Dấu Chân Người Lính - Chương 7
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
246


Dấu Chân Người Lính


Chương 7


Một người đứng từ xa nhìn Khe Sanh trong những tháng mùa xuân dữ dội và đạm bạc màu sắc ở đây rồi sau bao lâu cũng không thể nào dứt ra khỏi trí nhớ cùng một lúc hai hiện tượng: Một bầu trời đầy sương mù bao trùm lên mặt trận; tiếng pháo của ta và tiếng bom của địch nổ long trời, trùm lên nhau, như muốn cùng một lúc xé toang cái màn sương che phủ mặt đất để gieo xuống đó ngọn lửa thiêng liêng của người hay ngọn lửa tội ác của loài quỷ.

Bước vào tháng hai, lượng mưa chưa từng thấy trong những tháng mùa đông và đầu mùa xuân đã rút dần xuống. Rừng miền tây Khe Sanh đang hối hả trút những trận mưa muộn màng cuối cùng. Bầu trời, mặt đất, chiến hào, tập đoàn cứ điểm của địch, những trận đánh, cùng mọi hoạt động trên chiến trường như đang nằm gọn trong một cái túi đan bằng nước khổng lồ. Mưa kéo dài trong suốt gần một tuần lễ, sau đó thì dứt và dứt hẳn mưa. Và sương mù ban đầu phô trương cái mùa hoạt động đầy thanh thế của nó. Khắp thung lũng dâng lên một biển sương trắng dày đặc. Cả ngày bầu trời chỉ quang quẻ trong chốc lát. Sáng, sương mù đến trưa mới tan. Mới ba bốn giờ chiều, trung tâm Tà Cơn, thị trấn, trận địa bao vây sát hàng rào, đường 9, các chỏm rừng chung quanh, tất cả bị phủ kín trong một tấm chăn bông rất xốp chứa sũng hơi nước. Sương mù suốt ngày trôi chậm chạp hoặc cuồn cuộn, vận động hàng triệu triệu hạt nước nhỏ li ti đi khắp thung lũng như một cuộc diễu binh đông đảo chưa hề thấy. Có những dải sương đặc và chảy lòng thòng như một dòng sữa. Có những dải sương khác chạy vùn vụt, hối hả, tạt qua mặt các chiến sĩ cảnh giới kèm theo một làn hơi lạnh như có băng giá. Có những đám sương gần như suốt ngày đêm ấp vào ngọn Đồi không tên đã bị bom đạn làm trơ trụi, như một con rồng đang cuộn mình trên cái chỏm đồi đầy thương tích ấy để đẻ.

Sương mù đỏ quạch trong khói bom.

Sương mù làm nền cho bức tranh vẽ những thân cây cà phê bị chém tõe và cháy đen thui, người trong bức tranh thiên nhiên đó là những chiến sĩ đi theo đội hình thưa thớt dọc chiến hào, mí mắt người nào cũng cum cúp và dày, da mặt tái hoặc vàng sạm trùng với màu đất, mặt người, tóc, giày mũ, quần đùi áo lót, lưới xẻng và báng súng đều có đất bám.

Sương mù xộc vào các ngách chiến hào có nắp chất đầy lựu đạn và mìn định hướng.

Sương mù bám trắng trên lông mày, trên đầu mũi lê, trên cầu ăng ten vô tuyến điện, trên chuôi lựu đạn, trên đầu ruồi súng, trên ống kính các đài quan sát.

Trong thế giới sương mù mông lung, mù mịt, rộng lớn đang giăng phủ lên tất cả không gian miền Tây, miếng đất thung lũng Khe Sanh đã trở thành nơi thử thách sức bền vững tinh thần của hai chế độ xã hội.

Chính ủy Kinh đã trải qua gần hai tháng cùng những người lính trong trung đoàn của mình chiến đấu trên chiến trường. Quãng thời gian qua, ông lại có thêm nhiều “người thân” tìm thấy trong quần chúng binh sĩ. Các bạn, những người đang theo dõi câu chuyện này xin đừng coi ông là một cán bộ quân đội tài năng lỗi lạc, mà hãy xem đấy như một con người tốt đáng tin cậy hoặc như người đồng chí của mình.

Con người đã có thể gọi là có tuổi tác nhưng vẫn còn một cái tật xấu của những người trẻ tuổi: Hay “bốc” và nói bao giờ cũng vung tay. Người cán bộ chính trị ấy có một niềm khao khát tiếp xúc với quần chúng. Kinh ngồi với chiến sĩ bao giờ cũng có chuyện để nói. Chỉ ngồi với một chiến sĩ, ông cũng làm ồn ào lên, ông bắt chuyện rất say sưa và thành tâm, khi hỏi han, khi lắng nghe, khi chỉ trích hay khen ngợi, khi nạt nộ, khi chế giễu. Khi ông đứng trước đội hình một đại đội hay một tiểu đoàn, chiến sĩ liền bảo nhau: “Giãn ra, thủ trưởng Kinh sắp nói chuyện đấy!”. Chiến sĩ ngồi hàng đầu lập tức vui vẻ dạt sang hai bên (để lấy chỗ cho ông vung tay), các cặp mắt đều hướng về ông hết sức hứng thú. Khuôn mặt ông trở nên sinh sắc, con mắt lành trở nên linh hoạt, con mắt bị thương nhìn vào một chỗ. Ông vừa nói vừa đi đi lại lại. Ông nói tình hình và nhiệm vụ. Ông nói về sức mạnh của Đảng. Ông công kích tư tưởng này, tác phong kia, khen người này, chê đơn vị kia. Ông nói về những người đang sản xuất và chiến đấu quên mình ở hậu phương và những người đang ở đây. Ông nói về thằng Mỹ. Chiến sĩ ôm súng ngồi nghe ông nói chuyện đều thấy chung một điều: Người cán bộ lãnh đạo ấy có một thứ tầm vóc vô hình nào đó chiếm một khoảng không gian lớn hơn người khác. Nhưng đứng cạnh cái tầm vóc ấy người chung quanh không những không cảm thay mình bị chèn lấn và choán chỗ mà còn cảm thấy chính mình cũng lớn lên, mình cũng không thể làm một người tầm thường được. Cái tầm vóc vô hình ấy chính là luồng tư tưởng và tình cảm rất mãnh liệt của một người cộng sản, là lý tưởng cách mạng và lòng nhân hậu của một người đã từng trải trong cuộc đấu tranh, đã từng sống trong cái bề dày của cuộc đời, đã từng vất vả lo toan không phải cho riêng mình mà cho cả cuộc đời.

Bước vào tháng hai, Kinh và trung đoàn của ông đang đứng trước nhiệm vụ chính trị và quân sự hết nặng nề. Một số đơn vị của sư đoàn bạn làm nhiệm vụ chốt hướng Tây Bắc và hướng đông Tà Cơn đã được rút đi chi viện cho một chiến trường khác. Trung đoàn 5 phải thay thế tất cả các hướng bao vây chủ yếu của toàn mặt trận.

Một buổi sớm, trong hầm sở chỉ huy trung đoàn, chính ủy Kinh, Nhẫn, tham mưu trưởng và hai cán bộ tác chiến đang hội ý nắm tình hình trên tiền duyên. Mấy người ngồi trước một dãy máy điện thoại dã chiến đặt sau trong vách hầm. Căn hầm chỉ huy khá rộng và chắc chắn, vách và nóc bằng đều lát gỗ phiến. Dọc các khe gỗ, dòng nước rỉ từ đợt mưa cuối cùng để lại những vệt đất màu vàng chưa khô hẳn. Trên giá kê ba lô chất đầy một hàng máy và dây điện thoại, súng ngắn, vải dù, và một hàng những lá cờ chiến lợi phẩm hình tam giác bé bằng bàn tay, cái có tua vàng, không có tua, mỗi lá cờ thêu một hàng chữ và những hình thù kỳ quái tượng trưng cho các đơn vị quân Mỹ.

Ngọn đèn dầu hỏa làm bằng hộp sữa tỏa một thứ ánh sáng vàng nhờ nhờ lên khuôn mặt đang trầm ngâm của Kinh. Ông ngồi xếp bằng trên một tấm dù, chiếc điếu cày nhỏ xíu làm bằng một đoạn ống dẫn xăng trên máy bay đặt nghiêng bên đùi. Sau lưng Kinh, một đồng chí y tá đang soi đèn pin rửa vết thương bên vai cho ông. Kinh mới bị thương cách đây mấy hôm, trong một trường hợp hết sức bất ngờ. Ông lên chốt nhiều lần, có khi bom thả ngay trên đầu mà vẫn không hề gì, vậy mà một buổi sáng tại sở chỉ huy, ông cầm khăn mặt ra suối đang đứng nói chuyện với mấy cậu chiến sĩ bộ binh đi đào dũi về thì một loạt bom vất xuống. Một cái mảnh bằng ngón tay chạm vào bên vai.

Cậu y tá trung đoàn bộ, ống tay áo xắn cao quá khuỷu để lộ hai bắp tay lực lưỡng, cầm chiếc “panh” quấn bông miết một cái rồi cúi xuống nhìn qua vai chính ủy:

– Đồng chí có đau không?

Kinh như không nghe rõ, chỉ trả lời “Ừ…ừ…!”. Kinh nhìn lướt qua bên vai để trần của mình, con mắt đục đặt trên vết thương, trong lúc con mắt lành ngước lên đặt cố định ở một chỗ nào đó mà lúc này tất cả tâm trí đang dồn tới.

Kinh đang suy nghĩ về một cái kế hoạch đánh lấn sâu hơn, trong những ngày sắp tới. Kế hoạch ấy giữa ông và Nhẫn đã bàn bạc kỹ, đã được đề nghị lên cấp trên. Lúc này, ông ngồi suy nghĩ vừa chăm chú theo dõi câu chuyện trao đổi qua đường dây điện thoại giữa trung đoàn trưởng Nhẫn và Lượng hiện đang ở trên đầu chốt phía nam.

Suốt cả ngày và nửa đêm hôm qua, Nhẫn bận một cuộc họp quân sự trên sư đoàn, mãi gần một giờ sáng mới cùng một cậu liên lạc trở về đơn vị. Nhẫn đang đứng vịn bên mép chiếc bàn làm bằng hai hòm đạn súng máy kê liền nhau. Mỗi lần tiếng nói ở đầu dây bên kia bị tắc hoặc nghe không rõ, Nhẫn lại cau trán rồi cong ngón tay gõ gõ lên mặt chiếc ống nghe, cái thân hình cao dong dỏng của anh hơi khom xuống bên cái bàn nom rất mềm mại và trẻ trung.

Trong khoảng thời gian yên tĩnh thường có rất ngắn ngủi giữa một đêm và một ngày giao nhau, tiếng nói của Lượng ở đầu bên kia nghe đã rõ nhưng léo nhéo như tiếng một người nào khác. Tiếng nói của Lượng bị lẫn trong nhiều tiếng nổ lộp độp.

Nhẫn nhắc đi nhắc lại một câu hỏi, giọng vẫn từ tốn và uyển chuyển:

– Đêm qua pháo của ta bắn vào những khu nào?

Đầu dây bên này rõ dần tiếng Lượng đang báo cáo:

– Vào khu thông tin cũ và Đông Bắc sân bay. Trước mặt chúng tôi hãy còn lửa cháy. Chắc dưới ấy anh cũng trông thấy?

– Không thấy đâu. Sương dày lắm?

Nhẫn quay sang kiểm tra những công việc anh đã giao cho Lượng, về sự chuẩn bị kế hoạch đánh lấn vào chiến hào vòng ngoài của địch, điều mà Kinh đang quan tâm. Công việc của Lượng và tổ trinh sát, qua báo cáo đã khiến cho Nhẫn có vẻ yên tâm. Anh đặt một bàn tay xương xương lên vành má râu đã mọc đen và suy nghĩ.

– Anh Lượng này – Nhẫn dặn tiếp – Anh phải chú ý thêm một việc nữa, đài quan sát trung đoàn pháo Sông Cầu ở hướng Tà Cơn từ nay sẽ làm thêm nhiệm vụ đài tiền tiến (Đài quan sát pháo binh đi theo bộ binh) trực tiếp yểm hộ cho ta. Họ sẽ bắn theo sự quan sát độc lập và đồng thời theo yêu cầu của ta. Hiện nay tổ trinh sát của họ nằm ở đâu?

– Họ vẫn bám trên điểm cao 475.

– Mỏm nào?

– Mỏm B., mỏm trống trải nhất tôi đã dẫn anh lên dạo trước.

Nhẫn chỉ thị tiếp:

– Từ nay tổ trinh sát của các anh phải đặt quan hệ chặt chẽ với các anh em bên đài quan sát trung đoàn pháo. Anh phải coi việc này là một việc quan trọng nằm trong kế hoạch tác chiến sắp tới của ta, có nghĩa là sau này tôi sẽ kiểm tra lại – Nhẫn hỏi – Tôi sẽ điều thêm cho anh một máy điện thoại, liệu có đặt được một đường dây điện thoại từ chỗ anh lên mỏm B. của 475 không?

– Đặt thì được nhưng khó nhất là giữ – Lượng trả lời – Con đường từ đây lên 475 chúng đánh “rát” lắm. Nhưng anh cứ cho máy và dây lên đây!

Nhẫn chuyển sang máy khác.

Cậu chiến sĩ coi máy điện thoại sở chỉ huy đã chực sẵn và đang ngủ gà ngủ gật vội vàng choàng dậy đặt vào tay Nhẫn chiếc ống nghe của đường dây gắn với tiểu đoàn 3.

Đầu dây bên kia, có tiếng khàn khàn và chậm rãi của Vượng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3. Nhẫn châm lại điếu thuốc tắt từ lâu đã ngậm nát trên miệng. “Vượng đấy phải không?”. Anh vừa gọi được một câu thì trên mặt hòm đạn, ngọn bấc thả trong chiếc hộp sữa tụt dần xuống, ngọn đèn nhảy nhót một chập rồi phụt tắt. Căn hầm tối om. Một mảng trời hình chữ nhật đang trắng đục những sương ngoài cửa hầm bỗng nhiên đỏ ối như một miếng tiết vừa thái ra. Xà vỉ trên nóc hầm như đang bị một bàn tay rất mạnh xô đẩy.

Giữa tiếng nổ rền của loạt bom B.52 đầu tiên của một ngày trên trận địa tiền duyên, Kinh vẫn ngồi im lặng như đang ngủ gật. Cậu y tá soi đèn pin buộc múi băng choàng qua ngực, giúp ông mặc áo rồi xách túi thuốc đứng dậy. Bên ngoài tiếng tham mưu trưởng gọi vào: “Nó lại ném chỗ cậu Vượng nhưng hơi chếch về phía đông một tí!”.

Kinh xoay người nhìn ra ngoài một thoáng. Trong ánh lửa đỏ gay gắt vài chiếc lá xanh lóe lên múa lượn trước khung cửa hầm, Kinh nhấc chiếc điếu, tra mồi thuốc lào vào quẹt diêm. Ngọn lửa thu trong vòm bàn tay rất to. Ông cố giữ để khỏi tắt. Cặp mắt ông đặt vào giữa ngọn lửa với vẻ chăm chú đến kỳ lạ, cặp mắt không hề chớp.

Ông thò tay kéo chiếc bấc đèn và châm lửa.

Căn hầm lại sáng, khói bốc lên hăng mù.

Kinh đứng bật dậy, những ngón tay lần cài từng chiếc khuy áo, nói với Nhẫn:

– Anh đi nghỉ một lát, để tôi nói chuyện với cậu Vượng xem tình hình trên ấy thế nào?

Đường dây điện thoại chỉ tắc trong mấy phút. Nhẫn trao ống nói cho chính ủy rồi chắp tay sau lưng đi đi lại lại, anh vẫn tiếp tục theo dõi tình hình qua câu chuyện giữa chính ủy và Vượng.

– Trong buổi họp cán bộ của tiểu đoàn hôm trước, anh Nhẫn đã dặn các anh thế nào?

– “Báo cáo chính ủy, chúng tôi không phải là những người sợ chết đâu!” – Trong gian hầm chỉ huy hết sức yên lặng, một câu nói chậm rãi và vẫn điềm tĩnh của Vượng từ trên tiền duyên bỗng vang lên rất to.

Kinh dằn từng tiếng một, một cách nói trịnh trọng và khúc chiết chưa hề thấy ở ông bao giờ:

– Tôi không nói chuyện sống chết (Kinh chợt quên vết thương, lại vung tay lên và ông nhăn mặt). Ở đây tôi không nói chuyện sống chết! Một người chiến sĩ trong trung đoàn chúng ta hiện nay có tinh thần dũng cảm không sợ chết cũng chỉ là một người bình thường. Nhưng lúc này Đảng đang đòi hỏi chúng ta phải làm những việc khó khăn hơn việc hi sinh tính mạng kia!… Hi sinh tính mạng không khó!…

Kinh đặt mạnh ống nghe xuống. Ông không hề đả động đến trận bom B.52 vừa qua, chỉ nói với Nhẫn bằng giọng phiền não:

– “Nó” lại rải mìn lá vào đoạn chiến hào mới đào anh Nhẫn ạ!

Nhẫn vẫn đi đi lại lại:

– Các cậu ấy làm ăn cảnh giới thế nào nhỉ? Anh có hỏi đêm qua đào vào được đến chỗ nào không?

– Quá nhà tắm lợp tôn, mới nghe cậu Vượng báo cáo vậy.

– Quân số đi đào đêm qua bao nhiêu?

– Một trăm hai mươi.

Nhẫn như nói với mình:

– Nhưng vấn đề là ở chỗ tổ chức số người ấy “làm ăn” ra sao?

Kinh phát biểu nhận xét:

– Cái chỗ cậu Vượng đánh phản kích thì giỏi nhưng bảo tổ chức đào dũi và cảnh giới thì cán bộ chưa chú ý kiểm tra theo kế hoạch như anh đã dặn. Ở chỗ nào có chiến sĩ thì ở đó phải có mặt đảng viên và cán bộ chứ?

Nhẫn tính toán thời gian:

– Hay là tối nay tôi thử lên xem sao?

– Ở nhà anh còn nhiều việc lắm. Tôi sẽ lên trên đó!

– Anh đã đi sao được?

– Tôi đi được – Kinh nói kiên quyết – Ngồi bàn chuyện tư tưởng với nhau qua cái máy điện thoại thì kẻ nói người nghe đều không hết ý kiến được, phải nhìn tận mặt nhau mà nói chuyện kia!

Nhẫn kết thúc cuộc hội ý giao ban buổi sớm.

Kinh xách chiếc điếu đứng dậy, giục Nhẫn: “Anh phải tranh thủ chợp mắt đi một tí”, rồi cười khà: “Trông kìa, râu trung đoàn trưởng đã mọc đen rồi kia kìa! ” Hai người cùng bước ra ngoài. Nhẫn đi sau trông thấy một nửa mái tóc nằm sát cái gáy bao giờ cũng đỏ au của chính ủy đã bạc trắng. So với hồi trung đoàn đang còn ở hậu phương, chỉ cách có mấy tháng, mái tóc Kinh đã bạc nhiều thế đâu?

o O o

So với tuổi tác, Kinh hơn Nhẫn có lẽ gần một chục tuổi. Nhẫn xuất thân là một học sinh trung học. Đời bộ đội của Nhẫn, từ một binh nhì Vệ quốc đoàn lên đến trung đoàn trưởng, phần lớn thời gian lăn lộn ở đơn vị chiến đấu. Vào quãng giữa năm 1946, năm đất nước đang trong ngày tháng “nước sôi lửa bỏng”, khi Kinh đang làm chủ nhiệm Việt minh huyện thì Nhẫn cũng bắt đầu từ bỏ cuộc đời học sinh để xung phong vào một chi đội Vệ quốc đoàn Nam tiến. “Tiếng súng vang sông núi miền Nam!”. Nhẫn vẫn còn nhớ câu hát của lớp tuổi thanh niên của anh vang trên các sân ga dọc con đường sắt vào Nam. Nhẫn đi qua rất nhanh cái thời trẻ trung lên đường ra mặt trận bằng những khúc hát. Anh mất ròng rã hơn nửa năm mới đi bộ đến được chiến rường Nam Bộ. Anh đã trải qua ngày ở mặt trận Nha Trang, đã ăn hàng tháng những bát cháo rau môn thục trên chiến khu Ba Rền giữa ngày Bình Trị Thiên ngập máu lửa. Cuộc đời làm chỉ huy quân sự trong các giai đoạn khó khăn nhất đã dạy cho Nhẫn một điều: Phải biết sống nghiêm khắc, hết sức nghiêm khắc với mình và mọi người. Với anh tất cả đều phải được nghiền ngẫm và sắp đặt từ một bộ óc chỉ huy, phải hết sức trí tuệ mới giành được chiến thắng. Nhẫn nhớ một câu như phương ngôn của Bác Hồ căn dặn cán bộ quân sự. Đại ý Bác nói: Nước ta không rộng, người của ta không đông. Các chú chỉ có quyền được đánh thắng! Vào giữa thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nhẫn làm trưởng ban tác chiến. Trong hàng ngũ những người chỉ huy quân sự, đồng chí trung đoàn trưởng của anh hồi đó là một người bao giờ cũng tỉnh táo. Nhẫn đã học tập được đồng chí ấy tác phong tỉ mỉ và chủ động. Đi trinh sát với ông, Nhẫn trông thấy ông bò dán vào đất như một con thằn lằn tới tận chân thằng lính gác, thế mà khi đã thấy không cần thiết, đố ai bắt ông làm một động tác thừa. Một con người chủ động, tỉ mỉ và bao giờ cũng giữ được bình tĩnh trước mọi tình huống phức tạp, vậy mà đã có một lần mắc phải khuyết điểm chủ quan: Trong một trận phục kích, ông dự kiến trong kế hoạch địch sẽ không có xe tăng. Nhưng khi xe tăng xuất hiện, giữa một đoạn đường hết sức trống trải, ông không kìm mình được đã nhảy lên khỏi hố để chỉ huy cho tiện. Ông hy sinh vì một quả đạn 37 tiện ngang người, và cái chết của ông lập tức ảnh hưởng đến kết quả trận đánh. Về sau trong một buổi lễ truy điệu ông, các cán bộ đã nhắc tới hành động chỉ huy dũng cảm của ông, Nhẫn cúi đầu tưởng nhớ ông, và anh nghĩ, giá còn nói được một lời cuối cùng, ông sẽ tự vạch ra cái bài học của mình. Cái bài học mà Nhẫn thu nhận được bằng cả cuộc đời người chỉ huy quân sự có tài ấy, là không bao giờ có quyền được để sót một kẽ hở trong mọi kế hoạch tác chiến và hành động chỉ huy trên chiến trường.

Nhẫn đã tùng sống chung và cùng làm việc với nhiều đồng chí cán bộ chính trị, đã từng chia sẻ với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, các đồng chí chính ủy những phút khó khăn, những trách nhiệm nặng nề tưởng như vượt quá khả năng và ý chí của từng người đứng riêng biệt. Nhẫn và Kinh, trước kia chưa hề quen biết nhau. Hai người ở với nhau cùng một đơn vị đang tham gia chiến dịch lần này là lần đầu. Hồi ở hậu phương, Nhẫn kính trọng đồng chí chính ủy của mình vì anh thấy Kinh là một cán bộ Đảng lâu năm, một con người đức độ, có sức mạnh cổ võ và huy động quần chúng. Từ ngày trung đoàn bước vào một cuộc hành quân dài, rồi trải qua những tháng đầu chiến dịch, cả hai đều có một khối lượng công việc rất lớn, trông bề ngoài có vẻ riêng biệt nhưng bề trong cũng chỉ là những công việc chung của người chịu trách nhiệm chủ chốt trong đơn vị, đều nhằm mục đích chung là đánh thắng địch.

Xét về mặt nghề nghiệp quân sự, Nhẫn là một cán bộ chỉ huy giàu năng lực và giàu lòng tự tin. Kinh quan niệm rằng một người chỉ huy quân sự rất cần phải có những khả năng và đức tính như thế, cũng vì thế nên bao giờ Kinh cũng tôn trọng đồng chí trung đoàn trưởng của mình. Kinh tìm thấy ở con người trẻ tuổi và trầm tĩnh ấy, tuy hoàn cảnh xuất thân và cá tính có điểm hơi khác biệt với mình nhưng ở Nhẫn tinh thần trách nhiệm cũng như lòng trung thành với cách mạng bao giờ cũng được biểu lộ bằng những việc làm cụ thể, gần như một sự tinh thông về nghề nghiệp. Ngay những ngày còn ở hậu phương, Kinh đã chú ý đến mối quan hệ công tác giữa chỉ huy và lãnh đạo, và giải quyết nó theo đường lối của Đảng. Đường lối ấy đã thấm nhuần trong con người ông một cách sâu sắc và nhuần nhuyễn như một thứ bản năng, và khi ông giải quyết những việc cụ thể trong mối quan hệ giữa mình và Nhẫn một cách hoàn toàn thoải mái, người ta có thể thấy cùng một lúc đường lối chung của Đảng và hình ảnh cụ thể một người cán bộ của Đảng. Lần đó, cả Nhẫn và Kinh đều được triệu tập đi nhận lệnh trên Mặt trận. Ban đêm, các cán bộ chờ nghe phổ biến mệnh lệnh đã tập trung quanh một chiếc bàn ghép bằng nứa rất dài để nói chuyện vui. Trong số cán bộ – phần đông từ cấp trung ương trở lên, Nhẫn là một người trông dáng hãy còn ít tuổi hơn cả và được coi như một người chỉ huy trẻ xuất sắc. Chủ nhiệm chính trị Mặt trận, một đồng chí đã từng hoạt động bí mật và bị đế quốc Pháp cầm tù đã hỏi Nhẫn:

– Giá không có hai cuộc kháng chiến thì cậu sẽ làm gì?

– Tôi không biết – Nhẫn đáp lại rất thành thực – Trước năm 45, khi còn đi học, tôi vẫn chưa nghĩ sau này mình sẽ làm gì.

– Ngày đó thì tôi đã là một anh thợ mộc lành nghề, đã có thể vác cưa đi kiếm cơm thiên hạ rồi – Một đồng chí tham mưu phó sư đoàn nói.

– Tôi đang đi dạy học – Một đồng chí khác nói.

– Tôi thì đi cày! – Kinh hút thuốc lào phun khói mù mịt và nói rất cởi mở – Vậy mà ai ngờ sau này vào bộ đội làm một cán bộ chính trị.

– Như thế nào là một cán bộ chính trị? Không biết một đồng chí nào đó, một cán bộ quân sự thì phải, lúc ấy bỗng đặt ra một câu hỏi.

Chủ nhiệm chính trị Mặt trận mỉm cười hỏi các chính ủy:

– Ta thường quen nghe nói đồng chí này, đồng chí nọ có năng lực lãnh đạo chính trị, hoặc thiếu năng lực lãnh đạo chính trị, vậy như thế nào là năng lực lãnh đạo chính trị?

Câu chuyện trao đổi vừa được đặt ra thì bỏ dở, vì mọi người đều phải bắt tay vào cuộc họp ngay lúc ấy. Đó là một cuộc hội nghị quan trọng mở đầu nhiệm vụ chiến dịch. Sau báo cáo nhiệm vụ quân sự là phần nhiệm vụ chính trị. Đồng chí chủ nhiệm chính trị Mặt trận thay mặt chính ủy báo cáo công tác Đảng và công tác chính trị đảm bảo chiến dịch. Khi báo cáo đến phần “công tác cán bộ”, đồng chí chủ nhiệm nhắc lại câu chuyện “ngoài rìa” trước cuộc họp đã được đề cập tới.

Đồng chí đặt bàn tay gầy gò lên mái tóc bạc của mình nói chậm rãi:

– Hồi kháng chiến chống Pháp khi tôi đang còn làm chính ủy một trung đoàn, tôi thường nghĩ: Một cán bộ lãnh đạo nếu quan niệm đúng phần việc và trách nhiệm của mình thì phát huy tác dụng đối với đơn vị lớn vô cùng. Nhưng tại sao có cán bộ quân sự còn phải hỏi: Như thế nào là một cán bộ lãnh đạo chính trị? Tất nhiên người cán bộ lãnh đạo chính trị có nhiều việc, nhưng chung quy lại, có một việc cuối cùng cấp thiết phải nhằm đạt tới là đem lại nguồn sức mạnh cả về vật chất và tinh thần cho bộ đội của mình. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của mọi người. Năng lực lãnh đạo chính trị bao quát nhiều mặt, nhiều vấn đề trong đó có năng lực đào tạo, phát huy và tổ chức năng lực của mọi người. Chẳng phải thế ư? Ví dụ tôi là chính úy một trung đoàn, tôi phải làm sao cho chiến sĩ và cán bộ đều trở thành những người có giác ngộ chính trị cao nắm vững kỹ thuật và chiến thuật. Tôi phải biết chăm lo làm sao để có bên cạnh mình những cán bộ quân sự trung thành với Đảng và có trình độ chỉ huy giỏi, khả năng chỉ huy của các đồng chí ấy mỗi ngày một phát huy. Tôi phải làm sao có bên cạnh một đồng chí trung đoàn trưởng có tài hơn mình về mặt tổ chức và chỉ huy chiến đấu, tôi sẽ coi tài năng chuyên môn của đồng chí ấy là niềm vinh dự, là của cải tài sản của mình. Thế đấy, một cán bộ lãnh đạo là như thế, hoặc phải có tinh thần như thế. Cho nên năng lực lãnh đạo là một thứ năng lực của “máy cái”, có thể tạo ra những loại năng lực chuyên môn khác. Tôi nói vậy có phải là quan điểm của Đảng ta hay không?

Khi đồng chí chủ nhiệm Mặt trận hỏi câu ấy và đưa mắt nhìn từng người, Kinh liền gật đầu tỏ ý tán thành. Sau đó ông tự kiểm điểm không phải chỉ trên thái độ đối xử hàng ngày mà cả những ý nghĩ và quan niệm của mình, trong suốt những năm đảm nhiệm công việc một chính ủy trung đoàn. Kinh nhận thấy có thể mình có khuyết điểm ở những mặt khác, nhưng riêng việc đối xử với đồng chí, bao giờ cũng trân trọng và mong mỏi tiến bộ. Đối với Nhẫn niềm mong mỏi của ông lâu nay cũng vậy.

o O o

Buổi sớm hôm ấy, sau khi hội ý giao ban xong, Kinh trở về khu vực ban chính trị bên kia sườn đồi. Khói bom B.52 lẫn sương như bụi kẽm lướt qua từng đám trước mặt các chiến sĩ ban đêm đi đào chiến hào trở về nom dày đặc như một bức tường. Về phía tây, một dải sương mù trắng nõn nà ấp dưới chân núi 475 và kéo dài đến chân hàng rào. Sau một tiếng nổ như tiếng sét, dải sương trắng tự nhiên ửng lên như sương mù giăng trên biển khi mặt trời lên: Pháo của ta bắt đầu bắn vào Tà Cơn và mấy cao điểm hướng tây. Tiếng đạn pháo đi xèn xẹt như tiếng pháo siết quệt lên bức tường sương và khói bom cuồn cuộn. Dải sương trắng bao bọc chung quanh hàng rào Tà Cơn cứ phồng to và ửng sáng luôn luôn nhấp nháy. Chỉ trong giây lát, hàng loạt tiếng nổ dồn dập như một cơn giông bằng thép và lửa, như dựng tất cả cái căn cứ chiếm đóng của quân Mỹ dậy. Trước quãng suối trông sang đại đội trinh sát một đám chiến sĩ mặc quần đùi áo lót, vai đeo xẻng, đang nhảy đại lên bờ hào đứng bình phẩm:

– Cánh ĐKB đang “tẩm quất” thằng Mỹ kia kìa!

– Chầu “súc miệng” đấy thôi, các cậu trông kìa, cứ y như thép mới ra lò!

Một cậu giơ ngược cán xẻng lên trời, miệng thét:

– Tương đối! Tương đối!

Cái tiếng nói riêng của lính bao giờ cũng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Kinh. Ông đứng nhìn theo họ. Bên kia chân dốc, một cánh khác, người nào cũng mang súng trường và xẻng, đũng quần đùi anh nào anh nấy bết hàng tảng đất, cánh chiến sĩ từ bên kia chân dốc đang ùn ùn kéo tới trước mấy cái hầm bếp anh nuôi của đại đội trinh sát.

Bên một cái miệng hầm đất đắp rất cao và có ống tỏa Khói, một nửa thân người bé loắt choắt nhô lên, quát thật lực:

– Có tản khai ra không, mấy ông tướng!

– Gớm, cụ Đảo hồi này quát lính đến là quân phiệt!

– “Xanh nồi” gọi “nồi xanh” đây, bác Đảo nghe rõ không trả lời?

– Báo cáo thú trưởng Đảo, thủ trưởng cho tôi xin ngụm nước.

– Đứa nào khát nước thì vào đây tao cho uống – Tiếng bác Đảo đã bớt gay gắt – không quát lác chúng mày làm sao được, mấy cái thằng này cứ ngơi miệng quát tháo là y như sinh chú quan! Tao lạ chúng mày thật, cứ xem bom đạn như cái trò đùa!

Kinh lững thững đi tới. Mấy chiến sĩ trông thấy chính ủy Kinh, mặt mũi đã sáng hẳn lên:

– A kìa, chào thủ trưởng!

– Chào những người anh hùng! – Kinh giơ thẳng cánh tay bị thương lên. Nhưng liền sau đó Kinh hạ lệnh tất cả phải giải tán, ai theo đường nấy trở về đơn vị của mình.

Đứng bên cạnh hầm bếp của Đảo chỉ còn có một cậu đang uống nước. Cậu ta cầm chiếc “ca” làm bằng một cái vỏ đồ hộp, mặt ngoài đen sì, hình như là đã dùng để đun nấu. Một dòng nước từ bên khóe miệng chảy xuống cổ áo quân phục. Sao lại có khi người ta có thể uống nước một cách ngon lành đến thế? Cậu ta uống một hơi hết ca nước, đôi mắt chợt sáng long lanh, cậu ta đưa cánh tay áo quệt ngang cặp môi ướt, sạch sẽ và đỏ hồng, rồi vội vàng rảo bước đi theo lệnh của Kinh.

Kinh ghi mãi trong trí nhớ hình ảnh đồng chí chiến sĩ uống nước, một hình ảnh không đâu! Không hiểu cậu ta già hay trẻ, vì tóc tai, mặt mũi lấm những đất chỉ có cặp môi ướt là sạch sẽ. Bàn tay, bắp chân cũng lấm đầy đất. Quần áo và chiếc lưỡi xẻng cũng thế. Kinh nói thầm với mình: “Bây giờ chúng nó đi đánh giặc đứa nào cũng lấm láp khó nhọc y như ngày xưa mình đi cày vậy, giữa mùa rét mà cũng có khi đứng giữa cánh đồng khát nước đến cháy cả cổ họng!”

Kinh quay trở về. Vừa đặt chân vào đến cửa căn hầm riêng, ông đã cho gọi một cậu chiến sĩ cảnh vệ tới:

– Tối nay chúng mình có việc lên chốt, có thứ gì có thể mang lên ủng hộ anh em không hả ông?

Cậu chiến sĩ cảnh vệ này vừa được gọi lên tạm thời thay Khuê, vốn là một người thật thà như đếm. Anh chàng quấn chiếc bao gạo quanh cổ, giắt múi “khăn” vào trong lần áo cẩn thận rồi mới đáp ấp úng:

– Chẳng có gì cả thủ trưởng ạ!

– Thật không? – Kinh hỏi vặn.

– Báo cáo thủ trưởng… thật đúng là còn mấy hộp thịt, một hộp dứa.

– Vậy thì tốt, tốt quá! Thuốc men còn gì không?

– Còn rượu bổ B1, nhưng đồng chí Khuê dặn tôi phải cất kỹ.

Kinh hỏi:

– Ông Khuê dặn cất để cho tôi dùng hử?

– Đúng ạ! Đồng chí ấy bảo, “cái ông già” thương lính như kiểu một người đàn bà là không nên!

Kinh ngửa cổ cười. Ông thương lính như kiểu một người đàn bà, hay bằng tấm lòng một người mẹ. Thật là như vậy. Mỗi bận chuẩn bị lên chốt người ta thường thấy Kinh giắt vào người các thứ được cấp phát theo tiêu chuẩn riêng: Sâm, rượu bổ B1, đa sinh tố, thịt hộp… Chiến sĩ trên tiền duyên toàn là cánh đang còn thanh niên, những tay có thể “vật voi”, có thể nhịn đói nhịn khát và dầm mưa dãi nắng, thử hỏi họ thiết gì thuốc với men! Các loại thuốc bổ Kinh mang lên cho, họ chỉ biết dùng thứ rượu B1, một thứ nước đặc sánh, màu đen, uống vào cũng hơi có ráng mặt. Mỗi chai rượu thuốc B1 họ đem dốc đầy một phần nắp gà mèn rồi trịnh trọng mời mọc chuyền cho nhau húp soàm soạp một cách vui vẻ.

o O o

Theo kế hoạch công tác của ban chính trị trung đoàn ngày hôm đó, buổi chiều Kinh dự họp với Đảng ủy tiểu đoàn của Vượng. Họp xong, Kinh sẽ từ chỗ Vượng lên thăm anh em trên chốt.

Sở chỉ huy tiểu đoàn 3, đơn vị đang phụ trách chốt phía nam nằm bám bên những gốc cà phê cháy. Chung quanh các nóc hầm nổi lên lùm lùm nằm trong tầm mắt của địch không còn một vạt đất nào bằng phẳng, chỗ nào cũng thấy đường hào, hố bom và hố đạn pháo 175 ly khoét rất sâu. Vượng, biệt hiệu là “Thần đất”, tiểu đoàn trưởng kiêm bí thư đã được chủ nhiệm chính trị trung đoàn báo bằng điện thoại sẽ có chính ủy xuống.

Vượng có cái đầu rất to và đôi mi mắt cum cúp như người bị thũng. Anh đang ngồi trong góc hầm hai tay bó gối, con mắt với đôi mi dày nhìn mọi người chung quanh bằng một vẻ lầm lầm. Xưa nay các chiến sĩ tiểu đoàn 3 đều khét tiếng ông Vượng. Anh em bám địch trên hàng rào thường kháo: “Bom bỏ sát hầm, ông Vượng không bao giờ thèm động đậy mi mắt, không thèm chớp mắt!”. Có một lần Vượng đang ngồi trong một chiếc hầm cảnh giới, gác ống nhòm lên hàng rào quan sát vào sân bay. Địch ném bom ngay vào giữa hàng rào, một quả đánh sập hầm cảnh giới. Một tổ liền vác xẻng tới moi hầm cứu tiểu đoàn trưởng. Anh em vừa moi được một cái lỗ thông hơi, Vượng ghé lỗ mũi ra ngoài thở phì phì. Đất và cỏ lẫn với máu tuôn từ lỗ mũi và miệng lại lấp đầy cái lỗ. Anh em thò tay moi đất trong miệng Vượng ra. Câu đầu tiên Vương thốt lên được là: “Sương đã vén lên chưa?”. Bên ngoài đáp: “Rồi!” thế là Vượng quát hạ lệnh: “Vậy thì đứa nào về hầm đứa nấy! Có cái gì ăn đem đến đây, mang cho tao cái ống nhòm khác và vài quả lựu đạn!”. Đúng giữa trưa hôm đó địch lò dò ra. Vượng ngồi giữa đống đất tơi vụn cao lù lù như quả núi, vừa nhai cơm nắm vừa nhìn chúng bằng cặp mắt lầm lầm. Không một thằng địch nào dám mon men đến gần cái đống đất ấy!

Vượng là một cán bộ tái ngũ. Giữa hai thời kỳ cầm súng, anh làm cán bộ kỹ thuật ngành kiến trúc. Khi nghiên cứu một bán vẽ kiểu nhà hay khi đặt viên gạch vào giữa lớp vôi vữa, Vượng đều làm việc với vẻ lầm lầm, vẫn y như một ông “Thần đất”! Hồi ở hậu phương, các cô gái thợ nề và làm văn phòng, các cô gái vui vẻ và nhí nhảnh chẳng bao giờ thèm bắt chuyện với anh, một cái mặt thật là rất ít vui vẻ!

Chung quanh Vượng đã đầy đủ mặt các đồng chí trong Đảng ủy tiểu đoàn 3: Một chính trị viên đại đội trợ chiến. Hai cán bộ tiểu đoàn. Một chính trị viên bộ binh vừa bị thương, trên đầu quấn băng và khuôn mặt nom chưa đến hai mươi. Đồng chí đại đội phó phụ trách trung đội chốt. Vượng ngồi xổm lên, những ngón tay cứng rắn vụng về lật túi mặt nạ phòng hơi độc lấy chiếc hộp sắt tây, mở nắp hộp lấy một viên lọc nước. Người chính trị viên trẻ đầu quấn băng cầm chiếc cà mèn đựng nước suối lắc lắc, anh cười phô hàm răng vàng khè, hỏi Vượng:

– Hôm nay có chính ủy xuống dự, sao lại đơn sơ thế này hả ông Vượng?

Nét cười ngượng nghịu trên khuôn mặt Vượng lúc bình thường nom đến hiền lành:

– Khổ quá, hết trà mất rồi!

Một cán bộ tiểu đoàn từ lúc nãy ngồi im lặng hý hoáy viết lách, ngửng lên cười cười pha trò:

– Thôi được! Chúng mình chịu khó uống “trà thanh thủy” của ông Vượng pha vậy!

Không biết từ bao giờ cán bộ và chiến sĩ dưới đơn vị đều bắt chước Kinh đặt tên cho cái nước suối pha viên lọc nước để khử trùng là “thanh thủy trà”.

Mọi người vừa đến ngồi yên chỗ được chốc lát, con mắt đều đã muốn díp lại. Ai cũng buồn ngủ, buồn ngủ đến mức thần kinh căng ra. Với cương vị Đảng ủy viên tiểu đoàn, từng người ngồi đây đang là linh hồn của cuộc chiến đấu. Vừa qua có đơn vị đánh khá, có đơn vị đánh bình thường, cũng có đơn vị mắc khuyết điểm, và những người có mặt ở đây đang tự biết mình là kẻ chịu trách nhiệm chính. Họ là cái mắt xích chủ yếu của vòng đai bao vây.

o O o

Kinh xuống dự họp với Đảng ủy tiểu đoàn của Vượng, mang theo một ý định rõ rệt: Lần này ông phải làm sáng tỏ một khuynh hướng tư tưởng lãnh đạo của các Đảng ủy viên tiểu đoàn mà ông đã nhận xét và phân tích cẩn thận. Kinh xuất hiện trước mặt mọi người với tiếng cười hết sức thoải mái như mọi ngày. Ông vừa tới căn hầm đã ồn ào hẳn lên. Ông bắt tay và hỏi thăm từng đồng chí một rồi vỗ vỗ vào chiếc túi đeo bên sườn:

– Mình có quà đem xuống cho các ông đây!

Đồng chí chính trị viên đại đội bộ binh hỏi đùa:

– Chắc là “túi thơ” của chính ủy?

– “Bầu rượu” chứ không phải “túi thơ”! – Kinh đặt lên mặt chiếc hòm đạn một chai rượu bổ B1 và giục – Nào, chúng mình bắt đầu họp đi!

Cuộc họp vừa bắt đầu đã sôi nổi ngay. Vượng nêu thẳng vấn đề: Đảng ủy tiểu đoàn đã lãnh đạo bộ đội hoàn thành nhiệm vụ bao vây một cách tích cực nhất chưa? Tại sao địch còn có thể rải mìn? Tại sao việc đào lấn chưa thật có tổ chức? Tại sao máy bay vận tải và máy bay trực thăng lẻ tẻ còn hạ cánh xuống sân bay được?

Các cán bộ đều phát biểu ý kiến riêng. Chính trị viên trợ chiến nêu lên hiện tượng thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chốt của bộ binh và các đơn vị hỏa lực. Một cán bộ tiểu đoàn nói rằng chiến thuật đánh chốt vận dụng chưa linh hoạt. Đại đội phó hiện chỉ huy trung đoàn chốt nêu các dẫn chứng tư tưởng bộ đội chỉ huy muốn đánh to dứt điểm và ngại đánh bao vây.

Kinh bất ngờ hỏi ngang:

– Vậy đồng chí giải thích.cho anh em thế nào?

– Tôi giải thích như đồng chí Vượng, bí thư Đảng ủy tiểu đoàn đã giải thích.

Kinh quay sang hỏi Vượng:

– Vậy đồng chí Vượng giải thích như thế nào?

– Tôi giải thích như Đảng ủy trung đoàn đã giải thích trong “Nghị quyết về công tác tư tưởng”.

– Tôi biết trong các đồng chí! – Kinh ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt Vượng – Chiến sĩ thắc mắc với trên: Tại sao không nhổ quách cái tập đoàn cứ điểm này đi, tại sao không đánh dứt điểm thì các đồng chí giải thích như trên đã giải thích thôi? Vậy thì ý kiến của từng đồng chí để giải quyết tư tưởng cho bộ đội của mình ở đâu? Tôi biết các đồng chí là những người không sợ hi sinh. Nhưng tôi dám chắc các đồng chí lại sợ gian khổ ác liệt, lâu dài và không dám hi sinh cái sở thích cá nhân của mình đâu. Cả đồng chí bí thư cũng vậy!

– Tôi ấy à? – Vượng hỏi Kinh bằng giọng rất xẵng.

– Ông đừng nóng! Đừng nóng nảy!… Chúng ta nên tiếp tục thảo luận một cách thật thẳng thắn và dám nghe những ý kiến thẳng thắn. Trong hội nghị kiểm điểm của Đảng ủy này, tôi chỉ gợi ý và tùy các đồng chí kết luận. Tôi dám nói những vấn đề các đồng chí nêu ra ban nãy đều có cả. Nhưng chỉ là những vấn đề phụ. Phải tìm vấn đề ở ngay trong đầu từng người chúng ta đang ngồi đây!

Vượng ngồi im, nét mặt vẫn lầm lầm, lâu lâu mới chớp mắt một cái.

Sau khi phát biểu, Kinh đưa mắt nhìn Vượng và các Đảng ủy viên khác để chờ sự phản ứng. Những bắp thịt hai bên gò má ông rắn lại, không hề động đậy. Con mắt lành bên phải long lanh tập trung tất cả sự sắc sảo và kiên định. Nhưng cũng chi trong giây lát, tất cả vẻ nghiêm khắc như xóa dần đi, nét mặt ông trở lại cái vẻ hồ hởi. Ông ngồi xếp bằng, rút chiếc điếu nhỏ xíu bên hông chậm rãi chêm một mồi thuốc lào.

– Chúng ta lại phát biểu ý kiến đi! – Vượng nói bằng cái giọng đã hơi khàn khàn. Anh đẩy cái cà mèn nước suối sang bên cạnh, cầm chai rượu B1 của Kinh rót vào mấy cái nắp hăng gô bày trên mặt hòm đạn. Chẳng mời mọc ai cả, cũng chẳng nhìn người nào Vượng cầm lấy một cái nắp hăng gô và uống nhấm nháp từng giọt rượu bổ, khuôn mặt vẫn lầm lầm nhưng đầy suy nghĩ tư lự.

Nửa giờ yên lặng, cuộc họp mới có ý kiến tiếp. Đồng chí chính trị viên đầu quấn băng, người trẻ nhất lên tiếng trước. Tiếp đó, một vài đồng chí nữa. Bây giờ từng người đều lật tư tưởng của mình lên để tìm nguyên nhân.

Các đảng ủy viên đều phát biểu một cách hết sức thành khẩn và thẳng thắn. Hầu như tất thảy mọi người có mặt đều tự phơi bày tư tưởng riêng và tự nhận thấy có tư tưởng ngại kiên trì bao vây.

Vượng phát biểu sau cùng. Hồi kháng chiến Vượng là đại đội trưởng một đại đội chủ công, trong tất cả các trận đánh công đồn bao giờ anh cũng lao theo mũi đột kích, chưa bao giờ anh chịu nằm lại trước đột phá khẩu, chưa bao giờ đại đội anh phải nằm lại bên ngoài hàng rào.

Vượng đứng trên cương vị một tiểu đoàn trưởng kiêm bí thư để kiểm tra tư tưởng của chính mình. Anh tự khép mình vào khuyết điểm dao động. Thế đấy, anh nói, lòng dũng cảm có khi không phải biểu hiện ra bằng động tác xông lên trước kẻ thù như vũ bão, mà ngược lại, khi lực lượng ta vẫn còn có hạn, biết kiên tâm bám lấy địch và lấn từng tấc đất.

Vượng tự kiểm điểm tư tưởng hết sức thành khẩn và nghiêm khắc không hề giấu giếm hoặc che đậy một điều gì khiến Kinh ngồi nghe cũng phải khâm phục. Khi cuộc họp kết thúc, Kinh cảm thấy trong người vừa mệt mỏi vừa thoải mái. Ông biết sắp tới tiểu đoàn 3 còn phải làm hàng loạt công việc cụ thể để tiếp tục thắt chặt thêm sợi dây thòng lọng vào cổ giặc, và cái sợi dây thòng lọng ấy ông đã thấy cái mối thắt ở chỗ này rồi.

Sau cuộc họp, các cán bộ ở lại cùng Vượng bàn một số công việc: Phân công lại nhiệm vụ chiến đấu và đào dũi, điều chỉnh hỏa lực, kết nạp Đảng và đề bạt… Bao nhiêu công việc đè nặng trên vai một mình Vượng, tiểu đoàn trưởng kiêm bí thư Đảng ủy.

“Rồi sẽ phải đề nghị bổ sung cho tiểu đoàn 3 một cán bộ tiểu đoàn cấp trưởng nữa – Kinh nghĩ – Nhưng sẽ đề nghị xin một cán bộ quân sự hay một cán bộ chính trị? Hiện nay Vượng là một cán bộ quân sự hay là cán bộ chính trị?”. Khi từ biệt Vượng, Kinh vẫn tự hỏi mình điều ấy. Ông ngắm Vượng rất lâu rồi dang rộng cánh tay ôm lấy một bên vai vạm vỡ của Vượng. Mùi đất, mùi khói bom và mùi mồ hôi khen khét từ quần áo và thân thể Vượng như đang tỏa sang người Kinh. Lúc này, Kinh chỉ thấy yêu mến lẫn kính trọng một con người dũng cảm và đẹp đẽ, không thể phân biệt trong con người đó đâu là phần của người chỉ huy quân sự, đâu là phần của một bí thư Đảng ủy và đâu là phần của một người chiến sĩ bình thường? Bởi vì cả ba con người ấy đều có trong một con người, là Vượng.

o O o

Ngày này nối ngày khác đi qua giữa chiến trường như sợi dây xâu bằng các hạt lửa. Cái hạt ngày hôm nay đang còn nóng bỏng và chói đỏ nhưng ngày mai đã trở thành một thứ chất thép cứng rắn và hết sức lạnh lẽo. Những người lính đã trưởng thành và lớn lên theo một cách gần như vậy, mỗi ngày là một thử thách, tự thân từng người hôm nay phải sống vượt lên ngày hôm qua, trước một công việc ngày hôm nay còn thấy khó khăn thì ngày mai chẳng còn khó khăn nữa, trước một đoạn đường hôm nay còn bỡ ngỡ thì ngày mai đã thông thuộc. Một cán bộ tiểu đoàn phụ trách một trung đội đánh một trận quân địch chết như ngả rạ. Đồng chí tiểu đội trưởng ấy bây giờ đã là đại đội trưởng, nhân một lần nói chuyện với một phái viên từ trên Bộ tư lệnh xuống, chợt hiểu ra chính mình đã vô tình vận dụng bao nhiêu thứ chiến thuật trong các sách vở chưa hề đọc. Người phái viên cấp trên cho đó là một sự kỳ diệu, còn cái anh đại đội trưởng trẻ măng, trước mặt cấp trên còn rụt rè như cậu học trò kia thì lại nghĩ rằng: “Chẳng có gì lạ, chỉ cần hết sức bình tĩnh và có mưu mẹo, lần sau mình có thể “sáng tác” ra một kiểu đánh khác!”. Tài năng quân sự, nếu nói một cách giản đơn đi, có thể ví như tài năng của người làm thơ. Cũng chỉ cần mười chữ như những người khác thường dùng chứ có hơn gì đâu, vậy mà câu thơ như có sức mạnh cứ khiến người ta phải nhớ rất lâu. Một người chỉ huy quân sự là người biết tạo ra một sức mạnh ghê gớm nhất khi kết hợp từng chiến sĩ một vào trong đội hình, cũng như cán bộ lãnh đạo là người luôn luôn biết cách phát huy tinh thần và khả năng từng người, và biết dùng người. Từ trước tới giờ, tất cả những đồng chí cần vụ và liên lạc của chính ủy Kinh không bao giờ ông để mình lâu. Chỉ nửa năm hoặc một năm là cùng, ông đã cho xuống đơn vị. Ngày hành quân trên dọc đường giao liên, Kinh đã nhìn thấy Khuê là một chiến sĩ có bản lĩnh chiến đấu và khả năng quân sự. Từ khi có trung đoàn vào đến chiến trường, công việc của Kinh rất nhiều, mỗi lần thiếu phái viên Kinh thường phái Khuê xuống các đơn vị để nắm tình hình hoặc phổ biến các chỉ thị và mệnh lệnh. Một vài cán bộ tiểu đoàn và các đại đội trưởng thường gọi đùa Khuê là “đặc phái viên của chính ủy”.

Trong một cuộc họp cán bộ trên Bộ tư lệnh Mặt trận, Kinh lại có dịp hiểu rõ về Khuê hơn. Hôm đó đồng chí chính trị viên tiểu đoàn cũ của Khuê (bấy giờ là phó chính ủy trung đoàn) đã tìm gặp Kinh giữa giờ nghỉ giải lao. Người cán bộ bên sư đoàn bạn hỏi thăm:

– Đồng chí Khuê, cần vụ của đồng chí có đi theo đây không?

Kinh hỏi:

– Ông cũng biết cậu Khuê bên tôi?

– Tôi là chính trị viên cũ của cậu ta.

Hai người đứng với nhau khá lâu trên bậc đá xếp đọng những vũng nước mưa trước cái lán dùng làm hội trường. Người cán bộ lạ mặt tỏ ra quá nồng nhiệt. Chòm râu quai nón của ông dựng hết tất cả lên khi ông ta nói chuyện và cười ầm ĩ. Ông kể cho Kinh nghe (vừa kể vừa làm động tác) trận đánh do Khuê chỉ huy vào cuối chiến dịch năm ngoái, “như một mũi dao nhọn chọc thẳng vào giữa đội hình quân Mỹ trên đồi cát”. Trận đánh nổi tiếng ấy về sau được tường thuật trên một tờ báo nghiên cứu quân sự, xem như một sáng tạo về chiến thuật đánh quân đổ bộ đường không. Cuối cùng, đồng chí phó chính ủy vui tính đề nghị: “Anh giả cậu Khuê về bên chúng tôi được không?”. Cặp mắt Kinh liền nhìn thẳng vào người nói chuyện như chế giễu: “Bên các anh không thể đào tạo ra người nữa ư?”. Ông kiếm cớ đi hội ý với chủ nhiệm chính trị Mặt trận để rút lui khỏi câu chuyện sau khi trả lời bằng lời vui vẻ: “Để cho tôi hỏi ý kiến ban cán bộ xem “!

Thật ra Kinh biết bên đơn vị cũng chăng có lý do gì để đòi Khuê trở về, còn việc đồng chí phó chính ủy bên ấy đã tha thiết đề nghị, nếu bên ấy cần đến thế thì ông cũng sẵn sàng khuyên ban cán bộ hãy đồng ý.

Kinh đi họp trên Mặt trận về, đem câu chuyện kể lại với Khuê giữa một bữa ăn. Hôm đó Khuê đã tìm cách “cải thiện” một bữa ăn ra trò cho cả trung đoàn bộ. Anh đưa một toán tù binh về phía sau, dọc đường chỉ dùng mấy viên đạn săn được ba con cầy hương. Những thằng lính Mỹ bị áp giải xách những con cầy hương lông đen vằn trắng đang xả ra mùi thơm điếc mũi, thằng nào thằng nấy cứ nhìn cái dáng bé nhỏ của Khuê cắp khẩu súng đi phía sau đã thấy run sợ.

– Ý kiến của ông thế nào? – Kinh hỏi cậu cần vụ kiêm “đặc phái viên” của mình đang thu dọn bát đũa và mấy chiếc hăng gô nấu thịt cầy nhờn những mỡ.

– Thủ trưởng hỏi tôi việc gì ạ? – Khuê hỏi.

– Về việc đơn vị cũ của ông xin ông trở về bên ấy?

– Ở đâu cũng đánh Mỹ thủ trưởng ạ! Tôi ở bên này đã quen rồi.

– Nhưng ông ở đây giúp việc tôi có thắc mắc gì không?

Khuê đáp thành thực:

– Được ở bên cạnh thủ trưởng tôi học tập được nhiều lắm. Nhưng giá được xuống đơn vị đánh nhau thì vẫn thích hơn!

– Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng tôi sẽ chưa đưa ông xuống chỉ huy đơn vị đâu. Trước mắt, ông hãy cố tìm cho tôi một đồng chí thay thế ông đã!

Tối hôm đó, trưởng ban cán bộ trung đoàn, một đồng chí trán hói đã từng ở trung đoàn 5 lâu năm, tính vốn chu đáo cẩn thận, mọi việc đều được xem là đối tượng nghiên cứu Trưởng ban cán bộ làm việc với chính ủy xong đang sửa soạn ra về thì nghe Kinh hỏi:

– Cậu Khuê, tôi đã quyết định thôi công tác cần vụ. Đồng chí xem nên đưa di đâu thì thích hợp?

Trưởng ban cán bộ chất vấn Kinh:

– Làm sao đồng chí kiếm được một tay như cậu ta?

– Tất nhiên là như vậy – Kinh đáp.

– Hiện nay tiểu đoàn 3 đang thiếu cán bộ. Nhưng anh cho tôi nghiên cứu đã.

– Ý kiến của tôi nên cho cậu ấy sang làm phái viên tác chiến – Kinh đề nghị – Tôi đã trao đổi với anh Nhẫn và đồng chí tham mưu trưởng. Nhưng đồng chí cứ nghiên cứu đi.

Giá như trung đoàn còn ở hậu phương, một chiến sĩ cần vụ nhảy lên làm phái viên tác chiến, tất nhiên là điều không thể có. Nhưng ở đây bây giờ điều đó chỉ là chuyện bình thường. Kể từ sau trận đánh đầu tiên đến hôm nay, số cán bộ trung đội và đại đội mới trong trung đoàn đã chiếm gần nửa. Có đại đội từ ngày vào chốt đến khi rút ra, ban chỉ huy đại đội thay đổi hai ba lần. Ở mặt trận, địa vị cấp bậc thật sự làm một cương vị nhiệm vụ. Ở đây, chỉ qua một trận đánh hay một hoàn cảnh gay go, từng người đã có thể tự khẳng định được mình. Theo yêu cầu của ban cán bộ trung đoàn 5, đơn vị cũ của Khuê đã gửi sang bản quyết định đề bạt Khuê lên chức trung đội trưởng và đồng ý để cho Khuê ở lại trung đoàn 5. Vào quãng đầu tháng hai, ban cán bộ trung đoàn quyết định Khuê thôi công tác cần vụ chính ủy. Anh được điều sang giúp việc Nhẫn với chức vụ phái viên tác chiến của ban tham mưu trung đoàn.

Từ ngày giúp việc Kinh, mỗi ngày Khuê càng yêu quý ông, mặt khác anh vẫn tự thấy giá được gần Nhẫn, thì anh có thể phát huy khả năng được nhiều hơn. Khuê tự thấy mình có thể trở thành một cán bộ quân sự. “Muốn đánh được thằng Mỹ thì phải hết sức mưa trí và khôn ngoan!”. Anh rất ghét cái tính ù lỳ và nhu nhược: “Trước một thằng địch luôn luôn cơ động và có các phương tiện máy móc để dò tìm mình thì phải nhanh nhẹn, quả quyết và có một lối đánh linh hoạt. Như vậy mới chiến thắng được nó!”.

Khuê có nhiều điểm giống Nhẫn. Nếu đem so sánh các tính cách riêng của nhiều người trong một tập thể thì phải xếp Khuê gần bên Nhẫn. Đó là những con người giống như mọi người chiến sĩ khác, đầy nhiệt tình cách mạng và tinh thần chiến đấu nhưng nếu tiếp xúc với họ bao giờ chúng ta cũng thấy một đầu óc hết sức khôn ngoan, một thái độ bình thản đến lạnh lẽo. Ở những con người đó, mọi hoàn cảnh bộc lộ tình cảm đều hết sức tiết chế, hết sức dè xẻn. Con mắt họ như cánh cửa của trí tuệ mở ra để nhìn thẳng vào mọi công việc lớn nhỏ, nhìn thẳng vào kẻ thù. Khuê lấy làm vừa ý và không vì thế mà phật lòng như nhiều người khác, trong khi đi với Nhẫn nhiều buổi, chưa bao giờ anh thấy trung đoàn trưởng hỏi thăm anh một câu thuộc về đời tư và gia đình. Nhẫn không săn đón, không thân mật quá, cả lúc vui vẻ Khuê có thể tìm đến với các chiến sĩ “tán” mọi thứ chuyện bằng tài ăn nói của mình. Nhưng Nhẫn lại khác, anh rất ít nói, ở trong anh bao giờ cũng ẩn náu một con người khắc kỷ (một con người khắc kỷ của giai cấp tiểu tư sản thành thị) khiến anh có một vẻ đẹp nghiêm nghị hơi khó gần gũi, mặc dầu mỗi lần Nhẫn vừa mới đến một nơi nào đó, cặp mắt xám rất đẹp cũng như tiếng nói điềm đạm uyển chuyển vẫn cứ cất lên đều đều giữa bom đạn như vẫy mọi người chung quanh lại. Một buổi sáng hết sức yên tĩnh, Khuê đang đứng bên Nhẫn trong một đoạn chiến hào tiền duyên. Sương giăng kín khắp mặt đất. Những giọt sương như có cạnh sắc cứa lên da thịt. Lông mày hai người sương đậu trắng xóa. Về phía bên trái, mấy chiến sĩ của một khẩu đội ĐKZ đang lắp nòng súng lên chân giá, chỉ nghe tiếng sắt va lách cách là rõ, và những hình pháo thủ lờ mờ như hư như thực.

Nhẫn chớp chớp mi mắt, đặt ghé ống nhòm lên gờ hào quan sát toàn trận địa bao vây, Nhẫn chợt hỏi Khuê:

– Cậu thấy khẩu ĐKZ bố trí chỗ kia thế nào?

– Bố trí thấp quá!

Khuê thấy Nhẫn khẽ gật đầu, một hạt sương bám trên hàng lông mày vòng cung thanh thanh rơi xuống bên vòm má đầy những râu, cặp mắt xám của trung đoàn trưởng vẫn đặt sau mặt kính chiếc ống nhòm rất lớn.

Nhẫn lại hói:

– Từ đây lên khu vực bộ binh bao nhiêu mét?

– Dễ đến năm chục mét – Khuê mạnh bạo trình bày ý kiến riêng – Trong đội hình bao vây, không cần thiết cứ rập đứng theo nguyên tắc hỏa lực thì bố trí phía sau. Tôi nghĩ thế!

– Vậy theo cậu thì nên đưa lên sát hàng rào ư? – Nhẫn hỏi, và liếc mắt ngắm cậu chiến sĩ vừa được đề bạt lên làm cán bộ tác chiến như muốn tìm tòi một cái gì đó.

Hai người lợi dụng sương mù bò qua khúc suối cạn bùn nhoe nhoét dưới chân bãi hàng rào ngoài cùng. Sau khi đi kiểm tra các đoạn chiến hào đang dở dang, trên đường trở về, Nhẫn ngắm Khuê, anh phải kêu lên: “Quái lạ, cậu bò thế nào quần áo chẳng thấy lấm chút nào cả?”

Khuê về công tác ở ban tham mưu chỉ trong một thời gian đã đưa ra đề nghị một loạt ý kiến với tham mưu trưởng trung đoàn. Theo anh, tất cả các loại hỏa khí trợ chiến nên đưa lên ngang đội hình trung đội bộ binh để cùng tham gia bắn tỉa. Các giao thông hào và chiến hào cần đào hẹp hơn, chiều rộng vừa thân người đi lọt là đủ, như vậy trong các trận đánh phản kích, bọn Mỹ mặc áo giáp không thể lợi dụng chiến hào của ta được. Một hôm, Khuê đề nghị với Nhẫn:

– Ta có thể đào lấn kết hợp với hỏa lực uy hiếp được không?

Nhẫn hỏi sốt sắng:

– Cậu trình bày ý kiến của cậu xem nào?

Khuê trình bày cái ý kiến táo bạo ấy bằng một giọng khúc chiết, đầy tự tin vào lời nói của mình. Nhẫn đi đi lại lại trong hầm chỉ huy, lắng nghe rất chăm chú. Rồi Nhẫn hỏi:

– Cậu đã được đi học một khóa quân sự nào chưa?

– Báo cáo, chưa!

– Về ý kiến của cậu – Nhẫn giảng giải – trong các sách và tổng kết quân sự người ta đã nói đến nhiều lắm. Nói chung những ý kiến đề nghị của cậu đều là những ý kiến tích cực, thể hiện tinh thần tích cực tấn công địch. Đấy là điểm cần thiết đầu tiên của một cán bộ tham mưu, cũng như cán bộ chỉ huy. Nhưng cậu hãy còn trẻ lắm, ý kiến của cậu mới mẻ, táo bạo, nhưng vẫn còn xốc nổi, cậu dự hết chiến dịch này rồi sẽ thu được kinh nghiệm hơn. Và cậu sẽ có khả năng hơn! Ngày mình bằng tuổi cậu, tức là hồi đầu kháng chiến chống Pháp, mình chưa biết nghĩ đến những vấn đề chiến thuật như cậu, và kinh nghiệm chiến đấu thực tế cũng chưa có gì. Ngày đó, chúng mình đánh nhau với thằng Pháp hãy còn lớ ngớ lắm, chính mình cũng chỉ mới biết lắp viên đạn vào khẩu súng trường.

Những điều ấy có thể xem như lời tâm sự của Nhẫn.

o O o

Gần một tuần lễ nay, Khuê đang ở với các chiến sĩ bắn tỉa. Anh được Nhẫn phái lên khu vực chốt phía Tây Nam Tà Cơn để tổ chức một mạng lưới bắn tỉa bằng một thứ súng trường có máy ngắm riêng.

Từ trưa, ở dưới sở chỉ huy trung đoàn, Nhẫn trực tiếp gọi điện thoại cho Khuê, hẹn sáu giờ chiều anh phải có mặt tại tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 3 để hướng dẫn chính ủy Kinh lên thăm anh em trên chốt.

Vẫn bằng giọng nói điềm đạm quen thuộc. Nhẫn dặn đi dặn lại:

– Chú ý vết thương anh ấy vẫn chưa khỏi. Chú ý đừng cho anh ấy đi lại nhiều!

Nhẫn nghe Khuê đáp:

– Anh cứ yên tâm! Tôi đã đi với anh ấy nhiều lần…

Đầu này và đầu dây bên kia, hai người đều tự thấy mình cần phải có trách nhiệm đối với Kinh, cần phải bảo vệ chính ủy. Có lẽ trong số cán bộ trong trung đoàn, Nhẫn và Khuê là hai người có thể nhìn thấy những nhược điểm của Kinh một cách rõ ràng hơn cả, đồng thời họ cũng nhìn thấy ở người cán bộ chính trị sôi nổi và quen làm việc theo tác phong gia đình ấy có một thứ giá trị thuộc về lĩnh vực tinh thần luôn luôn bao trùm lên chung quanh, chiếu rọi và thấm nhuần vào trong đời sống tinh thần của họ và của mọi người. Cái giá trị ấy, Nhẫn và Khuê đều nghĩ, không bao giờ họ có thể nhìn thấy hết bằng con mắt sắc sảo và tinh nhạy vốn có. Họ chỉ thầm hiểu một cách thấm thía, một người như Kinh, bất kỳ có mặt ở một lĩnh vực nào cũng là một đảm bảo đầu tiên cho tất cả mọi người và cho sự nghiệp cách mạng chung.

Hồi mới bắt đầu bao vây, mỗi lần Khuê và Kinh lên chốt, Kinh có thói quen chỉ mặc quần đùi áo lót để đi lại trong hào cho tiện, còn Khuê bao giờ cũng ăn mặc chỉnh tề: quần dài, sơ mi cài khuy ống tay. Tối hôm đó, hai người gặp nhau, mỗi người cũng ăn mặc theo kiểu riêng của mình. Đã gần một tháng rồi Kinh không gặp Khuê. Ông đã thấy nhớ Khuê như nhớ đứa con trai. Vừa trông thấy cái dáng nhỏ bé và lanh lợi hiện ra bên một ngách giao thông hào chất đầy một đống hòm gỗ, Kinh đã gần như reo lên:

– Ông Khuê hả? Chào anh bạn thân! Dạo này nom ông gầy mà đen quá!

Kinh đi tới bên đống hòm gỗ, hơi có vẻ ngượng ngập và lúng túng: “Cái thằng bé này, nó lại chê mình thương lính như kiểu một người đàn bà đây! “

Khuê giơ tay nâng chiếc dây lưng to của Kinh đang sệ xuống bơi một hàng ba chiếc bi đông nhựa, bên cạnh chiếc xắc cốt và khẩu súng ngắn:

– Thủ trưởng đưa tôi mang cho!

– Mình mang được, mình mang được!… Kinh kiên quyết từ chối.

Khuê thử sờ từng chiếc bi đông: Chiếc nào cũng nặng, mỗi chiếc có một cái ca sắt có tay cầm úp bên dưới. Chiếc bi đông nào cũng đựng đầy nước canh. Chiếc thắt lưng to bằng da và nửa thân áo sau của Kinh nước canh sánh đã ướt đẫm. Chung quanh ông sực lên mùi rau tàu bay và mùi mắm kem, cái thứ mùi đặc biệt của các đồng chí anh nuôi.

– Đi được chứ, ông Khuê – Kinh giục.

– Đợi một lát nữa – Khuê phán đoán – Nó sẽ còn dập một loạt pháo chùm nữa!

Hai người ngồi nán lại chừng mươi phút thì địch bắt đầu oanh tạc dọc con đường hào trục. Trong khi ngồi đợi cho đợt bom và pháo thường lệ chấm dứt, Kinh hỏi Khuê lâu nay có nhận được thư từ tin tức của gia đình không. Tính Khuê vốn không thích tâm sự, anh biết chính ủy đang muốn biết tình hình những đứa em và ông bố anh hiện ở nhà sinh sống ra sao. Về chuyện đó, mỗi khi nghĩ tới Khuê cũng sốt ruột và lo lắng, bởi vì từ ngày vào chiến trường, anh chẳng nhận được một lá thư nào ở nhà cả. Gần đây Khuê nằm chung hầm với một cậu trung đội trưởng phụ trách tổ bắn tỉa, cậu ta bị thương mới đi điều trị về. Nhờ nghe cậu ta nói lại, Khuê mới biết tin chị gái mình hiện đang phục vụ ở một trạm phẫu thuật, cũng ở gần đây. Như thế là chị anh đã theo học xong lớp y tá, hình như lớp học ấy giữa chừng phải rút ngắn để tung học sinh phục vụ chiến dịch.

Khuê kể với Kinh tất cả chuyện riêng của mình. Khuê nhận thấy con mắt bị thương của Kinh phản chiếu ánh hóa pháo bên ngoài, nom lóng lánh như có một màng nước, đang nhìn đăm đăm vào một chỗ. Cặp mắt hẹp và sắc sảo của Khuê soi vào cái nhìn ấy thấy một cái gì hết sức sâu xa khiến Khuê tưởng như lâu nay Kinh vẫn dùng chính con mắt bị thương kia để nhìn thấu vào lòng từng người.

– Ông Khuê ạ – Kinh nói rất rõ – Chúng mình đều biến đau thương thành hành động. Tôi thường nghe nói có nhiều người không hiểu vì sao chúng ta có thể chiến đấu với thằng Mỹ với một tinh thần cao như thế này, riêng chúng mình thì chúng mình hiểu… Ông Khuê, người chị của ông đi bộ đội từ bao giờ?

– Chị ấy mới được chuyển sang bộ đội. Trước kia là thanh niên xung phong.

– Lâu chưa?

– Từ trước khi tôi đi bộ đội. Ngày đó chị ấy làm cấp dưỡng đường dây.

-Ngày đó, con gái trên Trường Sơn còn hiếm lắm.

Khuê cũng muốn chấm dứt câu chuyện riêng tư của mình, anh hỏi Kinh:

– Cậu Lữ có gửi thư sang cho thủ trưởng không?

– Không có gì hết – Kinh chợt cười vui vẻ – Cái thằng con trai tệ đến thế!

– Chúng ta đi được rồi thủ trưởng ạ! – Khuê vừa nói xong, Kinh đã đứng dậy, hai người bước qua vạt đất mấp mô đầy những hố đạn đại bác tiến ra con đường hào trục.

Kinh bước trong một đoạn chiến hào hẹp và nông như một luống cày. Ông nhận ra vệt giao thông hào hồi trung đoàn mới đặt nhát xẻng đầu tiên. Bóng các chiến sĩ đi đào chiến hào diễu qua trước mặt hai người cứ im lìm như những cái bóng gan góc. Màn sương vàng khè ánh đèn dù. Kinh bước dò dẫm theo sau Khuê, những ý nghĩ đang hỏi ông sau mỗi bước: “Người chiến sĩ nào đã đặt nhát xẻng đầu tiên, và ai đang đào tiếp những tấc chiến hào chui mỗi ngày một sâu vào tận hàng rào? Đâu là những khuôn mặt của người anh hùng vô danh đang trộn mình trong đất”?

Một ngôi sao li ti ánh sáng xanh biếc chợt hiện ra như con mắt ướt nhấp nháy nhìn xuống mặt đất. Những vì sao bị che khuất sau màu trắng của màn sương đêm dày đặc. Một tia lửa vàng chói từ nòng súng bắn tỉa xé sương bay vụt về phía hàng rào địch. Những ánh chớp ngang chéo phát ra từ những miệng súng trường và súng máy của địch bắn ra ngoài. Bầu trời vẫn ùng ục tiếng động cơ máy bay B.57, tiếng phản lực vòng rít, tiếng những “thằng” trinh sát vọ ve. Giữa những tiếng động ấy, lại chợt nghe tiếng phát thanh của địch trong căn cứ: ” – Cái thứ tiếng Anh nghe ở đây như tiếng chó sủa phát ra từ một cái hầm tối tăm”, “- Không biết có một thằng địch nào vừa bình luận đến hóm hỉnh: Cái mỏ neo Khe Sanh này đã trở thành một miếng pho mát”, “- Mấy tháng trước đây, thằng Giônxơn bắt bọn tướng tá ký giấy cam kết giữ vững Tà Cơn. Tà Cơn là đây?”. Những ý nghĩ đứt nối, ngổn ngang trong óc Kinh như những viên đạn bị xới tung trong cái hộp đạn nhưng đều để bắn vào một cái đích. Mọi ý nghĩ đều dẫn ông quay trở về với những người chiến sĩ của mình. Kinh ngầm dự đoán ý đồ sắp tới của trên đối với cái tập đoàn chiếm đóng này. Rồi trên sẽ điều tới đấy những trung đoàn, những sư đoàn mạnh và nguyên vẹn. Số phận quân địch sẽ được quyết định ở bước cuối cùng. Nhưng bước đường đi của bất cứ một đơn vị nào khác đều phải lấy dấu chân những người lính trung đoàn 5 in trong chiến hào ở đây làm điểm xuất phát xung phong.

Xác lính Mỹ chết thui vẫn còn nằm la liệt co quắp bên mép các chiến hào. Kinh đi qua những cái xác, mùi xác chết và mùi nước hoa trộn lẫn khăm khăm.

Trăng thượng tuần đã đứng trên đầu cửa “chốt”. Mảnh trăng như cái vành mòn sáng loáng chung quanh một cái lưỡi xẻng lờ mờ tối. Khuê dẫn Kinh đến một đoạn chiến hào tiền duyên. Lẫn trong tiếng động cơ bên trong hàng rào có tiếng nói thì thầm, tiếng rất nhiều lưỡi xẻng đang xén vào đất. Bóng chiến sĩ thấp thoáng. Những cái đầu đội mũ sắt nhấp nhô ẩn hiện. Những bàn chân, những bàn tay, những khuôn mặt trong bóng tối. Những hơi thở cố nén.

– “Xê 4” ở đây hở các ông? – Tiếng thì thào của Kinh nghe cũng đã rất to.

– Ai như tiếng thủ trưởng Kinh hả?

– Các ông có khỏe không? Đánh tốt không?

– Thủ trưởng khỏe không? Đánh được, Mỹ chết nhiều lắm!

– Tốt! Tốt!

– Thủ trưởng nói be bé chứ!

– Tốt. Các ông có khát không?

– Thủ trưởng nói be bé thôi!

– Mình mang mấy bi đông rau tàu bay lên đây các ông ạ!

Khuê dẫn Kinh đi qua khu vực trận địa bộ binh để sang các khẩu đội hỏa lực phối thuộc.

Vành trăng quay nửa vòng, đang mài trong sương.

Vẫn tiếng xẻng dũi đất. Xác một tên lính Mỹ nằm chắn ngang con hào. Một đoàn chiến sĩ từ phía dưới lên, lưỡi xẻng giắt chúc bên dây lưng to, mặt xẻng úp vào lưng. Không biết ở một cái hầm nào đó có tiếng người nói chuyện. Lòng hào mấp mô. Một loạt tọa độ rú phía sau, ánh chớp chiếu hắt lên cái xác lính Mỹ xanh như mắt ma, Khuê nhảy tới nằm đè lên người Kinh, nghe mảnh đạn cắm phầm phập ở một chỗ nào đó, Khuê vội vàng dắt Kinh đến một cái hầm ếch. Phía bên cạnh lại nghe tiếng cuốc bổ vào đất và một anh nào kêu: “Có thằng nào bị thương vào mắt loạt bom vừa rồi phải dắt kia kìa!”

Bên ngoài liền có tiếng đáp: “Mình lên thăm các ông đây. Mình là Kinh đây!”.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN