên giao cho Mặt trận hết sức cấp bách. Chỉ kể qua một vài khó khăn của các đơn vị do công tác chuẩn bị chưa hoàn thành: bộc phá chưa có nụ xòe, đạn ĐKZ, đạn súng cối và đạn một số hỏa khí chưa đủ cơ số chiến đấu. Gạo mới “gùi” đủ ăn cho bộ phận trực tiếp chiến đấu mỗi người ba ngày. Anh em phía sau vẫn phải ăn cháo. Trận đánh chiếm thị trấn, đơn vị lĩnh nhiệm vụ chưa có thì giờ trinh sát kỹ lưỡng. Trước ngày hai mươi bốn tháng chạp, địch đánh hơi thấy một cuộc chuyển quân lớn đang dần dần tụ lại quanh thung lũng Khe Sanh nên chúng tiến hành một cuộc oanh tạc phá chuẩn bị. Một vài đơn vị của ta dính oanh tạc, một số con đường xuất kích do công binh mở từ trước bị ném bom hỏng. Tất cả những khó khăn không thể lay chuyển quyết tâm chiến đấu của toàn thể cán bộ và chiến sĩ trên toàn Mặt trận. Các đơn vị đều nhận rõ tầm quan trọng chiến lược của chiến trường Khe Sanh đối với cả hai miền Nam Bắc, và đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt khắp miền Nam. Các Đảng ủy và bộ đội tham chiến đều ra sức khắc phục mọi khó khăn, chấp hành mệnh lệnh chiến đấu. Diễn biến chiến dịch giai đoạn đầu hết sức mau lẹ. Vào một đêm mùa đông giáp Tết âm lịch, ngọn tầm sét vung lên từ phía bắc đã giáng xuống đầu quân Mỹ: Thị trấn Khe Sanh bị quân ta tấn công đầu tiên. Và chỉ trong vòng nửa tháng, cả tập đoàn cứ điểm Khe Sanh đã bị rơi vào tay quân ta. Hai ngày sau, bên phía Lào, Bộ đội Pa Thét Lào tấn công tiêu diệt đồn Huội San trên đường 9. Năm trăm binh lính đồn Huội San phải bỏ chạy tắt rừng sang trú nhờ đồn Làng Vây. Ăn Tết xong, quân ta lại tiến công và tiêu diệt đồn Làng Vây. Cái vị trí then chốt công sự chắc chắn có hơn một ngàn tên chiếm giữ bị quân ta san bằng rất gọn ghẽ trong một đêm đã khiến cho bọn cầm quyền và tướng tá tận bên Mỹ hết sức hoang mang lo sợ.

Lúc bấy giờ làn sóng Tổng tiến công mùa Xuân đã phủ lên đầu hơn một triệu quân Mỹ và chư hầu. Tuy đang bị lúng túng trước những cuộc tấn công của quân ta ở khắp các thành phố và thị trấn. Bộ Tư lệnh viễn chinh Mỹ vẫn mỗi ngày thêm đau đầu trước tình hình khu vực Khe Sanh ở phía Bắc. Ở đây, Bộ Tư lệnh viễn chinh Mỹ luôn luôn bị uy hiếp bởi một ý đồ chiến dịch ngấm ngầm và rất linh hoạt, không thể nào dự đoán hết được. Tất cả vẫn đang còn giấu kín sau vừng trán của Bộ Tư lệnh chiến dịch Quân Giải phóng. Hằng ngày, trung tâm Tà Cơn với hơn sáu ngàn sinh mạng lính Mỹ nằm phơi cái thân hình trần trụi ra trước con mắt các đài quan sát của ta. Bộ Tư lệnh Mỹ hết sức khốn đốn trên khắp chiến trường nhưng vẫn phải giữ chung quanh “chiếc mỏ neo phía Bắc” một lực lượng ứng cứu để sẵn sàng “chữa cháy”! Nhưng nên để ở đây bao nhiêu quân ứng cứu cho đủ? Bởi vì làm sao chúng dự đoán được chiến dịch chính sẽ mở ra ở đây, hay đây chi là một trò chơi “ú tim” của Việt cộng? Hãy cứ biết rằng sang giữa mùa Xuân, trung tâm Tà Cơn hoàn toàn rơi vào tình trạng cấp cứu bởi một chiến dịch bao vây quy mô. Những cái “chốt” của bộ đội từ bên ngoài mỗi ngày một đóng sâu vào hàng rào. Đủ các thứ máy bay cùng các loại bom đạn không thể lay chuyển được vòng đai bao vây. Ban ngày cũng như ban đêm, lính thủy đánh bộ đều phải rúc xuống hầm. Trung tâm Tà Cơn biến thành một cái bãi tha ma rộng mênh mông chứa hàng ngàn cái huyệt những tên lính Mỹ còn sống. Chưa bao giờ lính thủy đanh bộ phải ngồi dưới hầm, thế mà bây giờ chúng đâm ra sợ ánh sáng mặt trời. Nhưng làm thế nào một vị trí quân chiếm đóng có thể bỏ trống mặt đất được? Hầu như lúc nào trên mặt đất cũng có những khuôn mặt thập thò quan sát, những bóng dáng chạy đi chạy lại giữa các đoạn chiến hào bị phá hoại để khiêng xác chết, để nhặt hàng tiếp tế từ trên máy bay thả xuống, những chuyến máy bay đổ xuống sân vội vã và hốt hoảng để lấy thương binh… Và bao trùm lên tất cả mọi hoạt động trên mặt đất là những trận bão lửa do đạn ta từ bên ngoài tập kích vào. Đạn pháo bắn liên tục, lúc cầm canh, lúc cấp tập, đạn pháo tầm xa bay xuống từng loạt khiến lính Mỹ chỉ nghe tiếng réo trên đầu cũng đủ khủng khiếp. Một làn bụi đất và khói không bao giờ tan hết, bay chờn vờn như một làn tử khí trên các bãi tha ma rộng mênh mông. Ban đêm làn khói bụi sáng rực lên thành một vệt hình bán nguyệt ôm lấy mặt đất, từ trong đó phát ra hàng trăm thứ tiếng động điên loạn: tiếng động cơ rađa, tiếng máy bay lên xuống, tiếng máy nổ, tiếng phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Thái Lan lẫn tiếng Anh. Một ngọn đèn tín hiệu đỏ như máu nhấp nháy trên đầu đường băng sân bay tượng trưng cho con mắt lính viễn chinh Mỹ đang ngày đêm nhìn lên bầu trời…

o O o

Chiến dịch mở đã hơn nửa tháng nhưng trung đoàn 5 hầu như lực lượng vẫn còn nguyên vẹn. Trung đoàn mới tham gia trận đánh chiếm thị trấn với tư cách một đơn vị phối thuộc, lực lượng sử dụng chưa tới một tiểu đoàn. Sau chiến thắng đầu tiên của tiểu đoàn 1, trung đoàn đang bố trí trận địa phục kích trên những dải đồi tranh phía nam đường 9 thì nhận được lệnh tiến vào bao vây Tà Cơn. Họp đảng ủy xong, Kinh và Nhẫn liền mang hai tiểu đoàn chưa tham chiến về phía bắc đường 9. Bộ đội bắt tay ngay vào cấu trúc công sự và chiến hào. Suốt những ngày mưa cuối cùng đầu tháng giêng âm lịch, trong khi các trung đoàn bộ binh khác nổ súng đánh “điểm” thì chiến sĩ trung đoàn 5 trở thành mục tiêu chủ yếu của những trận phản kích và các trận ném bom bằng máy bay B.52, trung đoàn đã tiến hành một chiến dịch bao vây vừa có tính chất phòng ngư, vừa có tính chất tiến công hết sức tích cực.

Lượng đang ở trên chốt phía nam cùng với một tổ trinh sát bám địch. Hầm của Lượng và tổ trinh sát nằm phía sau một đoạn chiến hào “râu tôm”, hai người chung một hầm. Hằng ngày các trinh sát viên lên vị trí cảnh giới bám địch. Vị trí cảnh giới là một cái hố cá nhân có nắp nằm phía trên khúc hào đào dở dang đã ăn ruỗng dưới chân bãi hàng rào trong cùng. Đó cũng chính là khu vực ta và địch đang tranh chấp nhau: Đêm nào các đơn vị bộ đội phía sau cũng lên bí mật đào dũi, ban ngày thỉnh thoáng địch lẻn ra rải mìn đá, dùng dây thép gai ráp lại, có khi chúng cho một toán nhỏ ra phục kích vào những lúc trời đã chạng vạng tối.

Tổ trinh sát mới được bổ sung một chiến sĩ tên là Phán, từ trên tiểu đoàn quân báo của Bộ Tư lệnh xuống. Hắn ta xuất hiện trước mắt các chiến sĩ trinh sát già dặn của Lượng với một mái tóc “cua” dựng ngược nom đến là ngạo mạn. “Các cậu xoàng bỏ mẹ – Một hôm cậu ta thốt lên – Bao nhiêu lâu các cậu nằm lỳ ở đây mà không sao tóm được một tên tù binh Mỹ nào cho ra hồn” – “Bớt cái mồm đi ông tướng – Một cậu khác đang nằm nghiêng trong cái hàm ếch lót dù trắng, kẹp trên năm đầu ngón tay cáu đen những trang giấy in đã nhàu nát – Đánh phản kích, chúng tớ có thể tóm hàng xâu tù binh, nhưng mình chưa kịp lùa chúng nó xuống hàm ếch thì ngước mắt lên đã trông thấy chúng nó chết thui cả một lượt vì bom xăng rồi!” – “Các cậu nằm ở đây mà còn “tĩnh tâm” để đọc sách cơ à?” – “Chứ sao, cậu nghe đài thì hẳn biết bọn nhà báo phương Tây vừa liều chết đáp máy bay xuống sân bay Tà Cơn mục đích cũng chỉ để hòng biết “chúng mình” và “chúng nó” ăn ở như thế nào thôi!” – “Cậu đọc cái gì vậy. ” – “Bất khuất” đấy? (Tác phẩm của đồng chí Nguyễn Đức Thuận).

Chẳng bao lâu, Phán đã chinh phục được mọi anh em chung quanh bằng cái vốn tri thức của anh về đời sống những tên Mỹ thuộc tầng lớp “thượng nghị sĩ”. Phán xuất thân học sinh trung cấp ngoại ngữ. Những năm đầu chiến tranh, cậu ta làm phiên dịch trong một trại giam giặc lái máy bay Mỹ – “Các cậu này – Phán vừa đi cảnh giới về, đang ngồi tựa lưng vào vách hào để lau súng và nói chuyện – Ở ngoài ấy, cánh pháo cao xạ phải xoay nòng pháo lên trời để kêu bọn Mỹ xuống, còn chúng mình ở đây ngày nào cũng phải chờ chúng nó chui dưới đất lên mà đánh. Thật là trái ngựợc đến buồn cười!”.

– Nghe nói ở ngoài kia chúng mình tóm được cả những tên giặc lái máy bay cấp bậc đại tá? – Một cậu trinh sát đầu húi trọc, đang ngồi hý hoáy dán một tấm ảnh khuôn mặt của Giônxơn lên mặt sau của một chiếc xẻng, hỏi.

– Chúng ta tóm được đủ loại, riêng loại cấp tá thì không ít đâu. Các cậu nên biết rằng mỗi tên phi công phản lực Mỹ phải có một người trong thượng nghị viện Mỹ bảo đảm. Nói chung, bọn phi công phản lực đều là bọn con ông cháu cha, nhiều đứa có bằng cấp cử nhân, tiến sĩ, nhưng các cậu hãy xem chúng nó sống ở trại giam thì biết, các cậu cứ chìa cho chúng nó một điếu thuốc lá hay cái kẹo là chúng nó xun xoe, nịnh nọt, thằng bướng nhất cũng vậy, thằng đại tá, trung tá cũng vậy, thằng nào cũng chỉ nói đến tiền lương cao và tiền thưởng hậu. Phần nhiều chúng nó thích nghề lái máy bay phản lực vì lương cao, vì được giết người mà hai bàn tay bao giờ cũng “sạch sẽ”.

Cậu chiến sĩ đầu húi trọc đưa tay phủi một vệt đất trên tấm ảnh Giônxơn cắt trong tờ họa báo Mỹ:

– Thế mà ở đây ông Tổng thống của chúng nó mặt mũi cũng lấm láp bẩn thỉu! Các cậu có biết chiều hôm qua tớ với anh Lượng “xơi ngon” được mấy thằng không? Bốn thằng! Tớ đang nấp ở chỗ hào cụt, giơ cái xẻng lên, lại úp lên trên lưỡi xẻng một cái mũ sắt, làm cứ y như “thằng cha Giônxơn” đang ra trận! Mình ngồi dưới hố vừa nhai gạo rang tẩm đường vừa nghịch cái trò ấy. Thế mà tất cả các loại trung liên, đại liên bên trong đều thi nhau phát hỏa, y như những thằng, “quáng gà” phát điên phát rồ vậy. Ông Lượng bắn tài thật! Ông ấy cứ đĩnh đạc phát một, chỉ trong mấy phút đã “xơi ngon” bốn thằng bắn súng máy của bốn ụ súng. Lúc hai người chúng mình men theo hào chạy trở về thì lại trông thấy một cái váy xám bay lất phất, lất phất bên một cái ụ đất. Lần này thì chính ông Lượng mắng tớ là một thằng “quáng gà”! Cái váy đàn bà, cái váy một con bé nữ binh hay một con đĩ thì phải? Thế mà tớ cứ tưởng mép tấm vải bạt che hòm đạn của chúng nó mới chết chứ. Lúc “nó” bắt đầu “vận động” trên mặt đất, động tác thành thạo hết sức, hai cái cẳng chân đàn bà thò ra ngoài, tớ mới biết đã trông nhầm! Mẹ nó chứ, nó đi tiếp tế cho các hầm lính các cậu ạ. Tớ trông cái con đàn bà tóc xoăn mặc váy ka ki Mỹ mà tức lộn ruột. Nó ôm trước ngực một bọc ni lông rất căng, không biết cái bao ny lông đựng nước ngọt hay rượu? Nó vừa dùng trước một cái hầm thì ngã ngửa một cái, cái bao nước vỡ toang xẹp ngay xuống. Tớ gọi ông Lượng: “Anh bắn trượt rồi!’!. Ông ấy bảo: “Tao đã bắn thì trượt làm sao được”. Vừa lúc ấy con đàn bà nhổm dậy, vừa khóc mếu máo vừa bò vào trong hầm, như một con rắn xám đang chui vào lỗ. Ông Lượng đỏ mặt nói với tớ: “Lần này hãy cho nó biết như thế. Lần sau, nó còn đi tiếp tế, tao sẽ bắn què cẳng! “

Phán hỏi cậu chiến sĩ trinh sát đầu trọc:

– Vậy đại đội trưởng của chúng mình đã bắn trượt một phát đạn ấy hay chỉ định bắn cảnh cáo?

– Cậu bảo thế nào? Cậu nên biết rằng cánh bộ binh được chọn vào đội bắn tỉa không đứa nào bắn giỏi bằng ông Lượng đâu. Cậu nên nhớ đối với bọn lính, nhất là ba cái thằng Mỹ cứ thập thò ra ngoài, tớ chưa thấy lần nào ông ấy bắn trượt cả.

o O o

Ngày hôm sau, Lượng báo cáo bằng điện thoại về Sở chỉ huy sở trung đoàn: Có thể địch lại sắp tổ chức một đợt phản kích ra ngoài trận địa bao vây.

Nhẫn nghe báo cáo, chất vấn:

– Cậu căn cứ vào đâu để phán đoán?

– Ở chỗ tôi vừa có một cậu biết tiếng Anh – Lượng trả lời – Mấy lần trước, mỗi lần chúng nó sắp đánh ra ngoài, chúng tôi nghe thấy trong các buổi phát thanh bằng tiếng Anh trên loa, chứng nó nói hung hăng lắm!

Nhẫn hỏi lại:

– Chúng nó động viên nhau phải không?

– Một cách như thế, và còn một điều này nữa, mấy hôm nay lại thấy bọn gái đĩ xuất hiện đi lại tiếp tế trong các khu chiến hào ở của bọn lính Mỹ. Chúng tiếp tế cả nước ngọt và rượu cho bọn lính.

Sau khi trao đổi kế hoạch bố trí chiến đấu với Lượng và đồng chí đại đội phó chỉ huy bộ binh trên tiền duyên, Nhẫn bảo hai người:

– Tôi đã lệnh cho các tổ bắn tỉa phải tích cực bắn bọn đi nhặt hàng ngoài bãi dù và bọn đi tiếp tế trong đồn. Bọn gái đĩ đi tiếp tế cũng bắn. Lâu nay các chiến sĩ bắn tỉa và trinh sát địch tỏ ra nhân đạo một cách không đúng, mà thằng địch thì đang lợi dụng điều đó.

Lượng tự kiểm điểm thấy có khi anh cũng tỏ ra nhân đạo một cách vớ vẩn, điều đó thật trái ngược với công việc và tính cách của anh. Nhưng đúng như dự đoán cửa Lượng, hai ngày sau địch đưa quân phản kích ra “chốt” phía nam từ lúc trời chưa sáng. Khoảng bốn giờ rưỡi sáng, một tiểu đội bộ binh nằm gác trên khóm cà phê cháy bên trái trận địa đã phát hiện thấy khoảng một đại đội, toàn Mỹ, thằng nào cũng đội mũ sắt và mặc áo giáp to kềnh càng, đang tiến dọc theo con đường đá ngày xưa xe tăng trong Tà Cơn vẫn theo lối ấy để ra đường 9. Trước mặt và hai bên sườn quân Mỹ còn có khoảng hai trung đội nguy vừa đi vừa sục sạo. Tiểu đội cảnh giới chờ cho địch lọt vào trận địa “chốt” đã bố trí sẵn liền triển khai lên con đường đá chặn đường rút của địch.

Vào giữa lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra dưới khu vực trận địa bao vây của bộ binh, có hai tên lính Mỹ tìm cách chui qua hàng rào, ngay trước đoạn hào cảnh giới của tổ trinh sát. Hai tên Mỹ này định tìm cách trở về đồn nhưng bị lạc. Trời gần sáng và tiếng súng phía dưới nghe đã thưa thớt. Làn sương trắng vần vụ trên khoảng đất đầy chớp lửa. Một quả đạn pháo từ trong đồn rơi tản mát giữa hàng rào. Lượng ghé mắt nhìn qua cái gờ đất, đưa tay chỉ cho Phán đang ngồi bên cạnh trông thấy hai cái xác chết nằm sấp trên khoảng đất loang lổ hố đạn cối vừa lòe sáng. Hai người nhảy ra. Phán vừa đặt chân lên cái gờ đất của đoạn hào “râu tôm” đã trông thấy sau những hạt sương to như hạt mưa, giữa khóm hai cái xác chết đang nằm chụm đầu vào nhau, một bàn tay người chết bỗng giơ lên, cái bàn tay in bật trên nền trời trắng toát nom linh hoạt và sinh động như khúc đuôi vẫn ve vẩy của một con rắn đã bị đập chết. Phán nhanh nhẹn túm lấy vạt lưng áo vải bạt của Lượng, đè sấp cái thân hình to lớn của anh xuống.

Lượng hỏi gắt gỏng:

– Cái gì vậy?

– Hai cái thằng kia…

Phán chưa kịp thốt ra hết câu lí nhí thì hai cái xác chết Lượng chỉ cho anh ban nãy đã vùng dậy. Một thằng co cẳng chạy, vừa khuơ khẩu tiểu liên lia một băng. Loạt đạn xé không khí đi sượt qua đầu hai người. Tên Mỹ vừa bắn vừa chạy như một cái máy, hai cẳng chân đến là dài. Hắn lao đến trước một đoạn hàng rào liền bị một loạt đạn khác, từ nòng khẩu AK của Lượng bắn trúng giữa ngực. Loạt đạn bắn rất gần chỉ cách hai mét, lửa cháy bắn cả trên áo. Tên lính Mỹ liền đứng sững, bàn tay giơ lên như muốn ôm lấy vệt lửa trên ngực nhưng bất lực. Hắn vật người vào hàng rào, cái thân hình dài ngoẵng dướn thẳng như đứa trẻ lên cơn uốn ván rồi đột nhiên nhẽo ra, hai cái cẳng chân dài thõng thượt chấm sát đất không động đậy nữa.

Thằng thứ hai có vẻ một tên lính mới lớ ngớ chưa có kinh nghiệm chiến đấu, tuy già hơn. Hắn cũng nhổm dậy định chạy nhưng gấu quần vướng vào dây súng. Hắn nhổm dậy lần thứ hai thì đã chậm rồi. Phán đã chạy thẳng tới trước mặt hắn với một nỗi mừng rỡ chỉ có anh mới hiểu thấy hết. Một mũi súng lạnh như nước đá chạm vào cổ thằng lính Mỹ lớ ngớ. Hắn chống báng súng khập khễnh đứng dậy. Hắn đã bị một viên đạn bắn trúng bắp đùi không biết từ bao giờ, máu loang một vũng dưới chỗ bàn chân bên trái chỉ còn chiếc tất xám; một chiếc giày đã rơi đâu mất.

Lượng chỉ kịp để mắt nhìn qua một lượt cái thằng vừa bị anh bắn chết rồi quay sang tên tù binh. Hắn đang ngồi giơ thẳng hai cánh tay lên, trước mặt Phán. Hắn sợ chân tay cứ run bắn. Cánh tay dài và hai bên má bị dây thép gai cào sướt nhiều chỗ, cả túm lông đỏ đỏ vàng vàng mọc loăn xoăn từ ức xuống đến bụng cũng có nhiều vệt máu khô, dấu tích để lại sau cuộc chạy trốn nhưng không thoát.

Một chiếc máy bay trinh sát lượn vòng ngay trên đầu ba người. Cối cá nhân trong đồn lập tức câu ra tới tấp. Lượng và Phán phải hết sức vất vả mới đưa được tên tù binh xuống ẩn nấp dưới chiến hào. Nhưng sau đó hai người bảo hắn lên mặt đất thì hắn nhất định không chịu đứng dậy nữa. Phán nói với Lượng:

– Cái thằng này dát quá, nó sống trong đồn mà chưa phát điên lên là may!

Lượng liếc nhìn ra ngoài thấy trời đã sáng. Những dãy tường công sự giữa nền đất lổn nhổn và những cái bao đất lát hầm trong tung thâm hiện ra rất gần trong một bầu sương mù trôi lềnh bềnh.

“Nó đang đợi một đợt phản kích khác để lợi dụng chạy trốn chăng? – Lượng thoáng nghĩ – Có thể lắm, chúng đang tiếp tục tổ chức phản kích ra ngoài một đợt nữa chưa biết chừng?”.

Lượng hạ lệnh cho Phán bịt mắt và cởi dây lưng to của tên tù binh. Phán rụt rè hỏi:

– Để làm gì?

– Đây là mặt trận nên cần có kỷ luật chiến trường – Lượng đã nổi giận – Cậu hãy bảo cho nó biết ở đây là mặt trận nên phải có kỷ luật, nếu cần có thể xử bắn. Nếu nó không đứng dậy và rời khỏi nơi này ngay, cậu cứ việc dòng thắt lưng vào cổ nó mà lôi về phía sau.

o O o

Phán và Lượng đưa tên tù binh vừa bị bắt xuống đầu khu vực chốt của bộ binh để hỏi cung. Lúc bấy giờ khắp trận địa chốt chỗ nào cũng thấy xác địch nằm ngổn ngang. Một tốp mấy chiến sĩ xạ thủ ĐK đang tìm cách lăn một cái xác to lớn của một tên mặc áo giáp xuống hố bom.

Phán đem nhốt thằng Mỹ trong một cái hầm đạn ĐK bỏ không. Hai người đang lúi húi đi thu nhặt những tấm bản đồ và tài liệu của địch. Bỗng một chiếc AD.6 bay vòng chung quanh trận địa. Từ dưới chiếc cánh máy bay kiểu cánh quạt tuôn ra vô số những hạt trắng xóa như vôi bột.

Một chiếc AD.6 khác đến thả một loạt đạn cối xuống. Lập tức lửa tự nhiên bùng lên, và chỉ trong chốc lát khắp mặt đất chỗ nào cũng thấy lửa cháy ngùn ngụt.

Phán nhảy xuống một cái hầm kèo ngồi cùng với

Lượng và đồng chí đại đội phó chỉ huy bộ binh. Trên trời máy bay phản lực kéo tới hết tốp này đến tốp khác bắt đầu oanh tạc trận địa. Mặt đất ngập lửa thỉnh thoảng rung lên vì những loạt bom nổ.

Một lưỡi lửa xanh nồng nặc mùi xăng luồn vào cửa hầm ba người đang ngồi. Phán vẫn còn thắc mắc, hỏi Lượng:

– Vừa ban nãy nó thả cái gì xuống y như máy bay đi phun thuốc trừ sâu trong phim vậy?

– Nó rắc ét xăng khô để thiêu xác nó đấy – Lượng giải thích – Cậu không thấy những mẩu ét xăng đang cháy ngoài cửa hầm ư?

– Kiểu này tức là chúng nó không dám thò mũi ra ngoài nữa. Mẹ chúng nó! – Người cán bộ bộ binh hai mắt lim dim, đang lấy làm tiếc rẻ vì địch không chịu ra lượm xác chết để đánh tiếp một trận nữa.

Lát sau, máy bay ngừng oanh tạc, Phán liền chạy ra ngoài đi tìm tên tù binh. Phán chạy qua nhiều đám lửa vẫn còn đang cháy, mùi thịt người bốc lên đến nôn lợm. Xác tên lính Mỹ mặc áo giáp mấy xạ thủ ĐK lăn xuống hố bom ban nãy đang nằm co quắp trên thành một hố bom mới, y như lại vừa được đào lên.

Phán dẫn tên tù binh trở về cái hầm anh vừa ngồi với Lượng. Mỗi lần trông thấy một cái xác Mỹ bị cháy nằm co quắp tên tù binh lại kêu lên một tiếng, làm dấu chữ thập và quay mặt đi. Mới trông thấy chừng ấy, mặt mũi hắn đã trắng nhợt như vừa bị vắt hết máu, có vẻ hắn không còn cảm xúc được điều gì khác ngoài nỗi sợ hãi đến khủng khiếp Hắn đi khập khiễng giữa vùng khói tanh lợm mùi xương thịt của đồng loại, cầm chiếc mùi xoa áp chặt trên cái mũi dài gãy sống.

Vừa bước vào hầm, Phán đã khoe với Lượng:

– Nếu tôi không đến nhanh thì không khéo nó đã bị chết ngạt! Không biết có cậu nào tưởng cái hầm đạn ĐK bỏ không nên đã quăng vào một đống súng trường Mỹ chiến lợi phẩm. Thế là những khẩu súng bén lửa, may mà toàn là súng không có đạn.

– Cậu đã hỏi nó câu nào chưa? – Lượng bình thản ngắm nhìn thằng lính Mỹ bằng cặp mắt lờ đờ có những vằn đỏ.

– Chưa – Phán đáp – Nó mới tranh thủ “làm quen” với tôi nó vừa nịnh tôi bằng một câu chuyện riêng hết sức nhảm nhí, tôi đã phải “chỉnh” cho nó một trận.

– Chuyện gì vậy?

– Cái giống “quân Mẽo” này, chúng nó cũng mê tín khiếp đi anh Lượng ạ! Nó vừa khoe với tôi, nó biết trước nếu phải đi lính khi ra mặt trận nhất định nó không chết mà chỉ bị đạn vào chân. Bởi vì hồi nhỏ nó chơi bắn cung với thằng anh, nó bị một phát tên bắn trúng vào gót chân.

– Chuyện ấy kệ thây mẹ nó! Cậu hãy hỏi đi: Được phổ biến những gì trước khi đánh ra? Sau đó hỏi nó biết những gì về lữ đoàn 26 (lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ)?

Tên tù binh ngồi trệt bó gối trong góc hầm. Bây giờ hắn đã tỏ ra hết sức ngoan ngoãn, bảo gì cũng phục tùng. Cũng cho đến bây giờ Phán mới có thì giờ ngồi ngắm nghía hắn thật kỹ lưỡng như thói quen ngày xưa anh ngồi trước mắt những thằng giặc lái máy bay ăn cướp. Một vệt ánh sáng trắng từ cái lỗ thông hơi rọi xuống khiến khuôn mặt hắn nom mỏng manh như làm bằng một chất men sứ, nửa khuôn mặt bên kia đầy bóng tối. Thỉnh thoảng hắn ho khúc khắc khiến hai nửa bóng tối và ánh sáng trên cái khuôn mặt dài thượt đổ sang nhau, giữa một vệt ngăn cách của cái sống mũi gồ lên như sống dao bổ củi. Tên Mỹ nói liền một mạch khoảng dăm phút. Hắn luôn luôn xòe ngửa hai bàn tay. Hắn nói bằng giọng chậm rãi, rủ rỉ, chỉ khi đến vần “v” và vần “o” mới hơi uốn lưỡi. Phán chăm chú nghe hắn nói vẻ thất vọng lộ rõ dần trên nét mặt.

Phán quay về phía Lượng đưa tay vuốt mái tóc “cua” nói bằng giọng bực bội:

– Chúng mình phí công vớ phải một thằng ngu rồi!

Lượng hỏi:

– Sao, nó khai làm sao?

– Thằng này chăng biết ma gì sất! Đến cái phiên hiệu đại đội, nó cũng nhớ rất lộn xộn. Nó không phải là lính chiến đấu. Nó là một thằng lính thợ may.

– Không khéo nó “đóng kịch” với cậu. Ban nãy nó nhất định không chịu đi theo chúng mình xuống dưới này, chứng tỏ nó là thằng không phải không biết gì.

– Tôi có hỏi điều ấy. Nó khai là vì nó sợ bị chúng mình đem đi bắn. Theo tôi thì thằng này là một thằng rất dát và ngu độn. Ngày xưa tôi đã lấy cung nhiều thằng giặc lái máy bay. Bọn giặc lái ngoan cố và khôn ngoan hơn nhưng cũng đừng hòng có thằng nào “làm xiếc” với tôi.

Lượng bảo Phán hỏi thêm vài điều nữa. Lượng cũng đã tin tên tù binh khai thật thà. Nhưng ngoài một số tình hình sinh hoạt của lính và sĩ quan đang bị bao vây hắn chẳng biết chút gì về những tài liệu quân sự Lượng đang cần biết. Hắn run rẩy chìa cả hai bàn tay về phía Lượng rồi lại đặt úp trên ngực, mắt nhìn ngước lên, vẻ mặt đau khổ. Hắn cố chứng minh cho lới hắn nói là thật và thanh minh cho công việc hắn làm là vô tội: Hắn tên là Thompt, trung sĩ, lính thuộc đại đội quân nhu của lữ đoàn. Công việc của hắn bao giờ cũng phải ngồi dưới hầm và rất ít tiếp xúc với bọn lính tráng. Hắn mới được đưa đi đánh nhau lần này là lần đầu. Công việc của hắn là một công việc nghiêm trang và đáng “kiêu hãnh”: May cờ Mỹ và cờ hiệu cho lữ đoàn. Hắn kể tỉ mỉ chính hắn đã giữ cả một kho cờ Mỹ trong đồn Tà Cơn. “Mày giữ bao nhiêu lá cờ cũng kệ xác mày. Lính với tráng mà chẳng biết tí chút quân sự nào cả!” Lượng nghĩ một cách bực bội nhưng anh vẫn chăm chú tiếp tục nghe hắn kể lể bằng cái giọng đều đều như con chiên nguyện kinh.

-… Mỗi ngày lính thủy đánh bộ Mỹ đều chào cờ, vào buổi sáng – Hắn kể – Nhưng đấy là công việc đã qua. Cây cột cờ trong đồn Tà Cơn cao mười một thước. Từ ngày pháo binh của các ông thường xuyên ngày nào cũng bắn vào, lá cờ chỉ được kéo lên ở dưới thấp, kéo lên một cách chiếu lệ và thiếu hẳn nghi thức cần thiết. Thế mà mỗi ngày tên lửa mặt đất của các ông vẫn xé rách của nước Mỹ một lá cờ!…

– Nó nói được đấy – Lượng cười bảo Phán – Bảo nó khai tiếp chuyện ấy đi.

– Vâng, thưa hai ông, nếu có thể được tôi xin hai ông một điếu thuốc lá. Tôi xin khai tiếp: Thật là ghê tởm, ban nãy tôi vừa đi qua những cái xác chết. Lúc ấy tôi muốn hút một điếu thuốc lá để khỏi nghĩ cái mùi khét ghê tởm nhưng không còn một điếu nào trong túi. Tôi vừa đi qua trước mặt một thằng quen. Tôi nhận ra nó nhờ có đồng tiền vàng nó buộc trên cổ. Vâng, tôi biết. Tôi đang là một tù binh của các ông. Và đây là chiến trường. Nhưng sự thực là tôi không hề biết gì hết ngoài cái kho cờ Mỹ ở dưới hầm. Các ông cho tôi được khai những điều tôi biết chính xác nhất: Quân Mỹ chia thế giới ra làm năm quân khu. Tôi ở quân khu châu Âu sang đây năm ngoái. Điều thành thực tôi muốn khai với các ông là chưa có nơi nào trên thế giới tôi được chứng kiến lá cờ Mỹ bị xé rách chất từng đống từng đống như ở đây. Cứ nhìn khối lượng công việc của tôi ở “trong ấy” có thể các ông cũng phát sợ! Lâu nay tôi không làm một người thợ may nữa. Bởi vì không có vải, vả lại may một lá cờ Mỹ theo lối thủ công bằng máy khâu quá công phu. Tôi và một thằng nữa, chúng tôi phải ngồi vá những lá cờ Mỹ bị bắn rách, để nó trở nên lành lặn. Suốt ngày chúng tôi rúc dưới hầm cùng với hai chiếc máy khâu, với một lũ chuột. Những con chuột có thể mang bệnh dịch hạch thật kinh khủng! Thưa hai ông, tôi nói thế có phải trái với những điều các ông muốn biết không?

– Cho nó cứ khai tiếp đi – Lượng bảo Phán – cậu quẳng cho nó một điếu thuốc lá nữa!

Tên Mỹ có vẻ yên tâm hơn. Hắn vừa hút vừa nhai điếu thuốc, con mắt lấm lét nhìn Lượng:

– Ban nãy tôi đi qua xác thằng bạn quen, tôi đã làm một việc sai lầm nhưng không thể làm khác được: Tôi đã quay mặt đi! Thường ngày hắn để râu dài. Tóc nâu. Hắn trọng danh dự nhà binh lắm. Bố hắn làm nghề bẻ ghi xe lửa. Nhưng tất cả bây giờ thế là hết! Thế đấy ở trong một căn cứ quân sự thì lính Mỹ chúng tôi ngày nào cũng phải kéo cờ, dù là một lá cờ rách. Và mỗi người lính Mỹ chết, sau khi được bỏ vào bao ny lông mua của Tôkyô thì được phủ lên một lá cờ, dù là một lá cờ rách… Cũng không thể khác được bởi vì ngày nào pháo binh của các ông cũng bắn vào đến khủng khiếp. Tôi không dám giấu các ông một điều gì. Quả thật tôi không biết gì hơn, bởi vì suốt ngày tôi phải ở dưới hầm để làm một công việc chán ngấy của mình, tức là ngồi vá những lá cờ…

– Anh có hỏi nó thêm điều gì nữa không? – Phán hỏi Lượng.

– Gọi cậu y tá bộ binh tới băng vết thương cho nó – Lượng đứng dậy đến trước mặt tên Mỹ – Và cậu hãy dịch cho nó nghe điều này: Nó phải biết ơn bộ đội Giải phóng, suốt đời nó phải nhớ cái ơn ấy. Nếu sáng nay chúng ta không bắt được nó thì có phải bây giờ nó đã chết thui như một con chó rồi không. Đến cái xác cũng chẳng còn chứ đừng nói kiếm một lá cờ rách để phủ mặt. Sao ban nãy nó không nói cái điều ấy hử?

o O o

Bác Đảo tổ tưởng nấu ăn của đại đội trinh sát đêm nào cũng mang cơm lên cho Lượng và các tổ trinh sát đang bám địch trên hàng rào.

Bác Đảo đã ngoài bốn mươi, là một tiểu đội trưởng nấu ăn chăm chỉ và chu đáo nổi tiếng trong trung đoàn. Trong một đơn vị mà anh em chiến sĩ hễ bước vào chiến dịch là phải phân tán, bao giờ cũng sống cài vào trong địch thì bác Đảo là nhân vật không thể nào thiếu được. Các cán bộ quân đội lâu năm gặp gỡ con người ấy thường nhớ tới hình ảnh người cấp dưỡng – những “hỏa đầu quân” – trong cuộc kháng chiến lần trước. Bác vóc thấp bé, đầu hói, tư thế bình tĩnh đĩnh đạc lúc nào cũng đeo kè kè bên hông một chiếc xà cột màu đen đã cũ kỹ. Bác đã trải qua nhiều lần bom vùi, nhiều lần máy bay B.52 oanh tạc trúng chiếc bếp khiến quần áo đồ đạc cháy sạch nhưng chiếc xà cột bác không chịu để mất. Trong cái túi “cẩm nang” ấy bao giờ cũng chỉ có mấy thứ: một gói muối, một gói mì chính và một chiếc kéo dùng để cắt tóc cho anh em. Bếp của đại đội trinh sát đặt trên một sườn đồi tranh đối diện với sở chỉ huy trung đoàn. Hằng ngày bác khoác chiếc nồi cơm, rồi cũng bằng cái nồi ấy, nấu tiếp các món ăn. Khúc suối nằm trên đường hào trục từ hậu cứ các đơn vị lên “chốt”, máy bay trinh sát luôn luôn dòm ngó, phản lực ném bom, pháo trong Tà Cơn cũng câu ra đó. Giữa chốn bom đạn, bác Đảo lặn lội như một con vạc. Bác vác thòng lõng vào tận hàng rào địch lùa dê lạc, vào khu nha tô bỏ hoang bên ngoài hàng rào lấy thóc nếp. Sau một trận B.52, bác vắt chiếc bao tải bằng sợi hóa học lên vai đi vào rừng kiếm chồn hương và khỉ vừa mới chết về nấu cháo. Các thức ăn kèm theo gói cơm nắm mang lên cho anh em bao giờ cũng nấu với rau: Rau tàu bay luộc xong đem xào mỡ, bỏ vào bao ny lông, hai người một cầm một gói; lá tai voi nấu canh với thịt chồn; sắn xào mỡ hoặc dầu xà lách chiến lợi phẩm. Có thời kỳ địch đánh vào khu đồn tranh rất ác liệt, người ta lại thấy bác Đảo đi đâu cũng khoác sau lưng chiếc nồi quân dụng, chiếc vung đeo bên nách như một chiếc mộc, nom bác giống y hệt một viên tướng trong các bức tranh cổ.

Bác Đảo là một cán bộ tái ngũ, anh em hay gọi đùa là “Chiến sĩ tình nguyện Quốc tế”. Kháng chiến chống Pháp lần trước bác là chiến sĩ trong một tiểu đoàn Việt kiều, thành phần đơn vị hầu hết là con em các gia đình nghèo từng phiêu bạt sang Lào, Cămpuchia và Thái Lan làm ăn từ lâu đời. Tiểu đoàn Vệ quốc đoàn Việt kiều tổ chức ở đất Thái, đã từng tác chiến nhiều mặt trận trên đất Trung và Hạ Lào. Sau ngày hòa bình, cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn mới tập kết về nước. Cứ xem cách thức bác Đảo xây dựng gia đình trong mười năm ở làng và công việc của một tổ trưởng nấu ăn ở mặt trận, bao giờ cũng tỉ mỉ chu đáo, không ai có thể nghĩ đó cũng chính là kẻ đã từng sống gần nửa đời người ở các vùng thị trấn đô hội nước ngoài, đã từng mặc “xà rông” đi lễ ở các ngôi chùa, làm nghề đánh cá trên sông Mê Kông, đã từng cắt tóc, chữa xe đạp và sống cùng khu phố ngoại ô với những người làm xiếc, viết đơn thuê, những người làm nghề nhổ răng vỉa hè và bán thuốc lá cuốn…

Trong đơn vị trinh sát, từ đại đội trưởng Lượng đến các chiến sĩ, ai cũng thân mật gọi bác bằng “bố”. Một con người trực tính, ai làm sai là “toát” ngay nhưng cũng biết nghe những câu nói đùa bỡn của anh em chiến sĩ trẻ chung quanh:

– Bố ơi, trên lại bảo khai lý lịch cả đại đội, không biết lần này bố tự khai là thành phần gì?

– Tao là thành phần “quân nhân cách mạng” chứ thành phần gì? Trước sau tao vẫn khai thế!

– Bố thuộc thành phần “chiến sĩ tình nguyện Quốc tế!”

– Ta tống cổ được thằng Mỹ ra khỏi Việt Nam thì cách mạng Lào, Cămpuchia và Thái Lan phát triển ra sao hả bố?

– Bố Đảo ạ, tối nay bố có đem cơm lên chốt thì nhớ ghé vào thăm một cái “di tích chưa xếp hạng” con mới phát hiện được.

Bác Đảo vội vàng hỏi:

– Ở đâu?

– Gần khu vực chốt của chúng con, một cái bãi xác toàn là lính Mỹ tóc đỏ.

– Chúng mày chỉ khỏe bịa đặt, cả cái chiến trường Khe Sanh này có bao nhiêu bãi xác lính Mỹ mà tao chả trông thấy vài lượt, chả nhón chân bước qua vài lượt.

Trong phạm vi trận địa bộ binh có các tổ trinh sát phối thuộc tất cả các ngõ ngách, các đoạn giao hào các “bãi xác” Mỹ, bác đều thông thuộc hết. Có một đêm bác đưa cơm lên cho một tổ trinh sát chiến đấu trên đồi 585, suốt ngày hôm đó chỉ có bảy chiến sĩ phòng ngự trên ngọn đồi đã đánh lui nhiều đợt xung phong của một đại đội Mỹ. Bọn địch từ dưới chân đồi xung phong lên, thằng nào cũng bị bắn trúng đầu. Ngày xưa làm nghề cắt tóc, bác Đảo đã được ngắm nhiều kiểu đầu trong thiên hạ. Thế mà đêm hôm đó bác vẫn phải dừng trước các sườn đồi hồi lâu để được ngắm những cái đầu Mỹ bị bắn vỡ. Sau ngày giải phóng Làng Vây, bác lại đem cơm cho một tổ trinh sát đi vẽ yếu đồ công sự địch. Lần này quả thật là một “di tích đã được xếp hạng”: Gần một tiểu đội địch chết đứng giữa một cái nhà kho chứa nhựa đường. Có lẽ bọn địch nấp ở đấy bắn ra khi quân ta đã lọt được vào bên trong đồn. Một viên đạn B.40 hay một khẩu súng phun lửa làm những hàng phuy nhựa đường đổ sập xuống. Bọn chúng chết đứng giữa dòng nhựa hắc ín nóng chảy, những khẩu súng chúng cầm trên tay khẩu nào cũng chúc mũi xuống, dòng nhựa chảy bê bết y như những cái chổi.

Nhiều lần bác Đảo đã từng dẫn những tên lính Mỹ bị bắt đi “tham quan” các “di tích” như vậy. Thường thường sau mỗi lần mang cơm lên tiền duyên cho các anh em, bác lại xung phong nhận tù binh dẫn về phía sau. Những tên Mỹ bị bắt rơi vào tay bác đều được đối xử tử tế, đúng như chính sách Mặt trận, và thằng nào cũng được dịp “đi thăm bọn đồng đội vừa yên giấc trên chiến trường Việt Nam”. Đó là câu bác thích nói với chúng bằng một giọng hài hước.

Buổi tối hôm ấy, bác Đảo mang cơm lên cho Lượng. Quãng đường từ hậu cứ lên trận địa chốt phía nam gần hai cây số. Mặt đất vừa nhá nhem tối là các đơn vị phía sau bắt đầu xuất phát. Những con đường hào trục chốc chốc lóe lên từng chùm bom tọa độ. Trên nhiều ngả chiến hào trục đã bị bom và pháo đánh tõe nát thấp thoáng trong ánh đèn dù pháo sáng từng đoàn chiến sĩ mang súng đạn và xẻng cuốc, vai vác những khúc gỗ lát hầm, kéo cắt dây thép gai giắt bên thắt lưng to. Bên cạnh các đơn vị bộ binh ở phía sau lên đào dũi, còn có nhiều tốp chiến sĩ của phân đội pháo mới tăng cường, hoặc các chiến sĩ vận tải đi lấy thương binh.

Bác Đảo khoác ba lô cóc đựng cơm nắm lại cột bên cạnh ba lô một bên bao ny lông đựng rau tàu bay, bên kia là một chiếc sọt hình dài và thon như một quả đạn đựng các thứ lặt vặt như thư từ, quần áo, túlơkhơ… Sau một ngày hành quân địch đánh ra, công việc trên trận địa về đêm bao giờ cũng nhiều: mấy quân khí viên chạy đi tìm từng cái hầm để bổ sung đạn. Các chiến sĩ chốt tới tấp sửa chữa chiến hào và khiêng xác địch vứt vào bãi xác mới. Cáng thương binh đặt thành hàng dọc theo lòng chiến hào… Bác Đảo len lỏi giữa những người thấp thoáng đang sửa hầm hố, đem cơm đến cho Lượng và Phán, hai người hiện vẫn còn ở dưới khu vực trận địa bộ binh. Bác trao lại nắm cơm và một cái bao ny lông cho Phán, hỏi sốt sắng:

– Nghe nói sáng nay chúng bay bắt được “mấy thằng Mẽo” phải không?

Phán cầm nắm cơm cắn một miếng to:

– Bắt được cả một xốc, bác tới gặp anh Lượng mà lĩnh “chiến lợi phẩm”!

– Có mấy thằng tù binh mới bắt được sáng nay. Chúng đang nằm trong cái hầm bên cạnh. Bác cho nó ăn rồi dẫn về.

– Vậy cơm nước của mấy đứa mình đang nằm trên hàng rào thì sao?

– Tôi sẽ mang lên – Lượng đáp – Tôi sắp lên trên ấy. Bọn Mỹ bị bắt buổi sáng có tất cả ba đứa: Thằng Thompt “lính thợ may”, một thằng cao lêu đêu như một cầu thủ bóng rổ, một thằng nữa đeo kính, đầu hói. Thằng này tỏ ra rất bướng. Hắn khai bố hắn và chú hắn có cổ phần trong một công ty hùn vốn dát thép. Hắn là một sinh viên nhân chủng học bị động viên. Khi hỏi cung, Lượng đã phải hết sức kìm mình lại để cho hắn một cái tát: Hắn nói chính hắn đang chiến đấu cho nền độc lập và tự do của người Việt Nam!

Bác Đảo phát cho mỗi đứa một nắm cơm, miệng động viên: “Ăn đi!” Bác chạy khắp nơi kiếm về được một chút chiến lợi phẩm cho nhà bếp ở nhà: một cái thùng dầu xà lách. Ba thằng Mỹ ăn cơm nắm với rau tàu bay xào một cách ngon lành. Chúng ăn ngấu nghiến. Thằng “sinh viên nhân chủng học” khi ăn cứ ngồi quay lưng về phía hai thằng bạn, như sợ hai thằng Mỹ kia ăn cướp mất miếng cơm của hắn.

Phán và mấy chiến sĩ đứng ngắm chúng nó, tỏ ý lo lắng.

– Tớ chỉ lo mấy cái thằng “giời đánh” này – Phán nói – dọc đường nếu có thằng nào sợ máy bay không chịu đi là gay lắm. Như lần trước, lại phải trói vào băng ca mà khiêng. Sáu thằng chúng mình mới khiêng nổi một thằng chúng nó, cứ mò mẫm ỳ ạch suốt cả đêm như người đánh vật!

Một chiến sĩ pha trò:

– Cái giống này chúng nó có phải là sợi bấc đâu!

Bác Đảo đã cột xong chiếc thùng dầu lủng lẳng sau lưng. Bác đứng dậy lên “quy lát” khẩu súng. Cái mặt thùng dầu sơn xanh có in hai bàn tay người Việt Nam và người Mỹ đang nắm chặt thỉnh thoảng lóe sáng lên một cái. Hai con mắt bác Đảo gườm gườm nhìn tên tù binh đeo kính, rõ ràng cái nhìn không âu yếm một chút nào.

Lượng dặn:

– Cái thằng đeo kính, dọc đường bác phải hết sức chú ý…

– Nhất định là phải chú ý theo sát nó – Bác Đảo cười gằn – Và còn phải cho nó một bài học. Chẳng lẽ cái thằng trí thức đeo kính kia nay mai nó được trở về bên nước Mỹ, nó lại tuyên bố huênh hoang rằng nó đã chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam hay sao? Anh Lượng ạ, dịp này tôi phải dạy cho nó bài học mới được!

Lượng hỏi ngờ vực:

– Bác lại định giở trò gì với nó vậy?

– Không mà!

– Tôi giao nhiệm vụ cho bác đưa nó về tận trung đoàn trong đêm nay. Bác làm gì phạm chính sách tù binh tôi sẽ thi hành kỷ luật bác đấy!

– Anh cứ yên tâm! Tôi sẽ dẫn nó đi chơi phất phơ như người đi tham quan một vòng chứ có làm gì đâu. Nó lại về đến trung đoàn, anh đừng ngại gì cả.

Vừa ra khỏi khu vực chốt, ba thằng Mỹ đã được bác Đảo cho diễu qua những đám lửa bom xăng và bom phốt pho đang cháy leo lét. Đó là khu vực “bãi xác” mới. Anh em bộ binh vừa tập trung tới đó tất cả bọn Mỹ chết sau trận đánh sáng nay. Lửa phốt pho như một thứ nước a xít màu xanh nhạt, cháy âm ỷ trên mình những cái xác. Thỉnh thoảng giữa đám lửa bật lên một tiếng giống như tiếng rên khe khẽ và kéo dài. Có khi nghe nổ bục một tiếng, lửa bốc lên thành ngọn, và những cái xác đang ngồi bỗng ngã vật ra. Một tên Mỹ chết ngồi chồm chỗm, trên mắt vẫn còn đeo kính trắng. Không hiểu sao cặp kính vẫn còn nguyên và phía sau đó, lửa cháy lều bều trong hai hốc mắt của nó. Thằng “sinh viên nhân chủng học” giương kính đứng nhìn cái thằng ấy một lúc rất chăm chú. Hai cặp kính như đang nhìn nhau! Bỗng thằng “sinh viên nhân chủng học” bật lên một tiếng khóc hu hu, hắn đưa tay cào vào mặt và cầu Chúa rối rít. Hai thằng tù binh kia thì cất tiếng chửi. Chúng chửi Tổng thống Mỹ và những thằng phi công ném bom phốt pho và bom xăng.

Thằng “sinh viên nhân chủng học” sợ quá, hắn vùng bỏ chạy loạng choạng như một thằng mất trí. Bác Đảo và Phán vội vàng giữ lại nhưng không được. Cả ba người lăn xuống một cái hố bom sâu hoắm, lút đầu. Bác Đảo đánh rơi chiếc thùng dầu xà lách liền chửi toáng lên. Từ dưới đáy cái hố bom sâu nóng ngột ngạt, bác Đảo sờ soạng mãi mới tìm thấy tên tù binh Mỹ đang nằm bẹp xuống đất mà khóc. Bác Đảo và Phán vất vả đến toát mồ hôi mới lôi được hắn lên khỏi cái hố bom. Ngay trước mặt bác Đảo và những tên tù binh lại có ba bốn cái xác khác nằm dài song song trên mặt đất mặt đứa nào cũng úp sấp xuống. Bác Đảo đưa tay sờ thấy một hàng cẳng chân đi giày da đế đóng cá sắt. “Mẹ chúng mày, chúng mày đã giẫm lên bao nhiêu đồng đất nước người”. Bác Đảo thét vào tai tên sinh viên nhân chủng học câu ấy, và chỉ cho chúng nó thấy những chiếc đế giày của chúng bày xếp hàng trước mặt, những chiếc cá sắt sáng loáng được lửa chiếu vào nom rõ mồn một.

Đêm ấy bác Đảo dẫn ba tên Mỹ đi khắp các bãi xác. Sáng hôm sau về đến hậu cứ đơn vị, riêng thằng sinh viên nhân chủng học, cái thằng lính Mỹ con nhà giàu và hung hăng nhất mất hết tinh thần nằm rũ xuống như con gà cắt tiết. Sau đó hắn phát ốm và bác Đảo bắt hai thằng bạn của hắn phải săn sóc hắn. Trong một lần lấy cung, hắn đã khai rằng: Cái đêm hắn được dẫn từ trên mặt trận về là một đêm đáng ghi nhớ. Những hàng cá sắt đế giày nhà binh hắn được trông thấy dưới bàn chân những tên đồng bọn đã chết khiến hắn nghĩ tới một tấm áp phích thường dán trên cánh cửa nhà ga bên Mỹ và trên các toa tàu hóa quân vận chở lính Mỹ sang Việt Nam: Một hàng đế giày da nhà binh đang hành tiến và một lá cờ Mỹ với những ngôi sao bạc đẹp đẽ tung bay trước gió! “Thật là xấu hổ cho nước Mỹ, bây giờ trên đất nước Việt Nam, gót giày của quân đội Mỹ đi xâm lược lại đang giậm lên lá cờ của nước Mỹ”. Không phải tên sinh viên nhân chủng học mà hai thằng bạn hắn đã phát biểu cảm tưởng như thế.

o O o

Khi tiếng súng chiến dịch Khe Sanh bắt đầu thì người chiến sĩ nào cũng vậy, đều hướng tất cả tâm trí của mình vào những trận đánh liên tiếp, vào một cuộc bao vây đầy gian khổ và kiên nhẫn, tất cả mọi nòng súng đều hướng về phía quân Mỹ trước mặt. Những người chiến sĩ Giải phóng đứng trước những trận đánh quyết liệt hầu như không ai có thì giờ nghĩ tới một mùa Xuân mới đang đến, và một cuộc sống mới đang vỡ ra phía sau họ.

Ông cụ Phang và Xiêm làm sao quên được những ngày đầu mùa xuân, một vùng rừng núi Khe Sanh tiếp giáp với biên giới Lào được giải phóng. Chỉ trong một đêm, mặt đất và bầu trời sáng trưng, tiếng súng nổ như đang lay dậy tất cả. Buổi sáng mở mắt trông ra cửa, chỉ qua một đêm, dù đèn pháo sáng rải trắng các triền núi, từ chân hàng rào địch ra tới những cánh rừng Tây Nam, ngoài vùng sông Xê Pôn.

Đường phố thị trấn Khe Sanh vất ngập vải vóc, quần áo và đồ đạc Mỹ. Những trận bom ném ngay vào giữa thị trấn chúng vừa bỏ mất, các kho hàng chuẩn bị Tết cháy nghi ngút. Bộ đội chia nhau đi thu dọn chiến trường và tổ chức trận địa phòng không. Bộ đội dùng rượu gội đầu: ba người sục vào một cái hầm, một khẩu súng lia một điểm xạ vào chiếc thùng đai sắt cao quá ngực, một dòng nước mang hơi men màu da cam chảy vọt ra. Trong các nhà, dân đã chạy bom hết, cũng tìm thấy dưới hầm những hòm đạn súng trường và súng máy, từng xếp ảnh đàn bà trần truồng, ảnh lính ngụy Vân Kiều đeo kính râm đứng doạng chân, từng đống thư từ và quần áo lính vứt trên các bậc thềm. Trong khi đó các khu rừng già và rừng tranh chung quanh như bị xẻ ra bởi hai luồng người đi. Bộ đội trung đoàn 5 và nhiều đơn vị khác hành quân cấp tốc lên mặt trận phía bắc; đồng bào trong các ấp chiến lược lũ lượt kéo nhau trở về vùng Giải phóng phía nam. Bộ đội đi ùn ùn: Chiến sĩ thông tin đi kéo dây và đặt máy cho các đơn vị vừa được lệnh chuyển lên phía trước, những đơn vị pháo nhẹ chạy theo bộ binh, những đoàn cáng thương leo dốc đá đi ngược chiều hun hút về phía sau. Bom nổ. Khói um lên một lát chẳng trông thấy gì cả. Tan khói, lại vẫn hai dòng người chuyển động ngược chiều nhau như hai sợi dây xích không bao giờ đứt. Những đoàn đồng bào Vân Kiều từ ấp chiến lược chạy ra người nào cũng cầm trên tay một cành lá thật to để nguy trang, giữa những cặp môi xám ngậm phì phèo điếu thuốc lá “Rubi”. Họ đi thành tùng tốp, mỗi tốp vài ba gia đình. Người ta tỏ vẻ ngượng ngập thấy bộ đội hỏi han hoặc được bộ đội chăm sóc. Bọn có “dây mơ rễ má”, có nhiều quan hệ chính trị với giặc, bọn mang ý định suốt đời đi theo giặc thì đã đi vào Tà Cơn, còn đây là những người thấy cần phải đi với “Giải phóng”, cần đi về phía cuộc đời ngày mai của mình. Một vài tốp giữa đường không đi theo cán bộ mà hăm hở tạt ngang vào một lối mòn đầy ngập cỏ tranh. Lấp ló bóng một vài anh “Giải phóng” đang đào hầm hay đứng quan sát. Đấy là lối về bản cũ: Phất phơ vài cây chuối. Một cái cột nhà cháy đứng trơ trọi. Bộ đội lại giục họ đi. Bởi vì máy bay vẫn quần trên đầu, bom lại giội xuống tiếp tục đào lên những hố đỏ loét. Chỉ vài ngày sau khi được giải phóng, ai cũng muốn đến ngó lại cái bản cũ. Người này ở “ngoài ấp” về, nhà kia ở trong khu căn cứ ra. Họ gặp nhau, lâu ngày nhìn thấy nhau vừa mừng rỡ vừa ngượng ngập.

Giữa những ngày cuộc sống đang vỡ ra để đổi thay, trái tim con người cơ chừng cũng đang vỡ ra bởi niềm vui mới mẻ và nỗi đau cũ. Trong niềm vui được giải phóng, trong niềm vui chung hết sức lớn lao ấy còn có niềm vui của từng người, từng gia đình. Cũng trong những ngày này, biết bao vết thương do kẻ thù gây ra cơ chừng lại được khơi sâu thêm. Sau khi tiếng súng tấn công của bộ đội vừa nổ ra, lính ngụy người địa phương bỏ đồn cũng theo lối mòn đường rừng nhập vào cuộc hành quân về phía nam của những gia đình. Một số tiếp tục chạy theo giặc. Số phận bọn này như một đám mây đen bị cơn giông bão thổi giạt đi khắp nơi: Trước ngày bộ đội tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, ở đấy có năm trăm tàn quân ngụy từ đồn Huội San chạy về. Sĩ quan cố vấn Mỹ không còn tin tưởng tinh thần bọn lính thất trận này nữa nên đã ra lệnh đóng chặt cổng đồn lại. Bọn tàn quân Huội San phải đóng trại bên ngoài hàng rào để ăn ở như một bầy chó bị xua đuổi.

Suốt mấy ngày cuối mùa đông sang đầu mùa xuân sôi sục không khí chiến thắng, ngày nào ông cụ Phang cũng đi dò hỏi tin tức thằng con trai hiện đang nằm trong đám tàn quân ấy. Ông lão với cái thân hình to lớn, ngày nào cũng len lỏi giữa những đoàn đồng bào đông đúc. Thỉnh thoảng ông lão dừng lại trước một vài tên ngụy binh khi nói chuyện bao giờ cũng cúi mặt xuống, còn ông cụ Phang cũng vậy, cái lưng bao giờ cũng khom xuống với một vẻ mệt mỏi.

– Mày có biết thằng nào tên là thằng Kiếm không? – Một hôm ông cụ vô tình hỏi một tên lính ngụy mặt rỗ, trong khi ông và hắn cùng ngồi sau gốc cây để tránh một loạt pháo của địch.

– Thằng Kiếm biệt kích Huội San à? Có phải ông già là bố nó phải không? – Tên lính biệt kích mặt rỗ ngắm ông lão bằng cặp mắt tò mò và có vẻ thương hại.

– Nó chết rồi à? – ông lão hỏi.

– Nhưng ông già là ai, có phải là bố nó không?

– Đúng đấy. Nó chết rồi à? – ông lão lại hỏi.

Tên biệt kích vừa ra hàng đáp:

– Khi cái đồn Huội San mất thì nó vẫn còn sống, nó chạy được về Làng Vây. Cả con vợ nó cũng chạy được. Ngày xưa hồi còn ở cái đồn Mỹ bên Lào, tôi cũng phải sợ nó, cả con vợ đẹp của nó…

Ông lão hỏi dò nhiều tên, cũng chỉ biết đại khái thằng con trai là một tên địch lợi hại và có thể vẫn còn sống. Về tin tức thằng Kiếm, Xiêm cũng để ý dò hỏi và chị biết rõ hơn. Theo lời một tên ngụy binh khác, người quê ở một vùng rất xa và cũng vừa trở về nhà làm ăn, tên lính này và thằng Kiếm đã phải trải qua những phút gian nan nhất: Giữa đêm bộ đội tiêu diệt Làng Vây, hai đứa chui vào nằm lẫn trong đống xác chết, chờ đến khi tiếng súng đã im liền vùng dậy, chui xuống trốn dưới một cái khe bên đường 9. Chúng bàn với nhau con đường để đi tiếp. Một đứa quyết định quay trở về nhà, còn thằng Kiếm lủi vào rừng cà phê để tìm đường vào Tà Cơn. Hai đứa chia tay nhau và không nói với nhau một lời nào.

Xiêm đã thuật lại với ông cụ cái tin có căn cứ ấy bằng một thái độ dửng dưng. Trước đây, chị nghe tin hắn đã lấy vợ khác, thái độ của chị cũng thế. Bây giờ thằng Kiếm đang nằm trong vòng vây của bộ đội. Hắn không thể gây cho chị nỗi lo lắng đến khiếp sợ như trước đây nữa. Có thể hắn đã chết trong đồn Tà Cơn cũng nên. Có thể hắn còn sống nhưng suốt ngày phải chui rúc dưới hầm cùng bọn lính Mỹ. Hãy cứ biết rằng trước mắt hắn không còn có cách gì thò bàn tay ra ngoài nữa. Hắn như một con thú đã bị lùa vào cũi, Xiêm có thể tạm thời đàng hoàng mà sống không còn bị đe dọa nữa. Vì trong chừng ấy năm, từ ngày hắn bỏ nhà đi lính cho Mỹ, nhiều lần hễ Xiêm bước chân đi xa khỏi bản là bắt gặp hắn đang đứng rình chị ở một chỗ nào đó. Hắn sợ bố, sợ ông cụ Phang giết nên không dám về nhà. Hắn đã chạy sang phía kẻ thù nhưng lúc nào cũng tính toán kéo chị đi theo. Hắn đã có vợ khác nhưng vẫn không chịu quên lãng mà vẫn thèm khát chị. Có một chuyện giữa chị và hắn, mà không bao giờ chị muốn nói ra: Một lần, Xiêm bị hắn cưỡng hiếp ngay ở ngoài rừng và chính lần ấy chị có chửa. Chị mang cái thai trong bụng, lúc nào cũng như ngửi thấy mùi thuốc lá lẫn mùi nước hoa của tên lính biệt kích, lúc nào cũng như nghe thấy một luồng hơi thở ghê tởm như hơi thở của một con thú dữ phả vào mặt. Đứa con sinh ra như một quái thai, liền bị chết. Vào dạo đó, ông cụ Phang thường đi săn nên có khi vắng nhà đến hai ba ngày liền. Một buổi trưa, thằng Kiếm mang súng lẻn về bản, hắn lôi Xiêm đến bên chiếc thang gác bếp trong xó nhà, hắn cột tóc chị vào chân cầu thang và đánh bằng hai chiếc roi ngựa chập lại. Tội của Xiêm, theo hắn, là đã đi chơi quá nhiều để đứa con của hắn chết. Hắn làm cái việc mạo hiểm và hung bạo ấy trong xó nhà, hắn phải nhét giẻ vào miệng Xiêm và sập cửa xuống, đánh xong liền xách súng chạy trốn. Chiều hôm ấy ông cụ quay về nhà thấy con dâu vẫn còn bị trói, mồm nhét đầy giẻ, món tóc dài nặng trĩu quấn trên bậc cầu thang Chị đang ngồi vắt bớt sữa đi cho đỡ tức, cái bầu vú đàn bà vừa mới sinh căng tròn; dòng sữa trắng đặc rỏ thấm ướt cái khuôn bếp. Chiếc roi ngựa ông cụ hằng ngày thường dùng đã nát tõe vứt ngay bên cạnh.

o O o

Trái tim con gái của Xiêm cũng như mảnh đất rừng núi im lặng và thiêng liêng nơi đây, gót chân quân xâm lược bao năm đã giày xéo, dù hôm nay bom đạn có lát kín thì mặt đất cũng không vì thế mà đau đớn hơn.

Nhưng hôm nay thung lũng Khe Sanh đẹp đẽ từng đau khổ đang trở dạ. Mặt đất mang đầy vết tích bom đạn đang trải ra giữa hương thơm mùa xuân để đón gót chân những người chiến sĩ Giải phóng giậm lên. Nơi đây khắp vùng phía nam thung lũng, đi chỗ nào cũng thấy dấu tích những trận bom B.52. Cây cối đều bị quật ngã, các dòng suối đục ngầu, thuốc bom khét lẹt ám đầy nương rẫy. Bom đạn đào xới lên tất cả vậy mà có một giống cỏ được các chiến sĩ gọi là cỏ vạn thọ vẫn mọc tươi tốt, mùa xuân đến vẫn khoe một sắc hoa vàng sẫm như nghệ. Cách đây mấy tháng, từ hôm Lượng gặp Xiêm ở kho C. Lượng cũng không thể ngờ được chính anh đã gây ra trong tâm hồn Xiêm một niềm hy vọng và một mối tình yêu hết sức mãnh liệt. Ngay từ hồi Xiêm thoáng gặp Lượng lần đầu, cách đây đã mấy năm, Xiêm đã được ông cụ Phang nói cho biết Lượng là một anh bộ đội Giải phóng. Cái hình bóng người chiến sĩ Giải phóng đột ngột hiện ra giữa lúc ấy, đối với Xiêm, giống như một hình ảnh thần thoại, một ngọn lửa xa vời. Xiêm vẫn còn nhớ ngày đó Lượng mặc chiếc áo tù màu xám, đi chân đất, đầu húi trọc, bên thái dương còn dấu đánh thâm tím. Chị giữ mãi hình ảnh ấy, cho đến hôm bất chợt gặp anh ở cái kho bộ đội bên bờ suối, chị nhận ra ngay. Xiêm mừng rỡ nhưng không dám để lộ ra. Và hôm Lượng tìm đến nhà, để cùng ông cụ Phang bàn việc quân sự, chị đã đoán thấy một điều gì đó hết sức mãnh liệt và chắc chắn sẽ xảy tới. Chị tin chắc rằng vùng thung lũng này sẽ được giải phóng. Cuộc đời sẽ đổi thay. Cuộc đời đau khổ và tối tăm của chị sẽ được thay đổi. Chị yêu Lượng từ hôm đó, hay là chị đã yêu anh từ trước? Đối với chị, anh là người quen thuộc và là người đại diện cho lớp lớp bộ đội Giải phóng vừa kéo tới, những con người mà mặt đất đang chờ đợi tùng giờ tùng phút.

– “Bao nhiêu năm thằng Kiếm và cả đến hình ảnh của nó như một thứ xiềng xích trói lấy tâm hồn em, trói chặt cả cuộc đời hạnh phúc con gái! Chẳng phải cuộc sống của em và của bao nhiêu người khác đang cần giải phóng đó sao? Em chỉ biết nói điều đó với anh. Những anh Giải phóng khác, em không quen biết, em chỉ quen có mình anh. Em đã biết anh từ lâu. Em chỉ ngắm anh. Anh biết không, trong những ngày đen tối và đau khổ nhất, có lúc chán nản em đã hái nắm lá ngón vò trong tay. Em lại vứt nắm lá vào bếp. Em chờ anh chứ không tự tử. Anh là ngọn lửa hy vọng. Anh Lượng, chẳng phải trong bấy lâu em vẫn ngồi bên bếp lửa giữa rừng này chờ anh đó sao? Từ hôm anh trở lại đây, anh chỉ để thì giờ và tâm trí vào những trận đánh ở ngoài kia. Anh chẳng bao giờ biết, đối với người con gái từng chịu đau khổ trong rừng này, anh gần gũi và nồng nàn như ngọn lửa dưới mái nhà sàn, anh mang sức mạnh như ngọn núi đá sừng sững sau nhà, anh mang trong người niềm tin hy vọng như hạt lúa em gieo ngoài nương. Hạt lúa đã nảy mầm!…”

Mối tình thầm kín và uẩn khúc của Xiêm giống như lời cầu khẩn, một tiếng kêu gọi giải phóng. Lượng đã nghe được những lời thiết tha từ trái tim ấy.

Vào một đêm trước hôm bộ đội nổ súng, Xiêm đã kể cho Lượng nghe tất cả. Chị kể lại cuộc đời quá khứ bằng giọng buồn bã, và chị khóc. Dù không phải là người có khả năng tinh tế trước những chuyện tình cảm, Lượng cũng đoán thấy Xiêm đã có cái gì đó gắn bó và tin tưởng ở mình. Điều đó anh hết sức bối rối. Kể cả những lúc phải đứng trước hàng chục lớp hàng rào và ụ súng đồn địch, bao giở Lượng cũng tìm ra một cách hành động, nhưng chưa bao giờ anh phải ngồi trước mặt một người đàn bà để nghe người ấy kể về nỗi khổ, và trông thấy những giọt nước mắt rơi xuống. Anh không quen đứng trước một hoàn cảnh khó khăn như thế.

o O o

Lượng vẫn đang bám trên trận địa tiền duyên sát hàng rào. Trước mặt anh bây giờ là một khúc đuôi sân bay Tà Cơn và chiến hào “cửa ngõ” do quân ngụy chiếm giữ. Chiến hào hai bên ta và địch gần như kề sát nhau. Các chiến sĩ trinh sát đứng trên vị trí cảnh giới đã có thể nghe tiếng bọn lính ngụy nói chuyện rì rầm trong hầm, bên trong chúng nó đánh rơi cái thìa hay viên đạn bên ngoài cũng nghe tiếng. Thời gian của Lượng như đan lại bằng vô số việc làm cụ thể và cấp bách. Trong những ngày gần đây, địch oanh tạc cả vào hàng rào. Những thước chiến hào bao vây lấn sâu vào sau từng đêm. Một hôm, hầm của Lượng bị trúng một quả bom sát thương, hầm vẫn còn nguyên vẹn nhưng anh bị choáng vì sức ép. Theo lệnh của Nhẫn, Lượng phải quay về phía sau nghỉ ngơi ít hôm và tranh thủ báo cáo tình hình.

Ngực và một bên vai đau như có tảng đá dằn lên, Lượng phải quấn chiếc bao gạo trước ngực cho đỡ đau. Hôm đó Lượng đội chiếc mũ sắt và khoác chéo sau lưng khẩu tiểu liên AK. Anh về đến một đoạn trên con đường mòn xuất kích ngày xưa thì hoàn toàn bị lôi cuốn bởi khung cánh phía sau quá thay đổi: Những đoàn dân công “gùi” đạn lên các kho mới đặt dọc đường 9, trong đoàn dân công chiến dịch đã thấy một số bà con người địa phương, cả hai ba anh thanh niên ăn mặc quần áo lính ngụy. Nhà cửa trong thị trấn Khe Sanh đã đổ nát sau các trận bom. Một chiếc xe máy sơn đỏ vứt chỏng chơ bên rìa cỏ. Bộ đội đánh ô tô đến thị trấn lấy gạo, chiếc xe “Zin” vận tải nửa lá vải bạt vắt trên đám lá xanh ngụy trang. Máy bay trinh sát vẫn lượn và thả pháo sáng. Cái thị trấn vừa giải phóng nằm đắm mình trong sương đêm và những chùm pháo sáng lập lòe, nom bề ngoài dữ dội và có phần bí ẩn nhưng đi sâu vào bên trong đã thấy có cái vẻ hiu hắt của một thị trấn thường có. Một ngọn đèn dầu hỏa bọc giấy bóng đỏ đặt trong một ngôi nhà ở ngã ba. Cảnh đường phố vắng vẻ khêu gợi người ta nhớ tới một cái đầu phố thị trấn của một đêm “phòng không” ở hậu phương.

Lượng lại tìm đến bản Chây vào một buổi chiều.

Hôm đó, anh cùng mấy cán bộ tham mưu xuống khu phía nam dự một cuộc họp với cán bộ tiểu đoàn 1 (đơn vị đánh thị trấn hiện đang nghỉ ngơi và củng cố). Từ sở chỉ huy tiểu đoàn 1, Lượng nhắm dãy núi đá đi thẳng tới nhà ông cụ Phang.

Dọc vòm hang dưới chân lèn đá, những ngôi nhà mới tạm cất lên đứng rải rác. Một vài nương lúa hiện ra quanh các ngôi nhà sàn thấp lè tè. Ngay bên đường, Lượng trông thấy những vạt lúa trổ lỗ trỗ không đều, một vài vạt đã vàng hoe nằm xen giữa những vạt lúa mới vào sữa. Mới có hơn một tháng Lượng nằm trên hàng rào Tà Cơn mà ở đây đã thay đổi nhiều quá! Anh phải bỡ ngỡ trước một cái bản mới và những nương lúa vừa mọc lên. Máy bay phản lực vẫn lao qua chóp núi đá ầm ầm. Lượng đi qua trước mặt một đám trẻ con đứng túm tụm quanh một chiếc cầu thang, chúng nó đang vui vẻ chia nhau một khúc sắn nướng, một đứa trẻ cởi truồng ôm trước bụng một con búp bê tóc vàng hoe, hai con mắt tròn xanh biếc đương nhìn lũ trẻ một cách xa lạ.

Gia đình ông cụ Phang không có ai ở nhà. Lượng đặt ngang khẩu tiểu liên trên đùi lặng lẽ ngồi đợi trước bếp. Anh đưa mắt khắp cái sàn nhà đã bắt đầu nhập nhoạng bóng tối tìm những con vật quen thuộc ngày xưa ông cụ vẫn thường nuôi trong nhà. Anh chẳng thấy một con vật nào nữa, cả con chồn bay, cả ổ gấu chó tham ăn một cách đáng yêu.

Ngồi được một lát Lượng mới thấy Xiêm khoác chiếc gùi đựng đầy măng trèo thoăn thoắt lên cầu thang. Lượng đứng dậy, luống cuống:

– Chào chị!

Xiêm gần như reo lên:

– Ôi! Anh Lượng!

Lượng nói lúng búng:

– Tôi đến thăm ông cụ…

– Bố tôi dạo này đã đi công tác – Xiêm đặt chiếc gùi xuống và tất tưởi chạy đi kiếm củi chất vào bếp – ông cụ hồi này ở hẳn trên xã, bận lắm, thỉnh thoảng mới về nhà.

Lượng cầm thanh củi đặt vào giữa ngọn lửa vừa bắt đầu bén. Bên ngoài tiếng máy bay thỉnh thoảng rộ lên. Pháo sáng từ vùng trời Tà Cơn hắt ánh sáng xuống từng chiếc lá ngoài cửa sổ. Tiếng máy bay xiết vào vách đá sau nhà. Đã lâu lắm, Lượng lại mới được ngồi bên ngọn lửa ấm áp, dưới một mái nhà. Không hiểu sao ngọn lửa trong ngôi nhà sàn bé nhỏ này bao giờ cũng gây cho anh một cảm giác khoan khoái và đồng thời bứt rứt, không yên tĩnh một chút nào. Anh ngắm trộm Xiêm trong một thoáng khi chị vừa cúi xuống: Một vết đường ngôi thẳng rẽ đôi mái tóc dày như đang tỏa ra hơi ấm. Khuôn mặt chị trắng hồng như một trái chín. Lượng chợt nhớ lại trong những ngày sống dưới bom đạn trên tiền duyên, có những phút anh ao ước được ngồi bên cạnh Xiêm, để ngắm chị và để nghe chị nói, như bây giờ, Lượng đã tự thú với mình. Trái tim của Lượng như mặt đất cằn cỗi, khô nẻ và vì thế nên càng hút nước. Anh tự thú với mình anh đã yêu chị.

Xiêm lấy trong chiếc gùi đan bằng mây rất đẹp ra những củ sắn. Chị bắt đầu lột vỏ sắn. Bàn tay Xiêm cầm con dao thoăn thoắt khía những vòng tròn trên thân những củ sắn còn lấm đất, những khúc sắn được lột vỏ trắng nõn nà xoay xỏa trong hai bàn tay của Xiêm. Chị ngước mắt lên, đôi mắt đầy lòng đen, to và sáng khiến Lượng choáng váng.

– Ôi, nom anh hồi này gầy quá, em thương anh Lượng quá!

Lượng xòe cả hai bàn tay trước ngọn lửa cháy rừng rực, chẳng biết làm gì đành hỏi một câu đến là vụng:

– Chị có biết tin tức gì “nó” không?

– Ai?

– Thằng Kiếm?

– Anh đừng nói tới “nó”, đừng nhắc!…

– Vậy ông cụ?

– Ông cụ đi công tác, hôm nay chỉ có anh và em ở đây thôi. Anh kể chuyện đánh nhau ngoài Tà Cơn cho em nghe đi!

Lượng kể vài mẩu chuyện. Anh kể chẳng hay ho chút nào. Xiêm ngồi chăm chú lắng nghe, bỗng chị cắt ngang lời anh:

– Anh có biết không… Bữa trước em nằm mơ… thấy anh chết. Em khóc mãi. Nhưng thôi, anh hãy cứ biết là em thương anh… Bởi vì em biết người dưới vùng xuôi các anh kiêng nói chuyện ấy, nói chuyện chết là điều “xúi quẩy”!

– Sao chị biết “xúi quẩy”?

– Em biết cả tiếng “xúi quẩy” đấy? Ngày nhỏ em đã ở dưới xuôi cơ mà!… Anh Lượng, đánh hết Mỹ ở đây rồi anh đi đâu?

– Việc đó của cấp chỉ huy trên, tôi không biết được. Chị đã bao giờ nghe anh em bộ đội hát chưa?

– Hát sao?

– Đâu có giặc là ta cứ đi. Câu hát thế!

– Hôm nay anh chỉ có việc đến tìm ông cụ thôi à?

– Tôi được nghỉ mấy hôm, định đến thăm ông cụ và… chị!

– Quê anh ở đâu?

– Quê tôi ở xa lắm. Nói chung anh em bộ đội hiện đang đánh nhau ở đây phần nhiều gia đình đều ở rất xa cả.

– Em biết rồi! Mấy năm trước, anh tới đấy, em đã biết anh là bộ đội Giải phóng ở xa đến…

“Xiêm có cảm tình với mình, Xiêm yêu mình! ” Cái ý nghĩ ấy mỗi lúc càng được Lượng khẳng định. Anh bàng hoàng bởi một niềm hạnh phúc muộn màng và xa lạ. Ngồi trước mặt chị, anh chẳng biết nói chuyện gì và càng tỏ ra vụng về, như tất cả mọi anh bộ đội xưa nay chỉ quen lăn lộn ngoài chiến hào. Lượng muốn khoác súng đứng dậy nhưng anh vẫn không đủ can đảm từ biệt chị ngay. Anh ngồi ngắm khẩu súng săn của ông cụ trên bên cửa sổ rồi lại đăm đăm nhìn ngọn lửa đang cháy.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN