Dấu Chân Người Lính - Chương 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
266


Dấu Chân Người Lính


Chương 6


Thái Văn vẫn còn nhớ cái đêm anh từ biệt chính ủy Kinh ở đường giao liên để đi theo Lữ và Cận sang trung đoàn pháo Sông Cầu. Đêm ấy, ba người chỉ mặc quần đùi, áo cột vào ba lô đội lên đầu bơi qua một nhánh sông Xêbănghiêng. Nước sông lạnh buốt như một hàm răng cắn ngang bụng. Ba người bơi ra đến giữa sông thì nghe tiếng gà gáy trên bản Lão. Không biết một con gà nào đó đậu trên nóc nhà sàn bỏ hoang, con gà đang ngủ bỗng choàng thức dậy, trông thấy ngọn đèn dù pháo sáng từ xa soi một thứ ánh sáng lờ mờ trăng trắng lên khắp lá cây và mặt nước, thế là cu cậu cất tiếng gáy!

Lữ lần đầu biết Thái Văn bơi rất khá. Anh bơi nhanh chả kém gì Cận. Sang đến bờ bên kia, anh mặc quần áo, thắt bao đạn, xem lại khẩu súng ngắn và những băng đạn, nhất nhất mọi động tác Thái Văn đều làm thành thạo như một người lính.

Thái Văn là nhà thơ có nhiều bạn bè quen biết trong quân đội. Chẳng bao lâu trong hàng ngũ cán bộ và chiến sĩ các đơn vị tham gia chiến dịch đã loang đi một cái tin: Nhà thơ Thái Văn có đi mặt trận và hiện đang ở một trung đoàn pháo. Rõ ràng mọi người ít nhiều đều có chú ý đến anh. Đồng chí cán bộ sư đoàn này kể một cách hào hứng giữa cuộc họp ở Mặt trận bộ rằng chính mình có gặp “cu cậu” đang cọ dép ở quãng suối dưới chân đèo “Chót thì bóp”. Đồng chí chính ủy kia liền kể một câu chuyện vui từ hồi địch nhảy dù Việt Bắc và cao hứng đọc một bài thơ của Thái Văn gợi lại không khí chiến thắng năm đó. Cánh chiến sĩ trẻ nghịch ngợm thì tán vung lên: “Tao trông thầy ông ấy tắm truồng mà đeo kính!”, vài người lấy làm ngạc nhiên có lúc mình đã phải học thuộc lòng và tìm đại ý một bài thơ của ông ta. Những anh chàng đang võ vẽ tập viết văn hoặc làm ca dao thì nhắc đến tên nhà thơ bằng một giọng trịnh trọng hơi quá đáng.

Trong phạm vi một chiến rường cũng như trong một xã hội, người lính bao giờ cũng muốn biết rộng ra ngoài miếng đất mà mình đang đứng. Ở chiến trường, ngồi với bất cứ một người lính nào độ một ngày hay một buổi, một đồng chí coi kho cũng được, ta cũng có thể lượm lặt được vô khối tin tức: Trung đoàn này, sư đoàn khác hiện ở đâu và làm nhiệm vụ gì, những trận đánh nào vừa xảy ra, đoàn văn công đang phục vụ đơn vị nào, cô nào trong đoàn đau cuống họng hoặc bị sốt rét, đồng chí cán bộ này sâu sát nhưng nóng tính, đồng chí tư lệnh kia chỉ huy trận đánh tài ba lỗi lạc. Những người chiến sĩ có hàng trăm mối quan hệ với nhau trong phạm vi một mặt trận và có hàng ngàn cơ hội để tiếp xúc với nhau: Thay phiên trên trận địa tiền duyên, lĩnh gạo và thực phẩm ở kho, đi đường gặp nhau rồi mắc võng ngủ chung, nấu chung bếp, đi trinh sát, đi nhận lệnh, đi dẫn cán bộ, đi phối thuộc chiến đấu… Ở chiến trường người ta cần chuyện trò, cần làm quen, cần giúp đỡ lẫn nhau hơn. Lại còn đặc điểm của tuổi trẻ: Chiến sĩ bao giờ cũng xông xáo, cũng muốn tìm biết, cũng nhận thức để chóng trở thành lũng người lính già dặn kinh nghiệm. Rồi ở chiến trường người ta sống bằng những tình cảm cháy bỏng hơn: Trước cái sống và cái chết, lòng yêu nước, lòng căm thù giặc, tình đồng đội trước khó khăn và nguy hiểm… Hình như tất cả mọi người đều mở tung mình ra để cảm thụ, để nhận thức chung quanh trong một phạm vi hết sức bao quát, và mọi người đều muốn ghi nhận lấy những ý nghĩa và tình cảm chưa bao giờ có: Lần đầu trông thấy một cái đồn giặc, cảm tưởng khi đứng trước một cái bãi xác Mỹ, trước một tên ngụy binh cũng nói bằng tiếng Việt Nam như mình, cảm giác của từng người lúc đứng giữa trận đánh… Thái Văn đang đứng trước một cái “thực tế” như vậy: Mỗi người lính như một cái tổ ong. Người nuôi ong ghé tai vào bên lỗ trát vôi tròn tròn bao giờ cũng nghe lao xao tiếng đập cánh của những con ong đang làm mật. Chỉ có một điều này cũng khiến Thái Văn hết sức thích thú: Dưới đáy ba lô của các chiến sĩ, bên cạnh vài bộ quần áo và các thứ đồ đạc, thường thường mỗi khi giở ra anh trông thấy có những cuốn sổ tay con con. Những cuốn sổ bên ngoài bọc vải ny lông để khỏi thấm nước, chữ bên trong ghi dày đặc bằng đủ loại bút mực, bút chì, bút chì bi. Đó là những cuốn nhật ký riêng mà đôi khi có người đã tự động cho anh đọc. Thái Văn đọc nhật ký chiến sĩ không khỏi chợt nghĩ đến những ngày anh còn cầm súng như tất cả mọi người lính mà anh gặp gỡ hôm nay. Thời mà Thái Văn mới vào bộ đội những người lính của cách mạng ngày đó nếu không cầm khẩu súng thì chỉ cầm cái cày. Trong tiểu đội, những anh chàng tiểu tư sản (Thái Văn cũng là một cán bộ T.T.S). Hồi Thái Văn làm chính trị viên một tiểu đoàn, tiểu đoàn trưởng của anh tên là Vũ. Là một cán bộ quân sự được chiến sĩ rất yêu mến. Anh vào bộ đội mới bắt đầu học chữ. Anh đánh khét tiếng khiến quân giặc rất sợ, khi xung phong thường chỉ cầm đại đao, đánh nhau về là ngủ. Mỗi lần tiểu đoàn liên hoan lửa trại, tiểu đoàn trưởng chỉ có một thứ tiết mục để tham gia vào cuộc vui, lần nào cũng vậy, là đặt hai bàn tay lên đầu gối rồi từ từ chúc đầu xuống làm động tác trồng cây chuối. Không thể nào có cách nào làm cho bộ đội vui hơn được nữa! Cả vòng tròn người cứ lăn ra mà cười. Những người lính của Thái Văn ngày đó, đa số quê Nghệ Tĩnh, đa số là nông dân đã có vợ con, giữa trận cười vui vẻ cứ lấp lánh trước đống lửa những hàm răng đen và nâu. Mỗi thế hệ bước vào cuộc chiến đấu với một dáng cầm súng khác nhau. Thái Văn nghĩ như vậy. Có cái gì khác nhau trong vẻ đẹp của lớp người cầm súng trước đây và lớp người hôm nay? Ngày xưa, những người lính nông dân cầm khẩu súng để chiến đấu cho Tổ quốc đồng thời cho mảnh vườn và mái nhà của mình. Hôm nay, những người chiến sĩ mà Thái Văn đã đi theo họ suốt dải rừng Trường Sơn, họ từ giã gia đình, trường học và từ giã một cuộc sống tương lai đẹp đẽ hết sức đảm bảo đã bắt đầu xây dựng cho họ, vậy thì trong cuộc trường chinh hôm nay họ đang chiến đấu cho cái gì? Họ từ bỏ cái trái hạnh phúc đã ửng hồng trong vườn nhà mình để cầm súng đi chiến đấu cho mục đích gì?

Thái Văn cùng Lữ và Cận đã về đến trung đoàn pháo Sông Cầu. Đường vào trận địa rừng càng hoang vu và chỉ thấy leo dốc. Lữ về đến đơn vị, vừa kịp đặt ba lô xuống thì được lệnh đi theo một tổ trinh sát trắc địa vào hướng Tà Cơn. Thời gian chuẩn bị hết sức vội vã. Trước khi lên đường, Lữ đem tới nhờ Thái Văn giữ hộ một gói đồ đạc cuộn trong chiếc màn và cuốn nhật ký, một cuốn vở bìa ny lông đóng gáy hết sức cẩn thận anh mang từ nhà đi. Thái Văn giở mấy trang đầu đầy những hàng chữ viết ngoáy vội vã như những trang bản thảo. Anh hỏi Lữ một cách đầy nhiệt tình:

– Mình có thể đọc được không?

– Anh đọc cũng được! – Lữ đáp sau một lát suy nghĩ.

Thái Văn liền kiếm một chỗ kín đáo không còn bị ai quấy rầy về chuyện thơ phú nữa và bắt đầu đọc từng trang nhật ký của Lữ

Ngày 27 tháng 9:

Hành quân đến bờ sông H.L. Giữa một buổi trưa nắng oi bức. Con sông H.L. mà tôi đã học trong các bài giáng văn và các bài học chính trị ở nhà trường đấy ư? Một cái lạch nước đầy thương tích chảy giữa hai bờ đá cũng đầy thương tích. Những hòn đá đen như bồ hóng kết thành vỉa đứng rải rác dọc bờ sông. Mọc tận trong kẽ đá, một thứ cây gì đó không biết tên, có phấn, cả thân và lá cây ám đầy khói bom. Bùn bám từng mảng trên các chạc ba, mảng này đắp lên mảng khác, do bom tọa độ và bom B.52 liên tiếp lật từ dưới đáy nước lên. Đứng ớ đây nhìn rộng sang cá hai bên bờ Nam và bờ Bắc chỉ thấy nhức mắt một vùng đầm hố hom đỏ loét trên chỏm đồi, trên sườn đồi, trên dải đất đầy những đá và cây sát mép nước. Hình như số phận những con sông đều hết sức nhạy cảm với chiến tranh? Tôi khoác súng đứng bên này nhìn sang bên kia mấy phút trước khi xắn quần lội qua. Tôi cảm thấy da mặt cứ nổi gai lên, tim phồng to choán cả lồng ngực, một nửa người tôi là máu chảy, nửa là lửa cháy! Hình như tất cả tình yêu có trong cuộc đời chỉ đựng đầy trong một trái tim mười chín tuổi của tôi. Tôi đứng đây và tự nhiên nước mắt cứ trào ra. Bên kia, một nửa phần đất nước, một nửa mái nhà của mỗi mái nhà bên này đang cháy, một nửa trái tim của từng trái tim người Việt Nam bên này ngày nào gót giày của hàng chục vạn quân Mỹ cũng giẫm lên một lần.

Chúng tôi nối nhau lội qua. Một sợi dây bằng hai cây song to kết xoắn vào nhau, dòng từ bờ bên này sang bờ bên kia. Chúng tôi níu lấy sợi dây cáp ấy mà vượt sông. Sợi dây cáp thẳng căng đã lên nước đen bóng vì mồ hôi tay những người vịn vào, người vào, người ra. Tất cả anh em trong đại đội của tôi đều chung một ý nghĩ. Mình đang vượt sông H.L., từng người cúi xuống nhìn bóng mình in trên mặt nước đùng đục nửa như phù sa của đất, nửa như mồ hôi và máu người pha trong đất và nước. Một đồng chí đi sau tôi cầm mũ tai bèo vục một mũ đầy nước đưa lên miệng uống ừng ực, như một người đi đường đã nhịn cơn khát ghê gớm từ lâu ngày. Nhiều người lấy bi đông múc đầy bi đông nước. Vẻ trịnh trọng của chúng tôi, những người lần đầu tiên đi qua đây không thể lọt qua mắt một đám chiến sĩ vận tải vừa từ phía trong ra. Đám anh em vận tải, họ đi qua đây ngày hai lần. Họ lao xuống nước liền cởi phăng áo, trần truồng, vừa lội qua sông vừa tắm vừa ngụp lăn, vừa nô giỡn đùa nghịch, chốc chốc một anh chàng vui vẻ hét tướng lên: “Đã cho cảnh giới chưa bay?”. Một anh khác “Còn xa!’. Chúng tôi sang đến quá nửa sông thì gặp một đoàn nữ dân công chiến dịch rất đông, vừa người Kinh vừa Vân Kiều, sang bờ Bắc lấy hàng. Vừa nghe tiếng cười ríu rít, đám đàn ông vội vã mặc quần áo, anh nào anh ấy khép nép. Đại đội của tôi và đoàn nữ dân công gặp nhau, cùng bám một sợi dây song. Những bàn tay con gái rất to và ấm nắm trùm lên những bày tay lính. Quần áo các cô đều ướt và chua loét. Nước ngấm đến ngang những bờ ngực đầy đặn. Một cô bất ngờ giơ tay giật phắt chiếc mũ cát tôi đang đội: “Anh đổi mũ cho em làm kỷ niệm nhé!” Rồi người con gái chụp lên đầu tôi chiếc mũ của cô, một chiếc mũ tai bèo ướt sững có đính lơ thơ vài mụn vải dù ngụy trang. Tôi không kịp nhìn rõ mặt cô ta nữa, bởi vì ngay sau đó, khắp mặt sông những chiếc mũ vải, mũ cát, cả mùi xoa… đã tung lên cứ loang loáng giữa những tiếng cười, tiếng chào, tiếng nói chuyện rôm rá. Một cô đi đầu trần được một anh chàng trinh sát chụp cho một cái mũ sắt.

– Em không có mũ đối chác với anh mô? – Cô đã hơi đỏ mặt, nói lúng túng.

– Cứ cầm lấy mà che mưa, che nắng, che đạn! Bao giờ thống nhất thì phải đem trả.

– Cứ về đứng ở đây mà đón, o nhìn cho rõ cái mặt tôi không thì lại nhầm!

– Chấm dứt, chấm dứt ngay! – Tiếng cán bộ sang sáng hạ lệnh – Tất cả giữ vững đội hình và vượt nhanh qua trong điểm.

Ngày 1 tháng 10:

Qua sông H.L. đến trạm K., trạm liên lạc đầu tiên của Mặt trận. Tình hình không thể nào lường trước được. Thế là được lệnh quay lộn trở lại bờ Bắc. Tôi và đồng chí Cận có nhiệm vụ quay trở lại kho hậu cứ của Bộ Tư lệnh Mặt trận lấy thêm máy. Vì ở kho K. không có loại máy có nguồn phát 130 vôn. Hai người chầu chực ở kho hậu cứ gần một tuần mới lĩnh xong máy và trang bị phụ vì ” hàng” chưa đưa vào kịp. Lại cấp tốc quay trở vào chiến trường. Mưa như trút. Mưa rất dai. Lần thứ hai đứng trước bờ Bắc sông H.L. vẫn ở quãng bến vượt lần trước để ngắm dòng nước nguồn đổ về một cách hung dữ. Cánh lính qua sông chẳng vui vẻ như lần trước nữa. Bởi vì con sông chẳng còn hiền như tên nó chút nào. Trước mắt chúng tôi nước réo ầm ầm. Hai bờ đá chỉ còn ngoi ngóp những cái đầu đá đen. Rồi nước dâng lên ngập hết đá. Sợi dây song dòng qua sông đã biến đâu mất. Bầu trời nặng trĩu những mây. Gió hú trong hàng “trúc đào” tơi tả. L. 19 lượn để soi B.57 và AD. 6 tọa độ liên tiếp. Giữa ban ngày ban mặt mà pháo sáng chăng từng hàng dọc bờ sông. Về hướng tây, bom B.52 nổ rền trong các chân lèn đá…

Hàng chục đoàn đi công tác lẻ kiên quyết tổ chức vượt.

Đoàn người buộc phao ny lông vào bụng dìu nhau sang. Tôi và Cận nhập vào đoàn cán bộ tiền trạm của “Sông Ninh” để nhờ họ mang hộ một tí máy móc. Gió gào ghê quá, tiếng máy bay và tiếng bom như xoáy tròn. Hai “thằng” trinh sát L.19 vừa quay đi là năm người chúng tôi khoác phao ny lông choàng qua ngực. Nét mặt người nào cũng lặng lẽ âm thầm biểu lộ một quyết tâm sắt đá. Chúng tôi chuyền cho nhau lọ dầu con hổ, mỗi người ngậm một ít trong miệng cho hai hàm răng đỡ tranh trưởng “gõ nhịp “!

Thế là tôi cùng mấy đồng chí nhảy vào vật lộn với sóng gió và bom đạn. Bơi qua sông H.L., vài lần thế này là mình chóng thành người lớn đây!

Ngày 13 tháng10:

Chiếc mũ tai bèo tôi đã cột chắc vào bụng vậy mà khi bơi qua sông H.L. sóng đánh trôi mất lúc nào không biết. Mà chiếc mũ trôi đi đâu ra ngoài dòng sông này được? Rồi thế nào cũng có một người qua sông nhặt được. Hãy cứ biết trước mắt thế là phải đi đầu trần. Ớ đây, đi đầu trần cũng là một cái ” mốt”! Người ta có thể xem cách ăn mặc để đánh giá sự từng trái và khả năng chiến đấu của từng đơn vị hoặc từng người. Những đơn vị “ăn diện” quần dài, mũ mãng, giày tất đầy đủ, ba lô con cóc căng ra, đó là những đơn vị “lính mới”. Đơn vị đã hoạt đông lâu trên chiến trường, những người lính “đàn anh” từng trải và dạn dày thường chỉ đánh quần đùi, áo lót, ba lô lép kẹp và…đầu trần! Cận đi với tôi cũng chẳng mũ mãng gì sất. Người đi đầu trần đã quen mưa nắng, sợi tóc cứng như rễ tre, con người cứng cáp, chẳng hề bao giờ còn biết nhức đầu sổ mũi. Thế đấy, khi còn ở hậu phương thì muốn “nhồi” vào ba lô đủ mọi thứ như một bà nội trợ, chỉ sợ ngày mai sẽ thiếu thốn! Thì hãy cứ sống cho hết những ngày mai như thế xem còn người mình còn có khả năng chịu đựng gian khổ đến mức nào?

Ngày 5 tháng 11:

Mình cũng đã có một niềm vui bất ngờ. Hôm qua gặp bố, tình cờ mà gặp giữa đường hành quân… Bố già đi nhiều nhưng tính tình vẫn sôi nổi, chăng kém gì một thanh niên!

Từ ngày bước chân vào chiến trường, mỗi lần nghĩ đến những người thân thuộc trong gia đình, người mà tôi nghĩ đến đầu tiên là bố. Tại sao như vậy? Tôi cũng không biết. Tôi nghĩ đến bố ở đây rồi mới chợt thấy nhớ mẹ và em gái ở nhà. Anh Trí thì ít nhớ đến.

Đối với tôi xưa kia người cha chỉ gần như một khái niệm, một ý tưởng về sức mạnh và tính nghiêm khắc, và là cái kho không bao giờ cạn để mẹ lấy từ trong đó ra không biết bao điều dẫn chứng mỗi lần mẹ ngồi kể lể chuyện quá khứ và gia đình cho chúng tôi nghe. Có một lần tôi đi cắt tóc về (hồi đó tôi còn đi học nhưng đã lớn) mẹ tôi thấy tôi để tóc dài liền hỏi:

– Mày đã cắt tóc như thế hử?

– Vậy cắt tóc làm sao cơ hở mẹ?

– Cứ húi ngắn như bố mày ấy!

Tôi cãi:

– Cái gì cũng như bố mày, việc gì cũng làm như bố mày. Bố con khác, con khác!

– Mày đi học ở đâu cái lối ăn nói thế hả Lữ? Con mà làm khác cha chỉ là đứa hư thôi!

Tôi biết đã trót nói một câu hỗn với mẹ nhưng cũng không hoàn toàn như lời mẹ tôi bảo. Những người cha dù có tinh thần trách nhiệm đến đâu cũng không thể làm thay được tất cả mọi việc cho đời con cái mình. Làm sao có thể như thế được? Mặc dầu những người cha của lứa tuổi chúng tôi đã làm nên được một sự nghiệp hết sức lớn lao là giành lại đất nước và giữ vững đất nước, và vạch cho chúng tôi con đường phải đi tiếp theo, một con đường đầy hi sinh nhưng hết sức vinh quang. Mặc dầu chúng tôi đã chịu ơn lớp người sinh ra mình và chúng tôi biết cần phải xứng đáng là những đứa con.

Bố! Con ghi những dòng này cho Bố: Suốt đời bố làm một người cán bộ của Đáng trong bộ đội. Bố đã đi trên những con đường chiến dịch như thế này từ ngày con chưa đẻ. Điều đó không đủ để cho con nghĩ đến bố một cách tự hào hay sao? Con yêu từ những quan niệm và tính tình của bố vốn ở con nhiều khi không như thế. Con yêu cả những điều mẹ thường ca tụng bố cũng như phàn nàn về bố không có hoàn cảnh chăm sóc dạy dỗ chúng con chu đáo như mọi người cha của những gia đình khác. Con yêu mẹ như yêu vẻ đẹp dòng sông trước nhà ta, từ túc còn bé con đã thấy. Con yêu bố như yêu dãy núi Hồng sau nhà, chỉ khi được mẹ bế cao trên tay và mẹ chỉ cho con mới nhìn thấy!

Khi hãy còn nhỏ ở nhà, con thường được nghe mẹ và những người làng kể: Vào một ngày kỷ niệm các chiến sĩ Xô Viết bị xử bắn trên núi Hồng, có một người thanh niên dân cày rất hăng hái cách mạng, nửa đêm đã trèo lên cắm một lá cờ búa liềm tận trên đỉnh núi. Lá cờ đỏ bay phần phật trên ngọn núi cao chót vót, những người ở làng xa bên kia sông ngước nhìn lên đều trông thấy.

Người thanh niên dân cày đã cắm lá cờ năm ấy chính là bố. Về sau bố bị bắt, khi bị dẫn đến trước mặt tên tri huyện đứng ra oai trước cửa huyện đường, bố bị chúng đánh trầy cả hai đầu gối mà nhất định không chịu quỳ!

Lá cờ đỏ của bố năm xưa vào những ngày đen tối chúng ta chưa có chính quyền, lá cờ búa liềm trên đỉnh núi Hồng ấy, bây giờ con đã nhìn thấy. Con biết rằng bố lúc nào cũng mong mỏi ở con cái điều hết sức hệ trọng và tha thiết ấy: Con hứa sẽ tích cực phấn đấu để trở thành một đảng viên, thực hiện kỳ được lý tưởng cách mạng cao cả. Đó cũng là niềm ước mơ chung của tất cả mọi đoàn viên thanh niên chúng con, của những chiến sĩ Giải phóng đang cầm súng đánh Mỹ. Bố hãy tin con là con trai của bố!

o O o

Vào giữa tháng giêng, tổ đài trinh sát pháo binh của Lữ đang làm nhiệm vụ giữ đài Q.4, một đài quan sát được đặt ra căn cứ theo phương án của trên đề phòng địch có thể đổ quân từ phía bên sườn bộ đội.

Đấy là một vùng núi cao suốt tháng ngày mưa buốt mù mịt nằm trên sống lưng Trường Son. Ngay trước mặt đài đã là những dáng núi Lào rất cao, các đỉnh nằm trên đường biên giới luôn nhấp nhô trong mây mù. Trên lưng chừng các sườn núi, thân những cây săng lẻ thẳng vút và bạc trắng đứng phơi mình trơ trụi sau nhiều lần địch thả thuốc độc hóa học làm trụi lá. Từ đài Q.4, Lữ đi theo một toán trinh sát trắc địa của đại đội tham mưu chừng một tuần lễ. Khoảng thời gian ngắn ngủi anh đi theo với trắc địa vào sát hàng rào Tà Cơn, có một lần các trinh sát viên chạm trán một toán địch, hai bên “gặp” nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt: Anh em bên ta đi xác định bình độ phía nam hàng rào; toán lính ngụy có khoảng chừng một chục tên đi đặt thêm hàng rào. Hai bên trông thấy nhau nhưng đều tránh nhau. Buổi trưa lúc địch và ta đều rút lui về căn cứ phía sau, Lữ được cử ở lại tiếp tục cảnh giới. Trong một lúc bất ngờ anh chộp được một tên đang ngồi ỉa. Tên lính ngụy hãy còn trẻ, da mặt xám đen và khô như người đói thuốc phiện. Hắn để một cánh tay áo sơ mi vắt lõng thõng trên đầu gối. Lúc ấy Lữ nghĩ thầm: “Thằng này cụt tay! “. Khi hắn đứng dậy, anh ngạc nhiên trông thấy hắn vẫn còn nguyên hai cánh tay lành lặn như một người bình thường. Thằng địch không có súng. Hắn luống cuống xỏ mãi chiếc khóa đồng mới thắt xong chiếc quần trước khi giơ thẳng hai tay lên. Lữ chĩa nòng khẩu súng trường vào sát cái gáy hõm sâu có những món tóc loăn xoăn mọc dài trùm lên cả cổ áo.

Anh quát khẽ:

– Súng của mày đâu?

– Thưa anh quả thực em không có súng.

– Mày nói dối, mày giấu súng ở đâu rồi?

– Em đi hàng rào, em để súng trong hàng rào…

– Chỗ nào?

– Chỗ em làm ban nãy…

– Vậy thì mày phải quay vào lấy cho được khẩu súng.

Nòng khẩu CKC cầm lăm lăm trong tay Lữ lúc nào cũng chỉ cách tên lính một khoảng cách bằng hạt đậu. Hắn đi cà nhắc. Lữ hỏi:

– Chân mày làm sao?

– Em giậm phải dây thép gai.

– Thôi đừng giả vờ nữa, mày mà giở trò gì thì coi chừng!

– Thưa anh, em giậm phải dây thép gai thật ạ!

Lữ dẫn hắn đến sát hàng rào ngoài cùng. Hắn chui qua một lớp dây thép gai bùng nhùng. Hắn bò tới sau một đống dây thép còn mới, vẫn còn nguyên cả cuộn bó chặt. Bỗng thằng lính ngụy đứng thẳng dậy quay về phía Lữ, bàn tay vạch quần: “Súng ông đây này!” Lữ nổ phát súng trường đầu tiên trúng giữa cuộn dây thép đánh chát tóe lửa. Thằng địch nhệch miệng chửi đổng một câu rồi vội vã quay lưng chạy chữ chi trên cái bãi cỏ giữa những lớp hàng rào dây thép gai. Lữ đỏ mặt tía tai, bàn tay cầm khẩu súng cứ run lên vì túc giận, anh bắn hết một kẹp đạn mà không trúng một phát nào.

Thằng lính ngụy chạy thoát. Đạn cối cá nhân và đạn bắn thẳng liên tiếp tuôn ra ngoài như mưa. Lữ nằm rạp đầu trước dãy hàng rào, vừa giận mình vừa ức với thằng địch. Chuyến ấy, Lữ quay trở về được cũng đã có thể gọi là dũng cảm và may mắn. Khi về đến đơn vị, anh không giấu giếm mà đã kể hết. Cả đại đội cứ bò ra mà cười. Câu chuyện trên xảy ra, Lữ coi như một mối hận trong đời mình và anh quyết tâm phải rửa mối hận ấy.

Cho đến giữa tháng giêng, cuộc chiến đấu sôi nổi, quyết liệt chung quanh đối với Lữ vẫn còn là một cái gì bỡ ngỡ và xa xôi hết sức. Hằng ngày các chiến sĩ thay nhau quan sát địch, trực máy, luôn luôn phải giữ bí mật mọi hoạt động. Thỉnh thoảng vài anh em rủ nhau đi bẫy sóc, đi kiếm lá lốt hoặc các thứ rau rừng về cải thiện. Cuộc sống của các chiến sĩ có phần cô quạnh và heo hút, nhưng cũng chính vì thế mà mọi người càng trở nên gần gũi và thân nhau hơn. Thú vui độc nhất trong những ngày rỗi rãi ở đây bây giờ chỉ còn cách ngồi tán chuyện. Có chuyện gì mà không đem ra kể với nhau lúc này? Chỉ trong mấy hôm, tất cả các chiến sĩ đều thuộc hết đời tư của nhau.

Một buổi trưa, Đàm, một cậu rất vui tính nguyên trước kia làm giáo viên đang cùng mấy cậu khác ngồi kỳ cạch chữa chiếc đèn báo của máy vô tuyến điện. Đàm cầm chiếc kìm vặn đinh ốc, bàn tay lấm đầy những dầu, Đàm ngước lên hỏi Lữ:

– Bữa trước ở dưới Khe Sanh, cậu nghĩ thế nào mà lại thả thằng lính ngụy ấy ra?

Lữ nhìn thẳng vào cặp mắt vui vẻ của Đàm: “Hắn là một thằng cha vui tính nhưng lúc nào cũng thích châm chọc!”. Lữ không nói gì nhưng trong lòng đã thấy tự ái.

Đàm vẫn không tha:

– Cậu nghĩ rằng bắt được tù binh mà không lấy được súng thì không đáng gọi là cừ khôi, tớ đoán hẳn cậu nghĩ vậy?

Lữ cố giữ bình tĩnh:

– Cậu nói chuyện khác đi thì hơn! Cậu là thằng hay đùa dai lắm.

Một cậu ngồi xếp bằng trên một phiến đá, bình luận:

– Theo như cậu Lữ kể thì thằng ngụy binh ấy tinh ma lắm. Nhưng mà cậu bắt được rồi mà lại còn buộc nó quay trở lại lấy súng thì “ác”thật!

Một cậu tên là Khôi, biệt hiệu anh em đặt cho là Khôi “cán bộ bản”, hai con mắt lúc nào cũng ngước nhìn lên trời chả khác nào một chiến sĩ “tiêu đồ” pháo cao xạ:

– Các giống cây trên rừng kể cũng lạ! Các cậu thử ngắm cái cây gì mọc trên chóp núi cao chót vót kia kìa, y như là cây si, rễ chỉ bám hờ vào đá vậy mà sống được.

Đàm:

– Cây nào sống ở đất ấy chứ! Ở rừng lắm cây nhưng ít người, mà người lại ít nói, tớ chán ở rừng lắm. Ở dưới biển thú hơn nhiều!

Khôi “cán bộ bản”:

– Người trên vùng cao ít nói nhưng chất phác. Cậu không thấy bao nhiêu chiến khu hoặc căn cứ kháng chiến của mình đều đặt trên núi à? Đánh nhau cũng vậy, địa hình vùng núi vẫn thuận lợi hơn.

Đàm cãi lại:

– Cậu tưởng vùng biển người ta không đánh giặc được đấy hử? Người vùng biển cũng thật thà chất phác và họ lúc nào cũng ồn ào vui vẻ… Chao ôi, các cậu đã bao giờ có dịp theo thuyền ra khơi đánh cá hay chưa? Không phải tớ nói phét chứ ở cái làng tớ dạy học, dân người ta khua bàn chân xuống nước cũng vớt lên được hàng yến cá.

Một cậu ngồi bên cạnh Lữ, đôi lông mày sâu róm nheo lại hỏi Đàm:

– Tớ không hiểu tại sao người ta lại để cho cậu đi dạy trẻ con được?

– Ấy thế mà bà con ở cái làng vùng biển ấy rất thích tớ!

– Thôi đi cậu. Cậu bịa đến khiếp đi được! Các cậu ngồi với thằng Đàm một lát mà xem, nó có thể bịa hàng “lô” chuyện không hề có sự thật.

Đàm:

– Cậu nói tớ đấy à?

– Cậu chứ còn ai nữa! Có đời nào chỉ khua chân xuống nước cũng vớt được hàng yến cá? Ngày đi dạy cậu ta lại còn giảng cho học sinh rằng là nàng tiên đuôi cá hiện bây giờ vẫn sống giữa “cung điện san hô” ở dưới đáy biển. Chính nó đã thuật lại với mình như thế.

Đàm đã chữa xong chiếc đèn báo của máy vô tuyến điện. Anh sung sướng bật đi bật lại cái núm công tắc, miệng tấm tắc:

– Tốt rồi! Tốt rồi!

Câu chuyện giữa những người lính thật thoải mái. Lại một anh chàng khác “đâm bổ” vào giữa:

– Làng tớ có một cậu đến là khéo tay, cũng như thằng Đàm ấy. Cái gì thuộc về máy móc hắn mày mò một lát đều biết hết. Miệng hắn cũng dẻo ngọt hết sức chỉ phải cái xấu trai. Hắn vào bộ đội, ở một đơn vị cao pháo, cứ mỗi tuần lễ hắn viết về cho mỗi cô trong làng một lá thư. Các con bé làng tớ đem tất cả những bức thư của hắn đóng lại thành một tập, thỉnh thoảng đem ra đồng ngồi chụm đầu lại đọc. Những đứa con gái làng tớ đứa nào cũng mê hắn.

– Hắn viết những gì trong những lá thư ấy? – Một cậu tò mò hỏi.

– Cũng cóc có chuyện nào là sự thực cả. Hắn bịa tuốt! Bởi vì mình với hắn giữ máy tiếp điện cho pháo có việc gì xảy ra trong đơn vị mình chả biết.

Đàm lại có dịp bắt đầu thao thao:

– Chuyện này thì tớ không hề bịa một chút nào. Tớ cam đoan vậy. Vùng quê ngoại tớ cũng có một vài đứa mê tớ nhưng rốt cuộc tớ chẳng thèm để ý một đứa nào sốt! Vùng quê ngoại tớ là vùng cói, con gái mới lớn lên đứa nào mười ngón tay cũng dẻo đến mức có thể uốn được, như là sáp! Các bà người Âu mặc váy hoa đi ô tô về bỏ ra một lúc dăm chục bạc mua một cái làn vẫn tấm tắc khen rẻ. Bọn con gái ngồi trong nhà múa những ngón tay một lát đã thành chiếc hộp thuốc lá, chiếc mũ, chiếc quạt… Chao ôi, sao mà bên quê ngoại lắm con gái vậy. Ngày còn đi học Sư phạm, một lần tớ theo mẹ sang bên ấy ăn giỗ. Cậu tớ xếp cho tớ ngồi cùng mâm với một lúc bốn đứa con gái. Hồi đó tớ vẫn là đứa dút dát. Cậu tớ trông thấy tớ thẹn ngồi cứ cắm mặt xuống liền nắm tay lôi lên ngồi mâm trên với các cụ. Các cụ ăn uống quá rề rà, gắp một miếng bỏ vô miệng lại rít một mồi thuốc lào! Thú thật là những năm về sau, tớ đã lớn và khôn hơn, tớ có thư từ đi lại với một cô làm nghề thủ công bên quê ngoại. Cứ tưởng sau này sẽ “nên chuyện”. Ai ngờ khi tốt nghiệp Sư phạm, tớ liền bị điều đi dạy tuốt trong một tỉnh miền Trung. Lần đầu đứng trước cái bãi ngang đầy sóng bạc đầu và những con thuyền đánh cá là tớ mê ngay đến nỗi vụ nghỉ hè cũng không muốn về quê nữa. Tớ đã quên mất cô bạn cũ, tớ quên ráo tất cả! Ngày nào không phải tới lớp là tớ nhảy ngay xuống thuyền, tớ cũng đã từng đi lộng đi khơi, biết “lèo lái cạy bát”, từng trải giông tố, đã một lần chết hụt vì đắm thuyền một mình trôi giạt phải rút dao găm đánh nhau với cá mập dưới đáy biển(!). Những năm địch đánh phá bằng máy bay tàu chiến, mùa hè các cô giáo thầy giáo khác ai về quê người nấy, tớ cũng ở lại cùng cánh thanh niên đi bám biển sản xuất. Vùng biển, những đứa học trò con gái mười lăm, mười sáu tuổi đã lớn lộc ngộc. Suốt vụ nghỉ hè, những đứa học trò lớp bảy ngày nào cũng chạy toáng khắp nơi để tìm tớ xin chữ ký và con dấu vào sổ học bạ. Bọn học trò ở đấy chúng nó chẳng có phép tắc gì cả: “Thầy như con nít, cứ chạy nhắng chẳng biết lối mô mà tìm!”, “Thầy Đàm ơi thầy Đàm, mạ tui bảo thầy có ăn mắm ruốc thì cầm bát sang!” Mấy đứa học trò con gái đang chuẩn bị hồ sơ thi vào các trường trung cấp, xin được chữ ký xong chúng nó còn cốc lên đầu tớ. Có đứa lớn nhất đã cả gan xé vạt lưng áo của tớ rồi ù té chạy, miệng nói: “Mai tui mang kim chỉ sang vá áo cho thầy!”

Lữ cùng mấy cậu ngồi nghe cứ ngây ra, tất cả đều bị hấp dẫn bởi câu chuyện của Đàm. Một số cậu sốt ruột hỏi:

– Ngày mai, con bé học trò có sang vá áo cho cậu không?

– Làm gì có!… Chỉ có bà mẹ cô ta sang tìm tớ: “Thầy Đàm ơi thầy Đàm, cái loa bên nhà tui hắn kêu rẹt rẹt mà không nói chi”. Tớ chỉ định chạy sang chữa cho bà cái loa truyền thanh, ai ngờ đâu cuối cùng phải ở lại làm rể gia đình ấy mới chết chứ! Cuối mùa hè năm ấy, cô con gái bà ta thi đỗ vào trường Trung cấp Hàng hải nhưng lại không chịu đi học mà xung phong ở nhà làm chân đội trưởng chế biến. Cái làng ấy, đi từ đầu tới cuối chỉ thấy tường đổ và ngói vỡ, chiến hào bắn máy bay và giao thông hào chạy ngang dọc như bàn cờ. Những buổi trưa nắng, nói thế nào cho các cậu hình dung ra được nhỉ, biển giống như một lọ phẩm tím hòa đặc, máy bay quây tròn tầng tầng lớp lớp như vẩy cá bám dọc theo nước. Tớ nhặt nhạnh các thứ đồ phụ tùng của xác máy bay nằm ngổn ngang trên bãi cát để chữa cái loa truyền thanh. Trong gia đình ấy, ông bố cô ta là một người hiền lành và ít nói. Trong khi tớ ngồi trên chõng tre kỳ cạch sửa chữa thì ông lão ngồi xếp bằng giữa nền cát để vá lưới, cái lưng cháy nắng đen thui và cứng cáp như thuyền. Ông lão suốt cả ngày không nói một câu. Còn bà mẹ thì quá đáng, cứ như một con vàng anh! Bà ta ngồi trước một dãy hũ nước mắm, gắn xi lên nắp tùng hũ bằng một que đóm, và kể lể hết sức chi tiết cho tớ nghe diễn biến của một mối tình cũ kỹ cách đấy hàng nửa thế kỷ giữa bà ta và ông lão đang vá lưới. Bà ta kể xong một đoạn lại lăn bò ra cát mà cười, cứ như một lão đàn ông say rượu, miệng chõ sang phía ông lão: “Tui có nói trạng chi mô, ông!”. Ông lão cũng vẫn cứ ngồi im thin thít y như nghe một câu chuyện chẳng hề liên quan đến mình chút nào. Có khi bà ta lại chõ miệng về phía tớ mà khiêu khích. “Thầy chê con gái làng tui, thầy không nói chi hỉ?” Tớ không biết nói gì thật, chỉ ngồi nghĩ: Không hiểu sao một ông lão cứng rắn như tảng đá, và quá ít lời như vậy mà đã có một thời “đam mê” đàn bà nổi tiếng. Rồi tớ ngắm bà mẹ, không hiểu do quy luật nào một người đàn bà xấu xí như bà ta lại có thể đẻ ra một cô con gái xinh xắn nhất làng như cô học trò của mình. Những câu chuyện bà ta đem ra kể trước mặt tớ không phải là không có ngụ ý gì cả đâu. Bà ta muốn “đánh tiếng” cho tớ cô con gái đấy! Thật là một người đàn bà ruột để ngoài da mà lại đầy mưu mô! Hôm mình rời cái làng nằm kề bãi ngang ấy để vào bộ đội, những tốp máy bay “con ma” thay nhau bắn tên lửa xuống xưởng chế biến nước mắm xây dựng trên một cồn cát ở cuối làng. Bà mẹ bảo tớ: “Thầy Đàm ra ngoài nớ động viên tinh thần em nó hộ tui một chút! ” Tất nhiên là không đợi phải giục, tớ cũng phải ra ngoài cồn cát để từ biệt cô học trò. Hai thầy trò chúng mình ngồi giữa một vùng cát rộng mênh mông, bên miệng chiếc hầm làm bằng gỗ ván thuyền hỏng ghép lại. Hàng dừa đứng sát mép nước đang cháy, ngọn lửa chốc chốc lại bùng lên trên thân những cây dừa cụt ngọn như một hàng đuốc. Cô học trò của tớ khi đi học ngồi trong lớp là chúa hay nói chuyện riêng, vậy mà lúc này cứ ngồi im, mái tóc kẹp buông sau vai và quần áo đều ướt nhấp nhánh. Quanh nơi hai thầy trò chúng mình ngồi đầy mảnh chum và những bông hoa màu tím của rau muống biển mọc trùm kín bãi đất. Tớ ngắt một bông hoa đưa lên mũi chỉ thấy sực lên mùi bã mắm và nước mắm cốt. Các cậu đã có đứa nào lâm vào cái hoàn cảnh như vậy chưa? Dứt khoát tớ và cô ta, đến lúc bấy giờ không một ai muốn gặp nhau để ngồi im lặng như thế. Tớ đã từng xem nhiều cuốn phim tình yêu và ngốn hàng chục cuốn sách truyện, trong đó không ít đoạn người ta đã bày cho thằng con trai chúng mình xử trí cái tình huống ấy, vậy mà mồm mép tớ cứ như một cái hũ nước mắm vừa bị gắn xi lại! Giữa lúc đang bí, may mà cô ta bắt đầu hỏi được một câu: “Thầy… hắn đã nói được chưa?”. Tớ hỏi – “Cái gì nói được?” – “Cái loa nhà em?”. Tớ bảo cho cô ta cái loa đã chữa xong. Cô ta lại hỏi: “Bọ mạ em có nói chi với thầy không?”. Tớ trả lời chẳng thấy nói gì cả. Các cậu có biết cô ta nói gì với mình không? – “Chẳng nói chi hỉ, bọ mạ không nói muốn gả em cho thầy hỉ?”. Suốt buổi tối ấy cô ta không dám ngồi gần tớ: “Em ngồi xa xa kẻo nước mắm giây sang người thầy. Mùi nước mắm khó tẩy lắm!”.

Anh chàng Đàm, cái anh chàng mồm mép như “tép nhảy” kể đến đấy thì ngừng lại, giả vờ ho mấy tiếng, rõ ràng là cậu ta đang nhớ bãi cát, nhớ biển.

Rồi Đàm cười cười đầy vẻ tinh quái như đang tự chế giễu mình khi nghe anh em “truy” tiếp:

– Câu chuyện còn diễn ra thế nào nữa?

– Cậu mê biển chứ không mê cô học trò hử?

Lữ:

– Hồi còn đi học, tớ đọc một quyển sách có một câu: Nước mắm là máu của biển…

Câu chuyện giữa những người lính như những cánh bướm cứ chập chờn biến đổi như thế, từ chuyện này nhảy sang chuyện khác một cách vui vẻ chẳng đâu vào đâu cả.

o O o

Toàn bộ công việc thường xuyên từng ngày từng giờ của đài quan sát là phát hiện và tìm hiểu các dấu vết lạ trên mặt đất, và phỏng đoán những triệu chứng quân địch có thể đổ bộ bằng đường không. Hằng ngày, các chiến sĩ chia thành từng tổ cảnh giới và bí mật sục sạo ra tận các khu vực biên giới.

Trong số các chiến sĩ ở đài, không người nào có khả năng tìm hiểu địa hình địa vật mau lẹ như Cận. Chỉ sau khi đặt chân tới đấy được vài hôm Cận đã thuộc hết mọi ngõ ngách rừng núi. Cận đã phát hiện thấy được một con đường rất bí mật và hiểm hóc của bọn thám báo từ bên Lào sang. Cuộc sống biệt lập xa đơn vị của đài cũng có nhiều khó khăn: mỗi lần đi về lấy gạo và các thứ thực phẩm phải mất năm sáu ngày đường, một viên thuốc sốt rét cũng quý như một viên đạn hay hạt muối. Cận tìm thấy chung quanh khu rừng trú quân đã bị thuốc độc hóa học làm trơ trụi, hàng chục thứ lá và củ của những giống cây có thể ăn được. Anh hái đem về mỗi thứ cây một cành lá để anh em nhận dạng. Cận bao giờ cũng nghĩ thiết thực và nghĩ xa hơn đến những trường hợp khó khăn nhất. Biết đâu sẽ có lúc đường tắc vì địch đổ quân, vì mưa lũ, sẽ có lúc không gạo và thức ăn, thuốc men cũng không có.

Cận bao giờ cũng thế, một con người lỳ như đá, nét mặt chẳng bao giờ thay đổi. Đứng trước việc xảy đến khiến người khác có thể lo lắng đến nẫu ruột thì Cận chỉ ngồi yên lặng, quá lắm mới mở miệng thốt lên được một câu: “Cứ yên chí!”. Anh cũng chẳng bao giờ góp được một câu đậm đà vào các cuộc trò chuyện hay tâm sự. Mỗi lần anh em ngồi rỗi đem chuyện Lữ bắt hụt tù binh ra bàn tán và đùa Lữ, Cận chỉ nín lặng, chỉ có một lần anh phát biểu: “Thằng ấy rồi nó đánh nhau được, cứ yên chí!”. Cận không bao giờ kể thành tích của mình đã qua: Cận là lính công binh cũ. Hồi anh còn ở một đại đội cầu thuyền phụ trách một trọng điểm địch đánh phá ác liệt, hai lần anh đã cứu được hai chiếc phà bị cháy tưởng không thể nào cập bến được. Trong một vụ lụt lớn ở Tà Kh., Cận với mấy anh em công binh chỉ ăn dè mỗi ngày một dúm gạo rang đã giữ một chiếc phà đôi đậu dập dềnh trên ngọn cây. L.19 soi sát mặt nước, đứng trên phà vuốt nước mưa trên mặt nhìn thẳng về phía trước thấy chiếc L.19 như chiếc ô tô sắp lăn bánh xuống phà. Mùa lũ ấy, Cận và tổ công binh không những giữ được chiếc phà đôi mà còn vớt lên được nào là xe đạp, máy chữ, quần áo, cả bò, lợn của các kho binh trạm không kịp chạy lụt. Trong mấy năm khoác ba lô và chiếc xẻng sống lang thang dọc các bến bãi giữa rừng hình như Cận đã quên hẳn gia đình vợ con. Một chuyến anh được quay trở ra hậu phương và ghé về thăm nhà, về đến nơi mới biết vợ con đang lâm vào hoàn cảnh quá bức bách. Về đến ngõ, anh ngó qua hàng giậu trông thấy một cái mái rạ gá tạm giữa sân. Trời mưa to, vợ anh, một tay bế con, một tay cầm đũa cả xéo khoai. Vợ anh là một cô gái đảm đang nhưng hay tủi thân, vừa ngoái trông thấy chồng, miệng đã mếu máo: “Anh ơi nhà cháy, con ốm!”. Anh bình thản đặt cái ba lô xuống, miệng cười: “Được rồi! Đâu lại vào đó thôi!”

Đâu lại vào đó thôi! Đấy là triết lý của Cận, một cuộc đời mới ngoài hai mươi mà phải vật lộn với quá nhiều khó khăn và lúc nào cũng phải ứng phó. Một cuộc đời sung sướng ít, gian khổ nhiều. Lữ làm quen với Cận từ hồi hành quân đường giao liên nhưng vẫn chưa hề biết chút gì về đời tư và quá khứ của Cận. Ngày đó Lữ chỉ biết Cận là “một tay làm thịt chó nhoáng cái đã xong”. Ngày đó, Lữ, Cận và Thái Văn cùng nhau đi nốt quãng đường vào chỗ tập kết của trung đoàn pháo Sông Cầu, dọc đường, Lữ chỉ toàn hỏi Thái Văn những chuyện văn chương, trong khi Cận lẳng lặng đi trước với một con dao phát cây mở lối đi cho hai người, và khẩu A.K luôn luôn hướng về phía trước sẵn sàng nhả đạn nếu gặp thám báo. Có một bận, Cận phát hiện mình đi lạc nhưng anh không hề nói gì với hai người sau, gặp ai cũng hỏi, cứ lùi lụi khoác ba lô đi, chốc chốc lại dừng lại nhắm hướng các ngọn núi để nhận đường.

Cận và tổ đài quan sát đặt chân lên vùng biên giới đã được khoảng một tuần lễ. Bước sang đầu mùa xuân mà ở đây vẫn mưa liên miên. Một buổi tối, Lữ và Đàm theo Cận xuống chân đài dựng lại chiếc hầm nấu ăn vừa bị nước suối đánh sập.

Đàm dỡ những thanh gỗ bên trong cái hầm bếp đầy ngập bùn và lá khô. Cận và Lữ đào đất đặt lại ống thoát khói. Ba người hì hục làm trong đêm tối.

Đàm sắp lên cơn sốt. Anh thấy trong người đã gai gai nhưng vẫn nói chuyện vui vé. Đàm kể chuyện những người đánh cá nấu ăn ở ngoài biển hấp dẫn đến nỗi chính Cận đôi lúc cũng phải chống cuốc đứng nghe và kêu lên: “Cái thằng tài nói thật! “. Bệnh sốt rét rừng đang hành hạ Đàm. Ngày mới lên đây, Đàm béo đỏ như một anh dân chài thực thụ; vậy mà chỉ sau mấy cơn sốt, da thịt như bị bóc đi mất, cái yết hầu nhô ra. Buổi tối hôm ấy, ba người chữa xong cái hầm nấu ăn, Đàm trở về đài. Cận và Lữ ngủ lại.

Quá nửa đêm, Cận và Lữ dậy thổi cơm, nấu tiếp một nồi canh lá lốt nữa mà trời vẫn chưa thấy sáng.

Gà bên rừng Lào gáy từng chập. Chim “bắt cô trói cột” kêu đến là buồn. Một thứ tiếng gì đó, không biết là tiếng chim hay thú vật, kêu “tốc… tốc…” từng hồi dài vụt nín lặng như để nghe ngóng. Lữ nhìn ra ngoài: Dãy núi bên kia suối đen ngòm, chỉ có thể trông lờ mờ cái màu trắng của những thân cây săng lẻ đứng kề bên bờ suối, Lữ chỉ dáng núi trước mặt hỏi Cận:

– Quả núi này đã là đất Lào hay vẫn là đất của ta?

– Không biết. Có lẽ đất ta!

– Anh Cận ạ (lâu nay Lữ không dám “cậu cậu tớ tớ” với Cận. Lữ nghĩ: Cận hơn tuổi mình, và sinh ra để làm đàn anh những thằng còn non nớt như mình) tôi nghe nói ở vùng biện giới, cỏ bên nào đổ sang bên ấy, có phải không?

Cận soi đèn pin thăm nồi canh lá lốt, ghé môi húp một ngụm:

– Mặn ơi là mặn! Cậu chưa biết quý hạt muối. Ai nói với cậu thế? – Cận cười – Chắc là cậu vừa chép vào sổ tay cái chuyện cây cỏ lạ lùng ấy!

– Anh nói chuyện cho vui, anh Cận! Chẳng lẽ chúng mình cứ ngồi im thế này chờ sáng ư?

– Tớ chẳng biết nói chuyện đâu.

– Anh kể chuyện hồi ở nhà vậy?

– Tớ kể cho cậu nghe để cậu ghi hết vào sổ tay phải không? Tớ chẳng thích thế!

– Anh năm nay bao nhiêu tuổi?

– Cậu đoán coi?

– Hăm bốn hay hăm nhăm?

– Có lẽ chưa đến chừng ấy, hay là hơn cũng nên!

– Sao lại thế?

– Các bà trong xóm nhớ tuổi tớ mỗi người một khác, bố mẹ tớ chết sớm lắm.

– Anh được vào Đảng lâu chưa?

– Từ ngày còn ở nhà cơ!

– Anh thấy tôi thế nào hả anh Cận?

– Cậu tốt thôi!

– Tại sao dạo trước có một cậu ngồi nói chuyện với anh, cậu ta cứ gọi anh là Cát?

– Chính tên thực của tớ từ ngày ở nhà đấy! Chính tên tớ là Cát. Hồi mới vào bộ đội không biết thế nào các ông ấy đánh máy nhầm ra Cận.

– Sao anh không bảo chữa lại?

– Làm quái gì? Cát hay Cận, mình vẫn là mình chứ ai đánh tráo mất.

– Nghe nói hồi ở nhà anh ở chùa phải không?

– Cái thằng này! Cậu đang điều tra lí lịch tớ hay sao đay?

– Tôi nghe nói đời anh gian truân lắm?

– Ai bảo cậu vậy?

– Tôi đoán thế! Đời tôi đến thật là chán, nhỏ thì bố mẹ nuôi ăn đi học cho đến khi lớn, gì cũng biết mà hoá ra chẳng biết gì cả. Cho nên vào bộ đội làm gì cũng lớ ngớ!

– Được đi học có ích chứ cậu. Ngày nhỏ, trông thấy bọn học trò cắp sách đến rường, tớ thèm lắm. Cậu yên chí, người ta chịu khó tìm tòi thì việc gì cũng biết làm. Phàm người đã làm người thì cái gì cũng phải biết. Bước xuống thuyền phải biết cầm cái chèo. Đặt chân lên con đường phải biết con đường dẫn mình đến đâu. Đứng trước một thằng Mỹ thì phải biết ngay quãng cách giữa mình và nó, khẩu súng đang cầm trong tay là kiểu súng gì. Đừng làm rối lên, mà cũng chẳng có gì đáng lo lắng quá! Tớ đã kinh nghiệm những thằng hay làm rối lên và việc gì cũng lo trước vào thân đều là những thằng chẳng biết làm ăn gì cả!…

Chính đêm hôm ấy, trong khi hai người ngồi nói chuyện vui và chờ sáng thì địch đang bí mật đổ quân xuống sườn núi bên đất Lào. Chúng xuống bằng nhiều chuyến trực thăng bay rất thấp luồn trong các hẻm núi đá, đứng trên chỗ cao không thể nghe tiếng động cánh quạt được.

Cận để tai xuống đất nghe ngóng một lát vội vã nhổm dậy:

– Tao nghe có tiếng cánh quạt trực thăng thấp lắm!

Lữ ngơ ngác:

– Chúng nó đổ quân hay sao!

– Chúng nó đổ rồi! Tao đoán chúng nó đổ xuống bên kia rồi!

Lữ:

– Tôi với anh sục xem sao?

– Cậu phải quay trở về! Ngày hôm nay không khéo không sao nấu cơm được nữa đâu.

Cận giao cho Lữ gánh nồi cơm và mấy cái bi đông đựng đầy canh lá lốt lập tức quay trở lại về đài. Lữ đi rồi, Cận liền xách súng khom lưng về phía trước, vừa chạy vừa mở khóa an toàn: “Làm sao phải bám ngay được chúng nó! ” Khoảng nửa tiếng sau, Cận đã tiếp cận được địch. Anh nằm dán mình trên một vạt lá tranh, ngửi thấy mùi thuốc lá thoảng bay ra từ sau mấy gốc cây săng lẻ. Cận căng mắt nhìn vào khoảng bóng tối theo dõi hai ba cái bóng người đang đi đi lại lại. Cận quyết định nổ súng báo cho anh em ở nhà biết anh và chúng nó đã chạm trán nhau ở đây. Một điểm xạ A.K nổ đôm đốp! Sao mà nhanh vậy, địch liền phản ứng, lại ngay. Một khẩu đại liên sau một gốc cây liền bắn tới tấp như người đổ đạn. Cận nằm úp xuống đất và cười thầm: “Thế là tao đã bắt buộc chúng mày phải há miệng lên tiếng rồi!”

Cận ôm súng chạy tạt sang một bìa rừng bên cạnh, chạy vừa được một quãng tự nhiên giậm phải một cái gì mềm mềm, anh nhận ra khuỷu tay một người đang ngồi. Một đốm thuốc lá bỗng cháy rực soi rõ một khuôn mặt lấp ló sau vành mũ sắt rất rộng, một cặp mắt có vẻ vừa bị đánh thức dậy đang ngước lên. Rồi tiếp theo có tiếng càu nhàu, xị xộ. Cận lập tức nhận thấy tất cả tình thế nguy hiểm. Chung quanh anh toàn là bọn Mỹ! Không biết cơ man nào những chiếc mũ sắt úp sụp trên những cái mặt lính Mỹ đang ngủ, thoạt nhìn từ xa như một vườn khoai môn. Tên lính vừa bị Cận giậm phải đã thức dậy và đang đứng lên, chiếc ba lô dã chiến như chiếc tay nải đeo toòng teng sau lưng. Cận trấn tĩnh. Anh ôm chặt khẩu súng vào bụng, lấy giọng mũi cũng càu nhàu xì xộ mấy tiếng, đoạn ngồi thụp xuống, gục đầu giả vờ ngủ. Tên lính nhìn Cận rồi nhìn xớn xác chung quanh một hồi. Có vẻ chưa thoát khỏi cơn buồn ngủ, hắn kéo sụp mũ sắt, kẹp súng giữa hai chân, đứng tựa lưng vào gốc cây, hai cánh tay khoanh trên cái ngực cồm cộm giắt đầy băng đạn. Cận thấy hắn đã nghẹo đầu về một bên vai. Anh yên chí ngồi giữa bọn lính Mỹ. Bọn chúng đứa đứng tựa gốc cây, đứa ngồi. Giấc ngủ về sáng thường rất say, đến nỗi tiếng súng ban nãy nổ ầm ì vậy mà không một thằng nào thức giấc. Cận vẫn tiếp tục quan sát bọn địch. Chung quanh anh xông lên mùi thuốc lá thơm và mùi sữa, cả một thứ mùi gây gây và hôi của mồ hôi nách. Một tên ngồi bên trái, sát bên sườn Cận. Cái nách hắn hôi như một cái ổ chuột. Hắn ôm chiếc ba lô dã chiến đặt trên đầu gối, hai con mắt hắn nhắm mà cái miệng mở hoác ra đớp đớp như miệng cá ngạo. Một thằng khác ngồi phía sau đang ú ớ mê sảng. Cái bộ phận tam giác bảo vệ đầu ruồi khẩu súng tiểu liên cực nhanh của một thằng nào đó bỗng chạm vào nòng khẩu A.K của Cận kêu đánh cách một cái. Cận vội vàng xoay nòng súng của mình về phía khác. “Chúng nó đang chủ quan và mệt mỏi – Chúng nó đã đổ xuống được mấy chuyến đang chờ sáng mới tập trung quân – Chúng nó đặt chân xuống đất mà không bố trí thành hình thế chiến đấu ngay – Chúng nó, chỗ này, có ước khoảng gần một đại đội mỗi thằng có tiểu liên cực nhanh, dao găm và lựu đạn Mình có 4 quả lựu đạn, khẩu A.K có năm mươi viên, cũng đủ dùng, và mình có cả dao găm”. Tất cả mọi ý nghĩ của Cận hiện ra thật rõ rệt, mỗi ý nghĩ tự vạch ra một kế hoạch hành động ban đầu. Rồi tùy tình hình phát triển đến đâu sẽ xử trí đến đó. Hãy biết rằng phải tranh thủ chủ động hành động ngay tức khắc.

Cận soát lại tất cả mọi dự tính đang lặng lẽ diễn ra trong óc. Và anh cắp khẩu tiểu liên vào nách, khẽ xoay người về một bên, từ từ đứng dậy…

o O o

Lọat A.K đầu tiên của Cận như một hiệu lệnh báo động. Hai đồng chí gác vội vàng chạy đi đánh thức tất cá anh em trong đơn vị dậy. Mọi người vội vã lấy súng và bao đạn.

Lúc Cận nổ súng quần nhau với gần một đại đội lính Mỹ vừa đổ xuống thì ở nhà anh em đang tranh thủ ăn cơm sáng.

Lữ nuốt vội vã mấy miếng cơm nóng, vừa ăn vừa dịch lệnh của đài trưởng ra bản mật mã. Khôi “cán bộ bản” đang ghé sát miệng vào chiếc ống cao su, hai con mắt ngước lên nóc hầm:

– Cánh đồng đội 3 nở đầy hoa thơm. Chuẩn bị liềm hái đi cắt… Cánh đồng đội 3 nở đầy hoa thơm!…

Tiếng gọi của Khôi hơi lạc đi bởi quá mừng rỡ và xúc động. Tiếng lựu đạn và các thứ súng bên cánh rừng phía tây, nơi sát biên giới đang nổ ran. Cặp mắt Lữ nhìn như khoan vào khoảng bóng tối ớ phía đó đang loãng dần. Lữ ban đầu lo cho Cận. Lữ không khỏi bỡ ngỡ trước một cuộc chiến đấu vừa xảy ra chớp nhoáng ở nơi nào đó với những diễn biến anh không thể nào biết, bởi vì vừa mới đây anh còn ngồi nói chuyện với Cận, và anh còn bắt Cận phải trả lời anh bao nhiêu câu hỏi. Lữ hối hận đã nghe Cận quay trở về. Một mình Cận liệu có sao không? Đáng lý mình phải cùng đi để yểm hộ cho Cận. Quân địch ở đó có bao nhiêu? Tất nhiên chúng nó rất đông. Làm sao chúng nó đang phải nổ súng loạn lên, như phải giáp mặt với cả một đơn vị vậy?

Trời sáng dần có thể nhìn tỏ mặt người. Tiếng súng phía biên giới đã im hẳn. Khoảng gần một tiểu đoàn quân Mỹ đã tập trung xong. Sườn núi trước mặt đài quan sát, cách chừng một cây số, thấp thoáng bóng người mặc áo xám và đội mũ sắt. Tiếng máy bay ầm ầm trên đầu. Hầm đặt máy của Lữ và Khôi tưởng chừng nghiêng ngả vì những loạt bom đánh rất gần. Khói đen trùm kín những sườn núi trống trải. Sau khi xác định tọa độ khu vực địch tập trung, đài trưởng quyết định gọi bắn.

Chỉ trong mấy phút, những loạt đạn đầu tiên của ta ban đầu giội xuống sườn núi trước mặt. Rồi đạn pháo nổ dồn dập, trùm lên đội hình tiểu đoàn quân địch như một cái mũ chụp bằng lửa khổng lồ.

Khoảng non trưa, địch lại tiếp tục cho trực thăng đổ quân xuống. Bên sườn phía tay phải đài quan sát lại thấy lốm đốm màu áo xám lính Mỹ. Trên bầu trời, một chiếc trực thăng kiểu “cá lóc” ba cánh quạt vừa chạm đất, chiếc thang dây dưới bụng con cá lóc chao đi chao lại, những chiếc lá khô cuối cùng còn sót lại trên ngọn các cây cao bị gió cánh quạt bứt bay lả tả. Chiếc trực thăng chỉ huy đang điều quân bỗng bay thẳng đứng lên một cách hốt hoảng. Đợt bắn thứ hai của pháo đài ta bắt đầu. Ngay sau mấy viên đạn hiệu chỉnh vừa rơi xuống, một nhóm quân địch bị quét sạch quang. Đại bộ phận bọn chúng, một nửa nằm dán xuống ngay tại chỗ, một nửa đâm đầu chạy thục mạng lao qua khúc suối có cái hầm nấu ăn, đội hình địch liền bị vỡ ra từng mảng.

Các chiến sĩ trinh sát đứng trên đài đã nghe tiếng bọn lính Mỹ kêu la ngay dưới chân. Chúng thi nhau chạy sang sườn đồi đài quan sát để lánh đạn. Lữ ngồi xổm trong cái hầm mù mịt khói, đang thay thế Khôi dùng kí hiệu sửa bắn theo lệnh đài trưởng “Hoa nở bên cánh đồng cô Năm! Hoa nở bên cánh đồng cô Năm!” Lữ áp cái ống tổ hợp sát miệng, hấp tấp gọi, tiếp theo câu ấy là một tràng chữ số mật mã. Chỉ trong vài ba phút sau, đạn lại nổ gần chụp lên đám quân địch nhớn nhác tập trung ngay dưới chân đài, mép an toàn khu vực đạn nổ chỉ cách mấy cái hầm trinh sát vài chục thước. Ngay bên trái hầm Lữ, một viên đạn pháo nổ rất đanh. Trong làn khói lẫn đất cát, Lữ ghé mắt nhìn qua cửa thông hơi thấy một hình người nằm ngửa, cái đầu gối dài và nhọn co lại duỗi ra hai ba lần: Một thằng Mỹ đang giãy chết!

Đợt bắn thứ hai lâu đến mười phút. Giữa lúc pháo ta đang bắn, trên bầu trời có hai chiếc máy bay trinh sát kiểu OV.10A, tiếng động cơ trong trẻo như tiếng sáo diều mùa hè, đang bay lượn nhiều vòng tròn, hai chiếc bay ngược chiều nhau và vòng lượn mỗi lúc một hẹp dần.

Đài trưởng nhận định có thể địch đang giao hội làn sóng. Khôi và Lữ được lệnh tắt đài và di chuyển. Lữ vội vã ghé vai xốc chiếc đài lên lưng rút ra khỏi hầm. Đàm cùng hai đồng chí trinh sát nữa được lệnh tới làm nhiệm vụ bảo vệ đài trong khi di chuyển. Tổ máy có hai người cùng ba đồng chí trinh sát tiếp tục thu dọn máy móc.

Từ sáng tới giờ, Đàm vẫn chưa dứt sốt. Đàm đến trước cửa hầm máy, cặp vai xo run run, mồ hôi vã ra trên bàn tay cầm khẩu súng cũng run rẩy và khuôn mặt đỏ như gấc, hai hàm răng đều đặn trắng lóa cắn chặt cái môi xám. Một đồng chí trao cho Đàm chiếc túi băng đạn. Anh giơ tay nắm cái túi vải bạt nhưng bàn tay cứ lật bật run rẩy mãi không cầm chặt được cái túi.

– Cậu Đàm vẫn đang sốt! – Lữ kêu lên và bảo Đàm ở lại nhưng anh nhất định không chịu. Đàm vươn cái cổ ngẳng ra trước để đón cái túi băng đạn, miệng cười cười “Khoác vào cho tớ, hộ tớ tí cậu!” – Đàm giục.

Năm người lần theo một cái khe phân thuỷ mọc đầy cỏ đồng tiền lẫn gai góc đi về hướng đông. Máy bay liệng vòng tròn trên đầu. Năm người đi được dăm trăm thước thì một loạt bom đánh trúng giữa khu vực đài cũ họ vừa rời khỏi. Sau loạt bom “dọn bãi”, một tốp ba chiếc trực thăng đã cắn đuôi nhau bay tới. Lữ vừa đi vừa ngoái nhìn lại. Anh nhìn thấy rõ trên đầu mình, những tên Mỹ áo ngực cởi phanh, tay xách súng, tay vịn trên thang dây trực thăng. Bọn Mỹ vừa đặt chân xuống đất liền xả súng bắn vung vãi. Tổ đài di chuyển đến trước một cái khe rất sâu thì chạm một trung đội địch vừa đổ xuống. Hai bên dàn ra bắn nhau khoảng dăm phút. Lữ đang bận mang máy nhưng cũng tranh thủ kẹp đế báng súng vào hõm vai nhằm trúng giữa ngực một tên nấp sau đám cỏ đồng tiền. Mãi về sau, anh vẫn còn ghi được cái hình ảnh ấy: Tên lính Mỹ mặt đầy tàn nhang đeo chiếc ba lô hình chữ nhật như một cái hộp gỗ sau lưng. Tay hắn đang lắp viên đạn vào khẩu súng B.90 mà miệng vẫn cứ nhai cái gì đó. Hắn gác nòng khẩu súng bằng các tông màu vàng lên vai và xoay xoay cái nòng súng. Trong vài giây quan sát thằng địch đang làm động tác chuẩn bị xạ kích, Lữ thấy như có khí lạnh buốt chạy qua óc: Anh chợt nhận ra mình đã để lộ mục tiêu chiếc điện đài khoác trên lưng. “Hắn đang nhằm bắn mình!” Tất cả động tác của thằng địch đã đặt trúng giữa hai khe ngắm khẩu súng trường của Lữ, và anh quyết định: Không còn là lúc mình thu gọn mục tiêu của mình lại trước mắt hắn nữa. “Mày hãy cầu Chúa đi! ” Lữ nín thở, bóp cò thành hai nấc đúng yếu lĩnh như đã tập. Thằng Mỹ bị trúng viên đạn bắn thẳng giữa ngực liền vật mình về phía sau nhưng chính hắn cũng đã kịp thời bóp cò, chỉ chậm nửa tích tắc! Viên đạn B.90 phụt một giàn lửa đỏ chói lòa như mẻ thép lao vút thẳng lên trời. Tên địch cùng cả vùng cỏ đồng tiền chung quanh liền bị trùm giữa đám khói và lửa quyện vào nhau, do sức phản lực viên đạn gây ra. Đó là tên Mỹ đầu tiên chết gục trước mũi súng của Lữ.

Cuộc chiến đấu ngay sau đó trở nên hết sức quyết liệt. Bên ta, năm chiến sĩ chia thành hai tổ vừa đánh vừa bảo vệ chiếc điện đài. Lữ thấy Đàm lúc nào cũng có mặt bên cạnh mình. Cơn sốt của Đàm hình như đã biến đâu mất. Lúc bấy giờ; ngay trước mặt Lữ có ba tên đang chực lăn xả vào, một thằng ngụy răng vàng cao dong dỏng chạy giữa hai thằng khác đang há miệng gào như một thằng điên: “Bắt sống lấy nó, cái thằng mang điện đài!” Đàm chạy vụt ra phía trước mặt Lữ. Hàm răng vàng của tên ngụy binh sáng lóe, nom rõ từng chiếc một. Đàm chờ cho cả ba tên chạy tới chỉ còn cách mươi bước, anh mới xả súng bắn. Lữ nhìn qua vai trái hơi nhô lên của Đàm thấy tên răng vàng đã ngã gục, hai thằng chạy hai bên quay đầu chạy.

Địch lại kéo tới đông hơn. Quây tròn trước mặt, bên sườn và sau lưng Lữ chỗ nào cũng có địch. Chúng nó liều chết lại xông vào quyết bắt sống Lữ. Lữ loáng thoáng trông thấy một tấm lưng áo quân phục quen thuộc lấm đất, một khuôn mặt đồng chí nào đó đầy sát khí và những mũi súng cắm lưỡi lê khoa lên. Lữ đang ôm ngang lưng một thằng Mỹ chỉ cao bằng anh. Anh tìm không thấy lưỡi lê cứ nhe răng cắn vào giữa cái gáy của hắn. Hắn cầm quả lựu đạn không kịp mở nắp nện đại lên vai và cánh tay Lữ, miệng rặn è è, con mắt màu đồng thau nhắm tít lại vì bị cắn đau quá. Lữ vẫn không nhả cái gáy tên Mỹ, mồ hôi lẫn máu mằn mặn đầy trong miệng, anh cũng chẳng thấy ghê tởm chút nào! Đàm vừa hạ xong một tốp khác, anh chạy tới. Máu chảy ròng ròng bên má Đàm. Lữ chỉ nghe một tiếng “rắc”. Cả Lữ và tên Mỹ buông nhau ra. Thằng địch ngã khuỵu xuống, còn Lữ đau điếng một bên vai, cũng chỉ kịp nhổ một bãi máu tươi ngậm trong miệng. Gần một tiểu đội địch vẫn vây bủa lấy Đàm và Lữ “tên Việt cộng mang điện đài”. Tiếng Đàm thét: “Mày chạy đi, Lữ! ” Lữ sờ lựu đạn. Lựu đạn hết. Anh ngồi thụp xuống nhặt mấy viên đá thẳng tay ném vào giữa bọn chúng. Chúng bị đánh lừa nằm rạp cả xuống, Lữ kịp thời xoay chiếc máy ôm gọn trước ngực, bụng nghĩ: “Sống chết cũng phải giữ cho được cái đài để liên lạc!” Cái bờ khe cắt một khoảng dốc tối om bờm xờm mấy cái cây lá xanh xanh vàng vàng như làm bằng giấy. Hình ảnh cuối cùng Lữ chứng kiến giữa cuộc vật lộn là khuôn mặt đẫm máu đầy sát khí của Đàm. Để cản không cho bọn địch bắt được Lữ, anh đã lăn vào giữa chúng, hai tay cầm lăm lăm hai quả lựu đạn.

o O o

Từ lúc đó Lữ chẳng còn biết gì hết. Anh ngất đi gần hai tiếng đồng hồ. Trên mặt đất địch đã rút hết bằng trực thăng. Lữ cựa quậy được. Anh hồi tỉnh lại dần dần. Từ dưới đáy cái khe sâu hun hút tối mù mịt, Lữ nghe bên tai có tiếng kêu “vo vo” như đàn ong đang rời tổ, có lúc lại nghe “tuýt tuýt” như có người nào đang đánh tín hiệu ngay trên đầu mình, có lúc lại nghe như có tiếng người nói, có lúc nghe như tiếng chim. Anh đã mất hết cảm giác về thời gian và không gian, cả cái cảm giác rõ rệt về sự tồn tại của bản thân mình nữa. “Mình chết rồi ư?”. Anh chợt nhận ra,mình vẫn còn sống bắt đầu từ cái ý nghĩ ấy. Mình chết thế nào được! Không có lý một thằng bao giờ cũng yêu đời và mang bao nhiêu hoài bão như mình lại có thể chết giữa một mùa xuân mới bắt đầu hai mươi tuổi? Anh chợt nhớ một lần ở nhà anh nằm mê thấy mình chết, giữa cõi chết, giữa cái chốn “âm ti” rất xa lạ ấy anh đạp vỡ một cái phích nước sôi để trên chiếc bàn kê cuối giường ngủ. Trí, người anh ruột của anh đang ngồi học thì một dòng nước sôi giội vào giữa đầu gối bị bỏng phải nghỉ học mất mấy ngày, còn mẹ anh thì lại bảo anh: “Con ạ, bao giờ mày mới bỏ được cái nết ngủ như thằng giặc ấy!”

Tất cả những ý nghĩ đến với anh, những hồi ức gia đình xa xôi đó xác định là anh vẫn sống. Lữ mừng đến muốn trào nước mắt khi anh nhận ra cái vật đang đè trĩu ngay trên ngực mình vẫn là chiếc đài. Bây giờ là mấy giờ? Ban ngày hay ban đêm? Lữ cố nhắc thử bàn tay đặt giữa cái núm đèn báo. Ngón tay cứng như gỗ mãi mới ấn được. Chiếc đèn báo điện do Đàm chữa hộ vẫn còn tốt. Hình ảnh Đàm hiện ra trước mắt Lữ như một pho tượng tạc bằng đá. Trong vùng ánh sáng tròn tròn xanh xanh màu lá cây chỉ bằng miệng chén, Lữ quan sát chung quanh thấy những đám rêu trơn nhẫy, một tảng đá nằm dưới chân và hình như chỗ nào cũng có cây cối cành lá xanh tốt. Thế giới chung quanh hiện tại của anh đây! Anh mở đài. Nghe tiếng kêu rẹt rẹt, máy vẫn bắt được tốt nhưng không gian im lặng như tờ. Lại nghe tiếng kêu của con chim ban nãy, y như con chim đang nhỏ nhẻ ở trong cái đầu nóng bỏng của anh. Và anh thấy khát nước, khát đến cháy cổ! Anh cố nhấc mình lên để bò đi nhưng khắp mình mẩy chỗ nào cũng đau ê ẩm. Anh cố nhớ lại tất cả diễn biến chi tiết cuộc chiến đấu vừa qua thật rành rọt, bằng tất cả nghị lực của trí nhớ và xác định hoàn cảnh hiện tại của mình: mình mẩy thâm tín, có lẽ do cuộc chiến đấu giáp lá cà vừa qua hoặc va vào đá khi lăn xuống khe. Đài thì vẫn tốt, không hề hư hỏng. Trên mặt đất có lẽ địch đã cuốn đi hết vì không nghe tiếng súng. Anh cố xoay mình để lấy chiếc bi đông nước. Chiếc bi đông bẹp dúm. Nước chỉ còn mấy giọt. Anh thè lưỡi liếm mấy giọt nước còn sót lại, thấy tỉnh táo và khỏe hơn. Anh cố gắng khoác máy đứng dậy. Bây giờ thì phải tìm cách thoát ra khỏi cái khe. Phải tìm đường lên mặt đất và trở lại đơn vị. Anh cố lết đi. Anh bò đến một cái bờ dốc liệu sức có thể bám tay leo lên được. Cái bờ dốc cây cối mọc rất rậm rạp. Anh cố gắng leo lên mấy lần nhưng kiệt sức lại ngã xuống, mồ hôi vã ra. Chiếc dây da đeo máy thít chặt hai bên vai đau đến không thở được. Chính lúc đó anh càng nhận thức được tất cả nỗi sung sướng của một chiến sĩ thông tin vô tuyến điện. Thế là cuối cùng anh vẫn bảo vệ được máy. Anh vẫn bảo vệ được “tiếng nói” của anh.

o O o

Một người gan lỳ lúc nào cũng bình thản đến phát sợ như Cận, làm sao địch có thể “hạ thủ” dễ dàng được!

Giá có một tên lính của bên địch lâm vào tình thế của Cận buổi sáng hôm ấy, hắn đã yên tâm bỏ súng xuống giơ tay lên. Về sau này người ta tìm thấy trên khoảng đất bên cạnh bìa rừng, ở đó Cận nhẩy bổ vào giữa một đại đội lính Mỹ, có hàng chục xác chết vì lưỡi lê và lựu đạn của anh, và rất nhiều vũ khí, quân dụng chúng hốt hoảng bỏ chạy để lại. Các chiến sĩ đi thu dọn chiến trường nhặt được tiểu liên cực nhanh, quan tài Mỹ, hàng đống bi đông đựng nước ngọt chưa kịp mở nắp (mỗi thằng Mỹ có năm sáu chiếc bi đông nhựa giắt quanh thắt lưng). Xác những tên Mỹ được đặt vào những chiếc quan tài bằng ny lông có phéc mơ tuya mà chúng nó đã vất lại. Anh em còn tìm thấy trên cái vệt mũi súng của Cận đã đi qua có hai chiếc mũ vải thám báo, viên đạn bắn xuyên từ bên này sang bên kia, cả hai chiếc đều bị bắn thủng như thế, bên trong lần vải lót còn dính óc và máu.

Quá trưa ngày hôm đó, Cận mới tìm được đường trở về với anh em ở nhà. Khi đó cuộc chiến đấu đã kết thúc, đài trưởng và các chiến sĩ đang sục đi khắp nơi để tìm Lữ. Có đồng chí đoán Lữ đã hy sinh, người đoán anh có thể bị địch bắt. Thường ngày Cận coi Lữ như đứa em. Cận chạy đi lật tùng cái xác địch còn để lại để tìm Lữ. Anh đi dọc bờ khe cất tiếng gọi bằng giọng đã khản đặc. Anh tìm thấy dấu vết một cuộc vật lộn: ở chỗ bụi cây bên bờ vực có vết đất nhẵn thín. Cận liền vạch cây trèo xuống. Anh tìm thấy Lữ đang nằm thiếp đi giữa lưng chừng một bờ dốc, tay vẫn nắm chặt một cái cây mọc nghiêng nghiêng. Cận vội vàng đỡ lấy Lữ. Anh đặt Lữ nằm ngang trên đùi mình và tháo chiếc máy ra khỏi vai. Sờ mũi vẫn còn hơi thở, anh dốc cả chiếc bi đông đang đầy nước ngọt lên khuôn mặt “học sinh” đã tái xanh tái xám. Lữ tỉnh dậy và nhận ra Cận. Lữ nhận ra cái thân hình thấp lùn chắc nịch của Cận đang ngồi trước mặt mình. Có lẽ hồi nhỏ mỗi lần được ngồi bên mẹ cảm giác sung sướng và thấy yên tâm cũng giống như lúc này mà thôi. Bất giác, Lữ vòng cánh tay ôm ngang lưng Cận, tiếng nói vẫn còn thều thào:

– Sao anh tìm xuống đây được?

– Tớ với mấy cậu ấy đi tìm cậu khắp mọi chỗ!…

Cận cho Lữ biết qua tình hình của mình. Lữ nói:

– Tôi cứ tưởng anh chẳng còn quay trở về nữa!

– Xì… lúc nãy tớ đi qua bếp, chỗ tớ với cậu ngồi lúc mờ sáng tớ chỉ lo cho cậu không biết lần này đánh chác thế nào?

Cận lục túi băng đạn tiểu liên đưa cho Lữ một cái hộp giò chiến lợi phẩm:

– Cậu ăn đi một tí!…

Lữ ăn hết hộp giò mới biết là mình hiện đang đói nhưng ngay tức khắc anh đã nôn thốc nôn tháo hết tất cả ra.

– Mày làm sao vậy? – Cận ngạc nhiên hỏi.

– Tôi nghĩ đến mà tởm quá! – Lữ đỏ mặt, cào hai ngón tay vào tận họng như đang cố moi “một vật gì hết sức ghê tởm” ra ngoài.

– Cái gì tởm, giò hộp hử?

– Cái thằng Mỹ!…

Trên đường cùng với Cận quay trở về, Lữ cố nhớ hình dáng và khuôn mặt thằng lính Mỹ anh đã từng ôm ghì lấy nó đã hoảng hốt cầm trái lựu đạn đánh đến thâm tím hai bên vai mảnh khảnh của anh, và anh đã dùng răng cắn nát cái gáy của nó. Chính anh cũng không thể hiểu trong cái lúc giáp mặt với nó, sao anh lại có thể ghê gớm và quyết liệt đến như thế? Việc làm vừa qua khiến anh tự cảm thấy mình như một người nào khác: “Mình không phải là một thằng học sinh chỉ biết đọc sách, trước việc gì cũng ngây thơ mà mình vẫn tự đánh giá, mình cũng biết cầm súng chiến đấu, khi cần thiết cũng có thể hành động quyết liệt như tất cả mọi người”. Ngay hôm đó, Lữ mặc bộ quân phục rách tơi tả, chiếc đài khoác sau lưng, anh bước trên mặt đất với niềm tự hào. Anh vừa đi vừa ngắm những tên Mỹ đang nằm phơi xác Bằng con mắt mơ mộng giàu suy tưởng, anh nhận ra thằng lính Mỹ sử dụng khẩu B.90 bị anh bắn chết. Lữ hoàn toàn không có ý định xem mặt nó nên suýt nữa anh giậm phải xác nó. Nó nằm nghiêng, vẫn đeo sau lưng cái ba lô “gỗ” hình chữ nhật rất dài bên trong còn hai quả lựu đạn. Khẩu súng bằng các tông đã bị cháy nhưng còn nguyên hình dạng cái bộ phận cò bằng điện. Nó đã chết nhưng con mắt trái vẫn nheo lại như khi làm yếu lĩnh xạ kích. Chỉ có con mắt phải mở he hé, giữa hai hàng lông mi hé ra một gợn lòng đen màu nước dưa không hề bắt một chút ánh sáng nào. Lữ vụt liên tưởng đến một bài vật lý đã học ở trường ngày xưa và suy đoán như một nhà khoa học: Cái chết không thể nào xóa đi được hình ảnh của chính anh đã hiện hình trong cái gợn lòng đen và trong sọ não tên lính Mỹ. Khả năng xạ kích của mình cũng không đến nỗi quá tồi! Anh dừng lại giây lát, nhìn vết đạn để lại trên khuôn ngực và đọng quanh chiếc dây chuyền buộc một đồng tiền.

Lúc Lữ nhấc cao đầu gối bước qua xác tên Mỹ, mấy ngón chân xây xát của anh thò ra bên ngoài mũi giày vải vô tình chạm phải cái bàn tay của nó. Cái bàn tay nhợt nhạt đã hơi ngả sang màu xám và cứng quèo như vừa truyền sang người anh một luồng điện. Bất giác tận nơi sâu kín nhất của tri giác, anh cảm thấy ghê tởm cái bàn tay ấy. Tất cả những gì diễn ra trong tâm hồn anh mà anh không thể kịp nhận thấy khi nhằm bắn nó, tất cả lòng căm thù sâu xa của anh đối với nó, cái thằng Mỹ ăn cướp ấy lại bùng dậy một cách âm thầm: Chính chúng nó là những đứa đã gieo bao cảnh tàn phá và chết chóc xuống đất nước anh khiến nhiều lần trái tim anh như thắt lại vì đau đớn. Bọn ăn cướp Mỹ ấy, chính chúng nó đang muốn đem sự dã man của thú vật và sức mạnh của máy móc đè lên dân tộc anh. Vì thế mà anh đã giết nó, chính bàn tay anh đã cầm khẩu súng trường bắn chết nó.

o O o

Cũng ngày ấy, Lữ khám phá ra cảnh sắc một mùa xuân tươi tốt đầy sắc xanh dưới đáy cái khe cạn, từ đó anh đã tìm ra những ý nghĩa mới mẻ của cuộc sống.

Giữa triền núi bát ngát tù bên phía Việt Nam sang tới bên kia biên giới – vùng đất nước Lào, rừng cứ trơ trụi vì thuốc độc hóa học, ngồi dưới gốc cây nhìn ra bốn phía chỉ thấy cành cây khô rạch ngang dọc và một vùng trời trống rỗng xám như kẽm. Những con đường mòn, những khe suối bị phơi mình ra trơ trẽn, lác đác vài chỗ mới trông thấy vài chiếc lá sót lại, trên các ngọn cây to đã chết khô, những chiếc lá vàng ấy qua mấy mùa đông không chịu rụng. Chỉ sống chưa đầy nửa tháng ở đây, các chiến sĩ đài quan sát phải nhìn mãi cảnh rừng chết khiến con mắt mỗi ngày một nhức nhối khó chịu. Giữa lúc ấy thì ở dưới những khe sâu thẳm, cây cối vẫn mọc tươi tốt, xanh rì. Dọc theo bờ dốc thẳm của những vách đá sâu hun hút và tối tăm, ở đó không khí bao giờ cũng ẩm ướt, các giống cây có gai và không có gai không tên tuổi vẫn mọc sum sê, cành lá chen khít nhau; mùa xuân đến các giống cây ấy cũng thi nhau nở rộ những bông hoa nhỏ li ti khoe một thứ màu sắc mộc mạc như hạnh phúc của những người bình thường. Giữa hai triền núi cao tiếp giáp nhau có những cái khe phân thủy rất sâu và rộng, thỉnh thoảng có quãng phình to ra như cả một cái thung lũng phì nhiêu đầy bí ẩn; đó là thế giới riêng của chuối và cỏ lau. Từng thung lũng chuối rừng chạy dài quanh quất tưởng không bao giờ đi hết cái màu hoa chuối đỏ, và hoa bông lau phơ phất một màu tím đậm nhạt. Ờ những chỗ đất tốt còn thấy những bụi nứa, bụi vầu đã có hàng trăm năm. Sát dưới chỗ sâu nhất chưa ai hề đặt chân là mộc tặc, cỏ gừng, bướm bạc, lan rừng hoang… Mặt đất với cảnh sắc thiên nhiên thật là đẹp nhưng bao giờ mặt đất cũng tự trang điểm cho mình bằng những con người. Một ngày đầu mùa xuân cấp trên hạ lệnh bãi bỏ đài Q.4. Các chiến sĩ được lệnh trở về tập trung ở trung đoàn để nhận nhiệm vụ khác. Sau những trận đánh, những buổi sáng vùng biên giới lại trở lại yên tĩnh và đầy sương mù. Trong không khí yên tĩnh sau vòm sương bao phủ từ lòng suối lên các đỉnh núi cao chót vót, mỗi lúc Lữ nhớ tới Đàm vào những khi đứng gác bao giờ anh lắng tai nghe thật kỹ cũng nghe những tiếng động ì ầm như đứng trước một vùng biển động. Biển như đang dâng nước dưới chân những dãy núi miền Tây hoang dại và hùng vĩ.

Một buổi sáng mùa xuân như thế, Lữ cùng các chiến sĩ đài quan sát mỗi người hái một bông hoa chuối rừng đặt lên mộ hai đồng chí đã ngã xuống trong những ngày tiểu đội họ tới tổ chức một cuộc chiến đấu ở đây. Hai đồng chí của họ đã cầm lưỡi lê lựu đạn lăn vào giữa những đám lính Mỹ để giải vây cho Lữ và chiếc đài vô tuyến điện. Lữ khuân tới đặt bên cạnh mỗi ngôi mộ một viên đá đầy rêu phong anh lấy từ dưới khe lên. Anh biết mình còn mắc nợ cuộc đời rất nhiều. Lữ giở ra xem tất cả các thứ đồ đạc và cuốn sổ tay trong chiếc ba lô của Đàm để lại. Lữ kiếm mãi vẫn không sao tìm thấy một lá thư, một bức ảnh của Đàm hay người con gái học sinh vùng biển mà Đàm thường hay nhắc tới. Trong vô số những câu chuyện vui mà Đàm thường kể cho anh em trong tiểu đội nghe, khó có thể tin mọi câu chuyện đều có thật, nhưng chẳng lẽ tất cả đều là chuyện bịa? Chẳng có lẽ ngoài bộ quần áo lót, một gói thuốc viên ký ninh màu vàng và một cuốn sổ tay giấy trắng mỏng dùng để làm giấy cuốn thuốc lá, Lữ không thề tìm thấy một cái gì khác ở người đồng đội vui tính và hết sức yêu đời ấy? Trên mấy trang giấy đầu cuốn sổ tay của Đàm ghi vài cái địa chỉ hòm thư bộ đội, và một vài đoạn thơ “sinh hoạt” do anh làm:

Hôm qua “môn thục”, hôm nay “tai voi”,

Nấu với cá suối ăn tươi ra trò!

Bống chạch câu, bắt về kho,

Lá lốt xào ốc tha hồ trôi cơm.

Còn trời còn nước còn non.

Còn rừng, còn suố,. ta còn chất tươi!

Ban ngày đằm nước suối trong!

Ban đêm ớn lạnh nằm còng queo run!

Đường hành quân dù mưa ngàn thác dữ,

Dốc ngược đèo cao mây phủ Trường Sơn,

Dù nắng gắt mưa tuôn,

Dù thiếu muối đói cơm,

Ta vẫn bước dưới lá cờ Quyết thắng

Ta nguyện làm mầm non trên cành xuân của Đảng!

Làm chiến binh gang thép của đoàn quân!…

Rừng ở đây khi Lữ sắp từ biệt giữa ngày xuân đang vàng áy một màu. Không nghe một tiếng chim, một tiếng suối chỉ có bãi đổ quân của thám báo và vệt đường đi của chúng cắt ngang sườn biên giới. Sau một ngày hành quân, Lữ ngước mắt ngoái trông lên phía Tây, vẫn chỉ thấy trập trùng những dáng núi xanh mờ suốt ngày đầy sương mù vây quanh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN